Tôtem Sói

Chương 22

Tộc Mãn và Thần Sói Đen được một số saman Đacachi, Ơlônxun, Ngạc Ông Khắc sùng bái. Thần Sói Đen dũng cảm vô địch, coi cái ác như kẻ thù, là hộ thần và trợ thủ của saman trong trừ hung diệt bạo. Hễ những ai gặp ma quái hung tợn, gian giảo, đêm đêm làm điều ác, đều nhờ Thần Sói Đen dùng mưu nuốt chửng trong bóng tối. Thần Sói Đen là sói điên, nhưng cũng là sát thủ cũng những ác ma.

- Phúc Dục Quang “Saman luận”

Lại đến phiên Trần Trận gác đêm. Có Nhị Lang canh giữ đàn cừu, Trần Trận có thể vừa gác vừa đọc sách hoặc ghi nhật ký trong lều. Để khỏi ảnh hưởng đến giấc ngủ của hai bạn, cậu kê bàn bên cạnh cửa lều, lại còn che hai bên hai quyển sách dày chắn ánh đèn. Bãi chăn im ắng, không nghe tiếng sói tru, ba con chó suốt đêm không sủa nhưng lúc nào cũng dỏng tai cảnh giác. Cậu ra bên ngoài có một lần, cầm đèn pin đi một vòng quanh đàn cừu. Con Nhị Lang luôn nằm canh góc tây bắc khiến  Trần Trận yên tâm. Cậu xoa đầu con Nhị Lang tỏ ý cảm ơn. Trở lại lều, cậu cũng không dám ngủ ngay mà còn xem sách đến quá nửa đêm. Sáng hôm sau thức dậy, công việc đầu tiên của cậu là cho sói con ăn.

Từ khi đẽn bãi chăn mới, trời rạng sang là sói con như nằm rình mồi, mắt nhìn không chớp cánh cửa gỗ của căn lều Mông Cổ, nơi để chậu thức ăn. Trong con mắt sói con, cái chậu là con mồi di động. Nó biết chờ đợi thời cơ như sói mẹ, đợi “con mồi” đến gần mới tập kích. Do vậy thức ăn đưa đến miệng, nó coi là săn được chứ không phải người ta đem đến cho.Sói con vẫn giữ tính độc lập của loài sói. Trần Trận cũng cố ý ra vẻ sợ hãi lùi lại mấy bước, nhưng thường thì vui vẻ kêu lên.

Trên thảo nguyên Mông Cổ trước khi mùa mưa bắt đầu, thường có những ngày oi bức, thời tiết năm nay nóng hơn năm ngoái. Trần Trận cảm thấy mặt trời trên thảo nguyên Mông Cổ không những mọc sớm hơn, mà hình như thấp hơn dưới xuôi. Mới mười giờ sang mà đã nóng như giữa trưa hè. Ánh nắng gay gắt đốt cháy cỏ xung quanh lều, thân cỏ rỗng giữa như kim tiêm. Muỗi chưa ra, nhưng nhặng xanh bay vù vù như ong, tấn công toàn diện người và gia súc. Nhặng xanh chuyên tấn công vào đầu, mắt, mũi, khoé miệng và vết thương trên người và gia súc, hoặc bám trên những súc thịt cừu còn máu. Con Vàng thường đớp rất nhanh một con nhặng, cắn chết rồi phun ra. Lát sau, xung quanh con Vàng đã có rất nhiều xác nhặng to như hạt dưa hấu.

Nắng ngày càng gắt, mặt đất bốc hơi, toàn bộ bãi chân như một cái chảo sao chè khổng lồ, nóng hầm hập, cỏ non đã biến thành những tôm chè đen kịt. Lũ chó nằm tập trung dưới mái lều phía bắc hình cánh cung chật hẹp, miệng há hốc, lưỡi thè dài, bụng phập phồng gấp gáp. Trần Trận không thấy con Nhị Lang trong bóng râm, gọi hai ba tiếng cũng không thấy chạy ra. Chắc nó chuồn đi chơi, có lẽ ra song hóng mát. Nhị Lang làm tròn trách nhiệm khi trực đêm, không ai trong đội còn gọi nó là chó hoang, nhưng hễ trời sang, đêm trực kết thúc, nó thích đi đâu là nó đi, không như con Vàng và con Ilưa ban ngày vẫn trông nhà.

Lúc này tình hình sói con hơi gày. Dưới nắng gắt, sợi xích nóng bỏng, nó phơi mình dưới nắng, không có gì che chắn. Cỏ trong phạm vi chuồng bị giẫm nát, chết khô, cái chuồng đã biến thành miếng đất hình tròn toàn cát, y như một cái chảo đáy bằng đặt trên lò, bên trong là cát bỏng. Còn sói con thì như một hạt giẻ bị rang khô cháy sắp nứt vỏ. Tội nghiệp sói con, nó không những bị tù, mà còn bị tra tấn bằng lửa như một trọng phạm.

Thấy cửa mở, sói con vụt đứng dậy bằng hai chân sau, xích sắt thít chặt lè lưỡi, hai chân trước như đánh trống trong không khí. Lúc này cái nó cần không phải là bóng râm, cũng không phải là nước uống, mà là cái ăn. Sói con ăn bằng trời. Mấy ngày nay Trần Trận thấy sói con không hề bị cái nóng mà bỏ cơm, trái lại càng nóng nó càng ăn khoẻ. Sói con ra sức vẫy, ra hiệu cho Trần Trận bê chậu thức ăn vào chuồng, nó “cướp” lấy “con mồi”, rồi đuổi Trần Trận đi.

