Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế

Chương 9: Trí Nhớ Siêu Đẳng Dành Cho Số

HỆ THỐNG SỐ

Không giống như từ ngữ, số rất trừu tượng. Chúng ta không thể hình dung số và do đó không thể liên tưởng kết hợp các số lại với nhau hoặc với những thông tin khác. Hệ Thống Số khắc phục trở ngại này bằng việc gán một chữ cái có thể hình dung được vào mỗi chữ số. Một khi ta hình dung được các số, ta có thể nhớ chúng dễ dàng. Kỹ năng này đặc biệt hiệu quả trong việc nhớ ngày tháng năm, công thức và các phương trình hóa học.

CÁCH SỬ DỤNG HỆ THỐNG SỐ

Mỗi chữ số từ 0 đến 9 thường được gán vào một hoặc hai chữ cái. Khi bạn nhớ được các chữ cái này, bạn sẽ có thể chuyển bất kỳ số nào (thậm chí cả những số có nhiều hơn bốn chữ số) thành một hình ảnh tương ứng lưu vào tâm trí. Dưới đây là 10 chữ số cơ bản và các chữ cái tương ứng.

Số Chữ cái
0 s, x
1 t
2 n
3 m
4 r, q
5 l
6 g
7 k, c
8 v, d, đ
9 b, p

Chú ý: Những chữ cái không được liệt kê ở trên không đại diện cho bất kỳ chữ số nào. Bạn có thể dùng chúng thoải mái mà không làm ảnh hưởng đến số bạn muốn đại diện.

CÁCH GHI NHỚ CHỮ CÁI ĐẠI DIỆN

Số “0” khiến bạn liên tưởng đến hình ảnh gạch chéo X – chữ “x”. Chữ “x” lại có cách phát âm tương tự như “s” giúp bạn nhớ rằng chữ “x” và “s” liên quan đến số 0.

 

Số 1 được tạo thành từ một gạch dọc và thường có thêm một gạch ngang ở dưới. Tương tự, chữ “t” cũng có một gạch dọc và một gạch ngang. Chữ “T” viết hoa lật ngược lại nhìn cũng giống số 1.

Số 2 khiến bạn nhớ tới chữ “n” vì “n” có 2 gạch dọc.

 

Số 3 khiến bạn nhớ tới chữ “m” vì “m” có 3 gạch dọc. Một cách nhớ khác nữa là nếu bạn lật số 3 xuống 90 độ ngược chiều kim đồng hồ, bạn sẽ có chữ “m”.

Số 4 khiến bạn liên tưởng đến chữ “r” vì hình ảnh phản ánh trong gương của chữ “R
” viết hoa rất giống số 4. Chữ “q” cũng có hình dạng tương tự như số 4. Bạn hãy tưởng tượng một “số 4 tròn trĩnh”.

Còn số 5 thì sao? Hãy để ý bàn tay và 5 ngón tay của bạn. Bạn có thấy khoảng cách giữa ngón trỏ và ngón cái của bạn tạo thành hình chữ “L” không? Do đó, số 5 sẽ khiến bạn nghĩ tới chữ “l”

Số 6 khi bị lật ngược xuống rất giống chữ “g”.

Nếu bạn để số 7 trước gương, bạn sẽ thấy hình ảnh số 7 trong gương và ở ngoài khi nằm cạnh nhau tạo thành chữ “k” hướng xuống dưới. Bạn có thể nhớ tới cụm từ “không có” để nhớ rằng chữ “k” và “c” liên quan đến số 7.

Số 8 khiến bạn liên tưởng đến hình ảnh gió xoáy vào nhau mà gió còn được gọi là “vũ” khiến bạn nhớ đến chữ “v”. Cụm từ “vũ đạo” sẽ giúp bạn nhớ tiếp chữ “d/đ”.

Cuối cùng, số 9 khi bị lật ngược xuống nhìn giống chữ “b” trong khi hình ảnh phản ánh trong gương của số 9 lại giống chữ “p”.

BÀI KIỂM TRA NHANH

Bạn đã thuộc bài chưa? Tốt lắm. Bây giờ bạn hãy thử làm một bài kiểm tra đơn giản bằng cách viết ra các chữ cái tương ứng cho mỗi chữ số từ 0 đến 9. Xin vui lòng hoàn tất bài kiểm tra này trước khi bạn đọc tiếp.

