Tôtem Sói

Lời giới thiệu

 Docsach24.com

 Mấy năm gần đây, các nhà xuất bản Việt Nam đã cho ra mắt bản dịch nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn trong đời sống tinh thần quốc tế: Sự va chạm giữa các nền văn minh của Samuel Huntington; Chiếc Lexus và cây ôliu, Thế giới phẳng của Thomas Friedman, Súng, vì trùng và thép - định mệnh của các xã hội loài người, Loài tinh tinh thứ ba, Sụp đổ của Jared Diamond, Mỏ chim sẻ đảo của Jonathan Weiner, Trí tuệ đám đông của James Surowiecki… [1] Những cuốn sách này không phải những sản phẩm hàn lâm thuần tuý, vốn chỉ dành cho một giới chuyên môn hẹp. Tác giả của chúng đều là những nhà nghiên cứu hoặc những nhà báo hàng đầu. Và hầu như tất cả những cuốn sách này đều được viết bằng tiếng Anh. Có vẻ như toàn cầu hoá, ít nhất là trong lĩnh vực tư tưởng-học thuật, đã và đang ngày càng đồng nghĩa với với Anh-Mỹ hoá. Anh-Mỹ là trung tâm phát ra các ý tưởng, các khuynh hướng, các quan niệm và toàn cầu chỉ còn có một việc là sao chép, diễn dịch hoặc, nếu có khả năng - và thường là trong phạm vi quốc gia - "phản biện hoặc bàn luận trong nhà". Trái với kì vọng của các nhà hậu hiện đại về một thế giới đa cực, nơi các ngôn ngữ có cùng cơ hội đóng góp vào tư tưởng-học thuật thế giới, ngày nay một học giả không phải Anh-Mỹ hoặc không viết bằng tiếng Anh có rất ít khả năng và cơ hội để gây được ảnh hưởng rộng, và nếu ta xem ngôn ngữ là phần cốt tuỷ của văn hoá thì cái thế giới toàn cầu hoá hôm nay tuy có thể không còn “dĩ Âu vi trung”, nhưng lại “dĩ Mỹ vi trung” hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, một cuốn sách như Tôtem sói của Khương Nhung (Jiang Rong) cần được xem là một ngoại lệ hiếm hoi và là "câu trả lời của Trung Quốc" đặt trong tương quan nói trên. Tôtem sói được thai nghén trong vòng 30 năm, với tham vọng lật ngược toàn bộ lịch sử Trung Hoa. Đây là một cuộc đại phẫu thuật nguồn gốc và tính cách dân tộc Hoa Hạ ở phần cốt tuỷ nhất của nó: Hoa Hạ là truyền nhân của Sói hay Rồng? Đối với độc giả Việt Nam, cuốn sách chắc chắn sẽ đặc biệt hấp dẫn bởi nó cho một cái nhìn mới mẻ và đầy tính phát hiện về tính cách của người hàng xóm gần gũi nhất, thân thuộc nhất nhưng cũng nhiều duyên nợ nhất của chúng ta: Trung Hoa.

- Tôtem sói là tiểu thuyết, nhưng nó có thể được đọc như một tác phẩm nghiên cứu. Tác phẩm có 35 chương, một chương "Vĩ thanh" và một chương kết có tên là "Khai quật bằng lý tính", có thể coi như một tiểu luận tổng kết toàn bộ triết lý của tác phẩm. Được sự đồng ý của dịch giả, chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ chương 1, chương 5, chương kết và lời giới thiệu của Mã Ba Thuấn.

talawas chủ nhật 

Khương Nhung

Tôtem Sói

(Lời giới thiệu của Mã Ba Thuấn, người biên tập)

Đây là một bộ sách lạ - một kỳ thư duy nhất trên thế giới, mô tả nghiên cứu về sói thảo nguyên Mông Cổ. Đọc sách này, chúng ta được thưởng thức một món ăn tinh thần vô tận về tôtem sói. Bởi lẽ nó vô cùng phong phú, bởi lẽ nó không thể tái hiện. Vì rằng những đoàn thiết kị Mông Cổ và sói Mông Cổ tự do tung hoành trên thảo nguyên đang hoặc đã biến mất, tất cả những truyền thuyết, những câu chuyện về sói đang mất dần trong ký ức chúng ta, và chỉ lưu lại trong ta và trong các thế hệ mai sau những ký hiệu ngôn ngữ của lời nguyền rủa và chửi bới cay độc. Nếu như không có sách này thì sói, đặc biệt là sói thảo nguyên Mông Cổ - bộ máy phát lực của sùng bái vật tổ và sự tiến hoá tự nhiên cuả nền văn minh cổ đại Trung Quốc, chắng khác những vật không phát sáng trong vũ trụ, rời xa quả đất và nhân loại, lênh đênh trong cõi vô cùng tận bất khả tri, lạnh nhạt trước sự dốt nát ngu xuẩn của chúng ta.

Vậy mà giờ đây, trong tình trạng thiên nhiên rệu rã, các loài vật giảm đi nhanh chóng, tinh thần và tính cách nhân loại ngày càng tồi tệ, đọc Lang đồ đằng một tác phẩm có tính sử thi mà sói là đối tượng miêu tả, thì quả thật là dịp may cho độc giả. Hàng ngàn năm nay, hồng học cự nho chiếm địa vị chủ đạo chính thống, sợ sói như sợ hổ, cho rằng sói gieo tai hoạ mà ghét bỏ, trong nền văn hoá Hán tồn tại bao nhiêu là sự hiểu lầm và thiên kiến đối với sói, vậy mà có một cuốn sách hay như vậy về sói, coi sói như đồng đội, như bè bạn.

