Tiếng gõ cửa lúc nửa đêm

Chương mười chín

Bạn bè? Hai tiếng đó của ông Khải Liêm khiến cho Phương Vy kinh ngạc. Thì ra ông không những là người giám hộ của nàng mà còn là bạn của cha nàng. Khi câu chuyện này bắt đầu, Phương Vy nghĩ mình là vai chính, nhưng sự việc càng lúc càng diễn biến khác thường nên nàng cảm thấy vai trò của mình mờ nhạt đi và nhân vật đang làm mưa làm gió trong câu chuyện này lại chính là cha nuôi nàng. Ngay lúc đó, ông Thái Tuấn lên tiếng:

- Này ông Khải Liêm, ông muốn gì thì cứ nói thẳng ra đi! Nếu chuyện gì tôi có thể làm cho ông thì tôi sẽ sẵn sàng làm nhưng với một điều kiện...

- Điều kiện gì? - Ông Khải liêm ngắt lời ông Thái Tuấn

- Điều kiện là... ông đừng là khó dễ Thục lan nữa!

Nghe thấy thế, ông Khải Liêm ngửa mặt lên cười:

- Vậy ư? Tôi muốn gì ư? Chuyện hai mươi năm về trước, bây giờ phải thế nào đây?

Ông Thái Tuấn kiên nhẫn:

- Vâng! Chuyện hai mươi năm về trước... người chết thì cũng đã chết rồi, tại sao phải khơi lại đống tro tàn?

Phương Vy nhìn ba người nói chuyện với nhau. Hình như giờ đây họ đã quên hẳn sự có mặt của nàng và nàng cũng không nghĩ mình chính là Diệu Nhi, đứa con gái tội nghiệp mà bà Thục Lan nói đã tận mặt thấy nó chết đi. Thế rồi giọng ông Khải Liêm vang lên khiến nàng phải giật mình:

- Ý các người muốn tôi tha thứ à? Ông Thái Tuấn, chắc ông đã quên lúc đó bà ta hành động ra sao? Bà ta đối với chồng cũ tồi tệ ra sao?

Thái Tuấn bình tĩnh đáp:

- Phải nói là người chồng đã đối xử tệ bạc với người vợ mới đúng. Tôi đã chính mắt thấy hắn đối xử ra sao với Thục Lan!

Ông Khải Liêm quắc mắt lên:

- Ông nói những câu đó chỉ để biện hộ cho người yêu của mình thôi! Thật ra thì chính ông, ông Thái Tuấn... ông cũng có một phần trách nhiệm trong chuyện này. Nếu lúc đó không có ông thì đã không có chuyện gì xảy ra

Thái Tuấn nhìn thẳng vào mặt ông Khải Liêm:

- Nhưng thủ phạm không phải là tôi và Thục Lan mà chính là cái tình quá mức của Triệu Luân và sự nghi kỵ vô căn cứ của ông ta nữa. Mặc dù Thục Lan rất mực chung tình dù bị ép gả cho ông ta. Còn ông dù có thương bạn và muốn tìm lại sự công bằng cho bạn mình thì cũng phải nhận định một cách khách quan để biết ai đúng, ai sai. Vả lại, người chết thì cũng đã chết rồi, khơi lại đống tro tàn nào có ích lợi gì đâu!

Đôi mắt ông Khải Liêm mở trừng trừng, nhìn thẳng vào mặt Thái Tuấn:

- Hừ, nói dễ nghe nhỉ! Người chết thì đã chết rồi nhưng người sống thì sao? Họ vẫn nhởn nhơ, vui vẻ, không hề biết hối hận là gì, như vậy có thể gọi là công bằng à?