CÁCH SỬ DỤNG CHỮ CÁI ĐẠI DIỆN

Chúng ta sẽ làm gì với tất cả những gì vừa học? Chúng ta sử dụng chúng để tạo ra các từ ngữ giúp ta liên tưởng dễ dàng về một tập hợp số ta cần phải ghi nhớ. Chúng ta làm việc này bằng cách tìm một từ hoặc cụm từ hình dung được có chứa các chữ cái tương ứng với các số chúng ta cần nhớ.

Hãy cùng xem một ví dụ đơn giản sau đây. Số 21 được tạo thành từ số 2 và số 1. Chúng ta đã biết rằng số 2 tương ứng với chữ “n” và số 1 tương ứng với chữ “t”. Chúng ta dễ dàng nhận thấy số “21” có thể được đại diện bằng hình ảnh một cái “nút”.

Thêm một ví dụ khác. Số 94 gồm có số 9 và số 4. Số 9 có chữ “b” và số 4 có chữ “r”. Dĩ nhiên chúng ta có thể nghĩ đến hình ảnh một miếng thịt “ba rọi” để nhớ số 94. Tuy nhiên, xin chú ý rằng, từ “bánh rế” mặc dù có chữ “b” và “r” nhưng không thể đại diện cho số 94 vì thật ra nó đại diện cho số 924 (xem kỹ “bánh rế” thì thấy có thêm chữ “n” ở giữa “b” và “r”). Đây là một lỗi rất thường gặp khi tạo ra từ hoặc cụm đại diện. Bạn nên cẩn thận.

Mục tiêu chính của phương pháp này là chuyển đổi các số (trừu tượng) khó nhớ thành một từ hoặc cụm từ có thể hình dung được trong tâm trí khiến các số dễ nhớ hơn.

CHÚNG TA CHỈ CHÚ Ý ĐẾN CHỮ CÁI ĐẠI DIỆN

Hãy chú ý đến cụm từ “bị la”. Nếu tôi yêu cầu bạn chuyển đổi từ này thành số dựa vào chữ cái đại diện thì đó là số mấy? Đó chính là số 95. Lưu ý rằng chữ “i” và “a” không đại diện cho bất kỳ chữ số nào.

Thêm một ví dụ nữa. Cụm từ “Nhi ở khu D” thì đại diện cho số nào? Đó chính là số “278” vì các chữ “h”, “i”, “o” và “u” không đại diện cho bất kỳ chữ số nào.

TỰ KIỂM TRA

Bây giờ thì bạn đã hiểu khái niệm này rồi, hãy thử làm các bài tập sau:

BÀI TẬP 1

Dùng Hệ Thống Số để chuyển từng số sau đây thành các từ ngữ có hình ảnh: 53, 21, 30, 548, 417.

BÀI TẬP 2

Chuyển các từ sau đây thành các số tương ứng: cha, tình yêu, ngạc nhiên, băng đảng, kiểm tra.

ĐÁP ÁN

Bạn đã làm bài tập xong chưa? Tốt lắm. Dưới đây là đáp án.

Đáp án này có thể khác với đáp án của bạn nhưng không có vấn đề gì cả. Bạn nên học cách tạo ra những từ ngữ độc đáo của riêng bạn cho từng số theo các quy luật trên. Thế là đủ rồi. Các chữ cái tương ứng với chữ số được đổi màu để bạn nhìn rõ hơn.

Số Từ ngữ
53 Lâm
21 nút
30 mã số
548 lấy roi da
471 rắc tiêu

 

 

Từ ngữ Số
Cha 7
tình yêu 12
ngạc nhiên 26722
băng đảng 926826
kiểm tra 7314

99 TỪ NGỮ ĐẠI DIỆN

Sau khi đã được học các chữ cái tương ứng với các chữ số, bạn có thể dễ dàng chuyển bất kỳ số nào thành một từ có hình ảnh (gọi là từ ngữ đại diện) nhằm giúp bạn dễ dàng liên tưởng và ghi nhớ số đó.

Để thuận tiện trong việc sử dụng Hệ Thống Số, bạn hãy tạo ra những từ ngữ đại diện của riêng bạn cho 99 số đầu tiên. Bằng cách này, mỗi khi bạn gặp phải một số nào đó giữa 0 và 99, bạn sẽ lập tức biết được hình ảnh tương ứng với số đó. Tôi liệt kê dưới đây những từ ngữ đại diện mà tôi thường sử dụng để nhớ 99 số đầu tiên. Bạn có thể học theo tôi hoặc tạo ra những từ ngữ của riêng bạn.

