Từ Thăm Thẳm Lãng Quên

Chương 8

Thứ Bảy, Van Bever lên đường đi Forges‒les‒Eaux. Tôi đợi họ vào quãng năm giờ chiều trước khách sạn họ ở, đúng như họ đã bảo tôi. Van Bever đi ra trước. Anh rủ tôi dạo vài bước dọc theo ke Tournelle.

‒ Tôi trông cậy cậu sẽ trông nom Jacqueline.

Tôi ngạc nhiên trước những lời này. Anh bảo tôi, vẻ hơi bối rối, rằng hôm trước Cartaud đã gọi điện thoại cho họ nói rằng ông ta sẽ không thể lái xe chở anh đến Forges‒les‒Eaux vì ông ta bận việc. Nhưng không được tin vào những lời lịch thiệp bề ngoài này, cũng như cái vẻ đáng mến giả dối ấy. Chỉ đơn giản là Cartaud tính lợi dụng việc anh, Van Bever, đi vắng, để gặp Jacqueline.

‒ Thế tại sao anh không dẫn nàng theo đến Forges‒les‒Eaux ?

Anh đáp, nếu làm thế, Cartaud sẽ tới gặp họ ở đó, kết quả sẽ lại y nguyên.

Jacqueline ra khỏi khách sạn, đến chỗ chúng tôi.

‒ Em đoán hai người đang nói về Cartaud, nàng bảo.

Nàng lần lượt nhìn chăm chăm vào mặt hai chúng tôi.

‒ Anh vừa bảo cậu ấy ở đây với em, Van Bever nói.

‒ Anh thật tốt quá.

Chúng tôi đi tiễn anh, giống lần trước, tới bến tàu điện ngầm Pont‒Marie. Cả hai đều im lặng. Còn tôi, tôi chẳng muốn hỏi han gì nữa. Tôi buông mình theo bản tính vô ưu. Điều chính yếu là tôi sẽ được ở một mình với Jacqueline. Thậm chí tôi còn được sự cho phép của Van Bever, anh đã trao cho tôi vai trò người bảo vệ nàng. Tôi có thể hy vọng gì hơn nữa đây?

Trước khi đi xuống cầu thang bến tàu điện ngầm, anh nói:

‒ Anh sẽ cố về vào sáng mai.

Đi hết các bậc cầu thang, anh đứng bất động một lúc, người ưỡn thẳng, trong chiếc măng tô sọc xương cá. Anh nhìn Jacqueline chăm chăm.

‒ Nếu muốn nói chuyện với anh thì em đã có số điện thoại sòng bạc ở Forges nhé...

Đột nhiên trên mặt anh hằn lên vẻ mệt mỏi bã bời.

Anh đẩy một cánh cửa, nó đóng sập lại sau lưng anh.

Chúng tôi đi qua đảo Saint‒Louis về hướng tả ngạn và Jacqueline khoác tay tôi.

‒ Khi nào thì chúng ta sẽ gặp trúng Cartaud nhỉ? Câu hỏi của tôi có vẻ khiến nàng hơi khó chịu.

Nàng không trả lời.

Tôi chờ đến lúc bị nàng bỏ lại trước cửa khách sạn nàng ở. Nhưng nàng kéo tôi lên phòng.

Trời đã tối. Nàng bật ngọn đèn ở cạnh giường lên. Tôi ngồi trên cái ghế đặt gần bồn rửa, còn nàng ngồi trên sàn nhà, dựa lưng vào thành giường, hai tay bó gối.

‒ Tôi phải đợi điện thoại của ông ta, nàng nói. Nàng đang nhắc đến Cartaud. Nhưng tại sao nàng lại phải đợi điện thoại của ông ta?

‒ Hôm qua, anh đã rình tôi ở đại lộ Haussmann?

‒ Đúng.

Nàng châm một điếu thuốc. Ngay hơi đầu tiên nàng đã bật ho. Tôi rời khỏi cái ghế để ngồi xuống đất, bên cạnh nàng. Chúng tôi dựa lưng vào thành giường.

Tôi nhấc điếu thuốc khỏi tay nàng. Hút thuốc chẳng có lợi gì cho nàng và tôi những muốn nàng đừng ho nữa.

‒ Tôi không muốn chúng ta nói chuyện ấy trước mặt Gérard... Anh ấy hẳn cảm thấy ngại với anh... Nhưng tôi muốn nói cho anh hay rằng anh ấy biết mọi chuyện...

Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi với vẻ thách thức:

‒ Lúc này, tôi không thể làm khác... Chúng ta cần kẻ đó...

Tôi chực đặt cho nàng một câu hỏi nhưng nàng đã chìa tay về phía cái bàn đầu giường để tắt đèn đi. Nàng ngả người sang tôi và tôi cảm thấy cặp môi nàng ve vuốt trên cổ tôi.

‒ Anh không muốn bây giờ chúng ta nghĩ sang chuyện khác à?