Thái Tuấn đáp trả lại ngay:

- Ai cũng muốn cuộc đời của mình tốt đẹp hơn, đó là quyền căn bản của con người. Bứt rứt, hành hạ bản thân nào có ích lợi gì! Vả lại thoát được cái địa ngục khủng kiếp do người chồng độc ác kia dựng lên và tái hợp với người mà mình yêu quý thì Thục Lan hẳn là cảm thấy hạnh phúc. Vâng, phải gọi là hạnh mới đúng chứ không thế dùng từ " nhởn nhơ " mà ông đã dùng. Ông thường ngày là người rất sắc bén nhưng trong trường hợp này, ông đã dùng sai chữ rồi ông luật sư ạ!

- Được sống với người mình yêu! - Ông Khải liêm lặp lại câu nói này của Thái Tuấn và khẽ mỉm cười cay cú - Một tình cảm mờ ám, lén lút như thế mà cũng có thể gọi là hạnh phúc ư?

Ông Thái tuấn lần này không còn lịch sự nữa trước cái giọng điệu đầy miệt thị của ông Khải Liêm:

- Ông không có quyền phê bình chuyện riêng của tôi và Thục Lan khi ông không hiểu rõ vấn đề, dù ông có là ai đi nữa!

- Ta không phê bình ai hết, tôi chỉ nói lên sự thật. Trong lần trở về Đài Bắc này, mục dích duy nhất của tôi là đem tất cả sự thật này ra ánh sáng. Tôi sẽ cho tất cả mọi người đươc ra đi với một điều kiện duy nhất: tối nay, ngay trong đám cưới của Phương Vy, bà Thục Lan sẽ công bố trước mặt mọi người rằng mình chính là mẹ ruột của Phương Vy và nhận mình là một người mẹ vô trách nhiệm đã bỏ đứa con gái ruột vất vơ, vất vưởng suốt hai mươi mấy năm trời, trong lúc đó lại sống nhởn nhơ và vui vẻ với người tình của mình.

Bà Thục Lan nghe thế, đưa mắt nhìn Phương Vy và nói:

-- Tôi xin nhắc lại lần nữa là chính mắt tôi đã trông thấy đứa con gái bé bỏng của mình đã qua đời, nay ông Khải Liêm đây lại muốn tôi nói lên một điều phi sự thật. Cô Phương Vy này... - Bà gọi tên nàng thật dịu dàng -... xin cho tôi biết cô có tin mình là con gái ruột của tôi không? Hay là cô cảm thấy hoang mang vì sự áp đặt của người cha nuôi của mình?

Câu hỏi khiến Phương Vy không biết phải trả lời như thế nào vì cho đến nay những bằng chứng mà ông Khải Liêm đưa ra chưa thuyết phục đươc nàng. Vì vậy mà nàng khẽ thở dài:

- Tôi xin nói ra những điều mà tôi nghĩ trong lòng, dù đã xem tờ khai sinh mà bác Khải liêm trưng ra cách đây một tuần, tôi vẫn chưa thể khẳng định được điều gì...

Câu nói của Phương Vy khiến cho ông Khải Liêm nổi giận, vì lẽ ra nàng phải đứng về phía ông thì bây giờ lại đứng về phía họ. Cơn giận dữ bùng lên trong lòng khiến ông ngắt lời:

- Tại sao cháu nói là cháu chưa thể khẳng định?

- Bởi vì... - Nàng trả lời bằng giọng run run -... tờ khai sinh ấy rất dễ dàng ngụy tạo, nhất là với những người làm trong ngành luật như bác.

Câu nói này thốt ra từ miệng Phương Vy đã vô tình đẩy nàng về phía của bà Thục Lan và ông Thái Tuấn. Ông Khải Liêm đứng sững người, há hốc miệng ra vì ông quá bất ngờ. Nhưng là một người có bản lĩnh, ông không cho phép mình tỏ ra dao động trước mặt mọi người. Ông nhìn Phương vy bằng cái nhìn sắc lạnh:

- Con có óc suy luận nhạy bén đấy! Có lẽ vì con sống gần ta nên đã học được cách suy diễn, biện luận của ta, nhưng tiếc thay, sự phán đoán của con lại sai trong trường hợp này.

