Tôi Tự Học

Chương 3: Những Điều Kiện Thuận Tiện Cho Sự Tự Học

A. Thời giờ

Trong những điều kiện đầu tiên để có thể xây đắp cho mình một nền học vấn vững vàng, ta phải kể trước hết, điều kiện thời gian.

Phần đông muốn học rút thời gian, học mau, học tắt... Họ chấp thời gian. Dù là bậc thông minh đến đâu cũng không thể chấp thời gian mà thành công trên con đường học hỏi. Ta nên biết rằng những kẻ thật thông minh, nghe qua là hiểu suốt mọi lẽ là hạng người rất hiếm trên đời. Bậc tầm thường như chúng ta không làm gì chấp thời gian mà học hiểu sâu sắc được. Tưới cây, người ta cũng tưới từ từ, và phải có thời gian, nước mới có thể thấm nhuần gốc rễ. Có thời gian, trái mới chín, hoa mới trổ. Thiếu thời gian, cái học của con người chỉ được có bề rộng, kém bề sâu, hay cũng chỉ có được một nước sơn bóng loáng bên ngoài mà thôi. Chấp thời gian là phản văn hóa.

❉❉❉

B. Tinh thần tản mát

Muốn có được một học vấn uyên thâm, cần phải tránh những cơ hội làm cho tinh thần tản mát trong một đời sống quá phiền phức.

Tản mát vì những xã giao tầm thường: Sáng này mình định nghiên cứu về một vấn đề mà mình ôm ấp từ lâu. Sau khi tắm rửa xong xuôi, mình định lại bàn viết đọc sách và làm việc. Nhưng thắc mắc, mình lật quyển sổ tay xem coi ngày hôm nay có hứa hẹn với ai không? Chết chửa! Suýt lại quên mất, mình đã hứa đi lễ cưới con của một người bạn ở Phú Nhuận. Mười giờ... thì bây giờ còn sớm chán. Ngồi lại bàn, lấy sách ra đọc, nhưng thỉnh thoảng áy náy, mình cứ nhìn đồng hồ. Kết quả công phu nghiên cứu của mình chả có gì cả vì mình không còn tin tưởng nơi kết quả nữa, mình đã bận nghĩ đến cái phút mà mình bắt buộc phải dừng lại, thay áo quần, lên xe đi cho thật nhanh đến nơi hẹn; rồi còn phải xã giao, miễn cưỡng, vui cười giả dối, chúc mừng, tán tụng hão; còn nghĩ, mình trước khi ra đi hôm nay mặc bộ áo gì? Lại khổ nỗi, đây rồi còn bắt buộc phải gặp mấy thằng bạn “trời đánh”, chuyên môn quấy rối và làm mất thời giờ người khác bằng những cái tán nhảm, những câu chuyện không đâu mà mình đã cố lẩn tránh từ lâu. Thật ra, buổi sáng này chắc chắn ta sẽ không làm nên trò gì được cả rồi!

Thôi thì ngày mai, có lẽ ta sẽ “yên thân” mà làm việc và học hỏi có kết quả hơn. Nhưng quyển sổ tay của ta đã ghi những gì? 8 giờ sáng đi dự đại hội nghiệp đoàn; 10 giờ đi dự lễ khai mạc phòng triển lãm hội họa; 11 giờ đi đưa đám tang ông phó chủ tịch hội khuyến học; 3 giờ chiều nghe diễn thuyết tại đại học đường văn khoa, 5 giờ đi xem chớp bóng...

Thưa bạn, nếu “thời dụng biểu” ấy giống từa tựa với cái “thời dụng biểu” hằng ngày của bạn, bạn đừng mong đi sâu vào con đường học vấn. Hoặc ít ra, bạn phải cương quyết tổ chức lại thời giờ của bạn bằng cách giản dị hóa nó lại. Đời sống thường phiền phức lắm. Nếu bạn có thời giờ, tôi xin điềm chỉ bạn quyển “Đời sống giản dị” [1] của Charles Wagner để mà nghiền ngẫm. Bấy lâu nay, chúng ta đã đi dự không biết bao nhiêu đám cưới, không biết bao nhiêu đám tang, không biết bao nhiêu phòng triển lãm và không biết bao tuồng hát tầm thường không giá trị... Đám tang thì chỉ nên dự vào những ai là người chí thân, những kẻ đến dự cho có, không nên đến nhiều làm rộn tang gia. Đám cưới mà dự cho đông, toàn là để có dịp khoe khoang tán hão, không gì thiết thực cho đôi tân nhân và cái chân hạnh phúc tình yêu của họ. Đi dự các phòng triển lãm “nhảm”, hoặc đi xem những vở tuồng “xoàng” là một sự mất thời giờ đáng tiếc.

Phải biết bênh vực thời giờ quý báu của ta. Biết từ chối, đó là một sức mạnh của tâm hồn. Đừng sợ làm phật lòng kẻ khác bằng sự từ chối khéo léo: mình đã chẳng những làm lợi cho mình mà cũng không làm bận cho người. Những người thông minh rất hiểu tâm sự của các bậc học giả cũng như của các nhà ham học. Phải thật can đảm mới chống trả nổi những dụ dỗ của cuộc sống xa hoa phù phiếm chung quanh. Người quyết tâm đào tạo cho mình một đời sống tinh thần, ít ra phải có một đời sống đơn giản, một nếp sống xa hẳn cuộc sống xa hoa của xã hội náo nhiệt bên ngoài, nghĩa là, nếu có thể được, nên có nếp sống của một người ẩn dật.

C. Đời sống đơn giản

Điều kiện thuận tiện nhất cho một người cố tâm học hỏi là phải có được một đời sống đơn giản nhất. Sống đơn giản, đâu có nghĩa là sống nghèo khó trong cảnh muối dưa đạm bạc, sống thiếu tất cả tiện nghi và trở lại sống cái sống con người bán khai mộc mạc. Sự bận lòng vì quá thiếu thốn về vật chất không những sẽ làm cho đời ta bực bội, lại còn làm cho nó thêm phiền phức hơn nữa, chứ không giản dị hóa nó được như ta đã tưởng. Trái lại, có một sự nghiệp to lớn, tiền của nhiều cũng làm bận thêm tâm trí: lo làm thêm ra mãi, lo thu cất giữ gìn, lo tranh đấu với những kẻ tranh thương với mình là cả một công việc vô cùng phiền phức. Đời sống như thế không thể nào gây dựng một công trình văn hóa gì được cho ra hồn. Chỉ có những đời sống mà gia tư kha khá về mực trung mới có thể có đủ điều kiện thuận tiện nhất cho công trình tự học.

Tuy nhiên, ở đây ta nên để ý đến vấn đề “phẩm” hơn là “lượng”. Không phải cái số tiền bạc tài sản nhiều hay ít là điều quan trọng. Quan trọng chăng là cái quan niệm của mình đối với tiền bạc. Đời sống đơn giản tức là cái nếp sống tổ chức theo một quan niệm biết nhìn thấy cái gì là chính, cái gì là phụ trong đời, biết quý cái cần thiết mà bỏ qua những cái không cần thiết. Phần đông con người không biết phân biệt cái gì là chính, cái gì là phụ, chỉ loay hoay quan trọng hóa những cái phụ thuộc của cuộc đời mà quên lửng những gì cốt yếu.

