Tôtem Sói

Chương 11

Anh trai chết, Saxwhailinhhu lấy chị dâu sinh hai con trai, một người tên Càndo Xichna, một người tên Uydochinh Xichna, tiếng Mông Cổ "xichna" là sói.  Sử tập còn giải thích cặn kẻ là sói đực và sói cái.

Xíchnaxu chỉ số nhiều, tức đàn sói.

Hàn Nho Lâm "Thành Cát Tư Hãn thập tam dực khảo"

Ba người vội vàng lên ngựa theo Đanchi nhằm hướng tây xuyên qua bãi sậy, rồi rẽ hướng nam, vòng qua bãi đất phèn - toàn những nơi ít để lại dấu chân ngựa.  Trên đường về, ba cậu thanh niên Bắc Kinh không những không cảm thấy vui, mà còn thấp thỏm như những tên trộm vặt, chỉ sợ chủ nhà đuổi theo.

Nhưng khi nhớ lại con sói mẹ cướp đi con cừu non thì Trần Trận lại thấy đỡ dằn vặt, cậu đã trả thù cho con cừu non vô tội.  Diệt được một ổ sói con là bảo vệ được một đàn cừu.  Nếu như các cậu không bắt được ổ sói này, thì đàn cừu chắc chắn gặp đại họa.  Đào bắt sói con là biện pháp hữu hiệu trong cuộc chiến một mất một còn giữa người và sói trên thảo nguyên Mông Cổ.  Bắt một ổ sói con tương đương tiêu diệt một đàn sói nhỏ.  Đào bắt bảy con sói con tuy vất vả, nhưng không khó bằng diệt bảy con sói lớn.  Biện pháp này đã thực thi từ lâu, vậy vì sao vẫn không giảm được tai họa do sói gây ra?  Trần Trận bèn hỏi Đanchi.  Đanchi nói: Sói rất khôn khi chọn thời điểm đẻ con.  Cách đây hàng vạn năm, sói và chó nhà là một, nhưng thực tế sói khôn hơn chó nhà.  Chó nhà sau Tết khoảng nửa tháng thì đẻ.  Nhưng sói lại chọn lập xuân, là lúc tuyết vừa tan, cừu vừa đẻ.

Chăm sóc cừu đẻ là thời gian bận bịu nhất, vất vả mệt nhọc nhất trong năm.  Một đàn xẻ thành hai dàn, toàn bộ sức lực đầu tư vào đấy.  Mệt đến nỗi cơm không buồn ăn, nói gì đến đi đào bắt sói con.  Công việc chăm sóc cừu non bắt đầu rảnh, thì khi ấy sói đã lớn, không ở trong hang nữa.  Ngày thường sói không ở hang, khi đẻ mới ở.  Sói con khoảng một tháng thì mở mắt, một tháng nữa là lăng xăng theo mẹ. Khi ấy mới đi đào, thì chỉ còn hang không.  Nếu sói đẻ vào mùa hè, mùa thu hoặc mùa đông thì chắc chúng tuyệt diệt từ lâu, vì khi ấy con người nhàn rỗi.  Sói chọn mùa xuân còn một cái lợi nữa: Bắt cừu non về cho con tập vồ mồi và ăn thịt.  Thịt cừu non là món ăn khoái khẩu của sói con.  Chỉ cần có cừu non là sói mẹ không sợ thiếu sữa, đẻ một lứa mười mấy con cũng sống tất.

Dương Khắc ngồi trên yên chép miệng than: Sói ơi là sói, tao phục mày sát đất.  Quả có thế thật, chăm cừu đẻ rất mệt.  Đựng cừu non vào tải, mỗi tải bốn năm con, mỗi ngày một người vận chuyển mươi mấy chuyến, mệt đứt hơi.  Nếu đây không phải là lần đầu thì mình hơi đâu mà đi với các cậu.  Từ nay mình không đi nữa.  Còn bây giờ thì phải ngủ cho lại sức.

Dương Khắc ngáp dài.  Trần Trận cũng cảm thấy buồn ngủ ríu mắt, nhưng cậu vẫn bám sát đề tài, hỏi Đanchi: Người dân bản địa theo Lạt Ma giáo, mỗi gia đình đều có người đi làm Lạt Ma.  Lạt Ma làm việc thiện, không sát sinh, giết sói con sẽ tổn thọ.  Mình không theo Lạt Ma, không sợ tổn thọ.  Người Mông Đông Bắc chúng mình khi chết không hiến cho sói, nên mình không sợ hết sói.  Người Mông Đông Bắc khi đã biết làm ruộng thì tín ngưỡng như người Hán, địa táng.

Đoàn người rời cái hang mỗi lúc một xa, nhưng Trần Trận vẫn cảm thấy như có làn gió lạnh từ cõi u linh bám sau lưng, khiến cậu tâm thần bất định, lo sợ vẩn vơ.  Lớn lên ở thành phố, chưa từng có quan hệ với loài sói, vậy mà giờ đây cậu quyết định số phận của bảy con sói Mông Cổ.  Con sói mẹ quả tinh khôn, đàn sói này chắc là hậu duệ của sói chúa, chí ít cũng là sói Mông Cổ thuần chủng.  Nếu như cậu không mê sói, thì những con sói này sẽ thoát nạn, sẽ sống khoẻ, trở thành những dũng sĩ trên thảo nguyên khốc liệt.  Vậy mà sự có mặt của cậu đã làm thay đổi tận gốc số phận những con sói con.  Và bằng hành động này, cậu gắn kết với sói, đồng thời trở thành kẻ thù của sói thảo nguyên.  Họ hàng nhà sói Ơlon dưới sự chỉ huy của con sói cái thông minh đêm đêm truy kích cậu, uy hiếp linh hồn cậu.  Trần Trận nhận ra cậu đã phạm sai lầm.

