Tình yêu sau cùng

Chương 6

Tôi không thể cứ quanh quẩn với nhiều kỷ niệm quanh lấy mình, như vậy làm sao sống nổi! May mắn sao lúc nhựa phong dâng lên và tôi bắt buộc phải làm việc. Lê Ni phải xin nghỉ học vài ngày, nhìn vào sổ điểm của nó đạt thật tốt. Cả ba chúng tôi, Mạch, Lê Ni và tôi cùng làm việc từ mờ sáng đến xẩm tối đêm đến mệt quá tôi không nằm mơ thấy gì nữa. Tôi muốn cắt tóc ngắn vì nay những cặp tóc không giữ được tóc trước luồng gió lớn, làm mớ tóc dài rơi xoã cả xuống lưng.

Vừa vuốt tóc, kết tạm thành búi, tôi vừa nói lớn:

Ồ! Đem cắt ngắn đi cho rảnh!

Gió đưa lời nói của tôi đến tai Lê Ni, nó vòng tay làm loa bảo tôi:

Không, con không muốn thế.

Lúc ăn trưa, hỏi con tôi tại sao nó không ưa người đàn bà tóc ngắn.

Ta là mẹ con mà!

À! Thì con nói lại là không ưa một người mẹ có tóc ngắn. Thế thôi!

Rồi nó cười.

Tôi tự hỏi không rõ Diên Tôn khi còn nhỏ có dễ vui cười như thế không? Còn ai nói cho tôi biết được điều này đâu. Viết đến mấy chữ này, tôi bỗng liên tưởng đến thân phụ Diên Tôn. Chắc ông biết. có ngày chúng tôi sẽ định đi thăm ông. Tôi muốn có ông ở đây để ông nói về con trai ông cho tôi nghe.

Ông rời Bắc Kinh trước khi quân Nhật đến, chỉ nói vắn tắt rằng không thể chịu đựng được cảnh ấy. Về ở một thôn xóm miền Kansas, ở Listonbeen ông sống trong hoàn cảnh nào? Tôi không biết việc ông viết cho chúng tôi một bức thư, sau khi chúng tôi về Vermont được ít lâu, hỏi thăm tin tức Diên Tôn. Tôi trả lời và sau đó ông cụ không có thư từ gì nữa.

Ngày hôm sau tôi hỏi Lê Ni:

Con có muốn ông nội đến ở đây không?

Nó trả lời:

Để con nghĩ đã.

Con tôi rất thận trọng và dè đặt.

Trong khi con tôi suy nghĩ, ngày ngày trôi qua, chúng tôi cũng không có thì giờ nhắc lại câu chuyện cũ. Chích nhựa phong là một công việc vất vả, nhưng chúng tôi còn may mắn có việc để làm.

Trước kia, cha tôi chích các cây và trong đồn điền, ông đặt các ống nối liền với ba cái máng chính, nhờ đường dốc, dẫn nhựa xuống một nhà máy nhỏ ở dưới thung lũng. Nhờ sự xếp đặt này, công việc chích nhựa của chúng tôi nhẹ được hai phần so với công việc các nhà láng giềng. Những người trong xóm chỉ trông ngắm, trầm trồ khen ngợi sự khéo léo của cha tôi, nhưng không ai nghĩ đến việc bắt chước làm. Họ vẫn tiếp tục xách những thùng nhựa, như xưa vẫn làm, từ thuở ông cha ngày trước.

Trong ngày nắng ấm đó, nhựa chảy tràn trề vào nhà máy lọc. Lúc này tôi ở luôn tại nhà máy – trong khi Lê Ni và Mạch làm các công việc bên ngoài. Về bữa ăn, chúng tôi chỉ hâm nóng hoa quả và rau đóng hộp. Cơm tối xong, chúng tôi lăn ra ngủ. Nhìn hai má Lê Ni hồng đỏ vì gió và tuyết, còn má tôi đỏ vì lò lửa của nhà máy.

