Tiếng Người

Chương 4

Ký ức thơ ấu là một thứ ký ức có chọn lọc và bao giờ cũng bị co ngắn. Với Duy, tuổi thơ của anh dường như đã biến thành một dải thời gian đàn hồi. Anh đã cuộn nghiến cái dải vật chất ấy, từng vòng, từng vòng, thành một quả cầu cao su.

Thời gian qua đi, bề mặt quả cầu ngày càng nhẵn lì – những mặt người, tiếng người, sự kiện cứ phai dần rồi ăn liền vào xác thịt thời gian. Chúng trộn lẫn vào nhau thành một thể co nhún, không điểm cao, không vực sâu. Trên cái quả cầu nhẵn thín ấy chỉ còn một vài mấu cao su nhỏ, thi thoảng cộm lên trong trí nhớ của anh mỗi khi có một giai điệu hay một hình ảnh gợi nhớ… Những vạt váy trong suốt và cánh tay hờ hững của những thiếu nữ tập ballet trong tranh Degas. Những con kiến đen bò ra từ các hốc xương trong tranh của  Salvador Dali… Áo may ô trắng và râu quai nón của những người đàn ông Pháp đội mũ vành thẳng trong bức tranh ăn trưa của Renoir… Tiếng piano trong những bản nocturne của Chopin… Rồi Rachmaninov… Johann Sebastian Bach… và Verdi.

Lúc nhỏ, Duy không bao giờ biết đích xác của cải của dòng họ. Mọi thứ luôn tồn tại mơ hồ bằng những câu chuyện có màu sắc huyền thoại mà cha anh kể nhát gừng khi giải thích cho anh về những đồ vật trong nhà. Ví dụ như cái đỉnh đồng đen có đôi sư tử hí cầu với hai con hạc cao ở trên bàn thờ ông nội là đồ gia bảo của dòng họ truyền lại từ thế kỷ 17. Sở dĩ cái đế của con hạc bên phải bị sứt là vì lúc chạy Pháp ở Yên Thế, cụ nội anh đã phải bỏ hếtạc của cải xuống giếng. Cụ đã định mang bộ đỉnh đồng và con hạc theo, nhưng phút cuối, lại phải vứt nốt xuống giếng.

Những thứ huyền thoại đó, cùng những chi tiết nho nhỏ khác làm anh mơ hồ rằng gia đình anh không giống những người xung quanh. Mùa đông của thập kỷ 70 và 80, anh mặc những chiếc áo dạ mang về từ Liên Xô trong khi bạn bè anh mặc áo len nhà đan lấy. Mùa hè, bạn bè anh phải đi mua đá khay về uống, nhà anh có tủ lạnh riêng và điều hòa nhiệt độ. Ngày Tết, mẹ anh không bao giờ phải xếp hàng để mua những hộp mứt 250 gam màu hồng vẽ cành đào, những bao thuốc Phù Đổng, hay rượu chanh. Họ ăn trên bàn ăn trải khăn trắng và phòng khách luôn cắm hoa. Chuyện khăn trải bàn và hoa là hai chuyện mà lúc vui miệng và không có mặt cha anh, chú út Khang thường thì thầm với anh rằng đấy là tàn dư “cốt cách tiểu tư sản” và tinh thần “sỹ phu Bắc Hà” của cha anh. Có một bữa cơm tất niên lúc anh học lớp 11, chú út Khang uống say và vỗ ngực kể câu chuyện mà ai cũng đã nghe cả trăm lần: rằng ngay trước giải phóng, chính chú và cha anh là một trong những người được “cụ Tố Hữu với cụ Lê Chưởng” giao viết sách giáo khoa hệ 12 năm đầu tiên của miền Nam để dùng sau ngày giải phóng. “Hồi đấy” – chú Khang lè nhè – “nhà ở Khâm Thiên thì bị nó ném sập mẹ nó xuống, thế mà vẫn cặm cụi viết sách với bọn ông Cương, ông Chính, bà Sính”. Rồi chú tuyên bố rằng nhờ bỏ ngành giáo dục mà “em dám cá với bác cả, ở Hà Nội này em là thằng bỏ tiền túi mua ô tô riêng đầu tiên”. Chú Khang hẳn còn tuyên bố nhiều nữa nếu cha anh không cầm lấy cốc rượu từ tay chú hắt xuống đất.

