Trăm Việt trên vùng định mệnh

CHƯƠNG 14

Mối Liên Hệ Đầu Tiên

Trước thế chiến II, mối liên hệ giữa Mỹ và Đông Nam Á chỉ gồm trọn trong việc chiếm đóng Phi-Líp-Pin kể từ 1899 sau trận chiến Mỹ – Tây Ban Nha.

Ở Viễn Đông trong thời kỳ đó, Mỹ có một hải lực hùng hậu, nhưng lại không có đủ lục quân để đập tan lực lượng Tây Ban Nha trên toàn quần đảo Phi. Vì vậy, dù đã đánh thắng Tây Ban Nha ở vịnh Manila (ngày 1 tháng 5 năm 1898), Mỹ vẫn phải trông đợi vào chính người Phi trong việc lật đổ chính quyền thống trị.

Thời kỳ cuối thế kỷ 19 là giai đoạn bộc phát của cách mạng Phi. Mỹ đã lợi dụng phong trào này và hứa hẹn trao trả độc lập cho Phi. Chính phong trào cách mạng Phi đã làm cho Tây Ban Nha nản chí trong việc đương đầu với Mỹ và vì vậy chỉ sau ba tháng kể từ ngày khởi chiến, Tây Ban Nha đành phải nhượng lại quần đảo Phi cho Mỹ với giá 20 triệu Mỹ kim.

Ngay khi tiếp thu xong đất Phi, Mỹ liền chĩa mũi nhọn tấn công vào chính quân cách mạng. Bị phản bội một cách trắng trợn, nhân dân Phi đã vùng lên đấu tranh chống Mỹ, nhưng chẳng bao lâu, các nhóm kháng chiến tan rã dần trước hoả lực quá hùng hậu của các đạo quân tân thực dân. Năm 1901, tổ chức kháng chiến cuối cùng đã bị triêt hạ, lãnh tụ kháng chiến Emilio Aguinaldo, đồng thời cũng là tổng thống nền cộng hoà non yểu của xứ này (từ tháng 1 năm 1899), bị Mỹ bắt. Toàn quần đảo được coi như đã bình định xong từ đấy.

Mỹ chiếm Phi không hẳn chỉ nhằm vào thị trường nhỏ bé này, nhưng thực ra là cốt đặt được căn cứ để từ đó gây ảnh hưởng bủa lưới hốt thị trường Hoa Lục [1]. Vì vậy ngay sau khi chiếm đóng Phi, Mỹ không có hoạt động tiến tới thêm ở Đông Nam Á, dù Đông Nam Á vào thời đó còn một khoảng trống là Thái Lan chưa bị thống trị.

Ngoài Viễn Đông, mục tiêu bành trướng của Mỹ hồi cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 cũng còn đặt nặng vào vùng châu Mỹ La Tinh. Từ khi thống chế được toàn thể khu vực này, Mỹ đã triệt để chú tâm khai thác. Thuyết Monroe [2] khi ấy lại được đề cao hơn bao giờ hết. Thế chiến I bùng nổ năm 1914, Mỹ đã giữ trung lập, đứng ngoài bằng cách buôn bán vũ khí. Mãi đến ngày 6 tháng 4 năm 1917, Mỹ mới tuyên chiến với Đức, vì Đức đã dùng tiềm thuỷ đĩnh đánh đắm nhiều tàu buôn Mỹ trên Đại Tây Dương để chặn đường thương mại của Mỹ với Anh, Pháp.

Thế chiến I đã đưa lại cho Mỹ nhiều mối lợi lớn trong khi các nước Âu châu suy sụp một cách thảm hại. Sau thế chiến, một nửa số vàng trên thế giới là của Mỹ. Nhằm khuynh loát thuộc địa của các nước thực dân châu Âu, Mỹ tung tiền đầu tư khắp nơi. Năm 1935, số tiền đầu tư của Mỹ ở Đông Nam Á đã lên tới trên 250 triệu Mỹ kim, trong đó Indonesia thuộc Hoà Lan 61 triệu và đất thuộc địa của chính Mỹ là Phi-Líp-Pin 151 triệu.

Còn tại Việt Nam, có lẽ vì sự cạnh tranh của tư bản Pháp, Mỹ đã không đặt được chân đứng quan trọng. Dấu tích của Mỹ trong hậu bán thế kỷ 19 chỉ vỏn vẹn có một mảnh đất ở Sài Gòn (địa điểm hãng Descours Et Cabaud sau này) của Delano Roosevelt, ông nội của tổng thống Franklin D. Roosevelt. Sau thế chiến I, Mỹ và Đông Dương tăng gia quan hệ thương mại với nhau qua việc Mỹ mua cao su và thiếc, còn Đông Dương thì nhập cảng dầu lửa (hãng Caltex của Mỹ lập chi nhánh đầu tiên ở đây).

Trong thế chiến II, để giữ yên thuộc địa Phi-Líp-Pin, Mỹ đã tìm cách điều đình trung lập hoá Đông Nam Á lục địa. Năm 1941, trong văn kiện chuyển cho đại sứ Nhật ở Hoa Thịnh Đốn, tổng thống Roosevelt hứa nếu Nhật từ bỏ ý định chiếm đóng Thái Lan và Đông Dương, nghĩa là để cho phe thực dân theo Pétain thân Trục tiếp tục cầm quyền. Và như vậy, Nhật có thể sử dụng Đông Dương như một hậu cứ tiếp vận. Đề nghị này chính nước liên hệ là Thái Lan không hay biết gì cả. Nhưng để lo bảo vệ lấy thân, ngay từ 1940, Thái đã ngầm ký với Anh và Pháp hiệp ước bất tương xâm (Anh ở mặt Tây và Nam, Pháp ở mặt Đông) và ký ngầm với Nhật hiệp ước thân hữu và hợp tác (Treaty Of Friendship And Cooperation.)

Tất cả những mưu tính của Mỹ nhằm giữ yên mặt lục địa đã bị đổ vỡ khi Nhật đột ngột tiến quân vào vùng này. Lúc Nhật đã tới gần kinh đô Bangkok, Thái kêu cứu đồng minh thì chỉ đuợc Mỹ trả lời bằng cách hứa sẽ cho vay tiền sau, còn Anh, cụ thể hơn, đã đánh điện tới “Chỉ có thể chia sẻ với quý quốc vài cỗ đại bác. Chúc may mắn! [3] ” Chán ngán với phe đồng minh, Thái đành quay ra bắt tay với Nhật theo “tinh thần” hiệp ước 1940. Hành động này của Thái đã bị Mỹ cho là “thay đổi đường lối như ngọn tre uốn theo chiều gió!”

Cuối năm 1941, sau khi bất thần oanh tạc phá huỷ gần trọn hạm đội Mỹ ở Trân Châu cảng, Nhật cũng tức thời tiến đánh Phi-Líp-Pin. Quân Mỹ rút lui từ đảo này sang đảo khác, và sau cùng bị đánh bật ra khỏi quần đảo. Dần dần Nhật chiếm được toàn bộ Đông Nam Á và đe doạ cả bán đảo Ấn Độ lẫn Úc Châu. Mỹ vội vã cùng Anh lập kế hoạch phối hợp hành quân công kích lại. Một mặt, Mỹ sát cánh với Anh chiến đấu ở Miến Điện (tướng Joseph Stillwell) và mở một con đuờng chiến lược lên Nam Trung Hoa. Mặt khác Mỹ xuất phát từ Úc đánh dần lên các đảo phía Bắc. Những trận đánh ở Tân Guinée (tức Irian) đã diễn ra từ 1942 cho tới khi Nhật bị tiêu diệt năm 1944. Tháng 10 năm 1944, tướng MacArthur đem quân đổ bộ lên đảo Leyte ở Phi-Líp-Pin và tới tháng 2 năm 1945 thì chiếm lại được Manila.

