Tôtem Sói

Chương 16

Thái tử Thừa Càn (con trai Đường Thái Tôn) thích gái đẹp và  săn bắn... lại rất thích ngôn ngữ và trang phục Đột Quyết, chọn trong đám tả hữu những người có khuôn mặt giống Đột Quyết, năm người thành một nhóm, bện tóc mặc áo cầu chăn dê, may cờ phướn có 5 đầu sói, đắp bếp lò, Thái tử trong đó nướng cừu, dùng dao găm xẻo thịt ăn.  Lại bảo tả hữu: Ta giả làm Khan (vua) chết, các ngươi tổ chức cúng bái theo nghi lễ.  Bèn nằm thẳng cẳng trên mặt đất, mọi người gào khóc, dắt ngựa đi quanh... Thái tử nói: Một ngày nào đó ta có thiên hạ, dẫn vài vạn quân kỵ đi săn ở Kim Thành Tây, sau đó xõa tóc làm dân Đột Quyết...

Tư Mã Quang "Tư trị thông giám.  Quyển thứ 198"

Sau trận mưa xuân, dưới nắng ấm, khu lều trại gần núi và đồng cỏ sặc mùi thối.  Qua một mùa đông dài, những con vật chết rét vì yếu, những con gia súc bị sói cắn chết ăn không hết, đều thối rữa, xác chết chảy nước màu đen, cỏ thu bị vùi thối chảy nước, tất cả thấm vào cỏ.  Rồi thì phân cừu, phân bò, phân chó, phân sói, phân thỏ, phân chuột đều chảy nước đen tưới cho thảo nguyên.

Trần Trận không vì mùi thối ấy mà cụt hứng.  Thảo nguyên già nua cần nước thối, những chất bài tiết của gia súc trong cả mùa đông, thịt thối vương vãi trong cuộc chiến giữa người và sói, máu và xương phân hủy, tất cả đem lại chất bổ dưỡng đạm, kali và lân cho thảm cỏ mỏng tang.  Ulichi nói: Cán bộ thành phố và các nhà thơ thích về đây ngửi hương thơm của hoa xuân, còn tôi, rất thích ngửi mùi thối của mùa xuân.  Một con cừu một năm cho gần 1500 cân phân, bón cho cỏ, hỏi được bao nhiêu cỏ?  "Phân bò lạnh, phân ngựa nóng, phân cừu bằng công sức hai năm". Nếu như điều chỉnh tốt số lượng gia súc, bò cừu sẽ không phá hoại, mà còn nuôi dưỡng đồng cỏ.  Trước đây các đầu mục giỏi còn biến trảng cát thành trảng cỏ nữa kia.

Thảo nguyên Ơlon mùa xuân nước phân đầy đủ, cỏ lớn như thổi, nắng ấm liên tục trong nửa tháng, mặt đất phủ màu xanh, đồng cỏ sườn dốc đã lục hóa hoàn toàn.  Cỏ xuân, hoa xuân cắm rễ trong đất màu, gia cố tầng đất mỏng trên mặt khiến sa mạc và Gôbi phía dưới vĩnh viễn không thể trồi lên.  Trần Trận cưỡi con ngựa to lớn lông vàng của ông Pilich chạy nước kiêu, dọc đường thưởng thức màu xanh mới của thảo nguyên.  Cậu cảm thấy  cuộc cạnh tranh tàn khốc giữa người và sói trene vũ đài thảo nguyên, cuối cùng chuyển hóa thành tình cảm ấm áp cho mẹ thảo nguyên.

Bầu sữa cừu mẹ đã căng, màu lông cừu con đã trắng, tiếng  rống của bò đã tròn vạnh, ngựa bắt đầu thay lông, súc vật trên thảo nguyên sống lại vì cỏ chăn nuôi đã trở lại màu xanh.  Thảo nguyên Ơlon lại có một vụ thu hoạch hiếm có.  Đợt rét đầu xuân chết rất nhiều cừu non, nhưng tỉ lệ sống của cừu non là 101% không ai nghĩ rằng cừu đẻ sinh đôi lại nhiều đến thế, mỗi đàn cừu tăng chí ít trên một nghìn con cừu non, bãi chăn vốn được coi là bất tận, nay trở nên căng thẳng.

Cừu non tăng đột ngột, bãi chăn thả bốn mùa của mục trường Baolico vùng Olon bị quá tải.  Nếu như để cân bằng sức chứa mà bán bớt hoặc giao nộp lên trên, mục trường sẽ không hoàn thành chỉ tiêu đã ấn định của cấp trên.  Đội đã triệu tập mấy cuộc họp, Ulichi cho rằng, lối thoát duy nhất là mở một bãi chăn mới trong khu vực mục trường.

Trần Trận cùng Ulichi và ông Pilich đi khảo sát mục trường mới.  Ông già có ý cho cậu cưỡi con ngựa vừa chạy nhanh vừa dai sức của ông.  Ông Ulichi kháoc khẩu bán tự động, ông Pilich đem theo con Balua, Trần Trận thì đem theo con Nhị Lang, để con Vàng ở lại trông nhà.  Dân du mục đi đâu thường không quên đem theo vũ khí và chó săn.  Hai con chó săn rất háo hức, dọc đường ra sức đánh hơi, phấn chấn không khác Trần Trận.  Ông Pilich cười, nói; Dương quan và chó canh cừu bị đàn cừu níu chân hơn một tháng, mệt bã.  Trần Trận nói: Cảm ơn bố cho con một dịp xả hơi.  Ông già nói: Tôi sợ cậu cứ dán mắt vào mấy quyển sách đến mù mắt!

Tận cuối mạn đông bắc nông trường bộ có một quả núi hoang diện tích chừng bảy tám chục dặm mà theo lời ông Ulichi thì xưa nay chưa hề khai phá, cỏ dày, cao hơn một mét, có đầm nước rất to, cỏ lụi trên mặt đất dày hàng thước.  Nước nhiều cỏ dày, nên ruồi muỗi ở đây cũng kinh người.  Đến hè và thu, muỗi ở đây cắn chết bò.  Mỗi bước chân có hàng ngàn con muỗi bay lên, sợ như đi trên đất cỏ gài mìn.  Người và gia súc vật không dám bén mảng đến quả núi này. Cỏ già dày quá, cỏ non phải vươn cao mới đón được ánh sáng mặt trời nên vừa dài vừa mảnh, súc vật không thích ăn, cỏ ăn cũng không béo.