Trần Trận lo quá. Thảo nguyên vào hè, theo tập quán, mục dân ăn sữa là chính, thịt giảm nhiều. Hàng ngày một bữa trà một bữa cơm, thịt vụn không thấy nữa. Món chính biến thành những món có bột: Bánh mỳ, kê, gạo rang và các phế phẩm từ sữa; sữa đậu, sữa chua, bơ, phù chúc… Mục dân mùa hè thích sữa tươi, nhưng đám thanh niên trí thức chưa học đựơc cách làm món ăn từ sữa, một phần là vì không quen ăn sữa hay thịt; quan trọng hơn là thanh niên trí thức không chịu nổi vất vả của chế biến sữa. Không ai thích ba giờ sang đã dậy vắt sữa trong bốn năm tiếng đồng hồ, rồi luôn tay khuấy sữa chua trong thùng bằng chiếc đũa cả, càng không thích buổi chiều năm giờ khi bò về chuồng, vắt bốn năm tiếng đồng hồ sữa bò. Và hôm sau thì hàng loạt công việc lao động chân tay: đun sôi, ép, cắt, phơi. Thanh niên trí thức vui lòng gặm bánh mỳ, bánh chay, cũng không thích chế biến sản phẩm từ sữa. Mùa hè mục dân chế biến sữa, thanh niên trí thức đi hái rau dại: hành, tỏi dại, mã lien phỉ, rau cúc, rau khúc, bồ công anh… Còn có một loại rau mà hộ ngụ cư gọi là “halacai”, lá to, cay như ớt. Mùa hè ngừng ăn thịt, mục dân và đám thanh niên trí thức có dịp thay đổi khẩu vị, chỉ Trần Trận và sói con là khổ.

Mùa hè dân tộc thảo nguyên rất ít khi thịt cừu. Một là khi thịt một con cừu, phần lớn không có cách bảo quản, trời nóng, ruồi nhặng nhiều, chỉ hai hôm là thối, có giòi. Cách làm của mục dân là cắt thịt thành thẻo to bằng ngón tay, lăn bột mỳ để chống nhặng đẻ trứng, sau đó đem hong ở một chỗ thoáng mát trong lều cho đến khô. Hàng ngày thái một hai thẻo cho vào bát mỳ, gọi là có vị thịt. Nếu gặp những ngày ẩm ướt lien tục, thịt sẽ thối, sinh giòi. Hai là, mùa hè cừu tích nước mỡ để sang thu tạo mỡ. Khi chưa béo, con cừu chỉ là cái khung, thịt mỏng, mỡ ít, vị kém, mục dân không thích ăn. Hơn nữa mùa hè cừu vừa cắt lông, da cừu bán không được tiền, phải sang thu lông dày mới lấy được nhiều len. Ông Pilich nói: Giết cừu vào mùa hạ thì chẳng khác nông dân nhổ lúa vào mùa xuân để ăn đỡ đói.

Ơlôn tuy dân số ít, đàn gia súc khổng lồ, nhưng chính sách vẫn không cho ăn nhiều thịt. Vào cái thời dầu mỡ thiếu thốn, thịt cung cấp theo định lượng nhỏ giọt, mỗi con cừu đều là động vật quý hiếm.

Đám thanh niên trí thức ăn no thịt liên tục ba mùa thu đông xuân, nay thiếu thịt thì không chịu nổi, bèn xin tổ phá lệ, nhưng không được chấp thuận. Caxưmai thấy Trần Trận bước vào cửa là vừa cười vừa bê ra cho cậu ăn váng sữa, phù chúc trộn đường kính, lại còn chuẩn bị cho cậu rất nhiều sản phẩm từ sữa tươi, khiến cậu không dám mở miệng xin giết cừu. Thảng hoặc thanh niên trí thức ở tổ nào đấy được giết mổ một con, lập tức đem đi nửa số thịt chia cho các bạn học ở tổ khác, để mọi người cứ ít hôm lại được ăn một chút thịt tươi, nhưng như vậy, thịt hong khói của các nhà ngày càng ít.

Người thì tạm được, nhưng sói con thì sao?

Hôm ấy Trần Trần trước tiên bỏ vào chậu một thẻo thịt hong cho sói con ăn. Sau đó cậu vội cầm chậu trở về lều nghĩ cách. Cậu ngồi xuống ăn sáng, nhìn thấy miếng thịt cừu khô bé tí trong nồi, chần chừ một lát rồi nhặt ra bỏ vào chậu của con sói. Khác vói chó, sói không ăn cháo kê hoặc cơm kê không có mùi thịt. Không có thịt hoặc xương, sói con đứng ngồi không yên, nổi cáu cắn dây xích.

Trần Trận ăn hai bát mì thịt khô với dưa muối, chỗ còn lại trong nồi, cậu trút hết vào chậu rồi dùng que củi khuấy cho mấy miếng thịt khô lộn lên trên cho con sói trông thấy. Cậu bê chậu lên ngửi, thấy mùi thịt cừu còn nhạt, nên định bụng lấy thêm ít mỡ cừu để thắp đèn cho vào chậu. Trời nóng, mỡ cừu đựng trong lon bắt đầu mềm ra, may mà sói thích thịt động vật ôi, mỡ cừu vẫn là món ngon của sói. Trong lều còn hai lọ mỡ cừu từ mùa thu còn lại dung để đọc sách, đủ đến sang thu hay không cũng khó nói. Nhưng giờ đang là thời kỳ quan trọng, sói con phát triển xương, cậu đành bấm bụng chịu đau, cắt bỏ một số thời gian đọc sách. Có điều, cậu vẫn không bỏ được thói quan, ngày nào cũng đọc, xem ra lần này đành muối mặt đến xin Caxưmai vậy. Ông Pilich và Caxưmai khi biết các cậu thiếu mỡ thắp đèn, nhất định sẽ cấp đủ cho cậu. Mùa hè quá bận quá mệt, cậu kể chuyện lịch sử cho ông già nghe và nghe ông kể chuyện ngày càng ít.

Trần Trận múc một thìa mỡ cừu trong lọ trộn vào cháo nóng, mỡ nổi váng trên mặt chậu. Cậu đưa lên mũi ngửi, toàn mùi mỡ cừu, coi như con sói có một bữa ngon. Cậu lại trút nửa nồi cháo kê vào chậu nhưng lại tiếc chưa muốn cho mỡ cừu vào. Mùa hè thịt ít, hàng năm chó thảo nguyên có một số ngày nửa đói nửa no.

