Trí Tuệ Do Thái

Chương 7: Hãy Tìm Cho Mình Một Thầy Đạo Siêu Đẳng

Nguyên lý của nguồn cảm hứng

Mưa vẫn đều đặn rơi lên chiếc ô mà Jerome và tôi đang trú. Chúng tôi đang đứng ngay gần lối vào nhà ga Phillip-August. Samuel băng qua đường De Monte-Louise và sải những bước dài, mạnh mẽ tới chỗ chúng tôi.

“Xin chào,” chúng tôi bắt tay nhau.

“Ông có muốn chui vào ô cùng chúng tôi không,” Jerome lịch sự lùi lại một chút.

Mắt Samuel mở to vẻ ngạc nhiên. Ông nhìn lên trời và mỉm cười. “Thế này chưa đủ để gọi là mưa.” Ông đút tay vào túi áo và lắc đầu. “Người Israel các cậu…”

“Ở Israel, thế này gọi là mưa rồi,” tôi phản kháng.

“Người Pháp các ông,” Jerome trả đũa. “Các ông không biết trân trọng giá trị của nước.”

“Tôi là người Bỉ,” Samuel chữa lại khi ra hiệu cho chúng tôi đi theo ông.

Chúng tôi hướng tới đại lộ Menilmontan.

“Hôm nay tôi sẽ trở về Antwerp,” ông bắt đầu, mặc dù tôi đã biết dự định đó từ trước. Lúc ở trên tàu, ông đã nói với tôi rằng công ty chỉ cho ông bốn ngày ở Kinh đô Ánh sáng.

“Ông có bọn trẻ đợi ở nhà à?” Jerome tò mò.

“Tất nhiên! Năm đứa.”

“Năm?” Jerome nhắc lại đầy sửng sốt. “Chúng bao nhiêu tuổi rồi?”

“Đứa lớn nhất là hai mươi hai còn đứa nhỏ nhất lên bảy. Mấy đứa khác tôi không nhớ,” ông đùa.

“Và ông rất hay vắng nhà?” Jerome hỏi.

“Trung bình cứ hai lần một tháng. Tôi cố hết sức để không phải xa nhà nhiều hơn mức đó nhưng đôi khi hoàn cảnh bắt buộc phải đi,” ông giải thích. “Có lần tôi đã đọc bài phỏng vấn của một thương nhân người Mỹ, ông ta nói rằng thành công dựa trên hai quyết định quan trọng. Đầu tiên, bạn phải quyết định cụ thể mình muốn đạt được điều gì. Thứ hai, bạn phải quyết định cái giá mình phải trả để đạt được mục tiêu đó. Đôi khi cái giá tôi phải trả đó là xa bọn trẻ nhưng cũng không sao. Tôi đã học được cách cân bằng thời gian dành cho công việc và cho gia đình khi tôi ở nhà. Bây giờ, tôi làm việc ít hơn một chút và kiếm được nhiều hơn một chút.”

“Mong ước lớn nhất của tôi đấy. Ông phải chia sẻ bí quyết với tôi đấy nhé.” Jerome thở dài ghen tị.

Samuel vỗ vai Jerome. “Cậu có thể đến dự hàng trăm cuộc thảo luận về quản lý thời gian, các chiến lược quản lý thời gian hiệu quả, quản lý nhân sự, chiến lược tiếp thị… nhưng kinh nghiệm mới là người thầy tốt nhất. Không ai khôn ngoan hơn một người rút ra được bài học từ những kinh nghiệm.”

“Người ta có thể học được những bài học từ thành công của người khác không?”

“Tại sao lại không chứ?”

“Vì rất nhiều lý do. Hầu hết mọi người đều học hỏi tốt nhất từ thành công và thất bại của chính mình. Ngay cả những người thành đạt nhất cũng thay đổi và áp dụng những cái mới. Vấn đề là ở chỗ học hỏi từ kinh nghiệm và lỗi lầm của chính mình là tốt nhưng có một điều: nó lấy của ta thứ mà ta không thể đánh mất – thời gian. Tôi nói đúng chứ?”

“Đúng vậy,” tôi đồng ý.

“Thử tưởng tượng nếu có một cách để đẩy nhanh quá trình học hỏi. Nếu ta có thể học được cái mà người khác phải mất hàng năm mới học được. Chỉ cần xây dựng lại những thành công của người khác mà không cần đầu tư thời gian như trước đó họ đã phải làm.”

“Nghe hấp dẫn đấy.”

“Tất cả những gì ta cần làm là học hỏi từ những việc làm tương tự và thực hiện đúng theo cách đó. Câu hỏi đặt ra ở đây không phải là liệu ta có làm được không mà là làm như thế nào. Chúng ta đang nói đến một chiến lược đòi hỏi lựa chọn đúng người để học.”

“Đó chính là sự bắt chước mà chúng ta đã bàn đến, phải không?” tôi nhận xét.

