Trí Tuệ Đám Đông Vì Sao Đa Số Thông Minh Hơn Thiểu Số

Chương 8. KHOA HỌC

Chương 8. KHOA HỌC

Cộng tác, cạnh tranh và danh tiếng

I

Đầu tháng Hai năm 2003, Bộ Y tế Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về trường hợp 305 người ở tỉnh Quảng Đông bị một căn bệnh đường hô hấp rất nghiêm trọng kể từ tháng Mười một năm 2002, trong đó 5 người đã tử vong. Mặc dù triệu chứng của bệnh giống bệnh cúm nhưng các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính đối với các virus gây bệnh cúm. Sau đó vài tuần, WHO tiếp tục nhận được tin báo có một người đàn ông sau khi tới Trung Quốc và Hong Kong phải nhập viện tại Hà Nội vì bị một căn bệnh về đường hô hấp nghiêm trọng. Cũng trong thời gian đó, một số nhân viên ở một bệnh viện Hong Kong mắc phải những triệu chứng tương tự. Các báo cáo về những trường hợp mới liên tục gửi tới tổ chức này và đến đầu tháng Ba, dường như đã khẳng định được SARS - tên của căn bệnh mới - không phải là cúm mà là một bệnh hoàn toàn mới. Đáp lại, WHO đã đưa ra lời cảnh báo trên toàn thế giới về bệnh SARS cho những người lui tới vùng Đông Nam Á và xây dựng hệ thống giám sát toàn cầu để cập nhật thông tin về mọi trường hợp mới của bệnh.

Nếu như việc theo dõi bệnh SARS là quan trọng - vì đã khẳng định được bệnh SARS lây từ người sang người, thì việc cách ly để kiểm dịch có lẽ cũng là chiến lược quan trọng để chiến đấu với căn bệnh này - thậm chí còn quan trọng hơn cả việc phát hiện nguyên nhân gây bệnh, mở cánh cửa để xét nghiệm và tìm ra vắc xin phòng bệnh. Và ngay cùng lúc đưa ra lời cảnh báo về căn bệnh này trên toàn cầu, WHO cũng bắt đầu vận động nỗ lực trên toàn cầu để tìm hiểu nguyên nhân gây nên bệnh SARS. Ngày 15 và 16 tháng Ba, WHO đã liên hệ với 11 phòng thí nghiệm của các nước trên khắp thế giới - gồm Pháp, Đức Hà Lan, Nhật, Mỹ, Hong Kong, Singapore, Canada, Anh và Trung Quốc - và đề nghị họ cùng phối hợp với nhau để tìm và phân tích virus gây bệnh SARS. Tất cả cùng nhất trí, và ngày 17 tháng Ba họ chính thức bắt tay vào công trình mà WHO gọi là "Đề án nghiên cứu cộng tác đa trung tâm". Mỗi ngày, các phòng thí nghiệm đều tham gia vào các cuộc hội nghị từ xa, qua đó, họ trao đổi công việc, thảo luận về những kết quả hiện tại và hướng nghiên cứu tiếp theo. Trên một trang web của tổ chức WHO, các phòng thí nghiệm gửi lên những tấm ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử những loại virus phân lập được từ các bệnh nhân SARS (bất cứ bệnh nhân nào trong số họ đều có thể là nguyên nhân gây bệnh), những phân tích về virus và kết quả xét nghiệm. Các phòng thí nghiệm thường xuyên trao đổi các mẫu virus để cùng nhau kiểm tra và học tập lẫn nhau.

Do cách thức cộng tác, nên có nhiều phòng thí nghiệm đồng thời nghiên cứu mẫu bệnh phẩm giống nhau, do đó, tốc độ và hiệu quả công việc được đẩy nhanh gấp bội. Chỉ sau vài ngày, các phòng thí nghiệm đã xem xét và loại bỏ hàng loạt nguyên nhân có thể gây ra bệnh này, gồm nhiều loại virus từng được tìm thấy trong các mẫu xét nghiệm hay từ một số bệnh nhân SARS, chứ không lấy từ những bệnh nhân khác. Đến ngày 21 tháng Ba, các nhà khoa học ở Trường Đại học Hong Kong đã phân lập được một loại virus có vẻ là nguyên nhân gây bệnh chính. Cũng vào ngày hôm đó, các nhà khoa học ở Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ đã tìm được một loại virus, mà dưới kính hiển vi điện tử, trông giống như virus có tên là Corona. Điều này rất kỳ lạ, Virus Corona tác động rất mạnh đối với các động vật nhưng ở con người thì chỉ biểu hiện ở mức độ nhẹ. Nhưng một tuần tiếp theo, các phòng thí nghiệm tham gia trong mạng lưới phát hiện thấy virus Corona có trong rất nhiều mẫu xét nghiệm lấy từ các bệnh nhân nhiễm SARS. Các phòng thí nghiệm ở Đức, Hà Lan và Hong Kong bắt đầu tổng hợp về loại virus này. Đầu tháng Tư, những chú khỉ ở phòng thí nghiệm Hà Lan nhiễm virus Corona hoàn toàn bị suy sụp vì bệnh SARS cấp tính. Đến ngày 16 tháng Tư, đúng một tháng sau khi bắt tay cộng tác, các phòng thí nghiệm đã tin chắc và công bố rằng chính virus Corona là nguyên nhân gây bệnh SARS.