Mở cửa ra,lũ chó đã vây kín bên ngoài. Trần Trận cho chó ăn trước. Đợi chó ăn xong liếm sách chậu, lui ra chỗ bong râm của căn lều, Trần Trận mới bê chậu thức ăn ra chỗ sói con, vừa đi vừa gọi như mọi ngày: Sói con… sói con… ăn cơm! Con sói mong đã đỏ mắt, giằng xích gần như nghẹt thở.Trần Trận đẩy cái chậu đến trước mặt con sói rồi  lùi lại hai bước, đứng nhìn sói ăn như ăn cướp, hình như nó rất bằng lòng về bữa ăn này.

Ngày nào cho sói ăn cũng phải gọi, bữa nào cũng phải nói câu trên, Trần Trận rất mong sói con sẽ nhớ ơn cậu, coi cậu là người bạn khác loài. Cậu thường nghĩ, rồi có ngày cậu lấy vợ sinh con, chưa chắc cậu đã có tình cảm như thế đối với con trai. Cậu tin rằng loài sói có ma lực, trong rừng sâu của thảo nguyên đói khát, sói mẹ nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi bằng sữa của nó. Đàn sói chăm nom bảo vệ thằng bé (con bé) và nuôi thằng bé (con bé) thành sói. Nếu không có tình cảm siêu nhân loại siêu sói thì không thể ra đời loại “thần thoại” đó. Từ khi nuôi con sói, Trần Trận luôn bị những giấc mơ như trong thần thoại và ảo tưởng quấy rầy. Khi học tiểu học, cậu từng đọc một truyện của Liên Xô, kể rằng một người thợ săn cứu một con sói, sau khi chữa lành vết thương cho nó, ông thả nó về rừng. Về sau, một buổi sáng mở cửa đã thấy trên tuyết có bảy con thỏ lớn và hai hang dấu chân sói… Đây là lần đầu tiên Trần Trận được đọc một truyện kể về tình hữu nghị giữa sói và người, khác hẳn với sách và phim ảnh đương thời nói về quan hệ giữa sói và người, kể toàn những chuyện bà ngoại sói, sói ăn thịt cừu, sói moi tim gan trẻ em… thậm chí con sói dưới ngòi bút Lỗ Tấn cũng tàn bạo có truyền thống. Vì vậy cậu rất mê cuốn tiểu thuyết của Liên Xô, nhiều năm vẫn không quên. Cậu thường mơ thấy mình là người thợ săn lội tuyết vào rừng chơi với các bạn sói, vật nhau với sói trên tuyết, cưỡi sói phi trên thảo nguyên.

Vậy mà giờ đây cậu có một con sói bằng xương bằng thịt, có thể sở mó được. Chỉ cần cho nó ăn no là cậu có thể vật nhau với nó. Cậu đã từng vật nhau với nó mấy bận rồi. Giấc mơ của cậu đã thực hiện được một nửa, còn nửa sau… cậu không dám nghĩ tiếp- Con sói lớn lên cho cậu một lũ bécgiê, rồi trở về với đàn sói. Trần Trận thường mơ thấy mình cưỡi ngựa bạch dẫn đàn bécgiê vào rừng sâu, gọi vào trong núi: Sói con… sói con… ăn cơm! Tôi đến đây, tôi đến rồi đây! Thế là trong ánh hoàng hôn mênh mang, một sói chúa xanh biếc màu thép, mạnh mẽ như hổ lang, dẫn một đàn sói vừa tru vừa sủa chạy ra đón… Tiếc rằng đây là khu du mục thảo nguyên, không phải rừng sâu, lều trại có thợ săn, chó săn, súng trường và thòng lọng. Mà dù sói con lớn lên trở về với thiên nhiên, cũng khó có thể tha bảy con thỏ lớn đến trước cửa lều làm quà tặng cậu.

Trần Trận thấy trong huyết quản hình như đang sục sôi dòng máu dân tộc du mục. Tuy tổ tiên cậu là nông dân chính hiệu, nhưng cậu vẫn cảm thấy hình như cậu không phải là hậu duệ của dân tộc nông canh, không thực tế, thực sự, thực dụng, thực lợi như nho sĩ Hoa Hạ coi mộng mơ ảo tưởng như kẻ thù. Trần Trận đã thực hiện được một nửa giấc mơ, còn một nửa rất khó khăn nữa cậu phải dũng cảm thực hiện nốt. Cậu hi vọng thảo nguyên sẽ khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần mạo hiểm và những giấc mơ cậu ấp ủ từ lâu.

Sói con liếm sạch chậu thức ăn. Nó đã dài hơn nửa mét, sau khi đã ăn no, nó có vẻ lớn hơn, oai vệ hơn. Trần Trận đem cái chậu về chỗ cửa lều, chuồng của sói con. Giờ thì cậu đã có thể chơi đùa với nó. Cậu bế nó môt lúc rồi lật ngửa nó đặt trên hai chân cậu duỗi thẳng, xoa bóp nhẹ vùng bụng cho nó. Trên thảo nguyên, khi chó và sói cắn xé nhau, bụng là nơi quan trọng nhất để công kích, bụng bị xé rách thì chết là cái chắc. Do vậy, chó và sói không khi nào giơ bụng ra trước mặt kẻ đồng loại hoặc khác loại không đáng tin. Tuy con sói của Đanchi vì cắn con trai anh ta mà bị đập chết, nhưng Trần Trận vẫn giơ ngón tay cho sói con ôm lấy mà liếm, mà cắn nhẹ. Cậu tin cón sói không cắn thật, nó gặm ngón tay cậu cũng going như nó cắn anh chị em nhà nó, không rách da chảy máu. Con sói đã dám phơi bụng ra với cậu, sao cậu không dám giơ tay cho nó cắn? Cậu nhìn thấy tình bạn và lòng tin trong đôi mắt nó.

