Uống Lộn Thuốc Tiên

Phần III

Hình như là thư ký Minh có nghe một tiếng nấc thật khẽ và thật ngắn. Sợ hãi, chàng nín bặt rồi nói:

Xin lỗi bà.

Hắn không xin lỗi đã hát bài hát gợi buồn nữ chủ hắn, mà xin lỗi một việc xa xôi rồi là cái việc mà hắn đã vô tình làm, cái việc xúi chủ hắn đòi nợ ông Hoạch.

Mặc dầu vô tình, hắn vẫn tự thấy hắn có lỗi gián tiếp.

Người tài xế đã ăn xong bữa ăn của hắn. Hắn ném vỏ chuối tráng miệng qua cửa xe và xin nước uống. Biết ý hắn, Minh trao tới một chai nước lọc cho hắn uống cho thật đã khát. Hắn mở nút rồi đưa miệng vào miệng của cái chai mà nghiêng mà nút.

Xong đâu đấy, hắn mở đèn trong xe và đèn pha ngoài vì trời đã chạng vạng rồi mà sương rừng chiều dày lắm.

Họ làm thinh và mãi cho tới Đồng Xoài, cô dâu mới đòi ăn.

Người thư ký dọn riêng cho bà chủ tương lai của chàng bữa ăn trên một mâm bằng tre rất đẹp, mâm đặt trên băng xe, giữa hai người.

Bữa ăn gồm bánh mì, phô mai, chả gan hộp, chuối để ăn với phô mai, còn món tráng miệng là một chùm nho tươi.

Thấy chàng thư ký ăn riêng, Minh nói:

Anh cứ ăn chung cho vui, tôi cho phép đó.

Cám ơn bà lắm. Nhưng ăn chung phải day ngang để vói qua mâm, mỏi lắm. Bà cũng nên bưng mâm để trên vế bà cho khỏi phải day qua bên nây mãi.

Ngoài kia, đêm đã xuống. Hai người lặng lẽ ngồi ăn, như là hai người thân ở chung nhà, vừa giận nhau mỗi người day mỗi ngả, mặc dầu chung chiếu.

Chàng thư ký xong bữa từ lâu rồi mà bà chủ vẫn còn gậm bánh. Nàng nuốt không trôi hay có tánh quen của giới trưởng giả?

Mãi cho đến khi xe vào thành phố Bình Dương, cô dâu mới rớ tới món chuối phô mai.

Đây là đâu? Nàng ngơ ngác hỏi.

Dạ, quốc lộ xuyên thành phố Bình Dương.

Gần tới rồi à?

Minh hỏi câu ấy xong, buông rơi trái chuối ăn dở chừng và miếng phô mai xuống mâm.

Dạ, chỉ còn có ba mươi cây số nữa thôi, người thư ký đáp.

Chỉ còn có ba mươi cây nữa thôi! Minh lặp lại câu nói của người thư ký như một tiếng vang.

Chú rể giả thật thà, ngỡ bà chủ hỏi gặn lại nên lại đáp một lần nữa:

Vâng, chỉ còn có ba chục cây số nữa thôi, chạy một lát là tới nếu không kẹt cầu xe lửa.

Chạy một lát là tới!

Vâng còn gần lắm thưa bà!

Anh thư ký cứ dại dột đồ đi đồ lại mãi cái ý gần tới, khiến lòng Minh đã nát nghiến lại càng nát nghiến hơn.

Nàng để mâm xuống băng, chùi tay bằng những chiếc khăn Nhựt Bổn bằng giấy mỏng rồi vứt giấy qua cửa xe.

Thưa bà, bà không ăn tráng miệng?  Thư ký Minh hỏi.

Thôi, tôi no lắm rồi.

Chàng thư ký vội rót nước trao cho Minh. Nàng chỉ hớp có mấy hớp thôi rồi trao trả tách nước mà không day qua phía chú rể giả.

Nàng nhìn tới phía trước, trong đêm tối mịt mù của không gian, và hình dung ra cảnh đô thành sáng trưng đèn, cái đô thành thân mến mà trước đây nàng háo hức về thăm lại, nhưng giờ, đi gần tới đích lại phát sầu.

Xe chạy sao mau quá! Bún, Bình Nhâm, Lái Thiêu, Đồng Chó Ngáp rồi cầu Bình Lợi. Có lẽ Minh sợ tới nơi quá mà thấy như vậy, mà cũng vì bác tài xế mệt mỏi nên cố đạp ga để về tới cho sớm hầu nghỉ ngơi.

Tới Cầu Bình Lợi, đoàn xe phải đậu lại sau một dọc xe lu lịch và xe đò rất dài, vì bấy giờ có một chuyến xe lửa sắp đi qua.

Cái trạm bất đắc dĩ nầy đã làm cho hằng ngàn người bực bội nóng nảy, nhưng một người trong đó lại nghe dễ chịu vô cùng.

