Thuật Đàm Phán

Chương 16. Thuyết phục bằng sự đền đáp qua lại

Trong cuốn sách Influence (Những đòn tâm lý trong thuyết phục)(3), Robert Cialdini đã liệt kê ra những yếu tố có ảnh hưởng nhiều nhất đến cách suy nghĩ và phản ứng của mọi người đối với bạn. Theo phỏng đoán của Cialdini, đó là sự đền đáp qua lại. Nghiên cứu mở rộng cho thấy sự đền đáp qua lại – cho và nhận – là cách thức mạnh mẽ nhất để đạt được thỏa thuận và cam kết.

Con người thường hướng đến sự công bằng trong tương tác với người khác. Đây là bản năng tự nhiên và bình thường ở chúng ta. Nó cũng là cơ sở của nền văn minh và là nền tảng của Luật khế ước, một nền tảng cho phép tất cả các hoạt động kinh doanh có thể diễn ra.

Làm vì người khác

Trong đàm phán, điều này có nghĩa là bất cứ khi nào bạn làm một việc tốt
đẹp cho người khác, dù nhỏ hay lớn, bạn đang khơi dậy ở họ khao khát đền đáp một cách vô thức – đáp lại sự tử tế của bạn một cách tích cực.

Mỗi khi hỏi người khác về cuộc sống, công việc hay gia đình họ, hãy lắng nghe với sự quan tâm chân thành, việc làm chắc chắn sẽ khiến họ thấy vui vẻ.

Sử dụng phương pháp khích biện của Socrates

Để thúc đẩy sự đền đáp qua lại, hãy sử dụng phương pháp đàm phán theo kiểu khích biện của Socrates được thể hiện qua câu nói: “Trước hết, hãy quyết định tất cả những vấn đề mà ta đồng ý, rồi chuyển sang các vấn đề gây tranh cãi mà ta có ý kiến khác nhau.”

Như đã mô tả trong chương trước (Luật số 4), theo tôi, bạn nên bắt đầu cuộc đàm phán hoặc cuộc thảo luận bằng cách xem qua một lượt từng khoản mục.

Bạn sẽ thấy rằng luôn có một số lượng đáng kể các vấn đề mà bạn và đối phương có thể đồng ý với nhau và những vấn đề mà cả hai bên đều chấp nhận được. Khi cả hai có thể thảo luận và đồng ý với nhau về nhiều vấn đề, các bạn đã tạo dựng được đà tiến tới thỏa thuận.

Gạt bỏ vấn đề

Trong một cuộc đàm phán, mỗi khi lướt qua các vấn đề khác nhau một lượt và vấp phải mục gây bất đồng cho đối phương, hãy lên tiếng ngay: “Chúng ta hãy trở lại vấn đề này sau nhé.”

Bạn càng nhanh chóng lướt qua các vấn đề gây tranh cãi bao nhiêu, sự phản kháng và thái độ tiêu cực của đối phương sẽ càng giảm đi bấy nhiêu. Càng đồng ý nhiều khoản mục ngay từ đầu, bạn càng dễ dàng khiến đối phương đồng ý ở các khoản mục sau này. Bằng cách để mọi việc diễn ra suôn sẻ ngay từ đầu, bạn sẽ khiến đối phương mong muốn đáp lại thịnh tình của bạn ở những vấn đề sau nhiều hơn.

Ngay khi bắt đầu đàm phán, hãy là người “cho đi”, thay vì “nhận về”. Hãy cố gắng đồng ý với đối phương ở một số khoản mục, việc làm này của bạn chắc chắn sẽ khiến họ có xu hướng muốn đồng ý với bạn nhiều hơn.

Đồng ý dần

Một chiến thuật đàm phán khác mà bạn có thể sử dụng, ngay cả trong
trường hợp không có bất kỳ khúc mắc gì liên quan đến các điểm đó, là đồng ý dần dần, miễn cưỡng và cẩn trọng. Khi thỏa hiệp quá nhanh, mà không tỏ ra miễn cưỡng, đối phương sẽ tin rằng vấn đề này không mấy quan trọng với bạn.