Việc phát hiện ra virus bệnh SARS, dù ở mức độ nào đi nữa, cũng là một thành công rất đáng chú ý. Và trước một thành công đáng thú ý như vậy, tự nhiên trong chúng ta sẽ nảy sinh câu hỏi: Ai đã làm được việc này? Nói cách khác, ai là người đã thực sự tìm ra nguyên nhân gây bệnh SARS? Nhưng sự thật là câu hỏi đó không tìm được câu trả lời. Như sự việc đã nêu, chúng ta biết tên của người đầu tiên phát hiện virus Corona. Bà là một chuyên gia sử dụng kính hiển vi điện tử có tên là Cynthia Goldsmith, làm việc ở phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Atlanta. Nhưng bạn không thể nói rằng bà đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh SARS, vì đó là công sức làm việc trong nhiều tuần của các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới để chứng minh Corona thực sự làm mọi người mắc bệnh. Đối với vấn đề này, cả việc đã chứng minh được rằng những loại virus khác không phải là nguyên nhân gây bệnh SARS cũng chính là một công cụ góp phần làm nên thành công vì nó giúp khoanh vùng được những nguyên nhân gây bệnh. Tóm lại, không phải riêng một cá nhân nào phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh SARS. Chính vì WHO đã đặt ra mục tiêu tìm bằng được virus gây bệnh nên cả mạng lưới các phòng thí nghiệm mới cùng chung sức phát hiện virus Corona. Nếu làm việc độc lập thì bất cứ phòng thí nghiệm nào cũng có thể phải mất hàng tháng hoặc hàng năm mới phân lập được loại virus này. Nhờ cộng tác với nhau, nên việc đó chỉ còn là vấn đề của vài tuần.

Điều thú vị về thành công trong sự cộng tác của các phòng thí nghiệm, nói một cách nghiêm túc, là trên thực tế không riêng một ai chịu trách nhiệm đảm nhận công việc này. Tuy WHO tổ chức thiết lập mạng lưới phòng thí nghiệm nhưng không có cấp cao nhất nào chỉ đạo cụ thể việc các phòng thí nghiệm phải làm là gì, loại virus nào, mẫu bệnh phẩm nào cần nghiên cứu, hay cách thức trao đổi thông tin ra sao. Các phòng thí nghiệm đều thống nhất chia sẻ mọi dữ liệu có liên quan và thảo luận với nhau vào mỗi buổi sáng, trừ việc họ tự quyết định việc cộng tác như thế nào. Giả thuyết định hướng cho việc nghiên cứu bệnh SARS là do họ, các phòng thí nghiệm có thể tính toán cách hiệu quả nhất để chia sẻ công việc. Một phần trong việc này, tất nhiên, là sự cần thiết: WHO không có thẩm quyền thực sự để buộc các phòng thí nghiệm của chính phủ hay của các trường đại học phải làm gì. Nhưng trong trường hợp này, sự cần thiết đã trở nên có hiệu quả. Không có sự chỉ đạo từ trên xuống nhưng các phòng thí nghiệm đã tự tổ chức công việc của mình rất tốt. Bản chất cộng tác của dự án đã tạo điều kiện để mỗi phòng thí nghiệm được tự do tập trung vào những hướng nghiên cứu mà họ tin là có triển vọng nhất, để phát huy sức mạnh phân tích riêng của mình, đồng thời cho phép các phòng thí nghiệm cùng chia sẻ lợi ích thu được từ những dữ liệu và kết quả phân tích của nhau theo thời gian thực. Và kết quả là liên minh đa quốc gia vững chắc này đã tìm được giải pháp cho vấn đề đặt ra hết sức nhanh chóng và hiệu quả giống như bất kỳ một tổ chức nào có sự chỉ đạo từ trên xuống dưới khả dĩ có được.

Quy mô và tốc độ của nỗ lực nghiên cứu bệnh SARS khiến trường hợp này trở thành một hiện tượng độc đáo. Nhưng về ý nghĩa nào đó, sự cộng tác thành công giữa các phòng thí nhiệm chỉ đơn giản là trường hợp điển hình về cách thức làm việc mà nhiều ngành khoa học hiện đại đã thực hiện. Mặc dù, trong khoa học, vẫn có những lĩnh vực mà thiên tài hoạt động đơn độc trong phòng thí nghiệm. Nhưng thực ra, dưới một hình thức nào đó, nó vẫn là một công việc mang tính tập thể hết sức sâu sắc. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, rất hiếm thấy có sự cộng tác giữa các nhà khoa học. Nhưng tình hình đã thay đổi trong những thập kỷ trước Chiến tranh thế giới thứ hai và trong những năm sau chiến tranh, phương thức làm việc theo nhóm và các đề án phối hợp nghiên cứu đã phát triển nhanh chóng. Các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu thực nghiệm, thường làm việc theo những nhóm lớn và không còn lạ gì khi thấy những công trình nghiên cứu khoa học có tới 10 hoặc 20 đồng tác giả (Điều này hoàn toàn tương phản với các khoa học nhân văn, trong những ngành khoa học này, quyền của một tác giả vẫn là một tiêu chuẩn.). Một ví dụ điển hình về hiện tượng này là việc khám phá ra hạt lượng tử gọi là “top quark” vào năm 1994. Khi phát hiện này được công bố, nó thuộc về 450 nhà vật lý khác nhau.