- Thưa bác... - Phương Vy lựa lời vì sợ làm mếch lòng cha nuôi của mình -.. con phải đắn đo vì con không thể vô cớ xúc phạm đến mọt người đáng kính như bà Thục Lan đây.

- Được lắm! - Ông Khải Liêm lần này đã nổi giận thật sự - Đúng là ta đã nuôi ong tay áo nên hôm nay mới phải chứng kiến mọi sự lật ngược thế này. Phương Vy, ta không cần con nữa! Vì trong việc này con đã đứng về phía kẻ thù của ta

Nói xong, đôi mắt ông quắc lên, ông nhìn bà Thục Lan và bảo:

- Bà hãy nhớ kỹ lại đi, có phải lúc đó bà đã cố tình tạo ra cái tai nạn xe cộ hay không với mục đích là giết chết người chồng danh chính ngôn thuận của mình để có thể nhởn nhơ bên người đàn ông mà bà từng yêu say đắm. Bà đúng là một người lòng lang dạ thú, hôm nay tôi phải thay cho Triệu Luân đến đây đòi nợ và bà phải thú nhận cho bằng hết những gì mà bà đã làm ra.

Ông Thái Tuấn đưa mắt nhìn bà Thục Lan:

- Em không cần phải trả lời hắn vì những lời hắn nói ra là xuyên tạc và không chứa bất kỳ sự thật nào!

Phương Vy nãy giờ lặng thình, bây giờ mới lên tiéng:

- Thưa bác Khải Liêm, xin bác cho cháu biết ngoài tư cách giám hộ của cháu, bác lấy tư cách gì để hỏi tội bà Thục Lan, bởi vì... trong việc này, cháu thấy bác đã dấn quá sâu vào một cách không cần thiết!

- Lấy tư cách gì ư? Ta sẽ nói cho cháu biết sau. Nhưng giờ đây ta chẳng còn thời gian để mà đôi co với cháu, đã sắp đến giờ khai mạc tiệc cưới của cháu rồi, ta phải đưa tất cả đến đấy bằng không sẽ trễ giờ. Và trước mặt mọi người hiện diện trong buổi tiệc cưới này, bà Thục Lan chỉ cần lập lại những lời mà ta đã nói lúc nãy: nhìn nhận tội lỗi của một người vợ và một người mẹ vô trách nhiệm, đã hại chết người chồng, bỏ đứa con ruột thịt để theo đuổi tình yêu với Thái Tuấn. Ta chỉ cần bà ấy tuyên bố trọn vẹn một câu như thế rồi ta sẽ miễn tất cả tội lỗi mà bà ta đã trót làm trong quá khứ!

Ông Thái Tuấn cười nhạt:

- Ông cho tôi và Thục Lan là trẻ nít hay sao? Tôi nói cho ông biết, đám cưới của cô Phương Vy đây có sự hiện diện của hầu hết các nhân vật tai to mặt lớn trong thành phố Đài Bắc. Trong một hoàn cảnh như thế ông muốn Thục Lan tự bôi nhọ danh dự của mình trước mặt mọi người ư? Mà những tội lỗi nói trên là tự ông gán cho Thục Lan chứ nàng không hề làm. Và bây giờ ông lại muốn nàng phải ngoan ngoãn nói theo những gì mà ông đã đặt sẵn. Ông Khải Liêm ạ, ông đã đi quá lố rồi! Thục Lan sẽ không bao giờ làm những điều như vậy

Ông Khải Liêm đã trừng mắt:

- Các người phải có mặt trong đám cưới của Phương Vy và bà Thục Lan phải tuyên bố như thế vì đây là lệnh!

Nói xong ông vung khẩu súng trong tay và chĩa nòng súng vào đầu bà Thục Lan. Trong cơn choáng váng và giận dữ vì sự vô lý của ông Khải Liêm, bà Thục Lan hét to:

- Tôi nhất định không đi, ông muốn giết tôi thì cứ việc giết đi! Tôi không thể nào nhìn nhận trước mặt mọi người những lỗi lầm trong quá khứ tôi không hề phạm phải.