Tại Việt Nam, một lưới tình báo của Mỹ cũng được thành lập ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp do Gordon, nguyên đại diện hãng dầu lửa Mỹ, cầm đầu. Tổ chức này đã mở lối cho Cơ Quan Tình Báo Chiến Lược OSS (Office Of Strategic Services), tiền thân của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIA Mỹ (Central Intelligence Agency), đem người lên Việt Bắc giúp nhóm kháng chiến của Hồ Chí Minh.

Trong số bốn nước Tây phương thống trị Đông Nam Á, chỉ có Mỹ là nhìn thấy trước tình hình cai trị theo kiểu xưa không thể tồn tại được lâu dài. Mỹ đã dự trù việc trao quyền chính trị cho chính người Phi, nhưng sẽ duy trì các căn cứ quân sự và dĩ nhiên vẫn giữ đủ ảnh hưởng kinh tế để khỏi mất thị trường. Thực ra, về thuộc địa, Mỹ đâu có bao nhiêu! Bỏ hẳn thuộc địa và thúc đẩy các nước thực dân khác cùng bỏ, Mỹ sẽ có lợi lớn là có thể đạt được một chỗ đứng quan trọng hơn trong sinh hoạt chính trị và kinh tế tại các xứ bị Âu châu thống trị trước; vì sau thế chiến, chắn chắn Âu châu sẽ bị kiệt quệ không còn là đối thủ cạnh tranh của Mỹ nữa [4].

Do đó Mỹ đã tuyên bố sẽ trao trả độc lập cho Phi-Líp-Pin vào năm 1946 và đòi hỏi Anh, Pháp, Hoà Lan cũng có những hành động tương tự ở phần đất còn lại của Đông Nam Á. Sau này, Anh đành trả độc lập cho Miến và Mã (trừ tiểu quốc đầy dầu lửa Brunei), qua mấy năm lằng nhằng đủ để thu xếp việc chuyển tài sản về chính quốc và duy trì một cách an toàn căn cứ quân sự tại Singapore. Riêng có Hoà Lan và Pháp là dại dột sử dụng quân sự và đã tự chuốc lấy những thiệt hại lớn lao sau này: mất hầu hết quyền lợi kinh tế và ảnh hưởng chính trị tại cựu thuộc địa!

 

Những Bước E Dè Sau Thế Chiến

Khi chiến tranh vừa chấm dứt, thế giới liền bị phân tán theo sự chia phần ở Yalta (tháng 2 năm 1945) giữa Nga, Mỹ và Anh. Tuy nhiên, trong số ba cường quốc thắng trận thì Anh đã quá kiệt quệ chỉ mong lo phục hồi lấy bản thân. Cho nên trên đấu trường quốc tế, chỉ còn Nga và Mỹ là mặc cả ráo riết và sau đó kèn cựa nhau từng bước.

Tại Đông Nam Á, Mỹ đã lập lại “trật tự” ở Phi-Líp-Pin, Anh cũng trở lại Miến, Mã, và đồng thời lén đưa đồng minh ăn cướp Pháp và Hoà trở lại Việt Nam và Indonesia. Tại Bắc Việt và Lào, quân đội Tưởng Giới Thạch được đem xuống để trám khoảng trống. Còn tại Thái Lan, chính phủ thân Nhật Aphaiwong đã rút lui để cho Seni Pramoj, người trở về từ Hoa Thịnh Đốn, đứng ra lập nội các mới. Nhìn toàn bộ cục diện Đông Nam Á, Mỹ có thể an tâm vì Anh, Pháp, Hoà và Quốc quân Trung Hoa đều là đồng minh của Mỹ trong trận tuyến chống Phát xít lẫn trong chiến tranh lạnh với Nga về sau. Do đó, trong năm đầu hậu chiến, Mỹ hướng nỗ lực vào việc chiếm đóng Nhật Bản cùng vấn đề lục địa Trung Hoa qua phái bộ Marshall, còn Đông Nam Á thì ít được chú ý tới.

Tại Phi, Mỹ đã thi hành xong dự định từ trước về việc trao lại quyền chính trị cho người bản xứ. Ngày 4 tháng 7 năm 1946, Phi-Líp-Pin được công bố độc lập. Ngay sau đó Phi phải ký với Mỹ một hiệp ước về quân sự với điều khoản nhượng cho Mỹ duy trì 23 căn cứ hải quân và không quân trên toàn quần đảo trong vòng 99 năm, và một hiệp ước về kinh tế cho phép các công ty Mỹ đặc quyền khai thác tài nguyên của Phi và miễn thuế xuất nhập cảng cho các hàng hoá trao đổi Phi-Mỹ tới năm 1973.

Tại Indonesia, khi Hoà Lan gây chiến và mưu tính đặt lại chế độ thuộc địa, Mỹ đã phản đối kịch liệt. Sau trận tấn công chớp nhoáng của Hoà vào Jogjakarta và bắt hầu hết nhân viên chính phủ Sukarno (tháng 12 năm 1948), Mỹ đã vận động Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ Hoà, đồng thời Mỹ cũng đe doạ cúp phần viện trợ (theo kế hoạch Marshall) cho Hoà. Chính nhờ phần lớn ở những áp lực đó mà Hoà đã lùi bước trong mưu tính tái xâm lược.

Còn tại Việt Nam, sự thể lại xảy ra khác hẳn. Sau khi Nhật đầu hàng, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản của ông ta đã nhanh tay đoạt được chính quyền. Rồi sau đó, lại nhanh tay loại đưọc phe quốc gia đối lập và nắm được quyền lãnh đạo kháng chiến chống Pháp. Trước những diễn biến ấy, lúc đầu Mỹ rất lúng túng, lúng túng vì Mỹ không tiên liệu những phản ứng cấp thời ở Đông Nam Á lục địa [5]. Lúng túng hơn nữa vì Mỹ không thể lấy chiêu bài chống cộng mà giúp đỡ một lực lượng thực dân đang suy tàn. Nếu giúp đỡ bọn tái chiếm thuộc địa, chắc chắn Mỹ sẽ không thể lôi cuốn các nước nhỏ đứng về phe mình trong cuộc tranh bá đồ vương trên thế giới với Nga. Sau, cựu đại sứ Mỹ ở Pháp là W. Bullit đã nghĩ đến giải pháp Bảo Đại và đã công khai đề nghị trên tờ Life vào cuối năm 1947.

Từ khi cộng sản Trung Hoa toàn thắng ở Hoa Lục (1949), Mỹ càng ráo riết lo liệu việc nghênh địch ở Đông Nam Á, dù chỉ là nghênh địch một cách gián tiếp. Ngày 7 tháng 2 năm 1950, Mỹ tuyên bố công nhận chính phủ Bảo Đại và từ đó Bảo Đại đã trở nên cái bình phong để Mỹ có thể mượn danh nghĩa mà đổ chiến cụ cho lực lượng thực dân.