Lấy ngay một việc hôn nhân thì đủ rõ: người ta lo nghĩ tất cả, nào là “môn đăng hộ đối”, nào là chàng rể đẹp trai, nàng dâu kiều diễm, nào là tuổi tác đôi bên xứng đôi vừa lứa, cha mẹ đôi bên xứng đáng sui gia, nào là sắm lễ vật cùng trao tặng quà vật đắt giá, nào là quan khách đông toàn là những bậc quyền quý cao sang, nào là xe hoa lộng lẫy, chúc tụng lăng nhăng... Nhưng cái điều cốt yếu, cái điểm chính là tình yêu của đôi tân nhân có thành thực yêu thương nhau không, tính tình họ có hòa thuận nhau chăng và họ phải làm cách nào để yêu thương nhau mãi và tự mưu hạnh phúc cho nhau... Phần chính đó, người ta đã không bao giờ để ý đến hay nhắc đến. Vì người ta đã để ý đến cái phụ nhiều quá mà quên mất cái chính yếu.

Lầm cái phụ với cái chính, lầm hình thức với nội dung, có thể nói đó là cái thông bệnh của phần đông người đời nay vậy.

“Sự sung sướng vật chất, học vấn, tự do, tất cả nền văn minh... chỉ là cái khung của một bức tranh. Cái khung đâu phải là bức tranh. Cũng như cái áo choàng đâu có làm thành được nhà tu, bộ quân phục đâu có biến con người thành một nhà chiến sĩ. Bức tranh ở đây tức là con người với tất cả những gì thâm sâu nhất của con người, tức là lương tâm, tính khí và ý chí của mình. Trong khi người ta chăm lo săn sóc và đánh bóng cái khung cho đẹp đẽ, người ta đã quên mất, khinh thường và làm hỏng mất bức tranh. Cũng như ta có thừa thãi về vật chất bên ngoài, nhưng lại hết sức nghèo nàn về cái đời sống bên trong; ta có thừa thãi tiền của mà ta có thể không có cũng không cần, trái lại ta rất nghèo thiếu cái điều cần thiết nhất của đời ta.

(...) Thế nào là một cây đèn tốt? Cây đèn tốt đâu phải là cây đèn có cái dáng ngoài rất đẹp, được điêu khắc cầu kỳ hay được làm bằng một thứ kim khí quý báu. Một cây đèn tốt là một cây đèn thắp sáng. Con người cũng như thế...” [2]. Người giản dị nhất là người đã bộc lộ và thực hiện được cái người thật của mình mà không bị ràng buộc trong những điều phụ thuộc như tiền của, danh vọng, sự nghiệp... của mình. Một hiền triết Hy Lạp có nói: “Nếu anh có ngựa tốt, hãy nói: Con ngựa tôi tốt, chứ không phải tôi tốt”. Người đời phần đông không phải đều có óc giản dị như thế cả. Phần đông có con ngựa tốt lại cũng tin tưởng thật rằng mình tốt: họ đã đồng hóa họ với những vật ngoại giới mà họ đã có. Bởi vậy, phần đông con người đánh giá chính mình cũng như kẻ khác bằng những ngoại vật mà mình đã chiếm đoạt. Có khi nhà lầu của họ rộng, nhưng con người của họ không rộng; địa vị của họ cao sang mà chính họ không cao sang. Họ đã lầm lẫn cái chính và cái phụ, cái thực và cái hư, cái chân và cái giả. Có khi họ có tiền của nhiều và tin tưởng rằng họ là chủ nhân của số tiền của ấy, mà trong thực tế họ chỉ là kẻ nô lệ tiền tài cùng chức vị của họ. Họ đã lấy tiền của làm cứu cánh trong khi nó chỉ là phương tiện thôi.

❉❉❉

Đời sống giản dị là đời sống của phần đông các bậc vĩ nhân. Họ là người biết chống lại sự tản mát tinh thần, không chạy theo những phụ thuộc của cuộc đời.

Đời sống của nhà hiền triết Spinoza có thể xem là gương mẫu của một đời sống đơn giản. Người thì ốm yếu, bệnh hoạn và đã phải làm cái nghề mài kiếng đeo mắt để mưu cho mình một đời sống tự do. Ông quyết định cư ở La Haye, trong một căn phòng ở tầng lầu thứ hai. Ông cho người bưng cơm lên phòng và ở miết cả hai, ba ngày không tiếp ai. Về sau, ông cảm thấy sống như thế vẫn còn tốn kém, ông bèn mướn một căn phòng khác và tự tay mình săn sóc lấy miếng ăn miếng uống của mình. Có ngày ông chỉ ăn có một món súp nấu với sữa và chút bơ, chỉ tốn ba xu và một ve rượu bia chừng một xu rưỡi.

Phải chăng là ông sống khổ hạnh? Hay vì ông chán đời? Không! Triết lý của ông là vui sống. Ông cũng không phải ghét đời hay chán đời: ông vẫn cho sự giao thiệp với đời là cần thiết cho sự rộng thấy, xa nghe. Ông cũng đâu có khinh thường những tiện nghi của đời. Ông nói: “Người khôn ngoan biết hưởng thụ những khoái lạc của cuộc đời, phải biết ăn mặc đẹp, thưởng thức các mùi hương hoa, âm nhạc”. Nhưng ông lại tự đặt cho mình một quy luật là không bao giờ vì một vài tiện nghi và sung sướng nhục thân đến phải hy sinh cái tự do của tâm hồn mình. Người ta đề cử ông một chân giáo sư triết học ở Heidelberg. Ông từ chối: “Không khi nào tôi nghĩ đến việc làm cái nghề ấy. Dạy dỗ thanh niên sẽ làm trở ngại sự nghiên cứu học hỏi của tôi”. Nhiều bạn lại muốn tặng cho ông một số bạc thật to, ông cũng từ chối: “Chính cái hình ảnh của bạc tiền nó ám ảnh những tâm hồn tầm thường. Nhưng đối với những kẻ biết dùng tiền và biết ăn xài theo túi tiền của mình thì họ phải biết sống an phận và sống không cần gì đến nhiều tiền cả”.

Đó là người biết sống một cách đơn giản, biết phân biệt cái gì là chính, cái gì là phụ, cái gì là cứu cánh, cái gì là phương tiện.