Ông Ulichi với tư cách một trưởng bãi lâu năm, rất muốn khai phá bãi chăn thả mới này.  Từ lâu ông đã tiên đoán, chính sách trọnng số lượng hơn chất lượng sớm muộn bãi chăn ở Ơlon sẽ quá tải, nhiều năm nay ông đã để ý quả núi hoang, mong một cuộc cháy đồng thiêu trụi hết cỏ già, để rồi sang xuân, ông lùa hàng vạn gia súc lên núi giẫm tơi đất, ăn sạch cỏ non, khống chế chiều cao của cỏ.  Và như vậy là  đất thì xốp, nhiều màu, cỏ mọc thấp, muỗi cũng không còn.  Chỉ vài năm sau, nơi đây trở thành bãi chăn thả mùa hạ chất lượng cao, thêm một bãi chăn nữa cho cả mùa hè của mục trường.  Tiếp đó, sẽ cải tạo bãi chăn mùa hạ thành bãi chăn mùa xuân và mùa thu, tính ra gia súc của mục trường có thể tăng gấp đôi mà không quá tải.

Những năm trước lửa đồng mấy lần chiếu cố bãi chăn Ơlon, đáng tiếc là chưa lần nào lan đến nơi này, mãi đến cuối thu năm ngoái, đám cháy mới lan đến núi hoang.  Sau đó trời mưa, núi hoang đen như dầu.  Ulichi quyết tâm thực thi kế hoạch của ông, Bao Thuận Quý ủng hộ không điều kiện, nhưng bị một số mục  dân phản đối.  Ai cũng sợ muỗi nơi đó.  Ulichi mời ông bạn già Pilich giúp một tay, cùng lên núi hoang khảo sát, chỉ cần ông chấp thuận là đề nghị ông dẫn đại đội Hai đến bãi chăn thả mới.

Ba người đi xuyên bãi cỏ đông của đội bên cạnh.  Trần Trận cảm thấy ngựa vướng chân, liền cúi xuống nhìn, thấy cỏ thu năm ngoái tốt nguyên, cao chừng bốn đốt ngón tay.  Cậu hỏi Ulichi: ông thường kêu thiếu cỏ, ông xem đây, cừu ngựa ăn cả một mùa đông mà cỏ vẫn còn nhiều thế này.

Ulichi cúi xuống nhìn, nói: Toàn là thân cỏ, rất cứng, gia súc bứt không dứt, nhưng nếu dùng sức thì lôi cả rễ lên.  Rễ cỏ không bổ, ăn vào không béo, mà ăn đến vậy thì phải gặm, gặm mãi, bãi cỏ thoái hóa... Người Hán nội địa đẻ nhiều quá, cả nước thiếu thịt, thiếu nước uống, dầu mỡ, thịt bò thịt cừu đều lấy từ Mông Cổ, lấy nữa cầm bằng lấy mạng sống.  Cấp trên vừa giao chỉ tiêu cho Ơlon.  Một số Kỳ ở phía nam đã sa mạc hóa.

Trần Trận nói: Cháu thấy chăn thả khó hơn làm ruộng.

Ông Ulichi nói: Tôi sợ nhất là biến đồng cỏ thành sa mạc.  Thảo nguyên quá mỏng manh, sợ rất nhiều thứ, sợ giày xéo, sợ gặm cả rễ, sợ sơn dương, sợ ngựa đàn, sợ châu chấu, sợ chuột, sợ thỏ đồng, sợ dê vàng, sợ nông dân, sợ vỡ hoang, sợ người nhiều, sợ người quá tham, sợ đồng cỏ quá tải, sợ nhất là sợ người không hiểu thảo nguyên...

Ông Pilich gật đầu: Thảo nguyên là sinh mệnh lớn, nhưng mạng sống của thảo nguyên còn mỏng hơn mi mắt con người, bề mặt thảo nguyên mà bị vỡ thì thảo nguyên coi như bị mù, cát vàng nguy hiểm hơn bạch mao phong.  Thảo nguyên không còn thì những mạng sống nhỏ nhoi như bò, cừu, ngựa, sói và người cũng không còn, ngay cả Trường Thành và thành phố Bắc Kinh cũng không giữ được.

Ulichi lo lắng: Trước kia, cứ cách vài ngày tôi lại lên họp ở Hồi Hột, đồng cỏ ở đó thoái hóa tới mức thảm hại, phía tây Trường Thành mấy trăm dặm đã bị cát vùi.  Nếu trên còn giao nhiệm vụ kiểu áp đặt, thì e rằng đông Trường Thành sẽ gặp nguy.  Nghe nói chính phủ các nước có pháp lệnh nghiêm ngặt về quản lý thảo nguyên, bãi chăn thế nào thì được nuôi bao nhiêu gia súc, một hecta bao nhiêu đầu gia súc quy định rất chặt, người nào vi phạm liền bị phạt tiền phạt tù.  Nhưng như vậy mới chỉ bảo vệ đồng cỏ không thoái hóa, còn những đồng cỏ đã thoái hóa thì khó mà khôi phục.  Đợi đến khi  thảo nguyên đã biến thành sa mạc người ta mới hiểu thảo nguyên thì đã quá muộn.

Ông Pilich nói: Lòng tham thì nhiều, người không hiểu gì cũng lắm, nói chuyện với những con người ngu xuẩn ấy cũng bằng thừa.  Ông trời thế mà minh bạch, để đối phó với loại người ấy, trời giao cho sói bảo vệ đồng cỏ, như vậy mới bảo vệ được thảo nguyên.

Ông Ulichi lắc đầu, nói: Biện pháp ấy của trời đã lỗi thời. Giờ Trung Quốc đã có bom nguyên tử, định tiêu diệt sói chỉ là chuyện vặt.

Trong lòng Trần Trận như nhét đầy cát vàng, cậu nói: Mấy đêm nay không nghe thấy tiếng sói tru.  Bố, có lẽ bố mà sói sợ, chạy hết rồi.  Nếu chúng không quay lại, thảo nguyên không còn sói, con thấy trái khoáy thế nào ấy.

Ông già nói: Ba mươi con thì chỉ bốn năm ổ chứ mấy.  Sói Ơlon còn nhiều, chúng chưa về không phải vì sợ.  Tháng này chúng đang bận việc khác.

Trần Trận bắt đầu hào hứng, hỏi: Chúng đang bận việc gì hả bố?