Nhưng buổi nay, tiết đông trở lại, nhựa đóng đông và các đường đi đều đã bị tuyết làm nghẽn. Lê Ni và tôi nghỉ ngơi. Mạch cũng xuống nhà máy lọc chờ đợi. Ăn bữa trưa, chúng tôi có thể chần chờ được và Lê Ni có thì giờ đọc sách. Tôi hỏi lúc nó đáng đọc.

Lê Ni, con đã nghĩ về vấn đề mẹ hỏi hôm nọ chưa? Về việc ông nội đó?

Ngồi duỗi chân trên chiếc ghế dài, gần cửa sổ, quyển sách ấp ngực, nó ngẩng mặt nhìn tôi:

Vâng, con đã nghĩ kỹ. Con muốn ông đến đây ở với chúng ta.

Rồi nó lại đọc sách tiếp.

Rõ ràng giống hệt hình bóng của cha nó! Nó yên lặng suy nghĩ rồi quyết định, và như vậy là giải quyết xong công việc. Rửa bát đĩa xong, tôi lên lầu lựa một căn phòng để đón ông cụ. Ngôi nhà quá lớn đối với chúng tôi. có thể cả tá trẻ con ở được. Nhà làm bằng gỗ, dựng trên một nền đá, giãi ra hướng nam và trông xuống thung lũng. Mùa hạ đến, thị dân ở New York hay Chicago qua chơi, lại dỗ dành tôi bán ngôi nhà này cho họ. Họ trả món tiền kếch sù, có thể với cái gia tài đó, tôi chẳng phải lo nghĩ điều gì. Nhưng tôi vẫn từ chối.

Tôi chọn một căn phòng ở góc, hướng đông nam. Lê Ni có căn phòng quay về hướng tây nam, vì trong mấy tháng nghỉ hè, nó muốn được ngủ trưa, khỏi bị ánh nắng buổi mai quấy rầy. nhưng ông già ít khi dậy muộn thì phải. Gian phòng hình vuông, có bốn cửa sổ lùa đầy ánh sáng, một lò sưởi ngăn hai cửa sổ nhìn ra hướng đông. Sát vào khung cửa sổ có kê ghế, sàn nhà bằng gỗ thông, giấy dán ở tường màu hồng đã phai nhạt. Về già, mẹ tôi đã chọn phòng này và đồ đạc của bà kỉêu Victoria vẫn còn, cả rèm cửa màu trắng do bà khâu vá tự chăng lên. Chiếc giường có hơi lớn và với thành trên bằng gỗ trạm trổ. Căn phòng rất thích hợp cho một ông già.

Chúng tôi chỉ có thể lên đường được sau khi lọc đường xong. Một cơn bão tuyết nhỏ lại đến làm cho tôi phải ngừng công việc. Trong tháng ba, khi mùa chích nhựa đang thuận lợi thì một trận mưa ấm áp lại đổ từ bầu trời thấp và xám xuống. chúng tôi chỉ sợ nhựa cây ngừng chảy và cây cối bị tiết xuân giả lừa dối. Nhưng bỗng một luồng gió buốt lạnh thổi từ Canada xuống, hạt mưa đông đọng ngya trên cây. Nhựa cây được cứu vãn, nó than ôi! Những cây lớn lại bị luồng gió mạnh tàn phá. Một đêm không ngủ được, tôi nghe thấy cành cây gãy đổ, tiếng nghe ròn và khiếp sợ như tiếng súng. Sáng hôm sau, mặt trời lại chói loà, tôi cùng với Lê Ni ước lượng sự thiệt hại trong đồn điền. Từng mảng nhựa đông đặc lủng lẳng trên các cành cây gãy, dưới ánh mặt trời, nó tan vỡ, giải trên mặt đất, mùi thơm dịu. tôi vốn sợ bùn nhơ và đây đầy một thứ như vậy. Lê  Ni nhắc nhở với tôi là cây cối cũng khôn ngoan và chẳng bao giờ chúng cho ta biết đường của chúng. Tôi bảo nó:

Thì ít nhất, chúng ta cũng được hưởng một phong cảnh tuyệt đẹp.

