Thiền và Tâm Phân Học

III. KHÁI NIỆM VỀ NGÃ TRONG THIỀN

Lối nhận thức thực tại của Thiền mà ta có thể định nghĩa là tiền khoa học thì đôi khi phản khoa học trong cái ý nghĩa rằng Thiền vận động hoàn toàn ngược với cái chiều hướng mà khoa học theo đuổi. Như thế không thiết yếu là nói rằng Thiền chống đối khoa học, nhưng chỉ là nói rằng muốn hiểu Thiền người ta phải đứng vào một vị trí mà cho đến nay các nhà khoa học bỏ lơ hay đúng hơn mù tịt cho là “thiếu khoa học”.

Các khoa học đều đồng loạt có tính cách ly tâm, hướng ngoại, và chúng nhìn “một cách khách quan” về phía sự vật mà chúng chọn để nghiên cứu. Như thế cái vị trí mà chúng giữ là giữ sự vật tránh xa khỏi mình và không bao giờ nỗ lực đồng hóa mình với đối tượng nghiên cứu của mình. Ngay cả khi nhìn vào trong để tự quán chúng cũng cẩn thận không phóng ra ngoài những gì ở trong, do đó tự làm mình xa lạ với mình như thể là những gì ở trong không thuộc về mình. Chúng rất sợ trở thành “chủ quan”. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng khi nào chúng ta còn đứng ngoài chúng ta vẫn là những người ngoại cuộc, rằng chính vì lý do ấy chúng ta không bao giờ biết được chính sự vật, rằng tất cả chúng ta biết chỉ là về - thế có nghĩa là chúng ta không bao giờ biết được thế nào là chân ngã của mình. Do đó, các nhà khoa học đừng bao giờ mong đạt đến được ngã, dù họ có muốn cách mấy đi nữa. Dĩ nhiên họ có thể nói nhiều về nó, và họ chỉ có thể làm được thế thôi. Do đó Thiền khuyên ta xoay ngược cái chiều hướng mà khoa học đang theo đuổi nếu chúng ta thực sự muốn làm quen với ngã. Người ta bảo môn nghiên cứu thích đáng của nhân loại là con người, và trong trường hợp này phải coi con người có nghĩa là ngã, bởi vì chính nhân loại chứ không phải thú loại mới có thể ý thức được ngã. Những người mà không khát vọng hiểu biết cái ngã, thì tôi e, phải trải qua một chu kỳ sinh tử nữa. “Tự tri” tức là tri cái ngã của mình.

Tri thức khoa học về cái ngã không phải là chân tri khi nào nó còn khách thể hóa cái ngã. Chiều hướng nghiên cứu của khoa học phải được xoay ngược, và cái ngã phải được nắm từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài. Như thế có nghĩa là cái ngã phải tự tri mà không ra khỏi chính mình. Có lẽ có người hỏi: “Làm sao có thể như thế được? Tri thức luôn luôn hàm ngụ một sự lưỡng phân, chủ thể năng tri và đối tượng sở tri”. Tôi xin đáp: “Chỉ có thể tự tri khi chủ thể đồng nhất với đối tượng; nghĩa là, khi những nghiên cứu khoa học chấm dứt, và từ bỏ tất cả những dụng cụ thí nghiệm của họ, và thú nhận rằng họ không thể tiếp tục những công cuộc khảo cứu của họ chút nào nữa trừ phi họ có thể vượt qua chính mình bằng cách nhảy một cái nhảy thần diệu vào một cõi vực của chủ thể tính tuyệt đối”.

Cõi vực của chủ thể tính tuyệt đối là nơi cái ngã cư ngụ. “Cư ngụ” ở đây không hoàn toàn đúng lắm, vì nó chỉ gợi lên cái phương diện tĩnh của ngã. Mà cái ngã thì luôn luôn vận động và biến thành. Nó là một số không số không này là một cái gì tĩnh chỉ, và đồng thời là một cái gì vô hạn, chứng tỏ rằng nó luôn luôn vận động. Ngã có tính cách năng động.

Có thể so sánh ngã với một vòng tròn không chu vi, như thế nói là sùnyatà, tính không. Nhưng nó cũng là tâm điểm của một vòng tròn như thể ở khắp mọi nơi và bất cứ nơi nào trong vòng tròn. Ngã là cái điểm của chủ thể tính tuyệt đối có thể lột tả cái ý nghĩa bất động và tĩnh lặng. Nhưng vì có thể di chuyển cái điểm này bất cứ nơi nào ta thích, tới vô số địa điểm khác nhau, nó thật ra không phải là điểm. Điểm là vòng tròn và vòng tròn là điểm. Cái phép lạ không thể có này xảy ra khi cái chiều hướng mà khoa học theo đuổi được xoay ngược và biến thành Thiền. Quả thật Thiền là kẻ thành tựu cái bất khả này.

Do đó, vì cái ngã di chuyển từ không đến vô hạn và từ vô hạn đến không, nó tuyệt nhiên không phải là một đối tượng cho những nghiên cứu khoa học. Vì nó là chủ thể tính tuyệt đối, nó thoát khỏi tất cả những nỗ lực của chúng ta muốn định vị nó ở bất cứ một địa điểm xác định khách quan nào. Vì nó quá uyển chuyển và không thể nào nắm giữ được, chúng ta không thể thí nghiệm nó theo bất cứ một lối khoa học nào. Chúng ta không thể đánh bẫy nó bằng bất cứ mỗi vật được cấu tạo một cách khách quan nào. Với tất cả những tài năng khoa học chúng ta không bao giờ thành tựu được điều ấy, bởi vì bản tính của sự vật không ở trong phạm vi tác động của chúng. Cái ngã khi được điều chỉnh một cách thích đáng biết cách tự khám phá mà không phải đi qua tiến trình đối tượng hóa.