“Không chỉ là bắt chước, mà còn nhiều hơn thế. Mục đích lớn nhất là tái tạo, sao chép. Ta phải bắt chước toàn bộ hành vi của đối tượng. Cách đi đứng, nói năng, suy nghĩ, cách tổ chức bản thân và các hoạt động của mình.”

“Tự biến mình thành một thầy đạo,” tôi nói.

“Chính xác. Hãy biến mình thành một thầy đạo. Hãy học hỏi từ những kinh nghiệm và bắt chước tất cả những hành vi tích cực của một thầy đạo. Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi hành động bắt chước một cách vô thức. Một cậu bé có dáng đi y hệt mẹ, nói giọng Italia như bố dù nó chưa từng đến Italia bao giờ và không biết một chữ tiếng Italia nào. Điều quan trọng là phải có chủ ý bắt chước ngay từ đầu.”

“Nhân tiện, đó cũng chính là cách làm của những doanh nghiệp nhượng quyền kinh doanh. Mỗi chi nhánh của McDonald’s, Pizza Hut, KFC đều là những bản sao. Những món ăn giống nhau, vẫn là thịt rán, bột nhào. Nếu công ty ban đầu đã thành công thì tại sao lại không làm y hệt như thế ở một nơi khác chứ?”

“‘Hãy tự biến mình thành một thầy đạo’ có nghĩa là hãy tìm một người nào đó để bắt chước. Các nhà hiền triết đã nói rằng để có được những thông tin cần thiết, hãy thường xuyên tiếp xúc với những người thông thái. Vào thời Mishnah và Talmud, học sinh sẽ quan sát mọi cử động, hành vi, bước đi của thầy đạo. Học sinh sẽ học được cách thầy ăn, uống, thức dậy, đi ngủ, đứng lên, ngồi xuống.”

“Tôi không hiểu ý ông ở chỗ ‘thức dậy và đi ngủ.’ Có thật là học sinh quan sát các thầy đạo khi họ ngủ không?” Jerome hỏi, giọng hơi cảnh giác.

“Còn hơn thế. Theo phong tục thông thường, học sinh đi theo thầy đạo đến nhà tắm để học sự tinh tế, giản dị trong khi tắm, khỏa thân giữa những người khác.”

“Thật vậy hả?” Jerome cười toe toét. “Vậy, nếu tôi muốn trở thành một tay Don Juan, tôi cần phải tiếp xúc với George Clooney và xin phép được cắm trại trong phòng ngủ của anh ta trong khoảng một tuần để quan sát xem các ngôi sao Hollywood buông thả thế nào, đúng không? Ông có nghĩ anh ta sẽ đồng ý không?”

“Chắc được thôi, nếu cậu hứa không bỏ lại vụn bánh mỳ trên thảm phòng anh ta. Ta sang đường chỗ này,” ông lấy tay ra hiệu sang đường tại ngã tư giữa đại lộ Gambata và Menilmontan.

“Ngày nay, trong mọi lĩnh vực đều có những con người nổi bật, những hình mẫu đáng để bắt chước. Một trong số đó là Ralph Roberts, người kinh doanh bất động sản thành công nhất ở Mỹ, một người còn được mệnh danh là một trong những thương gia vĩ đại nhất thế giới. Ông ta kiếm được hàng triệu đô-la chỉ nhờ vào việc cho người khác đi theo mình đến bất cứ nơi đâu, kể cả những cuộc họp bàn việc kinh doanh quan trọng. Tất nhiên, ta có thể học hỏi người khác mà không cần bỏ ra nhiều tiền đến vậy. Vấn đề là phải chọn được một người thích hợp để cạnh tranh và xác định được cách tốt nhất để học hỏi và tiếp thu nguồn cảm hứng từ người đó.”

Mưa dứt, vài tia nắng bắt đầu phá tan được màn mây và chiếu xuống đường phố. Jerome gập ô và bỏ nó vào túi.

“Trí tuệ là tài sản vĩ đại nhất của một con người và khả năng giành được tài sản này hoàn toàn nằm trong khả năng của ta, ở bất cứ nơi đâu và từ bất cứ người nào. Học hỏi từ bất cứ ai có thể có ích cho ta là một điều cực kỳ đáng giá.”

Samuel dừng lại và nhìn quanh.

“Jerome đâu rồi?”

Tôi quay lại và nhận ra đúng là Jerome đã biến mất. Tôi ngó quanh quất thêm một chút nữa đến khi thấy cái bờm ngựa của hắn lất phất trong gió đằng sau một chiếc xe đẩy nhỏ. Jerome có một thói quen khó chịu là không nói với người đi cùng khi hắn dừng lại ở đâu đó. Đây không phải là lần đầu tiên chuyện này xảy ra. Hắn, có lần, đã chống chế rằng chân hắn dài nên có thể đuổi kịp chúng tôi trong nháy mắt, vì vậy không việc gì phải lo cho hắn. Đó là chuyện của hắn, hắn bảo – không phải chuyện của chúng tôi.

Chúng tôi quay lại chỗ hắn.