Cảm ơn tác giả Khương Nhung! Cách đây hơn ba mươi năm, là thanh niên trí thức Bắc Kinh, ông tình nguyện về lao động ở thảo nguyên Ơlôn Mông Cổ mười một năm, tính đến năm 1979 thi đỗ nghiên cứu sinh Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Ở thảo nguyên, ông từng chui vào hang sói, từng đào bắt sói con, từng nuôi sói nhỏ, từng chiến đấu với sói, cũng từng sống chung với sói. Thậm chí đã từng chung hoạn nạn với sói con, trải qua cuộc sống tinh thần “du mục” cực khổ thời trai trẻ. Bầy sói Mông Cổ dẫn ông đi xuyên suốt mê lộ ngàn năm, tới trung tâm của những câu hỏi lớn. Chính là sự khôn ngoan và trí tuệ của sói, tài năng quân sự và tính cách ngoan cường của sói, tình yêu và hờn giận của người thảo nguyên đối với sói, sức hấp dẫn ma mị của sói, khiến Khương Nhung gắn bó với sói như một mối lương duyên. Sói là ông tổ, là tổ sư, là thần chiến tranh và là tấm gương sáng của người thảo nguyên; tinh thần đồng đội và trách nhiệm đối với dòng họ của sói, trí tuệ của sói, tính cách ngoan cường và nghiêm cẩn của sói, công việc huấn luyện đội thiết kị và bảo vệ môi trường thảo nguyên của sói, sự sùng bái tột đỉnh của dân thảo nguyên đối với sói, nghi thức thiên táng thần bí cổ xưa của người Mông Cổ. Lại nữa, tiếng hú của sói, tai sói, mắt sói, thức ăn của sói, khói sói, cờ sói… Hàng nghìn chi tiết liên quan đến sói đều làm cho tác giả mê mẩn, từ đó tiến hành hơn ba mươi năm nghiên cứu và suy ngẫm để viết một tiểu thuyết trường thiên về quan hệ giữa con người và thiên nhiên, nhân tính và sói tính, đạo của sói và đạo của trời. Ngày nay, giữa lúc xã hội Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình, tính cách quốc dân hình thành từ nền văn minh nông canh đang níu chân mọi người tiến tới, học giả Khương Nhung đã đánh dấu son lên tác phẩm đồ sộ mà ông tâm huyết cả nửa cuộc đời, để rồi hoàn thành sứ mạng tái hiện “Lang đồ đằng” (tôtem sói), trở thành người đúc kết chân lý về sói.

Cuốn truyện tập hợp mấy chục chuyện về sói, tình tiết gay cấn, quyết liệt mà lạ lùng thần bí. Mỗi chương, mỗi tính tiết đều đem lại khoái cảm cho độc giả, đã đọc là không thể dừng lại nửa chừng. Giống như thần linh, những con sói Mông Cổ bất thình lình từ trong sách nhảy ra mà cất tiếng tru, chiến thuật cao siêu của sói mỗi cuộc trinh sát, cách bày binh bố trận, phục kích, tập kích, sự lợi dụng tài tình về khí tượng, địa hình; khí phách coi cái chết nhẹ như lông hồng và tinh thần bất khuất; tình thân ái trong cộng đồng; mối quan hệ giữa sói và muôn vật trên thảo nguyên; quá trình trưởng thành đầy khó khăn của sói con, sự ngang ngạnh đáng yêu một khi đã mất tự do, chuyện nào cũng khiến ta liên tưởng tới con người, từ đó mà suy ngẫm về những câu hỏi lớn cho đến nay vẫn chưa được giải đáp trong lịch sử nhân loại: Năm xưa chỉ vẻn vẹn hơn chục vạn quân kị mà sao Mông Cổ tung hoành ngang dọc từ Á sang Âu? Đất đai Trung Hoa rộng lớn như ngày nay, nguyên nhân sâu xa vì đâu mà được như vậy? Rốt cuộc trong lịch sử, văn minh Hoa Hạ chinh phục các dân tộc du mục, hay là các dân tộc du mục đợt này kế tiếp đợt khác không ngừng tiếp máu cho văn minh Trung Hoa. Vì sao dân tộc sống trên lưng ngựa ở Trung Quốc không thờ tôtem ngựa mà lại thờ tôtem sói? Văn minh Trung Hoa không đứt đoạn, phải chăng đó là do có nền văn hoá sùng bái sói tồn tại ở Trung Quốc? Vậy là, ta không thể không suy xét ngọn nguồn, không thể không đặt câu hỏi trước những thăng trầm của đất nước. Chúng ta luôn miệng thừa nhận là con cháu của Viêm Hoàng, nhưng rất có thể “tôtem rồng” là diễn biến từ “tôtem sói”. Tấm màn bí mật “sùng bái rồng” của dân tộc Hoa Hạ từ đó được vén lên. Vậy thì rốt cuộc chúng ta là truyền nhân của Rồng hay của Sói?

Mã Ba Thuấn