Tại sao các nhà vật lý cộng tác với nhau? Một phần vì đó là kết quả của cái gọi là "sự phân chia lao động dựa trên kinh nghiệm”. Vì khoa học ngày càng chuyên môn hóa hơn và trong mỗi chuyên ngành lại chia nhỏ thành nhiều lĩnh vực nhỏ hơn, nên một người khó có thể biết hết được mọi thứ cần biết. Điều này đặc biệt đúng trong khoa học thực nghiệm, nơi tổ chức cơ cấu bộ máy tinh xảo đòi hỏi phải có những kỹ năng đặc biệt. Sự cộng tác cho phép các nhà khoa học tập hợp được nhiều loại kiến thức khác nhau một cách tích cực (chứ không đơn giản chỉ là đọc được thông tin từ sách vở). Sự cộng tác còn giúp các nhà khoa học dễ giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực học thuật hơn - điều vẫn thường xảy ra đối với những vấn đề khoa học lý thú và quan trọng nhất ngày nay. Các nhóm nhỏ phải đối mặt với những thách thức lớn trong giải quyết các vấn đề và đưa ra quyết định. Và có thể mất khá nhiều thời gian để phân chia lao động, thảo luận kết quả và đi đến kết luận. Thế nhưng những phí tổn tiềm năng đó, đối với phần lớn các nhà khoa học, đều không thể sánh được với những lợi ích đạt được.

Sự cộng tác rất có tác dụng còn bởi vì khi cộng tác hiệu quả, nó sẽ bảo đảm sự đa dạng của những triển vọng. Chẳng hạn, trong trường hợp nghiên cứu virrus bệnh SARS, việc các phòng thí nghiệm khác nhau có những ý tưởng ban đầu khác nhau về nguồn gốc khả dĩ của virus biểu thị phạm vi những khả năng có thể xét đến rất rộng. Và việc các phòng thí nghiệm khác nhau cùng song song nghiên cứu các mẫu bệnh phẩm, tuy khả năng là sẽ có nhiều nỗ lực trùng nhau, nhưng cũng tạo ra được những kết quả phong phú, từ đó hình thành dữ liệu thống nhất.

Tóm lại, để cộng tác thành công, mỗi cá nhân người làm công tác nghiên cứu khoa học cần phải làm việc hiệu quả hơn. Và rất nhiều nghiên cứu cho thấy dường như chính sự cộng tác thường mang lại điều đó. Như nhà kinh tế học Paula Stephan phát biểu: "Các nhà khoa học biết cộng tác với nhau thường hiệu quả hơn, thường có được những kết quả nghiên cứu khoa học "chất lượng hơn" so với những nhà nghiên cứu đơn lẻ". Và nhà khoa học xã hội Etienne Wenger nói thêm: "Việc giải quyết vấn đề phức tạp ngày nay đòi hỏi phải có nhiều triển vọng. Thời của Leonardo da Vinci đã hết."

Tuy nhiên, nói rằng thời của Leonardo da Vinci đã hết không giống với việc nói rằng sự cộng tác đồng nghĩa với việc giảm bớt hay đè bẹp khả năng sáng tạo của cá nhân. Trong thực tế một trong những phương diện hấp dẫn của cộng tác khoa học đó là: nhà khoa học nào càng làm việc hiệu quả và càng nổi tiếng thì lại càng thường xuyên cộng tác với các nhà khoa học khác nhiều hơn. Điều này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Trong một nghiên cứu thực hiện năm 1966 đối với các công trình được công bố và các hoạt động cộng tác của 592 nhà khoa học, chẳng hạn, De Solla Price và Donald de B. Beaver nhận thấy: "Người hiệu quả nhất cũng là người cộng tác nhiều nhất và 3 trong số 4 người hiệu quả xếp hàng thứ hai cũng nằm trong số ‘những người cộng tác nhiều thứ hai." Một nghiên cứu tương tự của Harriet Zuckerman so sánh 41 người được giải Nobel với một nhà khoa học điển hình có vị trí tương ứng đã nhận thấy những người được nhận giải Nobel có sự cộng tác nhiều hơn so với các nhà khoa học chuẩn mực. Tất nhiên, các nhà khoa học nổi tiếng thường dễ cộng tác hơn vì ai cũng muốn làm việc cùng với họ. Nhưng việc những nhà khoa học nổi tiếng vẫn cam kết cùng cộng tác dù bạn có nghĩ rằng họ sẽ không được gì khi làm việc với người khác chứng tỏ các nỗ lực cộng tác có xu hướng đứng ở vị trí trung tâm trong khoa học hiện đại.