Phương Vy thấy cha nuôi của mình càng lúc càng giống như người mất trí thì không nhịn được nữa, nàng bảo:

- Quá đủ rồi, thưa bác Khải Liêm. Đây là những gì mà một luật sư cần làm để bắt một người nào đó nhận tội hay sao? Thưa bác, ngay cả cơ quan cảnh sát họ cũng không thể làm như vậy. Trong trường hợp này chỉ có một từ ngữ thỏa đáng nhất để mà sử dụng đó là từ ngữ " ép cung ". Vâng! Bác đã dùng vũ lực để ép cung bà Thục Lan, và nếu bà ấy có nhận tội đi nữa thì việc này cũng vô ý nghĩa bởi đó không phải là sự tự nguyện mà là bị ép buộc.

Ông Khải Liêm quắc mắt nhìn Phương Vy:

- Ở đây không cần cháu xen vào!

Phương Vy tức giận đáp:

- Nhưng hôm nay là ngày cưới của cháu, cháu không thể nào yên lặng để bác muốn làm gì thì làm. Bác không thể biến nơi tổ chức lễ cưới của cháu thành một phiên tòa mà người công bố viên là bác buộc bị can nhận tội bằng một khẩu súng chĩa vào người.

- Cháu... cháu có thể nói như vậy sao? - Ông Khải Liêm hình như bị bất ngờ - Cháu không nghĩ đến công ơn dưỡng dục của ta đối với cháu trong hai mươi mấy năm trời hay sao?

- Thưa bác, con không hề quên việc bác đã nuôi dưỡng con nên người, nhưng việc ấy chẳng liên quan gì đến chuyện xảy ra ngày hôm nay cả. Nếu bác đã khẳng định con là con ruột của bà Thục Lan thì chuyện ân oán cá nhân là việc của con, con muốn tự mình con giải quyết mà không cần đến sự can thiệp của bác. Nếu con là đứa con gái bị bỏ rơi thì người có quyền đòi lại công đạo là con chứ không phải là bác. Bác xem con nói thế có đúng không? Nhân vật mấu chốt của câu chuyện bi đát này là con chứ không phải là bác. Vậy mà từ đầu tới cuối bác đã hành động như thể mình là người bị hại, là nhân vật chính của câu chuyện này. Con lấy làm lạ về điểm đó bởi vì dù bác là bạn thân của cha con thì bác cũng không có quyền cư xử như vậy, bởi bác không phải là người trong cuộc.

- Con...

Câu nói sắc bén của Phương Vy khiến ông Khải Liêm ngắc ngứ, ông chỉ có thể thốt lên một tiếng ngắn ngủi đó rồi nhìn nàng với vẻ oán thù. Phương Vy bình tĩnh nhìn ông, nói tiếp:

- Cái chuyện con có phải là cô bé Diệu Nhi năm xưa hay không, chuyện đó không quan trọng nữa. Bây giờ chuyện quan trọng là lễ cưới và con muốn có một ngày vui trọn vẹn.

Ông Khải Liêm trừng mắt nhìn Phương Vy rồi hét lớn:

- Đồ hỗn láo! Con không được ăn nói với ta như vậy...

Nhưng Phương Vy không buồn nhìn ông, nàng quay sang ông Thái Tuấn và khẽ hỏi:

- Ông có thể cho tôi mượn xe của ông chứ, ông Thái Tuấn? Tuấn Thư có lẽ nôn nóng chờ đơi tôi, tôi không thể không đến với anh ấy

Ông Khải Liêm quát lớn:

- Muốn đi thì tất cả cùng đi! Ta cấm bất cứ ai rồi khỏi nơi này. Nếu không thì tại đây sẽ xảy ra án mạng.

Phương Vy thấy cứng rắn với ông Khải Liêm không được đành năn nỉ:

- Bác Khải Liêm! Xin bác hãy thương con mà cho ngày vui này của con được trọn vẹn. Hãy để hình ảnh khả kính của bác sống mãi trong lòng con hơn là giết chết hình ảnh đó bằng những chuyện vô lý mà bác đã làm trong ngày hôm nay.