“Tớ đang ở Paris mà vẫn chưa thử chút Grand Marnier(16) nào.” Hắn rút ví ra. “Ông thích loại gì, Samuel. Tôi đãi.”

Samuel xoa xoa bộ râu và mặc dù lời mời rất hấp dẫn, ông từ chối.

Tôi lấy một chiếc Nutella sôcôla phủ chuối, loại có thể khiến bạn cảm thấy tội lỗi cả tuần liền.

Chúng tôi tiếp tục đi dọc đại lộ Gambata và rẽ phải vào đường Rondo.

“Chúng ta đã nói đủ về việc bắt chước, nâng cấp và học hỏi người khác chưa?” Jerome hỏi sau khi liếm tay.

“Đã,” Samuel trả lời. “Nhưng tôi nêu lên vấn đề ‘biến mình thành một thầy đạo’ bởi vì nó có những điểm bổ sung và quan trọng hơn.”

Ông tiếp tục đi mà không nói thêm lời nào rồi quay sang Jerome. “Cậu có ngưỡng mộ ai bao giờ không? Không phải đánh giá cao mà là thực sự ngưỡng mộ ấy!”

“Hai người,” Jerome trả lời ngay. “Dr. J, ngôi sao bóng rổ của đội Philadenphia Seventy-Sixers, và Freddie Mercury, ca sĩ chính của nhóm Queen.”

“Thế cậu thể hiện lòng ngưỡng mộ của mình ra sao?”

“Tôi dán những bức ảnh của họ lên tường. Tôi mua những cuốn sách nói về họ và đọc những cuốn tự truyện của họ. Và tất nhiên, tôi có tất cả các album của Queen.”

“Cậu đã xem Dr. J thi đấu bao giờ chưa?”

“Ba lần.”

“Và điều gì xảy ra sau mỗi trận đấu.”

“Tôi đi về nhà và làm vài quả một mình để xốc lại tinh thần.”

“Cậu đã xem Freddie Mercury biểu diễn chưa?”

“Một lần, ở Wembley.”

“Có vui không?”

“Trời, quá vui luôn.” Cơn sóng hồi tưởng cuốn lấy Jerome. “Tôi như đi trên mây cả tuần liền.”

“Tại sao?”

“Tại sao à? Bởi vì tôi yêu giọng hát của Freddie và ông ấy là một ca sĩ tuyệt vời. Chưa kể đến những bài hát tuyệt tác.”

“Tại sao cậu yêu những bài hát của ông ta?”

“Ông hỏi cái kiểu gì vậy?” Jerome nhìn chằm chằm Samuel một lúc. “Chúng hay. Chúng khiến tôi cảm động.”

“Và buổi biểu diễn có tác động như thế nào đến cậu?”

Jerome nghĩ một lát. “Ông biết đấy… chỉ là tôi thấy tâm trạng mình rất tốt. Tôi thấy thỏa mãn.”

“Cậu có nhớ nó có ảnh hưởng đến một việc gì đó cụ thể mà cậu làm trong tuần đó không?”

Jerome nghĩ ngợi một lúc. Một nụ cười từ từ hiện lên trên khuôn mặt hắn. “Đúng rồi, tôi có một bài kiểm tra định kỳ ở trường. Bài thi môn tiếng Anh. Hôm đó là ngày cuối cùng của tuần. Tôi làm bài khá tốt. Và tôi cũng nhớ lại… Tôi đã lấy hết can đảm để mời cô nàng tóc vàng cùng lớp đi chơi. Tên cô ấy là Allison Greenberg. Ông có biết tại sao tôi nhớ hết những chuyện này không? Mà thôi, quên chuyện đó đi. Ngại lắm.”

“Ồ, thôi nào. Lúc này cậu không được dừng lại đâu đấy,” Samuel năn nỉ.

“Ừ thì, ở một mức độ nào đó, tôi muốn mình là Freddie Mercury đến nỗi tôi cảm thấy, kiểu như là, mình thực sự là ông ấy vậy. Tôi tưởng tượng rằng tất cả các cô nàng đều say đắm tôi như say đắm ông ấy vậy. Ông cứ cười đi, nhưng thực sự cảm giác đó đã rất có ích với tôi. Tôi bỗng nhiên tràn đầy sự tự tin và cuối cùng, Allison đã đi chơi với tôi.”

“Thế chuyện gì xảy ra với cô ấy?” tôi tò mò.

“Chẳng có gì cả.” Hắn hơi cúi đầu và cười ngượng nghịu. “Tớ cố hát bài ‘We are the champions’ (Chúng ta là những nhà vô địch) và tớ nhận ra rằng không phải thế.”

Samuel ra hiệu đi về phía bên kia đường, hướng về chỗ có vẻ là một khu vườn với một bức tường lớn bao quanh.

“Chúng ta sẽ đi về phía đó,” ông nói.

“Nhưng, ông biết không, ông nói đúng đấy. Nó giống như là một kiểu cảm hứng vậy,” Jerome nói to suy nghĩ của mình.

