Tình Dục Thuở Hồng Hoang

Chương 1

HÃY NHỚ ĐẾN YUCATÁN!

Chức năng của trí tưởng tượng không phải là làm những điều kỳ lạ trở nên ổn định, mà là biến những điều ổn định trở nên kỳ lạ.

• G. K. CHESTERTON

Hãy quên Alamo* đi. Bài học Yucatán hay hơn nhiều. Đầu mùa xuân năm 1519, Hernan Cortés và tùy tùng neo tàu ở ngoài khơi bờ biển Mexico. Viên tướng này ra lệnh cho tùy tùng mang một trong số những người bản địa lên boong tàu, và Cortés hỏi anh ta tên của xứ sở lạ lẫm mà họ vừa tìm ra là gì. Anh ta trả lời, Ma c’ubah than, còn viên tướng Tây Ban Nha này nghe thành Yucatán. Cũng khá giống. Cortés tuyên bố rằng từ hôm đó trở đi, Yucatán và bất cứ mẩu vàng nào mà vùng đất này chứa đựng đều thuộc về vua và nữ hoàng Tây Ban Nha…

Bốn thế kỷ rưỡi sau, vào thập kỷ 1970, các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu thổ ngữ Maya cổ kết luận rằng Ma c’ubah than nghĩa là Tao không hiểu mày nói gì*

Cứ đến mùa xuân, hàng nghìn sinh viên đại học Mỹ lại kỷ niệm vụ hiểu nhầm nhau mang tính lịch sử này bằng những cuộc thi mặc áo phông ướt, tiệc bong bóng và vật jello* trên những bãi biển tươi đẹp của Bán đảo Tao Không Hiểu Mày Nói Gì.

Nhưng nhầm lẫn không phải chỉ xảy ra vào mùa xuân đó. Tất cả chúng ta đều rơi vào cái bẫy này. (Một đêm, trong lúc ăn tối, một người bạn thân bảo rằng bài hát cô ưa thích của ban nhạc Beatles là “Hey Dude”)*. Mặc dù đã được đào tạo nhiều năm, các kiểu khoa học lại bị cuốn vào suy nghĩ rằng họ đang quan sát một thứ gì đó trong khi trên thực tế là họ chỉ đang phản ánh thành kiến và tình trạng thiếu hiểu biết của bản thân. Điều khiến các nhà khoa học sai lầm chính là khuyết điểm nhận thức mà tất cả chúng ta đều vấp phải: rất khó chắc chắn về điều mà chúng ta nghĩ là mình biết, nhưng thật ra là không biết. Đọc sai bản đồ, chúng ta vẫn cứ chắc mẩm là biết mình đang ở đâu. Khi gặp phải bằng chứng cho thấy điều ngược lại, đa số chúng ta đều có xu hướng nghe theo sự quả quyết, nhưng đó có thể là một tay hướng dẫn không đáng tin chút nào.

BẠN ĂN GÌ THÌ BẠN CHÍNH LÀ THỨ ĐÓ

Cứ lấy thức ăn làm ví dụ. Chúng ta ai nấy đều cho rằng cảm giác thèm muốn hay ghê tởm đồ ăn là do điều gì đó ở chính chúng - chứ không phải là một phản ứng thường là được văn hóa của chúng ta lập trình từ trước. Chúng ta biết rằng người Úc thích bóng gậy hơn bóng chày, hoặc vì một nguyên nhân nào đó mà người Pháp lại thấy Gerard Depardieu quyến rũ, nhưng bạn sẽ phải đói đến mức nào thì mới nghĩ đến việc điên cuồng chộp lấy một con sâu ngài rồi nhét luôn vào miệng mà chẳng cần xem xem nó là thứ gì? Nhóp nhép, nhóp nhép. Bạn có thể dùng một ít “bia nước bọt”* để nuốt cho dễ trôi. Một đĩa óc cừu thì sao nhỉ? Chó con nướng rưới nước sốt? Có thể chúng tôi sẽ khiến bạn quan tâm đến tai lợn hay đầu tôm chăng? Hay là một con chim biết hót chiên ngập dầu để bạn nhai ngấu nghiến, xương, mỏ, tất cả mọi thứ? Trận bóng gậy trên sân cỏ là một chuyện, nhưng dế rang sả thì sao?* Ghê quá đi mất.

Phải vậy không nhỉ? Nếu sườn cừu ngon lành thì điều gì khiến óc cừu trở nên kinh khủng? Vai, đùi và thịt ba chỉ lợn ăn cực ngon thế mà tai, mõm và móng giò lại phát gớm là sao? Tôm thì khác gì châu chấu? Ai phân biệt ngon với dở, và đâu là cơ sở? Còn tất cả các ngoại lệ thì sao? Cứ nghiền hết các phần còn lại của con lợn, nhồi chúng vào một đoạn ruột, và thế là bạn đã tự làm cho mình món xúc xích hoặc bánh mì kẹp xúc xích ra trò rồi. Có thể bạn nghĩ thịt nguội và trứng hợp nhau, giống như khoai tây chiên và tương cà chua hoặc muối và tiêu. Nhưng sự kết hợp giữa thịt nguội và trứng cho bữa sáng đã được phát minh cách đây cả trăm năm nhờ một công ty quảng cáo được thuê để bán được nhiều thịt nguội hơn. Người Hà Lan ăn khoai tây chiên với mayonnaise chứ không phải với tương cà chua.

