Trăm Việt trên vùng định mệnh

CHƯƠNG 1

Phải đi đường con don, con dím,

Đường con trâu, con bò lẩn trong rừng.

Ai có bò bện thừng mà buộc;

Ai có trâu làm xẻo mà lôi;

Ai có con đeo địu, mang nôi.

...

(hành ca trên đường nam thiên của bộ tộc Thái)

Những Chủ Nhân Đầu Tiên

Trước khi đề cập tới các dân tộc Bách Việt hiện làm chủ khắp miền Đông Nam Á sau nhiều đợt nam thiên, chúng ta hãy lược kiểm lại những giống người cổ sơ trước đây đã sinh ra và tiếp nối ở vùng đất này.

Cũng như ở nhiều địa điểm khác trên thế giới, Đông Nam Á đã có dấu tích những người Vượn đầu tiên. Người Vượn này được gọi là Pithecanthropus[1], và vì các di chỉ đều ở trên đảo Java [2] nên cũng còn được gọi là người Ja Va. Sự chuyển hóa sang Người Vượn được ước định xảy ra vào thời khoảng bắt đầu hồng tích kỳ (pléistocène).

Người Vượn, theo thời gian, đã biến đổi sang hình thái người Linh Trưởng (homo sapiens). Loại người được coi là Linh Trưởng cổ nhất Đông Nam Á là người Wadjak, dấu vết được tìm thấy ở Wadjak gần bờ biển phía nam đảo Java. Khảo nghiệm những chiếc sọ đã đào được, người ta cho rằng người Linh Trưởng Wadjak đã xuất hiện vào cuối hồng tích kỳ hay kế sau hồng tích kỳ, nghĩa là vào khoảng trên dưới 20 ngàn năm trước.

Loại người kế tiếp có những đặc điểm biểu lộ rõ rệt tính chất négroid (da đen), trong đó có hai nhóm chính là Australoid và Veddoid. Giống Australoid, cùng giống tương tự là Veddoid, đã lan tràn khắp các hải đảo Đông Nam Á. Khi đặt chân được lên đại lục, họ liền tiến về phía tây đến tận bán đảo Ấn Độ. Giống Australoid ngày nay còn sót lại ở miền núi tại Úc, Phi Luật Tân, Mã Lai Á (bộ lạc miền núi Senoi và Sakai). Giống Veddoid còn thấy rải rác ở một vài đảo nhỏ thuộc quần đảo Indonesia và ở Tích Lan. Ngay cả vùng Nam Ấn ngày nay cũng thấy có giống dân pha Veddoid. Trên toàn vùng Đông Nam Á, so với tổng số dân hiện hữu thì những sắc dân cổ này chỉ được coi như một thiểu số không mấy quan trọng.

Bách Việt

Sắc dân chiếm đa số trên toàn vùng hiện nay, như chương trên đã nói, là dân Bách Việt, hoặc Indonesian, hoặc Malay.

Về Bách Việt, trước hết theo Từ Hải, danh xưng này là tiếng để chỉ “chỗ hỗn tạp gồm bảy tám ngày dặm của trăm giống Việt từ Giao Chỉ đến Cối Khê, mỗi xứ đều có giòng họ riêng.”

Dài dòng hơn, chúng ta cũng đã được biết qua Ngô Thời Sỹ “Xét theo thiên Vũ Công, nước Việt ở về phía nam đất Dương Châu. Theo sách Thiên Quan, từ sao Đẩu mười một độ qua sao Khiên Ngưu đến sao Chức Nữ bảy độ là tinh kỷ. Kể về sao thì ở về ngôi sửu, cùng một phận đã tinh truyện với nước Ngô. Cõi nam là Việt môn, có rất nhiều nước như Âu Việt, Mân Việt, Lạc Việt, cho nên gọi là Bách Việt. Bởi vì miền này ở phía nam Dương Châu, nên lại gọi là Nam Việt. Vùng đất từ núi Ngũ Lĩnh xuống phía nam thuộc về Nam Việt.” [3]

Đào Duy Anh kê rõ thêm một số địa điểm “U Việt ở Chiết Giang, Mân Việt ở Phúc Kiến, Đông Việt ở Giang Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Lạc Việt ở An Nam.” [4]