Ngày 27 tháng 6 năm 1950, tổng thống Harry S. Truman công bố tăng viện quân sự cho Phi; quân lực Mỹ tại Phi cũng được tăng thêm. Một phái bộ nghiên cứu viện trợ kinh tế và kỹ thuật do R. Allen Griffin cầm đầu được phái tới Đông Nam Á trong kế hoạch rải tiền lôi kéo chư hầu. Tiếp theo sau là phái bộ nghiên cứu liên bộ ngoại giao quốc phòng nhằm buông mẻ lưới chót. Nhưng mẻ lưới này chỉ vớt được Thái Lan qua hiệp ước viện trợ kinh tế và kỹ thuật (tháng 9 năm 1950) và hiệp ước viên trợ quân sự (tháng 10 năm 1950) với điều kiện thành lập quân đội theo chiều hướng do Mỹ vạch ra. Còn tại miền nam Đông Nam Á, sau khi bị Indonesia từ chối liên kết, Mỹ liền tìm xuống giải dương châu để bắt tay với Tân Tây Lan và Úc qua hiệp ước ANZUS được ký kết giữa ba nước ngày 1 tháng 9 năm 1951.

Trong khi chiến tranh Triều Tiên đang tiếp diễn thì chiến tranh Đông Dương cũng ngày một tăng thêm cường độ. Chiến trận toả rộng khắp nơi. Cộng sản kháng chiến có chung một biên giới với Trung Hoa và đã dùng đất Trung Hoa như một hậu cứ vĩ đại với nguồn tiếp tế vô tận. Còn Pháp thì càng ngày càng bị sa lầy không lối thoát. Đối với Pháp, dấn thêm vào chiến tranh tức là đồng thời dấn thêm vào sự lệ thuộc vào Mỹ. Niên khoá 1950-1951, viện trợ Mỹ cho Đông Dương chiếm 13% toàn bộ chi phí chiến tranh. Đến năm 1954 thì tiền Mỹ chiếm hết 70%. Trước tình thế ấy rõ ràng Pháp sẽ trở nên kẻ đánh thuê cho Mỹ, mọi chi phí sẽ hoàn toàn do Mỹ trả.

Ở Pháp, phe tả (Cộng Sản và Xã Hội) chống chiến tranh Đông Dương đã đành, nhưng ngay cả đến giới tư bản cũng chống đối nốt. Chẳng qua là vì vấn đề quyền lợi. Lúc đầu viện trợ Mỹ còn chạy qua ngã Đại Tây Dương và được lược qua tấm vải tư bản Pháp. Sau viện trợ Mỹ đi thẳng lối Thái Bình Dương làm cho Pháp chính quốc không còn sơ múi gì được; đến nỗi tới mấy cái đồ hộp của lính Pháp cũng “made in USA” cả. Vì vậy Pháp đã buông xuôi để rồi mới có thất trận Điện Biên Phủ. Yếu tố chính đã đưa Pháp tới thất trận là vì những hoạt động chống đối Cộng với sự chán nản ở chính quốc đã làm tinh thần binh lính sa sút tới độ thảm hại trên khắp mọi mặt trận. Điện Biên Phủ chỉ là một giọt nước nhỏ đã làm tràn ly nước vốn đã đầy.

Ngay từ khi Điện Biên Phủ mới ngả chiều (tháng 4 năm 1954), chính giới Pháp đã chia làm hai khuynh hướng: một khuynh hướng chủ trương bỏ cuộc; một khuynh hướng thiên về ý kiến phe quân nhân muốn nhờ Mỹ trực tiếp giúp để gỡ danh dự. Chính giới Mỹ cũng chia làm hai: một phe chủ trương can thiệp, hoặc quy mô cùng với các đồng minh khác (ngoại trưởng J. F. Dulles), hoặc hạn chế bằng không quân và hải quân mà mục tiêu gần nhất là phải phá cái vòng vây Điện Biên Phủ (Đô đốc Radford); một phe quyết liệt chống can thiệp vì sợ mang tiếng trước quốc tế và nhất là sợ lại phải đương đầu với một trận Triều Tiên thứ hai. Lãnh tụ phe chống can thiệp vào Đông Dương tại Thượng viện chính là nghị sĩ Lyndon B. Johnson, người mà sau này khi đắc cử tổng thống đã ra lệnh ào ạt tăng quân số Mỹ trong chiến tranh Việt Nam lên tới trên nửa triệu.

Sau cùng, Mỹ đã đồng ý với Anh là chiến tranh Đông dương phải giải quyết bằng một hội nghị quốc tế. Do đó, hội nghị Genève đã được triệu tập, khởi sự từ ngày 8 tháng 5 năm 1954 với thành phần Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Cộng, Kampuchea, Lào, và hai chính phủ Việt Nam. Hội nghị đã kết thúc ngày 21 tháng 7 năm 1954 và kết quả cụ thể như ai nấy đều biết: sự chia đôi Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Sự chia đôi Việt Nam cũng mở ra một mặt trận mới giữa đế quốc Cộng Sản và đế quốc Tư Bản trên phần đất trọng yếu của Đông Nam Á này.

Về phía Mỹ, trên nguyên tắc, Mỹ vẫn cho là không chấp nhận kết quả hội nghị vì Mỹ không ký vào văn kiện nào. Nhưng trong tuyên ngôn chót, Mỹ đã tỏ lộ một thái độ rất ấm ớ, có thể hiểu là chấp nhận, có thể hiểu là không. Về vấn đề ký vào các văn kiện chính thức thì thực ra chỉ vỏn vẹn có các đại diện tư lệnh các lực lượng đối chiến (Pháp, Việt Minh, Lào, Kampuchea) còn các cường quốc Mỹ, Anh, Nga, Trung Cộng thì chỉ chứng kiến.

Thực tế mà nói, Mỹ đã ngậm miệng ăn tiền bằng cách rút ngoại trưởng J. F. Dulles, trưởng phái đoàn, về nước từ đầu tháng 5, còn để mặc Bedell Smith chịu trận cho xong chuyện. Chủ trương của Mỹ là “cho qua” vụ rắc rối này để bày vụ khác có lợi hơn ở Đông Nam Á! Dễ gì mà Mỹ quên được món tiền khổng lồ 1.200 triệu Mỹ kim đã đổ vào Đông Dương từ năm 1950 đến 1954. Hơn nữa, về mặt tranh chấp với Nga, chịu mất ảnh hưởng trên một nửa nước Việt Nam cũng còn phải kể là một thua thiệt lớn lao của Mỹ.

 

Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á

Kết quả hội nghị Genève 1954 là một sự thua thiệt lớn cho Mỹ, vì vị trí Đông Nam Á quá quan trọng đến nỗi trước đây Mỹ quyết tâm đặt trọn ảnh hưởng của mình vào khu vực, không chịu nhường nửa bước cho khối Cộng. Người Mỹ đã cho rằng nhường nửa bước rồi sẽ phải nhường trọn bước, mà nhường một bước rồi cũng có thể phải nhường hai. Lý thuyết về sự liên hệ toàn vùng đã được Mỹ hình dung bằng một hàng dọc những con bài domino đặt đứng. Nếu con bài đầu tiên bị đẩy đổ thì sẽ đè lên con bài thứ nhì làm con bài này đổ theo và lần lần cả hàng bài đều đổ. Ý niệm về ảnh hưởng dây chuyền ấy đã được Mỹ gọi là thuyết đô-mi-nô (Domino Theory).