Rồi chúng tôi đi ngắm phong cảnh chói chang từ trên đỉnh núi chót vót phía sau nhà chúng tôi.

Sau sáu tuần lễ công việc vất vả, thu được bốn trăm lít mật phong trong sáng như hổ phách sau chúng tôi đem nấu chỉ giữ lại đường. Tháng tư đến khi mầm non trồi lên là kết thúc mùa chích nhựa. Tôi báo tin cho Mạch biết vào mùa xuân này chỉ có một mình ông sẽ làm công việc cày bừa mà thôi. Vì Lê Ni và tôi phải đi Kansas. Tôi hẹn sẽ trở về trước mùa gieo hạt.

Chúng tôi khởi hành. Trong khi đồng bằng và núi non lướt qua kính cửa toa tàu, tôi gợi chuyện với Lê Ni về ông nội nó, nhưng chính những kỷ niệm xa xưa cũng đã mờ dần. Tôi trông thấy tất cả mọi người qua bức màn sương thanh khiết tình yêu của tôi đối với Diên Tôn vì tôi là một trong những người đàn bà sung sướng  được đẹp duyên ngay với mối tình đầu.

John Burroughs nói:

…Nhựa chảy lần thứ nhất giống như mối tình đầu, nhựa đó quý, phong phú, ngọt dịu nhất, hương vị thơm ngát và trong sạch, những dòng nhựa tiếp theo sau không sao so sánh được.

Tôi bảo Lê Ni:

Ông nội con cao lớn mảnh khảnh, rất sang trọng. Ông quê ở Virginia, tổ tiên dòng giống Escot, đến lập nghiệp từ lâu. Mẹ tự  hỏi không rõ sao ông lại lấy một bà vợ Tàu.

Lê Ni như bỗng muốn lùi lại. Nó không muốn nói tới bà nội người Trung Hoa. Tôi thấy như những thành kiến của bè bạn trong lớp đã bắt đầu làm nó lây bệnh này. Như vậy, sự hiện diện của thân phụ Diên Tôn đối với tôi thật quý giá.

Tôi nói tiếp:

Ông con có mớ tóc và cặp mắt đen như cha con. Nhưng nay chắc tóc đã bạc. Con có nhớ gì về ông con không?

Nó trả lời tôi, vẻ bướng bỉnh:

Con không nhớ gì!

Chỉ cần nhắc lại đời sống ở Bắc Kinh là nó không còn nhớ gì nữa. Bởi nó muốn là người Mỹ.

Phong cảnh lướt đi thật nhanh. Một ngày kia thư thả, tôi sẽ đi thăm lại các vùng mình lướt đi như gió này. Tôi thích ngừng chân lại từng làng, từng thành phố, men theo đường tắt miền quê mà chúng tôi chỉ thoáng nhìn thấy. Đêm qua vén màn cửa, nằm trên giường ngủ trong toa, tôi ngắm cảny trăng bên ngoài. Tôi không biết mình ở nơi nào. Xứ sở rộng quá, ngay chính tôi cũng cảm thấy mình như người xa lạ. Huống hồ Diên Tôn, nếu ở đây chàng có khác gì kẻ tha hương.

Đêm đầu trong khách sạnh ở Thượng Hải, tôi như đang tựa đầu vào ngực chàng thổn thức:

Tại sao anh không cùng đi với em? Ở đây anh có gì ưa thích hơn em đâu nhỉ?

Đúng chẳng có gì và cũng chẳng có ai. Eve của anh, nếu nay anh rời đất Trung  Hoa, đó là đi vĩnh viễn. Và anh cảm thấy thật xa lạ khi sống trên đất Mỹ.

Nhưng có em ở đó mà!

Chàng nghiêm nghị trả lời:

Như thế cũng không thay đổi gì!

Giữa đêm khuya, trong miền rộng bao la này vượt đi vội vã, chính tôi cũng cảm thấy mình xa lạ và lời nói của Diên Tôn thật đầy ý nghĩa.