Minh mong hão một tai nạn gì xảy ra, như cây cầu sắt kiên cố bỗng dưng sập xuống để lùi cái giờ đến nơi mà nàng rất là không muốn thấy.

Cầu mà có sập, người ta cũng sẽ sửa chữa lại, và có thể hành khách vẫn qua sông được ngay nội đêm nay nhờ những chiếc đò ứng dụng mà dân địa phương đem ra kiếm tiền.  Minh biết thế, nhưng vẫn cứ mong hão điều đó.

Xe lửa, nhứt là xe hàng hóa, những chuyến xe bất thường, thường thì tới các nơi gác cổng rất trễ, khiến những kẻ đợi chờ cảm giác như là phải đợi rục xương rục cốt.

Nhưng đêm nay nó cũng cứ tới sớm một cách dễ ghét. Nó tới sớm và qua cầu với một tốc độ chóng mặt. Các anh gác cổng gỡ cổng lên cũng nhanh nhẩu lạ kỳ.

Khi xe tới Cầu Bông, Minh cúi xuống mở chiếc va li nhỏ đặt dưới chơn nàng từ lúc ra đi tới giờ. Hành lý về nhà chồng của nàng gồm hai rương da lớn để ở trong thùng hành lý và chiếc va ly nầy đây, tất cả được người nhà mang trước ra xe lúc gần tan tiệc cưới.

Vì chưa kinh nghiệm về bản tánh của phụ nữ nên thư ký Minh kinh ngạc hết sức khi thấy cô dâu lấy từ trong va li ra dụng cụ và vật liệu son phấn.

Mấy tiếng đồng hồ ngồi xe dưới nắng trưa và bữa ăn vừa rồi đã làm phấn lợt son phai, nên Minh phải “làm lại sắc đẹp” của nàng.

Cái đó thì đã đành rồi. Nhưng Minh không cần kia mà. Nàng “làm lại sắc đẹp” để ai xem chớ?

Vả từ buồng ngủ bước ra với đầu bù tóc rối, với cái mặt không võ trang, Minh cũng đẹp nhứt trần đời rồi, sánh với ông chồng của nàng kia mà!

Còn tiệc cưới thường lệ, sau khi rước dâu về nhà, lát nữa đây, cũng không có. Ông Hóa đã đãi bà con - những người trong đoàn rước dâu hôm nay - đã đãi họ rồi hôm qua. Còn bạn hữu của ông, ông không đãi, mà chỉ gởi thiệp báo hỉ thôi. Đây là một đám cưới cử hành trong vòng thân mật thật sự - phía bên đàng trai - chớ không phải rao lên một cách khiêm nhượng đâu.

Bà con của ông Hóa sẽ giải tán ngay khi xe dâu vượt qua cửa ngõ nhà ông, như ông đã thỏa thuận với họ trước rồi, trong nhà cũng chẳng có khách khứa nào ngồi họ cả, như đã thỏa thuận với bên đàng gái, còn vợ chồng ông Hoạch thì cũng về khách sạn ngay sau đó.

“Như thế, bà Hóa làm đẹp để chi?” Thư ký Minh cứ băn khoăn tự hỏi điều đó.

Chàng nhìn lại Minh, bỗng bị xúc động mạnh, mà thấy nàng tươi như hoa nở. Từ sáng đến giờ chàng vẫn thấy rằng nàng đẹp, nhưng chỉ thấy nàng tươi sau khi đã thấy nàng héo vì đi xa trong nắng và vì bữa ăn thôi.

Ông Hóa chắc chưa hề thấy một cô Minh hai mươi tuổi lần nào. Ông đã biết cô Minh ấy hồi cô ta còn ở Sài Gòn, tức là hồi cô ta mười bảy, đang dậy thì, có lẽ đang nhổ giò cao lỏng khỏng và đang ốm tong teo.

Cái cô Minh đã đi qua hết con đường trổ mã nầy đây, người có diễm phúc thấy sắc đẹp rực rỡ của cô ta là chàng, chớ không phải là ông Hóa.

Thư ký Minh thừ người ra khi nghĩ đến chú rể ở nhà, và chàng nghe khó chịu lắm trước một cuộc phối hợp so le như vậy mà chàng chỉ phảng phất nghĩ đến thôi, từ hôm nay.

So le đối với chàng, không ở chỗ tuổi tác mà ở cái sắc đẹp của đôi tân lang tân giai nhơn nầy.

Phải chi ông Hóa đẹp già đi cho cam! Đằng nầy ông lại xấu xí quá và người ông rất thô.

Chàng nghe khó chịu và hơi tiêng tiếc, không biết có phải đó là sự tiếc ngọc thương hương theo sách xưa thường nói hay không chẳng rõ, nhưng riêng thư ký Minh, chàng chỉ tiếc thương mơ màng, không biết chắc mình thương tiếc cái gì.

