Tôi có thể... nói thẳng với anh

- 9 -

Chúng tôi không nhớ rõ nhà giáo dục nào đã phân chia loài người làm ba hạng:

- Những người làm cho sự việc đến (một số rất ít).

- Những người chờ cho sự việc xảy đến (một số đông).

- Những người không biết gì về những sự việc sẽ xảy đến (đây là đại đa số).

Và nhà giáo dục ấy đã gán cho họ những danh hiệu: người “đắc lực”, người “khán giả” và người “máy”.

Người “đắc lực” là người hoạt động, là người chỉ cậy nơi sức mình. Khi họ dàn xếp cuộc đời, tổ chức một công cuộc làm ăn hoặc gầy dựng một công trình gì thì họ chỉ biết làm những việc gì họ phải làm. Không xu thời, không đợi thời vì họ biết rằng họ có thể trong một phần nào làm cho những sự việc xảy ra theo ý muốn của họ. Như thế, đôi khi chính họ sáng tạo ra tương lai.

Người “khán giả” là người thụ động chỉ biết trố mắt nhìn xem những sự việc xảy ra. Họ không mệt sức tranh đấu, hoạt động bởi họ tin rằng “mưu sự tại nhân” mà “thành sự tại thiên”. Nhưng thật ra “thiên cơ” là gì nếu không phải là sự nỗ lực của những người “đắc lực”? Họ thích ung dung ngồi đợi người ta dọn lớp, làm tuồng sẵn để họ xem. Nhưng khi người ta tổ chức hát thì quyền làm chương trình ở trong tay người ta. Nếu chẳng may người ta tráo tuồng cũ làm tuồng mới hoặc nhận lớp thì người “khán giả” chỉ có nước “ráng chịu”.

Người “máy” là hạng người “dễ thương” nhất. Họ không làm ra sự việc, không chờ đợi sự việc mà cũng không cần biết những sự việc xảy ra ra sao. Đó là những cục bột, ai muốn nắn thế nào cũng đặng. Họ là những người dễ bị xỏ mũi nhất.

Trong nước nào hoặc xã hội nào cũng thế, hạng người “máy” là đa số.

Khi một người “máy” trở nên một “khán giả” thì họ đã bước tới một bước, họ đã leo lên một nấc thang xã hội.

Khi một “khán giả” chịu suy nghĩ, chịu hoạt động, biết nỗ lực hành động, họ đã leo lên cấp người “đắc lực”.

Sự tiến bộ, hưng vong của một quốc gia bao giờ cũng ở trong tay những người “đắc lực”.