Nàng nói đúng. Ta nào có thể biết được tương lai giăng sẵn những phiền nhiễu gì.

Quãng bảy giờ tối, có người gõ cửa phòng và một giọng khàn khàn cất lên: “Có điện thoại nhé.” Jacqueline nhỏm dậy khỏi giường và, không buồn bật đèn, choàng lên người chiếc áo gió của tôi rồi rời phòng, vẫn để cửa mở hé.

Điện thoại gắn trên tường ngoài hành lang. Tôi nghe tiếng nàng trả lời, toàn “có” với “không” và nhắc đi nhắc lại rằng “tối nay nàng không thực sự cần phải đến”, như thể người đang nói chuyện với nàng không hiểu lời nàng nói, hoặc giả nàng muốn kẻ kia phải cầu xin.

Nàng đóng cửa lại và tới ngồi xuống giường. Trông nàng thật kỳ cục trong cái áo gió quá khổ, tay áo đã được nàng xắn lên.

‒ Nửa tiếng nữa tôi có hẹn với ông ta... Ông ta sẽ đến đón tôi... Ông ta nghĩ tôi đang ở đây một mình...

Nàng xích lại gần tôi và, hạ giọng xuống, nàng nói:

‒ Tôi cần anh giúp tôi một việc...

Cartaud sẽ đưa nàng đi ăn tối cùng bạn bè ông ta.Sau đó, nàng cũng không biết chắc buổi tối sẽ kết thúc thế nào. Việc nàng muốn nhờ tôi là: tôi rời khỏi khách sạn trước khi Cartaud tới. Nàng sẽ đưa tôi một cái chìa khóa. Đó là chìa khóa căn hộ trên đại lộ Haussmann. Tôi sẽ đến đó tìm một cái va li, trong một tủ tường ở phòng khám răng, “cái tủ ở cạnh cửa sổ ấy”. Tôi sẽ lấy cái va li rồi mang nó quay trở lại đây, trong căn phòng này. Vậy đó, hết sức đơn giản. Nàng sẽ gọi điện vào quãng mười giờ để nói cho tôi biết có thể gặp nàng ở đâu.

Cái va li ấy đựng gì? Nàng nở nụ cười bối rối và bảo tôi: “Một ít tiền.” Tôi không thấy việc này đáng kinh ngạc quá mức. Và Cartaud sẽ phản ứng thế nào khi không thấy nó nữa? Ừ thì, ông ta sẽ chẳng bao giờ ngờ được rằng chúng ta đã đánh cắp nó. Tất nhiên, ông ta không biết chúng ta có chìa khóa đánh lại của căn hộ. Nàng đã giấu giếm ông ta thuê làm ở hiệu “Đánh chìa khóa lấy ngay” tại ga Saint‒Lazare.

Tôi thấy xúc động vì từ “chúng ta” mà nàng đã dùng, bởi vì từ ấy chỉ nàng và tôi. Dẫu vậy tôi cũng muốn hỏi xem Van Bever có biết kế hoạch này không. Có chứ. Nhưng anh muốn nàng là người nói cho tôi. Thế nên tôi chỉ là một nhân vật phụ và điều họ chờ đợi ở tôi là thực hiện một cuộc đột nhập trộm đồ. Để làm tôi hết đắn đo, nàng nói rõ thêm rằng Cartaud không phải “một người tốt”, và rằng dẫu sao thì, “ông ta nợ nàng món ấy...”

‒ Thế cái va li đó có nặng không? tôi hỏi nàng.

‒ Không.

‒ Vì tôi không biết nên đi taxi hay tàu điện ngầm.

Nàng có vẻ ngạc nhiên vì tôi chẳng tỏ chút gì gọi là ngại ngần.

‒ Anh không thấy phiền khi làm việc ấy cho tôi à?

Chắc hẳn nàng muốn nói thêm rằng tôi sẽ chẳng gặp nguy hiểm gì đâu, nhưng tôi không cần được khích lệ. Thực ra mà nói, từ khi còn bé, tôi đã chứng kiến bố tôi vận chuyển rất nhiều hành lý‒ va li hai đáy, túi và hòm da, thậm chí cả những chiếc cặp đen khiến ông có vẻ đáng kính một cách giả dối... Và mãi mãi tôi chẳng hay biết bên trong chúng đựng những gì.

‒ Tôi rất vui lòng làm việc ấy, tôi đáp lời nàng.

Nàng mỉm cười với tôi. Nàng cảm ơn tôi, nói thêm rằng đây là lần cuối cùng nàng đề nghị với tôi một điều như vậy. Tôi hơi thất vọng vì Van Bever có biết, nhưng ngoài ra thì đâu có gì thực sự làm tôi thấy phiền. Vốn dĩ tôi quen thuộc với những chiếc va li lắm rồi.

Trên ngưỡng cửa, nàng đưa chìa khóa cho tôi rồi hôn tôi.

