Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây

Chương 8

Tan buổi học, Hương kéo tôi vào góc lớp.

- Tìm được thầy thuốc cho cậu rồi. Đi theo tớ.

- Ai thế? Làm sao cậu biết ông ta?

Nó nhìn quanh. Phòng đã hết người, chỉ còn hai đứa chúng tôi chưa về.

Nó thì thầm vào tai tôi:

- Có nhớ cái bà gác cổng vẫn cho tớ trèo tường không? Hôm qua, tớ bảo mụ ấy là tớ có thai và đang tìm một thầy thuốc.

- Điên à! Nếu mụ ấy bép xép cậu sẽ bị đuổi học và bố cậu sẽ cạo trọc đầu cậu bắt đi tu!

- Đừng lo. Tớ bảo mụ ấy là: “Nếu bà để lộ ra, tôi sẽ tố cào bà với công an về tội môi giới mãi dâm. Tôi sẽ báo với cảnh sát điều tra là bà xúi bẩy nữ sinh bán thân để moi tiền của họ. Thế là bà mất việc mà lại còn bị kết án và treo cổ nơi công cộng nữa đấy.” Tớ doạ mụ ta đến độ mụ vội vàng tìm ra cho tớ một ông lang kín tiếng nhất.

Tôi đi theo Hương về ký túc xá. Nó ăn bận cho tôi thành một thiếu phụ ba mươi tuổi, đấy là theo nó nghĩ.

Xe tay đưa chúng tôi qua chợ trời. Dọc theo hè phố, đầy những đồ gỗ, bát đĩa, vải vóc, đồ tầm tầm, đồ trang sức, các cuộn tranh giấy màu vàng ngà, mốc meo. Những người bán hàng là những quý tộc Mãn Châu hết thời, ăn bận rách rưới, lang thang giữa đống đồ nát này và tìm cách đổi một chiếc tẩu thuốc bằng ngọc thạch, một chiếc bình cổ lấy một hai giờ thoát tục trong khói thuốc phiện. Chỉ có vài sĩ quan Nhật dạo quanh đó và tham lam xem xét các hàng bày bán.

Hương cảnh giác bắt xe tay dừng ở đầu phố. Chúng tôi đi khoảng hai trăm mét rồi lách qua một bậc cổng đã sụt mất một nửa, chúng tôi chen vào trong ngõ đầy những chăn, quần, tã trẻ con đang phơi phấp phới trên dây. Tôi ngửi thấy mùi nước đái khai nồng, mùi trứng thối và gập người xuống nôn.

Cuối hành lang đầy tã là nhiều căn phòng xập xệ sưới mái dốc. Mỗi gia đình đặt bếp lò ngay phía ngoài. Ruồi bay vù vù.

Hương kêu to:

- Ông lang Hoàng Phố ở đâu ạ?

Một bà tóc tai xoã xượi hiện ra trên ngưỡng cửa nhìn chúng tôi vẻ khinh miệt:

- Nhà cuối kia kìa, bên tay phải.

Trên cánh cửa có một tấm biển mực đã nhạt màu:

“Thầy thuốc lừng danh bốn biển, bốc mạch như thần, làm trường xuân bất lão. Chuyên các bệnh: lở loét, giang mai, lậu.”

Chúng tôi gõ cửa. Một bà tóc uốn, mặt dày phấn bước ra, nhìn chúng tôi từ đầu đến chân rồi cồm cộp gót giầy bước đi. Tôi bị Hương đẩy đằng sau, loạng choạng bước vào một căn phòng tối om. Một cô gái nằm còng queo trong một góc, nom như người chết rồi. Cạnh cô ta, một ông đang hút thuốc. Ông ta quan sát chúng tôi:

- Hỏi nhà nào đấy?

Chúng tôi lẩn vào một góc.

Mùi thuốc bắc nồng nặc và nhiều thứ mùi khác làm tôi lảo đảo.

Không biết mất bao lâu mới đến lượt tôi được vào phòng khám. Ông lang Hoàng Phố chỉ còn rất ít sợi tóc bạc và để sau lưng thành một bím nhỏ như cái đuôi lợn. Ông ta ngồi đằng sau một tủ sách lơ thơ vài quyển, vừa vuốt râu vừa hỏi:

- Bệnh nhân nhà ai đấy?

Hương trả lời thay tôi:

- Chúng cháu tự đến ạ.

- Bao nhiêu tuổi?

- Hai mươi ạ, nó đáp.

- Có vấn đề gì?

- Bạn cháu tắt kinh từ ba tuần nay.

- À được, mở miệng ra, thè lưỡi ra. Được, được, cởi váy ra.

- Cởi váy ra kìa, ông ta nhắc lại.

Hương quay mặt đi. Tôi ghét tôi làm sao. Nước mắt lưng tròng, tôi cởi cúc váy.

- Nằm xuống chỗ kia.

Ông ta chỉ cho tôi một tấm phản phủ tấm ga trải giường bẩn.

- Dạng chân ra.

Tôi nghĩ mình chắc chết mất. Tôi siết hai nắm tay để khỏi khóc. Tay cầm đèn, ông già tiến lại. Ông ta nhìn, sờ nắn, rất từ từ.

- Được, được, ông ta vừa nói vừa đứng dậy. Không có biểu hiện thối thịt. Mặc áo vào.

Ông ta bảo tôi kê tay phải lên bàn và đặt ngón trỏ và ngón giữa lên cổ tay tôi. Móng tay ông màu vàng, dài tới hơn năm xăngtimét, cong vào ở đầu ngón.

- Mạch đập rối lắm. Nghe có tiếng của sự thụ thai. Cô có thai!

Tôi nghe tiếng mình run run hỏi:

- Thưa cụ có chắc không ạ?

- Chắc chứ, vừa nói, ông vừa bắt mạch trên tay trái tôi. Phía sau tôi, Hương đứng lên:

- Thưa cụ, cụ có thuốc phá thai không ạ?

Ông lang lắc đầu:

- Phải tội đấy.

Hương cười gằn.

- Xin cụ cho đơn! Nó vừa nói vừa vứt ra giữa bàn chiếc vòng vàng to tướng đeo ở cổ tay.

Ông già Mãn Châu suy nghĩ một lát, mắt vẫn liếc chiếc vòng, rồi cầm bút lông.

Hương đi cùng tôi về nhà.

- Tối mai, sau giờ học, tớ sẽ đem thuốc đến và rồi chúng mình sẽ nhanh quên chuyện này.

- Cậu đừng vất vả quá thế, tớ chỉ có chết mới rửa sạch được danh dự. Này cậu cầm lấy cái vòng ngọc này của tớ. Tớ không muốn bắt cậu phải trả tiền hộ tớ, tớ chẳng xứng đáng được như thế đâu.

Nó lại lồng chiếc vòng vào cổ tay tôi.

- Những đồ trang sức này từ nay có giúp gì được cho tớ nữa đâu? Ngày mai, cậu uống thuốc và sẽ trút được gánh nặng. Một năm nữa tớ sẽ lấy chồng và sẽ bị một người lạ phá trinh. Thế thôi.

72.

Sau hôm mưa, trời lại đẹp.