“Dĩ nhiên rồi. Cậu được truyền một nguồn cảm hứng. Những bài hát của ông ấy và bản thân ông ấy đã có ảnh hưởng tích cực đến cậu. Chúng cho cậu một lượng cảm xúc nhất định. Đó chính xác là điều tôi muốn nói.”

Samuel là người đầu tiên bước qua cánh cổng khu vườn. Chúng tôi lần lượt đi theo ông.

“Theo tôi thì câu châm ngôn ‘hãy tự biến mình thành một thầy đạo’ không chỉ có nghĩa là bắt chước một người nào đó. Ta phải tìm ra một người có thể truyền cho ta nguồn cảm hứng, cũng như cách mà Freddie Mercury đã tác động đến cậu vậy. Cảm hứng sinh ra sự tự tin. Nó đánh thức niềm tin và sức mạnh trong ta mà ta không hề nhận ra là mình có. Nó giúp ta phát huy tốt nhất khả năng của mình. Có thể nói cảm hứng chính là nút khởi động, nguồn năng lượng cho ta khi mọi chuyện không suôn sẻ. Chính cảm hứng đó cũng là thứ giúp tăng tốc những khả năng của ta. Cũng giống như khi cậu muốn đập vài cú và trở thành Dr. J vậy. Tôi chắc chắn là tối hôm đó cậu ném được vào rổ nhiều hơn bình thường.”

“Đúng vậy.”

“Tôi chơi piano rất kém,” Samuel thành thực. “Sau khi được xem một buổi biểu diễn tuyệt vời, tôi về nhà và ngồi vào đàn, tràn đầy cảm hứng, lướt trên phím, những ngón tay bay bổng tự do, những nốt nhạc cứ thế bay lên từ đôi bàn tay.”

“Một nguồn cảm hứng có thể là một nhà văn, một vị giáo sư, một vận động viên. Quan trọng, đó phải là một người đáng để học.”

Trong khi lắng nghe họ, tôi chợt nhận ra một điều lạ.

“Samuel?” tôi thì thầm.

“Gì thế,” ông trả lời và đặt nhẹ tay lên vai tôi.

“Chúng ta đã ở giữa nghĩa trang.”

Jerome đứng khựng lại, kinh ngạc. Những tấm bia mộ rải rác khắp nơi, chẳng theo một trật tự nào cả.

“Ồ! Xung quanh đây toàn mồ mả. Thế mà tớ cứ nghĩ mình đang đi qua một công viên cơ đấy.”

“Đây là nghĩa trang Pere La Chez, nơi yên nghỉ của tất cả những người nổi tiếng nhất ở Paris. Tôi đưa các cậu đến đây là có lý do.” Ông rẽ phải vào một lối đi nhỏ, hẹp và cởi cúc áo khoác. Chúng tôi tiếp tục bước đi trong im lặng, và sau một đường vòng, Samuel bước lên khoảng giữa hai tấm bia màu xám và ra hiệu cho chúng tôi đi theo ông. Lối đi đầy sỏi và cỏ dại. Samuel dừng lại trước một tấm bia và đan chéo hai cánh tay.

Chúng tôi đứng xung quanh ông và nhìn vào tấm bia đã có những vết cắt và sứt mẻ vì thời gian. Bên dưới ngôi sao dấu hiệu của người Do Thái khắc cái tên Jean-Paul Bernard.

“Đây là nơi yên nghỉ của hình mẫu của tôi, người chỉ đường cho tôi. Đây là nguồn cảm hứng của tôi.”

“Ông ấy là thầy đạo của ông à?” Jerome hỏi.

“Không.” Samuel nở một nụ cười nồng hậu. “Anh ấy là hàng xóm của tôi, hơn tôi ba tuổi. Hồi chiến tranh, chúng tôi ở Le-Marais và Jean-Paul chăm sóc tất cả những đứa trẻ hàng xóm xung quanh. Anh ấy cho chúng tôi tham gia những chiến dịch chống lại kẻ thù Đức quốc xã, anh ấy gọi như thế đấy. Có lần, có một chiếc Mercedes đậu ở đường Rosier. Nó là của một tên Đức quốc xã mà người ta bảo rằng có quan hệ với một phụ nữ địa phương. Mặc dù có lệnh giới nghiêm nhưng khi hắn ở trong nhà với cô ta, chúng tôi đã đột nhập vào xe hắn và đổ cát vào bình xăng. Chiếc xe chạy được khoảng ba trăm mét thì động cơ chết. Có lần chúng tôi còn làm một tên không thể kiểm soát được xe và đâm vào cột đèn giao thông nữa,” khuôn mặt Samuel sáng lên.

