Thiên Thần (Angel)

Chương 9

Ngôi nhà tọa lạc trên một sườn đồi cao, cây cối um tùm ở vùng Benedict Canyon, nhìn xuống Bel- Air.

Đây là một ngôi nhà cổ, xây dựng từ thập niên 30 và thời Holywood đang vào lúc cực thịnh. Mặc dù kiểu mẫu lấy từ thời thuộc địa Tây Ban Nha, nhưng nội thất thì đã canh tân lại theo kiểu nhũng năm 1950 do một nhà sản xuất phim danh tiếng cùng bà vợ minh tinh điện ảnh. Họ mang vào ngôi nhà xây theo kiểu trải rộng êm ả này một khiếu thẩm mỹ độc đáo thêm vào các khung pa- nô gỗ đẹp đẽ, những lò sưởi xinh xắn và những khung cửa sổ rộng từ nền nhà đến trần, dùng cảnh vật bề ngoài như một phần trang trí trong nhà.

Những hành lang bao quanh nhà rợp bóng mát, những khu vườn đầy hoa với tượng điêu khắc và vòi nước phun, còn có hồ bơi là những yếu tố phụ thêm làm tăng vẻ đẹp của khu nhà.

Đối với Johnny Fortune, ngôi nhà trên đồi, như anh thường gọi thế, là một nơi kỳ diệu, và anh yêu ngôi nhà hơn bất cứ đồ vật gì khác, ngoại trừ cây đàn ghi ta mà cậu anh cho khi anh còn bé. Ngôi nhà có nét riêng biệt rất khác những nhà khác, trông rất lịch sự, và hoàn toàn không có vẻ kiểu cách. Phòng ốc trong nhà thoáng đãng cân đối trông rất đẹp, mát mẻ và sáng sủa, phòng nào cũng có lò sưởi xinh xắn - ngay trong phần nhà có hồ tắm cũng có một lò sưởi.

Điều quan trọng nhất là ngôi nhà tuy đã được tân trang vào thập niên 50, nhưng nó vẫn không mất đi nét đẹp xưa. Ngôi nhà vẫn giữ nét tinh tế của kiểu mẫu từ thời nhà sản xuất phim và vợ ông ta tạo ra. Tất cả những gì họ đã làm ra đều có vẻ mỹ thuật hoàn hảo, những người chủ về sau đã tế nhị không thay đổi gì ở phần nội thất xinh đẹp cũng như phần ngoài.

Bất kỳ khi nào anh ở tại ngôi nhà trên đồi, Johnny cũng cảm thấy lâng lâng sảng khoái; có thể nói anh cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc. Nhiều yếu tố làm cho anh có cảm giác ngôi nhà đã xinh đẹp, còn ấm cúng và sang trọng, nó có một lịch sử tuyệt vời, nhiều chủ nhân trước là những nhân vật danh tiếng và quan trọng, kể cả Greta Garbo đã có một thời ở đây. Và, góp vào phần lớn lao những yếu tố làm cho Johnny hạnh phúc, phải kể đến uy tín của người ở trong ngôi nhà này, đây là điều làm cho anh hết sức thỏa mãn.

Johnny không bao giờ nghĩ là anh lại được ở trong một ngôi nhà như nhà này, ngay cả trong những giấc mơ đẹp nhất cũng không có được, và khi nhớ đến những ngày mới vào đời, anh lại càng không bao giờ tin được chuyện này.

Johnny Fortune chào đời năm 1950 với tên là Gianni Fortunano, lớn lên trên những đường phố đông đúc ở vùng Hạ Manhattan, còn nhà của anh là một căn hộ chật chội tối tăm ở đường Mulberry, anh sống ở đây với ông cậu và người mợ, Vito và Angelina Carmillo.

Cha anh, Roberto Fotunano. Anh không bao giờ biết mẹ anh, bà Gina, anh chỉ nhớ lờ mờ. Sau khi người mẹ chết đi, lúc ấy anh mới 5 thôi, cậu Vito, em trai của mẹ anh, trở thành cả cha lẫn mẹ anh cho đến khi anh được 15 tuổi. Khi ấy anh phải bỏ học, và anh biết anh sẽ không bao giờ vào đại học được.