Chú Khang không phải người duy nhất trong nhà đã bỏ con đường học hành. Trong tất cả những người con của ông nội, chỉ còn lại cha anh, phó khoa vật lý một trường Đại học lớn ở Hà Nội lúc đó, đi theo con đường khoa học. Tuy thế, từ lúc anh bắt đầu ý thức rõ hơn về mọi việc, anh luôn có cảm giác lờ mờ rằng chính “sự gàn dở của bác cả” này (như cách chú Khang gọi) khiến cho ai cũng nể cha anh. Quyền lực của ông dường như lớn hơn nhiều cái vị trí phó khoa vật lý mà ông đảm nhiệm.

Trong nhà, không ai dám chất vấn quyền lự

- Anh! – mẹ anh thường rụt rè khoảng giữa bữa cơm tối – Chú Phương xin phép tối mai đến gặp anh. Anh có tiếp chú ấy được không để em nói lại?

- Anh! Thím Hà nói cuối tuần hai vợ chồng chú thím ấy sang hỏi ý kiến anh về chuyện cho thằng Minh nghỉ làm Nhà nước ra mở công ty.

Cha anh ừ hữ. Ông luôn ừ hữ. Với anh, bao giờ cũng là những dặn dò một lần duy nhất – và phải được tuyệt đối tuân thủ:

- Ăn cơm phải ăn thật sạch, không được để thừa thức ăn. Ăn xong, phải lập tức rửa bát của mình rồi vào phòng học bài.

- Học bài xong phải lập tức xếp sách vở ngăn nắp; chuẩn bị sẵn cặp sách và quần áo cho ngày hôm sau.

- Ngày hôm sau phải dậy đúng 6 giờ sáng. Tan học, không được đàn đúm vô bổ, phải lập tức về nhà.

- Về nhà phải tự làm lấy việc của mình, không được để bác Mẫn làm.

Bác Mẫn là người bà con xa, không chồng con, đã ở giúp việc trong nhà từ lúc anh mới đẻ. Khi không có khách, bác Mẫn là người pha trà cho cha anh trong phòng khách. Nhưng khi có khách, thì quy tắc bất di bất dịch là Duy hoặc mẹ anh phải pha trà. Ngay hàng xóm của anh có lẽ cũng không biết nhà anh có người giúp việc.

Nhưng có một nơi mà cả mẹ anh và anh cũng không được động vào: cái tủ chè khảm trai ở chính giữa nhà. Cái tủ bằng gỗ gụ, đánh vécni đen; hai bên cánh tủ khảm tích Trương Lương ba lần dâng giày cho Hoàng Thạch Công trước khi lên làm tể tướng. Bên trên nóc tủ là bàn thờ ông nội anh – mặc quân phục gắn huân chương, khuôn mặt mỉm cười hiền từ. Bên trong tủ kính, cha anh đặt những bộ bát đĩa bằng sứ Giang Tây mỏng tang thêu bách điệp xuyên hoa. Cạnh đó là những bộ ly pha lê Waterford. Một bộ cờ tướng bằng ngà voi khảm trai. Những cái đĩa sứ men lam thời Minh Mạng vẽ Vương Chất xem tiên ông đánh cờ đến quên thời gian; khi tỉnh ra về nhà thì một trăm năm đã qua. Bộ chén trà sứ xanh, có những hàng chữ Tàu nhỏ viết dọc mà cha anh hay ngâm nga mỗi khi lau chúng: “Thiên thu bần tiện thành tri kỷ. Nhất khúc dao cầm sơn thủy tâm”.

Những thứ đồ sứ ấy – đều đặn mỗi tháng một lần, cha anh tự tay lau chùi chúng. Bao giờ khi lau, ông cũng mở Rachmaninov, rồi cẩn thận sắp  những cái đĩa và ly pha lê lên mặt bàn. Đôi khi, ông ngồi gần nửa tiếng đồng hồ bên cửa sổ để quan sát ánh sáng chiếu qua thành những chiếc bát sứ Giang Tây và đổi màu dần trên những hình bách điệp xuyên hoa. Đôi khi, ông để cho nắng vỡ thành những đốm cầu vồng qua cái mấu tròn của những chiếc ly Waterford. Ông khẽ xoay cái ly trong tay cho những đốm sáng tụ lại rồi tản ra trên mặt bàn. Đấy có lẽ là những lúc duy nhất mặt ông phảng phất cười.