Còn nữa, hình thức cộng tác mà chúng ta đã chứng kiến trong việc nghiên cứu virus gây bệnh SARS rất đặc biệt vì quy mô toàn cầu của nó. Mặc dù cộng đồng khoa học rõ ràng về bản chất là mang tính toàn cầu, nhưng phần lớn sự cộng tác vẫn diễn ra với những đối tác thân cận của nhà khoa học. Chẳng hạn, Barry Bozeman nhận thấy các nhà nghiên cứu học thuật chỉ bỏ ra một phần ba thời gian để làm việc với những người không trực tiếp tham gia nhóm làm việc và một phần tư thời gian để làm việc với những người ngoài trường đại học của họ. Điều đó không có gì quá ngạc nhiên. Dù nói rằng "khoảng cách không có ý nghĩa" như thế nào đi chăng nữa, thì về khoảng cách vật lý, mọi người vẫn thích làm việc gần các đồng nghiệp của mình hơn. Thế nhưng, như trường hợp ví dụ bệnh SARS cho thấy, điều này có thể thay đổi. Công nghệ ngày nay không những giúp mọi người cộng tác trên phạm vị toàn cầu mà còn cộng tác một cách dễ dàng và hiệu quả. Giá trị của sự cộng tác làm việc không những liên thông các trường đại học, mà còn xuyên quốc gia rõ ràng rất rộng lớn, nếu như bạn tự bó hẹp mình trong phạm vi kỹ năng của khoa hay nhóm làm việc trực tiếp của mình thì đây là một thất sách. Do đó, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi những nhà nghiên cứu bỏ ra nhiều thời gian làm việc với các nhà nghiên cứu ở các nước khác lại hiệu quả hơn nhiều so với những nhà nghiên cứu không làm như vậy. Một lần nữa, có thể tương quan ở đây diễn ra theo hướng ngược lại: tức là những học giả làm việc hiệu quả - có nghĩa là học giả nổi tiếng hơn - sẽ dễ cộng tác trên phạm vi quốc tế. Nhưng bất kể lý do tại sao, sự việc vẫn diễn ra như thế, và nói gì đi nữa, thì nó vẫn cứ là như vậy.

Sự cộng tác rõ ràng trong các công trình học thuật và các dự án nghiên cứu không phải là điều duy nhất làm cho khoa học trở thành một sự nghiệp mang tính tập thể. Khoa học mang tính tập thể vì nó phụ thuộc vào và tìm cách thể chế hóa việc trao đổi thông tin công khai và tự do. Khi các nhà khoa học có một khám phá mới quan trọng hoặc thông minh bằng thực nghiệm được một giả thuyết nào đó thì nói chung, họ sẽ không giữ thông tin đó cho chính mình để riêng họ có thể suy nghĩ về ý nghĩa của nó và từ đó đưa ra những giả định khác. Thay vào đó, họ sẽ công bố các kết quả của mình và công khai dữ liệu để mọi người cùng kiểm tra. Việc này tạo điều kiện để các nhà khoa học xem xét lại dữ liệu và có thể bắt bẻ lại những kết luận của họ. Nhưng quan trọng hơn, nó tạo điều kiện để các nhà khoa học khác sử dụng dữ liệu đó để xây dựng nên những giả thuyết mới và thực hiện những thí nghiệm mới. Người ta cho rằng, cả xã hội cuối cùng sẽ biết nhiều hơn nếu thông tin được truyền bá càng rộng rãi càng tốt và sẽ là một sai lầm nếu hạn chế thông tin ở riêng một số ít người. Theo một nghĩa hẹp, mỗi nhà khoa học đều phải dựa vào công trình của những nhà khoa học khác.

Newton nổi tiếng vì đã từng chỉ ra điều tương tự như vậy khi ông phát biểu về việc "đứng trên vai những người khổng lồ". Nhưng Newton, người đã một mình thực hiện phần lớn công trình nghiên cứu lý thuyết của mình và là người luôn ám ảnh ý thức về sự tồn tại riêng, chỉ thừa nhận là những hiểu biết sâu sắc của ông có được là nhờ công trình nghiên cứu của những người đi trước. Ông nói rõ quan điểm rằng tri thức khoa học, về một nghĩa nào đó, mang tính tích lũy (Tất nhiên, Newton sử dụng cụm từ này trong một bức thư gửi đối thủ của ông là Robert Hooke, ông này vô tình là một người lùn, do đó có thể ông dùng cụm từ đó chỉ với ý định như một lời đùa ác ý) Nhưng tri thức khoa học lớn hơn cả sự tích lũy. Nó còn mang tính tập thể. Các nhà khoa học không chỉ dựa vào công việc của những người đi trước. Họ còn dựa vào công trình của những người cùng thời, những người này ngược lại cũng dựa vào họ. Thậm thí các nhà khoa học thất bại trong việc chứng minh giả thuyết của mình cũng giúp ích cho những người ngang hàng biết được những chỗ không cần tiến tới.

Mặc dù tác dụng trong công việc nghiên cứu của cá nhân các nhà khoa học là để tích lũy tri thức khoa học cho cả cộng đồng nhưng nó thực sự không phải là mục đích chính của những nỗ lực nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học muốn giải quyết những vấn đề riêng biệt. Và họ muốn được công nhận, muốn thu hút sự chú ý của những người đương thời và muốn thay đổi cảm nghĩ của các nhà khoa học khác. Mục đích chính đối với phần lớn các nhà khoa học, không phải là tiền, mà là sự công nhận. Mặc dù vậy, chắc chắn các nhà khoa học cũng vẫn là những người có tính tư lợi và ích kỷ như phần đông nhân loại mà thôi. Có điều, chính nét đặc thù độc đáo của cái phương thức theo đó khoa học được hình thành đã khiến những hành vi tư lợi của họ lại đem đến lợi ích cho tất cả chúng ta. Trong quá trình giành lấy danh tiếng cho bản thân, họ đã làm cho nhóm - tức là cộng đồng khoa học và sau đó, gián tiếp, là số còn lại chúng ta - trở nên thông minh hơn.