Về đến nhà, đã quá trưa.  Trần Trận treo túi đựng sói lên vách lều.

Bốn người ngồi quanh bếp uống trà, ăn thịt nướng, vừa ăn vừa bàn cách xử lý lũ sói con.  Đanchi nói: Xử lý như thế nào thì không cần bàn, ăn xong mình sẽ cho các cậu xem, khoảng hai phút là xong.

Trần Trận biết sẽ gặp một vấn đề hóc búa: Nuôi sói.  Khi trong đầu nảy ra ý này, Trần Trận đoán có thể bị tất cả mục dân, cán bộ và thanh niên trí thức phản đối.  Bất kể từ góc độ nào, chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, hoặc từ phương diện sản xuất và an toàn, nuôi sói đều bị hiểu là có dụng ý xấu, đáng phỉ nhổ.  Thời kỳ cách mạng văn hóa, một nhân viên vườn thú nhốt chung con hổ mất mẹ với con chó cái cho sữa, lập tức trở thành vấn đề chính trị nghiêm trọng, bị coi là tuyên truyền hco thuyết điều  hòa giai cấp, anh nhân viên đó bị đấu lên đấu xuống.  Vậy thì nuôi một con sói bên cạnh đàn cừu, đàn chó, hóa ra không phân biệt địch ta, coi thù là bạn đó sao!  Sói thảo nguyên là kẻ thù, đồng thời là thần linh, là tôtem của dân du mục, là con tàu chở linh hồn họ lên trời.  Mà đã là thần linh, là tôtem, thì chỉ có thể thờ phụng, không được nuôi trong nhà như nô lệ để sai khiến.  Nuôi sói, nuôi hổ như nuôi ong tay áo, tai họa xảy ra không biết lúc nào.  Lại còn chuyện này nữa: Ông già Pilich còn nhận cậu làm con nuôi nữa không?

Nhưng Trần Trận không hề có ý coi thường thần linh, coi thường tình cảm tôn giáo của dân tộc Mông Cổ.  Trái lại, cậu coi trọng tôtem sói của người Mông, một đề tài sâu sắc huyền ảo.  Vì vậy ước nguyện nuôi sói của cậu càng bức xúc.

Hành tung của sói xuất quỷ nhập thần, nếu như cậu không có một con sói bằng xương bằng thịt, sờ mó được, thì nhậtn thức của cậu về sói chỉ dừng lại trong những chuyện dân gian hoặc ở trình độ phổ thông như những người khác, thậm chí rơi vào thiên kiến của người Hán: Căm ghét sói.  Kể từ năm 1967 lớp thanh niên trí thức đầu tiên rời Bắc Kinh, và rất đông những người từ dưới xuôi cùng với bao nhiêu là súng đạn ồ ạt đưa lên thảo nguyên Mông Cổ, sói Mông Cổ đang giảm dần, có lẽ chỉ ít năm nữa, khó mà bắt gặp một ổ bảy tám con, muốn xin mục dân một con về nuôi lại càng khó, muốn nuôi thì đi mà bắt về.  Vậy thì cậu cứ nuôi một con, nhưng phải tìm lý do để tình cảm mục dân, nhất là tình cảm của những người già không bị tổn thương.

Trước ngày đi bắt sói con, cậu suy nghĩ mãi mới kiếm được một lý do có vẻ hợp lý: Nuôi sói để thực nghiệm khoa học: sẽ cho chó sói phối giống với chó bécgie.  Chó bécgie rất nổi tiếng trên thảo nguyên Ơlon.  Bộ đội biên phòng có bảy tám con bécgie cao to lừng lửng, chạy cực nhanh.  Chó bécgie mà săn cáo thì mười con không sai một.  Có lần đồn trưởng biên phòng dẫn hai chiến sĩ cùng hai con bécgie về Ơlon kiểm tra công tác dân quân.  Dọc đường, hai con bécgie săn được bốn con cáo to tướng khiến mọi người trố  mắt.  Mục dân muốn xin một con bécgie để nuôi, nhưng thời bấy giờ chó bécgie được coi là loại vật tư quý hiếm, quan hệ quân dân có tốt đến mấy cũng không có mà cho.  Trần Trận nghĩ, bécgie chẳng qua là con lai giữa bố sói với mẹ chó nhà.  Nếu như nuôi một con sói đực rồi cho nó giao phối với chó nhà, chắc chắn sẽ đẻ ra bécgie.  Nói rằng sẽ tặng những con bécgie đó cho mục dân, vậy là có lý do nuôi sói.  Với lại, sói Mông Cổ là loại sói tốt nhất thế giới, nếu như thí nghiệm thành công, sẽ lai tạo ra những con bécgie tốt hơn cả becgie Đức, bécgie Liê Xô.  Hơn thế nữa, biết đầu từ đó mở ra một nghề mới: sản xuất chó giống.