Gần đây, Lăng Thuần Thanh (Ling Shun Sheng), giáo sư đại học Đài Loan, còn ghi thêm một vùng nữa cho dân Bách Việt, đó là tỉnh Hồ Nam, nơi trước kia vào thế kỷ 3 trước Công nguyên, Tam Lư Đại Phu nước Sở là Khuất Nguyên đã bị đầy tới. Trong khi bị đầy, Khuất Nguyên đã phóng tác ra Cửu Ca (trong bộ Sở từ), và theo họ Lăng, nếu xét kỹ Cửu ca thì người ta sẽ nhận ra những hình ảnh mô tả các cuộc tế lễ tại địa phương này giống hệt hình ảnh đã được vẽ trên trống đồng Đông Sơn của dân Lạc Việt [5]. Ông Lăng cũng chủ trương rằng “trước kia trung tâm đồng bằng Dương tử là nơi cư ngụ của giống người Indonesia mà sử sách Trung Hoa gọi là Bách Việt hay Lạc Việt.” [6]

Nói chung, ta thấy các xứ Việt nằm kế tiếp từ hữu ngạn sông Dương Tử qua lưu vực Việt Giang, Hồng Hà, tới tận bình nguyên sông Mã. Khu vực này được ghi nhận vào cuối đời Chiến quốc ở Trung Hoa (thế kỷ 3 trước Công nguyên). Đó là một vài nhóm Việt đã tổ chức thành quốc gia, còn những nhóm khác ở rải rác khắp vùng tây nam Trung Hoa thì không biết là bao nhiêu.

Vào thời này, Thục Phán, thủ lãnh Âu Việt, đã thâu gồm được cả Lạc Việt và hợp tên hai nhóm Việt này lại là Âu Lạc[7]. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất được Trung Hoa, Tần bèn sai Đồ Thư mang quân đi chinh phục Bách Việt (214 trước Công nguyên). Trong cuộc giao tranh với quân Tần, dân Bách Việt ở Hoa Nam ngày nay đã áp dụng lối đánh du kích dai dẳng, tiêu hao dần quân địch và đã giết được tướng Đồ Thư trong một trận phục kích. Tuy nhiên về sau quân Tần vẫn thắng vì đông đảo và có tổ chức hơn. Người Bách Việt bị bại trận bèn thiên di đi nơi khác hoặc lui vào ẩn trong miền rừng núi. Chỉ có Âu Lạc ở miền cực nam nên tránh được nạn binh đao. Nam Việt (tức Việt Nam Hải) bị trực tiếp cai trị và cải là quận Nam Hải. Sau quan uý quận Nam Hải là Triệu Đà thôn tính được Âu Lạc và nhập chung cả ba xứ Việt cũ thành đế quốc Nam Việt. Lúc Đế Quốc Nam Việt thành hình thì phần lớn các xứ Việt nhỏ miền Bắc đã suy sụp, tuy nhiên chắc chắn còn lại hai nước Mân Việt và Đông Việt. Nhưng chẳng bao lâu sau, năm 135 trước Công nguyên, Mân Việt bị nhà Hán đánh chiếm, năm 111 trước Công nguyên tới lượt Nam Việt, còn Đông Việt cũng chỉ tồn tại được ít năm sau là bị thôn tính nốt (do cùng tướng Dương Bộc, người đã đánh chiếm Nam Việt).

Như vậy sang đầu thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, không còn quốc gia Việt nào tồn tại, nhưng các tổ hợp Việt nhỏ vẫn sống rải rác đầy dẫy ở Hoa Nam và vùng Đông Nam Á. Nhiều tổ hợp vẫn tiếp tục đấu tranh và không bị Hán thôn tính. Bộ tộc Việt ở quận Chu Nhai thuộc Hải Nam đã bền vững chống Hán suốt nửa thế kỷ để giữ nền tự trị, cho đến năm 46 trước Công nguyên thì nhà Hán phải bỏ hẳn ý định xâm chiếm vùng này. Theo Hán Thư, Giả Quyên Chi đã tâu với vua Hán xin bỏ cuộc chinh phục vì “dân Lạc Việt ở quận Chu Nhai vốn còn man rợ không khác loài cầm thú, cha con quen tắm cùng sông, quen uống bằng mũi, do đó không đáng đặt đất này thành quận huyện.” Kẻ thất trận nào mà chẳng nại ra được lý do chính đáng để lui quân!

