Thiền và sức khỏe

THIỀN VỚI SINH VIÊN

Người trí thức trẻ cần gì trong một thế giới đầy biến động hôm nay? Hơn bao giờ hết họ cần biết suy nghĩ độc lập, có tinh thần phê phán, tầm nhìn rộng mở… và tinh thần tự học, rèn luyện đạo đức bản thân để có cuộc sống hạnh phúc cho mình và cho gia đình, xã hội. Ngày xưa, đào tạo nhằm cung cấp kiến thức càng nhiều càng tốt (informative education), sau đó là đào tạo kỹ năng, để có những chuyên viên biết làm việc trong một lãnh vực hẹp (formative education) còn ngày nay, ở thế kỷ 21 này, đào tạo là tạo nên con người linh hoạt đáp ứng được mọi tình huống (transformative education).

Sinh viên, người trí thức trẻ hiện nay, đa số vẫn còn đang “mê tín” vào khối kiến thức đồ sộ của thế giới phẳng và những thành tựu khoa học kỹ thuật của phương Tây. Nhiều bạn trẻ xa lạ với Thiền, với triết học Đông phương, nhiều bạn trẻ quay cuồng trong cuộc sống với các giá trị thực dụng, chạy theo vật chất để rồi không tìm được một đời sống hài hòa, hạnh phúc như mong muốn. Những vấn đề tình yêu, tình dục, rượu, thuốc lá, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS… và cuộc sống thác loạn với đầy căng thẳng và stress nhiều khi đưa người ta đến chỗ không tự kiểm soát được mình. Thiền, có thể là một giải pháp. Các nghiên cứu, thực nghiệm lâm sàng và sự phát triển ứng dụng thiền ở nhiều trường đại học trên thế giới hiện nay cho thấy Thiền mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên như giúp tăng IQ và EQ, cải thiện khả năng tập trung; giúp bình tĩnh, tự tin, đầu óc sắc bén hơn trong học tập; giúp giải stress, giảm lo âu căng thẳng, cải thiện các mối quan hệ… Cụ thể hơn, thiền giúp có giấc ngủ ngon, bớt nhức đầu, cai nghiện các thói quen xấu ( thuốc lá, cần sa…). Thiền còn giúp giảm đau ốm vặt nhờ tăng sức đề kháng…

Các phương pháp về thiền tập rất nhiều, nhưng phương pháp thiền “Quán niệm hơi thở” có cơ sở khoa học và hiệu quả hơn cả. Từ một cách thực hành đơn giản là “thở bụng” tiến đến “Quán niệm hơi thở” (Anapanasati) và từ đó có thể bước vào những giai đoạn thiền sâu xa hơn như “xả niệm lạc trú”, “xả niệm thanh tịnh”… Nhưng điều quan trọng là giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, cải thiện sức khỏe thể chất, thành công hơn trong học tập và có thái độ sống tốt, để giúp mình và cộng đồng. Điều quan trọng, không nên rơi vào mê tín dị đoan, muốn học thiền để có thần thông chẳng hạn, thì rất dễ “tẩu hỏa nhập ma”. Không nên mỗi mỗi theo “thầy”, bắt chước thầy, vì thầy thường là người đã rèn tập từ lâu - có khi vài chục năm - mà thầy nào cũng nhiệt tâm muốn truyền thụ lại cho trò mau giỏi như mình - nên rất nguy hiểm. Hãy “nương tựa chính mình” vì mỗi người đều có tâm sinh lý, thể chất riêng. Chỉ cần nắm lấy nguyên tắc chung và kiên trì, bền bỉ thưc tập, thể nghiệm.