❉❉❉

Học, cần phải làm như con ong nút nhụy, đừng học đòi theo con bướm giỡn hoa. Có người tưởng rằng mình sẽ có được số vốn học hỏi vừa căn bản, vừa rộng rãi bằng cách hàng ngày đọc năm ba quyển sách, chín mười tờ báo, đi xem ba bốn phòng triển lãm, đi nghe hai ba cuộc diễn thuyết văn học, chính trị, triết lý, v.v... Là vì theo họ, nhờ thế họ sẽ được sự “nhìn xa thấy rộng”, tất cả mọi năng khiếu đều sẽ được khải phát đủ mọi khía cạnh. Họ lầm! Tôi thấy nhiều người đọc sách, đọc báo như điên. Bất cứ gặp gì dưới tay là họ đọc ngốn đọc nghiến, họ đọc cả tủ sách này đến tủ sách kia, bất cần là sách hay sách dở. Nếu họ là bậc thông minh triệt để thì tôi chẳng dám nói, vì đó là những ngoại lệ. Thực sự, với hạng tầm thường như chúng ta, tôi quả quyết những người học như thế ấy không làm gì đào tạo cho mình một cơ sở văn hóa vững vàng được cả. Với cách học như thế, chắc chắn họ chỉ được một cái học ngoài da, một cái bọc hào nhoáng không sao “tiêu hóa” được. Cái học ấy có hại hơn là có lợi cho óc phán đoán đúng đắn và mực thước. Chồng chất không thứ lớp những sự học hỏi hiểu biết của ta, đâu phải là mục tiêu của văn hóa. Riêng ra, mỗi sự kiện tự nó không có ý nghĩa gì cả: nó chỉ có giá trị khi nào nó được sắp đặt ngay vào vị trí của nó, liên lạc mật thiết với nhau như một tổ chức tự nhiên của một vật sống. Một ý tưởng rời rạc không thể dắt dẫn gì ta được trên con đường hành động. Là vì trong thực tế, sự việc trên đời là một cái gì phức tạp muôn màu và một khi muốn đem nó ra thích ứng với sự đời, ta phải đem ý tưởng này sửa chữa lại bằng những ý tưởng khác, chứ không thể theo một chiều nào được. Vì vậy, sự tổ chức lại các điều học hỏi của ta còn quan trọng hơn là những điều mà ta đã học hỏi. Và chính sự tổ chức cho có hệ thống đàng hoàng là quan trọng nhất, nên sự tản mạn đó đây của óc tò mò của ta như trước đây đã không lợi gì cho ta cả, trái lại là một trở ngại to lớn cho cái học về bề sâu của ta vậy.

❉❉❉

Cái học mà vụ về bề rộng và bề cạn, nghĩa là cái gì cũng biết nhưng không có cái gì là thật biết, là “kẻ thù” số một của văn hóa. Có người lật sách đọc mà không quan tâm gì đến cái tên của tác giả, cái tựa của quyển sách. Họ đọc rồi là quên rồi. Có người, mỗi tuần lễ, đọc có trên mười quyển tiểu thuyết, hoặc mười quyển sách nghiên cứu phổ thông hạng rẻ tiền về triết học hay khoa học dành riêng cho những kẻ không thích cố gắng và suy nghĩ. Đó không phải là lối đọc sách để mà học.

Đọc sách để giải buồn trong những lúc ngồi không ở trên toa xe thì lại là một việc khác. Đọc sách để giải trí thì nên đọc những tác phẩm để cầu vui. Trái lại, đọc sách để đào tạo cho mình một cái vốn hiểu biết đứng đắn, phải đọc một cách chọn lọc, những tác phẩm hàm súc tư tưởng và ý nghĩa, những tác phẩm không thể nào đọc qua một bận mà lĩnh hội hết được ý nghĩa, những tác phẩm mà ta càng đọc đi đọc lại càng thấy thâm trầm. Vấn đề này, chúng ta sẽ xem xét lại một cách rạch ròi hơn sau đây.

Đọc sách để mà học, cần phải chọn lọc thật kỹ. Sự gần gũi thân mật với những loại sách quá tầm thường sẽ càng ngày càng làm hạ thấp tinh thần trí não của ta. Gần mực đen, gần đèn sáng.

❉❉❉

D. Sự tập trung tinh thần

Muốn có được một nền tảng văn hóa vững vàng phải biết thống nhất tất cả sự hiểu biết cùng học hỏi của ta vào một chiều sâu nào.

Một nhà văn Pháp có nói: “Tất cả những trước tác danh tiếng của những bậc tài hoa viết ra, toàn là những giải thích về chiều rộng của một ý tưởng duy nhất nào, một tình cảm về cuộc sinh tồn đang tìm đường sống. Đào mãi một cái lỗ là phương thế duy nhất để đi sâu vào lòng đất và khám phá được những bí ẩn của nó”. [3]

Nhờ sự tập trung tinh thần, ta lần lần tìm ra mối dây liên lạc duy nhất nối liền những ý tưởng cùng những sự kiện tạp nhạp mà mới xem qua ta không thấy ăn chịu với nhau chút gì cả. Nhưng chính cái chỗ “nhất dĩ quán chi” ấy là cái bí quyết của tất cả những danh tác bất hủ của nhân loại.

Khổng Tử có nói: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi” (đạo của ta trước sau chỉ có một lý mà thông suốt cả mọi việc).

Cái “một” ấy cũng là cốt tử của tất cả nghệ thuật và tư tưởng. Một học thuyết, một quyển sách, một bài văn hay một bức họa... đều phải có điểm chính dùng làm trụ cột.

❉❉❉

Một danh họa bao giờ cũng gợi cho ta một cảm giác gì. Cảm giác ấy mạnh hay yếu cũng nhờ nơi khéo lựa chọn một cách cẩn thận cân nhắc những chi tiết vừa đủ để gây cho ta cái cảm giác ấy. Nếu trái lại, họa sĩ phung phí những chi tiết vụn vặt không ăn, hoặc không mấy ăn vào đề thì đó là một bức họa thiếu tính cách nhất quán, một bức họa hỏng. Người ta xem nó, không hiểu rõ nó muốn miêu tả cái gì. Đứng trước nó, ta cảm thấy hoang mang.

Sự thuần nhất trong một tác phẩm hội họa hay văn chương là điều khó thi hành nhất. Có gì dễ bằng chồng chất một cách hỗn độn những chi tiết rất hay rất ngộ, nhưng không liên lạc gì với ý chính của tác phẩm mình. Trong mỗi ý tưởng hay cảm giác hỗn tạp do sự kích thích của ngoại giới đưa đến cho ta, ta phải biết lựa chọn những gì trọng yếu nhất ăn sát vào đề để sắp đặt lại và trình bày một cách khéo léo hầu gây cho kẻ khác một cảm tưởng thuần nhất mạnh mẽ. Không khác nào người trồng nho: họ tỉa những nhánh lá không cần thiết hoặc đèo đẹt để tăng sinh lực cho những nhánh lá khác có thể trổ sinh được nhiều trái hơn; họa sĩ hay nhà văn cần phải biết hy sinh những chi tiết không cần thiết hoặc còn bạc nhược để cho tác phẩm của mình thêm nhiều sinh lực. Có nhiều nhà văn tư tưởng họ dồi dào quá, họ phung phí tư tưởng họ trên mặt giấy không khác nào những cành lá rườm rà của đám nho rừng.

Vì thế, viết một bài văn hay hoặc vẽ một bức họa khéo đâu có dễ. Người viết nó phải, trong khi giãi bày những ý phụ, đừng cho sa đà ra ngoài đề. Giá trị của một nghệ sĩ là chỗ biết giản lược những gì phiền phức rườm rà để tăng gia sinh lực cho cái cảm giác chung, nghĩa là phải biết hy sinh. Mặc dầu là những chi tiết hay, hoặc là những tài liệu quý đến bực nào, nếu thấy không liên lạc một cách chặt chẽ với đầu đề, hãy có gan hy sinh nó đi. Nó là những thứ “chùm gởi” không nên dung dưỡng trong tác phẩm của mình. Viết văn mà biết thi hành nguyên tắc “nhất dĩ quán chi” ấy, đó là mình đã tập cho tinh thần mình bao giờ cũng được tập trung sáng suốt.