Trần Trận đặt bát xuống, bảo Đanchi: Cậu xử lý sáu con, để lại con đực khoẻ mạnh nhất cho mình nuôi.

Đanchi ngẩn người, nhìn Trần Trận không chớp có đến mười giây đồng hồ, hỏi: Cậu định nuôi sói?

Trần Trận nói: Ừ lớn lên cho nó phối giống với chó nhà, chắc chắn sẽ đẻ ra béc giê như chó biên phòng.  Chó béc giê thì ai mà chẳng thích.

Đanchi chớp mắt, trong một thoáng ánh mắt cậu loé lên như con thú trông thấy con mồi.  Cậu ta thở gấp: Ý tưởng này quả không tồi!  Biết đâu lại thành công.  Mình có béc giê thì săn cáo, săn sói ngon lành hơn nhiều.  Ta còn có thể xuất chó giống nữa chứ, tha hồ mà phát tài.

Trần Trận nói: Mình sợ đội không cho nuôi.

Đanchi nói: Nuôi sói là để trị sói, bảo vệ tài sản tập thể.  Người nào phản đối, ta sẽ không cho chó giống.

Dương Khắc cười, nói: Thế ra cậu cũng định nuôi?

Đanchi tỏ ra kiên quyết: Các cậu nuôi thì mình cũng nuôi một con.

Trần Trận nắm tay nọ đập vào lòng bàn tay kia đánh bốp một tiếng: Tốt rồi, hai nhà cùng nuôi, càng chắc thắng.

Trần Trận cso vẻ đăm chiêu: Còn một chuyện mình chưa rõ.  Tức là sói đực có chịu giao phố với chó cái không?

Đanchi nói: Chuyện ấy khỏi lo.  Mình đã có cách.  Năm kia mình đem về một con chó cái định cho giao phố với chó đực nhà mình.  Nhà mình có mười con chó thì tám con là đực, tốt xấu lẫn lộn.  Nếu để tự do, lỡ phối với con đức xấu thì hỏng bét.  Thế là mình đào một cái giếng sâu hai tầm với, rộng bằng căn lều Mông Cổ, rồi thả con cái và một con đực đã chọn lọc xuống cùng với một con cừu đã lột da.  Sau đó, cứ vài ngày mình lại tiếp tế thức ăn thức uống.  Hai mươi ngày sau, mình cho hai con lên, thấy con cái đã có chửa, sắp lập xuân đẻ một lứa tám con.  Mình quật chết bốn con cái, để lại nuôi bốn con đực.  Hiện giờ nhà mình có hơn chục con chó, nhưng bốn con kia là tốt nhất: nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, hung dữ.  Chúng săn được quá nửa số sói và cáo săn được trong cả năm.  Nếu ta áp dụng biện pháp này, chắc chắn sẽ có béc giê con.  Nhớ là phải cho sói con và chó con sống với nhau từ bé.

Trần Trận và Dương Khắc tán thành.

Bao tải khẽ động, lũ sói con chen chúc trong đó đã bị mỏi hoặc đói.  Chúng không giả vờ chết nữa, bắt đầu cựa quậy, định chui ra ngoài.  Chỉ riêng chuyện này đã khiến Trần Trận phục sát đất.  Nhưng hễ nghĩ tới năm con trong đó sẽ bị quật chết, cậu lại thấy trong lòng nặng nề.  Cậu nhớ tấm panmo bên cổng vườn thú Bắc Kinh, nếu đưa được năm con sói này về đấy thì hay biết mấy.  Chúng thuần giống Mông Cổ.  Lúc này, cậu càng thấy lòng tham vô đáy và thói chuộng hư vinh của con người thật đáng sợ.  Cậu đi đào hang sói là để bắt sói về nuôi.  Mà nuôi thì chỉ cần bắt một con sói đực về là xong, cho dù chọn lấy con đầu đàn to đẹp nhất cũng không có gì quá  quắt.  Vậy thì vì lý do gì cậu ôm cả đàn sói về?  Đúng là không nên cho Đanchi và Cao Kiện Trung đi cùng.  Nhưng nếu không có hai người này, phải chăng cậu cũng chỉ bắt một con?  Chắc là không.  Bắt cả đàn đồng nghĩa với thắng lợi của lòng dũng cảm, của lợi ích vật chất, là vinh dự cùng với sự ngưỡng mộ của mọi người.  Đặt những thứ ây lên bàn cân, thì những con sói chỉ là hạt cát!

Trần Trận thấy bụng đau quặn vì thương lũ sói.  Cậu thích chúng đã hai năm nay, thích đến mê mẩn.  Cậu muốn giữ lại tất cả nhưng chắc là không được.  Phải tốn nhiều thức ăn mới nuôi được cả đàn. Cậu chợt nghĩ, hay là đem năm con về trả cho sói mẹ.  Sẽ không ai đi cùng cậu, trừ Dương Khắc.  Đi một mình thì cậu không dám, bốn tiếng đồng hồ cả đi lẫn về, người ngựa đều không chịu nỗi.  Chắc là con sói mẹ đang kêu gào bên miệng hang.  Giờ mà một mình đến đó, chết là cái chắc.