Tôi đã có đề cập đến cuốn sách gần đây của de Rougemont, Man’s Western Quest, trong ấy ông mệnh danh “con người” và “máy móc” như hai đường nét làm nổi bật bản chất cuộc tìm kiếm thực tại của Tây phương. Theo ông, “con người” trước hết là một từ ngữ hợp pháp ở La Mã. Khi Thiên Chúa giáo đặt ra vấn đề ba ngôi các học giả tôn giáo này bắt đầu dùng nó theo thần học, như ta thấy trong các từ ngữ như “ngôi trời” và “ngôi người”, hòa giải hài hòa với nhau trong Kitô. Như chúng ta sử dụng từ ngữ này hiện giờ, nó mang một hàm ý đức lý tâm lý với tất cả những ngụ ý lịch sử của nó. Vấn đề ngôi rốt cuộc có thể biến thành vấn đề ngã.

Ngôi người của de Rougemont bản chất vốn nhị nguyên, và trong nó luôn luôn có một thứ xung đột diễn ra. Sự xung đột hay căng thẳng hay mâu thuẫn này chính là cái tạo nên yếu tính của ngôi người, và tất nhiên kết quả là cái cảm giác sợ hãi và bất an ngấm ngầm đi theo mọi lề lối hoạt động mà nó thể hiện. Thật ra, chúng ta có thể nói rằng chính cái cảm giác này đã xô đẩy con người phạm những hành vi mất quân bình của dục vọng và tàn bạo. Cảm tình nằm nơi cội nguồn mọi hành động của con người, chứ không phải là những khó khăn biện chứng. Tâm lý học đi trước, rồi mới đến luận lý và các nhà phân tích, chứ không ngược lại.

Do đó, theo de Rougemont, người Tây phương không thể nào vượt qua cái nhị nguyên tính nằm ngay trong bản tính của con người khi nào họ còn bám vào cái truyền thống lịch sử thần học thiên nhân hay nhân thiên của họ. Chính vì cuộc xung đột nhị nguyên này trong vô thức và kết quả của nó là cái cảm thức âu lo mà họ mạo hiểm vào thời gian cũng như không gian. Họ là những kẻ hoàn toàn hướng ngoại chứ không phải hướng nội. Thay vì nhìn vào bản tính của con người từ trong và nắm lấy nó, họ nỗ lực một cách khách quan để hòa giải những xung đột nhị nguyên mà họ nhận ra trên bình diện của trí năng. Còn về chính con người, tôi xin được trích de Rougemont. Theo ông:

Con người là gọi và thưa, nó là hành động chứ không phải sự kiện hay đối tượng, và sự phân tích hoàn toàn các sự kiện và đối tượng hẳn sẽ không bao giờ đem lại một chứng cớ hiển nhiên về nó. (tr 50)

Con người không bao giờ ở đây hay kia, mà ở trong một hoạt động, ở trong một căng thẳng, ở trong một sự bồng bột cần được tự do hơn để làm căn nguồn của một sự quân bình thoải mái như cái cảm xúc mà một tác phẩm của Bach gây cho ta. (tr 55)

Câu nói nghe hay. Con người đúng thật là cái mà de Rougemont mô tả và tương đương với cái mà các đệ tử Phật hẳn nói về atman, “hoại diệt (visankara)”. Nhưng điều mà các nhà Đại thừa thấy muốn hỏi tác giả của trích văn dẫn ở trên là: “Ông là ai để mà nói tất cả những lời hay đẹp này từ quan điểm khái niệm? Chúng tôi muốn hội kiến với ông một cách đích thân, cụ thể, hay hiện thực. Khi ông nói: ‘Ngày nào tôi còn sống, tôi sống trong mâu thuẫn’, cái ‘tôi’ này là ai? Khi ông bảo chúng tôi là cái mâu thuẫn nền tảng của con người phải được thay thế bằng đức tin, ai là kẻ theo cái đức tin này? Ai là kẻ thể nghiệm cái đức tin này? Ngoài đức tin, kinh nghiệm, xung đột, và khái niệm hóa hẳn phải có một con người sống làm tất cả những thứ ấy”.

Đây là câu chuyện về một Thiền sư một cách trực tiếp cụ thể đặt ngón tay của mình ngay trên con người và cho người tra vấn ngài thấy nó thế nào. Nhà sư mà sau này người ta gọi là Hoàng Bá Hi Vận (tịch 850), một trong những Thiền sư vĩ đại đời Đường. Một lần vị quan sát sứ địa phương đến thăm tự viện dưới khu quản hạt của ông. Vị trụ trì dắt ông đi xem các nơi trong tự viện. Khi họ đến một căn buồng có trưng hình của các vị trụ trì kế nhau, ông quan chỉ chân dung một vị và hỏi vị trụ trì: “Ai đây?”. Vị trụ trì đáp: “Ngài trụ trì quá cố”. Câu hỏi thứ hai của ông quan là: “Đây là chân dung, thế con người ông ta đâu?”. Câu này vị trụ trì không trả lời được. Tuy nhiên, ông quan cứ nằng nặc đòi người ta phải đáp câu hỏi của mình. Vị trụ trì thất vọng, vì ông không tìm ra ai trong nhóm đệ tử của mình có thể thỏa mãn ông quan được. Cuối cùng ông chợt nhớ ra một nhà sư lạ gần đây đến chùa xin ở trọ và hầu hết những thì giờ rảnh chỉ lo quét và giữ sân chùa ngăn nắp. Vị trụ trì nghĩ rằng người lạ này, trông giống một Thiền sư, biết đâu có thể trả lời ông quan được. Người ta gọi nhà sư ấy vào và giới thiệu cho ông quan. Vị này kính cẩn bạch với nhà sư.

“Thưa thầy, rủi thay những vị quanh đây không sẵn lòng đáp câu hỏi mỗ. Vậy ngài có sẵn lòng từ bi để cảm nhận câu trả lời không?”

Nhà sư nói: “Câu hỏi của ông thế nào?”

Ông quan kể cho sư nghe tất cả những gì đã xảy ra và lặp lại câu hỏi: “Đây là chân dung của vị cựu trụ trì thế còn con người đâu?”

Nhà sư lập tức kêu lên: “Này quan!”

Vị quan đáp: “Dạ, thưa thầy!”