  1. Tạ
  2. Nỏ
  3. Mẹ
  4. Ru
  5. Lẩu
  6. Voi
  7. Thụy Sĩ
  8. Tất
  9. Tình
  10. Tắm
  11. Tí quậy
  12. Thay lá
  13. Tuổi gà
  14. Tuổi chó
  15. Thi võ
  16. Tập
  17. Nasa
  18. Nút
  19. Nén
  20. Nằm
  21. Nói quá
  22. Nấu lẩu
  1. Nấu gà
  2. Nấu cá
  3. Núi đá
  4. Nấu bò
  5. Mã số
  6. Mặt
  7. Mặn
  8. Mắm
  9. Mưa rơi
  10. Mỹ lai
  11. Mổ gà
  12. Mổ cá
  13. Mẹ về
  14. Mập
  15. Quá xá
  16. Quát
  17. Quan
  18. Quê mẹ
  19. Quỷ quái
  20. Quỳ lạy
  21. Quá giá
  22. Rắc
  23. Roi da
  24. Ráp
  25. Lo xa
  1. Lát
  2. Lan
  3. Lâm
  4. Lấy roi
  5. Le lói
  6. Lẩu gà
  7. Lẩu cá
  8. Lở dở
  9. Lẩu bò
  10. Ga xe
  11. Gặt
  12. Gan
  13. Gặm
  14. Ghê quá
  15. Gói lá
  16. Gỏi gà
  17. Gỏi cá
  18. Gờ đá
  19. Gỏi bò
  20. Kiêu sa
  21. Két
  22. Kèn
  23. Kẽm
  24. Cây quế
  25. Kỳ lạ
  1. Cô gái
  2. Cúc
  3. Cá đá
  4. Cặp
  5. Vè xe
  6. Vẹt
  7. Vân
  8. Vụ mùa
  9. Dữ quá
  10. Vô lo
  11. Vợ giỏi
  12. Vạc
  13. Vi vu
  14. Vấp
  15. Bà xã
  16. Bút
  17. Bún
  18. Bám
  19. Ba rọi
  20. Bị la
  21. Bé gái
  22. Bắc
  23. Bờ đê
  24. Bắp

 

Lưu ý rằng những chữ màu đen không hề đại diện cho bất kỳ chữ số nào.

ÁP DỤNG HỆ THỐNG SỐ

Như đã đề cập ở trên, Hệ Thống Số là một công cụ mạnh mẽ dùng để học các môn học liên quan đến số. Trong phần này, bạn sẽ học cách làm thế nào để ghi nhớ ngày tháng lịch sử, các thành phần nguyên tử và các loại số khác.

CÁCH GHI NHỚ NGÀY THÁNG

Môn lịch sử thường đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ một sự kiện cụ thể xảy ra trong quá khứ. Do đó, chúng ta cần liên kết sự kiện đó với một ngày tháng (gồm một chuỗi số) cụ thể khi sự việc đó diễn ra.

CÁCH GHI NHỚ

Để nhớ ngày tháng và sự kiện, bạn phải

  1. Tạo ra một hình ảnh của sự kiện mà bạn muốn ghi nhớ.
  2. Sử dụng Hệ Thống Số để chuyển đổi ngày tháng (gồm các số) thành hình ảnh tương ứng.
  3. Tạo ra một câu chuyện bất hợp lý để liên kết hình ảnh của sự kiện với hình ảnh của ngày tháng đó.

VÍ DỤ 1: BOM NGUYÊN TỬ

Giả sử bạn cần nhớ Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên vào ngày 6 tháng 8 năm 1945. Vì đây là sự kiện thả bom nguyên tử, bước đầu tiên là bạn phải hình dung một quả bom nguyên tử trong tâm trí bạn.

Kế tiếp, chuyển ngày tháng thành các số tương ứng, 6-8-45. Lưu ý rằng chúng ta bỏ qua một thế kỷ (1900) vì bạn có thể hoàn toàn suy ra được thế kỷ này. Vậy là bạn phải chuyển đổi số 6845 thành một hình ảnh cụ thể dựa vào Hệ Thống Số bạn vừa học. Bạn có thể chia số này thành hai cặp 68 và 45. Như vậy, 68 có thể được chuyển thành “gà và ó”, còn 45 thành “rơi lỗ”.

Bước cuối cùng là tạo một mối liên kết nghịch lý giữa “quả bom nguyên tử”, “gà và ó” và “rơi lỗ”. Vậy thì hãy tưởng tượng một con gà trống và một con ó đen đang đánh nhau quyết liệt thì bị rơi xuống lỗ khi quả bom nguyên tử đầu tiên nổ ra.