Kể từ thế kỷ 1 (sau Công nguyên), ngoài những nhóm đã thiên di xuống Đông Nam Á, các phần tử Việt còn lại ở vùng Dương Tử lần lần bị đồng hoá, còn các bộ tộc ở đông nam Trung Hoa thì bị người Hán di cư xuống chiếm mất các bình nguyên màu mỡ và đẩy vào những miền đất cằn cỗi.

Ở tây nam Trung Hoa, tộc Lý [8] tức Thái đã quy tụ thành Vương quốc Đại Lý. Còn ở Đông Nam Á, sau Lạc Việt (lúc ấy đã bị Tàu đô hộ), hai vương quốc khác cũng lần lượt thành hình trong thế kỷ đầu Công nguyên là Phù Nam ở miền nam lục địa và Lâm Ấp (sau đổi là Chiêm Thành) ở Trung Việt ngày nay.

Nam Thiên Và Các Bộ Tộc

Về những cuộc nam thiên của các bộ tộc Bách Việt, thực sự chúng ta không nắm vững được từng giai đoạn chính xác, nhất là trong thời kỳ đầu tiên với nhiều đợt khác nhau kéo dài trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, với những dữ kiện đã có, trực tiếp qua những diễn biến lịch sử đã được ghi nhận và gián tiếp qua sự khảo sát về nhân chủng, ta có thể tạm chia ra làm bốn thời kỳ để tiện nhìn dấu chân tiền nhân một cách rành rẽ hơn.

Thời kỳ một phỏng định qua nhiều đợt rời vào khoảng giữa thiên kỷ thứ ba đến cuối thiên kỷ thứ hai trước Công nguyên bao gồm các sắc dân Cựu Malay (Proto Malay), Tân Malay (Deutero Malay) và Lạc Việt.

Thời kỳ hai phỏng định từ đầu thiên kỷ thứ nhất đến giữa thế kỷ 3 trước Công nguyên với các nhóm Môn và Khmer.

Thời kỳ ba vào khoảng từ cuối thế kỷ 3 tới thế kỷ 7 gồm các bộ tộc Miến (trong đó có Pyu).

Thời kỳ bốn là đợt di cư ào ạt của người Thái vào thế kỷ 13 (sau khi Vương quốc Đại Lý bị Mông Cổ phá vỡ) và những đợt nhỏ kế sau.

Mỗi thời kỳ đã được đánh dấu bằng các nhóm dân lớn đóng vai trò chính đáng trong đợt nam thiên. Nhưng không phải là không có những nhóm dân khác, với số lượng ít hơn, cùng chia sẻ cuộc hành trình giữ nòi dựng nghiệp. Thí dụ, ngay trước khi có cuộc di cư ào ạt của người Thái vào thế kỷ 13 thì một số tập thể nhỏ người Thái đã hiện diện rải rác ở Đông Nam Á từ Miến Điện (được gọi là Shan) tới Bắc Việt (được gọi là Tây). Trong khoảng thời gian giữa các đợt chính và ngay cả từ thế kỷ 13 đến thời kỳ gần đây vẫn có những toán di cư nhỏ rời Hoa Nam xuống Đông Nam Á.

Thời kỳ 1

Những bộ tộc Bách Việt di tản xuống Đông Nam Á trong thời kỳ đầu tiên được nhiều nhà nghiên cứu cho là đang ở thời đại văn hoá đồ đá mới. Họ đem văn hoá đồ đá mới xuống thay thế cho văn hoá đồ đá giũa (mesolithic) tức văn hoá Bắc Sơn Hoà Bình. Cũng có người cho là họ đã tiến sang thời đại đồ đồng, hoặc ở thời đại kim thạch hợp dụng. Nhưng dù là họ ở thời đại nào, một đặc điểm mà ai cũng công nhận nơi họ là phương pháp cấy lúa ruộng nước (thuỷ canh hay nông hệ sawah) mà họ đem theo. Điểm này đã giúp những người nghiên cứu phân biệt được họ với những thổ dân cổ chỉ có biết đốt rừng làm rẫy (hoả canh hay nông hệ ladang).