Ông Khải Liêm nhìn Phương Vy cười nhạt:

- Chuyện này ta đã khổ công chờ đợi trong hai mươi mấy năm nay rồi, thành thử ra cháu đánh giá ta thế nào ta cũng chấp nhận. Ta chỉ cần trừng trị Thục Lan và Thái Tuấn một cách đích đáng rồi sau đó sao cũng được

Thái Tuấn nhìn ông Khải Liêm bằng cái nhìn kinh ngạc:

- Ông nói ông chỉ là một người bạn thân của Lý Triệu Luân, vậy thì tại sao ông lại căm thù chúng tôi một cách khủng kiếp như vậy?

Ông Khải Liêm quắc mắt:

- Tại sao ư? Tại vì các người là những con người xấu xa, ích kỷ, đã phá nát gia cang của người khác rồi còn đưa đến chuyện có người đã phải suýt chết. Chính vì vậy mà hôm nay tôi mới đòi các người trả món nợ này.

Thái Tuấn càng ngạc nhiên hơn:

- Ông nói gì tôi không hiểu... có người đã suýt chết. Ông Khải Liêm, xin ông hãy cho tôi hỏi, thực sự ông là ai và lấy tư cách gì để đòi món nợ đó?

Ông Khải Liêm ấp úng:

- Tôi là... là bạn của Lý Triệu Luân!

- Là bạn của Triệu Luân thôi ư? Nếu chỉ là bạn thì ông làm thế nào có thể biết toàn bộ câu chuyện trong gia đình của người ta chứ? - Thái tuấn hỏi câu này mà một nghi vấn đã nảy sinh trong tâm trí - Làm sao ông có thể chính mắt chứng kiến Triệu Luân đã đối xử tồi tệ với Thục Lan như thế nào? Hắn đã ngươc đãi Thục Lan và còn dọa giết nàng khiến Thục Lan lúc nào cũng sống trong sợ hãi và tuyệt vọng. Hắn không phải con người nữa mà là hiện thân của một hung thần, điều này có lẽ ông không hề biết?

- Nhưng tại sao Triệu Luân lại trở thành con người như vậy? - Ông Khải Liêm hỏi vặn lại - Tại sao Triệu Luân phải trở thành hung thần, Triệu Luân vốn không phải là một người điên cũng không phải là một người bị bệnh tâm thần!

- Tôi không biết hắn có điên hay không? - Thái Tuấn nói và hình dung lại toàn bộ những diễn tiến của câu chuyện ngày xưa - Nhưng mà hắn lúc nào cũng nghi ngờ Thục Lan. Thục Lan là một người đàn bà hiền thục. Mặc dù trước đây lúc còn học chung đại học, tôi và Thục Lan đã yêu nhau nhưng kể từ lúc nàng bị gia đình ép gả cho Triệu Luân thì Thục Lan đã an phận thủ thường vầ chúng ta đã xem như bạn. Khi Thục Lan bị Triệu Luân ngược đãi, tôi đã an ủi nàng và chỉ có thế thôi. Thế nhưng hắn đã đa nghi như một người điên.

Ông Khải Liêm ngắt lời Thái Tuấn:

- Tóm lại tất cả những điều ông nói ra từ nãy giờ chỉ nhằm chứng minh ông và Thục Lan vô tội?

- Tôi chỉ muốn nói lên sự thật! Chúng tôi đã đối xử với nhau như bạn bè. Thục Lan là người có gia đình nên chúng tôi không muốn làm bất cứ điều gì ngược với đạo đức. Tình cảm chúng tôi hoàn toàn trong sạch. Nhưng đến lúc Thục Lan có thai thì Triệu Luân lại cho rằng đứa bé ấy không phải là con của ông ta...