Gần trưa, cái nắng dữ dội trên cao nguyên đốt cháy ngọn cỏ rỗng thân, phần lớn cỏ trên đồng héo rũ, sói con lại bắt đầu chịu cực hình. Nó há miệng mà thở, đầu lưỡi nước nhỏ giọt. Trần Trận lật tất cả thảm tường lên nóc, căn lều tám phía thông gió, trông giống cái đình hóng mát hoặc như một lồng chim khổng lồ. Trong lều, cậu có thể vừa đọc sách vừa để ý con sói, cân nhắc xem có nên giúp nó không? Xưa nay sói thảo nguyên không hề sợ khí hậu khắc nghiệt, con nào sợ liền bị thảo nguyên loại bỏ không thương tiếc, tồn tại được đều là loại sừng sỏ mình đồng da sắt. Nhưng nếu quá nóng, sói thảo nguyên thường ẩn dưới ghềnh đá. Trần Trận nghe ông già Pilich nói, mùa hè gặp chỗ râm mát thì đừng vội cho cừu dừng lại, mà phải tiến lên thăm thú trước, xem có sói “phục kích” không?

Trần Trận chưa tìm ra cách giúp con sói chống nóng. Trước tiên cậu muốn biết khả năng chịu đựng của nó. Gió thổi vào lều cũng bắt đầu nóng lên. Đàn bò đã ngừng ăn, tất cả nằm xuống bãi lầy bên sông. Đàn cừu phía xa phần lớn nằm ngủ nơi đầu gió. Trên đỉnh núi xuất hiện những lều vải trắng hình tam giác. Các dương quan chịu không nổi, liền cắm nghiêng cây sào thòng lọng vào hang rái cá, cới áo ngoài vắt lên, vậy là đã có một cái lều che nắng hình tam giác, rất được việc. Trong lều thường có hai người, một người ngủ, một người trông hai đàn cừu. Lều tam giác chỉ xuất hiện khi thảo nguyên rất nóng. Trần Trận bắt đầu ngồi không yên.

Sói con đã khốn khổ vì nắng nóng, nó đứng ngồi không yên, mặt đất bốc hơi, con sói bốn chân luân phiên đổi chỗ, nó ngó quanh tìm lũ chó cún, khi thấy chúng nằm dưới bóng râm của cỗ xe bò, nó tức điên giằng xích loảng xoảng. Trần Trần chạy ra. Cậu lo con sói sẽ bị say nắng và chắc chắn ông thú y không chữa cho nó. Làm sao bây giờ? Thảo nguyên gió to, chỉ có áo mưa, không có ô, và cũng không thể kiếm cho nó một cái dù che nắng. Vậy thì đẩy cỗ xe bò đến cho nó nằm dưới. Nhưng cỗ xe kết cấu quá phức tạp, không khéo xích cuốn vào trục, con sói sẽ chết vì ngạt thở. Tốt nhất là dựng cho nó một cái lều ba góc như của dương quan nhưng cậu không dám. Người và gia súc đều phơi nắng ngoài trời, giờ lại có người làm lều tránh nắng cho sói, đó là “tình cảm giai cấp” gì? Riêng chuyện này cũng đủ để những người phản đối đàm tiếu. Dạo này mọi người đều bận, gần như quên hẳn con sói. Đã nuôi trộm lại còn rêu rao! Trần Trận không dám làm điều gì khiến người ta nhắc đến con sói.

Trần Trận múc nửa chậu nước từ xe chở nước đem đến cho con sói. Nó vục đầu đánh lưỡi uống sạch rồi nhanh nhẹn đến trú dưới cái bóng của Trần Trận để tránh nóng. Trần Trận đứng một lúc thấy sau gáy nóng ran. Sợ bị cảm, cậu ra chỗ xe nước múc nửa thùng đổ vào chuồng, mặt đất lập tức bốc hơi, con sói vội nằm xuống vì nó đã đứng liền mấy tiếng đồng hồ. Nhưng chỉ lát sau mặt đất đã lại khô, con sói lại chạy quanh. Trần Trận không còn cách nào khác, cậu không thể lúc lúc lại đổ, mà dù có như thế thì lúc cho đàn cừu đi xa, cậu làm thế nào?

Trần Trận vào trong lều. Cậu không thể tiếp tục đọc sách. Cậu bắt đầu lo cho con sói, sợ nó say nắng gầy đi, thậm chí say nắng mà chết. Cậu không ngờ bảo đảm an toàn cho người và gia súc, lại không an toàn cho con sói. Nếu như định cư ở một chỗ, chí ít con sói có bóng râm của bức tường. Chẳng lẽ trong điều kiện du mục nguyên thuỷ không nuôi được sói? Ông già Pilich cũng không biết nuôi sói phải làm những gì, cậu không có ai để học hỏi kinh nghiệm.

Trần Trận cứ nhìn con sói mà nghĩ tới nghĩ lui. Vẫn không có lối thoát.

Con sói vẫn loanh quanh trong cái chuồng, loay hoay một lúc, nó chợt phát hiện hình như đám cỏ xanh bên ngoài chuồng mát hơn, thò hai chân sau giẫm thử thấy không nóng lắm, liền nằm bẹp xuống đám cỏ bên ngoài, chỉ còn đầu và cổ ở lại bên trong chuồng. Chiếc xích kéo căng như sợi chỉ, con sói đã có thể nằm nghỉ thoải mái tuy vẫn phơi nắng, nhưng cái nóng dưới thân giảm đi nhiều. Trần Trận vui quá suýt hôn con sói một cái, sự thông minh của con sói khiến cậu còn chút hi vọng. Cậu cũng đã nghĩ ra một cách: Cứ vài hôm cậu lại chuyển con sói sang một cái chuồng có cỏ non. Trần Trận thán phục khả năng sinh tồn của sói hơn hẳn con người, dù không còn mẹ dìu dắt, sói con vẫn tự giải quyết khó khăn, nói gì đến hành động tập thể của đàn sói.