Trong cuộc họp báo ngày 7 tháng 4 năm 1954, tổng thống Eisenhower đã cho rằng nếu mất Đông Nam Á, thế giới tự do (nên hiểu là đế quốc Mỹ) sẽ gặp những hậu quả không lường trước được. Nghĩa là Đông Nam Á, theo thuyết Domino, sẽ kéo đổ theo Úc, Tân Tây Lan ở phía Nam và Đài Loan, Nhật Bản ở phía Bắc. Thế mà Đông Dương lại là con bài đầu của hàng bài này. “Nếu Đông Dương sụp đổ, chẳng những Thái Lan mà còn Miến Điện và Mã Lai cũng bị đe doạ nghiêm trọng, cùng với mối nguy hiểm tăng thêm cho Đông Hồi và Nam Á cũng như cho Indonesia [6]. ”

Chính thuyết Domino đã đưa Mỹ tới sự xúc tiến thành lập tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization, gọi tắt là SEATO) ngay sau khi hiệp định Genève được ký kết. Tổ chức này thành hình ngày 8 tháng 9 năm 1954 và gồm 8 nước hội viên: Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Tân Tây Lan, Hồi, Thái và Phi-Líp-Pin. Trên thực tế, Mỹ cũng chẳng kiếm chác đưọc thêm gì ở Liên Minh Đông Nam Á. Vỏn vẹn chỉ có hai nước trong vùng là Phi và Thái thì lại đều đã ký kết với Mỹ những hiệp ước song phương. Thành ra, tổ chức chỉ còn tiêu biểu cho điều mà Mỹ gọi là “hành động chung” của các cường quốc Tây phương ở Đông Nam Á. Song, chính vì điều này mà Miến Điện và Indonesia đã nhiều lần tố cáo tổ chức chỉ là một hình thức tái lập uy quyền thực dân cũ cộng với uy quyền đế quốc trong vùng.

Trước đây, Mỹ đặt đô đốc Harry D. Felt, tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) của Mỹ vào ban cố vấn quân sự của tổ chức. Tư lệnh bộ Thái Bình Dương tại Trân Châu cảng trở nên nút dây chính trong việc huy động quân lực Mỹ, đặc biệt từ năm1958, lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ so với tất cả lực lượng các nước còn lại trong tổ chức quá chênh lệch, làm cho nếu phải hành quân khẩn cấp, đô đốc Felt sẽ đương nhiên trở thành tổng tư lệnh.

Mỹ đã tính tóan để có thể mặc tình làm mưa làm gió trên khắp vùng, nhân danh bảo vệ tự do (!). Nhưng trên thực tế sau này, Mỹ đã hoàn toàn thất bại vì các nước hội viên tuy đồng sàng mà dị mộng. Lúc đầu, Pháp đã hăm hở vào tổ chức, nhưng chỉ một hai năm sau, Pháp lảng ra dần vì quân lực Pháp bị buộc phải rút hết ra khỏi Đông Nam Á, trừ một số ít còn ở lại Lào (Séno) giữ việc huấn luyện. Mặc dầu đã có lần De Gaulle muốn lợi dụng tổ chức này để tạo cơ hội can thiệp vào nội tình Đông Nam Á, nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu nên bỏ cuộc [7].

Một nước bỏ cuộc khác nữa là Hồi. Hồi tham gia tổ chức chẳng qua chỉ để dựa thế trong cuộc tranh chấp địa phương với Ấn. Sau thấy dựa không được, Hồi liền bắt tay với Trung Cộng, một nước thù nghịch của Ấn, đồng thời cũng thù nghịch với tổ chức.

Còn đối với Anh, hiện lo bảo vệ quyền lợi ở Hồng Kông, Singapore, Mã Lai bằng ngoại giao hơn là bằng quân sự. Và để thực thi chủ trương ấy, càng ngày Anh càng trở nên hoà hoãn với phe Cộng, cụ thể là việc thiết lập bang giao với Trung Cộng. Cho nên Anh rất thờ ơ trước những đề nghị có hành động chung của Mỹ trong các vụ rắc rối ở Đông Nam Á, đặc biệt là Lào và Việt Nam [8].

Úc và Tân Tây Lan thì không quan tâm mấy đến danh nghĩa tổ chức. Các nước này bám vào Mỹ qua hiệp ước tay ba ANZUS có từ trước, cho nên dù tổ chức Liên Phòng còn hay mất cũng không thành vấn đề. Sự góp phần của Úc và Tân Tây Lan vào chiến cuộc Việt Nam, dù ít ỏi, cũng chứng tỏ hai nước luôn luôn là đồng minh chặt chẽ nhất của Mỹ trong vùng này.

Còn người Mỹ? Mỹ đã nhận chân được sự thất bại của mình trong việc duy trì và hữu hiệu hoá tổ chức. Chính tờ báo của quân lực Mỹ ở Thái Bình Dương đã nhận định “Mười lăm năm qua, tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á hầu như đã chẳng làm được gì trong việc ngăn chặn Cộng Sản. Chiến tranh Việt Nam đã bùng nổ lần thứ hai, tình hình chính trị và quân sự ở Lào ngày càng trở nên xấu hơn, còn Thái Lan thì đang phải đương đầu với một cuộc chiến tranh du kích nghiêm trọng mới. Ngay cả các hội viên cũng đã lên tiếng chỉ trích nặng nề. Có người cho rằng tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á quả là hổ giấy, vì vậy, hoặc phải cải tổ để làm hồi sinh lại hoặc là giải tán hoàn toàn cho rồi [9] ”.

Còn lại hai hội viên thực sự ở Đông Nam Á là Phi-Líp-Pin và Thái Lan thì càng ngày nhân dân hai nước này càng nhận thức được sự vô lý của việc mời những lực lượng bên ngoài đến bảo vệ mình. Khuynh hướng tìm về với nhau trong đại gia đình Đông Nam Á đang phát triển mạnh. Báo chí cấp tiến của hai nước đã nhiều lần lên tiếng đòi giải tán tổ chức để lập một tân minh ước chính các quốc gia Đông Nam Á.

 

Can Thiệp Bằng Quân Sự

Không lợi dụng được danh nghĩa tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á do chính mình dựng nên, Mỹ đã can thiệp sâu rộng vào nội tình Đông Nam Á bằng cách dàn xếp trực tiếp với các chính phủ thân Mỹ trong vùng.

Ngoài những căn cứ ở Phi-Líp-Pin mà Mỹ đã duy trì được một không lực và hải lực hùng hậu, Mỹ còn thành lập các phái bộ quân sự tại nhiều nước khác. Các phái bộ Mỹ đều được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương. Sau 1954, tại Lào có Sở Ước Tính Kế Hoạch (PEO), tại miền Nam Việt Nam có Phái Bộ Thâu Hồi Quân Dụng Lâm Thời (TERM) để thâu hồi những quân dụng viện trợ cho Pháp trong chiến tranh Đông Dương và trang bị lại cho quân đội Quốc Gia Việt Nam, còn tại Thái Lan, Kampuchea, Phi-Líp-Pin có Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự Liên Quân (JUSMAG). Về sau, Mỹ tổ chức lại các phái bộ này và gọi chung là Phái Bộ Cố Vấn và Viện Trợ Quân Sự (MAAG) [10].