- Làm sao Triệu Luân có thể tin là hai người trong sạch chứ? - Một lần nữa ông Khải Liem lại ngắt lời Thái Tuấn - Ngày xưa hai người đã từng yêu nhau và sau này lại tiếp xúc với nhau, trong khi đó đối với người chồng chính thính, Thục Lan lại không có tình cảm gì. Thế thì giọt máu trong người của Thục Lan lúc đó đúng là của hai người, hai người sau lưng Triệu Luân đã vụng trộm với nhau!

Thái Tuấn hét lớn:

- Ông đừng có ngậm máu phun người! Tuy chúng tôi yêu nhau nhưng chúng tôi không bao giờ làm chuyện đồi bại đó. Cả hai chúng tôi đều đã có gia đình nên chúng tôi đã xem nhau là bạn. Cả khoảng thời gian Triệu Luân còn sống, tôi không hề cùng Thục Lan làm bất cứ chuyện gì mờ ám nào. Cái đó không phải vì tôi là thánh nhân mà vì tôi đã trân trọng Thục Lan nên cũng trân trọng cuộc hôn nhân của nàng.

- Có thật như vậy không? - Ông Khải Liêm vừa nói vừa quay mũi súng về phía ông Thái Tuấn - Ông nói như thể mình là một thánh nhân, một người anh hùng cao thượng vĩ đại lắm vậy!

Thái Tuấn tức giận đáp:

- Tôi không anh hùng, không vĩ đại nhưng tôi yêu Thục Lan, và một tình yêu thật sự thì không cần đòi hỏi phải chiếm đoạt thể xác. Thấy cảnh Thục Lan bị bạc đãi, tôi rất thương tâm. Thấy Triệu Luân có tính đa nghi nên tôi rất giữ ý với Thục Lan. Tiếc là Triệu Luân vì có tính hoang tưởng, ghen tuông nên hắn nhất định cho rằng đứa con trong bụng của Thưc Lan không phải là đứa con của hắn

- Đúng! - Ông Khải Liêm ngước mặt lên trời và cười to - Triệu Luân tin như vậy là đúng lắm vì vợ ông ta không yêu ông ta mà chỉ sống chung miễn cưỡng mà thôi.

Thái Tuấn thở dài:

- Tin hay không tin thì sự thật vẫn là sự thật. Đứa con trong bụng của Thục Lan lúc đó chính là giọt máu của Triệu luân nhưng vì sự ghen tuông làm cho mờ mắt nên ông ta mới bóp méo vấn đề, gán cho Thục Lan cái tội phải bội và tự thông với người khác. Lúc đó thì Thục Lan rất đau khổ và đã toan tự tử để kết thúc cuộc đời buồn thảm của mình nhưng nghĩ rằng đứa con trong bụng là vô tội nên nàng đã cắn răng chịu mọi đắng cay để đứa bé có thể ra đời. Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó. Triệu Luân vì nghĩ bé Diệu Nhi không phải là giọt máu của mình nên hắn ta ghét cay ghét đắng đứa bé. Từ lúc mở mắt chào đời, bé Diệu Nhi chưa hề được cha nâng niu, ẵm bồng mà chỉ nhận được từ người cha ruột những ánh mắt ghét bỏ, thù hằn. Triệu Luân đã hành động như vậy vì nghĩ hắn ta phải nuôi đứa con rơi của người khác mặc cho những lời trần tình của Thục Lan. Và cho đến một ngày nọ, khi bé Diệu Nhi lớn lên đôi chút, đã biết đi chập chững và miệng bắt đầu gọi được hai tiếng cha và mẹ thì mối căm hận trong lòng của Triệu Luân càng lúc càng sâu. Thừa lúc Thục Lan có việc bận rộn, Triệu Luân đã đem đứa bé ra ngoài và nhúng nó vào hồ nước trước nhà mặc dù lúc đó trời vào đông và không khí lạnh đến cắt da. Rõ ràng là hắn đã dùng mọi cách để diệt cho bằng được cái mầm sống đó...