Taine có nói: “Điều khó khăn nhất trong khi nghiên cứu là tìm cho ra cái điểm đặc biệt và chủ yếu. Do đó, tất cả đều có thể quy về một mối...” [4]. Ông lại bày giải phép làm văn của mình: “Trong khi viết lại một tác phẩm nào, tôi luôn luôn làm một cái bản mục lục phân tích từng vấn đề. Tôi làm bản ấy, không phải lúc mới khởi thảo, hoặc sau khi viết xong bản thảo, mà là lần lần sau khi viết xong mỗi đoạn. Tôi tóm lại mỗi đoạn bằng một câu hết sức gãy gọn và rõ ràng. Đâu phải dễ dàng gì tìm ra được liền câu đại lược ấy, nhưng hễ một khi tìm ra được nó rồi thì câu ấy chỉ cho ta thấy trong đoạn văn này có những gì dư, những gì thiếu, những gì không ăn chịu nhau, hoặc không đầu đuôi, bởi thảy đều phải quy về câu tóm tắt ấy. Hơn nữa, câu tóm tắt này cùng những câu tóm tắt khác của các đoạn sau, gộp chung lại, giúp cho ta thấy cái yếu điểm của toàn chương”.

❉❉❉

Đây chẳng những là phương pháp làm văn mà cũng là phương pháp đọc văn và rộng hơn nữa, nó là tất cả phương pháp học hỏi bất cứ môn học nào.

Muốn có được một đầu óc luôn luôn sáng suốt, phải biết tập cho mình cái thói quen tìm ngay ý chính, biết phân biệt liền cái gì là yếu điểm với những gì là phụ thuộc, nhất định không bao giờ để mình bị lôi cuốn theo những đề phụ... mỗi khi đọc sách, xem tranh, làm văn, xem kịch hay nghe diễn thuyết.

Nhất là khi đọc sách. Đọc sách là phương tiện quan trọng nhất trong khi tự học. Đọc sách là muốn tìm nắm lấy cái đại ý của toàn tập, phải đọc nó suốt một hơi, đừng bận những tiểu tiết về văn từ cũng như về ý tưởng. Về sau sẽ đọc trở lại vài lần một khi đã nắm được đại ý. Bấy giờ, ta sẽ đọc kỹ lại từng thiên, từng đoạn, từng câu. Nhưng bao giờ cũng phải biết để ý đến chỗ thuần nhất của nó.

Nếu ta thi hành nguyên tắc “nhất dĩ quán chi” này một cách trung thành trong mỗi khi đọc sách hay làm văn, lâu ngày ta sẽ tạo cho ta một thói quen rất tốt là bất kỳ đứng trước một việc gì phiền phức thế nào cũng không bao giờ để tinh thần mình bị lôi cuốn vào những chi tiết chi li vụn vặt, không phân biệt được cái gì chính cái gì phụ. Người xưa thường dặn: “Tri kỳ lý giả, nhất ngôn nhi chung; bất tri kỳ lý giả, lưu tán vô cùng”.

Đây nào phải đâu chỉ là công phu trong những khi đọc sách hay làm văn mà thôi đâu, ta phải lấy nó làm công phu của suốt đời, bất kỳ là đứng trước một trường hợp nào...

❉❉❉

Cái đặc điểm của những bậc vĩ nhân là nơi sức mạnh sự tập trung tinh thần của họ. Roederer bàn về Napoléon Bonaparte có nói: “Ông sở dĩ khác người là nhờ nơi sự tập trung tinh thần của ông rất mạnh và rất bền. Ông là người có thể làm việc liên tiếp mười tám giờ đồng hồ về một công việc. Không có người nào biết để hết tâm tư mình vào công việc mình làm hơn ông”.

Có kẻ hỏi Newton, nhà đại thiên văn nước Anh, cái “mật pháp” của sự phát minh về sự “dẫn lực của vũ trụ” của ông. Ông trả lời: “Có gì lạ, chỉ vì tôi cứ nghĩ đến nó mãi mà thôi!”.

Ông Darwin sở dĩ làm được công nghiệp vĩ đại trong khoa học là nhờ ông có cái tài “đeo đuổi mãi theo một vấn đề suốt năm này đến năm kia mà không biết nản”, không bao giờ chạy theo cái phụ mà quên cái chính.

Khổng Tử cũng thường nói: “Ta là người, hễ có việc gì nghĩ chưa ra thì nghĩ đến quên ăn, nghĩ ra được thì vui quên cả lo, không biết rằng tuổi già đã sắp tới vậy”.

“Thiên tài chỉ là một sự kiên nhẫn lâu dài”, kiên nhẫn đeo đuổi mãi một ý nghĩ, một việc làm cho kỳ được mới thôi.

Darwin, mỗi buổi sáng, làm việc từ 8 giờ đến 9 giờ rưỡi, từ 10 giờ rưỡi đến 12 giờ trưa. Chiều, làm việc từ 3 giờ rưỡi đến 5 giờ rưỡi, nhưng không phải luôn luôn như vậy, vì đó là công việc làm thêm. Tuy làm việc rất ít, mà hễ làm thì ông làm một cách nhiệt thành, đem cả tâm trí chuyên chú vào đó và không khi nào ông làm một việc gì mà còn phải làm lại một lần thứ hai nữa.

Bạn ông là nhà địa chất trứ danh Lyell cũng chỉ làm việc có hai giờ liên tiếp thôi. Herbert Spencer, người bạn đồng hương của ông, có một sức khỏe rất tồi tệ, ông này không đủ sức tập trung tinh thần tư tưởng lâu được: thần kinh hệ của ông rất suy nhược. Làm việc liên tiếp ba giờ thì ông phờ cả người, không còn sức để đọc một quyển tiểu thuyết nữa, ông đã đuối sức rồi. Thế mà vì khéo biết tập trung sinh lực vào một công việc sưu tầm của ông thôi và biết hy sinh tất cả những gì phụ cho cái chính mà sau cùng ông đã để lại cho đời một công trình hết sức to lớn.

❉❉❉

Bất cứ làm việc gì, chuyên tâm chú ý, tập trung tinh thần là bí quyết của thành công.

❉❉❉

“Trọng Ni đi qua nước Sở. Vừa ra khỏi rừng, thấy một người tật bướu bắt ve bằng một cây sào dài, rất lẹ và chắc chắn cũng như nó bắt bằng tay vậy.

Trọng Ni nói: “Anh thật là tài. Xin cho ta biết cái thuật của anh”.