“Jean-Paul là một nguồn cảm hứng. Anh ấy rất thông minh, vui tính. Anh ấy là thiên thần của chúng tôi. Cứ như thể anh ấy đến từ một thế giới khác vậy. Trong thời kỳ hoảng loạn như vậy mà anh ấy không hề tuyệt vọng, chán nản hay đánh mất sự hài hước của mình. Lúc nào anh ấy cũng vui vẻ và luôn có mặt khi chúng tôi cần. Cả cuộc đời mình, tôi đã muốn trở thành một người như anh ấy. Tôi nhớ tên mọi quyển sách ở trong phòng anh ấy. Có những khi tôi còn bắt chước cách anh ấy nói chuyện, nhưng khi lớn lên rồi, tôi nhận ra rằng tôi không cần phải giống anh ấy, và Samuel Goldman cũng không hề tệ chút nào.” Ông mỉm cười.

“Tuy vậy, có những khi tôi cũng ‘thôi làm’ Samuel và trở thành Jean-Paul. Chẳng hạn, khi thương lượng một vụ làm ăn nào đó, tôi đã học được cách dùng những câu chuyện cười, câu đùa của anh ấy để tạo ra không khí có lợi cho mình hơn. Trong những lúc khó khăn, tôi nhớ lại niềm lạc quan và sự mạnh mẽ của anh ấy, nó cho tôi động cơ và lòng quyết tâm, giúp tôi thoát khỏi sự chán nản. Khi tôi muốn phát triển một thị trường mới cho những viên đá quý, tôi ngồi xuống và nghĩ đến những điều Jean-Paul có thể làm, và ký ức về anh ấy cho tôi nguồn năng lượng sáng tạo để tiếp tục. Đúng như Jerome nói, khi ta có một hình mẫu đáng để học theo, ta không chỉ muốn học từ hình mẫu đó mà còn muốn có thêm tự tin để hành động. Sự tự tin bắt nguồn từ thực tế rằng điều ta sắp làm đã được một người khác thực hiện thành công. Khả năng học từ một người khác có ảnh hưởng rất lớn.

“Ít nhất, đó là thứ tôi đã nhận được từ tình yêu và tinh thần của con người này.” Samuel bỗng nhiên im bặt và cúi xuống ngôi mộ. “Một người đã ra đi khi mới mười bảy tuổi.”

Chúng tôi nhìn Samuel đang nhẹ nhàng và chậm rãi lau lớp bụi trên tấm bia. Chỉ đến lúc đó tôi mới để ý đến năm tháng được khắc trên phiến đá, bên cạnh tên người mất, khoảng cách giữa ngày sinh và ngày mất rất ngắn.

“Ông ấy bị sao vậy?” Jerome hỏi.

Samuel đứng thẳng người dậy và đập tay vài lần cho hết bụi. “Chết vì một căn bệnh kinh hoàng có tên là chủ nghĩa Đức quốc xã. Anh ấy đã bị một tên lính Đức sát hại.”

Tôi chợt để ý đến một hình khắc ở cuối tấm bia. Trông nó giống như một đôi mắt với một cái miệng cười toe toét bên dưới. Dưới khuôn mặt là một dòng chữ bằng tiếng Pháp khắc khá sơ sài.

“Cái gì thế?” tôi chỉ vào chỗ đó.

COLONEL JEAN-PAUL BERNARD DORT MAINTENANT

LES CLEFS DU KIOSK SONT CHEZ MOIZE

“Đại tá Jean-Paul Bernard đang yên nghỉ. Chìa khóa đến quán ăn nhanh ở chỗ Moize,” ông dịch ra.

Samuel đi ra đằng sau tấm bia và quỳ xuống để có thể chạm vào hình vẽ dễ hơn.

“Đây là điều mà anh ấy muốn chúng tôi viết lên bia mộ của mình nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra với anh ấy. Người ta đã từ chối làm điều đó nhưng chúng tôi vẫn lo được, như cậu thấy đấy.”

“Moize là ai?” Jerome hỏi.

“Anh trai tôi.”

“Thế quán ăn nhanh thì có liên quan gì?”

“Quán đó thuộc về lão Bartian Bruel ở đường San Antoine. Chúng tôi vẫn hay thó cho mình một chiếc kẹo mút khi lão không để ý. Đó là trò đùa của Jean-Paul. Còn ai ngoài anh ấy dám đòi hỏi một tấm bia mộ thế này chứ? Anh ấy còn trẻ, nhưng là một nguồn cảm hứng tuyệt vời. Tôi thật may mắn được biết anh ấy.”

“Tôi thích những trò đùa rùng rợn. Không gì bằng.” Jerome nhận xét.

“Nhân tiện, các cậu biết đấy, đây không phải là người Do Thái duy nhất có thể cho ta nguồn cảm hứng,” Samuel nói khi chỉ ra lối mà chúng tôi đã đi vào.

“Trong đạo Do Thái, đến thăm mộ của những nhà hiền triết là một điều rất bình thường, với niềm hy vọng rằng sự vĩ đại của họ sẽ truyền sang ta một chút,” ông giải thích. “Mỗi người đều có những tài năng đặc biệt riêng.”

“Có ai đặc biệt nhạy bén trong kinh doanh không?” Jerome hỏi mỉa mai.