Và thế là đường phố ở New York trở thành trường đại học của anh, đồng thời cũng là trường mẫu giáo của anh. Mới bước vào tuổi thiếu niên, anh đã phải tìm cách mưu sinh, phải học khôn ngoài đường, phải luôn luôn lo lắng cảnh giác, phải đề phòng mọi người và mọi thứ xảy ra quanh mình.

Nhưng Johnny không phải là một thằng nhóc đường phố điển hình, khôn ranh mất dạy, miệng mồm táo tợn và thái độ hung hăng, chú ta cũng không phải là tên du côn dữ dằn nguy hiểm, luôn luôn gây rối hay làm mất trật tự trị an. Cậu Vito của chú bé đã canh chừng chú.

Johnny lại còn may mắn là có tài đặc biệt, cái tài làm cho anh khác xa với những chú nhóc đường phố khác, đã đưa anh ra khỏi cuộc sống bình thường, và nhờ thế, anh khỏi hư hỏng. Cái tài ấy là giọng ca. Giọng ca của anh du dương êm ái, trong veo làm nức lòng người, khiến cho bạn đồng nghiệp của cậu anh và các bạn trai đều thích nghe, mê nghe kinh khủng, mỗi khi anh hát xong, họ hoan hô nhiệt liệt và thưởng tiền cho anh một cách rộng rãi vô cùng.

Mọi người đều tuyệt đối nói với Johnny rằng anh hát như một thiên thần. Cậu Vito nói, giọng anh là món quà Chúa ban, và anh phải trân trọng món quà ấy phải cám ơn Chúa về món quà ấy. Anh nghe theo lời cậu anh.

Có lúc chàng trai Gianni định lấy biệt hiệu là Johnny Thiên thần, phỏng theo bài ca nổi tiếng có nhan đề như thế. Nhưng cuối cùng anh lấy tên Johnny. May mắn, anh đã Anh hóa họ của mình, với hy vọng điềm may sẽ đến. Mà té ra điềm may đến thật, mặc dù Johnny đã phải mất nhiều năm trời may mắn mới hoàn toàn đến với anh.

Bây giờ là đêm tháng 11 lạnh lẽo, anh cố quên đi quá khứ Johnny đang nghĩ về tương lai - nói chính xác là năm sắp đến. Với anh thì tuồng như năm 1992 đã biến mất trước khi nó bắt đầu, với những chuyến lưu diễn hòa nhạc ở nước ngoài đã lên kế hoạch rồi, cộng thêm những đợt thu băng dài ngày vào bộ đĩa mới, do ông quản lý của anh đã làm hợp đồng với hãng ghi băng ở New York rồi. Sau lễ Giáng sinh, anh không còn thì giờ rảnh rỗi dành cho mình nữa, mà hai tháng sắp đến coi như đã xong.

Johnny thấy buồn vì càng thành công bao nhiêu, anh lại ít có thì giờ cho mình bấy nhiêu. Nhưng anh thích làm việc hết mình, làm việc đến mệt mỏi, quá sức hơn là nhàn nhã, không giao tiếp bên ngoài hay là nghĩ đến đời tư, mà anh thì giàu và danh tiếng. Anh hoàn thành tốt đẹp nhung việc anh vạch ra, anh đạt được các thứ anh muốn ...

Thở dài nhè nhẹ, Johnny mỉm cười châm biếm, anh lướt mấy ngón tay dài, thon đẹp lên phím chiếc đàn pianô lớn hiệu Steinway, chơi bài anh ưa thích nhất, bài hát mà anh đã xem như bài ruột từ lâu. Đó là bài You and Me, We Wanted It All (Em và anh, Ta muốn hết thảy) lời và nhạc của Carol Bayer và

Peter Allen.

Bỗng anh dừng chơi, từ từ quay người trên ghế và ngồi yên lặng nhìn ra phòng khách. Anh đưa mắt nhìn quanh. Như mọi khi, anh không thể nào không ngắm, mặc dù đã sống ở ngôi nhà trên đồi được bốn năm rồi, và vẫn sung sướng khi ngắm nhìn, chiêm ngưỡng phòng khách này...

Một số đồ đạc trong phòng khiến anh thích ngắm nhìn kinh khủng. Những thứ anh thích ngắm nhìn kinh khủng này là bộ tách sưu tập mà anh đã tậu được từ khi dọn đến ở đây vào năm 1987.