°

°

Cậu tựa lưng vào đống chăn, bắt đầu đọc sách.

Bên ngoài có tiếng vó ngựa chạy gấp. Hai con ngựa phóng nhanh trên con đường của xe bò chếch cửa 20mét. Cho rằng đó là những mã quan qua đường, Trần Trận không để ý xem ai. Không ngờ khi đến ngang tầm căn lều, hai con ngựa đột nhiên quay ngoắt lại nhắm con sói chạy tới. Sói con hốt hoảng đứng bật dậy trên hai chân sau, sợi xích căng như dây đàn. Người chạy trước tung thòng lọng trúng ngay cổ con sói và hung hãn giật mạnh khiến con sói như bay lên. Cái kiếu xuống tay tàn nhẫn đó chỉ có định giết chết con sói mới lợi dụng cái xích xiết đứt cổ nó. Sói con vừa ngã xuống đất, người thứ hai đã xông lên dung dây thòng làm roi vụt cho nó lăn lộn trên đất. Hai người gò cương đổi tay cầm gậy, chuẩn bị xuống ngựa đánh tiếp. Trần Trận hét to, cầm chày cán bột chạy ra, điên cuồng lao vào hai người. Thấy Trần Trận liều mạng, hai người vội vã lên ngựa, chửi đổng: Sói ăn thịt ngựa con mà hắn còn nuôi sói con, sớm muộn tôi sẽ giết con sói đó.

Con Vàng và con Ilưa vừa sủa vừa xông ra liền bị một roi. Hai con ngựa nhằm phía đàn cừu chạy đi.

Trần Trận không nhận ra hai người là ai. Cậu đoán một người là dương quan bị ông Pilich mắng, còn người kia là mã quan tổ Bốn. Hai người làm dữ, quyết giết chết con sói. Trần Trận nếm mùi thế nào là tập kích của kỵ binh Mông Cổ.

Trần Trận đến bên con sói. Nó sợ muốn chết, đuôi quặp, bốn chân run bần bật. trông thấy Trần Trận, nó lảo đảo chạy tới nhào vào lòng cậu như gà con nhào vào lòng gà mẹ khi vừa thoát khỏi vuốt mèo. Người và sói cùng run lẩy bẩy. Cậu hốt hoảng sờ cổ con sói. Cổ sói chưa bị đứt nhưng có một mảng lông đã bị dây thòng lọng cứa đứt, dưới da có một vết bầm tím. Tim con sói đập loạn xạ. Trần Trận vừa nựng vừa vỗ về con sói, khó khăn lắm nó và cậu mới hết run. Cậu vào trong lều, lấy ra một thẻo thịt kho an ủi con sói. Đợi nó ăn xong, cậu lại bế nó lên trước ngực, mặt nó áp mặt cậu. Cậu sờ ngực con sói, tim nó đã trở lại bình thường, tuy nhiên nó vẫn còn sợ, nó nhìn Trần Trận, nhìn mãi rồi bất chợt nó thè lưỡi liếm Trần Trận một cái vào má. Trần Trần sững sờ, đây là lần thứ hai cậu được sói hôn, và là lần đầu tiên được sói cảm ơn. Xem ra chuyện sói trả ơn bằng cách tha đến trước cửa bảy con thỏ rừng không phải chuyện bịa.

Nhưng Trần Trận thấy tim nặng trĩu, điều mà cậu lo cuối cùng cũng đã xảy ra. Chuyện nuôi sói đã làm mếch long số đông mục dân, cậu cảm thấy họ lạnh nhạt và xa lánh cậu, ngay ông Pilich cũng đã ít đến căn lều của cậu. Hình như cậu bị mục dân coi như Bao Thuận Quý và đám dân công, những kẻ ngụ cư phá hoại quy củ trên thảo nguyên. Sói là linh vật về tinh thần hay xác thịt, dân thảo nguyên đề không cho phép nuôi sói. Cậu nuôi sói, về tinh thần là một sự khinh mạn, về xác thịt là liên kết với kẻ thù. Cậu quả thật đã xúc phạm giới luật của trời về thảo nguyên, đụng vào những cấm kỵ của dân tộc và văn hoá thảo nguyên. Cậu không biết có thể bảo vệ và nuôi được con sói? Nhưng quả thực cậu rất muốn ghi chép và nghiên cứu sâu về bí mật và giá trị “linh vật sói- hồn thảo nguyên”, không thể giương mắt nhìn linh vật sói từng ảnh hưởng to lớn đến lịch sử thể giới và Trung Quốc, tiêu vong cùng với sự tiêu vong của cuộc sống du mục trên thảo nguyên. Cũng như thể xác người thảo nguyên, qua sói thành tro bụi, biến mất không để lại dấu vết. Có thể đây là cơ hội cuối cùng, Trần Trận bảo vệ đến cùng ý kiến của mình, cắn răng nuôi tiếp. Cậu tìm Nhị Lang khắp nơi mà vẫn không thấy. Nếu có Nhị Lang trông nhà, ngoài mục dân trong tổ, người tổ khác không dám vào nhà. Nhị Lang sẽ cắn xé ngựa của người lạ khiến ngựa bỏ chạy.  Trần  Trận cảm thấy hai người cưỡi ngựa hồi nãy ánh mắt sắc sảo, chắc chắn họ thấy con Nhị Lang không ở nhà mới đánh lén.

Mặt trời chưa phải lúc nóng nhất, vậy mà bồn địa thảo nguyên đã tập trung nhiệt lượng vào chuồng sói con. Sói con tuy dưới bụng đã mát đôi chút, nhưng đầu và cổ vẫn trên đất bỏng, lại thêm cổ bị thương, không nằm được nữa, nó đứng dậy đi vòng quanh rồi lại nằm xuống cỏ.