Nghe Thái Tuấn nói đến đây, ông Khải Liêm như nhảy nhổm lên. Cây súng mà ông ta cầm trong tay liên tục bóp cò làm vang lên những tiếng nổ lớn, may mà lúc đó ông ta chỉ hướng lên trần nhà để thị uy chứ không nhắm vào người của Thục Lan. Những phát đạn làm thủng một phần trần nhà, bụi và những mảnh bể rơi xuống lả tả khiến những người còn lại trong phòng cảm thấy kinh hoàng. Ngay lúc ấy ông Khải Liêm quát lớn:

- Tuy sự việc xảy ra như thế nhưng các người phải đặt câu hỏi vì sao Triệu Luân lại làm như vậy. Tất cả cũng tại ông, thưa ông Thái Tuấn! Và cũng tại số mệnh của Triệu Luân trớ trêu nên mới lấy phải một người vợ phải bội chồng như bà Thục Lan đây! Hai người đã buộc ông ta phải làm như vậy. Máu ghen tuông bị đè nén trong lòng lâu ngày, đương nhiên khi có cơ hội thì nó phải phát tác...

Nghe ông Khải Liêm nói đến đó, Phương Vy giật mình kêu lên:

- Chúa ơi! Tại sao người đàn ông đó lại có thể làm như vậy. Dù sao thì đứa bé cũng hoàn toàn vô tội...

Nhưng Phương Vy chưa nói hết lời thì ông Khải Liêm đã át tiếng nàng:

- Cháu câm miệng lại! Ở đây không có phần của cháu xen vào! Cháu hãy yên lặng mà xem ta hành xử! Ta sẽ trị tội của hai người này một cách vô cùng đích đáng.

Trước thái độ giận dữ của ông Khải Liêm, Thái Tuấn bình tĩnh nói:

- Vậy thì cuối cùng thì chính miệng ông cũng thừa nhận Triệu Luân đã làm một chuyện phi nhân và điên rồ như vậy! Hắn đã mất cả lý trí khi làm chuyện đó! Khi Thục Lan biết được việc này, nàng đã lập tức gọi nhân viên cấp cứu của bệnh viện đến để cứu chữa cho con của mình nhưng than ôi đã muộn rồi. Khi nhân viên của bênh viện đến thì bé Diệu Nhi đã gần tắt thở, Triệu Luân nói dối là đứa bé đã đi ra khỏi nhà và bị rơi xuống hồ. Sau khi những người này đã mang đứa bé đến bệnh viện để xem còn phương cách nào cứu sống nó không thì Triệu Luân bảo Thục Lan lên xe để cùng tới bênh viện chăm sóc cho con. Tưởng thật, Thục Lan ngồi ngay vào xe và sau đó nàng mới kinh hoàng khi biết Triệu Luân đã có dự mưu. Thì ra hắn ta đã có ý định giết cả con lẫn mẹ vì hắn nghĩ nếu hắn không chiếm được tình yêu của Thục Lan thì cũng không cho ai có thể có được người phụ nữ xinh đẹp này. Triệu Luân cho xe phóng đi với tốc độ kinh hồn. Sau đó một tai nạn khủng kiếp đã xảy ra khi chiếc xe bật khỏi lòng đường và lao thẳng xuống vực sâu. Một tiếng nổ lớn vang ra, chiếc xe lật ngược và bốc cháy. Toàn thể chiếc xe ngùn ngụt phát hỏa, vì sự va chạm mạnh mà Thục Lan đã văng ra khỏi xe và bị thương nhưng nhờ thế mà thoát được việc bị thiêu chết trong xe. Khi cảnh sát và xe cấp cứu tới nơi, họ chỉ phát giác ra Thục Lan đang nằm bất tỉnh còn thi thể của Triệu Luân hoàn toàn không tìm thấy và vì vậy mà người ta đã kết luận người này đã bị cháy thành tro trong tai nạn kinh hoàng vừa kể.