Nhưng khi bạn hành động như thể việc nhượng bộ rất quan trọng, bạn đã khiến đối phương ý thức rằng anh ta cần đáp lại sau đó.

Nhấn nút công bằng

Một trong những nguyên tắc tình cảm quan trọng nhất trong quan hệ của
con người cũng như hoạt động đàm phán là sự công bằng. Sử dụng từ công bằng nhiều hết sức có thể, bởi nó sẽ khiến đối phương mong muốn đáp lại tình cảm của bạn một cách tích cực. Hãy nói những câu như: “Tôi nghĩ rằng lựa chọn này sẽ công bằng hơn,” hoặc “Với tôi, trong tình huống này, điều đó có vẻ không công bằng.” Hay “tôi chỉ muốn có được sự công bằng cho cả hai chúng ta.” Không ai có thể phản bác bạn về khao khát có được sự công bằng.

Đề nghị đối phương đáp lại

Khi miễn cưỡng nhượng bộ một loạt các điểm không trọng yếu, bạn có thể nói: “Đây nhé, chúng tôi đã đồng ý với các yêu cầu của bên anh trong những vấn đề này rồi. Cho đến lúc này, chúng tôi chỉ toàn nhượng bộ và tất cả những gì mà chúng tôi mong muốn là các anh sẽ nhường chúng tôi chút ít ở một số vấn đề như sau” – những vấn đề mà tất nhiên là quan trọng đối với bạn.

Giá và điều khoản không phải là một

Hãy luôn nhớ rằng trong đàm phán, giá và các điều khoản là những thành tố rất khác nhau. Bạn có thể đồng ý với mức giá cao hơn mức giá mà bạn muốn trả, miễn là bạn đạt được các điều khoản có lợi cho mình. Bạn có thể nói với đối phương rằng bạn sẽ trả giá cao hơn nếu họ đáp lại bằng cách đưa ra những điều khoản thanh toán tốt hơn.

Lần nọ, một số người bạn của tôi tiến hành đàm phán về một khu bất động sản trị giá 1 triệu đô-la. Nếu so với các khu đất tương đương trên thị trường, bản thân khu bất động sản đó có giá trị chưa đến 600.000 đô-la. Nhưng người bán đòi 1 triệu đô-la vì năm trước đó một người bạn thân của họ bán được khu đất có diện tích tương tự với giá này. Tất nhiên, khu đất kia có vị trí tốt, phù hợp để xây dựng và có giá trị hơn. Nhưng người chủ khu đất nhất quyết nói họ sẽ chỉ bán với giá 1 triệu đô-la. Nếu không, họ sẽ không thỏa thuận.

Những người bạn của tôi cuối cùng cũng đồng ý trả mức giá đề nghị và ra điều kiện họ phải có được những điều khoản chấp nhận xứng đáng. Các điều khoản đó là họ sẽ trả số tiền 1 triệu đô-la kia trong vòng 20 năm, mỗi năm 50.000 đô-la, không tính lãi. Khi họ quy hoạch xong khu đất thành các lô riêng và bán chúng, họ sẽ đẩy nhanh tiến độ thanh toán cho bên bán ngay khi nhận được tiền từ khách hàng. Vì mức giá niêm yết 1 triệu đô-la là yếu tố quan trọng nhất với những người chủ đất, trong khi điều khoản và điều kiện là yếu tố quan trọng nhất với các bạn tôi, nên họ có thể đạt được một thỏa thuận như ý. Dĩ nhiên, cả hai bên đều đạt được những điều quan trọng nhất mà họ muốn có từ giao dịch.

Khi bước vào một cuộc đàm phán, ngay từ đầu mọi chuyện có vẻ như thể bạn sẽ không có cơ hội để đi tới thỏa thuận là điều thường xuyên xảy ra. Nhưng khi bạn thay đổi sự chú ý ra khỏi giá cả – yếu tố chính – sang các điều khoản và điều kiện của giao dịch mua bán, bạn có thể tìm được thỏa thuận có lợi cho cả hai bên, khiến cả bạn và đối phương đều hài lòng. Nhiều thương vụ quan trọng nhất trong lịch sử đã được thực hiện theo cách này.