Trí Tuệ Do Thái

Phụ Lục

Những cuộc phỏng vấn với Eran Katz

Minh Ngọc - Báo Thanh niên Online

Có thể nhớ chính xác dãy số gồm 500 chữ số chỉ sau một lần đọc, Eran Katz hiện giữ kỷ lục Guinness thế giới về khả năng ghi nhớ và được gọi là người có bộ óc siêu phàm, nhưng ông nói: “Tôi chỉ là người bình thường, nhiều thứ vẫn quên!”

Vào giữa tháng 3 vừa qua, Eran Katz đã trở lại Việt Nam. Trong các buổi diễn thuyết, Eran Katz luôn khiến mọi người phải trầm trồ thán phục.

Khán giả đưa ra dãy số bất kỳ gồm hàng chục chữ số, chỉ sau một lần đọc, Eran Katz có thể đọc lại chính xác dãy số, thậm chí còn có thể đọc ngược lại. Nhiều người cho rằng, Eran Katz có khả năng đặc biệt. Nhưng ông không cho là vậy, tất cả khả năng ông có được bây giờ đều do rèn luyện.

Hai cuốn sách viết về kỹ thuật rèn luyện trí nhớ của Eran Katz, Bí mật của một trí nhớ siêu phàmTrí tuệ Do Thái, đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới (trong đó có tiếng Việt) với hàng triệu bản in. Nhưng rất ít người biết rằng, nhiều năm trước đó, không nhà xuất bản nào đoái hoài đến tập bản thảo hai cuốn sách. Eran Katz vẫn kiên trì đến cùng. Và bây giờ, cả thế giới đã biết đến chúng. “Never give up!” (Đừng bao giờ từ bỏ) là điều ông đã rút ra và muốn nhắn nhủ với tất cả mọi người. Phóng viên báoThanh Niên Thể Thao & Giải Trí đã có bài phỏng vấn ông nhân dịp này:

Từ khi nào ông có ý định rèn luyện trí nhớ của mình?

Đó là khi tôi còn là cậu học trò cấp hai. Giống như mọi đứa trẻ tầm tuổi ấy, tôi phải học chăm chỉ, làm bài tập mỗi ngày. Tôi muốn học tốt nhưng cũng muốn có thời gian vui chơi ở bãi biển, đi xem phim, chứ không phải lúc nào cũng học, học và học. Vì thế, tôi bắt đầu nghĩ đến việc rèn luyện trí nhớ để nhớ được các kiến thức nhanh hơn, lâu hơn.

Ông bắt đầu rèn luyện trí nhớ như thế nào?

Tôi đã tìm đọc tất cả các cuốn sách của Harry Lorayne, người được coi là chuyên gia về cách rèn luyện trí nhớ, hay thầy phù thủy trí nhớ. Tôi đọc và luyện tập theo các kỹ thuật mà Harry Lorayne đưa ra trong cuốn sách. Tôi đặc biệt quan tâm tới những cuốn sách nói về kỹ thuật rèn luyện trí nhớ của người Do Thái cổ. Bạn phải hiểu rằng, ở thời đại của họ, chưa có công nghệ hiện đại, chưa có điện thoại… họ phải tự nhớ tất cả. Những kỹ thuật của họ rất tuyệt vời. Sau đó, dần dần tôi đúc rút ra các kỹ thuật của riêng tôi và luyện tập theo.

Cuộc sống của ông đã thay đổi thế nào khi ông sở hữu một trí nhớ siêu việt như vậy?

Tôi nghĩ, không chỉ có cuộc sống của tôi thay đổi, mà tôi đã giúp nhiều người khác thay đổi cuộc sống của họ. Mỗi ngày, có hàng trăm e-mail gửi cho tôi nói rằng cuốn sách của tôi đã giúp thay đổi cuộc sống của họ. Các bạn sinh viên cho biết, nếu trước đây họ cần tới một tuần để thu nạp lượng kiến thức nhất định thì sau khi đọc sách, với lượng kiến thức ấy, họ chỉ cần có 2-3 ngày. Họ còn có thể nhớ lâu hơn trong suốt quá trình học tập.

Như vậy, điều đó cũng đồng nghĩa với việc mang đến cho ông sự nổi tiếng đấy chứ?

Đó không phải là mục đích của tôi. Tôi rèn luyện trí nhớ để phát triển bản thân mình. Thực sự, tôi không muốn nổi tiếng đâu, tôi muốn có cuộc sống thật đơn giản, được giúp đỡ người khác.

Hai cô con gái của ông chắc hẳn phải có một trí nhớ nổi trội so với các bạn cùng lớp?

