Tuổi mới lớn và vấn đề tình dục

THỬ NHÌN LẠI VẤN ĐỀ TÌNH DỤC TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

THỬ NHÌN LẠI VẤN ĐỀ TÌNH DỤC TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

GS. ĐẶNG PHƯƠNG KIỆT

 

Những con số đáng suy ngẫm

Những thống kê được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng mấy năm gần đây cho thấy:

– Sinh hoạt tình dục tuổi vị thành niên (VTN): Số nạo hút thai tuổi VTN chiếm khoảng 25% tổng số các vụ nạo hút thai (300.000/1.200.000, 1990–1996); Gái mại dâm VTN 2,1% (trong tổng số) vào năm 1989, tăng lên 5,22% (1990) và 12% (1998).

– Trong một hội thảo về sức khỏe VTN (1997) thì số nạo hút thai ở phụ nữ chưa kết hôn chiếm 20% tổng số. Trong số này, 50% ở tuổi học trò, 70% quan hệ tình dục lần đầu ở tuổi 15, 60% quan hệ tình dục khi mới quen nhau chưa đầy 3 tháng (Lê Thúy Tươi, báo Người Lao Động 21/3/98).

– Bùng nổ nạo hút thai: Từ 1976 đến 1987 tăng 10 lần; 1986–1989: 700.000 ca/năm; 1990–1996: 1.200.000 ca/năm; 1996: nạo hút thai ở phụ nữ chưa kết hôn chiếm 20–30% tổng số (tại hai TP. Hà Nội và TP.HCM) (Thanh Tâm, Báo Lao Động, 14.6.1997)

– Tình dục trước hôn nhân: Điều tra trên 500 thanh niên dưới 25 tuổi, cho thấy quan hệ tình dục (nam – nữ) không có tình yêu 25,6%, có tình yêu 60,2% (Nguyễn Minh Hòa, Tuổi trẻ Chủ nhật 31.8.1997).

– Nạn tảo hôn: Theo Tổng cục Thống kê (18.2.2000, trong tổng số 54.432.812 người dân nước ta ở độ tuổi từ 13 trở lên, có 32.302.278 người đã lập gia đình. Có tới 8.609 người ở độ tuổi 13–14 và 96.961 người ở độ tuổi 15–17 đã kết hôn (T.B., báo Lao Động, 17.2.2000)

Sử dụng các biện pháp tránh thai

Qua những con số vị thành niên có hoạt động tình dục ngày càng gia tăng, chứng tỏ việc sử dụng các biện pháp tránh thai còn bị xem nhẹ. Do vậy, ngày càng có nhiều thiếu nữ đứng trước nguy cơ dễ có thai, và 80% số thiếu nữ có thai không mong muốn trước khi kết hôn. Mặc dù thiếu nữ chiếm chừng 1/5 số phụ nữ thuộc lứa tuổi có hoạt động tình dục và có khả năng mang thai, song họ lại chiếm gần 1/2 số sinh con ngoài hôn thú và chiếm 1/3 số nạo phá thai.

Ngoài ra, có chưa tới 10% số vị thành niên hiện nay được tiếp nhận các chương trình giáo dục sâu rộng về giới tính tại nhà trường. Hiện tại, chưa tới 1/2 số sinh viên đại học tại Hoa Kỳ được theo các lớp học riêng về giáo dục giới tính. Hầu hết các trường học có cung cấp một khía cạnh nào đó về giáo dục giới tính song lại chưa nhấn mạnh đến nhu cầu giảng dạy những chủ đề cụ thể có liên quan, bao gồm các phương diện sinh lý và tâm lý trong hành vi giao hợp cũng như những thông tin về tính dục ở trẻ em.