Trần Trận xách cái túi đựng sói, bước ra ngoài, nói: Để mấy hôm hãy xử lý, mình muốn quan sát chúng kỹ một chút.  Đanchi hỏi: Cậu lấy gì nuôi chúng?  Trời lạnh thế này, chỉ một ngày không ăn là chúng chết hết.  Trần Trận nói: Mình vắt sửa bò cho chúng uống.  Cao Kiện Trung sa sầm mặt.  Không được!  Sữa bò là để cho người.  Sói ăn thịt bò, giờ lại lấy sữa bò nuôi sói, trên đời làm gì có cái lý ấy!  Mà làm thế, đội sẽ không cho mình chăn bò nữa.

Dương Khắc tính chuyện được cả chì lẫn chài, nói: Phải cho Đanchi xử lý thồi.  Caxumai đang lo cuống lên vì chưa hoàn thành chỉ tiêu.  Nếu ta nộp năm bộ da sói con thì có thể nuôi vụng được hai con.  Nếu không nộp con nào thì nuôi vụng một con cũng không xuôi.  Để Đanchi hạ thủ mới nhanh, mình không hạ thủ được, cậu cũng chịu.  Đã mấy khi mời được Đanchi tham gia.

Trần Trận ứa nước mắt, thờ dài.  Cậu chẳng còn cách nào khác, đành quay vào trong lều bê ra chiếc thùng gỗ đựng phân bò khô.  Cậu dốc hết phân trong thùng rồi trút ổ sói trong bao tải vào thùng.  Lũ sói bò lổm ngổm ra các phía, nhưng khi đụng cạnh thùng, chúng liền nằm im giả vờ chết.  Những sinh mệnh bé bỏng gắng chống chọi lần cuối với may rủi.  Chúng run như giẽ, những sợi lông dài rung bần bật như có dòng điện chạy qua.  Đanchi lấy ngón tay lẩy từng con sói như người ta đếm thỏ, bảo Trần Trận: Bốn đực, ba cái.  Con khoẻ nhất phần cậu.  Con này thì cho mình.  Nói xong, Đanchi bỏ năm con còn lại vào bao tải rồi xách ra chỗ đất trống trước lều, lôi một con ra nhìn bụng và bảo: Cho con cái này lên chầu trời trước tiên.  Nói xong, cậu đưa tay về phía sau, nhún thấp chân phải rồi tung con sói lên cao - y như xử lý đối với chó con thiếu sữa - hồn lên trời, thân xác thì xuống đất.  Trước đây, Trần Trận và Dương Khắc nghe nói có nghi thức này, nhưng chính mắt trông thấy thì đây là lần đầu.  Hai người mặt như chàm đổ, sắc mặt như bãi tuyết bẩn dưới chân lều.

Con sói trước đó vẫn giả vờ chết.  Nhưng khi bị ném lên cao, theo bản năng, nó biết là đi đâu, liền quẫy đạp lung tung mong sói bố hoặc sói mẹ đến cứu.  Trần Trận như nhìn thấy màng mắt con sói nứt ra vì sợ, để lộ cặp mắt đỏ ngầu.  Nó mở mắt sớm trong không trung, nhưng không nhìn thấy  trời xanh, vì trời bị mây đen che kín, và mắt nó thì nước mắt pha máu che phủ.  Nó há hốc miệng rơi theo đường cầu vồng xuống mắt tuyết rắn.

Con sói rơi đánh bộp xuống đất như một quả dừa non, cái thân bé bỏng không kịp giẫy giụa đã bất động, máu rỉ ra từ tai, mũi, mắt, miệng, đỏ nhờ như pha sữa.  Trái tim Trần Trận chạy từ ngực lên họng rồi lại từ họng xuống ngực, đau đến nỗi mất hết cảm giác.  Ba con chó lập tức xông tới nhưng bị Đanchi quát lui.  Cậu sợ lũ chó xé rách bộ da quý hiếm.  Điều bất ngờ là con Nhị Lang hộc lên một tiếng vọt lên trước chặn con Vàng và con Ilua, không cho cắn con sói.  Nó thích con sói, nó không nhiễm thói xấu hành hạ kẻ đã chết, đúng phong độ của bậc đại tướng.

Đanchi lại lôi một con ra.  Con này hình như đã đánh hơi thấy mùi chết chóc, nên không giả vờ chết mà cựa rất dữ, những cái móng bé tí cào trắng mu bàn tay cậu.  Đanchi định ném lên nhưng cậu bất chợt dừng lại, bảo Trần Trận: Lại đây, cậu cũng phải tập dần cho quen.  Giết một co để can đảm lên.  Trên thảo nguyên, người chăn cừu nào cũng phải giết sói.

Trần Trận lùi lại, bảo: Cậu làm nốt đi!

Đanchi cười, bảo: Dân Hán nhát như thỏ, ghét sói là thế mà một con sói nhép cũng không dám giết, vậy ra mặt trận thì đánh đấm gì!  Chẳng trách các vị xây vạn lý trường thành!  Hãy xem đây!  Lời chưa dứt, con sói đã bị tung lên, chưa rớt xuống đất, con khác đã bị tung tiếp.  Đanchi càng tung càng hào hứng, luôn miệng la: Lên trên đó đi, lên đó mà hưởng phúc!