Điều đáng chú ý về cách tổ chức của khoa học hiện đại đó là giống như mạng lưới các phòng thí nghiệm bệnh SARS không có ai chịu trách nhiệm. Cố nhiên đã có những dự án nghiên cứu lớn và quan trọng từ trên xuống dưới - ví dụ Đề án Manhattan hay Dự án Tên lửa Atlas - trong đó các nhà khoa học đã làm việc dưới sự chỉ đạo rõ ràng để giải quyết những vấn đề riêng biệt và những dự án này, đa số đều được nhà nước bảo trợ, thường là thành công. Đồng thời, từ cuối thế kỷ XIX, nhiều công trình khoa học đã được thực hiện trong các phòng nghiên cứu thí nghiệm hợp nhất, ở đó thường có, dù không phải mọi lúc, một phương thức nghiên cứu được hệ thống hóa, có sự chỉ huy và điều khiển. Nhưng trong lịch sử khoa học và công nghệ, việc tổ chức từ trên xuống dưới luôn là cách làm có nhiều điều đặc biệt hơn là bình thường. Phần lớn, các nhà khoa học được tự do làm theo cách của mình để lựa chọn vấn đề gì mà mình thấy quan tâm, cách thức giải quyết vấn đề và những gì có thể làm từ những kết quả mà mình thu được. Nói như thế không có nghĩa là nhưng lựa chọn của các nhà khoa học, theo bất cứ nghĩa nào, đều tình cờ. Một nhà khoa học không vào phòng thí nghiệm như một tấm bảng trống trơn, chờ nghe xem dữ liệu cho biết điều gì. Thay vào đó, ông phải vào với tư cách một người đã ý thức rõ những vấn đề nào là lý thú, những vấn đề nào có thể giải quyết được và những vấn đề nào nên giải quyết ý thức này được hình thành từ những lợi ích và mối quan tâm của cộng đồng. Và vì nhà khoa học đảm nhận việc nghiên cứu khó khăn nhất đã và đang được chính phủ tài trợ, với những khoản tài trợ do các ban xét duyệt ngang hàng quyết định, nên lợi ích của những người ngang hàng thường tác động trực tiếp và cụ thể đến loại công việc nhà khoa học thực hiện. Tuy vậy, điểm quan trọng là không có ông Vua Khoa học (Science Czar) nào chỉ cho các nhà nghiên cứu biết họ nên làm gì. Chúng ta hãy tin rằng cho phép các cá nhân theo đuổi sự tư lợi của chính họ sẽ tạo ra những kết quả cho tập thể tốt hơn là đưa ra các mệnh lệnh.

Đối với các nhà khoa học, việc theo đuổi những mối tư lợi có lẽ phức tạp hơn những gì người ta có thể hình dung. Mặc dù về cơ bản, các nhà khoa học cạnh tranh nhau để được thừa nhận và gây chú ý, nhưng sự thừa nhận và chú ý ấy lại chỉ có thể đến từ chính những người mà họ đang cạnh tranh. Do đó, khoa học cung cấp cho chúng ta một hình ảnh nghịch lý kỳ lạ của một doanh nghiệp đồng thời vừa mang tính cạnh tranh quyết liệt lại vừa tích cực cộng tác. Việc tìm cách để được công nhận bảo đảm một sự liên tục kích thích thay đổi đối với tư duy bởi không ai trở nên nổi tiếng vì trình bày lại những gì đã biết (Điều này khiến cho việc các nhà khoa học có xu hướng quan tâm đến những gì các nhà khoa học khác cũng quan tâm không còn mấy quan trọng nữa, vì tham vọng muốn tìm ra cái mới độc đáo buộc các nhà nghiên cứu phải suy nghĩ bỏ qua lệ thường.). Và sự ganh đua còn có tác dụng bảo đảm kiểm tra thường xuyên đối với những ý tưởng chưa hoàn thiện vì, như nhà triết học David Hull đã biện luận, chỉ ra những điểm chưa hoàn thiện trong công việc của người khác là một cách làm nên danh tiếng cho chính mình. Nhưng toàn bộ sự ganh đua đó không phụ thuộc vào một mức độ cộng tác nhất định, vì hiếm có nhà khoa học nào có thể phát triển mạnh mẽ nếu tách biệt với công việc của những người ngang hàng.