Đành rằng hiểu biết về tình dục không tạo ra một khác biệt nào về mặt sử dụng các biện pháp tránh thai, song nó không phải là yếu tố quan trọng duy nhất có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ có thai ở phụ nữ. Có vẻ như không có một tương quan rõ ràng nào giữa hiểu biết tình dục với việc đã tham gia các lớp học trước đây về giáo dục giới tính, cũng không có tương quan nào giữa hiểu biết và việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Phần lớn vị thành niên không sử dụng các biện pháp tránh thai vào lần giao hợp đầu tiên. Ngoài ra, khi bắt đầu sử dụng các biện pháp tránh thai, vị thành niên phần lớn lại không tiếp tục dùng mặc dù vẫn tiếp tục hoạt động tình dục. Áp lực bạn bè và áp lực xã hội cùng nỗi sợ hãi mắc bệnh thường là những yếu tố quan trọng trong việc ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai. Hơn nữa, mặc cảm tội lỗi về hoạt động tình dục, sợ bị phát giác, tính bốc đồng, sự phủ nhận và những ước muốn có thai có ý thức và vô thức có thể thúc đẩy việc ngừng tránh thai. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là không dùng các biện pháp tránh thai không có nghĩa là muốn có thai. Những yếu tố nhận thức phát triển theo lứa tuổi cũng được xem là các phương diện quan trọng có ảnh hưởng đến khả năng đặt kế hoạch và sử dụng các biện pháp tránh thai của vị thành niên. Có điều chắc chắn là thiếu khả năng lập kế hoạch trong tương lai hoặc thiếu khả năng thỏa thuận với cha mẹ hay hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể là những trở ngại chính yếu.

Trong văn liệu trước đây, người ta gắn tình trạng thai nghén vị thành niên với tâm, bệnh lý, mô tả hoạt động tình dục như “hành động bột phát”, một biểu hiện của sự rối nhiễu nội tâm. Những công trình nghiên cứu gần đây gợi ra rằng các yếu tố tâm bệnh có tồn tại ở một số thiếu nữ, song với đa số thì những áp lực gia đình, bè bạn và xã hội được xem là yếu tố thúc đẩy hoạt động sớm về tình dục và thậm chí còn hỗ trợ cho thai nghén. Ngoài ra, thiếu phương tiện hoặc tình trạng mơ hồ về tránh thai, thiếu hiểu biết chính xác về thai nghén và sinh sản cũng có thể làm gia tăng khả năng có thai.

Việc sử dụng hiệu quả các biện pháp tránh thai đòi hỏi phải có hiểu biết về tính dục con người và một định hướng cho kế hoạch tương lai. Về mặt phát triển, vị thành niên thường phủ nhận những hậu quả hành động của mình, xem đó là một hành động tự vệ chống lại xung đột. Ngoài ra, tính bốc đồng là nét đặc trưng của nhiều vị thành niên. Hoạt động bị thúc ép, những cách nhìn không nhất quán, những sự chao đảo giữa trách nhiệm, bổn phận, với lối sống buông thả là những phương diện của quá trình phát triển. Do vậy, sự nhất quán, tinh thần trách nhiệm và kế hoạch hóa liên quan đến việc sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả có thể mâu thuẫn với giai đoạn phát triển của nhiều vị thành niên đã có hoạt động tình dục. Tình trạng có thai thậm chí có thể được nhìn nhận như là sự trừng phạt thích đáng đối với vị thành niên có mặc cảm tội lỗi.

Vì vị thành niên nằm ở giữa một quá trình làm thay đổi bản chất các mối liên hệ với cha mẹ, hướng nhiều hơn đến bạn bè và những người lớn khác, nên việc xa lánh có thể được đánh dấu bằng sự chống đối và thách đố, một biểu hiện của cái gọi là bước khởi đầu hoạt động tình dục. Vì lẽ, sự hỗ trợ và tán đồng của bạn bè cũng khá quan trọng và lòng tự tin có thể phụ thuộc vào đó, nên nhiều nữ vị thành niên dấn thân vào hoạt động tình dục mặc dù hiểu biết còn rất mơ hồ. Các cô cũng có thể bị xô đẩy vào hoạt động tình dục là vì muốn xa lánh khi cảm thấy bị lôi kéo vào những gắn bó phụ thuộc mà mình cảm thấy bị thoái lùi hoặc không thể chấp nhận được. Sự gần gũi của một mối quan hệ tình dục và/ hoặc một đứa bé mới sinh có thể được xem là yếu tố mang lại tình yêu thương và một cuộc sống đỡ cô đơn hơn; nhiều cô có thể không cho rằng một đứa bé như một con người riêng biệt mà nó là một người bạn chỉnh hợp vào cái tôi suốt đời. Tình trạng có thai còn có thể biểu hiện lòng khao khát được chăm sóc, cả với tư cách là một người mẹ lẫn tư cách một đứa trẻ.