Tôi không bao giờ ép buộc ai phải làm gì theo mình cả. Con gái tôi trước đây chẳng bao giờ hỏi tôi về kỹ thuật rèn luyện trí nhớ. Cách đây hai năm, khi con bé chuẩn bị thi chuyển cấp, cháu mới hỏi tôi. Lúc đó, tôi mới chỉ dẫn cho con. Con bé rất vui và nó còn nói cho các bạn cùng lớp biết về các kỹ thuật đó.

Ông có thể nhớ một dãy số dài mà chưa ai trên thế giới có thể làm được. Tôi tò mò, không biết ông có nhớ được sở thích của các con mình là gì? Có bao giờ người thân của ông phàn nàn là ông quên mất điều gì đó?

Con gái lớn của tôi rất thích khiêu vũ, tham gia các hoạt động vì môi trường, còn đứa con gái nhỏ thích sưu tầm quần áo cho búp bê. Tôi luôn nhớ nhiệm vụ mua cho chúng những thứ váy áo cho búp bê mỗi lần đi ra nước ngoài. Vợ tôi thường trêu: “Anh có thể viết sách, đạt kỷ lục Guinness, nhưng anh toàn quên đổ rác cho em”. Tôi thường quên rất nhiều thứ, nhưng tôi nghĩ điều đó cũng không sao cả. Tôi nghĩ rằng, ta chỉ cần nhớ những điều cần nhớ, muốn nhớ những điều thú vị thôi.

Có những điều người ta muốn nhớ, nhưng có những điều lại muốn quên đi. Ông thì sao?

Tôi muốn quên nhiều thứ lắm như những nỗi buồn, những cơn ác mộng, những điều khủng khiếp, những chuyện đau lòng như bạn tôi bị giết hay bố tôi qua đời. Tôi nghĩ chúng ta cũng cần phải biết học cách quên đi.

Tôi muốn quên khoảnh khắc cha tôi qua đời, còn vẫn muốn nhớ tất cả về ông, những điều ông răn dạy. Trước khi cha tôi qua đời, tôi hỏi ông có cảm thấy hạnh phúc không, ông trả lời là có. Ông nói, ông đã làm được tất cả những gì ông muốn. Ông đã để lại cho tôi một món quà vô giá, đó là một lời nhắn nhủ ý nghĩa: Hãy tận hưởng cuộc sống mỗi ngày!

Theo ông học nhớ và học quên, điều gì dễ hơn?

Tất nhiên là học nhớ rồi. Vì học để nhớ đã có các kỹ thuật, bạn chỉ cần luyện tập theo nó, rất dễ dàng. Còn học quên thì bây giờ vẫn chưa có kỹ thuật nào cả (cười).

Nguyên Anh - báo nguoidaibieu.com

Hai cuốn sách best-seller của người lập kỷ lục Guinness thế giới về khả năng ghi nhớ Eran Katz − Trí tuệ Do Thái và Bí mật của một trí nhớ siêu phàm − vừa được Alpha Book ra mắt độc giả Việt Nam. Eran Katz hy vọng cuốn sách sẽ giúp độc giả “quên ít hơn”.

Năm 2009, ông từng đến Việt Nam chia sẻ bí quyết để có trí nhớ phi thường. Lần này trở lại Việt Nam để giới thiệu 2 cuốn sách của mình đã được dịch sang tiếng Việt, ông cảm xúc thế nào?

Thực ra, mặc dù đến Việt Nam lần này mới là lần thứ 2 nhưng tôi cảm giác như trở về nhà. Con người ở đây rất thân thiện, hiếu khách và ham học hỏi. Tôi hy vọng những cuốn sách của mình sẽ giúp ích được nhiều cho các bạn.

Qua tiếp xúc, ông nhận thấy trí nhớ của người Việt Nam thế nào?

Sau chuyến đến Việt Nam năm ngoái, tôi đã nhận được 300 e mail từ các bạn Việt Nam hỏi về bí quyết ghi nhớ của tôi và làm thế nào để học giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Trong các buổi giao lưu lần trước, tôi cũng ngạc nhiên về sự ham hiểu biết của các bạn trẻ Việt Nam khi họ đặt ra nhiều câu hỏi thông minh và hóc búa. Điều này hoàn toàn khác với khi tôi đi nói chuyện ở Hàn Quốc, họ chỉ lắng nghe và cho rằng tất cả những điều tôi nói là đúng, là hay. Đặt câu hỏi là cách tốt nhất để phát triển trí nhớ.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nếu cần tra cứu thông tin nào đó, người ta có thể sử dụng công cụ tìm kiếm Google. Hoặc nếu muốn ghi số điện thoại của ai đó, họ chỉ cần lưu lại trong máy điện thoại là có thể mở ra khi cần thiết... Vậy theo ông, việc rèn luyện trí nhớ có còn cần thiết trong giai đoạn hiện nay nữa hay không?