Các phòng Johnny đang ngắm thật đẹp, hầu hết được trang trí rất hài hòa duyên dáng. Nổi bật lên hết là màu kem hòa lẫn màu gỗ thẩm, cùng với màu sặc sỡ từ các tác phẩm hội họa, các bìa sách, và số hoa mới cắt rực rỡ cắm trong các bình và tô thủy tinh.

Một tấm thảm màu kem nhạt trải trên nền nhà đánh bóng màu xám giữa phòng trước lò sưởi, hai chiếc ghế nệm dài màu kem, nệm dày và rộng rãi sang trọng, kê đối diện nhau, ở giữa là chiếc bàn thấp xưa của Trung Quốc bằng gỗ đào hoa chạm trổ. Những chiếc ghế nệm kiểu Pháp thời Vua Louis XV, bọc lụa màu kem có sọc, kê hai bên lò sưởi, và nhiều chiếc bàn xưa bình thường, cùng một chiếc bàn dài có hình nhỏ do Brancusi chạm trổ và một độc bình bằng đá ba- san màu đen cắm hoa. Tất cả đều đắm mình trong ánh sáng êm dịu của những ngọn đèn bằng sứ có chụp lụa.

Nhưng chính những bức tranh mới gợi sự chú ý và ưa nhìn - bức phong cảnh Sisley treo trên lò sưởi, những bức tranh của Rouault và Cézanne treo trên tường ở đằng xa, và hai bức xưa nhất của Van Gogh treo trên tường sau chiếc đàn piano.

Căn phòng hoàn toàn mỹ thuật. Anh không sáng tạo nên căn phòng này, mà cũng không sáng tạo nên nơi nào trong nhà hết, thật vậy. Chính là do bàn tay của Nell, với sự giúp sức của một nhà thiết kế nội thất, Nell tìm ra ngôi nhà, đi mời người thiết kế, rồi tạo ra khung cảnh trạng thái và chính vùng chung quanh rất đặc biệt đã ngấm vào, ảnh hưởng đến căn phòng.

Mỗi vật Johnny nhìn vào đều có dấu vết của Nell ở đấy vì nàng đã cùng với anh chọn lựa các vật ấy. Toàn bộ ngôi nhà đều mang màu sắc thẩm mỹ của Nell, nhưng anh không cần, không lưu ý đến; anh yêu khiếu thẩm mỹ của nàng. Quả vậy, anh lấy khiếu thẩm mỹ của nàng làm khiếu thẩm mỹ của mình.

Johnny lấy làm sung sướng, bây giờ anh có thể biết được cái gì là tuyệt đẹp và cái gì là hạ cấp. Anh đã biết đánh giá cái gì có chất lượng và kiểu mẫu nào đẹp, không những chỉ trong hội họa và đồ gỗ thôi, mà trong bất cứ cái gì, và anh tự hào về kiến thúc mà anh mới tạo được này.

Ngay cả áo quần anh mặc cũng được thay đổi kể từ khi Nell trở thành thành viên trong nhóm cùng anh làm việc. Anh thích bề ngoài của mình độ sau này - nghiêm trang hơn và ăn mặc đẹp hơn trước nhiều. Nell đã tạo anh thành hình ảnh mới.

Johnny đứng lên, đi qua căn phòng và đứng xây lưng vào lò sưởi, công nhận rằng trước khi gặp Nell Jeffrey anh chỉ rành có một việc, đó là âm nhạc. Và mọi người đều chấp nhận khiếu âm nhạc của anh quá hoàn hảo. Anh không bao giờ vấp váp sai lầm trong âm nhạc.

Việc anh không rành về hội họa và đồ cổ không đáng ngạc nhiên chút nào hết. Nói tóm lại là anh không tiếp xúc nhiều với các thứ ấy. Mợ Angelina treo đầy căn hộ nhỏ xíu ở đường Mulberry những bức tranh hoa hòe hoa sói về Đức Chúa Jésus và các vị Thánh, những thập tự giá và tượng thạch cao về tôn giáo với màu sắc kỳ quái. Sau khi mợ ấy chết đi, cậu Vito không đụng đến các thứ ấy, có lẽ cậu quá thương yêu và kính nể bà vợ đã quá cố.