Trong thời kỳ hoạt động của các phái bộ quân sự, các loại vũ khí dư thừa của Mỹ sau thế chiến II đã được đổ vào Đông Nam Á cùng với các trang cụ khác trong kế hoạch quân viện, và được tính thành tiền như sau (đơn vị: triệu Mỹ kim): từ 1950 đến 1959, Phi-Líp-Pin 222,1, Thái Lan 296,5; từ 1955 đến 1959, miền Nam VN 489,5, Lào 66,3, Kampuchea 65, 6.

Khi tình trạng chiến tranh ở VN trở nên nghiêm trọng, Mỹ đã can thiệp vào VN mạnh hơn và cải đổi Phái Bộ Cố Vấn và Viện Trợ Quân Sự thành Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự (MAC-V) năm 1962. Mỹ cũng đổ 5.000 quân vào Thái và thiết lập các căn cứ gần biên giới Lào để bành trướng chiến tranh. Số quân chiến đấu của Mỹ ở Thái gia tăng dần nên Mỹ cũng phải thành lập Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự ở Thái (MAC-T).

Ngày 23 tháng 7 năm 1962 hiệp định Genève về Lào được ký kết, mười ba nước tham dự (mười bốn phái đoàn) hội nghị đã chấp thuận nền trung lập của Lào. Chiếu theo điều khoản “mọi quân lực ngoại quốc phải rút ra khỏi Lào”, 666 cố vấn và chuyên viên quân sự Mỹ ở Lào đã được rút đi. Thế vào đó lại có gần 500 người Mỹ khác được đưa vào Lào dưới hình thức nhân viên phòng tuỳ viên quân sự và nhân viên Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Mỹ (USAID), trên thực tế đều là nhân viên Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA) nguỵ tích. Công việc của những người này là tiếp tục điều khiển chiến tranh ở Lào, tuyển mộ và duy trì lực lượng quân sự Mèo do tướng Vang Pao chỉ huy, điều hành và yểm trợ lực lượng đặc biệt Thái do Mỹ mướn đánh nhau ở Lào, liên lạc với căn cứ không quân Udorn của Mỹ ở Thái để điều hành các phi vụ oanh tạc, thám sát và vận tải cho 6 căn cứ không quân Mỹ ở Bắc Thái.

Còn tại miền nam Việt Nam, từ 1962, quân đội Mỹ đã tăng lên 9.000 rồi năm sau lên 16.000. Năm 1965, Mỹ bắt đầu đưa quân chiến đấu sang ào ạt; 72.000 vào tháng 7, rồi 165.000 vào tháng 11. Năm 1966 lên 331.000, năm 1967 lên 464.000 và đầu năm 1969 ghi dấu con số cao nhất của quân Mỹ ở Việt Nam là 549.500. Ngoài ra, cũng kể tới đầu năm 1969, Mỹ còn đài thọ hơn 66.000 quân ngoại nhập khác tại Việt Nam: Đại Hàn 50.000, Úc 7.000, Thái 6.000, Phi-Líp-Pin 1.600 và Tân Tây Lan 500.

Sự can thiệp mạnh mẽ vào Việt Nam đã được tổng thống Johnson giải thích như là hành động tiếp tục những cam kết của các tổng thống tiên nhiệm; điều này phải được hiểu như tiếp tục thi hành sách lược hậu thế chiến của Mỹ từ Harry Truman, Dwight D. Eisenhower qua John F. Kennedy.

Kế hoạch can thiệp trực tiếp vào Nam VN đã do phái bộ Taylor-Rostow đề nghị hồi tháng 10 năm 1961 dưới thời chính phủ Kennedy. Tướng Maxwell D. Taylor, khi ấy là chủ tịch Bộ Tham Mưu Liên Quân, và tướng Walt W. Rostow, chủ tịch Hội Đồng Hoạch Định Sách Lược Bộ Ngoại Giao (State Department’s Policy Planning Council) đã đề nghị gửi một lực lượng đầu tiên chừng 10.000 bộ binh với danh nghĩa giúp VNCH trong các công tác dân sự vụ để tránh vi phạm lộ liễu hiệp định Genève; sau đó sẽ dần dần tăng thêm quân số, và chỉ cần tối đa 6 sư đoàn là đủ chận đứng vùng phi quân sự, ngăn hẳn hành động nam tiến của Cộng quân miền Bắc, còn lực lượng du kích miền nam thì để mặc quân đội miền Nam tiêu trừ dần [11].

Với quyết định của Kennedy, quân đội Mỹ đã đặt chân lên Đông Nam Á lục địa và lần đầu tiên kể từ khi lập quốc, Mỹ đã có những căn cứ quân sự vĩ đại trên phần đất này của Á châu. Khi việc chia phần hậu thế chiến với đế quốc cộng sản ở Âu châu đã ổn thoả, Mỹ tất phải tiến tới trên mặt Á châu để tìm thế đứng. Đó là đường đi nước bước của đế quốc Mỹ mà Kennedy đã vạch ra dưới những mỹ từ chính trị trong cuộc phỏng vấn với Walter Cronkite, phái viên hãng Vô Tuyến Truyền Thanh Columbia, ngày 2 tháng 9 năm 1963 “Tôi không đồng ý với những ai cho rằng chúng ta phải rút lui. Đó là một lầm lẫn lớn… Đây là một cuộc chiến đấu vô cùng quan trọng dù xa lắc xa lơ. Chúng ta đã thực hiện những nỗ lực ấy để phòng thủ Âu châu. Nay Âu châu đã hoàn toàn vững vàng, chúng ta cũng phải làm thế để phòng thủ Á châu.”

Sau khi Kennedy bị ám sát (ngày 22 tháng 11 năm 1963), Taylor được Johnson tiếp tục trọng dụng và được đề cử làm đại sứ tại Sài Gòn (ngày 23 tháng 6 năm 1964.) Kể từ đó chiến tranh leo thang liên tục. Vì mức leo thang đã bỏ xa dự liệu của Kennedy trước kia và chỉ được nhảy vọt vào năm 1965 sau khi Johnson đã chính thức trở nên tổng thống do dân bầu, nên có lúc báo chí Mỹ đã gán cho cuộc chiến này là chiến tranh Johnson.

Nếu nói theo thời ngữ của Mỹ thì trong thời kỳ tại vị, Johnson là một trong những trùm “diều hâu.” Thế mà trong khi tranh cử với Goldwater của đảng Cộng Hoà năm 1964, Johnson lại gáy giọng “bồ câu” để hốt phiếu. Chính người viết đã thấy tận mắt những biểu ngữ mà uỷ ban vận động bầu cử của Johnson giăng trước các trụ sở nhằm đả kích những lời tuyên bố hiếu chiến của Goldwater như “dội bom xuống đường mòn Hồ Chí Minh”, “dội bom xuống Bắc Việt.” Thế mà sau khi đắc cử, Johnson đã thi hành theo đúng những ý kiến bị phe ông ta gọi là ngu xuẩn ấy.

Trước và sau khi đắc cử, con người của Johnson đã thay đổi là thế. Nếu lại truy lên từ cuộc chiến tranh Đông Dương trước kia để nhớ lại Johnson đã từng cầm đầu nhóm nghị sĩ chống lại việc can thiệp vào Việt Nam năm 1954, thì mới lại càng thấy lập trường của Johnson đã thay đổi như thế nào.

