Từ Thăm Thẳm Lãng Quên

Chương 12

Nỗi nghi ngờ tới viếng thăm chúng tôi vào một giờ đều đặn, ban đêm trên đường về khách sạn, với viễn cảnh sắp phải quay về căn phòng nơi chúng tôi sống như những kẻ mờ ám, chừng nào ông chủ còn cho phép.

Trước khi bước qua cửa khách sạn, chúng tôi đi dạo một đoạn dọc theo Sussex Gardens. Chẳng ai trong chúng tôi có chút ham muốn trở về Paris. Kể từ nay, chúng tôi đã bị cấm cửa khỏi phía bờ ke Tournelle và khu La Tinh. Tất nhiên, Paris thì rộng, và hẳn chúng tôi có thể chuyển khu phố mà không mắc nguy cơ gặp phải Gérard Van Bever hay Cartaud. Nhưng tốt hơn hết là không quay lại đằng sau.

Bao nhiêu thời gian đã trôi qua trước khi chúng tôi quen Linda, Peter Rachman và Michael Savoundra? Có lẽ chừng hai tuần. Hai tuần đằng đẵng, trời mưa suốt không thôi. Để thoát khỏi căn phòng dán giấy lấm chấm vết mốc, chúng tôi ra rạp xem phim. Rồi chúng tôi đi bộ, lúc nào cũng là dọc theo Oxford Street. Chúng tôi đến khu Bloomsbury, phố có nhà trọ gia đình nơi chúng tôi đã qua đêm đầu tiên ở London. Và rồi lộn lại Oxford Street, theo hướng ngược lại.

Chúng tôi cố tìm cách trì hoãn giây phút phải về khách sạn. Chúng tôi không thể tiếp tục đi bộ dưới màn mưa này. Chúng tôi luôn luôn có giải pháp là vào rạp xem thêm một suất chiếu nữa, hoặc vào một cửa hàng lớn hay một quán cà phê. Nhưng sau đó thì vẫn cứ phải quyết định trở về Sussex Gardens.

Một buổi xế chiều chúng tôi đánh liều đi về phía thấp hơn, xuống tận bên kia bờ sông Thames, tôi cảm thấy nỗi hoảng hốt xâm chiếm mình. Đó là giờ cao điểm: một làn sóng dân ngoại ô đi qua cầu Waterloo tiến về phía nhà ga. Chúng tôi đi trên cầu theo chiều ngược lại và tôi chỉ sợ chúng tôi sẽ bị cuốn phăng theo dòng người kia. Nhưng rồi chúng tôi cũng thoát thân. Chúng tôi ngồi xuống một cái ghế băng, trên quảng trường Trafalgar. Trong suốt chuyến đi, chúng tôi không nói với nhau lời nào.

‒ Không ổn à? Jacqueline hỏi tôi. Anh nhợt nhạt

quá...

Nàng mỉm cười với tôi. Tôi cảm thấy rõ nàng đang phải cố gắng giữ vẻ bình tĩnh. Viễn cảnh sắp phải bước đi giữa đám đông trên Oxford Street để quay về khách sạn làm tôi sợ hãi. Tôi không dám hỏi nàng có cảm thấy cùng nỗi lấn bấn ấy không. Tôi nói:

‒ Em không thấy thành phố này lớn quá sao ?

Tôi cũng cố mỉm cười. Nàng nhíu mày nhìn tôi.

‒ Thành phố này lớn quá và chúng ta chẳng quen biết một ai...

Giọng tôi nghẹn ngào. Tôi chẳng thể thốt được thêm một lời nào nữa.

Nàng châm một điếu thuốc. Nàng đang mặc chiếc áo vest da quá phong phanh và ho húng hắng, cũng như lúc còn ở Paris. Tôi nuối tiếc ke Tournelle, đại lộ Haussmann và nhà ga Saint‒Lazare.

‒ Ở Paris thì dễ dàng hơn...

Nhưng tôi nói nhỏ đến mức phải tự hỏi nàng có nghe thấy không. Nàng chìm đắm trong suy nghĩ. Nàng đã quên mất sự có mặt của tôi. Trước chúng tôi là một ca bin điện thoại màu đỏ, một phụ nữ vừa từ đó đi ra.

‒ Thật tệ là ta chẳng có ai để gọi điện thoại... tôi nói với nàng.

Nàng quay sang và đặt tay lên cánh tay tôi. Nàng đã vượt qua được cơn nản chí mà nàng hẳn cũng vừa cảm thấy, vào lúc chúng tôi đi dọc theo phố Strand về phía quảng trường Trafalgar.

‒ Chỉ cần có chút tiền để sang Mallorca thôi mà...

Đây là ý nghĩ đinh ninh của nàng kể từ khi tôi quen nàng và nhìn thấy địa chỉ trên cái phong bì.

‒ Ở Mallorca chúng ta sẽ được yên. Anh sẽ có thể viết sách...

Một hôm, tôi đã tâm sự với nàng rằng trong tương lai tôi muốn viết sách, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nhắc lại chủ đề ấy. Có lẽ giờ đây nàng nói đến chuyện này để trấn an tôi. Nhất định, nàng giỏi giữ bình tĩnh hơn tôi.

Dẫu vậy tôi cũng muốn biết nàng định kiếm tiền bằng cách nào. Nàng không hề bớt vẻ kiên quyết:

‒ Chỉ ở thành phố chúng ta mới có thể kiếm được tiền... Anh cứ thử tưởng tượng là ta mất hút vào một chốn khỉ ho cògáy dưới nông thôn mà xem...

Nhưng mà phải, nàng nói đúng. Đột nhiên, tôi thấy quảng trường Trafalgar khiến tôi yên tâm hơn hẳn. Tôi nhìn nước chảy ra từ những cái vòi, cảnh tượng ấy làm dịu lòng tôi. Chúng tôi đâu có bị kết án vĩnh viễn phải ở thành phố này, chết chìm trong đám đông trên Oxford Street. Chúng tôi có một mục đích rất giản dị: kiếm ít tiền để đi Mallorca. Cũng giống như cách đặt cửa của Van Bever. Quanh chúng tôi có biết bao nhiêu phố và ngã tư, chúng làm tăng cơ may của chúng tôi và chắc chắn rốt cuộc chúng tôi sẽ gợi dậy được một sự tình cờ may mắn.

Kể từ đó, tránh Oxford Street và khu trung tâm, chúng tôi luôn luôn đi về hướng Tây, về phía Holland Park và khu Kensington.

Một chiều, ở bến tàu điện ngầm Holland Park, chúng tôi chụp một bức ảnh tự động[4]. Chúng tôi kề sát mặt nhau mà chụp. Tôi còn giữ món kỷ niệm này. Khuôn mặt Jacqueline ở phía trước, còn mặt tôi, lùi lại một chút, không đủ vào hết trong khung ảnh, thành thử bị cắt mất tai trái. Sau khi đèn chớp lóe lên, chúng tôi cười rũ ra và nàng cứ muốn ngồi nán lại trên đùi tôi trong ca bin chụp ảnh. Rồi chúng tôi đi theo đại lộ chạy ven Holland Park, dọc những tòa nhà lớn màu trắng có vòm cổng. Lần đầu tiên kể từ khi chúng tôi tới London trời hửng nắng và tôi thấy như thể kể từ buổi chiều ấy trở đi, trời lúc nào cũng đẹp và ấm, như tiết hè đến sớm.