Ông già chỉ tay về phía những quả đồi xa xa, nói: Cùng tôi tới đó mà xem!  Nói rồi ông vụt một roi vào mông con ngựa của Trần Trận, nói - Cho nó phi nước đại, sang xuân phải cho nó đổ mồ hôi nhiều nhiều một tí, mồ hôi nhiều, lông rụng nhanh, ngựa chóng  béo.

Ba con ngựa phóng nhanh lên đỉnh đồi như chạy đua, vó ngựa có màu xanh vì dẫm nát cỏ non.  Mấy tháng nay, ngựa không qua lại đường này.  Trần Trận chạy sau cùng, cậu bắt đầu hiểu ra ý nghĩa của câu "thảo nguyên sợ ngựa đàn".  Đúng là cuộc sống của người Mông Cổ đầy mâu thuẫn.

Ba con ngựa lên đỉnh dốc.  Khắp nơi vang lên tiếng "khịt khịt", "khụt khụt" của con rái cá cạn.  Rái cá cạn là con vật chỗ  nào cũng gặp trên thảo nguyên, ở Ơlon quá nửa các sườn núi đều có hang rái cá cạn.  Mùa thu nào Trần Trận cũng thấy ông già Pilich đi săn rái cá, thịt rái cá béo và thơm phức.  Chúng là loại động vật tích mỡ qua đông như gấu trong rừng.  Thịt của chúng không giống bất cứ loại thịt nào khác trên đồng cỏ: Giữa da và thịt có một lớp mỡ trắng phân biệt rất rõ với thịt nạc màu hồng, ngon nổi tiếng, hơn cả thịt bò cừu.  Một con rái cá lớn to bằng cái phích hai lít rưỡi, được một chậu đầy thịt, đủ một bữa cho cả nhà.

Trần Trận nhìn thấy thế trận liên hoàn của rái cá cạn mà rùng mình.  Trên mười mấy quả đồi như bát úp, bảy tám chục con to nhỏ đứng im, trông như những cây còn lại đoạn gốc sau khi phá rừng.  Hai rái cá cạn càng nhiều thì nấm cát trước cửa hang càng nhiều, trông như hang vẩy cá dưới xuôi.  Mỗi nấm như thế ba mặt sa thạch đùn ra lấp đầy bãi cỏ trên sườn dốc, y hệt các cửa lò ở mỏ.  Trần Trận có cảm giác như đến Thiểm Bắc, núi đồi đầy hang động, lòng núi gần như bị đào rỗng.  Mỗi nấm to bằng chiếc bàn, đều có một con rái cá đứng hoặtc nằm, nấm to hơn thì một con đực lông màu nâu sẫm độc chiếm.  Đứng trên những hang cụm hoặc hang lẻ là rái cá mẹ thân hình mảnh hơn, lông màu vàng rơm như lông sói.  Đứng bên rái cá mẹ là rất nhiều rái cá con, to bằng con thỏ, có năm bảy tám con.  Thấy người, tất cả những con rái cá không chạy ngay vào hang, đa số chỉ lui lại một bước, hai chân trước khoanh trước ngực, đứng trên hai chân sau, kêu "khịt khịt" loạn xạ, mỗi khi kêu một tiếng, cái đuôi bé tí như bàn chải rửa phích nước lại bật thẳng lên trời một cái như thị uy, như phản đối, như trêu ngươi.

Hai con chó thấy một con rái cá rời hang đã xa bèn xông lên đuổi, nhưng con rái cá chạy tới đứng trên nấm cát của một cái hang gần đó, giương cặp mắt như mắt thỏ mà nhìn, đợi lúc chó chỉ còn cách năm sáu mét liền thủng thẳng chui luôn vào trong hang, khi chó bỏ đi được mươi mét, nó lại ló đầu lên, hướng về phía chó mà kêu ầm ĩ.

Ông Pilich nói: Đây là ngọn núi nổi tiếng, có tên là núi Rái Cá.  Rái cá nhiều đến nỗi không đếm xuể.  Mạn nam của bắc đường biên rái cá còn nhiều hơn ở đây.  Xưa kia quả núi này là cứu tinh của dân nghèo vùng Ơlon.  Sang thu, khi rái cá béo núc ních, dân nghèo lên núi bắt rái cá ăn thịt, còn da và mỡ thì đem bán, đổi bạc trắng hoặc đổi lấy thịt cừu.  Người Hán các cậu rất mê áo khoác ngoài bằng da rái cá.  Hàng năm cửa hàng kinh doanh đồ da Trương Gia Khẩu đều lên thảo nguyên thu mua nấm và da rái cá, đắt gấp ba lần da sói non.  Con rái cá đã cứu không biết bao nhiêu người nghèo.  Gia đình Thành Cát Tư Hãn lúc hàn vi sống được nhờ săn bắt rái cá.

Ulichi nói: Rái cá cạn ngon ở thịt mỡ của nó.  Trên thảo nguyên, những con chuột, thỏ đồng đều trữ lương thực trong hang để sống qua mùa đông, rái cá không tích trữ lương thực, rái cá tiêu thụ mỡ trong người qua đông.

Ông già nói: Rái cá đã qua một mùa đông trong hang, lúc này mỡ không còn bao nhiêu, nhưng thịt thì nhiều.  Cậu trông, nó không nhỏ đấy chứ!  Năm nay cỏ xuân tươi tốt, chỉ ít bữa là chúng béo ngay.

Trần Trận vỡ lẽ: Thảo nào mấy hôm nay sói không đến quấy phá, thì ra chúng đang đổi khẩu vị.  Nhưng mà hang rái cá thì sâu, rái cá lại hoạt động bên ngoài hang, sói bắt bằng cách nào?

Ông già cười, nói: Sói nhiều bùa phép lắm.  Sói lớn có thể mở rộng hang, bố trí những con khác chực sẵn ở tất cả các miệng hang, rồi chui vào bắt cả ổ đem lên ăn thịt.  Nếu không thế thì sai một con sói choai chui vào ngoạm từng con rái cá lên.  Cáo sa mạc cũng chui xuống hang ăn thịt rái cá.  Năm nào tôi cũng bắt được bốn năm con cáo sa mạc ở chỗ hang rái cá, có lần còn bắt được một sói choai.  Dân Mông Cổ cho trẻ em chui vào hang bắt sói con là học từ sói.  Hang nông không chống được lạnh, nên rái cá đào thật sâu, có hang sâu tới mấy trượng.  Ông già chợt hỏi: Cậu có biết, mùa đông sói  không ở trong hang, vậy vì sao hang sói lại sâu đến thế?  Trần Trận lắc đầu.  Ông già nói: Rất nhiều hang rái cá được cải tạo thành hang sói.  Sói mẹ mở rộng hang rái cá cho sói con ở.