Tên tật bướu nói: “Thuật của tôi là đây: trong năm, sáu tháng, tôi tập để viên đạn đứng thăng bằng trên ngọn sào của tôi mà không hề rớt. Khi tôi để đứng đặng hai viên, thì ít con ve nào thoát khỏi tay tôi. Khi tôi để đứng được ba viên, thì mười con trật có một mà thôi. Khi tôi để đứng đặng năm viên, tôi không hề trật một con nào hết. Cái thuật của tôi là biết quy tất cả tinh thần của tôi vào chỗ chí hướng mà tôi mong đạt đó. Tôi trị cái tay tôi, cả thân thể tôi cho đến chừng nào thành một khúc gỗ, không còn xao lãng nữa. Tuy trời đất là lớn, vạn vật là nhiều nhưng tôi chỉ thấy có con ve mà tôi muốn bắt nó thôi. Không chi làm tôi xao lãng ngoài cái ý của tôi muốn đó, con ve làm gì thoát khỏi tay tôi” [5]. Đó cũng là bí quyết của phép tự học vậy.

❉❉❉

E. Óc tổng quan

Như ta đã thấy trên đây, sự đi tìm cái lẽ “nhất dĩ quán chi” của mọi sự vật trên đời, là cách đào tạo cho mình tinh thần tổng quan.

Như thế, óc tổng quan thực là khuynh hướng chống lại với sự tản mạn tinh thần, chống lại với sự quá phung phí tư tưởng vào những cái chi li vụn vặn và phụ thuộc, nghĩa là biết đem những chi tiết phụ ghép vào cái chính, biết nhận thấy cái dây liên lạc mật thiết giữa các sự vật rời rạc nhau, biết tìm hiểu cái ý nghĩa thâm sâu của mọi sự mọi vật trên đời, nhưng chú ý đến không có nghĩa là đã quên mất cái đại ý của cuộc đời, cái ý nghĩa thâm sâu của sự sống để mà giản dị hóa nó, mà “chuyên tâm bảo nhất”.

“Tập trung tinh thần” cũng không có nghĩa là khép mình trong “chuyên môn”. Đây là hai hoạt động tinh thần khác xa nhau. Chuyên môn “là hoạt động bằng tư tưởng cũng như bằng hành vi trong một khu vực hạn định nào, không khác nào một người thợ bắt bù lon, cứ bắt bù lon mãi suốt ngày, hay một người thư ký đánh máy cứ đánh máy mãi suốt ngày. Tập trung tinh thần là biết trung thành luôn luôn với lý tưởng. Tập trung tinh thần không có nghĩa là tự giam mình trong một phạm vi chật hẹp nào của nghề nghiệp, mà trái lại, tự mình lựa chọn một trung tâm hoạt động, rồi tha hồ quyền biến mà không bao giờ sai với tôn chỉ.

❉❉❉

F. Óc nhân quả

Sự vật trong đời không bao giờ ngẫu nhiên mà có, cũng không bao giờ ngẫu nhiên mà không. Có hoặc không chỉ là cái quả, nguyên nhân nó hoặc gần hoặc xa, chắc chắn là phải có. Có biết đặng nguyên nhân mới biết rành kết quả. Thấy quả phải tìm đến nhân, đó là một trong nhiều khía cạnh của tinh thần khoa học. Cần phải tạo cho mình một khuynh hướng luôn luôn đứng trước một sự kiện gì đều phải biết tìm dây nhân quả thì sự học hỏi của ta mới chắc chắn vững vàng.

Thật vậy, chỉ có những đầu óc nông nổi mới hay tìm đến sự cộng đồng sinh tồn và sự tiếp tục ngẫu nhiên trong sự vật mà thôi. Đời sống phức tạp, tản mát, giáo dục hấp tấp vội vàng, thói đọc sách sơ sài ngoài mặt là những nguyên nhân làm cho tinh thần ta thiển bạc, lười biếng, thấy sao hay vậy, không chịu khó tìm xem nguyên nhân sự vật nơi đâu.

“Có biết đặng nguyên nhân mới hiểu rành mọi sự. Tiền nhân hậu quả. Quả cùng nhân tương tiếp tương thừa.

Dây nhân quả vô cùng vô tận. Chận một khoảng nào thì khoảng ấy là quả của bao nhiêu nhân trước, mà là nhân của cả dọc quả về sau. Vậy thì quả đây, nhân nó ở đâu? Người ta cắt nghĩa lầm một sự là vì chỉ thấy một cái nhân này mà không thấy cái nhân khác của sự ấy, chỉ thấy có cái nhân gần mà không thấy được cái nhân xa của sự ấy. Muốn hiểu rõ một sự, phải biết cho tường tận cái dọc nhân ở đàng trước của nó là gì? Song le có nhiều sự không phải chỉ có một dọc nhân làm ra nó mà có nhiều dọc nhân làm ra. Không hiểu được hết cái dọc nhân ấy, người ta đổ cho sự may rủi” [6]

Biết tìm được cái dây nhân quả trong mọi sự mọi vật trên đời thì tư tưởng ta mới đầy đủ và cường kiện thêm lên. “Không có gì ngẫu nhiên cả, thảy đều có cái lý của nó”. Đó là cốt yếu của tinh thần khoa học.

Vậy, trước một hiện tượng nào, hãy hỏi: Tại sao? Và nếu có ai quả quyết với mình một điều gì, phải lập tức đòi hỏi lấy “bằng cứ”.

Đọc báo, thấy nhà phê bình chê hoặc khen một tác phẩm nào, phải tự hỏi để tìm lấy cái nguyên nhân thầm kín của nó: “Tại sao khen? Tại sao chê?”. Ta phải đòi hỏi nơi nhà phê bình những bằng cứ đúng đắn trước khi nhận những lời phê phán của họ.

Nếu muốn hiểu rành một điều nghe thấy nào, cần phải “có đủ các dọc nguyên nhân” mới được. Nhưng việc đời phức tạp mà đời người rất ngắn, con người phải tạm sống với những kết luận tạm. Thà kết luận tạm với một mớ nguyên nhân thiếu sót, có phải còn quý hơn là kết luận liều lĩnh mà không cần hiểu đến một nguyên nhân cỏn con nào cả không?

Óc nhân quả giúp cho ta nhận thấy được sự mâu thuẫn trong các hành vi tư tưởng của kẻ khác. Có nhiều nhà văn tả cảnh xuân mà lại nói đến “sen nở mai tàn”, hoặc là cảnh ban đêm mùng một mà “vầng trăng vặc vặc, bóng sao ngời ngời”. Delacroix, trong bức họa Barque de Don Juan, vẽ nhiều người chết đói mà cánh tay hãy còn tròn mũm no nê. Những người viết ra, vẽ ra những cái ngớ ngẩn ấy, và những kẻ xem nó lại không để ý đến, toàn là tại thiếu óc nhân quả. Có được một đầu óc nhân quả thì công phu học hỏi của ta mới mong có kết quả chắc chắn được.

❉❉❉

G. Óc tế nhị

Lại cũng phải cần tạo cho mình óc tế nhị. Trong khi học hỏi, quan sát ngoại giới cũng như nội giới ta cần phải quan tâm đến sự giống nhau và khác nhau của mỗi sự vật. Không thế, ta chỉ có được một mớ học thức mơ hồ mà thôi.

Phần đông chúng ta hay có thói quen suy nghĩ theo loại vì đó là lối suy nghĩ thô sơ nhất. Phân biệt được những chỗ khác nhau và biết nhận thấy được những chỗ giống nhau của sự vật là một công phu không phải dễ.