Tạm gác lại nhóm Lạc Việt mà chúng tôi sẽ đề cập tới trong chương sau, chúng ta có thể theo dõi ngay nhóm Indonesian còn lại, tức người Malay. Người Malay đã nam thiên thành hai đợt chính. Malay đợt trước (cựu) có lẽ di chuyển rải rác từng nhóm nhỏ, nên thường sinh hoạt lẫn lộn với các sắc dân đã có trước ở đây và đồng thời pha giống nhiều ít với các sắc dân ấy. Malay đợt sau (tân) thiên di ào ạt hơn, tạo thành những tập thể lớn và choán các vùng màu mỡ. Họ xuống các đảo Đông Nam Á, thường chiếm ngụ các vùng bình nguyên nhỏ ở duyên hải, nên cũng còn được gọi là Malay duyên hải. Xét về nhân chủng họ còn giữ được khá nhiều bản sắc “da vàng miền nam” của các sắc dân Bách Việt. Ngày nay, họ là thành phần dân cư chính của Mã Lai Á, Indonesia, Phi Luật Tân.

Khi choán các đảo, họ tiến từ Mã Lai sang Sumatra, Java, rồi Bornéo, Cèlèbes, sau cùng mới tới quần đảo Phi Luật Tân. Lúc đầu họ tới Phi Luật Tân rất ít, mãi đến thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, họ mới từ các đảo miền nam kéo sang với số lượng lớn. Lúc này, các sắc dân Bách Việt ở Đông Nam Á hải đảo cũng theo gót lục địa đã tiến tới thời đại đồ sắt. Nền văn hoá đồ đồng, đồ sắt theo khuôn mẫu và hình thức nghệ thuật Lạc Việt lan tràn khắp nơi. Tại Phi, các sắc dân gốc Bách Việt ngày nay chiếm trên 90%, trong khi thổ dân cổ chỉ có vào khoảng dưới 10% và thường ở trong vùng rừng núi. Danh từ “Tagalog” ở Phi cũng giống như danh từ “Người Kinh” (người miền xuôi) của ta, thường để phân biệt với người Thượng (người miền núi). Người miền Xuôi ở các đảo vẫn theo truyền thống ruộng nước từ hai nghìn năm nay.

Thời kỳ 2

Thời kỳ nam thiên thứ nhì gồm người Môn và Khmer. Người Môn từ Nam Trung Hoa xuống Đông Nam Á qua vùng Cửu Long thượng. Dường như cho tới khi di tản xuống phương Nam họ không hề tiếp xúc với văn minh Trung Nguyên của Hán tộc. Họ tiến vào Hạ Miến qua các hành lang sông Salween và Sittang, tụ tập thành những tổ hợp đầu tiên ở vùng bờ biển, trước hết tại Thaton, sau tại Kosma và Pegu. Người Môn ở Hạ Miến có liên hệ chặt chẽ với các sắc dân Pwo Karen. Dường như họ đã chiếm lĩnh địa bàn sinh tụ của sắc dân này và trở nên kẻ thống trị. Ngôn ngữ Pwo Karen chịu ảnh hưởng rõ rệt ngôn ngữ Môn. Người Môn là những nhà nông giỏi, họ cũng là những thương gia, thợ đóng thuyền và nhà hàng hải thạo nghề. Tuy nhiên họ chưa đặt chân xuống các hải đảo. Nơi họ tiến xa nhất là vùng bắc bán đảo Mã Lai do đường xuôi theo Chao Phraya.

Tổ hợp Môn đầu tiên quy tụ như một quốc gia toạ lạc gần Lavo, cực bắc vịnh Thái Lan và được biết đến qua tên Ấn là Draravati. Qua các cuộc tiếp xúc buôn bán bằng đường biển, người Môn đã sớm tiếp nhận văn minh Ấn Độ và sau này truyền thụ lại cho người Khmer, Miến và Thái.

Người Khmer có lẽ đã theo chân người Môn xuống Cửu Long thượng, nhưng lại rẽ về phía đông và định cư ở Thượng Lào và cao nguyên Korat. Họ choán cả hai bên bờ sông Cửu Long và sau này thành lập quốc gia đầu tiên là Chân Lạp (Chen La). Tới hậu bán thế kỷ thứ sáu, người Khmer bắt đầu lấn dần vương quốc Phù Nam ở phía Nam. Sang thế kỷ 9, Khmer đã bành trướng rất rộng với trung tâm ở gần Biển Hồ (Tonlé Sap) và phía tây lan ra tới tận lề Ấn Độ Dương sau khi chiếm được đất Môn ở vịnh Thái Lan. Cuộc kết hợp giữa hai nhóm Môn và Khmer đã tạo thành một nền văn hóa hợp nhất rực rỡ một thời, nền văn hoá của những người vốn cùng gốc nhưng đã nam thiên theo hai ngã khác nhau.