Công nghệ không bao giờ thay thế được trí não con người. Như bạn đang nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh, máy móc, thiết bị nào có thể giúp bạn được? Hay một ví dụ đơn giản hơn là nhớ tên một ai đó, chúng ta phải vận dụng trí nhớ của mình. Đúng là bây giờ con người lười suy nghĩ hơn. Một nghìn năm nữa, cơ thể con người có thể sẽ phì ra vì ăn nhiều, nhưng óc ngày càng nhỏ lại vì... ít sử dụng.

Lại nói về ngôn ngữ. Ông từng nói, chỉ mất 2 tháng có thể học được một ngôn ngữ. Ông đã học được chút tiếng Việt nào chưa?

Rất tiếc là chưa. Tiếng Việt của các bạn rất khó vì nó có ngữ điệu. Hơn nữa, tôi nói cần 2 tháng để học một ngôn ngữ, đấy chỉ là học từ vựng cơ bản của ngôn ngữ đó. Chứ còn để giao tiếp thành thạo, chắc phải mất nhiều thời gian hơn thế (Cười).

Ngoài một số mẹo để học ngoại ngữ và ghi nhớ mọi thứ tốt hơn, độc giả còn tìm thấy gì từ những cuốn sách của ông?

Tôi muốn giúp độc giả thấy: trí nhớ của bạn tốt hơn bạn tưởng rất nhiều. Chỉ có điều bạn không tin vào điều đó và cho rằng mình sinh ra đã có một trí nhớ không hoàn hảo và phải chung sống với nó suốt đời. Vì thế, cái bạn cần làm ngay là thay đổi quan niệm sai lầm này.

Và đối tượng độc giả mà ông muốn hướng tới là...?

Tất cả mọi người. Tôi muốn giúp sinh viên nhớ những kiến thức đã học một cách dễ dàng và thấy vui trong học tập; các doanh nhân tự tin hơn khi nhớ được tên đối tác và các bài thuyết trình; các chính trị gia, diễn giả có thể hùng biện, diễn thuyết tốt hơn... Tóm lại, tôi muốn giúp mọi người quên ít hơn, đơn giản như việc chìa khóa xe để ở đâu hay mình đã khóa cửa hay chưa...

Với các phương pháp ghi nhớ và hệ thống bài luyện tập tăng cường trí nhớ đặc biệt mà ông đưa ra trong Bí mật của một trí nhớ siêu phàm, một độc giả phải mất bao lâu để có thể cải thiện trí nhớ của mình và họ có cần tính cách đặc biệt nào không?

Điều này thì tùy. Có thể chỉ 1 tiếng, 2 tiếng, bạn cũng thấy bất ngờ với trí nhớ của mình. Điều quan trọng là phải có động lực. Học để cải thiện trí nhớ cũng như học một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của trí nhớ. Những người mới học nên luyện tập thường xuyên để đạt đến một trình độ nào đó. Sau khi có được những kiến thức cơ bản, trình độ nhất định, ta có thể sử dụng nó linh hoạt khi cần thiết.

Ông đã bao giờ cảm thấy phiền toái bởi chính trí nhớ siêu phàm của mình chưa?

Chưa. Bởi tôi chỉ nhớ điều cần phải nhớ và muốn nhớ. Thực tế, tôi cũng quên nhiều. Quên những thứ không cần thiết để nhớ những cái quan trọng hơn vào thời điểm hiện tại.

Theo ông, trí nhớ có bị lão hóa theo thời gian không?

Không. Thực tế là trí nhớ chỉ thực sự giảm sút khi bạn không sử dụng nó thường xuyên. Nếu tập luyện, trí nhớ sẽ liên tục được cải thiện.

Xin cảm ơn ông!

Mộc Miên – Báo Doanh nhân Sài Gòn

Đến Việt Nam vào giữa tháng 3, trò chuyện với những người hâm mộ, người đàn ông Israel từng lập kỷ lục Guinness về trí nhớ 11 năm trước Eran Katz tiết lộ khá nhiều “bí quyết” bổ ích giúp tăng cường kỹ năng nhớ.

Phát biểu với công chúng Việt Nam, Eran Katz nhấn mạnh: “Tôi không phải là người đặc biệt”. Ông cho rằng những gì ông có được hôm nay là do ông bền bỉ luyện tập các kỹ năng theo thời gian để biến một trí nhớ bình thường thành một trí nhớ đáng tin cậy.