“Ông ta đâu?”. Đó là giải đáp của nhà sư.

Các nhà khoa học, kể cả các nhà thần học và triết học, thích khách quan và tránh trở nên chủ quan, bất cứ điều đó có nghĩa là gì. Vì họ khư khư bám lấy cái quan điểm rằng một phán ngôn chỉ đúng khi nó được đánh giá hay xác nhận một cách khách quan chứ không phải được thể nghiệm một cách chủ quan hay riêng tư. Họ quên mất cái sự kiện rằng một con người sống bất di dịch một cuộc đời riêng tư chứ không phải một cuộc đời được định tính theo khái niệm hay khoa học. Dù người ta có đưa ra cái định nghĩa đích xác hay khách quan hay triết lý cách mấy đi nữa, con người cũng không sống cái định nghĩa này mà chính đời sống, và chính đời sống này mới là chủ đề nghiên cứu của con người. Khách quan tính hay chủ quan tính không phải là vấn đề ở đây. Điều quan hệ sinh tử nhất cho ta là tự khám phá ra, một cách riêng tư, xem đời sống này ở đâu, phải sống nó thế nào. Con người tự tri không bao giờ mê lý thuyết hóa, không bao giờ viết sách, không bao giờ bận tâm chỉ dạy người khác, hắn luôn luôn sống cuộc đời độc đáo, cuộc đời sáng tạo tự do của mình. Nó là gì? Nó ở đâu? Cái ngã tự tri từ bên trong chứ không bao giờ từ bên ngoài.

Như chúng ta thấy trong câu chuyện giữa Hoàng Bá và ông quan này, chúng ta thường thỏa mãn với cái hình bóng hay cái tương tự và tưởng tượng rằng con người chết, quên không hỏi câu hỏi gì mà ông quan hỏi: “Đây là hình, thế còn con người đâu?”. Diễn dịch cả câu chuyện bằng lối nói hiện đại của chúng ta; “hiện hữu (kể cả con người) sở dĩ được duy trì là nhờ không ngớt biến chế ra những giải pháp tương đối và những thỏa hiệp thuận lợi. Ý niệm về sinh tử là một giải pháp tương đối và miêu họa chân dung là một thỏa hiệp thuận lợi, tình cảm. Nhưng đối với sự hiện diện của một nhân cách sống động thực sự, thì không có những cái như thế, cho nên câu hỏi của ông quan: “Con người ở đâu?” Hoàng Bá là một Thiền sư và thức tỉnh ông ta ngay khỏi một thế giới khái niệm như mơ bằng tiếng gọi: “Này quan!”. Câu trả lời đến lập tức: “Dạ, thưa đại đức!”. Ta thấy ở đây cả con người nhảy vọt khỏi phạm vi của phân tích, trừu tượng, và khái niệm hóa. Khi hiểu được điều này ta biết con người ở đâu, hắn ở đâu, và cái ngã ở đâu. Nếu con người chỉ được đồng hóa với một hành động chứ không gì hơn, nó không phải là một con người sống động, nó là một con người khái niệm hóa, nó không phải là cái ngã của tôi, cũng chả phải là cái ngã của bạn.

Triệu Châu Tùng Thẩm (778 - 897) có một lần ông tăng hỏi Sư: “Cái ngã của tôi là gì?”. Triệu Châu đáp: “Chú đã ăn cháo buổi sáng chưa?”. “Thưa đã”. Triệu Châu mới bảo ông ta: “Nếu vậy đi rửa bát đi!”. Ăn là một hành động, rửa là một hành động, nhưng cái Thiền muốn là chính kẻ hành động, chính kẻ ăn và kẻ rửa làm các hành động ăn và rửa; và trừ phi ta nắm được con người này trên mặt hiện hữu hay kinh nghiệm, ta không nói về hành động được. Ai là cái kẻ ý thức sự hoạt động? Và ai là cái kẻ truyền đạt cái sự kiện ý thức này cho ông? Và ông là ai để mà nói tất cả sự việc này không chỉ cho chính mình mà cho tất cả những người khác? “Tôi”, “ông”, “cô”, hay “nó” - đều là một đại danh từ thay cho một cái gì đằng sau. Cái gì này là ai?

Một ông tăng khác hỏi Triệu Châu: “Cái ngã của tôi là gì?”. Triệu Châu đáp: “Ông có thấy cây trắc bá ngoài sân không?”. Không phải là cái hành động thấy mà là người thấy là cái mà thầy Triệu Châu muốn có. Nếu ngã là trục của những cuộn hình xoáy ốc và không bao giờ bị khách thể hóa hay hiện thực hóa, nó vẫn có đó, và Thiền bảo ta nắm lấy nó bằng đôi tay không và đưa cho thầy xem cái không thể nắm được, không đối tượng hóa được, hay bất khả đắc (Phạn: anupalabdha). Ta thấy cái tương phản giữa Thiền và khoa học nằm ở đây. Tuy nhiên ta phải nhớ rằng Thiền chẳng chống đối gì lối nhận thức thực tại của khoa học; Thiền chỉ muốn bảo các nhà khoa học rằng lối nhận thức của họ không phải là lối duy nhất mà còn có một lối nhận thức khác mà Thiền cho là trực tiếp hơn, nội tâm hơn, thực và riêng tư hơn, mà họ có thể gọi là chủ quan nhưng nó không chủ quan theo như họ mệnh danh hay định nghĩa.

Con người, cá nhân, ngã, và bản ngã - tôi dùng những chữ ấy trong giảng thuyết này như là đồng nghĩa nhau. Con người thì có tính cách đức lý hay động năng, cá nhân thì tương phản với bất cứ một thức nhóm nào đó, bản ngã có tính cách tâm lý, còn ngã thì vừa có tính cách đức lý lẫn tâm lý và cũng có cả một ý nghĩa tôn giáo.