Thời kỳ 3

Thời kỳ 3 là những đợt nam thiên của dân Pyu và Miến. Dân Pyu trước kia có lẽ là nhóm người quan trọng nhất về mặt chính trị ở trung tâm châu thổ Irrawaddy tại Miến Điện. Dân Pyu nguyên ở vùng đông Tây Tạng, đã thiên di về nam vào thế kỷ 3 xuôi theo ngọn sông Salwee và Cửu Long ở tây Vân Nam rồi đi chếch về hướng tây tới đồng bằng Irrawaddy.

Người Pyu lập quốc vào khoảng cuối thế kỷ 6 sang đầu thế kỷ 7, kinh đô là Srikshetra ở hạ lưu sông Irrawaddy. Tuy nhiên, từ thế kỷ 4 hay 5, người Trung Hoa đã ghi nhận “có một giống dân văn minh quy tụ tại vùng đất ba ngàn lý phía nam Vân Nam” để chỉ nguời Pyu. Dấu vết đổ nát còn lưu lại tới ngày nay của kinh đô Srikshetra làm theo kiểu Ấn, cho người ta một ý niệm về sự quan trọng của quốc gia Pyu thời xưa, cũng như sự liên hệ mật thiết giữa Pyu với Ấn Độ về thương mại và văn hoá. Ảnh hưởng chính trị của Pyu suy tàn dần và mất hẳn ở Hạ Miến vào thế kỷ 8 sau khi có cuộc tây chiến của người Palaung và Karen vào vùng Minbu-Magwe.

Người Pyu rất giỏi về âm nhạc. Vào năm 800-802, vương quốc Đại Lý đã gửi cống vua Đức Tôn nhà Đường nhiều nhạc công người Pyu. Người Pyu cũng rất thiện chiến. Trong đạo quân Đại Lý tấn công quân đô hộ Tàu ở Giao Châu năm 863 cũng có rất nhiều chiến sĩ Pyu.

Khi quốc gia Pyu đã suy thì lại có một nhóm dân khác có liên hệ rất gần về huyết tộc với Pyu, được gọi là bộ tộc Miến, từ phía bắc tràn xuống tạo thành đợt di cư thứ hai. Bộ tộc này đã tiếp xúc với Trung Hoa và chịu ít nhiều ảnh hưởng. Họ cũng đã học được ở người Shan (Thái) thuật kỵ mã, thuật chiến đấu ở vùng núi và cả cách làm ruộng bậc. Họ kết tụ thành một tập thể có tổ chức, trước ở Trung Miến sau xuống phía nam vùng Minbu-Magwe mà họ đoạt lại của người Palaung và Karen. Sau cùng họ tiến về phía tây tới thung lũng Chindwin và phía bắc tới vùng Shwebo, rồi kết hợp với những nhóm nam thiên trước mà tổ chức dần dần thành quốc gia Miến Điện.

Thời kỳ 4

Thời kỳ 4 là các đợt nam thiên của người Thái từ Vân Nam xuống.

Vào đầu thế kỷ 2, người Hán bắt đầu dòm ngó vùng Vân Nam, một vùng gồm các giống dân Bách Việt, đa số là người Thái, sống một cách biệt lập. Năm 120, người Hán mở được một đường thông thương sang Ấn qua vùng Cửu Long thượng, Salween và Irrawaddy. Nhưng chẳng bao lâu sau, các bộ tộc Thái kết tụ lại dần và kiểm soát được thung lũng Thái Hoà (sau này là vùng hồ Đại Lý), nên đường thông thương Hoa Ấn bị tắt nghẽn. Bẵng đi mấy thế kỷ, tới năm 648, nhà Đường lại tính mở lại đường này, nên đem quân đến chiếm khu vực Thái Hoà. Các bộ tộc Thái lúc ấy đã lập thành sáu tiểu quốc, cùng sát cánh đánh lui được quân Đường.