Về phần Kennedy, năm 1962 ông ta đã đưa lính Mỹ vào Việt Nam, dù với con số nhỏ bé, nhưng là những bước khởi đầu quan trọng. Năm 1963, Kennedy cho rằng thật là một sự lầm lẫn lớn nếu người Mỹ rút ra khỏi Việt Nam. Nghĩa là ông ta chủ trương trú đóng ở Việt Nam lâu dài, mặc dầu trước đó 9 năm (1954) thời còn là nghị sĩ, ông ta đã nhận định khá sáng suốt về trận chiến sa lầy ở Đông Dương “Tôi thành tật tin rằng không có số lượng quân viện nào ở Đông Dương có thể thắng được một kẻ địch có mặt ở khắp nơi và đồng thời cũng chẳng ở nơi nào cả [12]”.

Ngoài các tổng thống, ngay đến những viên chức chính quyền thứ cấp khác cũng có những sự thay đổi lập trường kỳ lạ giữa lúc cầm quyền và không cầm quyền. Cứ xét qua mấy bộ mặt quen thuộc như McNamara và Clifford, cựu bộ trưởng quốc phòng, Harriman và Vance, trưởng và phó trưởng phái đoàn đại diện Mỹ tại hoà hội Paris dưới thời Johnson thì đủ thấy chính khách Mỹ xoay chiều như thế nào.

Động lực nào đã thúc đẩy họ tới gần “diều hâu” khi cầm quyền và gần “bồ câu” khi chưa hoặc đã rời chức vụ lãnh đạo? Trả lời hoàn toàn được câu hỏi này tất phải kiểm điểm lại hệ thống chính trị trong tổ chức xã hội Mỹ, đó là điều bất khả trong phạm vi một chương sách. Nhưng, nếu chỉ xét đến ảnh hưởng quan trọng nhất chi phối giới lãnh đạo thì tưởng không thể nào quên được bàn tay vận dụng của Tư Bản Mỹ.

 

Tư Bản Với Chiến Tranh và Hoà Bình

Như con bạch tuộc nhiều vòi, mỗi vòi len lỏi vào một lãnh vực để bòn rút, không quyền lực quốc gia nào mà không bị tư bản vơ nắm, không tình huống quốc tế nào mà không bị tư bản khai thác lợi dụng. Các nhà lãnh đạo Mỹ khi đứng ra chấp nhận lãnh đạo là đương nhiên không nhiều thì ít đã tự chấp nhận lăn mình vào một guồng máy mà nút bấm quay guồng thường được đặt đâu đó trên Bích Lộ (Wall Street), Nữu Ước.

Trong thế chiến hoà, nút bấm có thể điều khiển cho guồng máy quay theo chiều hoà hay quay theo chiều chiến. Nghĩa là tuỳ lúc tuỳ nơi, tư bản Mỹ sắp xếp hành động thế nào để luôn luôn có lợi nhất. Cái lợi trong thời chiến dĩ nhiên là cái lợi từ kỹ nghệ phục vụ chiến tranh.

Ngay từ thời hậu cách mạng, chính phủ liên bang Mỹ đã dựng những cơ xưởng sản xuất chiến cụ để cung ứng cho nhu cầu chiến tranh. Nhưng dần dần, giới tư bản khi bành trướng đủ mạnh để tạo thành một thế lực mới đã tìm mọi cách nhận đặt hàng từ tiểu bang lên tới liên bang và thay thế hẳn hệ thống quốc doanh cũ. Kỹ nghệ chế tạo sản phẩm chiến tranh được Mỹ duy trì liên tục, vừa để sử dụng vào những trận chiến mà Mỹ tham dự, vừa để xuất cảng bán khắp thế giới.

Sau thế chiến II, ngân khoản đặt hàng bị giảm bớt vì lúc ấy Mỹ đang thặng dư chiến cụ. Một số lớn cơ sở kỹ nghệ loại này phải đóng cửa để chuyển sang kỹ nghệ hậu chiến. Số chiến cụ dư thừa được chuyển cho các nước đàn em của Mỹ trong kế hoạch quân viện. Tới năm 1950, khi chiến tranh Triều Tiên bộc phát, chính phủ liên bang lại vội vã đặt những món hàng kếch xù. Và đó cũng là dịp để cho giới tư bản Mỹ tha hồ lên giá với lý do bù đắp phí tổn tái lập cơ xưởng. Sự lên giá quá đáng này cộng thêm với các cuộc vận động ngầm khác đã làm cho chính phủ phải duy trì mức đặt hàng đều đặn cả trong thời chỉ có chiến tranh lạnh để tránh mắc kẹt khi có chiến tranh nóng xảy ra.

Dĩ nhiên khi có chiến tranh nóng, dù là chiến tranh hạn chế, các giới tư bản cũng sẽ thu lợi nhiều hơn. Chiến tranh Việt Nam là một thí dụ điển hình. Năm 1960, ngân khoản đặt hàng giữ ở mức bình thường sau trận Triều Tiên là 22.500 triệu Mỹ kim (MK). Trong mấy năm sau, chiến cuộc Việt Nam bành trướng hơn, Mỹ bắt đầu can thiệp sâu rộng hơn thì số ngân khoản tăng lên dần tới 28.100 triệu MK vào năm 1963. Năm 1965 là năm quân số chiến đấu của Mỹ ở Việt Nam tăng vọt lên từ 16.500 đến 165.700, phiếu đặt hàng cũng vọt lên từ 26.600 triệu MK tài khoá 1965 đến 37.700 triệu MK tài khoá 1966. Nghĩa là riêng chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng tới 9.100 triệu MK một năm trong thời gian ấy.

Những năm kế tiếp, con số tiếp tục cao vời vợi: năm 1967 – 41.800 triệu MK, năm 1968 – 41.200 triệu MK, năm 1969 – 42.300 triệu MK [13].

Tóm lại trong thập niên 60, kỹ nghệ chiến tranh tại Mỹ đã thu hút 317.800 triệu MK. Hãy nghĩ đến món lời vĩ đại mà hàng trăm xí nghiệp trong tập đoàn tư bản dây phần vào hoạt vụ trên đã thâu đoạt được. Một chuyện khó có thể tưởng tượng được là riêng trong niên khoá 1968, tại Mỹ đã có tới 5 xí nghiệp nhận phiếu đặt hàng trị giá trên 1.000 triệu MK (General Dynamics Corporation 2.239 triệu MK, Lockheed Aircraft Corporation 1.871 triệu MK, General Electric Company 1.489 triệu MK, United Aircraft Corporation 1.321 triệu MK và McDonnel Douglas Corporation 1.101 triệu MK.)

Tuy nhiên, ngoài những tổ chức tư bản thâu lợi nhiều trên, không phải là không có những tổ chức mất một phần lợi tức trong thời chiến, vì vậy tranh chấp đã không tránh được trong giới tư bản. Hơn nữa, ngay cả trong số những tổ chức thâu lợi vì chiến tranh cũng có những sự tranh chấp nhau làm ảnh hưởng đến đường lối chiến tranh của Mỹ. Trong những nhà tài phiệt quan trọng ở Bích Lộ, số người gốc Do Thái không phải là ít. Những người này luôn luôn có khuynh hướng tạo áp lực dập tắt ngòi lửa chiến tranh Đông Dương, chẳng phải vì xót thương gì các dân tộc ở đây, nhưng chỉ là vì muốn Mỹ quan tâm hơn đến Trung Đông, nơi Israel đang phải chật vật đương đầu với thế giới Ả Rập.