Người vô học thường quan niệm sự đời bằng cách loại suy do họ không biết so sánh. “Những đầu óc tinh nhuệ mới nhận thấy được sự khác nhau trong sự vật, những đầu óc tầm thường chỉ thấy toàn là những sự giống nhau thôi”. [7] Anh lính thủy thiện nghệ, thoáng qua nơi chân trời có thể nhận được liền một chiếc tàu hàng hay một chiến hạm. Anh bán vải sành, thoáng qua là đã phân biệt được thứ lụa giả lụa thiệt. Nhà trinh thám đại tài, thoáng qua là phân biệt liền được kẻ gian người ngay.

Về chỗ giống nhau của sự vật, cũng đâu phải dễ nhận thấy. Thấy cho đúng chỗ giống nhau, nhận cho đúng chỗ khác nhau, phải là một đầu óc tinh nhuệ sắc sảo lắm mới được. Phải có một thiên tư xuất chúng mới thấy được chỗ giống nhau hay khác nhau của sự vật. Nhiều việc bề ngoài thấy rất phiền phức khác biệt nhau mà kỳ trung lại giống nhau như một. Cũng có nhiều việc bề ngoài giống nhau như một mà kỳ trung khác nhau như trời vực.

❉❉❉

Trong khi đọc sách, đọc báo hoặc đọc các bài diễn văn của những nhân vật chính trị, ta cần phải thận trọng để ý xem xét cho thật kỹ những lối so sánh tỉ luận của họ, để ngừa sự ngụy luận.

Hằng ngày nên tập quan sát sự đồng dị giữa sự vật. Thấy chỗ khác biệt giữa hai sự vật đồng tính là khó, nhưng nhận được sự giống nhau giữa hai sự vật không đồng tính cũng không phải dễ. Người ta thường nói Phật và Lão phảng phất giống nhau. Nhưng giống nhau chỗ nào? Khác nhau chỗ nào? Trong Phật học, Phật giáo có mấy tông phái? Các tông phái giống nhau chỗ nào và khác nhau chỗ nào? Khổng và Mạnh, Lão và Trang giống nhau chỗ nào và khác nhau chỗ nào? Nếu mỗi việc ta đều để ý quan sát để xem xét những chỗ “đồng dị” thì lý thú không biết chừng nào mà thụ dụng cũng không biết là ngần nào.

Bất kỳ gặp một cơ hội nào cũng đừng bỏ qua: hễ thấy những vật giống nhau, cần phải tìm những chỗ dị đồng của nó. Không bao lâu ta sẽ thấy sự nhận xét của ta càng ngày càng tinh mật một cách hết sức mau lẹ. Bấy giờ ta sẽ có được cái biệt tài rất quí báu này là thấy được nhiều khía cạnh của sự vật, chỗ mà kẻ khác chỉ thấy có được một khía cạnh mà thôi.

Đứng về mặt thực tế, óc nhận xét có rất nhiều lợi ích. Nó giúp ta thấy được sự thực giả một cách rất dễ dàng trong các sự vật.

Hãy tập phân biệt sự thực giả của hột xoàn, hột trai, giấy bạc, v.v... là những điều rất cần thiết trong đời sống hàng ngày. Tập cho mình có được một đầu óc tế nhị là mình đã có một cơ sở khá cứng cáp để đi vào con đường tự học.

❉❉❉

H. Óc thán thưởng

Aristote nói: “Tất cả mọi người đều ao ước được có nhiều hiểu biết. Nhưng muốn hiểu biết, điều kiện đầu tiên là phải biết nhìn đời với cặp mắt của đứa trẻ thơ: cái gì cũng mới lạ và làm cho ta ngạc nhiên được cả”.

Biết ngạc nhiên, biết nhìn đời bằng một cặp mắt mới lạ, giúp cho Newton tìm ra định luật “vạn vật hấp dẫn” trong khi ông nhìn thấy quả táo rụng. Denis Papin tìm ra sức mạnh của hơi nước cũng chỉ vì biết nhìn bình nước sôi, mà ai ai cũng thường thấy hằng ngày, với cặp mắt ngạc nhiên.

Sự quen thuộc thường làm cho ta không nhận thấy được những cái hay, cái đẹp của chỗ ta ở hàng ngày. Người nước ngoài đến xứ ta, thấy biết bao nhiêu là việc lạ mà chính ta không dè. Hãy biết phản ứng ngay với những thái độ tiêu cực ấy: phải biết xem xét chung quanh ta với cặp mắt của người xứ lạ. Ta sẽ thấy đời ta đổi khác với nhiều tư tưởng bất ngờ mà xưa nay ta chưa từng nghĩ đến. Nhà văn Lamennais có nói: “Tất cả mọi người đều biết nhìn cái tôi đã nhìn, nhưng họ không thấy được cái chỗ tôi thấy” (Tout le monde regarde ce que je regarde, mais personne ne voit ce que je vois).

Đừng để trong trí rằng đời không còn có gì mới lạ và cái gọi là “mới lạ” chỉ là những gì người khác đã nhận thấy và đã nói ra rồi.

Ta phải tập nhìn đời với một cặp mắt mới mẻ, với giác quan tinh tế của một kẻ đau liệt trên giường bệnh vừa mới khỏi, bắt đầu tiếp xúc với ánh sáng và không khí bên ngoài.

Nói thì có hơi như ngụy biện, nhưng sự thật cần phải quả quyết rằng cái đức đầu tiên của óc thông minh là phải có cảm giác mình không hiểu biết gì cả. Một bộ óc “thông minh” mà việc gì cũng cảm thấy không có gì lạ cả, là một bộ óc tê liệt, bệnh hoạn, không còn cơ phát triển gì được nữa. Đức Khổng Tử tỏ ý bất mãn về Nhan Hồi khi người nói: “Hồi không dạy được ta gì cả. Ta nói ra điều gì nó hiểu liền và không ham cật vấn”.

Jules Lemaitre cũng nói: “Đứa học trò hay nhất của tôi là đứa không đồng ý kiến với tôi”. Và đứa học trò giỏi hơn nữa, có lẽ sẽ là đứa biết rõ ràng nó không hiểu gì cả. Phần đông, ta thường có cái khuynh hướng hay tưởng tượng rằng mình đã hiểu rõ rồi, nhưng khi bị bắt buộc phải giảng giải ra thì mình mới nhận thấy mình mới chỉ nhận thức một cách rất lờ mờ. Phải chăng ta thường thấy có nhiều kẻ quá hoạt bát, quá thông minh nhưng kỳ thật chỉ là những đầu óc thiển cận và chỉ bừng sáng lên như ngọn lửa rơm; trái lại, có nhiều kẻ mới xem thì lù đù mà tư tưởng lại uyên thâm. Họ hiểu chậm, nhưng đến khi hiểu thì họ hiểu một cách sâu sắc thâm trầm. Là tại sao? Nhờ họ không xem thường một việc nhỏ nhặt nào cả. Nhân đó ta có thể phân biệt rõ ràng kẻ nào biết tư tưởng với kẻ không tư tưởng gì cả. Trước một sự kiện huyền bí, kẻ không tư tưởng quả quyết là không có gì lạ mà không hiểu. Trái lại, dù là đứng trước một sự kiện hiển nhiên, kẻ biết tư tưởng vẫn e dè và tự bảo: “Tôi cũng chưa hiểu rõ là gì cả!”. Và chính đây mới là chỗ sâu sắc nhất của lời nói này: “Điều mà tôi biết rõ hơn hết, là tôi không biết gì cả”. [8]

Cũng chính Socrate đã nói: “Không có sự dốt nát nào nhục nhã bằng tin tưởng rằng mình đã hiểu những gì mình không hiểu”. [9]

Phải chăng bước đầu tiên của tư tưởng là phải dám đặt nghi vấn trước những vấn đề mà mọi người đều xem thường hay tin tưởng là mình đã hiểu rồi?