Vào mùa này, những chú bé bán hoa nhài ra sức chèo kéo khách qua đường. Tôi không cưỡng lại được những lời năn nỉ của chúng và mua một vòng hoa đeo tay, lòng thầm nghĩ đến cổ tay rám nắng của cô gái người Hoa.

Khi tôi nhìn thấy em trên quảng trường Thiên Phong, tôi như thấy lại bóng dáng kỳ quặc của em hôm trước bên bờ sông dưới mưa. Không biết em làm gì lúc đó? Em nghĩ gì lúc đó? Hôm qua em đi một đôi giầy đi trong nhà, em lê bước trong thành phố như một người điên. Hôm nay, tóc em vén cao để lộ trán rộng và tết thành một bím nặng, em lại trở thành một nữ kỳ thủ lạnh lùng và sắc sảo.

Có gì đó đã thay đổi trong em trong hai mươi bốn giờ qua. Hay vì tôi không nhìn em với con mắt của tôi ngày hôm qua? Dưới chiếc váy màu sẫm, buồn, ngực em vồng lên. Thân hình em đã hết nét cứng ngắc của trẻ con để lộ ra vể mềm mại rắn chắc của thiếu nữ. Dù mắt em lạnh lùng và lông mày nhíu lại, đôi môi mịn màng hồng dịu của em khiến người ta càng thêm khao khát. Em lầm lì bứt rứt giật giật đuôi tóc. Cứ như thể em đau khổ vì sự sống đang nảy nở trong em vậy.

Em đi một quân.

- Đi hay quá! Có tiếng một tay thanh niên đang tiến đến gần bàn chúng tôi.

Tại quảng trường Thiên Phong, người ta đi qua đi lại, nhìn thế cờ, đôi khi lại còn thêm vài lời bình phẩm. Cậu chàng này khoảng hai mươi tuổi, tóc chải sáp, người sặc mùi nước hoa làm tôi ngứa mắt.

Tôi đi trả một nước.

Thằng cha chẳng biết gì về cờ lại kêu lên:

- Đi sai rồi! Đáng ra phải đi vào đây chứ!

Hắn trỏ tay lên bàn cờ, ngón tay mảnh, hồng hào, đeo một chiếc nhẫn ngọc trắng.

Rồi hắn nói thẳng với cô gái người Hoa:

- Tôi là bạn của anh Lữ. Tôi từ Tân Kinh tới.

Cô gái ngẩng đầu. Sau vài lời chào hỏi, em lôi hắn ra một bên bàn cờ.

Gió thổi vọng đến tai tôi tiếng hai người nói chuyện. Họ thân mật được với nhau ngay và đã gọi nhau là anh em. Tiếng Trung Quốc có năm dấu, nghe như có nhạc và ccủa họ quả là một thứ ca kịch khó chịu. Tôi tức tối vò nát đám hoa nhài trong túi áo.

Từ khi tôi bắt đầu chơi tại quảng trường Thiên Phong, cờ vây làm tôi quên tôi là người Nhật. Tôi cứ nghĩ mình cũng đồng xứ với họ. Giờ đây tôi nhắc nhở mình rằng người Trung Hoa là một giống khác, thuộc về một thế giới khác. Cả ngàn năm lịch sử phân cách giữa họ và tôi.

Năm 1880, ông tôi tham gia vào công cuộc cải cách thời Minh trị, còn ông cha của họ phục vụ dưới triều Từ hy Thái hậu. Năm 1600, tổ tiên tôi sau khi thua trận đã tự mổ bụng mình còn tổ tiên của họ chiếm được đế quyền tại Bắc Kinh. Thời Trung Cổ, khi các phu nhân thuộc gia đình tôi mặc những bộ kimônô có đuôi áo dài sệt đất, cạo lông mày và nhuộm răng màu đen, các bà mẹ, chị em họ bới tóc thành những búi tóc cao. Và họ đã bó chân ngay từ hồi đó. Một người đàn ông và một người đàn bà Trung Hoa hiểu nhau ngay cả khi chưa mở miệng nói. Họ mang trong mình cùng một nền văn hóa, và thu hút nhau như nam châm hút sắt. Làm sao mà một thanh niên niên Nhật Bản và một thiếu nữ Trung Hoa lại có thể yêu nhau được? Họ chẳng có gì chung.

Cô gái chơi cờ mãi không quay lại. Chiếc áo dài xanh lá của em, lúc này nhìn có vẻ buồn thảm, nay bỗng toát lên sức sống khi em hoà lẫn trong màu cây xanh quanh em. Phải chăng đó là hình ảnh nước Trung Hoa của tôi, niềm say mê và mối căm thù của tôi? Khi gần em, nỗi khốn khổ của em khiến tôi thất vọng. Đứng xa em, nét duyên dáng của em ám ảnh tôi.

Em không thèm đoái hoài gì gì đến tôi.

Tôi bỏ đi.

73.

Trần kể cho tôi là anh Lữ bây giờ dạy môn cờ vây ở Bắc Kinh.

- Với lại anh ấy cưới vợ rồi - anh ta nói và nhìn chằm chằm vào mặt tôi.

Thông tin này chẳng khiến tôi bận tâm mảy may.

Trần sống ở Tân Kinh. Anh ta xưng là bạn rất thân của anh họ tôi. Chính anh ta là người giới thiệu anh Lữ cho Hoàng Thượng. Cứ theo lời anh ta nói thì có lẽ anh ta là người quyền uy nhất xứ Mãn Châu này.

Tôi thấy phát ghen với cái tay con quan thượng thư này, rõ là hài lòng về mình, hài lòng về cuộc sống. Từng mảnh quá khứ quay trở lại với tôi. Có lẽ đã cách đây một trăm năm rồi chăng. Cuộc đời lúc đó đẹp làm sao. Tôi và anh họ đều giống nhau. Chúng tôi cứ tưởng mình là những kỳ thủ giỏi nhất thiên hạ. Chị tôi chưa lấy chồng. Cả hai đều còn là trinh nữ. Chị tôi hay quấy rầy các ván cờ của chúng tôi bằng cách mang nào nước chè, nào bánh ngọt đến cho chúng tôi. Hoàng hôn đủng đỉnh dệt những ánh đỏ rực trên nền trời và tôi chưa biết đến sự phản bội là gì.

Trần đi luôn Tân Kinh ngày hôm đó. Anh ta để lại cho tôi một tấm danh thiếp tẩm nước hoa trên đó có ghi địa chỉ của anh họ Lữ và hứa sẽ sớm quay lại thách tôi đánh cờ vây.

Tôi quay về chỗ. Bàn vắng lặng, đối thủ của tôi đã bỏ đi không để lại một lời nào. Tôi quá mệt nên cũng chẳng thấy cáu. Trên đời này, người đến rồi người i đi.

Tôi xếp quân cờ. Mặt trời còn nấn ná phía tây. Những đám mây kéo thành vòng dài, nguệch ngoạc trên bầu trời. Ai có thể đọc cho tôi những từ viết nên số phận của tôi kia?

Tôi kẹp một quân đen trong ngón tay. Mặt nó nhẵn lì phản chiếu ánh sáng. Tôi thèm cái tâm vô tình, sự trong sạch như băng giá của nó.

