Thiên Thần (Angel)

Chương 5

Chiều hôm ấy, khi Rosie đi thơ thẩn quanh căn hộ để đợi Kevin gọi điện thoại đến, nàng nhận thấy căn hộ không có gì thay đổi nhiều so với lần nàng có mặt ở đây hai năm trước.

Rosie đến căn hộ này lần đầu tiên vào năm 1967. Nàng và Nell gặp nhau vào mùa xuân năm ấy, hai người kết nhau liền, có lẽ họ nhận ra nhau người nào cũng có tinh thần độc lập, và sau khi mới gặp nhau lần đầu, nàng liền được người bạn mới mời đến ăn cơm vào ngày Chủ nhật.

Ngay khi bước vào căn hộ rộng lớn có phần nào ngoắt ngoéo nằm trên đại lộ Công viên, nàng cảm thấy thoải mái liền, và với con mắt sành điệu, nàng nhận ra rằng người trang hoàng ngôi nhà này có kiến thúc về đồ cổ, và có tài trang trí, nếu không muốn nói là có khiếu thẩm mỹ.

Người có khiếu thẩm mỹ này hóa ra là cô Phyllis của Nell, em gái của bố cô ta, người đã sống với hai bố con từ khi Nell mới 10 tuổi, khi mẹ cô, Helen Treadles Jeffrey, chết vì bệnh u não. Vào tháng tám năm 1976, khi ông Adam Jeffrey, bố của Nell, được tòa báo ông đang làm là tờ London Morning News (Tin sớm Luân Đôn), chỉ định làm phóng viên chính ở Mỹ, chuyển đi, cô em gái đã cùng theo ông sang New York. Bà ta tìm ra căn hộ này tương đối nhanh, và bắt dầu trang hoàng nhà cửa ngay, không để mất một chút thời gian nào. Khi Nell đến đây vào lễ Giáng sinh, sau khi rời khỏi trường nội trú ở Anh với loại ưu, căn nhà đã hoàn toàn giống y hệt căn nhà duyên dáng ở Luân Đôn trước khi họ dọn đi.

Trong chuyến viếng thăm lần đầu ấy, Nell đã cho Rosie biết rằng hầu hết những đồ xưa mỹ miều của

Anh và Pháp mà nàng đang say sưa ngắm nhìn, đều được chở từ nhà của họ ở Chelsea sang. Nell còn cho biết rằng, cô Phyllis đã nghiên cứu một số vải vóc đẹp ở New York và những ngôi nhà có giấy dán tường, bà chỉ lựa một số giấy dán tường đẹp nhất mà thôi, và chỉ chọn nhũng thứ lụa tuyệt đẹp của Pháp, những thứ vải in hoa sặc sỡ của Anh và những hàng thêu để tạo ra khung cảnh mà nhờ đó bà được nổi tiếng ở Luân Đôn, nơi bà được xem là một nhà trang trí nội thất có tiếng tăm.

Bỗng ông Adam Jeffrey đột tử vì bệnh đau tim vào năm 1979, khi mới 52 tuổi. Nell và người cô ở lại New York, ở đây người cô nổi tiếng là một nhà trang trí nội thất lỗi lạc và có nhiều khách hàng giàu có tiếng tăm. Mãi cho đến năm Nell được 23 tuổi, cô Phyllis mới quyết định trở về Luân Đôn vĩnh viễn, để cô cháu gái ở lại một mình tại New York.

Vào lúc này, Nell đã có công việc ổn định, hầu hết bạn bè của cô đều ở lại thành phố, và đương nhiên là cô không muốn rời khỏi Manhattan, nơi cô đã sống sáu năm trời, là nơi cô hoàn toàn có hạnh phúc và như ý. Bố của Nell có di chúc để lại ngôi nhà ở đại lộ Công viên cho cô, cô tiếp tục ở đấy, thay đổi rất ít những đồ trang hoàng trong nhà qua bao nhiêu năm trường, vì cô yêu thích lối trang hoàng như thế bấy lâu nay.

Với Rosie, phòng đẹp nhất, dễ chịu nhất trong ngôi nhà là cái thư phòng nhỏ nhắn do cô Phyllis trang hoàng thật đẹp đã nhiều năm rồi. Tường thư phòng sơn màu vàng cam, nền phòng trải một tấm thảm gai màu đen pha xanh, các màn che cửa sổ bằng vải hoa màu sặc sỡ, chiếc trường kỷ cũng bọc bằng vải này, ngoài ra trong phòng có nhiều thứ đồ cổ của Anh. Trên kệ sách sơn màu trắng kê dọc theo một bức tường dài, có nhiều sách xếp chen lẫn với những hình thú vật nuôi ở Staffordshire Anh quốc, những tạp chí mới xuất bản và nhật báo được sắp xếp trên nhiều chiếc bàn con.