Tại quê nhà, Eran Katz làm chủ một công ty khá phát đạt chuyên phát triển phần mềm liên quan đến việc hỗ trợ trí nhớ mang tên “Smart Memory”. Ông còn là một diễn giả được ưa thích về chủ đề phát triển trí nhớ tại hàng nghìn diễn đàn trên thế giới, một tác giả nổi tiếng với những cuốn sách viết về phương pháp rèn luyện kỹ năng nhớ (trong đó có 5 cuốn được dịch ra 8 thứ tiếng trên thế giới, in tới 250.000 bản). Dù vậy, “Mục tiêu của tôi không phải là kinh doanh, mà là quảng bá văn hóa”- Eran Katz nói.

Ông đã nhận ra mình có trí nhớ khác thường từ lúc nào?

Năm tôi 7 tuổi, bố tôi cho tôi cùng đến nơi làm việc của ông là một cơ quan an ninh. Đến nơi, bố tôi phải bấm đúng mã số có 7 chữ số mới qua được cổng. Hai tháng sau, tôi đã tự mình qua được cánh cổng này vì trong đầu vẫn còn nhớ chính xác mã số đó.

Có lúc nào ông bị chính trí nhớ của mình “làm khổ” không? Ví dụ có những điều muốn quên thì lại cứ nhớ!

Tất nhiên. Đó là một kỷ niệm buồn. Tôi có một người bạn thân chẳng may qua đời rất sớm và tôi không sao quên được người bạn ấy. Tuy nhiên, tôi quan niệm, nếu quá khứ là một gánh nặng thì hãy nghĩ nhiều đến những gì thuộc về tương lai. Tôi cũng xuất bản một cuốn sách viết về... “kỹ năng quên”, kỹ năng tẩy xóa trí nhớ, dù việc này cũng không dễ dàng gì.

Điều gì ông cho là dễ nhớ nhất?

Sự thú vị sẽ ở lâu trong ta. Với tôi, những gì được lưu giữ nhiều nhất, lâu nhất trong trí nhớ thường lại là những điều lặt vặt thú vị. Đặc biệt tôi hay nhớ những con số và những bài viết ngắn.

Với trí nhớ tuyệt vời, ông có thể học tiếng Anh thành công trong 1-2 tháng? Và ông có thể nói tiếng Việt với người Việt sau lần có mặt tại Hà Nội này?

Một tuần ở Việt Nam, tôi thấy tiếng Việt thuộc loại... khó nhất thế giới, mặc dù hiện nay tôi đã biết 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha! Học ngoại ngữ khó, đây là điều sinh viên thường kêu ca với tôi. Tôi nghĩ ai cũng cần có động lực. Nếu một người học chỉ để học, sẽ khó. Nhưng nếu cũng người đó, học để có 1 triệu đô-la, chắc chắn chỉ cần một tháng họ sẽ học được...

Tôi thấy, người ta chỉ cần học 600 từ mỗi ngoại ngữ là đã có thể giao tiếp thông thường. Một trong những “bí quyết” nhớ là phải có kỹ năng liên tưởng. Phải nhớ một cách có ý thức chứ tuyệt nhiên không nhớ một cách máy móc.

Một vài kinh nghiệm của ông dành cho bạn trẻ?

Tôi thường nói với sinh viên: Yêu thì không nhớ gì xung quanh nữa. Đừng dại mà yêu đương trước... kỳ thi! Chúng ta thường nghe mà không chú ý, nhìn mà không quan sát. Có những việc xảy ra cách đây 20 năm hoặc 40 năm thì được nhớ, trong khi những việc mới xảy ra hôm qua lại có thể quên ngay chính vì thế.

Giảm trí nhớ không hoàn toàn do tuổi tác hay vấn đề sinh học mà đáng buồn là do chúng ta đã không còn quan tâm đến sự việc như cách khi còn trẻ chúng ta từng quan tâm, thích thú về chúng. Một “vấn đề toàn cầu” khác nữa là đàn ông thường không nhớ phụ nữ mặc gì (thế nên phụ nữ có điểm trang đến mấy cũng thừa) nhưng phụ nữ lại nhớ rất kỹ những phụ nữ khác mặc gì! Điều quan trọng là sự tập trung, sự thích thú và các hệ thống, sắp xếp của mỗi người sẽ “nâng cấp” trí nhớ của họ ra sao.

Lời khuyên của tôi là: Để nhớ mọi thứ thật lâu, mỗi người hãy nhận thức cuộc sống một cách thật tích cực để thấy cuộc sống mà ta đang có thật đáng quý. Khi đó, nhiệt tình sống sẽ khiến trí nhớ của chúng ta trở nên đặc biệt hơn!

Cảm ơn ông, người đã “kinh doanh trí nhớ” theo cách riêng của mình!