Anh họ Lữ đã trốn nỗi thất tình trong một mối tình mới và tôi vui mừng vì hạnh phúc sớm tìm được của anh. Người Lạ mặt đã bỏ ván cờ. Đối với anh ta, cờ vây chỉ là một trò tiêu khiển. Đàn ông không sống vì sự đam mê. Họ vượt qua những xáo động tình cảm một cách vô tâm. Mẫn là một ví dụ. Trọng tâm cuộc sống của họ nằm ở chỗ khác.

Phu xe của tôi đột ngột dừng lại. Giữa đường, một người đàn ông cúi rạp mình. Đó là Người Lạ mặt. Anh xin tôi tha lỗi và khẩn cầu tôi cho tiếp tục ván cờ vào chiều hôm sau. Tôi chỉ khẽ gật đầu và ra lệnh cho phu xe tiếp tục kéo. Tôi phải để anh ta lại đó, trơ ra giữa đường.

74.

"Trong thế giới này, chúng ta bước đi trên nóc địa ngục và ngắm hoa."

Chỉ có việc chiêm ngưỡng cái đẹp mới khiến được người quân nhân nghĩ tới điều gì khác ngoài sự ngoan cố của anh ta. Còn hoa thì chúng đâu có cần gì tới người ngắm. Hoa nở cho phút giây thoảng qua, cho cái chết.

Những tin điện khẩn mới nhận được khiến doanh trại sôi lên sùng sục. Sau khi giáng cho quân đội Trung Quốc nhiều thất bại liên tiếp, các sư đoàn của chúng tôi đã tiến đến tận ngoại ô Bắc Kinh. Quân đội của Tống Chiết Viên và Trương Tư Trung bị cô lập và hoang mang, khiếp sợ Tưởng Giới Thạch hơn cả quân Nhật. Các tướng lĩnh Trung Quốc lo quân đội Tưởng sẽ tiến về phía Bắc để thôn tính đất đai của họ nên từ chối quân tiếp viện Trung Quốc và xin đàm phán hòa bình với chúng tôi.

Tại nhà hàng Chiđôri, nỗi tức giận dâng lên từ các bàn ăn. Trong số các sĩ quan, những người hiếu chiến nhất lớn tiếng đòi tiến lên chinh phạt Bắc Kinh. Những kẻ thận trọng hơn còn e ngại Liên Xô can thiệp và cho rằng tốt nhất nên tăng cường lực lượng quân Nhật tại Mãn Châu.

Hôm nay tôi không ghé qua nhà Lan. Cơ thể tôi vẫn khoẻ mạnh và dẻo dai. Tôi ăn tối rất ít, cảm thấy người nhẹ nhỏm và tỉnh táo. Tôi không để cho mình bị cuộc nói chuyện sôi nổi cuốn theo và cố gắng ngăn các đồng đội không lao vào nhau.

Ầm ĩ đến tận khuya trong từng phòng ngủ. Vài trung úy nóng máu phanh áo sơ mi thề sẽ làm seppuku ngay nếu quân đội Thiên Hoàng lại đi điều đình hòa ước với Bắc Kinh. Việc gợi lên màu máu làm nóng tất cả mọi người.

Tôi lẻn ra ngoài. Giữa bãi tập, gió thổi vào mặt tôi mùi hương nhẹ nhàng của các loài hoa đêm. Tôi cảm động thấy mình thuộc về một thế hệ không vụ lợi, đấu tranh vì một lý tưởng cao đẹp. Tinh thần võ sĩ đạo samurai đã bị thời hiện đại giết chết, sẽ lại sống lại nhờ chúng tôi và vì chúng tôi. Chúng tôi đang trải qua thời kỳ bất an. vinh quang ngày mai khiến chúng tôi thất vọng trong chờ đợi.

Có tiếng thở than phá tan bầu im lặng, tiếng sáo khô khốc lọt tới tai tôi. Tôi đã từng nhìn thấy một chiếc shakuhachi trong phòng đại úy Nakamura. Phải chăng là anh, trong cơn sau ưu sầu, đang dày vò chiếc sáo của anh?

Tiếng sáo ngày càng xuống trầm và trở nên thì thầm. Đột nhiên, một hơi thở chói tai xé tan bầu trời.

Nét nhạc xuyên qua tôi như ánh trăng chiếu xuống mặt biển tối. Hôm nay, tôi còn sống, ngày mai, tôi sẽ chết nơi trận tuyến. Lạc thú trong giây lát của tôi mạnh gấp bao lần một niềm hạnh phúc dài lâu.

Tiếng sáo hắt ra trong một tiếng thở dài vô tận rồi im bặt. Quanh tôi, vòm lá cay xao động. Mắt tôi chợt bắt gặp một con sâu ve đang bám vào cành lá. Vỏ cứng của nó đang nứt ra một khe rộng, từ đó một con ve trong suốt chui ra. Sinh linh mới này vặn vẹo, uốn người, đung đưa, toàn thân nó rung lên từng đợt. Tôi chờ lúc nó tách khỏi hẳn cái xác ve và khều cho nó trèo lên ngón tay tôi. Trong ánh trăng, con ve còn mềm nhũn giống như một hình khắc bằng ngọc của một nghệ nhân tài giỏi. Cánh nó mọc dài dần trên thân hình nõn như lụa, như hai giọt sương đang rung rinh chợt rơi. Tôi chạm vào bụng ve. Ngón tay tôi chỉ mới lướt qua, các mạch máu đã tan biến, nó không còn trong suốt nữa. Con bọ tiết ra một thứ mực đen. Thân hình nó xẹp xuống. Một cánh phồng lên, vỡ ra và tan ra như một giọt nước mắt đen.

Tôi nghĩ tới cô gái Trung Hoa, tới nước Trung Quốc mà chúng tôi buộc lòng phải nghiền nát.

75.

- Thuốc đây - Hương vừa nói vừa dỡ ấm thuốc bắc ủ trong một tấm vải dày giấu dưới đáy túi. Tớ đem cả bông đến đây. Hình như là sẽ ra nhiều máu thì phải. Giấu các thứ này đi. Thuốc khó ngửi lắm phải không? Tớ phải dọa tự tử mụ gác cổng mới cho tớ đun thuốc ở nhà mụ ấy đấy. Uống trước khi đi ngủ nhé, rồi nằm yên và chờ nó ra thôi. Thuốc này phải uống nóng, nguội cũng hiệu nghiệm nhưng đắng hơn. Tớ về đây, nếu không ba mẹ cậu nghi mất. Thôi cố lên, ngày mai là cậu sẽ thoát thôi.

Mẹ đi từ trước bữa ăn vì còn phải trông chị tôi đến tận ngày mai. Nguyệt Châu bị ốm nhiều ngày nay rồi. Tôi ăn tối một mình với ba. Lời ba nói vẫn như mọi khi, làm yên lòng tôi. Tôi hỏi ba về các bản dịch của ba. Ánh mắt ba bừng lên. Ba đọc tôi nghe vài khổ thơ. Tôi buồn rầu nhận thấy thái dương ba bắt đầu có tóc bạc. Tại sao ba mẹ lại phải già đi? Cuộc đời là một tòa lâu đài gian dối bị thời gian tàn phá. Tôi ân hận đã không ngắm nhìn ba mẹ mình nhiều hơn.

Ba hỏi ý kiến tôi về các bài thơ của mình.