Không thể xem sách, Trần Trận bắt đầu làm việc vặt. Cậu nhặt rau, đánh trứng, nhào bột, nướng bánh, cặm cụi hơn nửa tiếng. Khi ngửng lên nhìn con soi, cậu ngẩn người. Nó đang chổng mông đào hang, ngay trong chuồng, cát bụi bắn tung như pháo hoa. Trần Trận vội lau tay chạy ra, ngồi xổm nhìn con sói bằng ánh mắt hiếu kỳ.

Con sói đào hang ở phần đất phía nam của cái chuồng, nửa thân đã lọt xuống dưới, đuôi vẫy loạn xạ, đất cát từ dưới bụng phụt lên. Lát sau, con sói lên miệng hang, dùng hai chân trước ôm đống đất đá kéo về phía sau. Mình mẩy đầy đất, nó nhìn Trần Trận một thoáng, ánh mắt hoang dã và nôn nóng như bọn đào vàng.

Con sói định làm gì? Chẳng lẽ nó định đào đổ cọ để chạy vào chỗ râm mát? Không phải, vị trí không phải như thế. Con sói không nhằm cái cọc, hơn nữa cái cọc chôn rất sâu, nó phải đào cái hố bao lớn? Con sói ở phần đất phía nam chuồng, lưng quay về phía cọc, hướng nam, ngoảnh mặt về phía mặt trời mà đào. Trần Trận mừng rỡ, cậu hiểu ngay ý đồ con sói.

Sói con lại bới rất nhiều đất vụn. Nó vừa thở, lúc bới đất lúc hất ra ngoài. Mắt sáng rực, nó không còn thì giờ hỏi han Trần Trận. Cuối cùng Trần Trận không đừng được, gọi khẽ: Sói con sói con, tà tà thôi kẻo gãy vuốt. Con sói liếc cậu một cái, cười tít mắt, rất bằng lòng về hành vi của mình.

Đất đào lên hơi ẩm, mát hơn nhiều so với bên ngoài hố. Trần Trận vốc lên một nắm, quả thực vừa ẩm vừa mát. Cậu nghĩ, con sói quả thật thông minh. Nó đào cho nó một cái hang trú ẩn rất mát, tránh nắng, tránh người tránh nguy hiểm. Đúng là con sói nghĩ vậy, trong hang vừa lạnh vừa tối, cửa hang hướng bắc, ruột hang hướng nam, nắng không chiếu vào hang. Lúc con sói chui xuống đào, nửa người nó không bị nắng.

Sói con đào càng sâu vào bên trong, ánh sáng càng yếu. Rõ ràng nó đang hưởng niềm vui của bóng tối, bắt đầu tiếp cận mục tiêu đã định. Bóng tối là thứ mà sói yêu thích nhất, bóng tối đồng nghĩa với mát mẻ, an toàn và hạnh phúc. Từ nay, nó sẽ không bị những bò những ngựa những người lớn đáng ghét doạ dẫm và công kích. Nó càng đào càng hăng, đúng là mừng đến nỗi không ngậm miệng lại được. Lại 20phút nữa trôi qua, mặt đất chỉ còn thấy cái đuôi ve vẩy, còn toàn thân con sói đã ở trong hang.

Một lần nữa, Trần Trận kinh ngạc trước khả năng sinh tồn và trí thông minh của con sói. Cậu nhớ câu: “Rồng đẻ ra rồng, phượng lại sinh ra phượng, chuột sinh ra để đào hang”. Chuột biết đào hang, vậy chuột nhắt chí ít đã có lần thấy chuột mẹ đào hang. Nhưng con sói này xa mẹ từ lúc chưa mở mắt, đâu đã nhìn thấy sói mẹ đào hang. Hơn nữa, đàn chó xung quanh nó cũng không thể dạy nó đào hang. Chó là loại gia súc không biết đào hang. Vậy thì ai đã dạy cho con sói đào hang? Hơn nữa, phương và hướng rất chuẩn xác, khoảng cách cũng rất vừa. Nếu xa cái cọc quá, chiều dài của cọc và đường viền mép chuồng. Ai dạy nó đào hang ở khoảng giữa cái cọc và mép chuồng? Tài chọn đất thì ngay cả sói lớn cũng không có, vậy sói con tính toán như thế nào khi đào cái hang?

Trần Trận sởn gai ốc, con sói chưa đầy ba tháng tuổi, trong hoàn cảnh không bố không mẹ ở bên trực tiếp chỉ bảo, mà đã tự quyết định vấn đề sốn còn của mình. Quả thật nó thông minh hơn chó, thậm chí hơn người. Di truyền bẩm sinh của con sói mạnh đến vậy sao? Trần Trận kết luận sau khi quan sát: Di truyền chỉ là cơ sở, chỉ số IQ của con sói càng lớn hơn. Một người lớn có kiến thức như cậu loay hoay cả nửa ngày mà không nghĩ ra đào cho con sói cái hang chênh chếch để chống nắng. Một trí thức hiện đại mà để cho con sói lên lớp về khả năng sinh tồn. Trần Trận nghĩ cậu không bằng con sói. Trí tuệ con sói hơn cậu gấp nhiều lần. Nên vui vẻ chấp nhận con sói cười nhạo. Thảo hèn trong khi chơi đùa, cậu mơ hồ cảm thấy nó “bình đẳng” với cậu. Lúc này, Trần Trận cảm thấy con sói không coi cậu là cái đinh. Qua ánh mắt ương ngạnh của con sói luôn có một ẩn ý khiến Trần Trận hoảng sợ: Ông đừng đắc ý vội, đợi tôi lớn lên hãy hay.  Trần Trận ngày càng không hiểu khi lớn lên con sói sẽ đối xử với cậu như thế nào.