Tôi lao xuống các bậc cầu thang, rảo bước qua bờ ke về phía cầu Tournelle, hy vọng không chạm trán Cartaud.

Dưới bến tàu điện ngầm, vẫn là giờ cao điểm. Tôi cảm thấy thoải mái ở đây, bị ép chặt giữa những hành khách khác. Tôi không sợ thu hút sự chú ý của người khác. Lúc nào trở về cùng cái va li, nhất định tôi cũng sẽ đi tàu điện ngầm.

Tôi đợi chuyển sang tàu đi Miromesnil ở ga Havre‒Caumartin. Tôi còn nhiều thời gian phía trước. Jacqueline sẽ không gọi điện về khách sạn cho tôi trước mười giờ. Tôi để mặc hai hay ba chuyến tàu chạy qua. Tại sao nàng lại giao tôi, chứ không phải Van Bever, nhiệm vụ này? Và có thật nàng đã nói với anh là tôi sẽ đi lấy cái va li ấy? Với nàng thì chẳng bao giờ ta có thể biết điều gì.

Ra khỏi bến tàu điện ngầm, tôi cảm thấy hơi lo sợ, nhưng nỗi lo sợ ấy nhanh chóng tan đi. Tôi đi ngang vài người bộ hành lác đác và cửa sổ các tòa nhà tối đen: đó là các văn phòng mà người ở trong vừa đi khỏi. Trước những người số nhà 160, tôi ngẩng đẩu lên. Chỉ những cửa sổ trên tầng năm sáng đèn.

Tôi không bật đèn tự động. Thang máy chậm chạp đi lên và ánh sáng màu vàng của bóng đèn tròn trên đầu tôi rọi bóng lưới thép lên bức tường cầu thang. Tôi để mặc cửa thang máy mở hé, vừa kịp tận dụng ánh sáng từ đó hắt ra để nhét chìa khóa vào ổ.

Quanh sảnh vào, những cánh cửa đôi của các phòng đều mở toang và một thứ ánh sáng trắng từ đèn đường dưới đại lộ hắt lên. Tôi đi vào phòng khám của nha sĩ, phía bên trái. Ghế ngồi bệnh nhân đặt ở giữa phòng, cái lưng tựa bọc da ngả về đằng sau, tạo ra một dạng đi văng nâng cao trên đó ta có thể nằm duỗi dài chân.

Trong ánh đèn đường, tôi mở cái tủ kim loại đặt bên cạnh cửa sổ. Cái va li nằm ở đó thật, trên một ngăn, một cái va li sắt tây giản dị, giống loại mà lính tráng nghỉ phép hay mang.

Tôi nhấc va li lên và quay trở ra sảnh. Đối diện với phòng khám nha là một phòng chờ. Tôi bật công tắc. Ánh sáng đổ xuống từ một chùm đèn pha lê. Những cái ghế phô tơi phủ nhung xanh lục. Trên một cái bàn thấp là mấy chồng tạp chí. Tôi đi ngang qua căn phòng này, bước vào một phòng ngủ nhỏ kê một cái giường hẹp, chăn đệm ngổn ngang. Tôi bật đèn đầu giường lên.

Một chiếc áo pyjama bị cuộn lại vứt trên gối. Trong tủ tường, treo trên mắc, là hai bộ com lê cùng màu xám và cũng có kiểu cắt giống bộ mà Cartaud mặc hôm ở phố Cujas. Và bên dưới cửa sổ là một đôi giày màu hạt dẻ, bên trong có nhét cốt giày.

Vậy, đây là phòng ngủ của Cartaud. Trong cái giỏ mây đựng rác, tôi nhìn thấy một vỏ bao Royales, loại thuốc lá mà Jacqueline thường hút. Hẳn tối hôm trước nàng đã vứt nó khi tới đây cùng ông ta.

Tôi máy móc mở ngăn kéo cái bàn đầu giường,trong đó xếp chồng lên nhau những hộp thuốc ngủ và thuốc aspirin cùng danh thiếp mang tên Pierre Robbes, bác sĩ nha khoa, địa chỉ 160 đại lộ Haussmann, Wagram 1318.

Cái va li khóa chặt và tôi do dự không biết có nên phá khóa không. Không nặng lắm. Chắc hẳn nó đựng tiền giấy. Tôi lục túi mấy bộ com lê kia, tìm được một cái ví màu đen, trong đó có một chứng minh thư, cấp cách đây một năm, mang tên Pierre Cartaud, sinh ngày 15 tháng Sáu năm 1923, ở Bordeaux (Gironde), nơi cư ngụ: 160 đại lộ Haussmann, Paris.

Tức là Cartaud đã ở đây ít nhất một năm... Và đây cũng là nhà ở của cái người mang tên Pierre Robbes, bác sĩ nha khoa. Đã quá mệt để đi hỏi người gác cổng, mà tôi lại không thể xuất hiện trước mặt ông ta với cái va li sắt tây này trên tay.