Do đó, mỗi khi bạn nghĩ đến quả bom nguyên tử đầu tiên, bạn sẽ nhớ tới “gà và ó”, “rơi lỗ” giúp bạn chuyển thành số 6-8-45 (tức là ngày 6 tháng 8 năm 1945) ngay lập tức.

VÍ DỤ 2: TRÂN CHÂU CẢNG

Giả sử bạn muốn ghi nhớ sự kiện Trân Châu Cảng bị Nhật thả bom vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Một lần nữa, bạn có thể hình dung sự kiện thả bom tại Trân Châu Cảng với hình ảnh một chuỗi hạt trân châu bị nổ tung.

Tiếp theo, chuyển ngày 7 tháng 12 năm 1941 thành 7-12-41 và sử dụng Hệ Thống Số để chuyển số 71241 thành hình ảnh cụ thể. Bạn có thể tách số này thành ba nhóm 71, 24 và 1 để chuyển thành ba hình ảnh. Bằng cách này, bạn cần phải liên kết bốn hình ảnh với nhau, hình ảnh sự kiện và ba hình ảnh cho ngày tháng.

Một cách nhanh hơn nữa là tách số 71241 thành 712 và 41. 712 được chuyển thành cụm từ “khỉ thấy nai” và 41 thành “rời tổ”. Cuối cùng, liên kết hình ảnh “hạt trân châu nổ tung”, “khỉ thấy nai” và “rời tổ” thành một câu chuyện vô lý như sau: những chú khỉ bị những hạt trân châu nổ tung đánh thức. Chúng nhìn thấy những con nai vàng ngơ ngác cũng bị đánh thức đang lò dò rời khỏi tổ.

Bây giờ, mỗi khi bạn nghĩ về sự kiện thả bom ở Trân Châu Cảng, bạn sẽ nhớ tới “khỉ thấy nai rời tổ” tức là số 71241 tức là ngày 7 tháng 12 năm 1941.

THỰC HÀNH MỘT SỐ NGÀY THÁNG LỊCH SỬ

Kỹ thuật ghi nhớ ngày tháng này không chỉ rất thú vị mà còn mang lại kết quả lâu dài. Những ví dụ trên đây được giải thích dài dòng nhưng khi bạn bắt đầu quen sử dụng kỹ thuật này, bạn sẽ thấy rằng bạn chỉ tốn khoảng vài giây để ghi nhớ.

Chúng ta hãy cùng ghi nhớ các ngày tháng đáng nhớ dưới đây bằng cách sử dụng kỹ thuật vừa học. Bắt đầu nào!

Sự kiện Ngày tháng
1. Ngày sinh của Adolf Hitler 20 tháng 4 năm 1889
2. Liên Xô sụp đổ 8 tháng 12 năm 1991
3. Bầu cử Franklin Roosevelt 1936
4. Đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933

Khi bạn gặp tên người hay tên nước, hãy chuyển chúng thành những hình ảnh bằng cách dùng Kỹ Thuật Âm Thanh Tương Tự hoặc Kỹ Thuật Gợi Nhớ. Ví dụ, từ “Adolf” nghe giống từ “A Dốt”. Vậy thì Adolf Hitler có thể được tưởng tượng thành một anh chàng ngốc nghếch khù khờ tên A Dốt.

Còn về từ “Liên Xô” thì sao? Làm thế nào bạn có thể hình dung một đất nước? Bạn có thể dùng Kỹ Năng Gợi Nhớ với hình ảnh lá cờ có hình cái búa và lưỡi liềm để nhớ tới Liên Xô.

TỰ KIỂM TRA

Bạn hãy viết ra những ngày tháng của các sự kiện mà bạn vừa ghi nhớ. Hãy kiểm tra lại để chắc chắn là bạn trả lời đúng.

Sự kiện Ngày tháng
1. Ngày sinh của Adolf Hitler  
2. Liên Xô sụp đổ  
3. Bầu cử Franklin Roosevelt  
4. Đại khủng hoảng kinh tế  

CÁCH GHI NHỚ SỐ NGUYÊN TỬ HÓA HỌC

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu cách làm thế nào để ghi nhớ các số nguyên tử của nguyên tố hóa học. Giả sử bạn phải ghi nhớ các nguyên tố dưới đây và các số nguyên tử tương ứng.