Văn hào Pháp Charles Péguy có nói: “Trong đời ta, ít ra cũng phải có một lần đặt lại và kiểm soát lại những tư tưởng của ta”, nhất là những tư tưởng mà ta thích nhất và tôn thờ nhất.

Chỉ có những người tự đắc và nông nổi mới dám quả quyết: “Đời đục cả, một mình ta trong. Đời say cả, một mình ta tỉnh”. Tự mãn trong sự hiểu biết của mình và tin tưởng rằng không còn có gì phải suy xét lại nữa là tự hủy hoại con đường tiến thủ tinh thần ta rồi.

Vì vậy, theo thiển ý, một trong những “mật pháp” của một nền giáo dục sâu sắc không gì bằng tập cho thanh thiếu niên sớm biết được cái nghệ thuật “thán thưởng”. Platon có nói: “Biết ngạc nhiên, đó là nguyên nhân của triết học” [10]

Truyện Kiều của Nguyễn Du, sở dĩ có thể xem là một quyển sách hay về tư tưởng, không phải vì nó đã giải quyết sẵn cho ta một vài quan niệm về cuộc đời, mà chỉ vì nó đã đặt thêm cho ta nhiều vấn đề mà hiện thời ta chưa rõ phải giải quyết ra sao cả. Tiểu thuyết mà hay không phải những loại tiểu thuyết có luận đề, trong đó người ta cố nặn bóp thế nào cho mọi sự kiện đều đi về một chiều, một hướng như Lục Vân Tiên chẳng hạn. Tiểu thuyết của André Gide sở dĩ đã làm chấn động dư luận thế giới, tựu trung đã nhờ sự biết đặt những nghi vấn và tác giả đã biết nhường cho độc giả cái phần sáng tạo thêm là tìm hiểu lấy những nghi vấn ấy, chứ tự tác giả không bao giờ giải quyết sẵn cho. Cũng như đọc Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, đố ai biết được dụng ý của pho truyện này là để chứng minh quan niệm gì? Lối viết truyện này, tức cũng là lối viết truyện của André Gide ngày nay vậy.

Giờ đây, chúng ta thử bàn qua những phương pháp đào luyện óc thán thưởng.

Có hai cách thán thưởng: tiêu cựctích cực.

Thán thưởng tích cực là biết ngạc nhiên, biết thán thưởng một cách tự nhiên không cần cố gắng gì cả. Tức là trường hợp của những người ở đồng quê vắng vẻ lần đầu tiên lên đến đô thành đồ sộ nguy nga và vô cùng náo nhiệt. Họ nghĩ ngợi, họ bị bắt phải suy nghĩ và có những cảm tưởng lạ lùng. Là nhờ nơi đâu? Nhờ nơi sự so sánh và sự tương phản giữa hai hoàn cảnh khác nhau.

Chân lý là gì? Phải chăng chân lý là sự đối chọi và so sánh những chân lý tương đối khác nhau? Phải có một sự khác nhau mới làm cho ta để ý và suy nghĩ. Chính nhờ có bóng tối mới làm nổi bật được ánh sáng. Có sống trong nô lệ, người ta mới biết nghĩ đến giá trị của tự do mà tiếc uổng.

Tóm lại, người ta mà biết suy nghĩ, phần nhiều là nhờ có sự tương phản của hoàn cảnh gây nên. Sự có mặt của một sự vật nào mãi mãi bên ta sẽ gây thành thói quen. Thói quen sẽ làm nhụt cả cảm giác của ta đối với sự vật ấy. Bởi vậy, có một nhà văn đã nói: “Ta sống nhờ ngó đàng trước, ta hiểu nhờ ngó lại sau, ta cảm nhờ có sự vắng mặt”. Hay thay! Cái gì “đã đi qua?” mà còn trở lại sẽ làm cho ta sung sướng không biết chừng nào!

Ngày mà ta thấy thâm cảm được mối tình sâu nặng của cha mẹ ta chính là ngày mà hình bóng ấy đã vắng bặt trên cõi đời. Khi mà ta nếm được hương vị thần tiên của tình yêu thâm trầm ấy, chính là ngày mà ta cảm thấy đã quá muộn màng không còn phương gì để đền ơn đáp nghĩa nữa.

Và vì thế mà sự vắng mặt giúp cho ta suy gẫm nhiều, đồng thời nó cũng là món ăn tinh thần cho những tâm hồn đa cảm. Xa nhau thường là mối dây thiêng liêng ràng buộc tình cảm càng thêm bền chặt. Sự sống chung đụng hàng ngày dễ làm cho ta nhàm chán và xem thường. Cho nên một trong những phương pháp nuôi dưỡng tình yêu là thỉnh thoảng nên xa nhau để cho tình thương càng thêm nung nấu.

Tóm lại, phương pháp giúp cho ta có nhiều sáng kiến và suy tưởng là phương pháp đối chiếu, phép dùng mâu thuẫn. Và những hình ảnh hay nhất trong văn chương phải chăng cũng là những hình ảnh do đối chiếu mà ra?

❉❉❉

Giờ thử bàn đến phương pháp tích cực để kích thích óc thán thưởng - tức là biết đặt vấn đề, đặt những câu hỏi để mà “tiên đoán” hay dự đoán những gì ta sắp đọc, sắp nghe.

Rất có thể mình dự đoán sai. Nhưng cái đó không mấy cần. Chính cái chỗ khác nhau giữa sự thực với việc ta dự đoán mới là điều quan trọng: nó kích thích óc tò mò và làm cho ta nhớ thật dai, đồng thời bắt ta suy nghĩ và làm giàu óc sáng kiến. Thiết tưởng những giáo viên dạy sử cũng nên dùng đến phương pháp này để dạy học trò, chắc sẽ sinh động lắm. Khi ta trình bày những sự kiện lịch sử, đến khi kết cuộc, ta nên dừng lại và “đố” học sinh phải tìm lấy. Học sinh có thể đoán lầm và phần nhiều hay đoán lầm, là vì sự đời nhiều khi rất vô lý. Sự xảy đến thường lại không xảy đến y như lòng ta sở nguyện: “nhơn nguyện như thử, thiên lý vị nhiên”.

Chính đây cũng là phương pháp dạy học của Socrate hay của Khổng Tử: biết đặt câu hỏi là cả một nghệ thuật của phép dạy dỗ, làm kích thích tư tưởng.