Tôi đã ngồi xuồng thành giường, giờ tôi ngửi thấy mùi ê te, nó khiến tim tôi nhói lên, như thể Jacqueline vừa rời khỏi căn phòng này.

Trước khi ra khỏi tòa nhà, tôi quyết định gõ vào cánh cửa gắn kính chỗ người gác cổng, bên trong còn ánh đèn. Một người đàn ông tóc nâu, vóc dáng thấp nhỏ, mở hé cửa và thò đầu ra. Ông ta nhìn tôi vẻ nghi ngại.

‒ Tôi muốn gặp bác sĩ Robbes, tôi nói với ông ta.

‒ Hiện nay bác sĩ Robbes không ở Paris.

‒ Ông biết tôi có thể gặp ông ấy ở dâu không?

Ông ta có vẻ mỗi lúc một thêm nghi ngại và ánh mắt ông ta đậu lại trên chiếc va li sắt tây mà tôi đang xách.

‒ Ông không có địa chỉ của ông ấy à?

‒ Tôi không thể cho anh biết, thưa anh. Tôi không biết anh là ai.

‒ Tôi là họ hàng của bác sĩ Robbes. Tôi đang đi nghĩa vụ quân sự, được về phép mấy hôm.

Chi tiết này dường như trấn an được ông ta một chút.

‒ Bác sĩ Robbes đang ở nhà ông ấy tại Behoust.

Tôi không nghe rõ cái tên này. Tôi đề nghị ông tađánh vần cho tôi: BEHOUST.

‒ Xin thứ lỗi, tôi nói với ông ta. Nhưng tôi cứ nghĩ bác sĩ Robbes không còn sống ở đây nữa. Trên danh sách khách thuê nhà có một cái tên khác.

Và tôi chỉ cho ông ta danh sách, cùng cái tên Cartaud.

‒ Đó là một đồng nghiệp của bác sĩ Robbes...

Thêm một lần nữa, tôi đọc thấy vẻ nghi ngại trên mặt ông ta. Ông ta nói với tôi:

‒ Xin chào nhé, thưa anh.

Rồi ông ta đóng sầm cánh cửa lại.

Ra đến ngoài, tôi quyết định đi bộ tới bến tàu điện ngầm Saint‒Lazare. Cái va li không nặng lắm. Đại lộ vắng hoe, những mặt tiền nhà tắt hết đèn, thảng hoặc một chiếc ô tô chạy qua, về hướng quảng trường Ngôi Sao. Có lẽ tôi đã phạm sai lầm khi gõ cửa chỗ người gác cổng, bởi vì ông ta sẽ cung cấp đặc điểm nhận dạng của tôi. Để tự trấn an, tôi tự nhủ rằng chẳng ai‒ cả Cartaud lẫn tay bác sĩ Robbes ma quái kia, hay người gác cổng số nhà 160‒ có thể làm gì phương hại tới tôi. Đúng, việc tôi đã làm‒ xâm nhập một căn hộ xa lạ và lấy đi một cái va li không thuộc về mình, hành động mà trong mắt người khác hẳn phải mang một mức độ trầm trọng nào đó‒ sẽ chẳng gây ra cho tôi chuyện gì.

Tôi không muốn ngay lập tức quay về ke Tournelle. Tôi đi lên cầu thang nhà ga và bước vào phòng Những Bước Chân Lạc Lối[3]. Vẫn còn rất nhiều người đi về phía các ke tàu ngoại ô. Tôi ngồi xuống một cái ghế băng, va li để giữa hai chân. Dần dà tôi có cảm giác cả mình cũng là một người lữ hành hoặc một người lính đang về phép. Ga Saint‒Lazare cho tôi không gian trốn chạy còn rộng lớn hơn cả ngoại ô và vùng Normandie, nơi những đoàn tàu kia sắp tới. Mua vé đi Le Havre, thành phố của Cartaud. Và tại Le Havre thì biến mất ở bất kỳ đâu, trong thế giới rộng lớn, qua Cánh Cửa Đại Dương...

Tại sao cái sảnh nhà ga này lại mang tên phòng Những Bước Chân Lạc Lối? Chắc là chỉ cần ở lại đây ít thời gian, rồi thì sẽ chẳng gì còn quan trọng nữa, ngay cả những bước chân ta.

Tôi đi đến quán ăn, nằm ở tận cuối sảnh. Ở hiên, hai người lính về phép đang ngồi với một cái vali giống hệt va li của tôi. Thiếu điều tôi đã mượn chìa khóa va li nhỏ xíu của họ để thử mở cái va li mà tôi đang xách. Nhưng tôi sợ lúc đã mở ra rồi, những xấp tiền giấy mà chắc chắn nó chứa bên trong sẽ bị những người ngồi bên nhìn thấy, nhất là mấy tay thanh tra mặc thường phục tôi từng nghe nhắc đến: cảnh sát nhà ga. Mấy từ này gợi cho tôi nhớ đến Jacqueline và Van Bever, như thể họ đã kéo tôi vào một cuộc phiêu lưu, trong đó kể từ nay tôi có nguy cơ trở thành con mồi cho cảnh sát nhà ga.