Ở trên là mới chỉ đề cập đến giới tư bản hoạt động ngay tại đất Mỹ, còn có liên quan trực tiếp đến sự can thiệp của Mỹ tại khắp nơi trên thế giới tất không thể quên giới tư bản Mỹ ở quốc ngoại. Các hãng, hay chi nhánh hãng Mỹ ở những nước nhược tiểu vừa hoạt động trong địa hạt kinh tế, vừa hoạt động trong nhiều địa hạt khác, đã là những tổ chức rất có ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại của Mỹ và cũng là những cơ quan chi phối các áp lực chính trị địa phương. Ngay tại Đông Nam Á, nhiều cơ sở tư bản đã bỏ tiền nuôi dưỡng các nhân vật tạm thất thế, hoặc các phần tử đối lập, phương cách kinh doanh mới được gọi là “đầu tư chính khách.” Cái vòi bạch tuộc đã len lỏi vào tận thâm đáy của chính trường như vậy, thử hỏi làm sao người cầm quyền thân Mỹ dám đi trái đường lối Mỹ cho được!

Bàn tay tư bản đã nhám bẩn đến độ chính những công dân được họ thuê mướn cũng phải lên tiếng phủ nhận liên hệ trách nhiệm “Chúng tôi không có trách nhiệm gì trong chiến tranh lạnh. Chúng tôi đã không tạo ra cuộc chiến tranh ấy. Những nhà máy ở Johannesburg, Rio và Sài Gòn chẳng phải của chúng tôi. Chúng tôi cũng không được chia phần gì nơi những tổ hợp tư bản Engelhard Industries, Kennecott Coper, Lockheed, United Fruit [14].”

 

Thực Chất Sách Lược Mỹ

Qua những lời phát biểu trên của công nhân, người ta có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của vấn đề giai cấp. Cũng như người ta đã từng thấy vấn đề màu da trong những lời hô hào của phong trào da đen đấu tranh hồi tháng 8 năm 1965 “Người da đen đừng đi chiến đấu cho tự do của người da trắng ở Việt Nam, trừ khi chính dân da đen ở Mỹ được tự do [15].”

Đó là chuyện nội bộ của nước Mỹ. Khác hơn thế, đối với chúng ta, tình trạng căng thẳng đã bao trùm thế giới và chiến tranh có tính chất cục bộ phát khởi nhiều nơi rõ ràng vẫn chỉ là hậu quả của sự tranh dành giữa các đế quốc với nhau. Thực chất phơi bày trần truồng như vậy tưởng cũng đã phá tan huyền thoại nhân đạo giải phóng mà mỗi bên tự khoác lấy làm chiêu bài lừa người dối mình.

Không có chuyện gì hào hiệp mà đem quân đi cứu nước này, giúp nước nọ như cơ quan tuyên truyền của tư bản vẫn rêu rao. Mọi sự can thiệp bằng quân sự thực ra chỉ là mưu đồ bành trướng vùng kiểm soát. Vùng kiểm soát càng rộng, đế quốc càng hưởng lợi nhiều. Vòng đai phòng thủ càng xa, chính quốc càng được yên ổn. Ngay như vấn đề Đông Nam Á, tổng thống Johnson cũng đã phải xác nhận trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 11 năm 1967 rằng chính phủ ông quyết định can thiệp vào vì ông tin chắc nền an ninh của các nước Đông Nam Á có liên hệ mật thiết đến nền an ninh của chính Mỹ quốc[16] ”. Sự việc đã được nhìn nhận rõ rệt vậy thì nên bỏ giọng giúp đỡ đi, vì giữa chính phủ Mỹ và những chính phủ thân Mỹ ở Đông Nam Á chưa biết ai là người giúp và ai là người được giúp!

Trở lại vấn đề đứng hẳn sang hàng ngũ Mỹ trong thế phân hoá quốc tế hiện tại, nhiều chính khách Đông Nam Á đã tự nhận thấy là sai lầm. Trong cuộc họp báo ngay sau lễ nhậm chức đầu năm 1969, ngoại trưởng Phi-Líp-Pin là Romulo đã tuyên bố “Phi không còn trông cậy vào các nước đồng minh được nữa, vì quyền lợi của Phi trên hết” và “Thời hậu chiến với hai chiều hướng hoặc Mỹ hoặc Nga nay đang chấm dứt [17].”

Có người sẽ cho rằng hiện Phi không còn lo ngại nhiều về Cộng sản địa phương nên mạnh miệng, nhưng nghĩ như vậy, ta thử tự hỏi: liệu với sự giúp đỡ của Mỹ, Cộng sản có dẹp tan không hay sẽ bành trướng thêm? Hãy nhìn lại chiến tranh Việt Nam để thấy câu trả lời. Hoặc hãy nghe chính người Mỹ trả lời “Mỹ đang tạo thêm ra Cộng sản, vốn trước có rất ít, từ khi Mỹ tự mời mình vào Nam Việt Nam.” Đó là lời tuyên bố của nghị sĩ Gruening, thuộc tiểu bang Alaska [18].

Thật vậy, Mỹ đã tỏ ra chẳng hiểu biết bao nhiêu về cuộc chiến mà Cộng sản phát động. Nếu Mỹ hiểu, Mỹ đã không đem quân trực tiếp tham chiến với hình thức chiến tranh hạn chế. Nếu Mỹ hiểu, Mỹ đã chỉ tự đứng ngoài cung cấp phương tiện trong im lặng để đồng minh nạn nhân chống địch với tư thế “có chính nghĩa” trước mắt quần chúng, yếu tố quan trọng nhất để thắng loại chiến tranh này.

 

Học Thuyết Nixon và Chính Sách Hiện Nay của Mỹ

Dầu sao thì đến năm 1968, sau cuộc tổng công kích của Cộng sản trên hầu hết các thị trấn miền Nam VN, Mỹ cũng đã nhận thấy cái bất lợi của sự can thiệp trực tiếp, tức tiến hành chiến tranh hạn chế. Vì vậy, người kế nhiệm ông Johnson là tổng thống Nixon đã khởi sự thi hành kế hoạch lui về chiến tranh uỷ nhiệm, nghĩa là rút dần quân đội Mỹ ra khỏi Nam VN, tăng cường dần lực lượng VNCH để thay thế. Kế hoạch này được Nixon gọi là chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, một chương trình thể hiện học thuyết Nixon vào điều kiện VN.

Nói một cách tổng quát, học thuyết Nixon đã dự liệu sự triệt thoái các lực lượng Mỹ khỏi một số khu vực tây Thái Bình Dương. Từ vài điểm sơ khởi nhấn mạnh đến chủ trương địa phương hoá nỗ lực phòng thủ của chư hầu Mỹ ở Đông Nam Á được công bố ở Guam vào tháng 7 năm 1969, học thuyết Nixon đã được vun bồi, triển khai thêm để trở thành chính sách đối ngoại của Mỹ.

Chính sách đối ngoại của Mỹ đã được Nixon công bố trong thông điệp liên bang ngày 20 tháng 1 năm 1972 và gồm 5 điểm chính đại ý như sau:

  1. Mỹ tiếp tụ duy trì một lực lượng chỉ đủ mạnh để đập tan mọi đe doạ đối với nền an ninh của Mỹ và các nước chư hầu.

  2. Mỹ sẽ giúp chư hầu phát triển khả năng quốc phòng để tự vệ.

  3. Mỹ tôn trọng mọi cam kết trù liệu trong mọi hiệp ước ký với các nước khác.

  4. Mỹ sẽ dùng biện pháp quân sự nhằm bảo toàn quyền lợi thiết thân bất cứ nơi nào trên thế giới khi quyền lợi ấy bị đe doạ.