Trần Trận sững người: Tàn bạo quá!  Đã ăn thịt cả nhà, lại còn chiếm cả ổ.

Ulichi cười rũ, hình như rất khoái sự tàn bạo của sói.  Ông nghiêng đầu bảo Trần Trận: Sói mà không tàn bạo thì làm sao trị nổi rái cá?  Ăn thịt rái cá, như vậy là sói có công với thảo nguyên.  Rái cá là mối hại lớn của thảo nguyên, sườn núi chỗ nào cũng có hang của chúng.  Cậu xem, cả một vùng đồi núi đầy hang hốc như thế này!  Rái cá mắn đẻ, mỗi năm một lứa, mỗi lứa sáu bảy con, hang nhỏ thì chật, hang lớn thì đùn ra bao nhiêu là cát, hủy hoại bao nhiêu cỏ?  Thảo nguyên có bốn đại họa: Chuột, thỏ đồng, rái cá cạn, dê vàng.  Rái cá cạn xếp thứ ba.  Rái cá cạn chạy chậm, người đuổi kịp.  Vậy vì sao phải đáy bẫy?  Vì rái cá ỷ lại vào hang động, thấy động là chui luôn vào hang.  Rái cá cạn ăn cỏ rất dữ, về mùa thu chuyên ăn hạt cỏ, ăn vài mẫu ruộng hạt cỏ mới béo được  như thế.  Hang sói tác hại càng lớn hơn.  Mã quan sợ nhất hang rái cá, hàng năm rất nhiều ngựa gãy chân, nhiều mã quan bị thương vì thụt hang rái cá.

Trần Trận nói: Nếu vậy đúng là sói có công lớn với thảo nguyên.

Ulichi nói tiếp: Trên thảo nguyên, hang rái cá rất đáng ghét, chúng dung túng cho lũ muỗi qua đông.  Muỗi miền đông thảo nguyên Mông Cổ nổi tiếng thế giới.  Muỗi rừng đông bắt cắn chết người, muỗi miền đông thảo nguyên Mông Cổ cắn chết bò.  Thảo nguyên không nhất thiết năm nào cũng có họa trắng, hoạ đen (mùa đông không có tuyết), nhưng muỗi thì năm nào cũng về.  Người và gia súc sợ muỗi hơn sợ sói.  Trong một năm, muỗi hút ba bốn phần mười mỡ trên mình gia súc.  Lẽ ra nhiệt độ âm ba bốn mươi độ, bò còn chết cóng, không muỗi nào sống nổi, các lều Mông Cổ cũng không có chỗ cho muỗi trú, vậy vì sao muỗi yên ổn sống qua mùa đông?  Đó là nhờ có hang rái cá.  Trời bắt đầu lạnh, rái cá chui xuống hang, muỗi xuống theo. Rái cá khi đã bịt miệng hang thì bên trên bão tuyết mù trời, trong hang vẫn ấm như bếp lò.  Rái cá trong hang không ăn không uống, muỗi cắm vòi trên mình rái cá ăn uống suốt ngày, ung dung sống qua mùa đông.  Sang xuân rái cái chui lên, muỗi lên theo. Thảo nguyên Ơlon nhiều nước, nhiều ao hồ, muỗi sinh sôi nẩy nở, đến mùa hạ thì thiên hạ là của muỗi.  Cậu bảo rái cá có phải là kẻ gieo họa cho nghề chăn nuôi của thảo nguyên không?  Trên thảo nguyên, sói thích ăn thịt rái cá, sói đóng vai trò chủ lực diệt rái cá.  Thảo nguyên có câu: Rái cá chui ra, sói ta lên núi.  Rái cá ra khỏi hang, gia súc chậm tiêu thụ một thời gian.

Trần Trận đã bị muỗi cắn hai mùa hè, nghe nói đến muỗi, cậu thấy người nổi da gà, thanh niên trí thức sợ muỗi hơn sợ sói.  Sau đó nhắn Bắc Kinh gửi màn lên mới ngủ được.  Mục dân rất thích cái màn, qua mùa hè, cái màn đã trở nên phổ cập trong các lều Mông Cổ.  Dân du mục đặt cho nó cái tên "Ilacualua" - buồng muỗi.

Trần Trận không ngờ đàn muỗi kinh hoàng trên thảo nguyên lại từ hang rái cá bay ra.  Cậu bảo Ulichi: Hai ông là chuyên gia của thảo nguyên.  Té ra muỗi và rái cá quan hệ khăng khít, hang rái cá trở thành sào huyệtn của muỗi, còn sói lại là khắc tinh của rái cá.  Cháu chưa bao giờ thấy những điều này trong sách.

Ulichi nói: Thảo nguyên rất phức tạp, mọi chuyện móc xích với nhau, sói là mắt xích lớn nhất, mất mắt nào đều là m hỏng mắt xích lớn nhất này, nghề chăn nuôi trên thảo nguyên sẽ khó mà duy trì.  Cái lợi của sói đối với thảo nguyên không thể kể hết, tóm lại một câu, công nhiều hơn tội.

Ông già Pilich cười, nói: Nhưng mà rái cá cạn cũng không hoàn toàn xấu.  Da thịt, mỡ đều quý.  Da rái cá là thu nhập phụ quan trọng của mục dân.  Nhà nước dùng nó để đổi lấy xe hơi, đại bác.  Sói rất thông minh, không bao giờ giết hết rái cá, chừa lại hàng năm có cái ăn.  Mục dân cũng không giết hết rái cá, chỉ bắt con to không bắt con nhỏ.

Ba con ngựa chạy nhanh, lũ rái cá không biết sợ, tiếp tục đùa rỡn.  Đại bàng thảo nguyên liên tục bổ nhào, nhưng mười lần nhào xuống chín lần hụt.  Càng đi về phía đông bắc càng vắng, càng ít dấu vết con người, giếng ăn biến mất, cuối cùng phân ngựa cũng không thấy.