Ở góc tủ, cạnh những đồ sứ và pha lê là một con búp bê Matryoshka của Liên Xô. Một khuôn mặt thiếu nữ nông dân Nga quàng khăn sarafan đỏ với những lọn tóc xoắn màu đen phía trước trán. Đôi mắt tròn choán gần hết khuôn mặt. Hai gò má là hai vòng tròn đỏ rực. Cô gái ôm một con gà trống trong lòng. Đó là món quà cha anh nhận từ “đích thân chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học” khi ông rời Liên Xô với bằng tiến sĩ vật lý.

Hết cấp hai, Duy vào cấp ba Chu Văn An. Ở nhà, cha anh bắt đầu cho anh ngồi tiếp khách cùng.

- Ngồi đi – cha anh chỉ vào cái ghế đặt cạnh ông.

Anh ngồi xuống. Cha anh khẽ liếc mắt. Anh lập tức kéo ghế lùi xuống một chút. Bài học thứ nhất: người nào có chỗ người đó.

- Chào chú Phương đi con. Chú Lê Phương là trợ lý thứ trưởng Bộ Xây dựng. Chú Phương với cha là bạn cũ.

Anh chào người đàn ông thấp; chân dường như không với tới mặt đất khi ngả người dựa vào lưng chiếc ghế khảm trai. Ông ta chắp tay trước bụng; hai đầu ngón tay cái miết vào nhau trong lúc chờ anh rót trà. Đuôi mắt phải của ông ta liên tục nháy. Bài học thứ hai: Hãy nhìn thần thái và khí chất toát ra từ người đối thoại. Có người là phượng hoàng, có người là loài dơi.

- Thế nào? – cha anh mở đầu câu chuyện với khách.

Cha anh nói nhỏ, nhát gừng. Khách không bao giờ suồng sã hay lớn tiếng. Bao giờ cha anh cũng giới thiệu họ là bạn cũ, là học trò của ông nội, là họ hàng xa với bà nội, là người quen cũ của gia đình, vân vân… Đôi khi cha anh và khách hút thuốchọ gảy tàn thuốc cũng khẽ khàng. Hầu như không bao giờ có tiếng cười. Những câu chuyện dường như rời rạc, xa xôi. Tất cả trôi đi trong một trật tự chưa bao giờ được tuyên bố rõ ràng.

Mười sáu tuổi, anh đỗ á khoa vào Đại học Xây dựng và được cử đi học ở Liên Xô. Nhưng cha anh kiên quyết phản đối. Anh ở lại trong nước học đại học. Hết năm thứ nhất, một biến cố bất ngờ xảy ra.

Có một đêm cuối mùa hè, anh cùng một người bạn đi về từ một buổi sinh nhật. Trời sắp giông. Gió lớn và bụi. Đường phố vắng người. Anh phóng chiếc Cub 81 rất nhanh, vừa đi vừa phải nhắm mắt để tránh bụi. Khi anh lao từ con đường nhỏ gần Phủ Tây Hồ lên, anh đâm thẳng vào một người đi xe đạp. Vài ngày sau, người này chết.

Hai tuần sau, anh đã thấy mình xuống sân bay Sheremetyevo cùng với một nhóm du học sinh lẫn lộn miền Nam, miền Bắc, miền Trung. Sau khi thử máu; các bạn anh kéo nhau vào phố mua mì và trứng về ăn, còn anh được một “người quen” của cha anh đón về đại sứ quán. Một tuần sau đó, anh bắt đầu vào học. Anh bắt đầu thấy những bản nhạc mà anh từng nghe trong phòng khách hồi còn ở nhà ngay từ những người chơi đàn trên đường phố. Anh thấy tuyết trắng như anh từng mường tượng và cái lạnh anh chưa từng biết. Đi kèm với nó là rủi ro, hỗn loạn, thấp thỏm dâng dần lên. Ám ảnh về cái chết do chính anh gây ra chưa kịp ăn vào người đã bị ám ảnh về sự hỗn loạn xung quanh đè bẹp. Thực tại thúc vào, nhấn chìm quá khứ.

Nửa năm sau khi anh sang, Liên bang Xô Viết sụp đổ.

Cha anh đưa anh về Hà Nội. Trong ba tháng, anh không được ra khỏi nhà. Cha anh không hề nhắc lại về vụ tai nạn. Không ai trong nhà nhắc lại với anh. Ba tháng sau, cha anh gửi anh đi Mỹ. Anh đến New York để nhập học ở Đại học Columbia, ngành xây dựng.