Nhưng trong lòng Trần Trận thì vui như tết. Cậu quỳ xuống nhìn ngắm mãi, thấy mình không phải nuôi con vật bé nhỏ, mà là một ông thầy. Cậu tin con sói sẽ dạy cậu nhiều điều: Dũng cảm, khôn ngoan, kiên cường, nhẫn nại, yêu tha thiết cuộc sống, không bao giờ tự mãn, quyết không khuất phục, hơn nữa coi  thường hoàn cảnh ác liệt, tạo dựng cái tôi mạnh mẽ.Cậu nghĩ thầm, dân tộc Hoa Hạ còn bị cái nhục nhiều lần mất nước nữa không, còn ngán ngẩm về công cuộc phục hưng vĩ đại thực hiện một Trung Hoa tự do dân chủ và giàu mạnh nữa không?

Con sói cong đuôi hì hục đào, càng đào sâu nó càng cảm thấy khoan khoái và mãn nguyện, hình như nó ngửi thấy mùi đất trong bóng tối khi nó ra đời. Trần Trận cảm thấy con soi không chỉ đào một cái hang tránh nắng, một cái hầm trú ẩn, mà còn đào bới ký ức đẹp đẽ thuở lọt lòng, đào lên sói mẹ và các anh chị em ruột. Cậu tưởng tượng tình cảm của con sói lúc này, có lẽ rất phức tạp, phấn khởi kỳ vọng may mắn và bi ai xen lẫn.

Trần Trận ứa nước mắt, lòng đầy mâu thuẫn. Cậu ngày càng yêu con sói, nhưng chính cậu lại là hung thủ huỷ diệt gia đình nó. Nếu không vì cậu thì ổ sói đó đã đánh nam dẹp bắc cùng sói bố sói mẹ từ lâu. Trần Trận nghĩ, con sói con ưu tú này có thể là con trai của sói chúa trên thảo nguyên Ơlôn. Nếu như được đàn sói kèm cặp, rồi đây rất có thể nó sẽ là sói chúa thế hệ mới. Tiếc rằng tiền đồ xán lạn của nó đã bị cậu chặn đứng.

Sói con đã đào đến điểm cuối, độ dài cố định của dây xích không cho phép nó đào thêm nữa. Trần Trận cũng không định nới dài sợi xích. Nơi đây đất xốp, nóc hang đã chạm lớp rễ cỏ trên mặt đất, đào thêm nữa. Chẳng may ngựa hoặc bò giẫm lên, con sói sẽ bị chôn sống. Con sói đang hào hứng giờ bị đứt đoạn, nó nổi cáu chui ra khỏi hang, cố sức giằng cái xích, đai cổ xiết vào vết thương khiến nó há mõm vì đau. Nhưng nó vẫn không chịu cho đến khi mệt quá lăn ra nghỉ. Lát sau, nó lại ngó vào trong hang, Trần Trận chẳng biết nó còn giở trò gì nữa.

Con sói đỡ mệt lại chui luôn vào hang, lát sau bắt đầu hất đất lên. Trần Trận tròn mắt, cúi xuống ngó tận nơi, thấy con sói đang đào rẽ sang hai bên. Nó biết không thể đào sâu hơn thì đào rộng ra. Đào không thấy mẹ và các anh chị em, con sói đành tạo cho nó một cái giường rộng, một cái ổ thoải mái. Trần  Trận ngẩn người, cậu quả thực không dám tin con sói từ khi bắt đầu chọn địa điểm, đào hang, căn cứ và vóc dáng mà sửa sang cho vừa, đều chỉ một lần là xong, không làm đi làm lại, không lãng phí. Trần Trận không hiểu tài hoa của con sói từ đâu mà có? Có lẽ do quá nhiều “không hiểu”, nên xưa nay dân tộc thảo nguyên đưa sói lên ngôi “linh vật”.

Hang chống nóng, đồng thời là hầm trú ẩn đã đào xong, con sói nằm thư giãn trong hang, Trần Trận gọi mấy cũng không ra. Cậu ngó vào, con sói hai mắt xanh biếc, thâm trầm đáng sợ hoàn toàn giống con sói hoang. Lúc này nó đang hưởng thụ khí ẩm và mùi đất mà nó ưa thích, như được trở về nhà cũ, hang cũ trên núi, về bên sói mẹ và sói anh sói em. Lúc này nó đang thoải mái, nó đã thoát được cái cảnh người và gia súc vao vây suốt ngày trên mặt đất, nó về với thế giới loài sói. Nó có thể ngủ yên, mơ những giấc mơ đẹp. Trần Trận gạt chỗ đất con sói đào lên, san lại chuồng cho phẳng. Vậy là con sói có ngôi nhà mới an toàn, sáng kiến này khiến  Trần  Trận khôi phục lòng tin vào khả năng sống còn của nó.

Chiều tối, Cao Kiện Trung và Dương Khắc trở về, hai người hết sức ngạc nhiên khi thấy cái hang sói cách cửa lều không xa. Dương Khắc nói: Cả ngày chăn cừu trên núi khát khô cả cổ, tưởng chết, mình sợ sói con không qua nổi mùa hè. Ai ngờ sói con giỏi quá, đúng là sói thần.

Cao Kiện Trung nói: Từ nay phải chú ý đề phòng hơn, hang ngày phải kiểm tra xích, cọc, đai cổ, biết đâu sơ suất ở khâu nào đó, con sói chuồn mất, mục dân và đám thanh niên trí thức cười thối mũi.

Ba người lấy ra phần trứng tráng đậm mỡ cừu của mình cho sói ăn. Dương Khắc vừa gọi: ăn nào! Sói con lập tức chui lên liền, tha luôn miếng trứng tráng vào hang. Nó đã coi đây là lãnh địa của nó, từ rày không ai được đụng đến.

Nhị Lang lang thang cả ngày, cũng đã về. Bụng no căng, mỡ nhờn mép, không hiểu nó săn được con gì trên núi. Con Vàng, con Ilưa và ba con cún ùa tới tranh nhau liếm mỡ trên mép Nhị Lang. Đã lâu không nhìn thấy mỡ, lũ chó them phát điên.