Từ quan điểm Thiền, cái độc nhất, có tính cách tâm lý, làm nổi bật cái kinh nghiệm về ngã là nó thấm nhuần với cái cảm giác tự trị, tự do, tự quyết, và sau hết là sáng tạo. Bàng cư sĩ hỏi Mã Tổ Đạo Nhất (tịch 788): “Ai là kẻ chẳng cùng vạn pháp làm bạn lữ?”. Mã Tổ đáp: “Đợi khi nào ông một hớp uống cạn nước Tây giang ta sẽ cho ông biết”. Đó là cái thứ thành tích mà ngã hay con người thành tựu được. Những nhà tâm lý hay thần học nói về cái mớ các tri giác hay ấn tượng kế tiếp, hay về ý niệm, hay về nguyên lý đồng nhất hay cái tổng thể năng động của kinh nghiệm chủ quan, hay về cái trục phi hiện thực của những hoạt động trí não của con người là những người đang chạy theo một chiều hướng đối nghịch với chiều hướng của Thiền. Càng chạy dữ họ càng xa Thiền. Do đó, tôi nói rằng khoa học hay luận lý thì khách quan và ly tâm trong khi Thiền chủ quan và hướng tâm.

Có người đã nói: “Tất cả mọi cái bên ngoài bảo với cá nhân rằng hắn không là gì cả, trong khi tất cả mọi cái bên trong thuyết phục hắn rằng hắn là tất cả”. Đây là một câu nói đáng chú ý, vì đó là cái cảm giác mà mọi người chúng ta đều cảm thấy khi ngồi yên lặng và nhìn sâu xa vào miền sâu thẳm nhất của hiện hữu mình. Có một cái gì chuyển động ở đó và hẳn sẽ thầm thì cho ta bằng một giọng còn nhỏ nhẹ hơn rằng ta không sinh ra vô ích. Tôi lại có đọc được ở đâu đó: “Ta bị thử thách một mình; một mình ta đi vào sa mạc; một mình ta bị thế gian gạt bỏ”. Nhưng một người hãy một lần nhìn vào nội tâm một cách hết sức chân thành, thì lúc ấy hắn sẽ nhận ra rằng hắn không cô đơn, trơ trọi, và bơ vơ; ở trong hắn có một cái cảm giác nào đó về một sự đơn độc uy nghi đường bệ, một mình mình với mình thế nhưng lại không cách biệt với đời. Cái hoàn cảnh độc đáo này, rõ rệt hay khách quan mâu thuẫn, xảy đến khi hắn nhận thức thực tại theo lối Thiền. Hắn cảm thấy thế là do cái tính chất sáng tạo hay độc đáo thể nghiệm riêng tư mà hắn là thế khi hắn vượt qua cõi vực của trí năng và trừu tượng. Sáng tạo tính khác với năng động tính thuần túy. Đó là ấn chứng của cái tác nhân tự quyết mà ta gọi là ngã.

Cá tính cũng quan trọng trong việc phân nhận ngã, nhưng nó mang nhiều tính chất chính trị và đức lý hơn và nối kết chặt chẽ với ý niệm trách nhiệm. Nó thuộc về lĩnh vực của những cái tương đối. Nó có xu hướng liên kết với cái quyền năng chấp kỷ. Nó luôn luôn ý thức các kẻ khác đến cái mức độ bị chế ngự bởi họ. Ở đâu chủ nghĩa cá nhân được nhấn mạnh, ở đó cái cảm giác hỗ tương câu thúc hay căng thẳng ngự trị. Ở đây không có tự do, không có tự nhiên, mà có một không khí hay cấm chế sâu xa, nặng nề, đàn áp và đè nén ức chế người ta và kết quả là đủ thứ hỗn loạn tâm lý.

Tiến trình cá thể hóa là một từ ngữ khách quan phân biệt người này với người kia. Khi sự phân biệt có tính cách độc hữu, sự khát vọng quyền lực ngóc đầu dậy và thường là trở nên không thể kềm chế được. Khi nó không mạnh quá hay khi nó ít nhiều tiêu cực, người ta hết sức ý thức được sự hiện diện của những bình phẩm hay chỉ trích. Cái ý thức này đôi khi đẩy chúng ta vào miệng của sự nô lệ khốn nạn, khiến chúng ta nhớ đến Sartor Resartus của Carlyle. “Triết lý quần áo” là một triết lý của thế giới biểu hiện ở đó tất cả mọi người ăn mặc vì tất cả mọi người khác để mình xuất hiện khác hơn là chính mình. Điều ấy thú vị. Nhưng khi nó đi xa quá, ta mất đi cái đặc tính của mình, khiến ta trở nên lố bịch, và biến thành một con khỉ.

Khi cái phương diện này của ngã trở nên quá nổi bật và chuyên chế, cái chân ngã bị đẩy lui và thường bị giảm trừ thành một phi thực thể, thế có nghĩa là nó bị đè nén. Và chúng ta thì ai cũng biết đè nén có nghĩa là gì. Vì cái vô thức sáng tạo không bao giờ có thể bị đè nén; thế nào nó cũng bắt ta biết đến nó. Khi nó không bắt ta biết đến nó bằng cách tự nhiên của nó, nó sẽ phá tất cả mọi trở ngại, khi thì có tính cách kịch liệt khi thì có tính cách bệnh lý. Cách nào đi nữa thì cái ngã cũng kể như tiêu dùng vô phương cứu vãn.

Ưu tâm về sự kiện này, Đức Phật tuyên bố giáo lý annatta hay ninàtma hay vô ngã để thức tỉnh chúng ta khỏi giấc mộng của sự tướng. Tuy nhiên, Thiền tông không hoàn toàn thỏa mãn với lối trình bày có hơi tiêu cực của Đức Phật về giáo lý ấy, và ra tay biểu thị nó một cách hết sức tích cực và trực tiếp để các Phật tử không lầm lẫn trong việc nhận thức thực tại. Ta hãy đưa một thí dụ từ Lâm Tế Nghĩa Huyền (tịch 867).

Một hôm Sư thượng đường nói: “Trong khối thịt đỏ lòm có một vô vị chân nhân, thường ra vào ngay trước mặt các ông. Vị nào chưa xác thực được điều ấy, thử cố nhìn xem!”