- Hay lắm ba ạ, nhưng con thích các vần thơ cổ của mình hơn:

Khi hoa xuân tàn

Trăng cũng tàn theo

Bao kỷ niệm về lại trong tôi!

Hay là:

Đời ngắn bao nỗi sầu,

Mai này ta ra đi,

Tóc xõa,

Đứng trên mũi thuyền.

Ba nổi cáu. Ba không chịu được sự dửng dưng của tôi đối với các nền văn hóa nước ngoài. Ba cho rằng chính sự duy kỷ, chỉ xoay quanh bản thân mình, đã làm hỏng nước Trung Quốc.

Tôi bùng ra:

- Con ghét người Anh vì họ đánh nhau với chúng ta hai lần chỉ cốt để bán thuốc phiện cho dân mình, thứ mà họ cấm bán ở nước họ. Con ghét người Pháp vì họ cướp phá và đốt cung điện Mùa xuân, tinh túy của nền văn minh Trung Hoa. Còn ở Mãn Châu, từ khi quân Nhật hoành hành trên đất chúng ta, ai cũng kêu là có tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế. Con ghét người Nhật! Mai này, khi họ chiếm được toàn bộ lục địa rồi, mọi người sẽ nhẹ người khi thấy nước Trung Hoa bị hủy diệt và rũ bỏ được sự ngu muội cho mà xem.

Ba phật ý đứng dậy chúc tôi ngủ ngon và về phòng. Tôi lệt sệt rời phòng ăn, thật nhầm khi lên án ba tôi. Ông chỉ sống vì thơ thôi.

Tôi chốt cửa và kéo rèm.

Tôi ngồi trên giường nhìn ấm thuốc đặt giữa bàn. Tôi lấy các khăn quàng và khăn mùi xoa bện thành một đoạn dây chắc chắn.

Dưới cửa sổ, mùi hương muỗi chầm chậm bay lên.

Chết quả là đơn giản. Một nỗi đau ngắn ngủi. Chỉ chớp mắt đã vượt qua bậc cửa và bước vào một thế giới khác. Chẳng còn đau khổ, chẳng còn khắc khoải âu lo. Ở thế giới bên kia, ngủ mới ngon làm sao.

Chết cũng như là cọ tuyết vào với tuyết, đốt cháy một mùa đông bằng băng giá.

Tôi tóm lấy sợi dây và buộc hai đầu vào cọc giường. Nút thắt im lìm như một cái cây mọc lên từ chỗ đó cách đây ngàn năm.

Tôi ngồi xệp trên gót chân, nhìn cái nút đến hoa cả mắt.

Chỉ cần tôi đứng lên là sẽ khiến tư duy tôi ngừng lại.

Tôi không nghe thấy tiếng động nào.

Tôi đứng dậy kiểm tra độ bền của dây.

Tôi thử thò đầu qua nó.

Cái dây làm vướng cằm tôi. Tôi khao khát vực thẳm, mong muốn được rơi vào hư vô: tôi vừa ở nơi đây vừa ở bên kia, tôi đang là tôi và tôi cũng không còn tồn tại nữa!

Tôi đã chết chưa?

Tôi rút đầu khỏi nút dây và lại ngồi xuống giường.

Tôi thay quần áo, người đẫm mồ hôi. Tôi lấy khăn nhúng nước ướt rồi lau mình. Nước lạnh làm tôi rùng mình. Tôi cầm ấm thuốc. Thuốc đắng đến độ tôi phải ngưng nhiều lần dể lấy hơi. Tôi buộc băng vệ sinh nhồi bông giữa hai đùi, tháo dây thừng, tháo nút, nằm dài xuống giường và đặt tay lên bụng.

Tôi chờ đợi và vẫn để đèn.

Từ khi Mẫn chết, tôi không thể đi ngủ trong bóng tối được nữa. Tôi sợ hồn ma của Mẫn, tôi trốn Mẫn.

Tôi mơ về một khu rừng, nắng xiên qua vòm lá, có một con vật đẹp tuyệt đang đi trong đó. Lông nó vàng óng, ngắn, có bờm như sư tử. Thân hình nó thon mảnh như một con chó nòi. Tôi tức giận vì nó xâm phạm lãnh thổ của tôi. Khi tôi gọi, một con báo lao ra và nhẩy xổ vào kẻ xâm lấn. Đột nhiên tôi lại là con thú bị thương. Con báo xé thịt bụng tôi và răng nó giằng xé ruột tôi.

Tiếng rên của chính mình khiến tôi thức giấc. Một nỗi đau khủng khiếp chạy từ bụng tôi đang trướng lên xuống dọc hai bên đùi rồi đột ngột dừng lại. Tôi khó nhọc nâng người dậy và đi về phía bồn tắm để dấp ướt mặt. Rồi tôi lê xuống bếp, uống đến hơn mười cốc nước mới dịu bớt cơn khát.

Lát sau, lại một cơn đau mới làm tôi mất ngủ, tôi lăn xuống giường, lôi theo cả ga rải giường và gối. Tôi đạp chân vào chân bàn và quằn quại cố chống lại một cơn đau bụng thắt ruột thắt gan.

Khi cơn đau đã dịu, tôi gập người xem máu đã chảy ra giữa hai đùi chưa. Băng vẫn trắng tinh, màu trắng muốt như lời chế nhạo của Mẫn. Chân tay tôi như đi đâu mất. Sau cơn đau như cực hình, hơi ấm nhè nhẹ lan từ đầu ngón chân lên toàn thân. Cơn dễ chịu này đáng phải làm tôi thoải mái hơn lại khiến tôi rùng mình. Tôi nằm thượt trên sàn nhà, dửng dưng nhìn phòng ngủ lộn xộn.

Lại một trận đau quằn quại nữa. Một cơn nữa. Đêm dường như quá ngắn, tôi sợ ngày chóng đến và mọi người sẽ thấy tôi trong tình trạng thảm hại này. Lẽ ra tôi phải tự kết liễu đời mình thì hơn.

Bình minh đã trắng bợt bên ngoài rèm cửa sổ. Chim ríu ra báo hiệu ngày đang tới. Tôi nghe tiếng chị bếp đang quét sân. Chỉ lát nữa thôi là mọi người sẽ phát hiện ra tôi. Chủ lát nữa thôi, tôi sẽ gặp ánh mắt của ba, tôi sẽ chết vì tủi nhục.

Tôi cố gượng hết sức để đứng lên. Tay tôi run rẩy. Có lẽ nếu tôi phải cầm một sợi lông hồng, tưởng chừng nó cũng sẽ nặng hàng tấn.

Tôi chầm chậm xếp dọn lại phòng mình đôi chút.

Nắng sớm hắt ánh sáng rực lên các ô gạch lát sàn. Lưng tôi đau như giằng như xé. Đứng hay ngồi tôi vẫn có cảm giác như mình sắp đẻ ra một quả bóng đổ chì. Tôi ngồi trước gương nhìn nét mặt bơ phờ, đánh cho mình chút phấn và trang điểm nhẹ.

Máu ra lúc tôi đang ăn sáng, khi tôi không nghĩ gì đến nó nữa, khi chẳng có gì vướng bận trong tâm trí tôi. Có một dòng sông bỏng rẫy chảy giữa hai đùi tôi. Tôi vội vàng chạy vào phòng vệ sinh. Trên băng vải có một thứ chất lỏng sùi bọt và đen xì. Tôi chẳng thấy buồn cũng chẳng vui.