Phương Vy càng nghe kể càng cảm thấy sững sờ. Trước đây ông Khải Liêm đã cho nàng biết chính tay bà Thục Lan đã dựng lên một kế hoạch tinh vi để giết chồng qua tai nạn xe cộ thảm thốc này và sau đó thì vẫn yên lành sống tiếp một cách nhởn nhơ. Câu chuyện mà ông Khải Liêm dựng ra hoàn toàn khác với câu chuyện mà Thái Tuấn vừa kể và Phương Vy không thể không tự hỏi phải chăng cha nuôi nàng đã cố bóp méo cốt chuyện đi để đổ oan cho bà Thục Lan.

Ngay lúc đó giọng của Thái Tuấn lại vang lên. Người đàn ông hồi tưởng lại những diễn biến của tai nạn thảm khốc ngày xưa bằng giọng xúc động:

- Khi hay tin Thục Lan bị tai nạn thập tử nhất sinh, tôi đã vào ngay bệnh viện để thăm nàng vì sau cái chết của cha mẹ nàng trước kia, Thục Lan hầu như không còn ai thân thích trên đời. Qua hàng tháng trời cố gắng chữa trị, tôi đã giành được Thục Lan ra khỏi tay tử thần. Thục Lan tuy bình phục về thể xác nhưng vết thương tâm hồn lại sâu không thể tưởng. Nàng cứ ngơ ngẩn hàng tháng trời trong một tâm trạng bất an, miệng không ngớt gọi tên đứa con tội nghiệp của mình, đứa con đã do chính tay người chồng giết chết. Lúc này tôi đã xin bác sĩ cho nàng chuyển đến bệnh viện tâm thần điều trị. Một năm sau, Thục Lan mới thoát ra khỏi trạng thái u uất kể trên. Khi nàng hồi phục hẳn, tôi đã đề nghị nàng thay tên đổi họ để đoạn tuyệt với quá khứ đầy thương thảm kia.

Phương Vy càng nghe càng kinh ngạc, quay sang hỏi ông Khải Liêm:

- Thưa bác, về việc này bác đã kể cho cháu nghe một câu chuyện hoàn toàn khác. Tại sao bác lại dựng chuyện như vậy chứ?

Ông Khải Liêm nhún vai:

- Tất cả những gì ta kể cho cháu nghe đều là sự thật còn người dựng chuyện chính là cái gã Thái Tuấn đáng ghét kia.

Thái Tuấn phản pháo lại ngay:

- Tôi không biết phía cảnh sát có còn lưu trữ lại những chi tiết của tai nạn này không vì sự việc đã xảy ra quá lâu nhưng tôi chắc chắn bệnh viện mà Thục Lan được đưa đến chữa trị còn lại đầy đủ chứng từ. Bác sĩ giám đốc bệnh viện này là bạn thân của tôi, nếu cần tôi có thể hỏi xin ông ta những chứng từ đó. Ngay cả bệnh viện tâm thần mà Thục Lan chữa trị sau này cũng còn lưu trữ hồ sơ điều trị. Cô Phương Vy, nếu muốn đối chứng xem ai đúng ai sai thì có thể tham khảo ở hai bệnh viện nói trên.

Nghe Thái Tuấn nói rành mạch như thế, Phương Vy chỉ thở dài rồi nhìn sang ông Khải Liêm, càng lúc nàng càng cảm thấy nghi ngờ người cha nuôi của mình. Thấy ánh mắt như dò hỏi của Phương Vy, ông Khải Liêm nhìn tránh sang nơi khác và sự việc này càng khiến Phương Vy ngờ vực hơn. Một lúc sau ông Khải Liêm mới lấy lại nét bình thản trên gương mặt và khẽ nói:

- Con biết không, không ai có thể biết ró sự thật bằng ta, bởi vì ta đã chứng kiến đến từng chi tiết...

- Làm thế nào mà bác có thể chứng kiến đến từng chi tiết?

- Bởi vì ta là bạn thân nhất của Triệu Luân! - Ông Khải Liêm lập lại câu nói của mình lúc nãy.