Tôi bước vào quán ăn và chọn một cái bàn gần những ô kính lớn nhìn xuống phố Amsterdam. Tôi không thấy đói. Tôi gọi một cốc nước lựu. Tôi kẹp cái va li giữa hai chân. Một cặp ngồi bàn bên cạnh đang thấp giọng nói chuyện với nhau. Người đàn ông tóc nâu, chừng ba mươi tuổi, hai gò má sần sùi. Anh ta vẫn mặc nguyên áo khoác. Người phụ nữ cũng tóc nâu và mặc măng tô lông thú. Họ đang ăn nốt bữa tối. Người phụ nữ hút thuốc Royales, giống Jacqueline. Dựa vào băng ghế họ đang ngồi là một cái cặp đen lớn và một chiếc va li da cùng màu. Tôi tự hỏi họ vừa tới Paris hay sắp đi khỏi đây. Người phụ nữ cất tiếng, giọng nghe rõ hơn:

‒ Ta chỉ có thể đi chuyến tàu sắp tới thôi.

‒ Lúc mấy giờ?

‒ Mười giờ mười lăm phút...

‒ Đồng ý, người đàn ông nói.

Họ nhìn nhau, vẻ thật lạ. Mười giờ mười lăm phút. Cũng gần giờ Jacqueline hẹn sẽ gọi điện thoại về ke Tournelle cho tôi.

Người đàn ông trả tiền và họ đứng dậy. Anh ta xách cái cặp đen và va li lên. Họ đi ngang qua trước bàn tôi, nhưng không hề để ý đến tôi.

Người phục vụ cúi xuống tôi, hỏi:

‒ Anh đã chọn đồ chưa?

Anh ta chỉ vào thực đơn.

‒ Trong quán, khu này phục vụ ăn tối... Tôi không thể chỉ mang cho anh một thứ đồ uống...

‒ Tôi đang đợi một người, tôi nói với anh ta.

Qua tấm kính, đột nhiên tôi nhìn thấy người đàn ông và người phụ nữ kia, trên vỉa hè phố Amsterdam. Cô ta đã khoác lấy tay anh ta. Họ bước vào một khách sạn, xuôi xuống dưới một chút.

Người phục vụ lại đứng trước bàn tôi:

‒ Thưa anh, anh phải chọn đồ đi thôi... tôi ngừng ca làm rồi đây...

Tôi xem đồng hồ đeo tay. Tám giờ mười lăm phút. Tôi thích ở lại đây hơn là đi lang thang ngoài kia, trong cái lạnh, thế nên tôi gọi món. Giờ cao điểm đã qua. Tất cả mọi người đều đã lên các chuyến tàu ngoại ô.

Bên dưới, phố Amsterdam, nhiều người lố nhố đằng sau những cửa kính của quán cà phê cuối cùng trước khi đến quảng trường Budapest. Ánh đèn ở dó vàng hơn và tối hơn ở quán Dante. Tôi từng tự hỏi rất lâu tại sao tất cả những con người kia lại tới quanh Saint‒Lazare để mà lạc lối, cho đến ngày tôi được biết nơi này là một trong những vùng thấp nhất của Paris. Họ trượt xuống đây theo một triền dốc thoải. Cặp vừa rồi đã không kháng cự nổi triền dốc ấy. Họ đã cố tình lỡ tàu để dạt vào một căn phòng có ri đô đen, giống ở khách sạn Lima, nhưng giấy dán tường thì bẩn hơn và chăn đệm thì nhăn nhúm bởi những người ghé qua trước đó. Trên giường, chắc hẳn cô ta thậm chí còn chẳng cởi chiếc áo măng tô lông thú.

Tôi đã ăn tối xong. Tôi đặt cái va li lên băng ghế, ở bên cạnh, và lấy con dao định lách vào lỗ khóa, nhưng cái ổ khóa này quá nhỏ. Nó được chốt lại bằng mấy cái đinh mà tôi hẳn có thể nạy ra được nếu có kìm. Để làm gì đây? Tôi sẽ đợi đến lúc ở với Jacqueline trong phòng, trên ke Tournelle.

Tôi cũng có thể một mình bỏ đi và không bao giờ liên hệ với họ nữa, với nàng và với Van Bever. Cho đến giờ mọi kỷ niệm đẹp của tôi đều là những kỷ niệm về chạy trốn.