Những gì cho phép sự kết hợp lạ lùng giữa cộng tác và cạnh tranh này để phát triển mạnh mẽ chính là đặc tính của khoa học, nó đòi hỏi phải được truy cập thông tin không hạn chế. Đặc tính này bắt buộc từ thời cách mạng khoa học ở thế kỷ XVII. Năm 1665, Hội Hoàng gia - một trong những thể chế đầu tiên và chắc chắn là quan trọng nhất được hình thành để thúc đẩy sự phát triển của tri thức khoa học đã xuất bản số tạp chí Philosophical Transactions đầu tiên của mình. Đó là một thời điểm quyết định trong lịch sử khoa học, vì tạp chí này đã ủng hộ ý tưởng cho rằng mọi khám phá mới nên được truyền bá càng rộng rãi và thoải mái càng tốt. Henry Oldendurg, thư ký đầu tiên của Hội Hoàng gia và biên tập viên của tờ Transactions, là người đầu tiên đưa ra ý tưởng cho rằng việc giữ bí mật rất có hại đối với tiến bộ khoa học, và thuyết phục các nhà khoa học nên từ bỏ quyền sở hữu riêng các ý tưởng của mình để đổi lấy sự công nhận là người tạo ra hoặc khám phá ra những ý tưởng đó. Điều Oldenburg nắm được là tính chất riêng biệt của tri thức. Tri thức không như những hàng hóa khác, nó không bị hết đi khi sử dụng, mà nhờ đó còn có thể được phổ biến rộng rãi và không mất đi giá trị. Thực ra, có thể nói một kiến thức càng sẵn dùng, càng có tiềm năng trở nên giá trị hơn, vì phạm vi có thể sử dụng kiến thức đó lớn hơn. Vì vậy, sử gia Joel Mokyr viết: "Cách mạng khoa học là thời kỳ mà khoa học rộng mở nổi bật lên, tri thức về thế giới tự nhiên ngày càng mất đi tính độc quyền, những tiến bộ khoa học và những khám phá mới được chia sẻ rộng rãi với công chúng nói chung. Như vậy, tri thức khoa học đã trở thành một lợi ích chung, được trao đổi tự do, chứ không hạn chế trong vài người riêng biệt muốn giữ bí mật như tập tục ở châu Âu thời Trung cổ."

Truyền thống công bố công khai và trao đổi những kiến thức sâu sắc tất nhiên, là trọng tâm đối với kinh tế chú ý (economy of attention). Chính khoa học công khai đã làm cho hành vi tư lợi của các nhà khoa học mang lại lợi ích tập thể. Các nhà khoa học muốn công bố những hiểu biết của mình vì đó là con đường để có được sự công nhận và tầm ảnh hưởng trước công chúng. Nếu một người muốn suy nghĩ về tiến trình này theo các giá trị thị trường - như một số người đã thử làm - bạn có thể nói rằng các nhà khoa học được trả giá bằng sự chú ý của những người khác. Như nhà xã hội học Robert K. Merton đã phát biểu một câu nổi tiếng: "Trong khoa học, quyền sở hữu riêng của một người được xác lập bằng cách cho đi tài sản của họ."

Bàn về sự nỗ lực trong khoa học trong mối liên hệ với khao khát kiếm tìm sự công nhận dễ khiến người ta nghĩ rằng các nhà khoa học chỉ là những kẻ hám danh (trong số họ, tất nhiên, có một số đúng là như vậy). Nhưng sự công nhận không giống như sự nổi danh hay mốt thời trang, ít nhất là trên lý thuyết. Sự công nhận, thay vào đó, là phần thưởng đích đáng cho những khám phá mới và đáng quan tâm thực sự. Các nhà khoa học muốn được công nhận vì được công nhận là một điều hết sức thú vị. Nhưng họ cũng muốn được công nhận vì sự công nhận là điều kiện cho phép những ý tưởng mới được hợp vào khối tri thức khoa học chung. Nếu nhìn từ mức độ thu hút tập thể tham gia vào tháo gỡ các vấn đề khó khăn thì điều thú vị của khoa học là ở chỗ: chính cộng đồng là người trao cho nhà khoa học sự công nhận đó, nghĩa là, cộng đồng nói chung, đã quyết định một giả thuyết khoa học là đúng hay sai, nó có độc đáo hay không. Điều này không có nghĩa là chân lý khoa học nằm trong con mắt của người chứng kiến. Virus Corona gây ra bệnh SARS trước khi WHO công bố nó gây bệnh SARS. Nhưng về giá trị khoa học, virus Corona chỉ trở thành nguyên nhân gây bệnh SARS sau khi đã được các nhà khoa học khác xem xét cẩn thận công việc nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm và thừa nhận đó là bằng chứng để chứng minh những gì họ nói là đúng. Các phòng nghiên cứu học thuật và các phòng nghiên cứu thí nghiệm hợp nhất trên thế giới giờ đây đang bận rộn với những xét nghiệm và vắc xin khả dĩ chữa bệnh SARS, tất cả đều khẳng định ý kiến cho rằng virus gây bệnh SARS là virus Corona. Họ làm như vậy chỉ vì cộng đồng khoa học đã đạt được - theo cách gián tiếp - một giả thuyết về vấn đề này. Như Merton đã phát biểu, "Không có gì được xem như một chân lý khoa học nếu như chỉ có một người tin tưởng nó trong khi những người còn lại trong cộng đồng khoa học lại hoài nghi; một ý tưởng trở thành chân lý chỉ khi tuyệt đại đa số các nhà khoa học chấp nhận mà không nghi ngờ gì. Tóm lại, đó là những gì chúng ta muốn thể hiện qua thuật ngữ "đóng góp khoa học": một sự cống hiến được chấp nhận, dù tạm thời, cho kho tàng tri thức chung."