Những thiếu nữ mang thai

Tình trạng có thai ở một thiếu nữ có thể do động cơ cần thay thế một mất mát, ứng phó với một bản sắc không chắc chắn, bám chặt vào một đối tượng yêu thương hoặc lấy lại sự gần gũi với người mẹ. Cũng có thể là một cuộc chạy trốn khỏi các huyễn tưởng loạn luân bằng cách gần gũi tình dục với một người đàn ông khác.

Sự đột khởi những huyễn tưởng vô thức kiểu Ơ-đip, một ước muốn trả thù, và chức năng cái tôi khuyết tật cũng đã được ghi nhận trong văn liệu như là những yếu tố động cơ.

Có thể có vai trò quan trọng về sự gắn bó của cô gái trong mối quan hệ mẹ – con tiền Ơ-đip và sức mạnh của sự lôi kéo này. Phải chăng việc tìm kiếm nhằm tái lập mối quan hệ thông qua một tình trạng có thai phải được xem là “trẻ con” hay “thoái lùi”, hoặc đó là một bộ phận của quá trình lớn lên và phát triển không bình thường nhưng không hàm ý xấu coi đó là thoái lùi, tuy nhiên điều này chưa được làm sáng tỏ.

Những nghiên cứu về gia đình lại đưa ra một viễn cảnh khác, cho thấy những thông tin không nói thành lời được biểu hiện trong một gia đình có thể là những yếu tố quyết định rất quan trọng của tình trạng có thai tuổi thiếu nữ. Cô gái có thể thực hiện điều mong ước của gia đình có ý thức hoặc vô thức, nhất là được xem như cách thay thế một thành viên đã mất, để bù lại tình trạng người mẹ không còn khả năng sinh sản, hoặc là một cách khác phản ánh những xung đột trong gia đình.

Mối quan hệ của người thiếu nữ với gia đình cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn, nếu đã có thai, nghĩa là có nên phá thai hay không? Một công trình nghiên cứu đối chiếu những thiếu nữ phá thai với những thiếu nữ có thai nhưng để sinh, cho thấy những thiếu nữ phá thai kể lại nhiều xung đột căng thẳng hơn so với các bà mẹ trước khi có thai. Điều này cho thấy các cô trải nghiệm thực hiện quyền tự chủ mạnh mẽ hơn, có quyền tự do hành động nhiều hơn.

Những phương diện khác của các động thái gia đình và xã hội gợi ra rằng trong một số cộng đồng tiểu hệ văn hóa, một thiếu nữ có thể được chỉnh hợp đầy đủ vai trò một người phụ nữ có hoạt động tình dục nên tình trạng có thai có thể là nhất quán với những điều mong đợi. Tầm quan trọng của các hệ nâng đỡ ở người mẹ và thái độ xem thường của người cha hay những người đàn ông là những yếu tố nguyên nhân và hậu quả.

Những gia đình nào hội nhập một người mẹ còn ở độ tuổi vị thành niên và đứa trẻ vào trong hộ gia đình thì, do kiểu tương tác của họ, ủng hộ việc từ bỏ các nhiệm vụ phát triển của người vị thành niên và hạn chế những lựa chọn của người mẹ trẻ về mặt xã hội, học vấn và kinh tế. Mặt khác, khi cô gái không đảm nhiệm được vai trò làm mẹ thì phần nào đó có thể là hậu quả do từ bỏ vai trò người mẹ trẻ và/ hoặc chiếm đoạt vai trò bởi một thành viên khác trong gia đình. Điều này có thể làm cản trở việc đảm nhiệm vai trò làm mẹ của người mẹ trẻ và cản trở việc phát huy khả năng nuôi nấng con cái.