Năm 713 (có sách chép là 730) thủ lãnh tiểu quốc Mông Xá ở miền nam là Bì La Cáp (Piloko) thống nhất được cả sáu tiểu quốc lập ra vương quốc Đại Mông. Đại Mông được đổi thành Đại Lệ và sau cùng là Đại Lý [9]. Ngày nay thành Thái Hoà, thủ phủ của vương quốc này vẫn còn được gọi là thành Đại Lý (Tali). Thành Thái Hoà toạ lạc ở một vùng hồ có núi non bao bọc mặt tây và mặt đông, và là cửa ngõ từ bắc xuống nam theo triền sông. Từ vị trí kiên cố ấy, Đại Lý đã chống đỡ và đánh bại được hai cuộc tấn công của quân nhà Đường vào năm 751 và 754.

Về nguồn gốc tập thể Thái của vương quốc Đại Lý, có người cho là “từ nhóm Bách Việt sinh tụ chủ yếu ở miền nam sông Dương Tử thiên di theo hướng Tây Nam vào miền nam Vân Nam…” vào khoảng thiên kỷ thứ nhất truớc Công nguyên [10]. Thật ra thì từ trước, vùng Vân Nam cũng vốn đã có những bộ tộc Bách Việt sống rải rác nhưng chỉ sau khi đế quốc Nam Việt bị Hán thôn tính thì vùng này mới được quy tụ đông đảo. Vì người Thái chẳng phải đâu xa lạ, chính là bộ tộc Lý thuộc nhóm Âu Việt ở Quảng Tây trong những đế quốc Nam Việt cũ. Họ bỏ quê hương ra đi vì không chịu sống dưới sự đô hộ của người Hán, và cũng bởi thế mới tự xưng là Thái. Thái có nghĩa là tự do, là thoát khỏi. Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam Chích Quái cũng có kể lại là sau khi Nam Việt bị nhà Hán thôn tính, một phần dân Nam Việt đã bỏ nước di cư lập ra nước Nam Chiếu (Đại Lý). Tuy nhiên, trên phần đất cũ vẫn còn nhiều người Lý ở và họ đã đóng góp xương máu vào cuộc khởi nghĩa chống Hán của Hai Bà Trưng. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tiền biên, quyển nhị, đã ghi quân Hai Bà tới đâu như gió lướt tới đó, các bộ tộc Man, bộ tộc Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo [11].

Khi quốc gia đã đủ vững mạnh, Đại Lý liền đem quân sang đánh quân Tàu (nhà Đường) ở Giao Châu. Trận đánh này cũng có dân địa phương nội ứng. Thủ phủ Đại La (Hà Nội) đã hai lần thất thủ. Lần thứ nhất vào năm 860, quan đô hộ nhà Đường là Lý Hộ phải bỏ thành chạy về Tàu. Lần thứ hai, 863, quan đô hộ Thái Tập phải tự tử, tướng nhà Đường là Nguyên Duy Đức bị tử trận. Đến năm 866, quân Đại Lý ở Giao Châu bị Cao Biền đánh bại hẳn.

Sau Đại Lý suy dần. Năm 1253, Đại Lý bị tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai (Wouleangotai) phá vỡ hoàn toàn [12]. Chính trong dịp này, dân Thái của vương quốc Đại Lý, lại một lần nữa bỏ quê hương ra đi. Họ thiên di xuống Đông Nam Á theo hành lang Irrawaddy, Salween, Chao Phraya (Menam), Cửu Long để thâm nhập vào đất Miến, đất Môn, và đất Khmer lúc ấy.

Các vùng này từ trước cũng đã có những người Thái ở, nhưng chỉ từ sau cuộc nam thiên lớn lao này các bộ tộc Thái mới thực sự làm chủ đưọc khu trung tâm Đông Nam Á lục địa và dần dần lập ra các vương quốc hùng mạnh như Ayuthia (1351) và Lan Xang (1353), tiền thân của Xiêm (Thái Lan) và Lào.

[còn tiếp]

Ghi Chú:

[1] Tiếng Hy Lạp: Pithelos là Khỉ. Anthropos là Người.

[2] Năm 1891, nửa phần trên bộ xương sọ Pithecanthropus đã được đào thấy ở gần làng Trinil bên sông Solo. Năm 1936, một sọ giống sọ 1891 tại Sangiran trên sông Solo. Năm 1939, một sọ và năm 1941 một xương hàm dưới ở trung Java.