0O0

Ba người trèo lên một con dốc cao.  Dãy núi lớn xuất hiện phía xa xanh đến nỗi như không có thực.  Quả núi mà ba người vừa đi qua tuy đã khoác lên màu xanh mới, nhưng là xanh pha vàng cùng với màu vàng xỉn của cỏ thu năm ngoái.  Còn màu xanh của dãy núi xa, xanh như phẩm vẽ trên tấm phông nhà hát, như cảnh thần tiên trong tranh liên hoàn.  Ulichi giơ roi trỏ dãy núi, nói: Mùa thu năm ngoái đến đây, dãy núi một màu đen kịt.  Giờ toàn là màu xanh của cỏ, y như được khoác lên chiếc áo dài bằng lụa.  Ba con ngựa trông thấy núi xanh liền chạy nhanh hơn.  Ulihi chọn trảng cỏ độ dốc không lớn, dẫn hai người chạy vào.

Ba con ngựa chạy qua hai cái dốc đến một sườn núi xanh mượt, cỏ non xanh như lúa mạch, thuần chủng không một ngọn tạp, mùi thơm ngày càng đậm.  Vài bận đánh hơi, ông Pilich cảm thấy có gì không ổn, liền cúi xuống quan sát kỹ.  Hai con chó hình như đánh hơi thấy con mồi liền cắm đầu mà hít, chạy vòng quanh loạn cả lên.  Ông già nghiêng hẳn người xuống nhìn cỏ non cao nửa thước dưới chân ngựa.  Ông ngửng lên nói: Hai người ngửi xem nào!  Trần Trận hít một hơi thật sâu, liền ngửi thấy mùi nhựa cỏ thơm thơm như mùi cỏ tiết ra khi ngồi trên máy cắt cỏ vụ thu năm ngoái, lưỡi dao phạt cỏ chảy nhựa.  Trần Trận hỏi: Chẳng lẽ có người cắt cỏ ở đây?  Ai đến đây nhỉ?

Ông già xuống ngựa, dùng gậy vạch cỏ, tìm kỹ.  Lát sau, ông tìm thấy một cục màu vàng chanh trong bụi cây.  Ông bóp nhẹ một cái, lại đưa lên mũi ngửi, nói: Đây là phân dê vàng.  Dê vàng vừa qua đây.  Ulichi và Trần Trận đều xuống ngựa nhìn cục phân dê vàng trên tay ông già.  Mùa xuân phân dê vàng ẩm ướt, không thành nhón.  Hai người giật mình, tiến lên mấy bước, trảng cỏ xanh trước mặt như bị lưỡi hái phạt ngang, dõng một cọng, tây một cọng.  Chẳng lẽ có người đến tận đây cắt cỏ?

Trần Trận nói: Xuân này đỡ đẻ cho cừu, con không trông thấy con dê vàng nào, thì ra chúng đến đây ăn cỏ.  Chúng bứt mới khiếp chứ, hơn cả máy cắt cỏ.

Ulichi đẩy đạn lên nòng, gạt chót bảo hiểm, nói khẽ: Hàng năm vào mùa xuân, dê vàng thường về bãi chăn ăn tranh cỏ với đàn cừu đẻ, năm nay không về, chứng tỏ bãi cỏ ở đây tốt hơn nhiều so với bãi cừu đẻ.  Dê vàng cũng nghĩ như chúng ta.

Ông Pilich cười tít mắt, bảo ông Ulichi: Dê vàng kén cỏ rất ghê.  Chúng đã chọn trảng cỏ này mà ta không cho gia súc đến thì tiếc quá, xem ra lần này thì ông đúng rồi.

Ulichi nói: Chưa phán vội, còn xem nước uống ra sao đã!

Trần Trận đâm lo: Nhưng lúc này cừu còn non chưa thể đi xa.  Đợi chúng cứng cáp có thể lên đường cũng phải một tháng, khi ấy dê vàng đã ăn sạch cỏ.  Ông già nói: Đừng ngại, sói tinh hơn người, đàn dê vàng đã về đây, làm sao sói không về?  Lúc này cừu chưa đẻ xong, cừu mẹ, cừu con chưa đi đâu, đây là lúc sói bắt dê vàng tốt nhất, chỉ vài hôm sói sẽ đuổi sạch dê vàng.

Ulichi nói: Thảo nào tỉ lệ sống của cừu con năm nay cao thế.  Thì ra dê vàng và sói đều kéo về trảng cỏ này.  Dê vàng không về tranh ăn cỏ, sói cũng không về bắt cừu non, tỉ lệ sống cao là phải.

Nhắc đến sói, Trần Trận giục hai người lên ngựa.  Ba người lại vượt một con dốc.  Ulichi nhắc hai người qua một dốc lớn nữa là trảng cỏ lớn.  Ông đoán lúc này dê vàng và sói đều ở đó.

Sắp lên tới đỉnh dốc, cả ba xuống ngựa, khom người dắt ngựa đi lên, một tay ôm cổ chó.  Hai con chó biết có chuyện, liền bò theo chủ.  Tới chỗ hòn nham thạch, họ lấy thừng buộc chân trước của ngựa, rồi nấp sau tảng đá và trong bụi cây, dùng ống nhòm quan sát toàn cảnh trảng cỏ mới.

Rốt cuộc Trần Trận nhìn thấy mảnh đất còn trinh nguyên của vùng biên ải.  Có lẽ đây là đồng cỏ cuối cùng ở Trung Quốc, đẹp đến nghẹt thở, khiến cậu bất giác nhích lên một bước, trong đầu không còn nhớ đến vùng Cadac sông Đông.  Trần Trận mê mẩn quên cả sói.

Trước mặt là một bồn địa dọc ngang mấy chục dặm chưa hề lưu dấu chân người.  Phía đông là những dãy núi trùng điệp, chồng lên nhau như sóng biển, chạy dài mãi tận dãy Đại Hưng An.  Núi biếc núc xanh, núi nâu núi vàng, núi lam núi tía, xanh nâu vàng tía đuổi nhau, nối tiếp những cụm mây hồng phía chân trời.  Các phía bắc tây nam địa thế như lòng dĩa, chạy thoai thoải về giữa lòng chảo, trảng cỏ như một tấm thảm qua bàn tay ông trời xén tỉa, có đủ các màu xanh, trắng, vàng, hồng, như một bức tranh, xen giữa những vệt màu là những bông hoa dại, gắn kết các mảng màu, đẹp một cách hồn nhiên.