Điều này dường như cho chúng ta thấy rõ rằng: rất dễ bỏ qua mức độ tin tưởng mà nó đã đặt vào sự đánh giá đúng đắn của cả cộng đồng khoa học nói chung. Thay vì dựa vào một nhóm các nhà khoa học tinh hoa để công bố tính đúng đắn của những ý tưởng mới, các nhà khoa học đơn giản gieo rắc các ý tưởng của họ ra thế giới, tin rằng những ý tưởng tồn tại được là những ý tưởng xứng đáng được như vậy. Quá trình này hoàn toàn khác với cách thực hiện của các thị trường hoặc các nền dân chủ. Không có cuộc bỏ phiếu theo nghĩa đen nào được tổ chức và các ý tưởng không gắn thẻ ghi giá tiền. Nhưng ở trung tâm quá trình chấp nhận cho nhưng ý tưởng mới nhập vào kho tàng tri thức chung là một thứ niềm tin ngấm ngầm đối với trí tuệ tập thể của các nhà khoa học.

Tất nhiên, đúng là do các kết quả khoa học có thể tái tạo, nên về lý thuyết bạn không phải tin tưởng vào đánh giá của bất kỳ người nào. Nếu một thí nghiệm có kết quả, nó vẫn sẽ có kết quả dù đại đa số các nhà khoa học có nói rằng nó có kết quả hay không. Nhưng sự việc phức tạp hơn thế. Phần lớn các nhà khoa học sẽ không làm lại thí nghiệm của người khác. Họ sẽ tin rằng các dữ liệu là đúng và tin rằng các thí nghiệm đã có kết quả khi nhà khoa học thực hiện thí nghiệm nói rằng chúng có kết quả. Một giả thuyết thành công là giả thuyết mà đa số các nhà khoa học thấy tin tưởng, không phải là giả thuyết mà đa số các nhà khoa học đã tự mình kiểm tra và thấy là đúng. Thực ra, khi một lý thuyết đã được chấp nhận thì chỉ riêng việc không tái tạo được dữ liệu mà nó dựa vào là chưa đủ. Như Michael Polanyi đã chỉ ra rất đúng rằng nếu bạn cố gắng làm lại một thí nghiệm nổi tiếng và không thành công thì phản ứng đầu tiên của bạn không thể là nghi ngờ thí nghiệm đó. Bạn có thể nghi ngờ và đúng là như vậy, bản thân mình còn thiếu kỹ năng. Đây là điều tốt nhất đối với khoa học, vì nếu các nhà nghiên cứu lúc nào cũng kiểm tra kết quả của nhau, họ sẽ mất tất cả thời gian để trở lại con đường cũ thay vì khám phá những vùng đất mới. Và trong trường hợp nào cũng vậy, dù là để kiểm tra các dữ liệu của một nhà khoa học khác cũng đòi hỏi bạn phải dựa vào rất nhiều dữ liệu khác nữa mà bản thân bạn gần như chắc chắn chưa kiểm tra được. Khi ghi lại một cuộc thí nghiệm trong đó ông đã tách được ADN từ động vật, nhà sử học Stene Shapin nhấn mạnh: "Phải dựa vào mức độ tin cậy mô động vật được cung cấp, tốc độ của máy ly tâm, tính đáng tin cậy của kết quả đọc nhiệt độ, thành phần định tính và định lượng của hàng loạt dung môi, các quy tắc số học thì tôi mới có thể tách được ADN từ động vật."

Đến đây, bạn có thể hiểu ra điều này và nói rằng chúng ta thực sự không thể khẳng định bất cứ điều gì cũng đúng và những cái chúng ta tin tưởng luôn phụ thuộc vào cái những người khác nghĩ. Nhưng dạng thuyết tương đối đó không có sức thuyết phục. Tóm lại, các thí nghiệm có thể lặp lại và được lặp lại. Và sự gian lận khoa học sẽ bị bóc trần. Điều tôi cho là thú vị hơn về ý kiến cho rằng, phần lớn những gì các nhà khoa học biết được đều phụ thuộc vào những thông tin trao đổi của người khác, đó là hai kết luận. Thứ nhất, khoa học thực thụ đòi hỏi phải có mức độ tin cậy nhất định để các nhà khoa học, dù là đang ganh đua nhau, cũng sẽ cộng tác bằng cách xử sự ngay thẳng với dữ liệu của họ. Thứ hai và quan trọng hơn, khoa học không những dựa vào kho tàng tri thức chung luôn được bổ sung, mà còn dựa vào sự tin tưởng ngấm ngầm tuyệt đối vào trí tuệ tập thể của cộng đồng khoa học để phân biệt giữa những giả thuyết đáng tin cậy và không đáng tin cậy.

Đáng tiếc là có gì đó như một khiếm khuyết trong hình dung lý tưởng về cách thức cộng đồng khoa học khám phá ra chân lý này. Và khiếm khuyết đó là phần lớn công trình nghiên cứu khoa học chưa bao giờ được chú ý. Hàng loạt những nghiên cứu đã cho thấy phần lớn các bài báo khoa học gần như không có ai đọc, trong khi đó một số ít bài lại được nhiều người đọc. Các nhà khoa học nổi tiếng nhận thấy công trình của họ được trích dẫn thường xuyên hơn rất nhiều so với những nhà khoa học ít tiếng tăm. Khi các nhà khoa học nổi tiếng cộng tác với những người khác thì uy tín mà họ nhận được khi tham gia vào công trình rõ ràng có sự thiên vị hơn. Và khi hai nhà khoa học hoặc hai nhóm các nhà khoa học làm việc độc lập nhưng đưa ra rằng một phát hiện mới, thì chính những nhà khoa học nổi tiếng cuối cùng cũng sẽ được tín nhiệm hơn. Robert K. Merton đã gọi hiện tượng này là "hiệu ứng Matthew", theo những dòng viết trong kinh Phúc âm: "Người đã có còn được cho thêm và sẽ trở nên dư dật: kẻ không có còn bị lấy đi thậm chí cả những cái đang có." Nói cách khác, kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra.