“Xin lỗi nhé, Jerome,” Samuel trả lời bằng giọng cũng mỉa mai không kém, “nhưng cậu sẽ phải rời khỏi Jerusalem và đi lên phía Bắc. Nhưng mà, lạc quan lên, trên đường đi cậu có thể viếng thăm ba ngôi mộ nữa. Như thế cậu có thể gia tăng được cơ hội của mình trong lần kiểm tra tiếp theo!” Ông mỉm cười với chúng tôi khi cả ba cùng ra khỏi khu nghĩa trang.

“Các cậu có biết câu chuyện về người Do Thái và một người ngoại đạo trên tàu không?”

“Ông cứ kể đi,” Jerome nói.

“Khá nhiều người biết câu chuyện này. Tóm lại là như thế này. Có một người Do Thái và một kẻ ngoại đạo cùng đi trên một chuyến tàu. Khi kẻ ngoại đạo bỗng nhiên hỏi người Do Thái, ‘Sao mà người Do Thái các anh thông minh thế? Bí quyết là gì vậy?’ Người Do Thái trả lời ngay, ‘Đó là vì chúng tôi ăn đầu cá.’

“‘Thật vậy hả?’ Kẻ ngoại đạo kinh ngạc thốt lên. ‘Thế tôi có thể tìm đầu cá ở đâu được?’

‘Ồ, thật tình cờ là bữa trưa nay tôi lại mang cá đi.’ Người Do Thái lấy một con cá từ trong túi ra và đặt nó lên bàn.

“‘Ông có muốn bán cho tôi nguyên cái đầu thôi không?” kẻ ngoại đạo hỏi.

‘Dĩ nhiên rồi, chỉ cần đưa tôi hai mươi rúp thôi.’

“Kẻ ngoại đạo trả tiền và bắt đầu ăn cái đầu cá. Vài phút sau, khi kẻ ngoại đạo đã xơi xong cái đầu cá và đang liếm ngón tay, anh ta quay qua người Do Thái và nói, ‘Thế quái nào mà tôi phải trả những hai mươi rúp cho cái đầu trong khi cả con cá mới có mười lăm rúp?’”

“Người Do Thái mỉm cười và trả lời, ‘Đấy, anh thấy chưa, đầu cá bắt đầu có tác dụng rồi đấy.’’

Ba chúng tôi cùng phá lên cười.

“Tôi rất thích câu chuyện này bởi vì trong đó có một bài học. Kẻ ngoại đạo không phải bỗng nhiên thông minh nhờ ăn một cái đầu cá. Anh ta ‘trở nên thông minh’ bởi vì anh ta tin vào thực tế rằng một cái đầu cá có thể thực sự có ích cho anh ta!” Samuel vẫy tay trong không khí. “Nếu bạn tin rằng một điều gì đó sẽ giúp ích cho mình thì thực tế sẽ là như vậy. Nếu bạn tin rằng bạn sẽ không thành công hoặc bạn không có cơ hội đạt được một mục tiêu nào đó, bạn sẽ không thể đạt được. Vậy nên cứ cười chuyện viếng thăm mộ các nhà hiền triết đi, nhưng nếu ai đó thực sự tin rằng điều đó sẽ giúp họ thông minh hơn thì họ sẽ nhận được sự giúp đỡ mà họ mong muốn.”

“Nghe giống như là được các giáo sĩ ban phước vậy,” tôi nói.

“Chính xác! Đó chính là thứ cảm hứng mà tôi đang muốn nói tới. Nó sinh ra sự tự tin. Người ta đã kiểm nghiệm và chứng minh được rằng trí nhớ làm việc hiệu quả nhất khi ta tin tưởng vào nó và trí tuệ được tăng cường khi ta có trong mình sự tự tin!”

“Nhân tiện, Eran này,” Jerome quay sang tôi, “chúng ta vẫn chưa nói đến nguồn cảm hứng của cậu. Cậu có ai không?”

Ngạc nhiên trước câu hỏi của hắn, tôi nhìn lên trời và ngẫm nghĩ. Hai, ba cái tên hiện lên trong đầu tôi.

“Khi còn học trung học, có hai ca sĩ tớ rất ngưỡng mộ, còn người thứ ba thì không phải là một ca sĩ.” Tôi chần chừ một lúc. “Tớ không tôn thờ họ mù quáng đâu, tất nhiên rồi. Có thể gọi là ngưỡng mộ. Mỗi người đều là một nguồn cảm hứng với tớ… bằng những cách rất riêng.”

“Tiếp đi,” Jerome hối thúc.

“Hai ca sĩ là,” tôi lại chần chừ thêm một lúc nữa, “Barry Manilow và Julio Iglesias.” Tôi đợi xem phản ứng của hai người thế nào nhưng đáp lại chỉ có sự im lặng. Jerome thì đang cố cắt nghĩa biểu hiện trên khuôn mặt tôi.

“Cậu có nghiêm túc không đấy?” hắn hỏi, có vẻ cảnh giác trước câu trả lời của tôi.