Lúc ấy có một ông tăng bước ra hỏi, “Thế nào là vô vị chân nhân?”

Sư bước xuống Thiền sàng, túm lấy ông tăng nói: “Nói đi! Nói đi!”

Ông tăng vừa định trả lời, Sư đẩy ông ta ra nói: “vô vị chân nhân mới thật là một cái que cứt khô!”

Thượng đường vân, Xích nhục đoàn thượng hữu nhất vô vị chân nhân, thường tùng chữ đẳng chư diện môn xuất nhập, vị chứng cứ giả khán khán. Thời hữu tăng xuất vấn, như hà thị vô vị chân nhân. Sự hạ Thiền sàng bả trụ vân, đạo đạo. Kỳ tăng nghĩ nghị, sư thác khai vân, vô vị chân nhân thị thập ma càn thỉ quyết.

“Vô vị chân nhân” là từ ngữ của Lâm Tế để chỉ ngã. Giáo lý của ngài hầu như chuyên biệt quanh cái nhân hay người này, mà đôi khi ta gọi là đạo nhân. Có thể nói ngài là vị Thiền sư đầu tiên trong lịch sử tư tưởng Thiền Trung Hoa hùng hồn xác nhận sự hiện diện của nhân này trong mọi giai đoạn sinh hoạt nhân sinh của chúng ta. Ngài không bao giờ nản lòng việc chỉ dạy các đệ tử nhận thức cho được cái nhân hay chân ngã. Chân ngã là một thứ ngã siêu hình đối nghịch với cái ngã tâm lý hay đức lý thuộc về một thế giới tương đối hữu hạn. Nhân của Lâm Tế được định nghĩa là “vô y” hay “không lệ thuộc vào”, hay “không mang y phục” tất cả những cái ấy khiến ta nghĩ đến cái ngã “siêu hình”.

Với câu nói sơ bộ này ta hãy tiếp tục trích Lâm Tế dài hơn và quan điểm của ngài về nhân hay ngôi người hay ngã, vì tôi thấy ở đây ngài bày tỏ hết sức hùng biện và một cách thấu suốt về chủ đề và hẳn sẽ giúp ta hiểu khái niệm của Thiền về ngã.

Lâm Tế nói về ngã, hay “kẻ hiện hữu, vào giây phút này ngay trước mặt chúng ta, đơn độc chiếu diệu, đầy đủ ý thức lắng nghe bài thuyết pháp này”.

1

[Sau khi nói về tam thân của Phật (trikàya) Lâm Tế nói tiếp]. Rõ những thứ ấy chỉ là những chiếc bóng chư đại đức! Các ông phải biết rằng cái người (nhân) chơi đùa với những chiếc bóng này, là căn nguồn của chư Phật khắp mọi nơi là nơi quy túc của các kẻ theo Đạo.

Cái sắc thân tứ đại của ông, không biết nói pháp nghe pháp; tì vị gan mật của ông, không biết nói pháp nghe pháp; hư không không biết nói pháp nghe pháp. Thế thì cái gì biết nói pháp nghe pháp? Đó là cái rõ rõ ràng ràng trước mắt ông, không hình đoạn, sáng tỏ, đó là cái biết nói pháp nghe pháp.

Nếu thấy được như thế, thì ông chẳng còn khác biệt gì với Phật, tổ. Kẻ thấy được như thế thì tất cả mọi thời chẳng lúc nào bị gián đoạn. Bất cứ chỗ nào chúng ta để mắt đến đều là hắn. Chỉ vì tình ý sinh mà trí huệ gián cách; tư tưởng biến đổi mà thực thể sai biệt. Cho nên bị luân hồi trong ba cõi, chịu đủ thứ đau khổ. Theo chỗ thấy của Sư núi tôi, chẳng có gì sâu xa hơn kẻ này, chính vì thế mà không ai mà không được giải thoát.

Hỡi các Đạo lưu, tâm pháp vô hình mà thông quán mười phương. Ở mắt gọi là thấy; ở tai gọi là nghe, ở mũi gọi là ngửi; ở miệng thì đàm luận; ở tay thì cầm nắm, ở chân thì đi lại.

2

Hỡi các Đạo lưu, kẻ hiện lúc này, trước mắt chúng ta, sáng tỏ, đơn độc, rõ rõ ràng ràng, đang lắng nghe, kẻ này chẳng trệ ở bất cứ chỗ nào, thông quán mười phương tự tại trong ba cõi. Vào tất cả các cảnh giới sai biệt, mà cũng không hề bị chuyển biến.

Kẻ ấy trong một sát na đi vào Pháp giới. Gặp Phật nói Phật, gặp tổ nói tổ; gặp La hán nói La hán, gặp ngạ quỉ nói ngạ quỷ.

Vào khắp mọi nơi, lang bạt các quốc độ, giáo hóa các chúng sinh mà chưa từng lìa nhất niệm.

Ở bất cứ nơi nào cũng thanh tịnh, ánh sáng thấu nhập mười phương, vạn pháp nhất như.

3

Hỏi: Thế nào là kiến giải chân chính?

Sư nói: Chính ông là kẻ vào tất cả mọi cảnh giới: vào phàm vào thánh, vào nhiễm vào tịnh; vào quốc độ của chư Phật, vào lâu các của Di Lặc, vào Pháp giới của Tì Lô Giá Na; và bất cứ đâu ông cũng thể hiện một quốc độ chịu định luật thành trụ hoại không.

Đức Phật xuất thế, chuyển đại pháp luân hồi nhập Niết bàn. Chẳng thấy có tướng mạo đến đi. Tìm kiếm dấu vết sinh tử của ngài chẳng thể nào mà được.

Bèn vào Vô Sinh Pháp giới, khắp nơi du lý quốc độ. Vào Hoa Tạng thế giới, thấy tất cả các pháp không tướng đều chẳng có thực pháp. Chỉ có kẻ đạo nhân vô y nghe pháp, kẻ ấy là mẹ của chư Phật.