Nguyên tố Số nguyên tử
Natri 11
Rubiđi 37
Vonfam 74
Phốtpho 15

CÁCH GHI NHỚ

Những gì bạn cần làm là tạo ra một hình ảnh tương ứng cho từng nguyên tố bằng cách sử dụng Kỹ Thuật Âm Thanh Tương Tự và các hình ảnh tương ứng cho số nguyên tử bằng Hệ Thống Số.

Bước 1: Hình Dung Các Nguyên tố

Vì các nguyên tố này rất trừu tượng, chúng ta phải dùng Kỹ Thuật Âm Thanh Tương Tự để tạo ra một từ có hình ảnh và có cách phát âm giống với nguyên tố cần nhớ.

Ví dụ, “Natri” phát âm là na-tri. Vậy bạn có thể tưởng tượng hình ảnh bạn đang ăn một quả na ngọt mê ly. Hình ảnh này sẽ giúp bạn nhớ tới từ “Natri”.

Tương tự, “Rubiđi” phát âm như ru-bi-đi. Vậy bạn có thể tưởng tượng một viên ngọc Ruby màu hồng thật lớn và thật lấp lánh. Còn từ “Vonfam” – phát âm tương tự như voi-phàm, bạn có thể tưởng tượng một con voi phàm ăn khổng lồ đang gặm từng khúc mía. Từ “Phốtpho” phát âm như “phất phơ”. Vậy bạn hãy tưởng tượng một chiếc lá rơi phất phơ trong gió.

Nguyên tố Hình ảnh
Natri Quả na ngọt mê ly
Rubiđi Viên Ruby lấp lánh
Vonfam Voi phàm ăn
Phốtpho Lá phất phơ

Bước 2: Hình Dung Các Số Nguyên Tử

Tiếp theo, bạn hãy chuyển các số nguyên tử thành các hình ảnh (từ ngữ) tương ứng bằng Hệ Thống Số. Bằng cách này, chúng ta có các từ sau.

Số nguyên tử Hình ảnh
11 Tất
37 Mổ cá
74 Cây quế
15 Thay lá

Bước 3: Liên Kết Các Hình Ảnh Tượng Trưng

Cuối cùng, chúng ta liên kết hình ảnh nguyên tố với hình ảnh số nguyên tử như sau:

Hình ảnh nguyên tố Hình ảnh số nguyên tử
Quả na ngọt mê ly Tất
Viên Ruby lấp lánh Mổ cá
Voi phàm ăn Cây quế
Lá phất phơ Thay lá

Để liên kết “quả na ngọt mê ly” và “tất”, bạn có thể tưởng tượng hình ảnh một quả na có vẻ ngoài ngọt ngào mê ly có thể hoạt động giống con người đang loay hoay mang tất vào chân. Vậy thì mỗi lần bạn nghĩ đến “Natri” (quả na ngọt mê ly), bạn nghĩ đến số nguyên tử 11 (hình ảnh quả na đang mang tất).

Để liên kết “viên Ruby lấp lánh” và “mổ cá”, hãy tưởng tượng cảnh bạn phát hiện một viên hồng ngọc Ruby lớn sáng lấp lánh trong lúc mổ một con cá. Vậy thì mỗi khi bạn nghĩ đến “Rubiđi”, bạn sẽ nhớ tới số nguyên tử 37.

Bây giờ, bạn hãy tự tạo ra các câu chuyện vô lý để liên kết hai nguyên tố còn lại với số nguyên tử của chúng. Quá dễ dàng phải không bạn?

THỬ TRÍ NHỚ

Khi bạn làm xong, hãy thử kiểm tra trí nhớ của bạn bằng cách điền vào bảng dưới đây.

Nguyên tố Số nguyên tử
Natri  
Rubiđi  
Vonfam  
Phốtpho  

CÁCH GHI NHỚ CÁC SỐ KHÁC

Hệ Thống Số có thể được dùng để ghi nhớ mọi loại số.

CÁCH GHI NHỚ

Cách thức ghi nhớ tương tự với cách chúng ta ghi nhớ ngày tháng lịch sử và số nguyên tử trong hóa học. Chỉ cần liên kết hình ảnh tương ứng của từ khóa với hình ảnh của số liên quan.

VÍ DỤ 1: MẶT TRĂNG XA ĐẾN MỨC NÀO?

Giả sử bạn phải ghi nhớ mặt trăng nằm cách trái đất 384.630 km. Bước đầu tiên là bạn phải tưởng tượng hình ảnh mặt trăng vì “mặt trăng” là từ khóa.