Một con sông tiêu chuẩn của thảo nguyên Mông Cổ từ khe núi phía đông nam chảy ra, gặp đất bằng liền uốn khúc, mỗi khúc là một hình móng ngựa to hoặc nhỏ, trông như những chiếc khuyên tai, vòng cổ hoặc xuyến cổ tay.  Hoặc như một cô dâu Mông Cổ trong ngày cưới, mải chơi quên mất mình là ai, hái hoa trên một đoạn đường rất dài trong một cự li ngắn.  Con sông càng gấp nhiều khúc càng dài, cuối cùng chui tụt vào một cái hồ chính giữa trảng cỏ nước trong vắt, mặt nước chảy trắng bồng bềnh trôi.

Giữa trảng cỏ là hồ thiên nga như trong mơ.  Nhìn qua ống nhòm từ xa, mười mấy con thiên nga trắng đẹp mắt, nhẹ nhàng bơi trên mặt hồ rộng, thụ hưởng cảnh yên bình nơi thiên quốc.  Xung quanh đám thiên nga là hàng ngàn vạn con nhạn, vịt  trời và những con chim không rõ tên.  Năm sáu con thiên nga đột nhiên bay lên kéo theo cả đám thủy cầm lượn thấp trên mặt hồ, vừa lượn vừa kêu vang như một giàn đồng ca.  Nước lặng, những chiếc lông vũ màu trắng bồng bềnh trôi.  Phía tây bắc hồ thiên nga có một cửa thoát, dẫn nước hồ tới bãi sậy rộng hàng vạn mẫu xa xa.

Có lẽ đây là cái hồ thiên nga còn ở dạng nguyên thủy, con người chưa hề động tới ở Trung Quốc.  Và cũng là cảnh đẹp thiên nhiên cuối cùng của Trung Quốc trên vùng biên phía bắc.  Trần Trận như mê đi, trong lòng vừa thích vừa lo.  Một khi người ngựa vào đây, cảnh đẹp sẽ mất biến, nhân dân Trung Quốc sẽ không còn được thấy cảnh đẹp nguyên sơ của thảo nguyên.  Cậu nghĩ, giá như con đường biên phòng chạy qua đây thì hay, nơi này mới đúng là khu cấm.

Ông Pilich và ông Ulichi dùng ống nhòm rà quét kỹ mục tiêu.  Ông già dùng mũi giày đụng nhẹ chân Trần Trận, bảo anh chú ý khúc sông thứ ba bên phải. Trần Trận sực tỉnh, hỏi lại vị trí cần để ý rồi mới giương ống nhòm lên.  Ở một khúc rộng có hai con dê vàng bị sa lầy đang cố sức trèo lên bờ, nửa thân sau vẫn chìm trong nước, hai chân sau hình như thụt trong bùn, hai chân trước gác lên bờ, nhưng không còn sức để nhảy lên.  Trên bãi cỏ bên cạnh nằm la liệt mười mấy con dê lớn, bụng rách toác... Trần Trận dịch ông nhòm lên chỗ cỏ cao.  Cậu giật mình khi thấy mấy con sói lớn đã lâu không gặp, nằm ngủ gật bên cạnh mấy cái xác dê.  Cỏ chỗ này hơi cao, cậu không biết sói có bao nhiêu con.

Ulichi và ông già sục sạo khắp các xó xỉnh, chĩa ống nhòm về dốc núi đông nam.  Nơi có dê vàng phân tán, từng nhóm hai ba con một hối hả gặm cỏ, bên cạnh dê mẹ thường có dê con... Trần Trận trông thấy một con dê mẹ vừa đẻ xong, đang liếm nhớt cho con, vừa liếm vừa nhìn quanh, con dê mới đẻ đang cố sức đứng dậy.  Chỉ cần đứng vững là dê chạy được ngay, và chạy nhanh, chó đuổi không kịp.  Nhưng mấy phút để đứng lên này có tính chất sống còn.  Trần Trận không biết nên như thế nào, hạ thủ sói trước hay hạ thủ dê vàng trước?

Ông già nói: Cậu thấy đấy, sói dám nằm ngủ thì biết người chẳng làm gì nổi chúng?  Xa quá, bắn k hông trúng.  Chúng ta ló mặt ra là cả dê lẫn sói chạy biến.  Ông Ulichi nói: Nhưng những con chạy không nổi thì thuộc về chúng ta, vừa đúng bữa trưa.

Ba người nhằm phía bờ sông chạy tới.  Người ngựa vừa ló dạng, đàn sói đã nhanh như tên bắn chia nhiều ngả chạy về phía núi cao phía đông, lát sau đã khuất sau bãi sậy.  Dê vàng cũng nhanh như chớp vọt lên núi, chỉ còn lại mấy con sa lầy và một con mới sinh.

Ba người tới bên khúc song, từ cửa khẩu rộng năm sáu mét bước vào mảnh đất bên trong vòng cung uốn lượn của dòng sông rộng chừng một mẫu ta, ba mặt là nước, lòng sông rộng chừng ba bốn mét, sâu một mét, nước trong suốt nhìn thấy đáy. Đáy sông có chỗ là cát, chỗ đất bùn.  Bờ sông cao một mét, thẳng đứng.  Khúc sông có bãi cát thì bờ thoai thoải, trên bãi cỏ có hơn chục xác dê vàng, phần lớn nội tạng đã bị sói ăn mất.  Một con dê vàng bị sa lầy không cựa quậy được, có mấy con chân vẫn đang giật, vết cắn trên cổ đang chảy máu. Ông già Pilich nói: Sáng sớm dê vàng đến uống nước bị sói bủa vây.

Trần Trận từng nhiều lần chứng kiến chiến thuật bủa vây của sói, nhưng lợi dụng ba mặt là nước để bao vây thì đây là lần thứ nhất.  Cậu ngồi trên ngựa nghiền ngẫm chiến thuật này của sói.

Ulichi nói: Cậu xem, đàn sói tinh vinh đấy chứ!  Bọn chúng nấp  trong cỏ rậm từ đêm trước, khi đàn dê tới uống nước, chúng bịt chặt cửa khẩu là đàn dê bị nhốt bên trong.  Mỗi vòng lượn của sông là một cái túi, sói bịt miệng túi là có một túi thịt.

Ông già cười, hỏi: Lần này thì cậu thấy rồi đấy, ông trời ủng hộ sói.  Cậu thấy dòng sông lượn đi lượn lại, bao nhiêu khúc là bây nhiêu bãi vây.  Tôi bảo, sói là con cưng của trời, đúng chưa nào?

Trần Trận nói: Bãi vây kiểu này có muốn cũng tìm không ra, vậy mà xuất hiện một lúc hơn chục bãi, đúng là trời rất ưu ái sói.  Mà sói cũng rất thông mình, sử dụng ngay những bẫy này mà lại rất hiểu quả.