Có người đề nghị phép học nên gồm trong câu châm ngôn này thôi: “Nếu muốn học “thấy” hãy “bịt mắt lại mà tưởng tượng trước bằng một viễn tượng trong tâm hồn”; nếu muốn học “nghe” hãy “bịt tai lại”; nếu muốn học cách “đọc sách” hãy “xếp sách lại mà phỏng đoán trước những gì ta sắp đọc”... đó là để mà lóng nghe cái tiếng dội của tâm hồn. Platon nói rất sâu sắc: “Connaitre, au fond, c’est reconnaitre”. Hiểu biết, thực ra là một sự nhận ra những gì ta đã biết. Nghĩa là, cái thật biết là cái biết do mình đã tìm ra. Ta chỉ thấy được những gì ta đã thấy. Ta chỉ thích được những gì ta đã thích. Có “đồng” mới có “ứng”, không “đồng” không “ứng”. Đọc sách mà biết hay chẳng qua vì nó là tiếng dội của lòng mình. Những ý tưởng mà ta đã nghĩ qua, những tình cảm mà ta đã trải qua, nhưng vì không được hàm dưỡng đúng mực nên đã giống như ngọn lửa than âm ỉ trong đáy lòng, nay bỗng gặp được ngọn gió thổi lòn nên nó bừng lên mà cháy lại. Thực ra, chỉ có “đồng thinh” mới “tương ứng”, “đồng khí” mới “tương cầu”.

❉❉❉

Những văn gia đại tài thường là những kẻ biết khêu gợi và làm sống lại những tư tưởng ấp ủ trong lòng người. Họ là những kẻ khéo gieo vào lòng người những câu hỏi, những thắc mắc, và cả những nghi vấn. Họ là những kẻ biết “thổi” vào lòng người ngọn gió “hoài nghi”, một thứ hoài nghi triết lý mà André Gide gọi là “hoài nghi phá hoại” (doute destructeur) làm thay đổi suy nghĩ và tính lười biếng mà người ta đã âm thầm xây dựng trên những thành kiến lâu đời. Có thể nói họ là những nhà “đại cách mạng” và giải thoát tâm hồn con người ra khỏi gông xiềng của những tư tưởng hẹp hòi lâu nay đã giam hãm con người trong những giá trị sai lầm, bất động. Thích Ca, Lão Tử hay Jésus phải chăng là những nhà đại cách mạng của nhân loại vì họ đã dám phá tan những ảo vọng của con người? Họ là những người làm thức tỉnh chứ không phải là người ru ngủ nhân loại.

Vì thế, họ thường là những người bị kẻ cùng thời đối đãi có khi hằn học hay lạnh lùng, nếu họ không bị đem lên cây thập ác mà hành hình như đức Da Tô. Trái lại, một Françoise Sagan, một James Deans... lại được phần đông thanh niên sùng bái như một vị thần. Đó là chỗ phân biệt những bậc vĩ nhân, thứ chân và thứ giả.

❉❉❉

Phương pháp này chẳng những rất hiệu nghiệm trong khi đọc sách, mà nó cũng rất thực dụng trong khi đi nghe diễn thuyết, đi xem bảo tàng hay các cuộc triển lãm, hoặc đi xem xi nê hay diễn kịch. Nó cũng là phép dùng ức thuyết của các nhà bác học, bác sĩ hay các nhà mật thám đại tài. [11]

Cũng còn có nhiều cách để kích thích óc thán thưởng và sự ngạc nhiên là thường nên lân la với những người có những quan niệm về cuộc đời khác ta, hoặc chống đối lại với ta. Đôi khi cũng nên đọc những sách có chiều tư tưởng nghịch lại với ta. Kẻ đồng chí với ta là bạn ta, mà kẻ thù của ta thường là “thầy” của ta, nếu ta biết lợi dụng sự chống báng của họ để kiểm điểm lại những sai lầm thiếu sót và nghiên cứu lại cho thật kỹ hơn những lý thuyết hay quan niệm về nhân sinh mà ta hằng ngày vẫn sùng bái để nó càng ngày càng thêm khởi sắc. Chính đây là ý nghĩa thâm trầm của câu nói của Jules Lemaitre mà tôi đã nhắc trước đây: “Đứa học trò hay nhất của tôi là đứa không đồng ý với tôi” [12]

Những người còn trẻ tuổi nên tìm đến những bậc trưởng thượng, những kẻ đã từng trải cuộc đời để nghe họ nói chuyện. Họ là những người không còn dục vọng sôi nổi của tuổi trẻ, đã có nhiều kinh nghiệm và cuộc đời của họ sẽ có nhiều bình tĩnh hơn. Tóm lại, kẻ lớn tuổi cũng cần gần gũi thanh niên để khỏi bị tê liệt tinh thần; còn thanh thiếu niên cũng nên gần gũi với người già vì họ không còn quyền lợi gì để lừa dối ta nữa. Đương lứa với nhau, vì sự tranh đua với nhau mới có sự lừa dối nhau, chứ kẻ không còn tranh hơn tranh kém với mình, họ đâu có lợi gì để lừa bịp mình nữa! Sự va chạm giữa hai thế hệ là một nguồn kích thích tư tưởng rất lợi ích cho cả hai đàng.

Cũng nên cố gắng mà trả lời một cách thành thật và đúng đắn những câu hỏi đột ngột của trẻ thơ. Con trẻ thường giữ được sự thán thưởng tự nhiên: đối với chúng, tất thảy đều là những hiện trạng bất thường, chúng thường có những câu hỏi bất ngờ nhưng đầy ý vị sâu xa, mà phần đông người lớn không sao trả lời cho xuôi được. Nhưng đó thường lại là những câu hỏi đầy ý nghĩa của triết học nếu ta biết để ý đến. Đừng bỏ qua mà la rầy đàn áp chúng, như chúng ta thường có thói quen khinh thường chúng.

Có đứa trẻ nọ hỏi cha nó: “Tại sao trời không giết những loài ma quỷ hại người, thì làm sao người ta còn phải khổ nữa?” Phải chăng là một câu hỏi thuộc về triết lý, một câu hỏi thuộc về vấn đề thiện ác”. [13]

--------------------

[1] Charles Wagner - La Vie Simple (Armand Colin).

[2] Charles Wagner - La Vie Simple (Armand Colin).

[3] R. P. Sertillanges - La Vie Intellectuelle, p. 129.

[4] Taine - Correspondances, tome III, p.329.

[5] Trang Tử - Đạt Sanh thiên (Bản dịch của Nguyễn Duy Cần).

[6] P. văn Hùm - Luận Tùng trang 68 - Tân Việt xuất bản.

[7] Les esprits fins voient les différences des choses, les esprits médiocres ne voient que de ressemblances.

[8] Ce que je sais le plus, c’est que je ne sais rien. (Socrate).

[9] Il n’y a pas d’ignorance plus honteuse que de croire que l’on connait ce que l’on ne connait pas (Socrate).

[10] L’étonnement est l’origine de la philosophie.

[11] Xem lại quyển Óc sáng suốt cùng một tác giả.

[12] “Mon meilleur élève est celui qui n’est pas de mon avis” - Jules Lemaitre.

[13] Jean Guitton - Nouvel Art de Penser (Aubier - 1946).