Tôi có cảm giác mình sẽ sống quãng đời còn lại trong hối hận về cuộc trò chuyện này.

“Cậu thật sự không sùng bái những ca sĩ Las Vegas, đúng không?” Hắn bóp méo bản chất những lời tôi nói.

Kể từ khi còn nhỏ, tôi đã yêu những bài hát của họ nhưng không bao giờ dám nói điều đó với bạn bè. Trẻ con thường hay thay đổi và rất độc ác. Vị thế của bạn tại trường học có thể được quyết định bằng loại âm nhạc mà bạn nghe. Nếu hồi đó mà tôi để lộ ra rằng mình mê những ca sĩ hát những bản tình ca nhẹ nhàng thì chắc tôi chẳng bao giờ được ngồi ăn trưa chung với hội Ari Bental và đánh mất cả cái đặc quyền được ngắm Adina Gelman, cô bé xinh nhất trường. Đây là lần đầu tiên tôi dám thổ lộ bí mật đen tối đó.

“Họ là những ca sĩ vĩ đại, và những bài hát của họ khiến tớ cảm thấy tốt hơn,” tôi cần phải tự bảo vệ mình. “Tớ cũng là một fan ruột của Freddie Mercury nữa.”

“Chỉ có những bà già, độc thân sống với vài ba chú mèo mới đi ngưỡng mộ Barry Manilow và Julio Iglesias.” Hắn đặt tay lên vai tôi. “Không phải những người đàn ông đích thực!”

“Đợi một lát. Cậu còn chưa biết người còn lại mà tớ ngưỡng mộ khi học trung học trong khi tất cả mọi người khác tôn sùng những vận động viên và ngôi sao nhạc rock.” Tôi quyết định tiết lộ mọi chuyện. Jerome bỏ vai tôi ra và đưa một tay lên trước miệng, chuẩn bị nghe chuyện tôi sắp tiết lộ.

“Abba Eban – nhà trí thức, nhà ngoại giao nổi tiếng của Israel,” tôi nói.

Jerome không nói gì. Hắn chỉ nhìn tôi với vẻ rất sốc. Tôi tự hỏi không biết có phải mình vừa mất đi một người bạn hay không.

“Eban là một nhà trí thức vĩ đại,” Samuel ngắt lời, rõ ràng rất hài lòng với sự lựa chọn nguồn cảm hứng của tôi.

“Tôi đã đọc cuốn tự truyện và các cuốn sách khác của ông. Thực ra, lần nào ngồi xuống để học trước một bài thi, tôi cũng đọc một chương trong cuốn Ngoại giao mới (The New Diplomacy) của ông. Nó cho tôi động lực để học. Nghe có vẻ hơi lạ nhưng sau khi đọc chương đó, tôi thấy môn nào cũng dễ học hơn. Có thể khi đó, tôi thấy mình giống Abba Eban một chút.” Tôi cười gượng.

“Hồi học trung học cậu có bạn bè nào không đấy?” Jerome hỏi giễu.

“Bạn bè tớ đâu có biết về ‘sự xấu xa’ đặc biệt này.”

“Tớ chắc cậu là một trong số những người thích xem những chương trình tinh tế của Anh… kiểu chương trình có những quý bà thích làm bộ, bẽn lẽn và những quý ông đầu tóc bóng mượt,” hắn nói, giọng đầy khinh miệt.

“Ờ đấy,” tôi đáp, miệng vẫn cười toe toét.

“Tớ có cảm giác bị ngất vì sốc quá đây,” mặt Jerome chuyển trắng nhợt.

“Ồ, thế thì cậu đến đúng chỗ rồi đấy,” tôi chỉ về phía khu nghĩa trang mà chúng tôi vừa đến lúc trước.

“Ai cũng có nguồn cảm hứng của riêng mình,” Samuel tóm lại.

Hình như vừa chợt nhớ ra điều gì đó.

“Trong thế giới kinh doanh, thật ra có một người tôi rất ngưỡng mộ. Lúc nãy tôi quên mất không nói,” Jerome thổ lộ. Hắn cởi chiếc áo khoác màu đen, để lộ ra chiếc áo phông kiểu Jerome có in hình chính xác là của Richard Branson, con người màu mè phía sau những công ty Virgin: Hãng thu âm Virgin, Hàng không Virgin, Virgin Atlantic và nhiều công ty khác nữa.

“Ông ấy thực sự là một người phi thường,” Samuel đồng ý, chứng tỏ ông cũng nhận ra người được in hình trên chiếc áo.

“Ông ấy thật đáng kinh ngạc,” Jerome nói, đầy hào hứng. “Khi tôi cố gắng tập trung vào công việc kinh doanh, đây chính là chiếc áo mà tôi mặc. Nó truyền cảm hứng cho tôi. Giống như kiểu mặc bộ đồ của Siêu nhân vậy. Mọi thứ Branson động vào đều trở thành vàng bởi vì một điều đơn giản, ông ấy thật tuyệt vời.”