Hiệu ứng Matthew phần nào có thể coi là một loại công cụ mang tính cởi mở, một cách để các nhà khoa học khác thanh lọc luồng thông tin họ phải đương đầu hằng ngày. Và do trong khoa học có rất nhiều nỗ lực thừa - có nghĩa là các nhà khoa học thường đưa ra giả thuyết hoặc làm thí nghiệm giống nhau - nên hiệu ứng Matthew không có giá trị bảo đảm là chú ý đến công việc thì sẽ có kết quả, nếu không sẽ chẳng được gì. Tuy vậy, sức mạnh của sự công nhận tên tuổi lớn vẫn hết sức đáng kể. Chẳng hạn, nhà di truyền học Richard Lewontin, kể chuyện ông đăng hai bài báo khoa học mà ông là đồng tác giả với nhà sinh học John Hubby trong cùng một số tạp chí khoa học vào năm 1966. Hai bài báo này, Lewontin viết: "Là một nỗ lực cộng tác thực sự cả khi lên kế hoạch, thực hiện và viết bài và rõ ràng đã tạo thành một cặp không thể tách rời." Ở bài báo thứ nhất, tên của nhà hóa sinh Hubby được để trên. Ở bài thứ hai, tên của nhà di truyền học Lewontin lại được nêu trước. Dường như không có lý do nào rõ ràng cho thấy vì sao mọi người quan tâm bài này hơn bài kia, thế nhưng, bài có tên Lewontin đứng trước được ca ngợi hơn 50% so với bài kia. Câu trả lời duy nhất, Lewontin cho là thời đó ông đã là một nhà di truyền học rất nổi tiếng trong khi Hubby vẫn chưa được mấy người biết đến. Khi tên của ông đứng trước, các nhà khoa học cho rằng bài báo phần nhiều là công của ông và như vậy nghĩa là có giá trị hơn.

Tất nhiên, vấn đề là sự tôn sùng người nổi tiếng có xu hướng đi kèm với sự coi thường người không nổi tiếng. Nhà vật lý học Luis Alvarez đã tổng kết quan điểm này từ nhiều thập kỷ trước khi ông phát biểu: "Không có dân chủ trong vật lý học. Chúng ta không thể nói rằng một anh chàng hạng hai nào đó cũng có quyền phát biểu ý kiến như Fermi.” Mặc dù cách tiếp cận này có ý nghĩa nào đó trong việc tiết kiệm công sức chú ý của bạn vì bạn không thể lắng nghe hoặc đọc được tất cả mọi người, bởi vì bạn chỉ lắng nghe người giỏi nhất nói có một số giả định không rõ ràng bao hàm bên trong, bao gồm ý kiến cho rằng chúng ta có thể tự động biết ai là hạng hai, thậm chí trước khi được nghe về họ, cũng như ý kiến cho rằng mọi điều Fermi phát biểu đương nhiên đều có giá trị. Điều nguy hiểm rõ ràng là công trình quan trọng sẽ bị bỏ qua vì tác giả của nó không có danh tiếng thích hợp. Có lẽ ví dụ điển hình về trường hợp này là Gregor Mendel, người có công trình nghiên cứu về tính di truyền từng bị lãng quên mà nguyên nhân một phần vì ông chỉ là một thầy tu không tiếng tăm và do đó đã phải ngừng công bố các kết quả của mình.

Điều này không có nghĩa là danh tiếng là cái không thích đáng Một sự ghi nhận trung thực thành tựu khoa học nên và cần phải nêu bật được sự tín nhiệm đối với những ý kiến của một cá nhân nào đó. Nhưng danh tiếng không nên trở thành cơ sở của hệ thống thứ bậc trong khoa học. Điểm độc đáo của phẩm chất khoa học, ít nhất trên lý thuyết, là nhiệt tình, tâm huyết của người làm nghề đối với những thể chế trọng dụng người tài. Như Merton đã phát biểu trong một bài luận nổi tiếng về các tiêu chuẩn khoa học: "Việc chấp nhận hay bác bỏ những tuyên bố thách thức của khoa học không phụ thuộc vào đặc tính cá nhân hay xã hội của người giữ vai trò chủ đạo, chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo, giai cấp cũng không có liên quan gì ở đây”. Các ý tưởng được coi là chiến thắng không phải vì người chủ trương chúng là ai (hay không phải là ai), mà vì giá trị vốn có của chúng, vì chúng dường như giải thích các dữ liệu tốt hơn những ý tưởng khác. Điều này có lẽ chỉ là một ảo tưởng. Nhưng đó là một ảo tưởng rất có giá trị.