Cấu trúc công trình. Hệ thống hạ tầng đô thị. Phân tích kết cấu đàn hồi và dẻo. Các nguyên lý thiết kế. Thiết kế cấu trúc thép. Thiết kế cấu trúc bêtông. Nguyên lý địa kiến tạo. Đất. Kỹ thuật móng. Hạch toán công trình… Anh lao vào học.

Mười tám tuổi – niềm vui chóng quên, còn nỗi buồn thì vĩnh cửu. Cuộc sống lớn lao nhưng cái chết thì vĩ đại.

Những năm tháng một mình đầu tiên ở New York, hoàn toàn tách rời thế giới cũ, anh bắt đầu nhớ lại cái đêm mùa hè nhạt nhòa đó. Ban ngày, anh ép nó vào một góc xa của trí nhớ… biến nó thành một thứ sự kiện chạng vạng bên bờ của thực và ảo. Anh hình như đã làm chết một người… Mà có thể là anh chưa từng làm ai chết…  Ánh sáng ban ngày làm nhòe mọi thứ. Nhưng ban đêm, trong bóng tối của cái studio nhỏ, khuôn mặt không rõ của người đi xe đạp cứ hiện ra nhập nhoạng. “Ta đã làm chết một người” – cái tiếng nói nhỏ ấy lạnh lùng dội lên mồn một.

Anh bắt đầu cầu nguyện. Không phải cầu Chúa. Không phải cầu Phật. Không phải cầu ông bà tổ tiên. Cũng không phải cầu khấn với người chết. Không có đích cụ thể cho lời cầu nguyện. Trước khi đi ngủ, anh nhắm mắt lại. Anh bắt đầu nói thầm rất chậm rãi trong óc: Ta đã làm chết một người. Ta đã làm chết một người.

Những lời nói lặp lại hằng đêm. Chúng lặp đi lặp lại như một người miệt mài quăng chài một mình trong đêm tối trên một vùng nước sâu. Quăng mãi, quăng mãi. Rồi dần dần cũng có cảm giác tấm lưới trong tay mình nằng nặng. Nhưng anh không bao giờ dám kéo lưới lên. Anh chờ.

Và đấy là lúc anh xăm chữ M kia. Một buổi tối, bóng đèn trong phòng bị cháy. Anh đi ra cửa hàng tạp hóa nhỏ ở đầu phố để mua bóng mới. Cạnh quầy tính tiền có một cái giá nhỏ bán kính lão, kính mát rẻ tiền, son chống nẻ, pin, kẹo cao su, xổ số cào, những bưu thiếp New York cũ kỹ. Rồi đến những hình xăm nhỏ bằng nilông, có thể dán rồi bóc. Đa số hình xăm là bọ cạp, thái cực, mặt trăng khuyết, rồi rồng, hổ, đại bàng, những ký tự Latin, những câu Kinh Thánh. Anh cầm chúng lên xem trong lúc chờ đến lượt tính tiền. Khi đến lượt mình, anh bỏ luôn hình xăm mặt trăng khuyết mà anh đang cầm xem vào chung với hộp bóng điện. Anh bóc tấm giấy bên dưới và đập mạnh cái hình xăm vào trán. Da thịt phía dưới lượt nilông lập tức có cảm giác bức thở và cầm tảm giác ấy làm anh thích thú. Trên đường về, ở góc phố Broadway cắt với phố 133, anh nhìn thấy một cửa hiệu xăm mình kiêm xem bói bài tarot. Anh đột ngột rẽ vào.

Anh xăm một chữ M nhỏ viết cách điệu theo lối chữ Hebrew cổ lên vai trái. Chữ M trông giống ba cái móc câu rời rạc, đứng song song với nhau.

Chữ M đó dường như là hành động bất thần cuối cùng của tuổi trẻ. Sau nó là bắt đầu một trạng thái tỉnh táo mới mà anh không thể tả cụ thể, chỉ có thể tóm lại bằng hai chữ: Anh biết. Thế thôi. Trí óc anh vào ban ngày cũng như ban đêm luôn như một con mắt đen trong mở to và trân trối nhìn ra bên ngoài. Nó ở bên trong anh nhưng lại cũng ngầm đứng từ trên cao nhìn anh sống trong cái đời sống này – một thứ đời sống hình thành bằng cách cộng từng giây phút vào nhau, đi từ việc này sang sự việc tiếp theo; một trạng thái tồn tại cô độc nhưng rõ ràng, không sợ hãi, không ngạc nhiên.