  5. Vai trò của Mỹ sẽ rất giới hạn trong những trường hợp nào không liên can đến quyền lợi thiết thân hoặc cam kết của Mỹ.

Thực ra thì chính sách mà Nixon phác định không hẳn mang tính chất sáng tạo. Nó chẳng qua chỉ là những đường lối cũ được phân định rõ rệt hơn, đặc biệt nhấn mạnh đến điểm 2 và điểm 5 gợi cái ý Mỹ sẽ tự tránh bớt loại chiến tranh hạn chế (cục bộ) mà Mỹ đã nhiều lần dự vào, đồng thời phát triển thêm chiến tranh uỷ nhiệm, nghĩa là tiến hành chiến tranh theo lối Nga Hoa ở Việt Nam: tiền, súng của đế quốc, xương máu của nhược tiểu đàn em.

Về chuyện rút quân, trên đại thể Mỹ sẽ thi hành, nhưng Mỹ cũng sẽ tuỳ cơ uyển chuyển duy trì một số lực lượng ở càng nhiều nơi trên thế giới càng hay. Tại Đông Nam Á, dù có rút hết khỏi Đông Dương, quân Mỹ cũng sẽ còn nằm vạ trong một thời gian chắn chắc không ngắn ngủi ở các căn cứ trên đất Phi và Thái. Ấy là chưa kể đến vị trí Guam, đầu cầu Thái Bình Dương rất gần kề Đông Nam Á hiện nay hoàn toàn thuộc Mỹ.

Quyền lợi của Mỹ ở Đông Nam Á rất quan trọng, chắn chắc không người lãnh đạo nào của Mỹ phải nghĩ tới phủi tay bỏ cuộc. Nixon lại càng nghĩ tới quyền lợi ấy hơn ai hết; ngay cả đến việc bắt tay với Trung Cộng cũng không ngoài nhu cầu hiện diện của Mỹ ở nơi này. Ngay từ khi mới ngồi vào ghế tổng thống nhiệm kỳ 1, Nixon đã ra lệnh duyệt xét toàn bộ chính sách Mỹ đối với Trung Cộng. Trong nỗ lực hình thành tân chính sách, chủ điểm mà Nixon đưa ra cho những người phụ trách việc chi tiết hoá (chủ chốt là phụ tá ngoại trưởng Marshall Green và cố vấn Bạch Cung Henry Kissinger) là làm thế nào để Mỹ sẽ không là địch thủ số một của Nga hay Tàu, mà chính mỗi nước ấy sẽ là địch thủ số một của nhau.

Tại Đông Nam Á, Mỹ trù tính Trung Cộng cần có sự hiện diện của Mỹ để chặn bớt ảnh hưởng của Nga, và Nga cũng cần có sự hiện diện của Mỹ để chặn bớt sức bành trướng của Trung Cộng. Trong cái thế tam giác Mỹ, Nga, Tàu ấy, Mỹ sẽ mặc sức thao túng đối tượng chính là các nước, các dân tộc Đông Nam Á, trong khi Nga và Tàu cứ tự do kềm giữ lẫn nhau: đó là con đường mà Nixon đã chọn để tiến tới.

[còn tiếp

 

Ghi Chú:

[1] Nghị sĩ Mỹ Beveridge, ngày 9 tháng 1 năm 1900, đã tuyên bố rằng Phi-Líp-Pin sẽ là của Mỹ mãi mãi vì đằng sau Phi là thị truờng Trung Hoa to lớn (Henri Claude, Où Va L’impérialisme Américain, Paris, 1950). Ngay khi còn đang bình định Phi, Mỹ cũng đã gửi quân tham dự vụ tám nước tấn công Bắc Kinh năm 1900, và tới năm 1905 Mỹ lại nhào vào khai thác vùng Mãn Châu sau chiến tranh Nga Nhật.

[2] Chủ trương Mỹ quyết không nhúng vào việc Âu châu và Âu châu cũng không được nhúng vào việc Mỹ châu.

[3] Kenneth T. Young Jr., The Southeast Asia Crisis, Oceana Publications, 1966.

[4] Ngay từ 1940, Mỹ đã trù liệu trước là Anh sẽ suy yếu cực độ sau chiến tranh và Mỹ đã sắp đặt sẵn kế hoạch lãnh đạo khối Anglo Saxon thay Anh (Vicken Cordon, diễn văn ngày 10 tháng 12 năm 1940) và tổ chức lại thế giới theo trật tự Mỹ (hồi ký của cựu ngoại trưởng Cordell Hull).

[5] Thực ra, sau thế chiến II, MacArthur đã vạch ra một vòng đai phòng thủ hay nói rõ hơn là biên cương mà đế quốc Mỹ nhắm tạo ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, là vùng đảo từ Úc lên Phi-Líp-Pin, Đài Loan, Xung Thằng, Nhật Bản và Nam Hàn. Đại lục Á châu được coi là vùng đất mà Mỹ không nên đặt chân vào. Sau này, hồi tháng 1 năm 1950, ngoại trưởng Dean Acheson cũng nhắc lại tương tự như vậy.

[6] Dwight D. Eisenhower, Mandate For Change 1953-56, Garden City, N.Y. Doubleday, 1963.

[7] De Gaulle muốn chia sẻ thế đứng với Mỹ nên đã đề nghị ba nước Pháp, Mỹ, Anh hợp thành nhóm lãnh đạo Đông Nam Á. Đề nghị này không được Mỹ hưởng ứng. Vì Anh vốn không ưa Pháp, còn Mỹ đời nào chịu san sẻ quyền lãnh đạo với Pháp. Từ năm 1966, Pháp đã không gửi phái đoàn đến tham dự các khoá họp thường niên của tổ chức nữa.

[8] Thực ra thì hành động của Anh Mỹ cũng có nhiều uẩn khúc mà người quan sát bên ngoài không dễ gì tìm hiểu được; chẳng hạn như sự phân nhiệm về chính sách của khối Anglo-Saxon trước một thế giới đa cực như ngày nay: mỗi thành viên của khối có vẻ như đi một đuờng nhưng cái đích chung của khối vẫn là một.

[9] Bài “SEATO Members Seek New Teeth”, Pacific Stars and Stripes số ra ngày 11 tháng 5 năm 1969.

[10] Năm 1959, nhân viên phái bộ Mỹ gồm 342 ở VN, 266 ở Thái Lan, 69 ở Phi-Líp-Pin, 57 ở Kampuchea. Năm 1961 số nhân viên ở VN tăng lên 685, ở Lào được ghi nhận là 300.

[11] Roger Hilsman, To Move a Nation, New York: Doubleday, 1967.

[12] Theodore Draper, Abuse of Power, New York; Viking Press, 1967.

[13] Theo thống kê của Bộ Quốc Phòng Mỹ, trích trong US News And World Report số ra ngày 21 tháng 4 năm 1969.

[14] Staughton Lynd và Thomas Hayden, The Other Side, The New American Library, 1967.

[15] Như cước chú 14.

[16] Theo bài “Political Commitment in SEA” của W. C. Johnstone trong Current History số tháng 1 năm 1968

[17] Tin AP từ Manila ngày 2 tháng 1 năm 1969.

[18] Tin AFP từ Nữu Ước ngày 5 tháng 1 năm 1969.