Trần Trận không sao bình tĩnh được, tim cậu như bị nén chặt.  Cậu cảm nhận sự khác nhau rõ rệt về mặt tâm lý giữa dân tộc nông canh và dân tộc du mục, sự thích ứng với sắt thép và máu lửa giữa dân tộc cầm đao sát sinh và dân tộc cầm liềm hái.  Người Hán sao không giữ lại một quần thể du mục mang nét văn hóa Hán trong nội bộ dân tộc Hán?  Trong phạm vi quốc thổ, nếu như có thảo nguyên thích hợp với du mục, hoàn toàn có thể bồi dưỡng nên một kiểu Ca Dắc của dân tộc Hoa Hạ.  Nói cho cùng, để bảo vệ biên cương, việc xây thành đắp lũy, xây đồn lập ấp, không bằng sử dụng dân du mục.  Dân du mục trong hoàn cảnh khốc liệt, càng tỏ ra kiên cường dũng cảm.

Năm con sói đáng thương đã lên trời, năm cái xác đẫm máu đã rơi xuống đất.  Trần Trận nhặt tất cả bỏ vào sọt rồi ngửa mặt nhìn trời hồi lâu, cầu trời thu nhận linh hồn chúng.

Đanchi hình như rất thỏa mãn.  Cậu lau tay vào ủng, nói: Hiếm có dịp một ngày giết năm sói.  Con người không lợi hại bằng sói.  Một con sói dữ một lần hạ sát một hai trăm con cừu.  Mình giết có năm con mùi mẽ gì.  Muộn rồi, mình về đây.  Nói xong, cậu đem con sói của cậu đi.  Trần Trận bảo: Cậu lột da giúp bọn mình.  Đanchi nói: Được, đã thương thì thương cho trót, một loáng là xong!

Nhị Lang nằm phục bên cạnh cái sọt, nhìn Đanchi gầm gừ, Trần Trận vội ôm cổ giữ nó lại.  Đanchi lột da sói như người ta lột da cừu, vừa lột vừa nói: Sói con da mỏng mịn, cực tốt, có bốn mươi tấm là đủ may một áo chẽn, nghìn vàng cũng không có mà mua.  Lát sau, cậu đã lột da cả năm con.

Đanchi bốc tuyết rửa tay.  Cậu vào trong lều lấy xẻng ra, nói: Các cậu để mình làm hộ việc này nữa.  Chó nhà không bao giờ ăn thịt sói, nên phải chôn năm con này.  Mà phải chôn thật sâu, để sói mẹ đánh hơi thấy thì đàn cừu của ta rắc rối ngay lập tức.  Cả bọn ra chỗ cách lều vài chục mét, đào một hố tròn sâu khoảng một mét, bỏ năm con sói con xuống lấy đầy, nện kỹ, rồi rắc lên ít bột DDT để cho mất hẳn mùi.  Trần Trận hỏi: Có cần làm cho con sói một cái ổ?  Đanchi nói: Đào cho nó một cái hang.  Trần Trận và Dương Khắc đào một cái hang sâu sáu mươi phân, rộng chừng một mét, bỏ xuống vài mảnh da cừu rách, một ít đất bùn khô, rồi thả con sói đực xuống.

Con sói vừa chạm đất đã khác hẳn, linh hoạt hẳn lên.  Nó hít hít ngửi ngửi, bò quanh hố mấy vòng, tưởng như đã trở về hang cũ.  Nó yên trí nằm cuộn tròn nhưng mũi vẫn đánh hơi xem các em nó có đấy không.  Trần Trận định lấy lại con sói của Đanchi cho con sói của cậu có bạn.  Nhưng Đanchi bỏ luôn con sói vào túi, lên ngựa phóng như bay. Cao Kiện Trung cũng nhìn con sói bằng cặp mắt dửng dưng, rồi lên ngựa trở về chuồng bò.

0O0

Trần Trận và Dương Khắc ngồi bên hố nhìn con sói mà tâm trạng rối bời.  Trần Trận nói: Mình quả thực không biết nuôi nó bằng gì bây giờ!  Rồi sẽ rất phiền đây.  Dương Khắc nói: Chúng mình nuôi sói, chuyện hay thì chưa thấy, chuyện dở thì đồn đại gần xa.  Hiện cả nước đang triển khai chiến dịch "chưa diệt hết sói, quyết chưa rời chiến trường", còn chúng mình thì nuôi sói, coi sói là bạn.  Trần Trận nói: Nơi này khỉ ho cò gáy, không ai biết đâu.  Mình chỉ sợ bố Pilich không cho nuôi thôi.

Dương Khắc nói: Bò mẹ đã về chuồng, để mình đi vắt ít sữa, con sói chắc đói lắm rồi.  Trần Trận xua tay: Không nên, phải cho nó ăn sữa chó, sữa của con Ilua ấy.  Chó có thể cho hổ con bú sữa.  Trần Trận cầm con sói lên, ôm trước ngực.  Một ngày không ăn, con sói bụng lép kẹp, có vẻ yếu hơn khi mới đem về.  Trần Trận ủ con sói trong bọc, truyền hơi ấm cho nó. 

Trời chạng vạng tối.  Đã đến giờ Ilua cho con bú.  Trần Trận và Dương Khắc đi về phía ổ chó con.  Cái ổ dưới đống tuyết lớn đã tan ra nước dưới nắng, giờ phải chuyển về đống phân bò khô trước lều.  Người ta đào một cái hốc nhỏ, dưới đáy trải những miếng da cừu rách, miệng hố đậy bằng tấm da ngựa chưa thuộc.  Đây chính là nhà của con Ilua và đan con của nó.