Như thế, Phật từ nơi vô y (không lệ thuộc) sinh. Nếu ngộ được vậy, Phật cũng là vô đắc.

Nếu thấy được như vậy, là chân chính kiến giải đấy.

Kẻ học không rõ được điều ấy, chấp trước danh cú, bị cái danh phàm thánh ấy trở ngại. Con mắt Đạo bị che chướng như vậy, thì không thể nào thấy Đạo phân minh được.

Ngay cả mười hai phần giáo, cũng chỉ là lời nói biểu hiện. Kẻ học không hiểu, bèn y vào các danh cú biểu hiện này mà sinh hiểu biết. Thảy đều là dựa vào một cái gì, nên rơi vào nhân quả, chưa thoát khỏi sinh tử của ba cõi.

Nếu ông muốn liễu được sinh tử khứ trụ, tự do thoát khỏi chấp trước, phải nhận biết cái người (nhân) hiện đang nghe pháp. Kẻ ấy không hình không tướng, không gốc không rễ, chẳng nơi ngưng trụ, sống động vô cùng.

Đáp ứng đủ thứ trạng huống, thi thiết các hành vi của mình, mà chỗ dụng lại là không có chỗ. Cho nên tìm lại càng xa, cầu càng sai quái. Gọi kẻ ấy là “bí mật”.

4

Duy có kẻ hiện đang nghe pháp trước mắt các Đạo lưu, vào lửa không bị thiêu, vào nước chẳng bị chìm, vào ba nẻo địa ngục như vào vườn ngắm cảnh, vào cõi của ngạ quỷ súc sinh mà chẳng phải chịu báo. Tại sao lại như vậy? Vì chẳng có pháp nào để ghét vậy.

Nếu ông yêu thánh ghét phàm, ông hẳn bị trôi nổi trong biển sinh tử. Phiền não do tâm mà có; vô tâm phiền não trói buộc ai? Đừng bận phân biệt chấp tướng, tự nhiên đắc Đạo trong khoảnh khắc. Ông còn cho rằng bôn ba theo kẻ bên cạnh mà học được, trong ba kỳ kiếp rốt cuộc thế nào cũng quay về sinh tử. Chẳng bằng vô sự quay về chốn tùng lâm, lên góc giường mà ngồi khoanh chân.

5

Hỡi các Đạo lưu! Các ông hiện giờ đang nghe pháp đây không phải là tứ đại của các ông, mà là kẻ sử dụng được tứ đại của các ông. Nếu có thể thấy được như vậy, thì các ông có thể đi lại tự do. Theo chỗ thấy của Sư núi tôi, đừng có hiềm pháp nào cả.

6

Sư dạy chúng rằng:

Như người học Đạo bây giờ cần phải tự tin. Đừng tìm cầu bên ngoài. Nếu tìm cầu bên ngoài chỉ tổ bị các trần cảnh vô ích lôi kéo đều chẳng còn biện được tà chính. Giống như có tổ, có Phật, nhưng thảy đều là những dấu tích của ngôn giáo. Có người đề ra một câu nói, hoặc từ nơi ẩn hoặc từ nơi hiển đề ra, các ông bèn sinh lòng nghi. Quán trời, quán đất lăng xăng tìm hỏi người bên cạnh, vẫn vô cùng hoang mang. Do đó mà kẻ đại trượng phu chẳng màng đi luận chủ luận tặc, luận thị luận phi, luận sắc luận tài, luận chuyện nhàn rỗi cho qua ngày.

Sư núi tôi ở đây chẳng luận tăng tục. Nhưng mà có kẻ đến tôi đều biết rõ hắn, dù hắn từ nơi nào lại. Hễ có thanh văn danh cú, thảy đều là mộng huyễn. Tôi chỉ thấy con người cưỡi các cảnh, kẻ ấy là huyền chỉ của chư Phật vậy.

Phật cảnh không thể tự xưng ta là Phật cảnh. Chính là kẻ vô đạo nhân này cưỡi cảnh mà xuất hiện.

Nếu có người đến hỏi tôi là muốn cầu Phật, tôi tức ứng hợp với cảnh thanh tịnh mà xuất hiện. Có người hỏi tôi Bồ Tát, tôi tức ứng hợp với từ bi (mai trì hay karuna) mà xuất hiện. Nếu có người đến hỏi tôi bồ đề [hay giác ngộ], tôi tức ứng hợp với tịnh diệu cảnh mà xuất hiện. Cảnh thì vạn loại sai biệt, nhưng Nhân thì không sai biệt. Cho nên [nói,] “[cái ấy] ứng vật hiện hình. Như mặt trăng phản chiếu trong nước”.

[Có lẽ cần vài lời giải thích. Thượng Đế, khi nào ngài vẫn còn ở trong chính ngài, là chủ thể tính tuyệt đối, chính sùnyatà (tính không). Tuy nhiên, ngay khi ngài bắt đầu vận hành, ngài là đấng sáng tạo, và thế giới với các cảnh huống hay điều kiện biến thiên vô cùng của nó tiến hóa. Thượng Đế nguyên thủy hay Thiên Tính đã không bị bỏ lại trong cái đơn độc của ngài, ngài ở trong cái đa dạng của sự vật. Chính quá trình suy luận của con người là thời gian rất thường làm chúng ta quên ngài và đặt ngài bên ngoài thế giới thời gian, không gian và nhân quả của ta. Thuật ngữ Phật giáo bề ngoài rất dị biệt với thuật ngữ Kitô giáo, nhưng khi chúng ta đi vào khá sâu xa chúng ta thấy hai dòng chạy ngang nhau hay chảy ra từ cùng một nguồn].

Hỡi các Đạo lưu, thiết yếu phải có được chân chính kiến giải để các vị có thể hoành hành khắp thiên hạ mà không bị cái bọn tinh mị kia [nghĩa là, các lãnh tụ Thiền giả mạo] hoặc loạn.

Vô sự ấy là kẻ quý nhân, cứ đừng tạo tác gì cả, chỉ cứ bình thường thôi.