Khi Johnny rời khỏi căn nhà nhỏ nơi anh và ông cậu đã ở, anh sống lang bạt nhiều năm trời, tá túc trong những khách sạn rẻ tiền hay những khách sạn lòe loẹt ở Hollywood, Vegas, Atlantic City và Manhattan, và những nơi này không phải là những nơi lý tưởng cho anh học hỏi về hội họa và những thứ quí giá.

Johnny cười một mình khi đi qua phòng khách ra ngoài tiền sảnh rộng thênh thang, đi vào phòng ăn. Anh đang nghĩ đến cậu Vito, anh biết nếu cậu anh thấy được ngôi nhà lịch sự này, thế nào cậu cũng cao chạy xa bay, đến một khách sạn rẻ tiền gần nhất để khỏi ngượng ngập lúng túng.

Cách đây bốn năm, khi anh dọn ra miền biển lần đầu, anh có mời cậu Vito đến chơi một chuyến, nhưng ông già từ chối. Anh không ép cậu anh mà cũng không mời cậu lần sau đến. Cậu anh không thích hợp với nơi này, chỉ đơn giản là vì ngôi nhà chắc sẽ làm cho ông không được thoải mái, và Johnny thì không muốn thấy cậu anh bực bội. Cậu Vito có thể không phải là người cậu ruột tuyệt vời lắm, nhưng ông ấy đã làm hết khả năng mình, và Johnny biết rõ ông già luôn luôn thương yêu anh như con, đứa con mà ông không bao giờ có.

Johnny đứng trên ngưỡng cửa phòng ăn nhìn vào, phòng trang hoàng những màu mát mắt, màu mơ chín và màu kem, điểm một ít màu đỏ tươi mâm xôi. Phòng trưng bày giản dị, một cái bàn ăn xưa bằng gỗ thủy tùng từ miền Nam nước Pháp, kê quanh là những chiếc ghế có lưng dựa cao bằng gỗ anh đào chạm trổ. Một cái tủ lớn thật trang nhã và một tủ chè, cũng làm bằng gỗ anh đào, kê sát vào tường, còn những bức tranh do nhà họa sĩ màu nước người Anh vẽ, ngài William Russell Flint, thì treo trên tủ chè.

Đêm nay cái bàn ăn bằng gỗ lên nước lấp lánh cùng đồ dùng bằng bạc của Anh, đồ sành sứ và thủy tinh tuyệt xảo nhất. Những đóa hồng nở rộ màu rượu sâm banh tỏa hương thơm ngào ngạt cắm đầy chiếc tô bằng bạc để giữa bốn cái chân đèn bằng bạc cắm đèn cầy màu kem, hai bên để hai cái chân đĩa lớn chất đầy trái cây tráng miệng.

Trên bàn, để ba bộ đồ ăn, khi nhìn vào, Johnny cảm thấy lòng buồn bực. Nếu đêm nay mà Nell đến một mình như dự kiến ban đầu của anh, thì chắc anh cảm thấy thích thú hơn. Đằng này, nàng lại đem theo một người bạn nữa. Có nhiều chuyện anh muốn nói với nàng, không chỉ những chuyện theo kế hoạch dành cho năm sắp đến mà thôi, cho nên có thêm một người lạ nữa, thế nào anh cũng phải dè dặt không nói hết - Ít ra cũng không thoải mái nói được.

Bây giờ nghĩ đến chuyện sẽ gặp người bạn của Nell, anh lại thấy lòng mất vui. Nhưng hôm qua vào lúc ăn trưa, anh đã đồng ý mang theo một người bạn, ấy chính là lỗi của anh. Trước mắt, anh không thể làm gì thay đổi được.

Quay người rời khỏi ngưỡng cửa, Johnny đi qua tiền sảnh rộng mênh mông, nhẹ nhàng bước lên thang lầu để đến phòng ngủ, anh bước từng hai cấp một. Giống những phòng ở tầng dưới, phòng ngủ rộng rãi, đầy ánh sáng, một khung cửa sổ lắp kính khổng lồ chạy từ trần nhà xuống đến nền nhà, biến cảnh sầm uất bên ngoài thành một bộ phận của cảnh trí trong nhà.