Dương Khắc cho con Ilua ăn cháo thịt.  Ăn xong, con Ilua dùng mõm gạt tấm da ngựa chui vào ổ rồi thận trọng nằm dài ra.  Ba con chó con lập tức tìm thấy đầu vú, mút chùn chụt.

Trần Trận nhẹ nhàng đi tới bên con Ilua, cúi xuống dùng tay xoa đầu để che khuất tầm nhìn của nó.  Ilua được cưng, sung sướng liếm tay chủ.  Dương Khắc gạt một con cún ra, rồi một tay vắt, tay kia khum lại để hứng sữa.  Hứng được lưng bàn tay, Trần Trận lén lôi con sói ra khỏi bọc để Dương Khắc bôi sữa lên đầu lên lưng và bốn chân nó.  Đây là biện pháp hữu hiệu để con Ilua cho sói con nhập đàn.  Cừu mẹ nhận nuôi cừu mồ côi cũng bằng cách này.  Nhưng chó thông minh hơn cừu, khứu giác cũng nhạy hơn cừu.  Giá như các con nó bị chết hết, hoặc bị người ta bắt đi hết, có lẽ nó nhận nuôi con sói.  Nhưng hiện giờ nó có ba đứa con, chắc chắn nó không nhận con sói làm con nuôi.  Con sói vừa nhập đàn, Ilua lập tức phản ứng.  Nó ra sức ngẩng lên để nhìn đàn con, nhưng Trần Trận và Dương Khắc cứ vít đầu nó xuống, vừa dỗ dành vừa nạt nộ, không cho nó ngẩng lên.

Con sói con vừa rét vừa đói được đặt giữa đàn chó.  Ngửi thấy mùi sữa, bộ dạng vờ vịt lập tức biến mất, nó giương nanh múa vuốt, thái độ cực kỳ hung hãn như loài sói ngửi thấy mùi máu.  Con sói sinh sau những con chó nửa tháng, nhỏ hơn một chẹt tay, ngắn hơn một cái đầu, nhưng về sức khoẻ thì nó hơn hẳn, kỹ năng giành vú cũng không con chó con nào theo kịp.  Chó mẹ có hai dãy vú lớn nhỏ không đều, tất nhiên lượng sữa cũng không đều.  Điều khiến Trần Trận và Dương Khắc ngạc nhiên là sói con không ti vội, mà nó thử một lượt các núm vú, gạt bắn những con chó con sang một bên, ổ chó nhốn nháo như bị đánh cướp.  Cuối cùng nó dừng lại ở bầu vú bự nhất ở khoảng giữa bụng con chó mẹ, ti một bầu, chân chụp một bầu bên cạnh cũng to như bầu đang ti.  Nó không chế đàn chó, không chi xẻ bầu vú bất cứ con nào.

Trần Trận và Dương Khắc ngạc nhiên thật sự. Dương Khắc nói: Thú tính của sói khiếp thật!  Chưa mở mắt mà đã thực hành bá đạo.  Chả trách con này lớn nhất đàn, nó không coi sáu con kia là anh em trong nhà.

Trần Trận tuy rất thích nhưng có điều khiến cậu suy nghĩ.  Cậu thấy cần quan sát kỹ vì quả có nhiều điều đáng suy ngẫm.  Cậu bảo Dương Khắc: Cậu xem, ổ chó này là hình ảnh thu nhỏ lịch sử thế giới.  Mình vừa nhớ lại câu nói của cụ Lỗ Tấn "người phương Tây nhiều thú tính hơn, còn người Trung Quốc gia súc tính nhiều hơn".

Trần Trận chỉ con sói, nói: Thú tính đây - Lại chỉ lũ chó con - gia súc tính đây.  Người phương Tây ngày nay phần lớn là hậu duệ của giống người Nhật Nhĩ Man, người Ăng Giô Xắc Xông man rợ.  Khi nền văn minh cổ Hi Lạp và cổ La Mã phát triển khoảng hai nghìn năm, họ từ trong rừng rậm xông ra ăn thịt cổ La Mã.  Đồ dùng để ăn của họ toàn là dao với dĩa, thức ăn toàn là bít tết, phó mát và bơ.  Do đó người phương Tây thú tính đậm hơn, man rợ hơn những dân tộc nông canh.  Hơn trăm năm nay, người Trung Quốc gia súc tính bị người phương Tây thú tính khinh rẻ.  Chả trách hàng ngàn năm dân tộc Hoa Hạ đông đảo là thế mà cứ bị các dân tộc du mục nhỏ bé đánh cho khốn đốn.

Trần Trận xoa đầu con sói, nói: Tính cách không những quyết định số phận mỗi con người, mà còn quyết định số phận của cả dân tộc.  Các dân tộc nông canh mang đậm tính gia súc, chính nhược điểm đó quyết định số phận của họ.  Bốn nền văn minh lớn trên thế giới đều là những nước nông canh.  Ba nền văn mình đã bị xoá sổ từ lâu.  Nền văn minh Hoa Hạ sở dĩ không bị tiêu diệt là nhờ cư trú trên lưu vực hai con sông lớn - Hoàng Hà và Trường Giang - dân số đông nhất thế giới nên các nền văn minh khác không dễ ăn sống nuốt tươi.  Ngoài ra, có lẽ còn do công sức to lớn của dân du mục đóng góp cho văn mình Hoa Hạ... Về mối quan hệ này mình nghĩ chưa chín.  Lên thảo nguyên đã hơn hai năm, mình ngày càng thấy chỗ này có vấn đề...