Cô độc nhưng rõ ràng – đấy là cảm giác rõ nhất về những năm tháng từ lúc anh đến New York cho đến lúc gặp M. Tất cả những cảm giác khác cùng với những sự kiện của những năm tháng này đều đã bị hạnh phúc mà anh có với M làm cho nhòa đi. Đến mức, những lúc thử nhớ lại, anh không thể tưởng tượng là anh quả thực đã sống qua tuổi trẻ của anh như thế.

Năm thứ nhất ở đại học, anh đã theo một người bạn Honduras cùng lớp đi làm chui cho những chủ thầu xây dựng Mexico. Bưng bê đồ lên xuống xe tải, hút bụi và lau sàn sau khi công nhân chính đã sửa xong nhà, sơn và gắn hồ vào các mối nối bằng những tuýp sơn kết dính Alex Painter’s Acrylic Latex Caulk của DAP.

Hết ba năm rưỡi đại học, anh tốt nghiệp magna cum laude. Cha anh muốn anh về nhà. Nhưng anh không về. Ông khuyên anh học tiếp bằng MBA. Anh không học. Trái lại, anh đi làm cho New York Empire – một trong những công ty tư vấn xây dựng và phát triển địa ốc lớn nhất New York. Hai năm sau, anh có thẻ xanh.

Trong những năm sau đó, bất chấp sự thúc giục, mắng mỏ, dọa dẫm, rồi van xin của cha anh, Duy kiên quyết không về lại Hà Nội. Có thẻ xanh rồi, anh bắt đầu làm ăn riêng. Kỹ sư xây dựng. Quản lý công trình. Giá sát thi công. Đại diện bán thiết bị xây dựng. Môi giới vật liệu composite. Thầu làm sàn nhà, làm mái, làm hàng hiên, rồi mua nhà cũ để sửa và bán lại. Anh bắt đầu tự đọc sách tài chính và đầu tư chứng khoán. Anh mua bán bất động sản nhỏ. Làm gì không quan trọng lắm, miễn là thay đổi và di chuyển. Những năm tháng di chuyển. Di chuyển liên tục. Anh không ở lại công việc nào quá lâu. Không sống ở đâu quá lâu. Không gắn với ai quá lâu. Không từ chối giúp đỡ ai nhưng không bao giờ nhờ vả ai. Không chủ động liên lạc với ai và không bao giờ tìm kiếm khi mất liên lạc với ai. Không bao giờ mời ai đến nhà; thậm chí không bao giờ cho ai địa chỉ. Chán New York, anh đi New Jersey, rồi North Carolina, Ohio, rồi lại về New York.

Năm 28 tuổi, anh gặp M đang du học ở New York.

Mấy tháng sau khi gặp, họ cưới nhau. Hai năm sau, khi M học xong, anh theo M về Hà Nội.

- Em muốn về nhà – M nói.

Anh đóng những quyển tranh, sách kiến trúc và sách chuyên môn vào những thùng đầy và gửi đường biển về Việt Nam. Hầu hết quần áo và các đồ đạc khác, họ đem đến cho Salvation Army hoặc vứt bỏ.

Vào ngày đón anh về, ở sân bay, cha anh chỉ lặng lẽ nhìn anh. Trong mắt ông, anh thấy đầy những mảng tối u uất. Nhưng M đứng ở ngay đó, nắm tay anh. Thế là đủ. Bởi vì lúc ấy và lúc này, anh biết tất cả công việc, tiền bạc, chức vụ, bạn bè, du lịch, thậm chí cả cha mẹ anh em cộng lại cũng không bằng cái cảm giác biết chắc chắn có một người là M sẽ đi với anh đến cùng trời cuối đất. Kể cả nếu tất cả sẽ lìa bỏ anh, phỉ nhổ anh và phản bội lại anh thì vẫn sẽ còn có M yêu thương anh. Kể cả nếu anh sẽ mất tất cả thì anh vẫn có thể làm lại từ đầu và anh vẫn là người giàu có trong tình yêu với nàng. Họ vẫn có một thế giới riêng để nương náu. Chỗ đó bất khả xâm phạm.

Bất khả xâm phạm bởi vì nó nằm bên trong anh. Anh yêu M. Yêu ở hơn cái mức mà chữ “yêu” thường làm người ta nghĩ đến giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Duy hay nghĩ ngấm ngầm rằng anh đã khám phá ra bí mật lớn nhất của cuộc sống. Điều ấy, trong nhân loại, có rất ít người biết hoặc may mắn có được. Điều ấy chỉ mình anh biết. “Biết” tức là “biết”.