Tuy không nhất thiết mang tính bệnh lý, song sự phát triển của cô gái trở nên phiền nhiễu vì có thêm một đứa trẻ. Trong một nhóm thiếu nữ có rối nhiễu nghiêm trọng thì mỗi cô gái có thai khi quá trình gắn bó và tách rời khỏi những gương mặt thân thương hàng đầu trong gia đình đã gây ra xung đột căng thẳng. Người ta nhận thấy những xung đột không được giải tỏa này lại trở thành tiêu điểm những xung đột mới bủa vây cô gái. Đã thấy bộc lộ những rối nhiễu gắn bó nơi những đứa trẻ mới sinh, tiêu biểu cho những xung đột trong quá khứ và còn được xem là biểu tượng của niềm hy vọng và sự tự đổi mới nơi người mẹ. Có nhiều mâu thuẫn điển hình ở tuổi thiếu nữ đã trở nên gay cấn và gia tăng nơi mỗi cô gái trước khi có thai. Tuy vậy, không ít các cô gái này đã làm nhiệm vụ người mẹ một cách hoàn hảo.

Chúng ta ngày càng hiểu biết nhiều hơn về tính phức tạp của căn nguyên và hậu quả khi xem xét đến tình trạng thiếu nữ có thai làm nảy sinh nhiều biến chứng, phần lớn do chăm sóc kém trước khi sinh, nên nhiều chương trình can thiệp đã được triển khai nhằm vào việc hạn chế những biến chứng này. Tuy vậy, những hậu quả tiêu cực là điều không thể tránh khỏi, dẫu những thiếu nữ mang thai có nhiều khả năng hơn, không có được những nguồn lực nâng đỡ thỏa đáng, do vậy làm gia tăng những rủi ro khiến họ gặp khó khăn nhiều hơn và hậu quả cũng xấu hơn.

Người bố “nhí” (teenage father) gần đây có được chú ý và có những chương trình được triển khai nhằm xác định tầm quan trọng mối quan hệ giữa người cha với người mẹ, tác động mối quan hệ này đối với tư cách làm cha mẹ và các kỹ thuật giúp những cặp cha mẹ trẻ này tham gia có hiệu quả.

Những chương trình hỗ trợ

Đã có một số chương trình nhắm vào việc tăng cường phát triển cho các thiếu nữ sau khi sinh con. Đó là các lớp học nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu giáo dục, tìm kiếm việc làm và thực hiện kế hoạch hóa gia đình trong tương lai. Đây là điều cốt lõi, vì một trong những vấn đề dài hạn chính yếu đối với các bà mẹ hãy còn là thiếu nữ là ảnh hưởng của thai sản đến trình độ học vấn và tiếp theo là công ăn việc làm. Phải làm nhiệm vụ cha mẹ khi còn ở tuổi thiếu nữ đã làm giảm sút đáng kể thành tựu học vấn, nhất là với người mẹ quá trẻ, và do vậy tương lai nghề nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Các thống kê cho thấy những phụ nữ bắt đầu mang thai khi chưa thành niên thường có nhiều con hơn, sinh dày hơn và có nhiều lần có thai ngoài ý muốn hơn so với những phụ nữ sinh con lần đầu muộn hơn, sau tuổi 20. Hơn nữa tỷ lệ ly thân và ly hôn ở các cặp vợ chồng vị thành niên cũng cao hơn so với những cặp vợ chồng kết hôn muộn. Những yếu tố nói trên đã làm gia tăng tình trạng phụ thuộc an sinh của những gia đình mà lần sinh đầu tiên còn ở tuổi vị thành niên.