Tôi nảy ra ý muốn cắt một tờ giấy thành những ô vuông nhỏ. Và trên mỗi ô vuông, tôi sẽ viết một cái tên và một địa điểm:

 

Jacqueline

Van Bever

Cartaud

Bác sĩ Robbes

160 đại lộ Haussmann, tầng ba

Khách sạn Tournelle, 65 ke Tournelle

Khách sạn Lima, 46 đại lộ Saint‒Germain

Quán Le Cujas, 22 phố Cujas

Cà phê Dance

Forges‒les‒Eaux, Dieppe, Bagnoies‒de‒l’Orne, Enghien, Luc‒sur‒Mer, Langrune

Le Havre

Athis‒Mons

 

Tôi sẽ trộn những mảnh giấy vào nhau, như một bộ bài, rồi rải chúng lên mặt bàn. Là thế chăng, cuộc sống hiện tại của tôi? Tức là với tôi, vào lúc này, mọi sự chỉ quanh quẩn ở chừng hai mươi cái tên và địa chỉ rải rác mà tôi là điểm kết nối duy nhất? Thế tại sao lại là những cái đó chứ không phải những cái khác? Tôi có gì chung, tôi đây, với những cái tên và những địa điểm kia? Tôi đang ở trong một giấc mộng mà ta biết bất kỳ lúc nào cũng có thể tỉnh dậy khi bị những mối nguy đe dọa. Nếu tôi quyết định làm vậy, nếu rời khỏi cái bàn này, mọi thứ sẽ tách khỏi nhau, tất thảy sẽ biến vào hư không. Sẽ chỉ còn lại một cái va li sắt tây và vài mẩu giấy viết nguệch ngoạc những cái tên và địa điểm chẳng còn chút ý nghĩa nào với bất kỳ ai.

Tôi lại đi ngang qua phòng Những Bước Chân Lạc Lối, gần như vắng tanh, và tiến về phía các ke tàu. Trên tấm pa nô lớn tôi tìm đích đến của chuyến tàu lúc mười giờ mười lăn phút mà cặp vừa rồi sẽ đi: LE HAVRE. Tôi có cảm giác những đoàn tàu này chẳng dẫn tới đâu và người ta buộc lòng phải mãi mãi lang thang từ quán ăn sang phòng Những Bước Chân Lạc Lối và từ phòngnày sang khu bán hàng rồi các phố xung quanh. Còn phải tiêu tán thêm một tiếng đồng hồ nữa. Gần chỗ các đường ray đi ngoại ô, tôi dừng lại trước một ca bin điện thoại. Quay trở lại số 160 đại lộ Haussmann để trả cái va li về lại chỗ của nó chăng? Làm vậy, mọi thứ sẽ trở về trật tự của chúng và tôi sẽ chẳng còn có gì mà tự trách móc. Trong ca bin, tôi tra danh bạ, vì đã quên mất số điện thoại của bác sĩ Robbes. Những hồi chuông cứ thế đổ. Chẳng có ai trong căn hộ. Gọi điện đến Behoust cho ông bác sĩ Robbes ấy và thú nhận mọi chuyện với ông ta chăng? Lúc này Jacqueline và Cartaud có thể ở đâu? Tôi gác máy. Tôi đành lòng giữ cái va li này rồi mang tới cho Jacqueline bởi vì đó là cách duy nhất để giữ liên hệ với nàng.

Tôi lật giở quyển danh bạ. Các phố Paris diễu qua dưới mắt tôi, cũng như số các tòa nhà và tên những người sống ở đó. Tôi tình cờ nhìn thấy mục: SAINT‒ LAZARE (Ga) và kinh ngạc thấy cả ở đây cũng có những cái tên:

 

Cảnh sát Đường sắt Lab 28 42

TOA NẰM Eur 44 46

QUÁN CÀ PHÊ ROME Eur48 30

KHÁCH SẠN TERMINUS Eur 36 80

Hiệp hội bốc vác Eur 58 77

Gabrieile Debrie, bán hoa,

Phòng Những Bước Chân Lạc Lối

Lab 02 47

 

Khu bán hàng:

1 Bernois Eur45 66

5 Bà Biddeloo và bà Dilley Eur 42 48

Giày Geo Eur 44 63

CINÉAC Lab 80 74

19 Bourgeois (Renée) Eur 35 02

25 Dịch vụ chuyển thư Eur 45 96

25 bis Nono‒Nanette Eur 42 62

27 Chơi ném đĩa Eur 41 43

 

Ta có thể nào kết mối liên hệ với những con người này không? Vào giờ này, Renée Bourgeois còn ở đâu đó trong nhà ga chăng? Đằng sau những ô kính của một phòng chờ, tôi chỉ thấy độc một người vận trên mình chiếc áo khoác màu hạt dẻ cũ kỹ, ngồi rũ trên một băng ghế mà ngủ, một tờ báo thò ra từ túi áo. Là Bernois?