Dương Khắc gật đầu, nói: Thì ra ngoài việc nuôi để nghiên cứu về sói, còn có thể nghiên cứu về nhân tính, thú tính, sói tính, gia súc tính.  Thành phố và nông thôn không có những điều kiện này, nhiều lắm cũng chỉ nghiên cứu quan hệ giữa người và gia súc...

Trần Trận nói: Nhưng nếu không có sự so sánh giữa nhân tính, gia súc tính với sói tính, thú tình, thì chẳng thấy được điều gì.

Dương Khắc cười: Đúng thế, xem ra ngày đầu tiên nuôi sói đã cho thu hoạch.  Vậy là quyết định nuôi nhé.

Lũ chó con nhốn nháo, cất tiếng rên rỉ vì bị con sói con xua đuổi khiến con Ilua càng nghi tợn.  Nó định vùng dậy để xem phía sau xảy ra chuyện gì.  Trần Trận sợ Ilua cắn chết con sói con nên ghim đầu nó xuống, vừa vỗ về vừa gọi tên nó, để sói con có thì giờ bú no.  Con Ilua ngoảnh lại, lập tức phát hiện trong ổ thừa một con.  Nó hồi hộp ngửi hít từng con, nhưng có lẽ trên người sói con có hơi sữa của nó, nên con Ilua lưỡng lự.  Nó dùng mũi đủn con sói con ra chỗ sáng hơn để xem cho rõ.

Trần Trận vội ấn con Ilua nằm xuống.  Cậu phải làm cho nó hiểu ý cậu, để chấp nhận một thực tế.  Rên lên ư ử, hình như nó biết con thừa ra đó chính là con sói chủ nó bắt từ trên núi về, nó phải nuôi kẻ thù không đội trời chung này.  Chó thảo nguyên khác chó dưới xuôi.  Chó dưới xuôi tầm nhìn hạn hẹp, chưa hề nhìn thấy sói và hổ, nên giao cho nuôi hổ con, chó cứ thế mà cho bú.  Còn thảo nguyên là chiến trường quyết liệt giữa sói và chó, chó cái không bao giờ coi thù là bạn.  Ilua mấy bận định vùng dậy không cho con sói bú tí, nhưng đều bị Trần trận giữ chặt.  Nó rên rỉ, phẫn uất, vô cùng khó chịu nhưng không dám phật ý ông chủ, đành nằm im.

Trên thảo nguyên, con người nắm quyền sinh sát đối với chó.  Con người dùng bạo lực và miếng ăn để thuần hóa chó hoang thành gia súc.  Những con chó chống lại chru đều bị đuổi ra khỏi nhà, bị chết đói, chết rét hoặc bị sói ăn thịt, hoặc bị chủ giết chết.  Từ lâu, chó đã mất ý thức độc lập của thú tính, mang nặng tính gai súc, lệ thuộc hoàn toàn vào con người.  Trần Trận buồn thay cho Ilua.  Trong xã hội loài người, nếu như thế lực chuyên chế trấn áp quá mạnh, thời gian trấn áp lại quá lâu, con người sẽ mất dần thú tính trong nhân tính, dễ bảo như gia súc, hoàn toàn mất khả năng chống đối, cúi đầu chịu làm bề tôi cho kẻ khác, hoặc bị tiêu diệt, trở thành dichir khảo cổ, nền văn mình xán lạn một thời của họ chỉ còn thấy trong bảo tàng.

Ổ chó trở lại yên tĩnh.  Ilua do Trần Trận và Dương Khắc trực tiếp nuôi, chăm sóc chu đáo từ khi nó mang thai, đẻ con và cho con bú.  Nó rất tốt sữa.  Sau khi người ta lấy đi mấy con, sữa con Ilu càng thưa, giờ thêm sói con chẳng có gì đáng kể.  Ba con chó con tuy bị con sói gạt ra, phải ti những vú nhỏ hơn, nhưng vẫn no.  Chúng bắt đầu trèo lên lưng lên cổ mẹ, căn đuôi cắn tai nhau.  Riêng con sói con vẫn ti như điên.  Trần Trận nghĩ, một ổ bảy con mà con nào cũng ngổ ngáo như những tên cướp, nếu không giành được vú, chắc chắn chết đói.  Con này dù lớn nhất nhưng chưa chắc đã được bú no.  Giờ đây, tại ổ chó này, con sói mới có đất dụng võ.  Nó vừa bú vừa rên lên khoan khoái, ra sức ti, bất kể sức chứa được bao nhiêu.