Gian phòng được trang hoàng đồ đạc xưa mộc mạc của Pháp làm bằng gỗ anh đào và bằng các thứ gỗ quí khác, đồ đạc được sơn màu sắc giống màu ở các phòng tầng dưới. Màu kem, màu cà phê sữa, màu vàng bơ lẫn lộn với màu vàng nhạt và màu hồng, tất cả đều bắt nguồn từ màu trên tấm thảm Aubusson đẹp đẽ trải trên nền nhà, nguồn cảm hứng cho các màu sắc khắp phòng ngủ.

Johnny cởi chiếc quần dzin màu xanh, chiếc áo thun và đôi giày đế mềm bằng da lộn màu nâu ra, anh vào phòng tắm để tắm dưới vòi sen. Mấy phút sau, anh bước ra khỏi phòng tắm, lấy khăn tắm vấn quanh người, rồi đưa tay lấy cái khăn nhỏ hơn để lau tóc.

Johnny Fortune đã 38 tuổi. Người anh thanh mảnh, dẻo dai và khỏe khoắn. Anh bơi lội nhiều, khi nào tiện anh lại đến phòng thể dục, và giữ gìn cách ăn uống. Vóc dáng anh cân đối, mặt nhạy cảm, rất chóng biểu lộ vẻ mệt mỏi ra ngoài, và khi anh mệt mỏi, trông anh có vẻ già hơn tuổi rất nhiều.

Sau khi đã dùng máy sấy sấy khô mái tóc nâu ngả vàng, anh chải tóc ra sau, đứng sát vào gương, nhăn mặt khi nhìn thấy bóng mình. Những vết trác táng đêm qua hiện ra rõ ràng trên mặt anh. Những vết tím nhạt hiện ra dưới hai mắt như những vết bầm lờ mờ, trông anh như kẻ thiếu ngủ. Mà anh thiếu ngủ thật. Đấy là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, anh đã ngu ngốc uống quá chén anh uống quá nhiều rượu vang đỏ trong bữa ăn tối với người bạn, Harry Paloma ở nhà hàng La Dolce Vita tại Little Santa Monica.

Thậm chí anh còn ngu ngốc hơn nữa là mang một cô vô công rồi nghề về phòng khách sạn rồi ngủ với cô ả, cô này cứ lẽo đẽo theo anh về căn hộ anh đang giữ thường xuyên ở khách sạn. Anh không bao giờ mang gái về ngôi nhà này. Ngôi nhà là chốn thiêng liêng. Cho nên anh đã thuê một phòng dài hạn ở khách sạn; chính nơi đây anh làm tình với những phụ nữ gặp gỡ ngoài đường, nhưng gần đây, chuyện này xảy ra không mấy thường xuyên. Đêm qua anh đã khôn ngoan khi hành lạc, tốt dấy, anh nhớ vào phút thót, anh đã mang bao cao su vào, Gordy Lanahan, người điều hành công việc cho anh vừa mới chết vì bệnh AIDS, bệnh nguy hiểm đến tánh mạng này là một bóng ma thường xuyên ám ảnh anh.

Cất cái khăn tắm đi, Johnny băng qua phòng ngủ, vào phòng trang điểm rộng lớn cạnh đấy. Phòng này cũng có kích cỡ lớn bằng phòng ngủ; phòng trang điểm kê đầy giá móc áo quần đắt tiền, do các thợ may danh tiếng ở Luân Đôn, Paris và La Mã cắt may; những chiếc tủ cửa toàn bằng mi- ca trong suốt chứa nhiều áo sơ mi hảo hạng, với áo ấm tay dài bằng len, lụa và ca- sơ- mia cùng áo tròng đầu. Những đôi giày da tốt nhất đánh xi láng bóng và nhiều đôi bằng da lộn sắp trên các giá ở bên dưới những bộ com- lê và áo vét thể thao, những chiếc cà vạt bằng lụa treo trên những giá nhỏ hơn kê sát vào một bức tường.

Một lát sau, Johnny lục trong số áo quần thường mặc, anh chọn một chiếc quần màu xám thẫm bình thường và một cái áo gió đen bằng ca- sơ- mia, một sơ mi bằng voan Thụy Sĩ màu xanh nhạt và một chiếc ca vạt bằng lụa xanh. Anh mặc nhanh áo quần vào, rồi mang một đôi giày da đen và tìm một khăn lụa nhét vào túi áo trên ngực.

Xong xuôi, Johnny mau mắn đi nhanh xuống thang lầu sợ Nell Jeffrey đến bất chợt.