Đi theo cầu thang khổng lồ, tôi đến khu bán hàng. Mọi cửa hiệu đều đã đóng. Tôi nghe tiếng động cơ diesel của những chiếc taxi đang xếp hàng đợi ngoài sân Amsterdam. Khu bán hàng được chiếu sáng rất gắt và đột nhiên tôi sợ gặp phải một tay thanh tra thuộc “Cảnh sát Đường sắt”‒ như được viết trong danh bạ. Hắn sẽ yêu cầu tôi mở cái va li ra và tôi sẽ phải bỏ chạy. Bọn họ sẽ dễ dàng bắt được tôi và giải tôi đến đồn cảnh sát của nhà ga. Thế thì ngớ ngẩn quá.

Tôi bước vào Cinéac và trả hai franc rưỡi ở quầy. Người xếp chỗ, một phụ nữ tóc vàng cắt ngắn, định dẫn tôi đi theo ánh đèn pin về phía những hàng ghế đầu, nhưng tôi thích ngồi ở cuối phòng hơn. Những hình ảnh thời sự tiếp nối nhau và loa bình luận bằng giọng nói the thé mà tôi biết rất rõ, vẫn cùng cái giọng ấy, trong suốt hơn hai mươi lăm năm. Tôi đã nghe thấy giọng nói này hồi năm ngoái ở rạp Bonaparte khi họ chiếu một bộ phim dựng từ các hình ảnh thời sự cũ.

Tôi đặt cái va li lên ghế, bên tay phải. Trước mặt, tôi đếm được bảy bóng hình ngồi rải rác, chỉ có bảy người. Trong phòng lơ lửng mùi ô zôn nhàn nhạt, cái mùi xộc vào ta khi bước trên tấm lưới sắt thông khí ở bến tàu điện ngầm. Tôi chẳng mấy quan tâm đến hình ảnh các sự kiện xảy ra trong tuần. Hết khoảng mười lăm phút này đến khoảng mười lăm phút khác, những hình ảnh ấy lại quay trở lại trên màn hình, phi thời gian tính, giống như cái giọng lanh lảnh kia, cái giọng khiến tôi tự hỏi có phải nó vẫn phát ra nhờ một cái miệng giả.

Chương trình thời sự tua lại đến lần thứ ba thì tôi nhìn đồng hồ đeo tay. Chín rưỡi rồi. Trước mặt tôi chỉ còn lại hai bóng người. Chắc hẳn đều đã ngủ. Người xếp chỗ ngồi trên một chiếc ghế sập dựng sát vào tường ở góc phòng, gần lối ra. Tôi nghe tiếng cái ghế sập lại. Chùm ánh sáng đèn pin soi lên hàng ghế ngang với chỗ tôi ngồi, nhưng ở phía bên kia lối đi. Cô ta dẫn đường cho một thanh niên mặc quân phục. Cô ta tắt đèn đi và cả hai ngồi xuống. Tôi nghe thấy vài lời trong cuộc trò chuyện của họ. Hẳn anh ta cũng sẽ đi chuyến tàu Le Havre. Anh ta sẽ gắng sức quay trở lại Paris trong vòng hai tuần nữa. Anh ta sẽ gọi điện cho cô ta để nói chính xác ngày nào anh ta quay về. Họ ở ngay gần chỗ tôi. Chỉ ngăn cách bởi lối đi. Họ nói to, như thể chẳng hay biết đang có tôi và hai bóng dáng ngủ vùi phía trước. Họ im bặt. Họ ôm nhau và hôn nhau. Cái giọng the thé vẫn bình luận các hình ảnh trên màn hình: cuộc tuần hành của những người đình công, đoàn rước một nguyên thủ quốc gia nước ngoài qua Paris, những vụ ném bom... Tôi chỉ ước giọng nói ấy tắt luôn đi. Ý nghĩ cái giọng ấy cứ đều đều bình luận những thảm họa tương lai, chẳng có lấy một chút cảm thông nào, khiến tôi thấy lạnh cả lưng. Giờ đây cô xếp chỗ đã cưỡi lên đầu gối anh kia. Cô ta chuyển động phía trên anh ta một cách giật cục và trong tiếng cọt kẹt của lò xo. Rất nhanh chóng, tiếng thở và tiếng rên của cô ta rốt cuộc cũng khỏa lấp giọng nói sắc mảnh trên loa.

Trong sân Rome, tôi lục túi kiểm tra xem còn đủ tiền không. Mười franc. Tôi có thể đi taxi. Sẽ nhanh hơn nhiều so với tàu điện ngầm: nếu đi tàu điện ngầm thì tới bến Opéra tôi sẽ phải đổi tàu, phải xách va li đi dọc các hành lang.

Người tài xế chực cho cái va li vào cốp xe nhưng tôi muốn giữ nó lại bên mình. Chúng tôi đi xuôi đại lộ Opéra và đi theo các bờ ke. Đêm hôm ấy Paris hoang vu như một thành phố mà tôi sắp rời bỏ mãi mãi. Đến ke Toumelle, tôi chỉ sợ đã đánh mất chìa khóa phòng, nhưng nó vẫn nằm yên trong túi áo gió của tôi.Tôi đi ngang qua trước quầy tiếp tân nhỏ và hỏi người đàn ông theo lệ thường còn ở đó đến nửa đêm xem có ai gọi điện cho phòng số ba không. Ông ta đáp là không có, nhưng mới mười giờ kém mười phút.