Ông Ulichi nói: về mặt lợi dụng thời tiết và địa hình thì sói hơn người nhiều.

Hai con chó thấy chỗ nào cũng có thịt vương vãi thì không vội ăn.  Balua không thèm ăn thừa của sói, nhảy sổ vào một con dê chưa chết hẳn, chẹn cổ con vật rồi nhìn ông Pilich.  Ông già gật đầu, bảo: Ăn đi!  Balua cắn cho con dê chết hẳn rồi xé một miếng bắp to, nhai ngấu nghiến.  Nhị Lang thấy con mồi máu me đầy mình thì nổi máu sát sinh, lông dựng lên như sói.  Nó chạy tới chỗ hai con dê sa lầy.  Trần Trận và ông Pilich quát nó quay lại.  Nhị Lang không chịu thôi.  Nó chồm lên xác một con dê nhìn quanh, cuối cùng thấy một con dê còn sống dưới sông, liền nhào xuống nước bơi tới.  Ông già không ngăn Trần Trận, bảo: Con này thú tính còn nhiều, để nó giết con mồi thì sẽ không ăn thịt cừu nhà.

Ba người đi tới bờ sông.  Ông già tháo cuộn dây da dưới yên ngựa, tết một cái thòng lọng.  Trần Trận tháo ủng, xắn quần lội ra cầm thòng lọng tròng cổ con mồi, ông Pilich và Ulichi kéo nó lên bờ quật ngã rồi trói chặt bốn chân.  Hai người còn lôi một con khác ra khỏi bãi cỏ đầy máu me, chọn chỗ sạch ăn trưa.  Ông già bảo, ăn một con, đem về một con.  Ông Ulichi cầm dao làm thịt dê.  Ông Pilich nhìn quanh rồi dẫn Trần Trận đi kiếm củi.

Hai người cưỡi ngựa đến một khe sâu ở mạn tây bắc quả núi, mọc đầy những cây hạnh rừng, phần lớn còn sống, thân cao khoảng một mét, có rất nhiều cành khô.  Hoa hạnh vừa tàn, cánh hoa rơi trắng đất, không khí trong khe núi có vị đắng.  Hạt hạnh xếp lớp dưới đáy khe.  Trần Trận và ông Pilich bẻ đầy hai ôm củi dùng dây da bó chặt rồi cho ngựa kéo về chỗ ăn trưa.  Ulichi đã lột da con dê, thái miếng quá nửa chỗ thịt, còn kiếm được ít hành dại và rau phỉ ở bờ sông.  Trần Trận thấy những cọng rau phỉ to bằng chiếc đũa.

Ba người tháo hàm thiết, gỡ yên cho ngựa.  Ba con ngựa rùng mình rồi hối hả lao tới chỗ dốc thấp, xuống hồ uống ngon lành.  Ông Pilich cả mừng, nói: Nước lành!  Nưới lành!  Chọn bãi chăn mùa hạ, trước hết chọn nước uống.  Ba con ngựa uống căng bụng mới ngửng lên, chậm rãi đi lên bãi cỏ xanh non, vừa gặm vừa khịt mũi.

Lửa đã được nhen lên, lần đầu tiên mùi thịt dê nướng bay trong không khí tinh khiết hồ thiên nga, kèm theo mùi hành dại, mùi rau phỉ, mùi tương ớt và mùi mỡ.  Gần hố quá, lớp sậy già chưa bị cháy hết và lớp sậy mới mọc cao hơn đầu người che khuất mặt hồ, khiến Trần Trận không  thể vừa ăn thịt uống rượu, vừa ngắm thiên nga và mặt hồ.  Cậu liên tục lật xiên thịt.  Thịt dê tươi đến mức tưởng như đang cựa quậy trên bếp lửa.  Ba người ra đi từ lúc trời chưa sáng, giờ đã đói ngấu.  Ăn kèm muối ớt và hành dại, Trần Trận ngốn hết xâu này đến xâu khác, uống từng ngụm rượu trong chiếc bi đông của ông già.  Cậu nói: Đây là lần thứ hai cháu ăn thức ăn của sói.  Thức ăn của sói ngon nhất thiên hạ, ăn đúng nơi săn bắt lại càng ngon. Thảo này ngày xưa các vị hoàng đế cứ thích đi săn trên thảo nguyên Mông Cổ.

Ulichi và ông già Pilich cầm đùi dê trực tiếp nước trên than hồng, nướng chín lớp nào, cùng dao lạng ra lớp ấy để ăn, rồi lại khía từng nhát, rắc muối tiêu nướng tiếp.  Ông già ngon miệng, ăn hết lớp nọ đến lớp kia.  Ngửa cổ tớp một ngụm rượu, ông nói: Có thêm bãi chăn mới này, tôi yên tâm.  Đợi hai mươi hôm nữa, lũ cừu non có thể đi xa, cả đội sẽ dọn đến đây.  Vậy nhé.

Ulichi quấn thịt xung quanh cọng hàng cắn một miếng, hỏi: Cả đội đến cùng ông?  Ông già nói: Dê vàng và sói đã đến, người không đến sao được?  Cỏ không ngon thì dê vàng có đến không?  Dê vàng không nhiều thì sói có đến không?  Tôi đem con dê này về, mai họp hội nghị cán bộ, mời mọi người ăn bữa nem cuốn thịt dê vàng.  Họ mà biết nơi đây cỏ ngon, nước lành, tranh nhau đến cho mà xem.  Bãi chăn mùa hạ chỉ cỏ tốt không đủ, mà nước cũng phải ngon, mùa hè sợ nhất nước tù, thiếu nước hoặc nước bẩn, gia súc uống vào bị bệnh.  Mùa hề vỗ béo gia súc, nước không tốt thì vỗ béo thế nào?

Ulichi nói: Nếu như còn bất đồng ý kiến, tôi sẽ dẫn họ lên đây.

Ông già cười khà, nói: Khỏi cần, tôi là sói đầu đàn, tôi mà đi thì sói lớn sói nhỏ đi theo.  Xưa nay đi theo tôi chưa bao giờ bị thiệt.  Ông già ngó Trần Trận, hỏi: Cậu đi cùng tôi nhiều đợt, đã bị thiệt bao giờ chưa?

Trần Trận cười: Đi theo sói đại vương toàn ăn no uống say.  Bọn Dương Khắc rất muốn đi theo bố.