Sói con nghe tiếng sủa của Nhị Lang liền chui lên. Nhị Lang đến gần chuồng, sói con lại liếm mép Nhị Lang. Trông thấy cái hang, Nhị Lang tò mò đi quanh mấy vòng rồi ngồi xổm trước cửa hang cười khà, lại còn rúc cái mũi dài vào trong hang mà ngửi. Sói con trèo lên cổ lên lưng Nhị Lang mà đùa nghịch, quên cả vết đau trên cổ, tinh thần phấn chấn thổi bùng sức sống trong con thú hoang.

Mặt trời lặn, hơi nóng tan dần, gió lạnh thổi lên. Dương Khắc lập tức mặc áo dày đi về phía đàn cừu. Trần Trận lùa cừu giúp Dương Khắc. Đàn cừu ăn no kỵ nhất dồn đuổi. Dương Khắc và Trần Trận thong thả như đi dạo, chậm rãi dồn cừu lại một cái chuồng trên không mái che, dưới không rào ngăn. Mùa hè cừu ngủ ngoài trời, chỗ đất trống sau lều. Trực đêm mùa hè là công việc gian khổ và nguy hiểm. Hai người không dám lơ là, sợ nhất là đàn sói phát hiện sói con, tìm cách trả thù.

Một ngày của sói bắt đầu từ ban đêm. Sói con vui vẻ chạy, kéo theo sợi xích, chốc chốc lại ngó thành quả lao động của nó. Hai người ngồi bên chuồng sói im lặng ngắm con sói trong bóng tối và đôi mắt xanh như ngọc bích của nó. Hai người đều không biết đàn sói có đánh hơi thấy mùi sói con không, những con sói mẹ mất con có phải đang phục ở một khe núi gần đó không?

Trần Trận kể chuyện xảy ra ban ngày cho Dương Khắc nghe, cậu nói: Phải tìm cách kiếm cho chúng ít thịt, nếu không sói con sẽ không khoẻ, Nhị Lang không yên tâm trông nhà, như vậy rất nguy hiểm. Dương Khắc nói: Hôm nay mình được ăn thịt rái cá nướng trên núi. Đanchi bắt bằng thòng lọng. Bắt được nhiều mình có thể xin một con đem về cho sói và chó. Nhưng nếu dương quan và đàn cừu làm rái cá sợ, không chui lên thì chịu.

Trần Trận lòng nặng trĩu: Mình lo rất nhiều thứ. Lo nhất là ban đêm sói về bắt cừu. Tình mẫu tử của sói mẹ cực kỳ mãnh liệt, mất con, sói mẹ trả thù điên cuồng. Lỡ ra nửa đêm đàn sói kéo về tập kích chớp nhoáng đàn cừu diệt một nửa thôi, chúng mình cũng toi rồi. Dương Khắc thở dài, nói: Mục dân đều bảo sói mẹ nhất định sẽ về đây. Năm nay thảo nguyên Ơlôn bị người ta bắt mất mấy chục ổ sói con, mấy chục con sói mẹ đang tìm cách trả thù. Mục dân một mực đòi giết sói con, học sinh các tổ khác cũng phản đối nuôi sói. Hôm nay nhóm cậu Bành vì chuyện này suýt gây sự với mình. Họ bảo xảy ra chuyện gì, thanh niên trí thức trong tổ sẽ lãnh đủ. Chúng mình hiện nay đang rối như gà mắc tóc. Theo mình, kín đáo thả con sói ra là xong, nói là nó cắn đứt xích bỏ chạy. Dương Khắc bế con sói lên xoa đầu, nói: Tuy vậy, mình cũng rất tiếc, mình thân với nó hơn là em trai.

Trần Trận đánh bài liều, nói: Người Trung Quốc lúc nào cũng sợ tới sợ lui, thực đáng thương. Chúng mình đã vào hang sói bắt sói con thì không nên bỏ cuộc, đã nuôi là nuôi đến cùng.

Dương Khắc vội nói: Mình không sợ trách nhiệm, mình chỉ thấy con sói kéo lê cái xích như kẻ tội dồ thì thương quá. Sói là động vật ưa tự do nhất, vậy mà giờ đây suốt ngày bị xiềng xích, cậu không thấy bất nhẫn sao? Tự đáy lòng, mình sùng bái tôtem sói, mình hiểu vì sao ông Pilich phản đối cậu nuôi sói. Vì đó là chuyện báng bổ thần linh.

Trần Trận trong lòng đầy mâu thuẫn nhưng miệng vẫn nói cứng, bảo Dương Khắc: Mình cũng muốn thả nó lên núi, nhưng bây giờ thì chưa được. Còn nhiều vấn đề chưa làm rõ. Tự do của con sói là tự do của một con sói, nếu như rồi đây thảo nguyên không còn con sói nào nữa thì bàn về tự do của sói có ích gì? Khi ấy, cậu sẽ hối hận cho mà xem.

Dương Khắc nghĩ một lúc rồi đành thoả hiệp. Đắn đo hồi lâu, cậu nói: Vậy thì ta tiếp tục nuôi. Mình nghĩ cách kiếm ít “pháo nhị thành”, sói cũng như kỵ binh thảo nguyên rất sợ tiếng nổ, sợ bộc phá. Thấy Nhị Lang quần nhau với sói là mình châm một bó “tạc đạn”, cậu ném từng quả vào đàn sói, đảm bảo chúng sẽ bỏ chạy.

Trần Trận dịu dọng, nói: Kỳ thực, cậu còn phiêu lưu hơn mình. Chà, cậu định cưới một cô vợ Mông Cổ hả? Dữ hơn sói cái hả?

Dương Khắc vội xua tay: Cậu đừng có la rầm lên, kẻo có cô Mông Cổ nào nổi máu đuổi theo mình như sói cái, là mình trụ không nổi. Thôi, trước tiên hãy kiếm một cái lều Mông Cổ đã.