Tôi leo lên cầu thang, không bị ông ta hỏi han gì. Có lẽ ông ta không phân biệt được Van Bever với tôi. Hoặc giả ông ta chẳng còn muốn đoái hoài tới đám người đến và đi ở một khách sạn sắp phải đóng cửa.

Tôi mở hé cửa phòng để nghe cho rõ nếu ông ta gọi tôi ra nghe điện thoại. Tôi đặt nằm cái va li xuống đất, rồi lên giường của Jacqueline nằm. Mùi ê te dai dẳng trên gối. Có phải nàng lại dùng nó không? Sau này chẳng biết trong tâm trí tôi cái mùi ấy liệu có vĩnh viễn gắn chặt với Jacqueline ?

Từ mười giờ trở đi, tôi bắt đầu cảm thấy lo âu: nàng sẽ không gọi và tôi sẽ không còn gặp lại nàng nữa. Tôi thường nghĩ đến chuyện những người tôi quen biết sẽ biến mất bất cứ lúc nào, chẳng bao giờ còn có tin tức. Cả tôi nữa, tôi cũng từng hẹn rồi chẳng thèm đến hoặc thậm chí còn lợi dụng lúc ai đó đang đi bên cạnh trên phố không chú ý để bỏ đi. Một cái cổng trên quảng trường Saint‒Michel vẫn thường giúp ích rất nhiều cho tôi. Chỉ cần bước qua đó là ta có thể vượt một cái sân nhỏ sang bên phố Hirondelle. Và tôi đã viết vào một cuốn sổ nhỏ màu đen danh sách tất cả những tòa nhà có hai lối vào...

Tôi nghe thấy giọng người đàn ông vọng lên trong cầu thang: điện thoại gọi cho phòng số ba. Đã mười giờ mười lăm phút, và tôi đã chẳng còn tin sẽ có điện nữa. Nàng đã thoát được khỏi Cartaud. Nàng đang ở quận XVII. Nàng hỏi tôi có lấy được cái va li không. Tôi phải nhét hết quần áo của nàng vào một cái túi du lịch rồi về bên khách sạn Lima lấy luôn đồ của tôi, sau đó đợi nàng ở quán cà phê Dante. Nhưng tôi phải rời ke Tournelle càng chóng càng tốt bởi vì đó sẽ là nơi đầu tiên Cartaud tìm đến. Nàng nói bằng giọng vô cùng bình thản như thể tất tật câu chuyện này đã được chuẩn bị sẵn từ trước, trong óc nàng. Tôi lấy từ tủ tường một cái túi du lịch cũ và nhét vào đó hai cái quần, chiếc áo vest da, đống xu chiêng, mấy đôi giày bệt màu đỏ, chiếc pull‒over cổ lọ và vài thứ đồ vệ sinh để trên giá bồn rửa, trong đó có cả một chai ê te. Chỉ còn lại quần áo của Van Bever. Tôi không tắt đèn, để người gác đêm nghĩ vẫn có người trong phòng, rồi khép cửa lại. Van Bever sẽ về lúc mấy giờ? Anh hoàn toàn có thể đến gặp chúng tôi ở quán cà phê Dante. Nàng đã gọi điện đến Forges hay Dieppe để nói với anh cùng những điều vừa nói với tôi chưa?

Tôi đi xuống cầu thang mà không bật đèn tự động. Tôi sợ mình sẽ thu hút sự chú ý của người gác đêm với cái túi du lịch và chiếc va li này. Ông ta đang cúi xuống một tờ báo, vẻ như chơi trò giải ô chữ. Tôi không thể ngăn mình nhìn ông ta lúc đi qua, nhưng thậm chí ông ta còn chẳng ngẩng đẩu lên. Ra đến ke Tournelle, tôi chỉ e nghe thấy ông ta hét lên từ phía sau: Thưa anh, thưa anh... Mời anh quay trở lại đây ngay... Và tôi cũng hình dung ra cảnh chiếc ô tô của Cartaud đỗ xịch lại ngay bên cạnh. Nhưng ra đến phố Bernardins thì tôi bình tĩnh trở lại. Rất nhanh chóng, tôi lên phòng mình và xếp vào cái túi của Jacqueline vài thứ quần áo cùng hai quyển sách còn lại.

Rồi tôi đi xuống và đề nghị được thanh toán. Người gác đêm không hỏi han gì. Bên ngoài, trên đại lộ Saint‒Germain, tôi nhận ra cơn say quen thuộc vẫn thường cảm thấy dâng lên trong mình, mỗi khi chạy trốn.