Rosie ngồi uống trà trong phòng này vào lúc 5 giờ sáng, nàng mở ra- đi- ô ra nghe, và ngồi nghỉ ngơi trên trường kỷ với tờ New York Thời báo. Khi đọc xong tờ báo uống hết tách trà, nàng ngồi tựa người ra lưng ghế, nhắm mắt lại thả hồn vào suy tư, cầu sao Kevin gọi điện thoại đến. Hồi nãy khi đi mua hàng trở về, việc đầu tiên nàng làm là kiểm tra phần nhắn tin trên điện thoại của Nell. Không có tin tức gì nhắn lại trên máy, nàng rất thất vọng.

Nhạc êm dịu trên máy ra- đi- ô ru ngủ nàng, nàng ngủ chập chờn một lúc. Nhưng khoảng 20 phút, hay quá một chút, nàng bỗng giật mình tỉnh dậy, cảm thấy ngơ ngác lạ lùng, nàng vùng người ngồi thẳng lên, phân vân không biết mình ở đâu, hoàn toàn không nhớ ra mình ở đâu, phải mấy giây sau nàng ngồi tĩnh trí, nhớ mình đang ở nhà của Nell tại New York.

Lắc đầu cho tỉnh táo rồi đứng lên, Rosie mang tách dĩa xuống bếp, nàng rửa tách dĩa, lau khô và cất vào tủ.

Nàng đứng giữa nhà bếp lớn rộng sơn màu xanh trắng, ngần ngừ một hồi, rồi bước đến tủ lạnh, nhìn vào tủ xem chị Maria đã để lại thức ăn gì cho nàng. Nàng thấy có thịt bê hầm với rau trông rất ngon lành trong một cái âu thủy tinh đậy kín, lại còn có thịt gà quay ướp lạnh, một số thịt ngon đã được cắt ra, nhiều xà lách, một cái bánh và phô- mát ngon để trên kệ cạnh đấy. Rõ ràng khi đi nghỉ cuối tuần, chị Maria lo cho nàng khỏi đói trong lúc chị vắng mặt. Rosie nghĩ rằng, nếu nàng không nghe được điện thoại của anh nàng, chắc nàng không còn lòng dạ nào ăn uống nữa; có thể nàng ăn quấy quá chút ít rồi ngồi xem ti vi.

° ° °

Khoảng 6 giờ 30, Rosie bắt đầu thấy lo lắng hơn bao giờ hết, vì vẫn không có tin túc gì của Kevin, rồi ngay khi nàng định gọi anh thêm một lần nữa, thì chuông điện thoại reo. Nàng nhấc ống nghe lên, hy vọng nghe giọng anh, và nàng đã quá đỗi vui sướng khi nghe đúng là giọng anh trên máy.

- Xin lỗi em, Rosie. Anh không thể gọi cho em sớm hơn được - anh phân trần, sau khi chào hỏi nàng hết sức thương mến. - Suốt tuần anh không rảnh được chút nào. "Bận việc". Anh vừa mới nhận mấy lời nhắn của em, cưng à.

- Em hiểu, Kevin à - nàng đáp nhanh, nàng rất sung sướng khi nói chuyện với anh, nàng liền quên hết những nỗi lo lắng buồn phiền hồi nãy. - Em hy vọng sẽ đến thăm anh đấy. "Công việc" của anh đã... xong chưa?

Kevin ngần ngừ, nhưng chỉ một thoáng sau anh liền đáp:

- Loại công việc... Thôi, được rồi, em cứ đến, anh cũng muốn gặp em. Thực vậy, anh không đợi được.

- Vậy khi nào chúng ta gặp nhau, Kevin? - Tối nay nhé? Anh có rảnh không?

- Tất nhiên là rảnh.

- Chúng ta gặp nhau ở đâu? Hay anh muốn đến đây?

- Không, chúng ta ra ngoài thôi. Gặp ở nhà hàng Jimmy được không? Em nghe có được không?

- Như thời xa xưa chứ gì! - Nàng reo lên, cười.

- Anh cười khúc khích trong máy. - Bảy giờ rưỡi có quá sớm cho em không?

- Không, không sớm đâu. Em sẽ gặp anh tại nhà hàng Neary trong một giờ nữa.

Gác điện thoại, nàng chạy vào phòng ngủ để trang điểm lại và bới chải tóc tai. Giống Gavin, anh trai nàng thường la rầy nàng khi thấy nàng có vẻ mệt mỏi hay là cẩu thả bê bối, nàng muốn tránh cảnh anh nàng la nàng về việc này.