Từ nay không gì có thể khiến tôi xúc động được nữa.

Đã đến giờ đi học. Để tránh nỗi nhục để váy bị vấy bẩn, tôi chế tạo cho mình một thứ băng vệ sinh nhồi đủ các thứ có trong tay, bông, vải, giấy, tôi xỏ hai chiếc quần lót chồng lên nhau và mặc một chiếc váy cũ bằng vải lanh của Nguyệt Châu mà tôi rất ghét vì màu xỉn và rộng thùng thình. Tôi tết tóc thành một bím và buộc túm nơi đuôi bằng một chiếc khăn mùi xoa.

Xuống xe, tôi đi chầm chậm vào trường. Quanh tôi bọ học sinh chạy nhảy. Sớm ra tuổi trẻ bao giờ cũng ồn ào như một bày chim sẻ tung mình lên trời xanh. Một con bạn cùng lớp vỗ vai tôi:

- Này sao mày trông giống một bà ba mươi thế?

76.

Tôi đợi cô gái người Hoa từ hơn một tiếng đồng hồ.

Khi còn là lính trơn, tôi rất thích khi đến phiên được canh gác. Tôi ôm súng trước ngực và chú tâm nghe từng tiếng động nhỏ suốt đêm dài. Khi trời mưa, một chiếc áo choàng rộng tách biệt tôi hẳn khỏi thế giới bên ngoài và tôi như một bào thai cuộn mình trong tư duy của chính mình. Khi trời đổ tuyết, từng bông tuyết lớn rơi xoay tròn như hàng nghìn âm tiết, như mực trắng trên nền giấy đen. Mắt mở to và toàn thân bất động, tôi như hoá thân thành chim, thành cây. Tôi quên thân hình tôi, nguồn gốc của tôi, tôi trở thành một phần của thiên nhiên bất biến.

Cô gái người Hoa cuối cùng đã tới. Em mỉm cười mơ hồ thay lời chào. Tôi đứng dậy cúi gập người. Em hơi còng lưng xuống một chút. Dường như một giấc ngủ trưa nặng nề làm sưng mọng mi mắt em, làm nét mặt em phờ phạc. Hai nếp hằn vạch sâu bên khoé miệng. Em vén những lọn tóc tuột khỏi bím ra phía sau tai. Em mơ màng và như thất thần, trông giống mẹ tôi khi người gấp áo kimônô cho tôi.

Em mời tôi đi trước. Sau nước đi thứ hai trăm, quân trắng và quân đen tạo thành những cái bẫy chằng chịt, nơi nhiều vòng vây lại bị vây lại vào trong. Chúng tôi chiến đấu trên những trục đường hẹp, những khoảng trống chật chội. Em đi nước đánh trả sau vài phút, tiếng quân cờ vang lên như tiếng một cây kim rơi trong căn phòng lặng lẽ.

Thời gian ngắn ngủi em dành để nghĩ nước đi khiến tôi ngạc nhiên. Sự nóng nẩy mà tôi để lộ ra trong buổi chơi trước đã khiến tôi bực mình đến độ tôi đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi kiểu tác động từ bên ngoài. Tôi suy nghĩ hẳn nửa tiếng trước khi đi quân tiếp theo. Ba phút sau, quân trắng đã lại đi xong. Tôi quá ngạc nhiên trước sự thô bạo này và ngẩng nhìn em.

Em đột ngột nhìn sang phía khác và giả vờ theo dõi các người chơi khác qua vai tôi. Tim tôi đập mạnh hơn. Tôi cúi mặt và cố gắng tập trung. Điều kỳ lạ là tôi nhìn thấy trên bàn cờ, các nét trắng và các nét đen lại chính là hình gương mặt em!

Tôi vừa đi một quân đen, quân trắng đã lại chiếm một ô sát bên. Chưa bao giờ em đi cờ nhanh như vậy. Và nước cờ rất chuẩn xác. Tôi lại ngẩng đầu lên. Mắt tôi gặp mặt em. Tôi rùng mình. Để che giấu nỗi lúng túng, tôi giả vờ suy nghĩ.

Em vẫn nhìn tôi chằm chằm. Tôi cảm thấy trán mình như phải bỏng dưới mắt em. Đột nhiên, giọng em tách bạch:

- Anh giúp tôi một việc có được không?

Tim tôi đập thìch thịch.

- … Vâng.

Im lặng một lát, em thì thầm:

- Tôi trông cậy vào anh.

- Tôi có thể giúp gì được?

- Đi khỏi đây rồi tôi sẽ nói

Tôi giúp em ghi lại thế cờ và xếp quân cờ vào hộp. Sau khi cho tất cả vào túi, em bảo tôi đi theo.

Em đi trước. Tôi theo sau. Vài lọn tóc phất phơ trong gió. Em đi rất chậm.

Tim tôi thắt lại, tôi cảm thấy một nỗi lo lắng kỳ lạ xâm chiếm lòng mình. Em định đưa tôi đi đâu? Cây cối rẽ ra trước bóng dáng nhỏ bé của em và khép lại sau lưng tôi. Phố phường như một mê cung lớn. Và tôi đang lạc lối.

Đôi khi em quay lại và mỉm cười. Vẻ lạnh lùng đã mất đi trong ánh mắt em. Em vẫy gọi một chiếc xe tay và cho tôi ngồi cạnh.

- Đến đồi Bảy Kỳ quan đổ nát nhé.

Rèm xe kéo xuống, nắng ban ngày hắt lên mặt em ánh sáng vàng óng. Những hạt bụi bé li ti như ánh sáng nhảy múa rơi từ nóc xe và đậu trên lông mi em. Tôi tuyệt vọng nép mình sát phía bên kia băng ghế mà không xong. Xe rẽ ngoặt, cánh tay tôi chạm tay em. Da em lạnh mát để lại cảm giác trên tay tôi như một vết đốt nóng rực. Em giả vờ không để ý. Cổ em toát mùi hương con gái, mùi lá chè xanh và mùi xà phòng. Xe tay vấp phải một hòn đá, đùi tôi xiết vào đùi em.

Tôi vừa bị kích thích vừa xấu hổ, người tôi như nghẹn lại.

Tôi chết đi được vì thèm khát được ôm em vào lòng! Nếu như không được vòng tay quanh vai em, kéo đầu em ngả xuống ngực mình, tôi cũng sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc nếu được chạm vào các ngón tay em. Tôi đưa mắt nhìn em, sẵn sàng lao như thiêu thân vào lửa. Nhưng nét mặt em vẫn kín như bưng, lông mày nhíu lại, em nhìn lưng anh xe đang chạy phía trước.

Tôi cương quyết giữ chặt hai tay mình trên gối.

Anh xe dừng lại và chúng tôi xuống. Tôi ngửa đầu nhìn dõi lên một đồi cây rợp bóng. Trên đỉnh, lẫn trong nắng chói, tôi cảm thấy hình dáng của một ngôi chùa ngự trên một vùng cây cổ um tùm.