Bước tiếp theo là chuyển số 384.630 thành hình ảnh. Bạn có thể tách số này thành 38, 46 và 30. Ba số này được chuyển thành từ “mẹ về”, “quá giá” và “mã số” theo thứ tự.

Cuối cùng, tạo ra một câu chuyện nghịch lý để liên kết các hình ảnh “mặt trăng”, “mẹ về”, “quá giá” và “mã số”. Hãy tưởng tượng rằng nếu bạn muốn bay lên mặt trăng, bạn phải đợi mẹ đi chợ về. Mẹ bạn phải hỏi mua ở các bà bán hàng hay bán quá giá để mua mã số giúp bạn phóng được hỏa tiễn lên mặt trăng.

Câu chuyện này sẽ giúp bạn nhớ khoảng cách từ mặt trăng đến trái đất là 384.630 km dễ dàng.

VÍ DỤ 2: TỐC ĐỘ ÁNH SÁNG LÀ BAO NHIÊU?

Để ghi nhớ tốc độ ánh sáng là 3 x 108 m trong một giây, bạn hãy tưởng tượng hình ảnh một tia sáng phóng nhanh như chớp.

Tiếp theo, chuyển số 3108 thành các hình ảnh. Bạn có thể chia số này thành 310 và 8 để có các hình ảnh “mẹ thấy sợ” và “vũ” theo thứ tự.

Cuối cùng, liên kết các hình ảnh “tia sáng”, “mẹ thấy sợ” và “vũ” lại với nhau. Để làm vậy, bạn hãy tưởng tượng hình ảnh một tia sáng phóng rất nhanh làm mẹ bạn cảm thấy sợ vì tia sáng đó tạo nên vũ bão.

THỰC HÀNH GHI NHỚ SỐ

Bây giờ bạn đã sẵn sàng để làm bài tập thực hành. Hãy nhìn danh sách dưới đây và sử dụng Hệ Thống Số để ghi nhớ các số cho sẵn.

  1. Nhiệt độ sôi của chất lỏng là 78OC.
  2. Giá trị của p là khoảng 3,142.
  3. Mật độ của khí ôxy là 1,43 kg trong một thể tích.
  4. Mật độ mưa trung bình ở Singapore là 2.413 ml một năm.
  5. Diện tích của lục địa Châu Phi là 30.320.000 km2.

Mách Nước

Lưu ý rằng việc sử dụng Hệ Thống Số để tạo ra hình ảnh cho bốn số 0 sau cùng của số 30.320.000 là không thực tế (ví dụ số 5 bên trên). Trong những trường hợp một số (thường là số 0) được lặp lại nhiều lần như thế, bạn nên linh hoạt và sáng tạo bằng cách tạo ra những hình ảnh riêng biệt. Ví dụ bạn có thể tưởng tượng hình ảnh bốn quả trứng để tượng trưng cho bốn số 0 cuối cùng (số 0 nhìn giống quả trứng).

Thử Trí Nhớ

Bạn đã sẵn sàng để kiểm tra khả năng nhớ số của bạn chưa? Tốt lắm. Dưới đây là cơ hội dành cho bạn. Trong khoảng trống bên dưới, bạn hãy viết ra các số tương ứng và nên kiểm tra lại xem bạn đã trả lời đúng chưa.

  1. Nhiệt độ sôi của chất lỏng là ________OC.
  2. Giá trị của p là khoảng ________.
  3. Mật độ của khí ôxy là ________ kg trong một thể tích.
  4. Mật độ mưa trung bình ở Singapore là ________ ml một năm.
  5. Diện tích của lục địa Châu Phi là _____________ km2.

KẾT LUẬN HỆ THỐNG SỐ

Hiệu quả của Hệ Thống Liên Kết và Hệ Thống Số không chỉ giới hạn ở những ví dụ bạn vừa thấy. Các hệ thống này có thể được dùng cho bất kỳ môn học nào tùy vào sự sáng tạo cũng như sự can đảm áp dụng những cách mới vào hệ thống Trí Nhớ Siêu Đẳng của bạn. Xin nhớ rằng, miễn là bạn tuân theo các quy luật hình dung và liên tưởng thông qua các câu chuyện nghịch lý, bạn sẽ phát triển được một trí nhớ siêu việt. Bây giờ, bạn hãy khám phá trí nhớ của bạn nhiều hơn nữa ở chương về mô hình trí nhớ.