Ulichi nói: Vậy thì nhất trí.  Tôi về mục trường họp bàn chuyện di dời.  Những năm gần đây, cấp trên giao chỉ tiêu nặng quá, thở không ra hơi.  Mở thêm bãi chăn này, ta ung dung được bốn năm năm.

Trần Trận hỏi: Nếu như sau bốn năm năm, mục trường ta có phát triển bãi chăn mới nữa không?

Ulichi thoáng buồn: Phía bắc là đường biên, tây và nam đều của công xã khác, phía đông bắc núi quá cao lại toàn là núi đá, tôi đã đi hai lần, không còn chỗ nào cho chăn nuôi.

Trần Trận hỏi: Vậy sau này sẽ ra sao?

Ulichi nói: Chỉ còn cách khống chế số lượng, nâng cao chất lượng.  Thí dự, phát triển giống cừu Tân Cương chất lượng cao.  Giống cừu này cho len gấp ba, giá cả gấp bốn cừu bản địa, một cân len cừu bản địa giá một tệ, len chất lượng cao giá bốn tệ.  Cậu thử tính hơn kém nhau bao nhiêu?  Lông cừu là nguồn thu nhập chính của ta.  Trần Trận tán thành biện pháp này.  Nhưng Ulichi thở dài, nói: Trung Quốc người đông, tôi cho rằng chỉ vài năm nữa sẽ lại thiếu bãi chăn.  Chẳng hiểu những  thằng già này về hưu, cánh trẻ các cậu xoay xở ra sao?

Ông Pilich lừ mắt: Ông phải tích cực phản ánh lên trên, không nên áp dụng chỉ tiêu cao quá.  Trời vàng lên rồi, đất lộn tùng phèo lên rồi, cát vàng sắp chôn vùi người rồi.

Ulichi lắc đầu: Ai nghe ông, bây giờ cán bộ khẩn hoang nắm quyền.  Cán bộ nông nghieiejp văn hóa cao hơn cán bộ du mục, tiếng Hán cũng nói trôi chảy.  Vả lại hiện giờ cán bộ du mục đang tranh nhau đi săn bắt sói, đang tăng số đầu gia súc.  Những cán bộ không biết gì về thảo nguyên lại được đề bạt nhanh.

Ba con ngựa no căng đang nhắm mắt ngủ gật.  Con Nhị Lang đã về, ướt như chuột lột, đầu đầy máu, bụng to như cái thùng tô nô, cách người mười mấy bước thì dừng lại.  Balua hình như biết Nhị Lang đi làm những gì, trợn mắt giận dữ.  Lát sau hai con xông vào nhau, Trần Trận và ông già phải gỡ chúng ra.

Ulichi lại dẫn hai người dạo một nửa vòng bãi chăn, vừa đi vừa bàn với ông già địa điểm dựng lều của toàn đội.  Trần Trận tranh thủ tận hưởng cảnh đẹp.  Cậu không hiểu cậu về thảo nguyên hay chốn bồng lai.  Cậu rất muốn ở lại, không về nữa.

Trở lại chỗ cũ, ba người bắt tay lột da, xẻ thịt con dê.  Trần Trận bất giác sinh lòng thương cảm.  Cái không khí lãng mạn bị hai bàn tay đầy máu tanh tưởi đẩy lùi.  Trần Trận buồn rầu hỏi ông già: Mùa đông đàn sói giết dê vàng là để sang xuân có thức ăn.  Nhưng mùa hè chúng giết nhiều dê vàng như thế để làm gì?  Mấy khúc sông hình như có rất nhiều xác dê vàng, vài hôm nữa thối rữa còn uống sao được?  Sói thích giết bừa bãi.

Ông già nói: Đàn sói giết bấy nhiêu dê vàng không để chơi, cũng không để ra oai.  Chúng phải dành thức ăn cho những con già yếu.  Hổ báo vì sao không trụ lại được trên thảo nguyên?  Sói vfi sao bá chủ thảo nguyên?  Bởi vì sói đồng lòng hơn hổ báo.  Hổ báo bắt được mồi ăn một mình không thèm đoái hoài đến vợ con, già trẻ lớn bé.  Sói thì không thế, sói săn mồi vì bản thân cũng vì bầy đàn, vì những con già yếu, thọt chân, mù dở, ốm đau và sói mẹ vừa sinh nở không theo kịp đàn.  Cậu đừng nghĩ dê vàng bị hạ sát hàng loạt, đêm nay con sói đầu đàn chỉ tru lên một tiếng là toàn bộ sói vùng Ơlon và cả những họ hàng thân thích nhà sói sẽ kéo về đây chén sạch trong một đêm, một con nghĩ đến đàn, cả đàn nghỉ đến một con, sói mới thành đàn, sói đàn chiến đấu mới khiếp.  Có khi sói chúa chỉ gọi một tiếng là hàng trăm con sói ùa đến đánh đòn hội đồng.  Nghe người già nói, thảo nguyên vốn có hổ nhưng đã bị sói đuổi đi.  Sói chăm sóc gia đình sói hơn người, đoàn kết hơn người.

Ông già thở dài, nói: Người Mông Cổ học sói đến nơi đến chốn là thời Thành Cát Tư Hãn.  Các bộ lạc Mông Cổ là những bánh xe sắt, là bó tên, người tuy ít nhưng sức mạnh thì lớn, ai cũng sẵn sàng hi sinh vì bà mẹ thảo nguyên.  Nếu không làm sao chiếm được nửa thế giới?  Sau đó Mông Cổ vì mất đoàn kết mà thua.  Các bộ lạc anh em, các gia tộc vàng tàn sát lẫn nhau.  Mỗi bộ lạc như mũi tên tách khỏi bó tên, bị người ta bẻ gãy từng chiếc một.  Con người không đồng lòng bằng sói.  Tài trận mạc của sói có thể học, nhưng tài đoàn kết của sói thì khó học.  Người Mông Cổ học đã mấy trăm năm mà vẫn chưa thành tài.  Thôi chẳng nói nữa, nói ra càng đau lòng...

Trần Trận ngắm trảng cỏ đẹp đến nao lòng, suy nghĩ miên man.

Ông già dùng da dê gói thịt rồi nhét vào bao tải.  Trần Trận chuẩn bị yên cương cho ông.  Ông già cùng ông Ulichi mỗi người chất một bao tải lên sau yên, dùng dây da buộc chặt.

Ba con ngựa phóng như bay về khu lều trại.