Trước mặt chúng tôi, một lối mòn lát đá ngoằn nghèo đi sâu vào các bụi cây đầy hoa, cỏ cao dầy, và khuất dần trong bóng cây và lau sậy trên đồi.

77.

Vào lớp, Hương chuyển cho tôi một tờ giấy gấp tư:

“Thế nào?”

Tôi xé tờ giấy và trả lời: “!”

Vài phút sau lại một bức thư khác hạ cánh. Nét chữ nhấn mạnh quá nên thủng cả giấy:

“Sáng nay bố tớ đến. Ông ấy bắt phải đi về theo ông ấy đến khi hết năm học. Tớ toi rồi!”

Chúng tôi học hết tuần này là xong chương trình. Cứ nghĩ là Hương phải lấy con một ông phú hào nhà quê nào đấy làm tôi buồn muốn chết. Xúc động làm tôi lại lên cơn co thắt. Chuông vừa vang lên, sau khi chào thầy, tôi lao ra nhà vệ sinh với chiếc cặp đầy băng.

Hương đi theo chờ tôi ngoài cửa. Môi nó run đến nỗi nó không ói được câu gì. Tôi lôi nó ra riêng một chỗ và nó oà lên nức nở. Tôi lại đau bụng. Hương ôm lấy tôi làm tôi không thể gập người để nén cơn đau được. Tôi ôm chặt lấy nó. Mồ hôi tôi lẫn vào nước mắt của nó.

Nó phải ăn trưa với bố và xin tôi đi cùng. Nó muốn xin bố hoãn cho một năm nữa.

Bố bạn tôi bận áo dài gấm, đồng hồ đeo trên một dây chuyền vàng, rõ là một ông nhà quê ra tỉnh. Ông ta đưa chúng tôi đến một tiệm ăn sang trọng. Chưa ngồi xuống ông đã kể lể đủ thứ tiền học, tất cả đều nhờ vào mồ hôi công sức của ông.

- Rồi, ông ta đấm tay xuống bàn: “Hoang đàng mãi rồi cũng phải chấm dứt chứ. Mầy thu xếp đồ đạc đi là vừa”.

Bộ răng vàng khè của ông ta làm tôi phát tởm. Hương mặt trắng nhợt, chẳng dám nói câu gì.

Tôi cảm thấy khó ở. Từng lúc, từng lúc, tiếng bát đũa lách cách và tiếng nói chuyện ồn ào tạo thành một thứ âm thanh ầm ầm liên tục. Đũa rơi khỏi tay tôi và tôi cúi nhặt. Hương cũng cúi xuống và thì thầm vào tai tôi:

- Nói đi, nói cho tớ!

Tôi biết nói gì được? Nói như thế nào? Bạn tôi đang đặt hết cả niềm hạnh phúc của nó vào tay tôi.

Tôi uống liền một hơi ba cốc nước chè để chống lại nỗi đau đang quặn lên. Tỉnh táo lại đôi chút, tôi cố gắng giải thích cho lão già kia rằng con gái ông ta phải được học hành đến nơi đến chốn và có bằng cấp. Lão ta lẳng vào mặt tôi:

- Bằng cấp ấy hả? Có ra tiền không? Tôi có biết đọc đâu mà tôi vẫn sống nhăn ra đây! Đầu tư vào cái hũ thối này quá đủ rồi đấy, nay nó phải đem tiền về cho tôi đây! Này cô tiểu thư ưa dúng mũi vào chuyện người khác, cứ tự lo lấy thân cô. Trông cô không tệ lắm, bố mẹ cô phải nhanh chóng kiếm cho cô tấm chồng đi.

Tôi đứng dậy bỏ đi, nghe tiếng lão già the thé sau lưng:

- Bạn thân nhất của mầy đấy phỏng. Đồ mất dậy. Tao móc mắt mầy ra nếu mầy còn chơi với nó. Giờ thì câm đi và ăn đi, đừng có ngồi mà thút thít. Ăn xong tao sẽ dẫn đi mua váy xống. Rồi con sẽ có món hồi môn hời nhất vùng con ạ.

Tôi gọi một chiếc xe tay.

Từ trưa đến giờ, máu đã bớt chảy. Nhưng tôi kiệt sức, chỉ mong được ngủ một giấc thật say. Mẹ đang ở nhà. Về bây giờ thế nào mẹ cũng nhìn thấy. Nếu đi nằm, mẹ sẽ đoán ngay là bị ốm, rồi mọi người sẽ phát hiện ra.

Tôi ngủ gà ngủ gật trên xe. Sau khi bắt xe chạy vòng vòng, tôi mới nhớ ra ván cờ đấu dở đã hẹn. Đến cổng, tôi nấp sau chiếc xe và sai anh xe vào nói với chị giúp việc lấy hộ tôi hai hộp quân cờ.

Quảng trường Thiên Phong: bức tượng bằng đất nung đã ngồi chờ rồi.

Ván cờ của chúng tôi đã vào giai đoạn cuối. Trên bàn cờ, tôi lấy lại được sự đĩnh đạc và thoải mái. Nhưng tôi không có nhiều thời gian. Trong khi đối thủ của tôi suy nghĩ rất lâu, tôi chóng cả mặt vì nắng. Tôi nhắm mặt lại. Tiếng sột soạt trầm trầm, như tiếng sóng không ngừng nghỉ, ù hết cả tai tôi. Một rừng thưa trải dưới chân tôi. Tôi nằm trên cỏ.

Có tiếng quân đi đánh thức tôi. Đối phương vừa đi một nước. Ánh mắt chúng tôi chạm nhau.

- Anh giúp tôi một việc có được không?

Lời yêu cầu chưa thành hình trong đầu tôi đã tuột ra miệng. Anh ta còn chưa biết tên tôi. Tôi đứng dậy, người hầm hập sốt, bụng đau như cắt. Tôi phải trốn chạy khỏi những kỳ thủ, khỏi cờ vây, khỏi thành phố của tôi.

Tôi trèo lên xe tay. Bạn cờ của tôi ngồi bên cạnh. Cơ bắp anh ta săn chắc hơn, vai anh ta rộng hơn vai Mẫn. Ghế ngồi chật quá.

Được ru trong tiếng xe chạy đều đều, tôi tưởng chừng mình đang đi một chuyến đi dài. Tôi không còn là tôi nữa, tôi đang bay bổng.

Xe dừng phía chân đồi. Tôi bắt đầu leo lên. Người Lạ mặt vẫn im lặng theo tôi. Gió thổi từng đợt nhẹ đưa mùi hương hoa dại chan chát. Chân tôi run quá. Tôi thở rất khó nhọc. May là tôi toát được mồ hôi và có vẻ đỡ sốt. Tôi chờ Người Lạ mặt đang đi chầm chậm tay chắp sau lưng. Anh ta ngẩng đầu nhìn và cúi mặt ngay.

Anh ta là ai? Đến từ đâu? Có nhất thiết phải đặt những câu hỏi mà lời giải đáp sẽ xoá đi những con người, dù lạ dù quen, đầy ấn tượng và chỉ thoảng qua trong các giấc mơ của ta?

Chúng tôi đi qua con đường dẫn đến chỗ tôi ngồi trên tảng đá chờ Mẫn với những nụ hôn đầu.