Nghĩ xem cảm giác gớm ghiếc khi ăn côn trùng có phải là lý trí hay không? Nghĩ lại lần nữa đi. 100 g dế khô chứa 1.550 mg sắt, 340 mg can-xi và 25 mg kẽm - ba loại khoáng chất thường thiếu trong bữa ăn của người nghèo. Côn trùng có nhiều khoáng chất và mỡ lành tính hơn thịt bò hay thịt lợn. Hoảng sợ trước bộ xương ngoài [exoskeleton], râu và quá nhiều chân? Vậy thì cứ tiếp tục ăn thịt và quên hải sản đi, bởi vì tôm, cua và tồm hùm đều là động vật chân khớp, giống như châu chấu thôi. Và chúng ăn những gì bẩn nhất chìm xuống đáy đại dương, vì vậy đừng chê những món ăn ghê tởm làm từ côn trùng. Dù sao đi nữa, có thể ngay lúc này bạn đang có một bộ phận nào đó của côn trùng dính trong kẽ răng cũng nên. FDA (Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) đề nghị thanh tra của họ đừng để ý đến các bộ phận cơ thể của côn trùng trong hồ tiêu, trừ phi họ tìm thấy trung bình hơn 475 bộ phận cơ thể của côn trùng trong 50g*. Một tài liệu thống kê của Đại học Ohio ước tính rằng hằng năm, mỗi người Mỹ vô tình ăn khoảng 0,5 đến 1 kg côn trùng.

Gần đây, một giáo sư người Ý đã cho đăng bài viết Ý nghĩa Sinh thái của Gia súc cực nhỏ: Tiềm năng của Côn trùng, Loài Gặm nhấm, Ếch và Ốc sên. William Saletan viết trên trang slate.com về một công ty có tên gọi là Tôm Đất Bình Minh. Logo của công ty này ghi: “Ôi. Tôm đất ngon ghê!” Cho bạn đoán ba lần xem tôm đất là con gì.

Những người Anh đầu tiên đặt chân lên châu Úc ghi nhận rằng những thổ dân mà họ gặp sống rất khổ sở và bị đói khát. Nhưng giống như đa phần những người săn bắn/hái lượm, ở đây dân bản địa không quan tâm đến việc trồng trọt. Chính những người châu Âu báo cáo nạn đói lan rộng qua thư từ và tạp chí cũng thấy khó hiểu khi dân bản địa không có vẻ gì là hốc hác cả. Trên thực tế, họ khiến các vị khách ngạc nhiên khi thấy họ khá béo và lười biếng. Tuy nhiên, những người châu Âu này lại tin rằng thổ dân nơi đây sắp chết đói. Tại sao? Vì họ thấy người bản địa phải dùng đến những biện pháp dường như là cuối cùng - ăn côn trùng, sâu ngài và chuột; những sinh vật mà chắc chắn là không ai ăn nếu như không vì sắp chết đói. Vấn đề là món ăn dinh dưỡng, dồi dào và có vị giống như “trứng chiên dầu lạc và pho mát trắng mềm” này chưa bao giờ tồn tại trong ý nghĩ của người Anh như là một món ăn, những người rõ ràng là đang nhớ đến món haggis* và kem đông.

Quan điểm của chúng ta? Rằng thứ khiến ta cảm thấy tự nhiên hay không tự nhiên chưa chắc đã đúng như thế. Mỗi ví dụ trên đây, bao gồm cả bia saliva, đều được thưởng thức ở đâu đó - bởi những người sẽ thấy ghê tởm trước phần lớn những món mà bạn thường xuyên ăn. Đặc biệt là khi nói đến những trải nghiệm thân mật, riêng tư, sinh học như ăn uống hay làm tình, chúng ta không được quên rằng những ngón tay văn hóa tương tự thò sâu trong đầu óc chúng ta. Chúng ta không thể cảm thấy chúng đang điều chỉnh đồng hồ của chúng ta và bật các công tắc của chúng ta, nhưng mỗi nền văn hóa đều hướng thành viên của nó đến niềm tin rằng một số thứ đương nhiên đúng và những thứ khác tất nhiên sai. Có thể những niềm tin này mang lại cảm giác đúng, nhưng đấy là cảm giác mà chúng ta tin tưởng bằng sự liều lĩnh của chính mình.