°

°

Không có nghi lễ nào hết khi xe dâu về tới nhà chồng. Bà con ông Hóa đậu xe lại trước ngõ, đợi xe dâu vào nhà rồi họ đi luôn.

Vợ chồng ông Hoạch đưa con lên tới đầu thang lầu rồi từ giã nhau, đoạn ông Hoạch bắt tay từ giã ông Hóa rồi vợ chồng ông ra xe đi liền.

Ông Hóa dùng tiếng Pháp mà nói với vợ lại nói theo bọn quí phái, gọi vợ bằng bà:

Ông chỉ tay tới trước và nói:

Đó là buồng ngủ của bà, buồng riêng của một mình bà thôi.

Vừa nói ông vừa đi trước, Minh nối gót theo sau. Ông mở cửa ra, đoạn nghiêng mình và nói:

Xin bà nhận buồng của bà.

Nói xong ông mỉm cười rồi xây lưng đi, Minh không để ý xem ông đi đâu, vội bước vào phòng đó và khép cửa lại.

Phòng rộng lắm, và Minh độ cỡ năm thước trên sáu thước. Thấy có cửa buồng không cánh cửa đưa buồng nầy ăn thông với buồng nào không rõ, Minh bước lại xem thì ra bên kia là buồng tắm và buồng vệ sinh.

Có lẽ chủ nhà vừa trang bị lại một mớ đồ đạc ở đây để hiện đại hóa buồng nầy, nên nhiều món đồ bằng kim khí nước kền sáng choang. Mặt rây của vòi phun nước ngó xéo để cho trăm ngàn giọt nước nhỏ bắn xiên, không ướt tóc phụ nữ, khác hẳn với mặt rây phun nước của cái “đuốt” đàn ông nó ngó ngay xuống gạch.

Một chiếc bồn tắm rất rộng đối với người Á đông, làm bằng gạch tráng men xanh có kẻ nét để giả như lót gạch, nằm sát vách tường lót gạch men trắng.

Rồi bồn rửa mặt, rồi bi đê, mỗi mỗi đều tinh khiết. Buồng vệ sinh ở trong xó xa kia cũng không để phảng phất một tí mùi nào cả.

Trở gót lại buồng chính dành riêng cho nàng, Minh cũng thấy được sang trọng và nhứt là khiếu thẩm mỹ của người trang trí phòng ngủ nầy.

Rương và va li của nàng đã được người nhà mang lên đây khi nãy, còn nằm nơi một xó phòng.

Hai chiếc tủ bằng gỗ bằng lăng trắng (giường cũng bằng thứ gỗ đó), vừa đủ chưng mớ đồ tế nhuyễn đựng trong rương và va li.

Thấy trên tủ đầu giường có một mảnh giấy, Minh bước lại xem, đó là hai hàng chữ do con gái viết, nét chữ nguệch ngoạc nhưng không trật chính tả: “Thưa bà, con ở dưới bếp, bà cứ bấm nút điện sau chiếc tủ nầy là có con chạy lên.”

Minh toan làm theo lời con sen dặn, để khiến nó soạn quần áo của nàng ra hầu cất vào tủ, nhưng nàng lại thôi. Nàng không muốn hành hạ ai cả, giờ đã hơn chín giờ đêm rồi, nên để cho gia nhơn nghỉ là hợp nhơn đạo.

Minh mở rương ra, lấy một bộ đồ mát rồi tắt đèn để thay y phục. Trong bóng tối nàng thử hình dung xem con sen bao nhiêu tuổi mà nó gọi nàng bằng bà. Có thể nó cao niên hơn nàng nữa, nhưng nó biết đâu được là nàng chỉ mới hai mươi. Vả không kêu nàng bằng bà sao được khi chồng nàng ăn nói một cách quan liêu như thế kia.

Thay quần áo xong, Minh muốn mở đèn lên, nhưng nghĩ sao không biết nàng đứng dậy bước qua buồng tắm.

Cửa sổ phòng ngủ nầy mở toang ra, ánh đèn dưới vườn gián tiếp soi đường cho Minh đi. Nếu đây là chiếu bóng thì khán giả sẽ thấy ánh sáng vừa bừng cháy lên nơi khung cửa phòng tắm và nghe nước rơi lào xào chớ không thấy gì khác nữa.

Cảnh sau là cảnh buồng ngủ, sáng đèn, và Minh mặc bi da ma, đang đứng trước tấm gương bàn phấn để chải lại mớ tóc ướt vừa lau khô.

Giờ, tắm rửa khoẻ khoắn, nàng còn tươi hơn lúc xe qua Cầu Bông nữa.

Bỗng nàng nghe ai gõ cửa cộp cộp ba tiếng. Minh bối rối lắm, nhưng cứ soi gương và chải tóc, có lẽ để che giấu sự bối rối của nàng hơn là săn sóc cái đầu.