Sau chiếc kiốt đổ nát, tôi đi sâu vào khu rừng thông. Đường đi đến đó là hết. Tiếng côn trùng kêu sin sít. Gió ngừng vi vu. Nắng đổ xuống đôi chỗ thành vầng như thác nước. Vạt rừng thưa đây rồi.

Tình yêu đã mãi mãi bị chôn vùi dưới chân tôi. Tôi nằm dài trên cỏ, đầu gối lên cặp sách. Cỏ mơn man cù cánh tay tôi gập dưới gáy.

Tôi muốn ngủ.

78.

Đến giữa khoảng rừng trống, cô gái nghiêng mình:

- Xin anh hãy trông cho tôi. Đừng đánh thức tôi nếu tôi ngủ.

Em nằm dài xuống cỏ dưới gốc cây, đầu gối lên chiếc cặp học sinh.

Tôi quá ngạc nhiên không biết phải làm gì. Tôi hiểu tất cả mà vẫn chẳng hiểu gì. Em muốn tôi đến với em dưới bóng cây. Em biết rõ mối nguy hiểm của các cuộc bao vây, em tính trước cả mười nước đi để tránh bị vây hãm, em lại vừa tự mình dấn vào vòng rối ren của tình cảm con người để biến mình thành tù nhân của tôi.

Tôi sờ vào khẩu súng lục giấu trong áo dài. Hay là em đã biết rõ tôi là ai? Hay là em bẫy tôi? Quanh tôi, cây và cỏ tạo thành một vòng vây đáng sợ. Tôi lắng nghe, chẳng có gì ngoài tiếng ríu ran của một chú chim, tiếng kêu nhàm chán của lũ ve và tiếng rì rầm của một con suối.

Tôi đến gần cô gái. Mắt nhắm, chân hơi gập lại, em co người về bên trái. Tôi lấy quạt đuổi một con ong nhầm tưởng lớp lông tơ mịn mướt trên mặt em với lớp lông phấn của hoa. Em cũng chẳng phản ứng gì khiến tôi nghiêng người cúi xuống. Ngực em phậpng lên xuống đều đặn theo nhịp thở. Em ngủ thật!

Tôi ngồi tựa lưng vào gốc cây che chúng tôi. Giấc ngủ say của thiếu nữ khiến tôi xúc động. Tôi quyết chờ đến khi em thức dậy và cũng chìm dần trong một giấc ngủ trưa mát mẻ. Mi mắt tôi trĩu xuống. Tiếng côn trùng rì rầm như ru tôi và tôi nhắm mắt.

Chuyện này đã bắt đầu ra sao? Tôi sống ở Nhật Bản còn em ở tận Mãn Châu. Một sớm trời tuyết phủ, sư đoàn chúng tôi đổ bộ lên lục địa. Từ trên cầu tầu đã có thể nhìn thấy biển dày sương mù thì thầm vang tiếng sóng vỗ. Đất Trung Hoa mà chúng tôi còn chưa thấy, đối với tôi vẫn là một ý tưởng siêu thực. Và từ trong sự im lìm màu xám đó vọt ra nào đường sắt, nào rừng, sông, thành thị. Các nẻo đường khúc khuỷu của số phận đã dẫn tôi tới quảng trường Thiên Phong, nơi một thiếu nữ chờ tôi. Tôi không nhớ ván cờ vây đầu tiên chơi như thế nào. Tôi bắt đầu học chơi cờ từ cách đây hơn mười lăm năm. Sau đó, tôi ra sức thách đấu với người lớn còn họ chiếu cố nhường cho tôi một vài nước. Họ cười tôi về chiến thuật sơ đẳng. Các cuộc bao vây của tôi nặng nề như cơm rơi vào dạ dày người đói. Thời đó tôi không hề có ý niệm gì về tương lai lẫn quá khứ. Chơi cờ vây nhiều năm đã dạy tôi cách tự do đi về trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Từng quân, từng quân một, từ trắng rồi tới đen, hàng ngàn viên đá xây nên một chiếc cầu bắc đường vào sự vô tận của Trung Hoa.

Tôi mở mắt. Trên nền trời, một núi mây với những vực sâu tạo cho khoảng rừng thưa của chúng tôi một bề dày kỳ quặc. Cỏ cây, cành lá, hoa không thể nhìn thấy được trong ánh nắng gắt, nay mang hình dáng sắc nét tựa như chúng vừa được gọt rũa xong. Gió thổi lá cây rì rào. Cô gái người Hoa vẫn ngủ trong tiếng hoà đàn của kôtô, của sáo trúc, của đàn shamisen. Váy em phủ kín tận mắt cá chân. Lá khô rơi trên thân em biến tấm vải màu xanh tím, nhàu đi theo nét cong của cơ thể em, thành một tấm khăn choàng lộng lẫy, với các nếp nhăn, các vũng sâu, các đường lượn sóng. Liệu em có ngồi dậy và múa trên chiếc khăn đó để dâng lên thần linh và những kẻ mơ mộng hay không?

Mặt trời lại ló ra sau đám mây. Một vầng sáng như chiếc mặt nạ vàng phủ lên mặt người đang ngủ. Em rên lên và quay sang bên phải, má trái hằn vết cỏ Tôi lặng lẽ xoè quạt và giữ trên đầu che cho em. Lông mày em đang nhíu giãn dần ra. Một nụ cười mơ hồ phảng phất trên môi.

Tôi nhẹ nhàng ve vuốt thân em bằng bóng quạt. Khoái cảm không chế ngự được xâm chiếm toàn thân. Tôi đột ngột khép quạt lại.

Làm sao tôi có thể nhầm lẫn giữa sự vô tình và nỗi e thẹn, sao tôi lại như ngu như điếc trước lời mời gọi của em? Em đã yêu tôi từ lúc tôi vẫn coi em như một cô bé. Sức mạnh của đắm say bị che dấu đã biến em thành đàn bà. Hôm nay, em táo bạo vô cùng, em tự mình dâng hiến cho tôi. Trước em, tôi là một thằng hèn, lúc này đây tôi còn sợ em cài bẫy mình, không dám ôm lấy em chỉ vì lo chết bởi sập bẫy.

Chiến tranh sắp nổ ra. Mai này, tôi phải ra đi và bỏ em ở lại. Làm sao tôi dám lạm dụng tấm thân trinh của em mà không day dứt gì?

Là lính, tôi chỉ xứng với cái chết chứ không đáng để hưởng tình yêu.

Để tĩnh trí lại, tôi nhắm mắt. Đối lập với khu rừng ngập nắng, tôi nhìn thấy hình ảnh một cánh đồng tuyết, những giao thông hào đào trong đất giá băng, các xác chết thối rữa.

Có cái gì va vào chân tôi. Cô gái người Hoa gập người lại, em có vẻ đang đau đớn. Em có lạnh không? Là tiểu thư được cưng chiều, em ngủ đất lâu không có lợi. Tôi khe khẽ lay em. Em không thức dậy mà lại rùng mình và tiếp tục cơn mê sảng. Tôi nắm tay em và kéo lại đặt trên đầu gối mình. Em có vẻ bình tâm lại.

Dường như tôi thấy giữa hai hàng mi khép của em thoáng ánh hạnh phúc.

79.

Tôi phải đến nhà Nguyệt Châu ở đầu kia thành phố. Mẹ sợ tôi về ăn muộn nên giữ không cho đi.