Cũng như những người Anh đó, mỗi người trong chúng ta đều bị chi phối bởi cảm nhận của bản thân về điều gì là bình thường và tự nhiên. Chúng ta đều là thành viên của một bộ lạc nào đó - gắn kết với nhau bởi văn hóa, gia đình, tôn giáo, giai cấp, giáo dục, nghề nghiệp, quan hệ nhóm, hoặc bất cứ tiêu chí nào khác. Một trong những bước cơ bản đầu tiên trong việc nhận thức rõ văn hóa từ con người là cái mà nhà thần thoại học Joseph Campbell* gọi là sự phi bộ lạc hóa. Chúng ta phải thừa nhận các bộ lạc khác nhau mà mỗi người chúng ta thuộc về và bắt đầu giải thoát bản thân khỏi những giả định chưa được kiểm chứng về sự thật mà mỗi bộ lạc ấy nói.

Chính quyền cam đoan với chúng ta rằng ghen tuông là điều tự nhiên. Giới chuyên gia cho rằng phụ nữ cần một sự ràng buộc để cảm thấy gần gũi về mặt tình dục chẳng qua là bởi “họ chính là như vậy”. Một số nhà tâm lý học tiến hóa xuất sắc nhất quả quyết khoa học đã xác nhận rằng chúng ta, về cơ bản, là loài ghen tuông, chiếm hữu, sát nhân và lừa lọc, vừa được cứu vớt nhờ năng lực mong manh là vượt lên bản chất tăm tối của mình và tuân phục khuôn phép văn minh. Chắc chắn rằng những khao khát và sự không thỏa mãn từ cốt lõi sinh vật của con người còn có tác động đến con người mạnh hơn cả văn hóa. Chúng ta không bàn về việc con người bẩm sinh đã là “danh sách trống”, chờ đợi những chỉ dẫn vận hành. Nhưng cách con người “cảm nhận” chính là bằng chứng đáng tin cậy để chúng ta phân biệt được sự thật sinh học với ảnh hưởng văn hóa.

Hãy tìm một cuốn sách viết về bản chất con người và bạn sẽ nhanh chóng thấy mình đối diện với những Đàn ông quỷ ám, Gene keo kiệt, Các xã hội bệnh hoạn, Chiến tranh trước khi văn minh xuất hiện, Chiến trận liên miên, Mặt tối của con ngườiSát nhân cạnh nhà. Bạn sẽ may mắn sống sót và thoát khỏi thư viện đó! Nhưng liệu những tập sách đẫm máu đó có đưa ra được những miêu tả chân thực về sự thật khoa học, hay phản ánh những giả định và nỗi sợ hiện thời đối với quá khứ xa xưa hay không?

Trong các chương sau, chúng ta sẽ cân nhắc lại những khía cạnh này cũng như các khía cạnh khác của hành vi xã hội, sắp xếp lại chúng để thiết lập một cái nhìn khác về quá khứ của mình. Chúng tôi tin rằng mô hình của mình đi sâu hơn vào việc giải thích chúng ta tiến tới vị trí ngày nay như thế nào và quan trọng nhất là, tại sao rất nhiều, nếu không phải là đại đa phần, các cuộc hôn nhân thất bại về mặt tình dục đều không do lỗi của ai cả. Chúng tôi sẽ chỉ ra tại sao rất nhiều thông tin mà chúng tôi nhận được về hoạt động tính dục của con người - đặc biệt là từ một số nhà tâm lý học tiến hóa - lại bị hiểu sai, dựa trên những giả định vô căn cứ, lạc hậu từ thời Darwin và những nhà tư tưởng trước đó. Có quá nhiều nhà khoa học nỗ lực tìm cách giải đáp câu đố sai, gò ép phát hiện của mình vào những khái niệm được chấp nhận về mặt văn hóa, vốn có từ trước, và về điều mà họ cho rằng hoạt động tính dục của loài người nên như vậy, chứ không phải là để các mẩu thông tin được xuất hiện một cách tự nhiên.

Mô hình của chúng tôi có thể khiến bạn cảm thấy ngớ ngẩn, tục tĩu, xúc phạm, chướng tai gai mắt, thú vị, chán nản, sáng tỏ hoặc hiển nhiên. Nhưng dù bạn có thấy thoải mái với những điều chúng tôi giới thiệu ở đây hay không thì chúng tôi vẫn hy vọng bạn sẽ tiếp tục đọc. Chúng tôi không ủng hộ bất cứ phản ứng cụ thể nào đối với những thông tin mà chúng tôi đưa ra. Nói thật thì bản thân chúng tôi cũng không biết là phải làm gì với chúng.

Rõ ràng là một số bạn đọc sẽ phản ứng gay gắt với mô hình “chướng tai gai mắt” của chúng tôi về hoạt động tính dục của loài người. Cách hiểu của chúng tôi về những tư liệu này sẽ bị gạt đi và nhạo báng bởi những người kiên quyết bảo vệ thành trì của mô tả chuẩn mực. Họ sẽ hét lên: “Hãy nhớ đến Alamo!” Nhưng lời khuyên của chúng tôi, trong lúc dẫn dắt các bạn đi hết câu chuyện về những giả định không có cơ sở, những phỏng đoán trong lúc tuyệt vọng và những kết luận sai lầm này, là hãy quên Alamo đi, nhưng hãy luôn nhớ đến Yucatán.