“Ông ấy là một chuyên gia PR đại tài,” tôi nói khi nhớ lại một vài thành công rực rỡ của ông. Branson nổi tiếng hơn hẳn những đồng nghiệp của mình nhờ nỗ lực đi vòng quanh thế giới bằng một chiếc khinh khí cầu và thực tế là ông đã từng làm tiếp viên trong chính hãng hàng không của mình.”

“Đó chính là điều tôi thích ở ông ấy. Nếu ta nghĩ đến quan hệ công chúng theo cách mà Branson làm thì chắc chắn ta sẽ thành công, đúng không?” Jerome quay sang Samuel.

“Chắc chắc rồi,” ông mỉm cười trả lời.

“Thế còn ông thì sao, Samuel?” tôi hỏi. “Ông còn nguồn cảm hứng nào khác không?”

“Có chứ. Trong cuộc đời mình, tôi đã ‘biến mình thành rất nhiều thầy đạo,’ những nguồn cảm hứng của tôi. Những nhà văn như Marcel Proust và Shai Agnon. Trong kinh doanh thì đó là gia tộc Rothschilds. Người Do Thái nói chung, chứ không riêng gì tôi, đều lấy nguồn cảm hứng từ năng lực của người thầy dạy dỗ mình. Người Do Thái luôn được dạy phải gìn giữ ký ức về cha ông mình để có thể áp dụng sự khôn ngoan, sáng suốt của tổ tiên và tiếp thu nguồn cảm hứng theo cách của những thầy đạo,” ông nói to. “Thầy Kenyevsky có một trí nhớ thiên tài và không có người Do Thái nào có trí nhớ tuyệt vời hơn ông ấy,” ông theo dõi nét mặt của chúng tôi rất kỹ. “Người Do Thái đã phát triển những phương pháp ghi nhớ, tập hợp có thể áp dụng đối với các cá nhân. Một học sinh có thể sử dụng những phương pháp này để ghi nhớ khối lượng kiến thức khổng lồ.”

Jerome mỉm cười. “Vậy hãy chia sẻẽ với chúng tôi những phương pháp đó đi,” hắn yêu cầu.

Samuel, từ nãy đến giờ vẫn sải những bước nhanh và dài, bỗng nhiên dừng lại, lôi từ trong túi áo khoác ra một chiếc phong bì màu trắng và đưa nó cho Jerome. Trên bì thư viết chữ ‘Lisa.’

“Lisa nắm giữ bí quyết ghi nhớ của người Do Thái sao?” Jerome cười.

“Cũng đại loại thế,” Samuel cười to. “Lisa là cháu gái tôi. Suýt nữa thì tôi quên mất việc định nhờ cậu.” Ông nhìn Jerome. “Cậu chuyển cái này đến tay Lisa khi về Israel hộ tôi nhé. Đó là món quà từ bác Samuel. Lisa đang học tại trường Đại học Hebrew ở Jerusalem, vậy nên tôi nghĩ cũng không có gì quá vất vả cho cậu.”

“Không vấn đề gì. Tôi rất hân hạnh được làm việc đó.” Jerome bỏ chiếc phong bì vào túi áo khoác và nhìn khắp xung quanh, đầy cảnh giác. “Tôi thấy mình giống James Bond quá đi mất. Hôm qua khi chúng tôi đi dạo dọc bờ sông thì Eran rút ra chiếc phong bì đựng vé xem bóng đá. Hôm nay, ông lại đưa tôi một chiếc phong bì rất dày… gần một nghĩa trang. Nếu có một đặc vụ ở gần đâu đây, có thể họ đã bắt chúng ta rồi.” Hắn cười và liếc mắt nhanh nhìn xung quanh một lần nữa.

Samuel lịch sự ra hiệu cho chúng tôi đi tiếp.

“Nhân tiện, cậu có thể hỏi Lisa về bí quyết ghi nhớ của người Do Thái. Có lần con bé đã viết một bài nghiên cứu về chủ đề đó.”

“Thực ra cháu ông có sống ở Jerusalem không?” Jerome hỏi.

“Ngay gần, ở Efrat.”

“Efrat à… thế là người nhập cư rồi,” Jerome nói, có vẻ thất vọng ra mặt.

Samuel đặt tay lên vai Jerome. “Nhưng nó là người tốt,” ông mỉm cười.

Chúng tôi đi cùng Samuel thêm một đoạn nữa. Gần đến Gare du Nord, chúng tôi chia tay và hứa sẽ giữ liên lạc.

“Cậu có nghĩ cậu sẽ giữ liên lạc với Samuel không?” Jerome hỏi tôi.

Nhiều năm sau đó, vào một buổi tối thứ ba, tôi đã nhắc Jerome nhớ lại câu hỏi này của hắn. Tôi nhớ ngày hôm đó bởi vì đó là ngày mà một điều đáng kinh ngạc đã xảy ra với Jerome, một điều mà không ai có thể ngờ tới.