Tôi trêu mẹ vì lo lắng vô cớ:

- Mẹ nhìn con này!

Tôi dậm chân và vọt lên. Tôi không rơi xuống đất mà lại bay lên và vỗ cánh. Nhà chúng tôi chỉ còn là lớp gạch, rồi một hạt cát trong khu vườn là thành phố chúng tôi.

Trước mắt tôi không có mây cũng không có chim. Tôi bay theo gió, trượt đi, lộn vòng lại. Tôi leo lên trời cao vô tận, theo hình vòng xoáy. Đột nhiên, đêm đen vĩnh hằng lạnh lùng và sâu thẳm hiện ra. Những ngôi sao như những cái nhìn đầy suy tư không còn lấp lánh nữa. Tôi bị ánh sáng bất động của chúng hút và định bay tới chúng nhưng đột nhiên một cơn đau vò xé ruột gan tôi.

Tôi quá đau nên rơi. Tôi đạp chân, vẫy tay, vẫy cánh nhưng không gì giữ tôi lại, không gì nâng tôi lên. Trong khoảnh khắc, tôi vượt qua thành phố, qua nhà tôi và rơi tiếp trong hư vô.

Thân tôi bùng cháy. Tôi buồn nôn và kêu lên kinh hãi.

Có ai ôm lấy tôi trong khi tôi rơi. Ai có tay dài thế vớt được tôi trong đại dương kia? Tôi không cựa quậy nữa. Tôi không được cựa quậy để anh ta còn có thể lôi tôi lên từ bóng tối. Nhẹ nhàng và chắc chắn, anh đưa tôi lên phía trên, về phía cuộc sống, tựa như một bà đỡ đang hướng cho em bé ra đời. Hơi ấm tay anh thấm qua da thịt tôi và lan toả trong tôi. Tôi trần truồng, nhăn nheo, đỏ hỏn, cong người lại. Tôi sợ ánh sáng, sợ tiếng thế giới bên ngoài sột soạt vang lên. Tôi rên lên vì khoái cảm.

Khi tôi mở mắt, ánh mắt tôi bắt gặp ánh mắt một người lạ. Tôi ngạc nhiên nhảy dựng dậy.

Anh cũng đứng dậy. Tôi nhặt cặp và bỏ chạy.

Trời chiều đỏ ối trên vùng đồi. Hôm qua tôi còn không thể nhìn màu đỏ của hoàng hôn. Nó giống mặt trời đỏ rực treo trong sương mù sáng hôm hành quyết. Còn giờ đây, tôi thách thức nó.

Tôi chờ xe thật lâu. Mặt trời lặn dần và quạ bắt đầu xao xác trong màn đêm xuống dần. Đêm tối chẳng bao lâu bao phủ tôi. Đường phải đi qua một cánh đồng lúa mì lớn đầy đom đóm bay.

Trên trời, trăng non vạch một nét phấn mới.

Người Lạ mặt vẫn đi theo tôi. Tiếng chân anh làm tôi lo lắng và có cả vui nữa. Anh có theo kịp tôi không?

Tôi không sợ ma nữa. Đêm nay, Mẫn và Đường đã về dưới mộ. Cầu cho họ yên nghỉ! Tôi đã trở thành một người đàn bà khác và mang tên tôi như con ve mang nỗi nhớ từ mặt đất nơi nó ngủ gà gật trước khi lột xác. Tôi không sợ gì nữa hết. Cuộc đời này chỉ là một ván cờ vây!

Anh vẫn giữ khoảng cách.

Có chiếc xe chạy qua.

Tôi gọi xe.

Lên xe một mình.

Xe bắt đầu chạy.

- Xin chờ một chút!

Người Lạ mặt đưa tay giữ xe lại.

- Xin chờ một chút, anh run giọng nhắc lại.

Đứng dưới đèn đường trông anh cao lớn và cô độc vô cùng. Mắt anh nhìn tôi như ve vuốt.

Tôi cúi đầu nhìn lưng người phu xe.

Chiếc xe bắt đầu nhấc bánh.

Tiếng nói sau lưng tôi nhỏ dần:

- Ngày mai em sẽ lại đến chơi cờ chứ?

Tôi ngước mắt lên. Nước mắt tràn ra làm tôi đau. Qua màn sương mờ, tôi nhìn khung cảnh tối đen. Tôi phải ngừng ngay những khóc lóc vô lý này. Bóng những người qua đường loạng choạng trên hè phố. Nhà cửa đã lên đèn. Hàng trăm cuộc đời hiện lên và trôi đi qua khung cửa sổ.

80.

Tôi kiệt lực quyết định đi nằm không cần ăn tối. Thư mới tới chiều nay được đặt trên giường tôi.

Với sự bình tĩnh và thanh thoát của một phụ nữ có học thức, mẹ đã tóm tắt sự kiện quan trọng nhất trong tháng: em trai tôi được điều động lên đường sang Trung Quốc.

“Mới đầu, sự yên tĩnh trong nhà làm mẹ cũng ngạc nhiên”, mẹ viết. “Để tránh phải nghĩ rằng chúng ta đang sống xa nhau, mẹ bèn xếp dọn đồ đạc. Sắp xếp các thứ gọn gàng làm mẹ quên được sự vắng mặt của các con. Khi mẹ nhìn những chiếc áo kimônô của các con khi còn bé, mẹ thật khó tin rằng các con đã lớn nhanh như vậy và nay cả hai con đều đang đang chiến đấu vì Thiên Hoàng.”

Trong thư, em trai xin tôi tha lỗi. Nó không có thời gian để xin phép tôi cho nó rời mẹ.

“Chúng ta sẽ sắp sửa được gặp nhau ở mặt trận Trung Quốc và anh sẽ tự hào về em!”

Sự ngây thơ của nó khiến tôi thở dài. Tôi những muốn nó được che chở khỏi phải nhìn thấy sự tàn bạo của chiến tranh. Nhưng làm sao tôi có thể ngăn cản nó yêu quý tổ quốc hơn cả đời sống của chính mình? Khi nó còn nhỏ, tôi là thần tượng. Sau khi cha mất, nó đã nổi dậy chống lại uy quyền của tôi. Và ngày nay tôi lại trở thành mẫu mực của nó.

Tôi thương mẹ. Những người đàn ông trong nhà mẹ đều rời bỏ mẹ và thần linh bắt mẹ phải sống một mình. Không biết mẹ sẽ còn đau lòng đến đâu khi nhận được hai lọ tro đựng di hài các con trai mình?

Trong phòng bên, mọi người đang chơi bài. Tiếng kêu vọng qua tường

- Tôi đánh gấp đôi!

- Tôi cũng đặt gấp đôi!

Mỗi người lính thách thức tương lai theo cách của mình.

Tôi nghĩ đến mẹ tôi, đến dáng đi mảnh khảnh trong chiếc áo kimônô goá bụa. Hình ảnh mẹ lại cộng thêm hình ảnh cô gái người Hoa co mình trong cỏ. Tuổi khác nhau và nguồn gốc khác nhau nhưng họ cùng có chung số phận: nỗi buồn vô hạn của một tình yêu không thể được.

Đàn bà là vật tế hiến chúng ta dành cho thế giới này.