[3] Ngô Thời Sỹ, Việt Sử Tiêu Án (bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu), Sài gòn: Văn Hoá Á Châu, 1960, trang 9.

[4] Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hoá Sử Cương, Huế; Quan Hải Tùng Thư, 1938.

[5] Bài thuyết trình New Interpretation of the Decoration Designs on the Bronze Drums of Southeast Asia của Lăng Thuần Thanh tại Hội Nghị Tiền Sử Viễn Đông (Far Eastern Prehistory Congress) lần thứ tư tại Phi Luật Tân năm 1953.

[6] Thật ra Lạc Việt chỉ là một bộ phận của Bách Việt. Các nhà khảo cứu Trung Hoa thường hay đồng hóa danh từ Bách Việt với Lạc Việt. Không phải riêng Lăng Thuần Thanh mà còn nhiều người khác nữa như Lã Tư Miên trong Yên Thạch Tạp Ký, Giang Ứng Lương trong Vân Nam Nhật Báo (ngày 15 tháng 2 năm 1957) đều dùng danh từ Lạc Việt thay cho Bách Việt khi hai ông xếp các bộ tộc Choang (Quảng Tây), Thái (Vân Nam, Thái Lan, Lào), Lê (Hải Nam), Chủng Gia, Bố Y (Quý Châu), Tày, Nùng (Bắc Việt) vào nhóm Lạc Việt.

[7] Truyền thuyết Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh trăm con, chia làm hai nhóm, nhóm theo mẹ lên rừng, nhóm theo cha xuống biển, gợi cho ta giả thuyết: trước thời đại Hùng Vương, hai bộ tộc Việt, Lạc (Long Quân) và Âu (Cơ) đã từng phen phối hợp nhưng sau lại chia tay để kiếm sống. Âu lui lên rừng (sâu vào nội địa Việt Bắc, Quảng Tây), Lạc xuôi xuống biển (đồng bằng sông Hồng). Truyền thuyết vì đó đã được dựng lên để con cháu nhớ lấy họ hàng thân tộc. Vì vậy, sau này chẳng cứ người Việt sông Hồng (Lạc) mà cả người Thái miền Việt Bắc, Hoa Nam (Âu) cũng có chuyện Pú Lương Quân lấy Sao Cải sinh trăm con tương tự.

Dầu sao chúng tôi cũng chỉ nêu lên câu chuyện Lạc và Âu ở đây như một giả thuyết trong khi chờ đợi những chứng cớ cụ thể, vì trong phạm vi khoa học không thể lấy một huyền thoại làm lập cước điểm để phác hoạ những nét vận hành lớn của lịch sử.

[8] và [9] Sử ta và sử sách Âu Mỹ thường hay gọi Đại Lý là Nam Chiếu (Nam Chao) vì đều dựa vào tài liệu của Tàu. Người Tàu lúc đầu gọi Đại Lý là Quy Nghĩa (có ý chỉ xứ đã quy phục “thiên triều”), sau gọi là Nam Chiếu (vua nhỏ mền Nam). Những nước chung quanh Tàu thường đều có hai tên gọi, một tên tự xưng, một tên bị đặt. Tên tự xưng thường có chữ Đại, đó là một cách phản ứng lại thái độ kẻ cả của Trung Nguyên.

[10] Đặng Nghiêm Vạn, tập san Nghiên Cứu Lịch Sử, số 78, Hà Nội, 1965, trang 40.

[11] Sở chí phong mỵ, Cửu Chân Nhật Nam Hợp Phố giai ứng chi (bản dịch do Bộ Văn Hoá xuất bản năm 1967 tại Sài gòn đã dịch Man, Lý là “người Man và người quê mùa.” Đây là một sơ sót đáng tiếc.

[12] Chính đạo quân Mông Cổ này sau khi chiếm được Đại Lý đã tràn xuống đánh Đại Việt. Trước khí thế hung hãn của giặc, vua Trần Thái Tông liền rút quân về Hưng Yên, bỏ ngỏ thành Thăng Long cho giặc chiếm (1257). Sau vài tháng chỉnh bị lại quân sĩ, vua Trần đã phản công và phá tan quân Mông Cổ trong một trận đánh khốc liệt và chớp nhoáng ngày 29-1-1258 tại Đông Bộ Đầu bên bờ sông Hồng phía đông thành Thăng Long.