Trần Trận nhìn con sói, cảm thấy có gì không ổn.  Nó đã phình ra bằng con chó con.  Cậu sờ bụng nó mà giật mình: Mỏng như tờ giấy.  Cậu sợ nó vỡ bụng, vội túm gáy nhấc nó ra.  Nhưng con sói con vẫn ngậm chặt, núm vú bị kéo dài đến tai tấc khiến Ilua đau quá kêu thành tiếng.  Dương Khắc vội lấy tay bóp miệng cho con sói há miệng ra.  Cậu thở ra một hơi: Mục dân nói bụng sói là bụng cao su, giờ thì mình tin.  Trần Trận không giấu được niềm vui: Cậu xem nó háu ăn như thế, chắc là lớn rất nhanh.  Nó không khó nuôi, chỉ cần ăn uống no đủ.

Quan sát con sói vừa rời ổ, tận mắt trông thấy khả năng cạnh tranh và tính cách ngoan cường của nó, Trần Trận đã có phần hiểu được tính cách của họ hàng nhà sói.

Trời đã tối.  Trần Trận đem con sói vào hang của nó, đồng thời thả một con chó cái vào để chúng quen hơi bén tiếng trước khi mở mắt, cho chúng làm bạn với nhau.  Hai con ngửi lẫn nhau, cùng một mùi sữa nên không cảm thấy khác biệt, gối đầu lên nhau mà ngủ.  Con Nhị Lang đứng bên từ đầu đến cuối quan sát động tác của chủ.  Nó vẫy đuôi - lần này vẫy mạnh hơn - tỏ y hoan hô chủ đã nuôi con sói.  Để bảo vệ con sói, Trần Trận bê chiếc thớt gỗ đậy lên miệng hang, còn chèn lên trên một tảng đá rất nặng.

Anh chàng Quanbu hiền lành lùa cừu về chuồng, nghe tin cánh Trần Trận bắt được sói con liền cầm đèn pin chạy tới xem rõ thực hư.  Khi trông thấy những tấm da sói con phơi trên nóc lều, cậu ngạc nhiên đến sững sờ: Xưa nay chưa có người Hán nào ở Ơlon bắt được sói con, chưa có ai!  Giờ thì không tin cũng phải tin.

Ba người đang ăn mì thịt cừu bên cái bếp lò làm bằng thùng sắt tây, chợt nghe tiếng chó sủa và tiếng chân ngựa dồn dập bên ngoài.  Trương Kế Nguyên vén rèm, đẩy cánh cửa gỗ, một tay nắm hai dây cương, hai con ngựa đang sốt ruột gõ móng xuống đất.  Cậu ngồi xuống cửa lều, nói vọng vào: Ban quản lý cho hay, đàn sói trên đường biên đã chia nhau kéo về đây.  Lệnh cho ba đại đội sản xuất của mục trường tập trjng ở ba địa điểm đã ấn định để vây bắt.  Đại đội ta phụ trách đoạn tây bắc, ban quản lý sẽ điều một số tay súng chi viện, do ông Pilich chỉ huy.  Đại  đội thông báo: một giờ sáng mai tập kết ở lều ông Pilich.  Ban quản lý yêu cầu các hộ gia đình trừ người già và trẻ con ở lại chăn cừu và bò, tất cả những người khác đều tham gia bủa vây.  Các mã quan phải chuẩn bị đủ ngựa cho những người không có ngựa.  Chúng ta phải đi vòng, mai phục tại một địa điểm.  Các cậu tranh thủ ngủ đôi chút.  Tôi đi đây.  Nhớ đừng ngủ quên.

Trương Kế Nguyên sập cửa, nhảy lên ngựa phóng đi.

Cao Kiện Trung đặt bát cơm, nhăn nhó: Hết sói nhỏ đến sói lớn, chúng mình mệt chết thôi.  Dương Khắc nói: Cứ đà này ở thêm vài năm, đảm bảo chúng mình biến hết thành sói.

Ba người phân công chuẩn bị cho cuộc vây ráp.  Cao Kiện Trung chạy ra bãi cỏa dắt ngựa của ba người về kho chứa cỏ, quẳng cho mỗi con một ôm cỏ tươi.  Dương Khắc bốc trong sọt một ít xương, một ít thịt cừu cho lũ chó.  Sau đó, cậu kiểm tra kỹ dây thắng, yên cương, thòng lọng, lại cùng Trần Trận kiếm đaua ra hai chiếc đai cổ bằng da cho hai con chó.  Hai cậu đã từng tham gia vài cuộc vây nhỏ nên hiểu rằng không được coi thường đai cổ chó và dây thừng.  Trần Trận đeo cho Nhị Lang chiếc đai da, rồi như luồn chỉ trôn kim, cậu luồn đầu sợi thừng qua vòng đồng trên đai, so hai đầu thừng cho bằng rồi chập làm một nắm chặt.  Dắt Nhị lang đi vài bước, cậu trỏ về phía chuồng cừu "xuỳ" một tiếng, đồng thời buông một đầu sợi thừng, con Nhị Lang vọt lên, sợi thừng tụt khỏi vòng đồng, một đầu vẫn trong tay Trần Trận.  Loại xích chó này khi cần, có thể khống chế hoàn toàn, không cho con chó tự do hành động ảnh hưởng bố trí toàn cục; khi chó tấn công, không bị vướng dây thừng, ảnh hưởng đến tốc độ.

Dương Khắc cũng đeo đai cổ cho con Vàng, luồn thừng và diễn tập một lượt.  Hai con chó chấp hành tốt mệnh lệnh của chủ, còn chủ thì thao tác đúng cách, không để chó vướng thừng.