Thuật Đàm Phán

“Mọi thứ đều có thể thương lượng!”

Hoàng Ngọc Bích

Được trao tặng giải thưởng Lãnh đạo Xuất sắc của Tổ chức Eisenhower Fellowship, Multination Program 2014

CEO và Founder/Global Leaders

Chương trình Phát triển năng lực

Lãnh đạo Crestcom International
www.crestcomleadership.com

Lần cuối cùng bạn đàm phán là khi nào? Và cuộc đàm phán ấy quan trọng đến mức nào? Cuộc đàm phán ấy đã tạo ra khác biệt mấu chốt nào? Chẳng phải chúng ta vẫn đàm phán với mọi người trong hầu hết các tình huống đối thoại sao? Dù tại nơi làm việc hay ở nhà, tôi nghĩ rằng đàm phán là một trong những kỹ năng rất quan trọng. Trong nhiều năm làm việc với các cấp quản lý lãnh đạo tại nhiều công ty và tổ chức thông qua chương trình Bullet Proof Manager của Crestcom International tại Việt Nam, một chương trình phát triển năng lực lãnh đạo quản lý tại 63 quốc gia, đã có nhiều lãnh đạo cấp cao của các công ty nói với tôi rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt cốt yếu lớn hơn nhờ việc được đào tạo về nghệ thuật đàm phán hơn là với bất kì chủ đề nào khác.

Nếu tìm từ khoá “đàm phán” trên Google, bạn sẽ nhận được 2.260.000 kết quả tìm kiếm. Nếu tìm từ khóa “negotiation” (dịch từ “đàm phán” sang tiếng Anh), bạn sẽ thu về 78.900.000 kết quả tìm kiếm. Và có 30.900.000 kết quả tìm kiếm với từ khoá “The art of negotiation”. Giữa một rừng thông tin như vậy, cuốn Thuật đàm phán mà bạn đang cầm trên tay có thể giúp ích gì cho bạn?

Với cuốn sách này, một lần nữa chúng ta lại được nhắc nhở rằng “Mọi thứ đều có thể thương lượng”, hãy đừng để bị vướng vào những tình huống khó xử. Một trong những trở ngại lớn nhất cản trở bạn thành công hơn, hạnh phúc hơn chính là tính thụ động và cả nể. Người thụ động chỉ đơn giản chấp nhận hiện trạng bởi họ thường cảm thấy không thể xoay chuyển được tình thế. Trong khi đó, người chủ động có thể nhìn thấy cơ hội và có thể thay đổi tình hình để có lợi hơn cho bản thân họ, quan trọng hơn, thông qua việc sử dụng nghệ thuật đàm phán, họ có thể xoay chuyển tình thế để có lợi hơn cho cả hai bên trong cuộc đàm phán.

Với lối vào đề như vậy, Brian Tracy đã từng bước chia sẻ và hướng dẫn cho bạn những bí quyết để đàm phán thành công như 6 phương pháp đàm phán, các cách sử dụng lợi thế trong đàm phán, tác động của cảm xúc lên đàm phán… Một điều tối quan trọng trong đàm phán là chúng ta phải hiểu bản thân muốn gì. Thật ngạc nhiên khi có rất nhiều người bước chân vào một cuộc đàm phán mà không biết chính xác điều mình muốn đạt được là gì. Do vậy, hãy lưu ý, chuẩn bị là yếu tố cốt yếu trong quá trình đàm phán.

Cuốn sách không chỉ bao gồm đơn thuần những lý thuyết suông mà bạn còn có thể thực hành theo để có được cuộc đàm phán hiệu quả. Những ý tưởng cụ thể trong nhiều chương sách sẽ cung cấp cho bạn các thông tin mà bạn có thể áp dụng ngay lập tức để có được cuộc đàm phán hiệu quả. Một trong những ý tưởng mà Brian Tracy đưa ra là “Con người thường hướng đến sự công bằng trong tương tác với người khác. Điều này có nghĩa là khi bạn làm điều gì đó cho tôi, tôi sẽ cảm thấy có nghĩa vụ phải đáp lại, làm cho bạn một việc có giá trị ngang bằng hoặc lớn hơn.” Áp dụng ý tưởng này, bất cứ khi nào bạn làm một việc tốt đẹp cho người khác, dù là giữ chỗ cho họ hay đơn giản là mời riêng họ một tách cà phê, bạn đang khơi dậy trong họ khao khát vô thức là đền đáp – đáp lại sự tử tế của bạn một cách tích cực. Thật tuyệt vời, khi bạn áp dụng những kỹ năng đàm phán như vậy, bạn góp phần làm cho con người và cuộc sống xung quanh tốt đẹp hơn.

Nếu từng bước thực hiện những kỹ năng mà Brian Tracy hướng dẫn bạn trong cuốn sách này, đồng thời trui rèn những phẩm chất cần có của một nhà đàm phán tài năng, bạn sẽ ngày càng tự tin và thành công hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Chúc bạn thành công!