Khi các ông lo hướng ra ngoài kiếm tay chân mình ở những kẻ bên cạnh [như thể các ông không có nó sẵn nơi mình] là các ông lầm rồi đấy. Các ông lo cầu Phật, Phật chỉ là một danh hiệu. Thế các ông có biết cái kẻ lăng xăng tìm kiếm đó chăng?

Ba đời mười phương các Phật, tổ xuất hiện, cũng chỉ vì cầu pháp. Như bây giờ các kẻ theo Đạo tham học cũng chỉ vì cầu pháp. Đắc pháp mới là xong. Chưa đắc được pháp thì vẫn y như xưa luân hồi trong năm nẻo.

Pháp là gì? Pháp là Tâm pháp. Tâm pháp vô hình thông quán mười phương, hiện cái dụng của nó ngay trước mắt ta. Người ta tin không nổi, bèn xoay ra nhận danh nhận cú, quay vào văn tự mà cầu ý nghĩa lường Phật pháp. Thật là đất trời xa cách.

Hỡi các Đạo lưu! Sư núi tôi thuyết pháp, thuyết pháp gì vậy? Ấy là thuyết tâm địa pháp, cái pháp đi vào phàm, đi vào thánh, đi vào tịnh, đi vào uế, đi vào chân, đi vào tục.

Điểm chính yếu là các ông không phải chân tục phàm thánh, mà các ông có thể gán cái danh cho chân tục phàm thánh. Chân tục phàm thánh đối với người (nhân) này không gán cho cái danh được.

Hỡi các Đạo lưu! Như các ông mà nắm được [cái chân lý này] thì tha hồ mà dụng nó. Đừng có chấp trước vào danh tự. Ấy gọi là huyền chỉ.

8

Kẻ có căn khí lớn một mạch không bị người khác mê hoặc. Bất cứ ở đâu cũng làm chủ được chính mình. Ở chỗ nào cũng thể hiện được chân lý.

Các ông một niệm khởi nghi tức là ma đã vào tâm. Như khi mà Bồ Tát khởi nghi là lúc con ma sinh tử có cơ hội. Chỉ cần dứt bặt được niệm, chứ đừng tìm cầu bên ngoài.

Sự vật đến hãy quán chiếu. Ông chỉ cứ tin cái kẻ hiện thời dụng nó, chứ một sự cũng chẳng có.

Các ông một niệm sinh tâm, ba cõi tức tùy duyên bị cảnh phân thành sáu trần. Như cái chỗ ứng với cảnh mà dụng của các ông hiện thời, các ông còn thiếu gì nữa?

Trong một sát na bèn vào tịnh vào uế, vào lâu các của Di Lặc, vào Tam Nhãn quốc độ. Du lý nơi nơi, chỉ thấy không danh.

Đạo lưu, thành thục với mình thật là điều khó! Phật pháp thâm sâu huyền ảo, nhưng một khi hiểu được nó lại dễ dàng làm sao! Sư núi tôi bỏ ngày nói rõ ra cho họ, nhưng mà kẻ học đường như chẳng hề lưu ý. Cả trăm cả ngàn lần họ dẫm lên nó, thế mà đối với họ nó vẫn như bóng tối.

[Pháp] không hình tướng, nhưng lại rõ rõ ràng ràng đơn độc chiếu hiện! Kẻ học tin không nổi, bèn quay vào danh tự chữ nghĩa mà sinh hiểu. Mất toi nửa trăm năm vác cái tử thi đi từ kẻ này đến kẻ khác. Vác cái bầu hư danh mà ngược xuôi khắp thiên hạ. Khi giày dép mòn mỏi tử vương đến hỏi, ắt có ngày ấy vậy.

Hỡi các đại đức, khi sư núi tôi bảo quay ra ngoài mà cầu nào có pháp, các người học không hiểu, bèn hướng vào trong mà lấy làm hiểu biết. Bèn dựa vào tường mà ngồi, lưỡi dính với khẩu cái trên, trạm nhiên bất động. Họ chấp đó là Phật pháp của các tổ. Mới lầm lớn chứ. Nếu các ông chấp cảnh bất động thanh tịnh là đúng, tức là các ông nhận vô minh làm chủ nhân. Cổ nhân nói: “Cái hang sâu tối đen của cảnh trạm nhiên, thật là đáng sợ”. Ấy là điều đó vậy. Nếu các ông lại nhận cảnh động kia là đúng, tất cả các thảo mộc đều biết động. Làm sao mà gọi là Đạo được. Động là phong đại, bất động là địa đại. Động và bất động đều không có tự tính.

Nếu các ông quay vào chỗ động mà bắt nó, thì nó lại quay vào chỗ bất động mà đứng; nếu các ông quay vào chỗ bất động mà bắt nó, thì nó lại quay vào chỗ động mà đứng. Thí như con cá lặn dưới suối cưỡi sóng mà tự nhảy. Các đại đức động và bất động là hai loại cảnh [nghĩa là hai phương diện của cái ngã khi ta nhìn nó một cách khách quan]. Cũng chính là Vô Y Đạo Nhân dụng cái động và cái bất động. Như các người học ở chư phương đến, Sư núi tôi ở đây dùng ba loại căn khí mà đoán định. Như kẻ thuộc căn khí trung hạ đến, tôi bèn đoạt cảnh của họ mà chẳng trừ pháp của họ; kẻ thuộc căn khí trung thượng đến, tôi bèn đoạt cả cảnh lẫn pháp; như kẻ thượng thượng căn khí đến, tôi bèn cảnh pháp nhân đều không đoạt; như có người có kiến giải xuất cách đến Sư núi tôi bèn tác dụng với cả con người mình chứ chẳng trải căn khí.

Này các đại đức, đến chỗ này là điểm mà những người học phải tận tâm ra sức, vì nơi đây chẳng có chỗ để cho một hơi thở đi qua. Như là đá lửa như là điện chớp, chỉ nháy mắt đã qua. Cặp mắt của kẻ học mà định động tức chẳng ăn nhằm. Tâm so đo liền sai, niệm tưởng động tức trái. Có người hiểu được, mới biết nó ngay trước mắt mình.

Này các đại đức mang bình bát và cái túi uế vật, chạy khắp đây kia cầu Phật cầu pháp. Còn cái kẻ hiện giờ chạy quanh tìm kiếm - các ông có biết hắn chăng? Hắn là kẻ sống động linh lợi chỉ có điều là không có gốc rễ gì cả. Nắm không tụ được hắn, gạt hắn chẳng tiêu tán. Càng tìm cầu hắn càng xa các ông. Không tìm cầu thì hắn lại ở ngay trước mặt. Linh âm hắn đầy tai các ông. Nếu người ta không tin luống uổng trăm năm.

Hỡi các Đạo lưu, chính hắn là kẻ trong một sát na đi vào Hoa Tạng thế giới, vào quốc độ của Tì Lô Giá Na, vào quốc độ Giải Thoát, vào quốc độ Thần Thông, vào quốc độ Thanh Tịnh, vào Pháp giới, vào uế vào tịnh, vào phàm vào thánh, vào cõi vực của ngạ quỷ súc sinh. Bất cứ nơi nào đi nữa ta cũng chẳng tìm thấy dấu vết sinh tử của hắn. Chỉ có danh từ rỗng hoa đốm trong không, chẳng đáng cho ta nắm giữ. Đắc nhất thị phi một lúc buông bỏ cả...

Như chỗ dụng xứ hôm nay của Sư núi tôi, dù thành dù hoại đều ứng hợp với chân tri. Ngoạn lộng thần biến đi vào tất cả các cảnh, mà đâu đâu cũng như vô sự. Cảnh chẳng ảnh hưởng được đến tôi. Như có kẻ đến cầu gì nơi tôi, tôi chỉ ra mà xem hắn. Hắn không nhận ra được tôi, tôi bèn mặc một vài thứ áo, những người học bèn rơi vào ngôn cú của tôi mà làm ra hiểu biết. Khổ thay những kẻ ngốc nghếch mù quáng. Kẻ không có mắt bám vào lớp y phục tôi mặc, mà nhận là xanh vàng đỏ trắng. Ta bèn cởi bỏ mà vào cảnh giới thanh tịnh, kẻ học khi thấy bèn sinh ham thích; tôi lại cởi bỏ nữa, kẻ học liền ngơ ngác hoang mang chạy quanh nói rằng tôi vô y. Tôi bèn quay qua hắn mà bảo: “Ông có biết cái người mặc áo đó chăng?”. Hốt nhiên họ quay đầu lại và nhận ra tôi.

Này các đại đức, đừng nhận lầm y phục [là thực tại]. Y phục không tự quyết được; người mặc được y phục; có thanh tịnh y, có vô sinh y, có bồ đề y, niết bàn y, có tổ y, có Phật y. Này các đại đức chúng ta chỉ có âm thanh, danh từ, ngôn cú, thảy đều là y phục mà chúng ta thay đổi. Từ cái khí hải trong bụng đánh vào răng, gõ vào khẩu cái thành cú nghĩa. Như thế ta mới rõ rằng chỉ là huyễn hóa.

Này các đại đức, bên ngoài phát ra cái âm thanh của nghiệp ngôn ngữ, bên trong biểu hiện tâm sở pháp, để suy nghĩ mà khởi niệm, thảy chỉ là y phục mà ta mang. Sao các ông lại đi nhận cái y phục mà người ta mang là thực tại. Dù có trải qua số kiếp như vi trần, cũng chỉ là kẻ thông hiểu y phục thôi. Các ông sẽ tuần hoàn trong ba cõi, luân hồi trong sinh tử. Như thế sao bằng được vô sự. Cổ đức nói:

Gặp nhau mà chẳng biết,

Cùng nói biết đâu tên.

(Tương phùng bất tương thức,

Cộng ngữ bất tri danh).

Kẻ học hiện thời không đắc được thực tại, vì họ nhận danh tự làm chỗ hiểu. Trong những sách lớn ghi đầy lời lẽ của những kẻ ngớ ngẩn suy đồi, gấp năm gấp ba, giấu kín trong bụng chẳng cho ai thấy. Bảo đó là huyền chỉ, rồi giữ lấy một cách cung kính. Mới lầm lẫn làm sao! Ôi những kẻ theo đuổi mờ mắt, các ông định tìm chất nước gì nơi những bộ xương khô? Có một số người chẳng biết hay dở, quay vào kinh điển đem cái ý mình xét nét so đo, thâu thập lấy vài ngôn cú. Cũng như lấy một cục phẩn mà nuốt vào miệng, rồi nhả ra đem cho người khác. Do như kẻ hớt lẻo, truyền tin đồn từ miệng này qua miệng khác, luống không một đời vậy.

Đôi khi xưng mình là kẻ xuất gia, bị người khác hỏi về Phật pháp, bèn ngậm miệng chả có gì để nói. Mắt họ như nhìn vào bóng tối, miệng như cái đòn gánh. Cái hạng như vậy, gặp Di Lặc xuất thế, cũng bị đầu thai qua thế giới khác; chắc chắn vào địa ngục chịu khổ.

Này các đại đức, các ông bôn ba đi các nơi tìm cái gì vậy? Tha hồ mà giẫm cho đến lòng bàn chân các ông trơn hơn, cũng chẳng có Phật nào để cầu cho được, chẳng có đạo nào để thành tựu được, chẳng có pháp nào để mà đắc được. Hướng ra bên ngoài mà tìm vị Phật có hình tướng, các ông chẳng bao giờ nhận ra được rằng Phật ấy chẳng hề giống các ông [nghĩa là, cái chân ngã của các ông]. Nếu các ông muốn biết bổn tâm mình, tôi nói rằng nó chẳng hợp cũng chẳng ly. Hỡi các Đạo lưu! Chân Phật vô hình chân đạo vô thể, chân pháp vô tướng. Cả ba cái này hỗn họp tại một nơi. Không biện biệt ra được, ấy gọi là chúng sinh của nghiệp thức mang mang.