Nàng nói, cố bình thường ở cái giọng, nhưng vẫn nghe được là nàng bị xúc động:

Cứ vào!

Ông Hóa khi nãy bận đại lễ phục, giờ cũng đã thay đồ mát rồi. Nhưng ông mở cửa bước vào buồng nầy mà Minh vẫn chưa thấy ông, chẳng tấm gương không ngó ra cửa ấy.

Ông Hóa hỏi, cũng cứ bằng tiếng Pháp:

Bà đã nghe đỡ mệt chớ?

Cám ơn, đã đỡ.

Tôi định rước bà bằng một chuyến tàu bay riêng, nhưng tại ông già ổng buộc phải đi xe hơi.

Minh làm thinh, và ông Hóa bền chí đứng chờ. Một lát thấy tân giai nhơn cứ kéo dài một công việc đã xong tân lang nói:

Mời bà lại đây!

Giọng ông không xẵng, cũng chẳng có dịu dàng và ông ngồi lên chiếc ghế bành bọc nhung đỏ đặt bên hông giường.

Minh kéo hộc tủ bàn phấn ra cất bàn chải, rồi tự nhiên bước tới giường mà ngồi lên đó, ở mép giường phía bên không có ghế bành.

Ảnh hưởng của con gái Pháp trên thái độ của bà hôm nay, giúp tôi dễ chịu được, và tôi thấy tôi may mắn mà được bà tự nhiên cho vậy.

Tôi sợ một phản ứng khác, buồn hơn, khó liệu cho tôi hơn. Nên tôi... cám ơn bà... đã ơ... hơ đã giúp tôi khỏi bối rối.

Minh vẫn cứ làm thinh và bình thản lạ lùng.

Nhưng mà rồi tôi lại bối rối quá, ông Hóa tiếp, trước sự bình thản của bà. Tôi thích thấy bà bối rối hơn, cho tôi đỡ mặc cảm, và tôi ước ao được nghe một lời của bà.

Minh vẫn cứ làm thinh mà nhìn vào khoảng không.

Thưa bà, bà công phẫn lắm à?

Minh mỉm cười chua chát:

Nếu ông biết rằng tôi công phẫn thì ông còn đáng trách hơn. Đã biết tôi công phẫn sao ông còn...

Nếu như tình cảm bà sai thì sao? Một đôi vợ chồng như ta, có làm rối trật tự xã hội hay không? Tôi có phạm đạo đức cổ truyền hay không? Bà không đáp, tức là bà không tìm được lý lẽ để mà binh vực tình cảm của bà, thì...

Nhưng ông không kể đến lòng người à? Không phải hễ ông có tội để tôi buộc tội, tôi mới công phẫn được. Phải, đối với pháp luật, đối luân lý, ông không hề phạm tội. Nhưng ông làm cho tôi không sống được đời sống tình cảm phải có của tôi.

Bà cứ sống đời sống tình cảm ấy đi chớ, bà cứ mơ người hoàng tử đẹp trai, nào tôi có ngăn cản bà được đâu.

Nhưng tôi là con nhà có giáo dục, tôi không muốn phản bội ông trong tinh thần.

Hoan hô sự thành thật của bà và tấm lòng trong sạch của bà. Kể ra thì bà nói cũng có lý; nhưng người đời, không phải ai cũng được đầy đủ cả, và thiếu mất cái tình cảm ấy, cũng không đến nỗi nào kia mà.

Nhưng không thiếu vẫn hơn chứ!

Đồng ý. Tôi sẽ bù lại cho bà bằng sự qui phục và chiều chuộng của tôi. Minh ơi, còn về...

Xin ông gọi tôi bằng biệt hiệu của tôi do ông đặt lấy vì trên xe tình cờ tôi đã được biết thư ký ông cũng tên Minh, mà như vậy lộn xộn lắm.

Ý hay đó. Minh muốn biệt hiệu như thế nào? Tôi không sành những tên mỹ miều, Minh nên tự đặt lấy vậy.

Vậy ông gọi tôi là Huyền Trân.

Huyền Trân, đẹp lắm! Hình như là có một con phố gần đây tên như thế. À, phải rồi, đó là tên con đường chạy sau dinh Độc Lập. Không biết cái tên Huyền Trân ấy đã làm gì và sống vào thời nào?

Minh - à không, Huyền Trân - Huyền Trân bật cười. Theo chương trình Pháp nàng dốt Việt sử mà có người như lão nhà giàu chẳng hạn, còn dốt hơn, thế mà lão vẫn thành công được như thường trên đường đời.

Huyền Trân cười gì ạ?

Không.

Huyền Trân ơi, còn về sự so le tuổi tác giữa đôi ta, Huyền Trân nên hiểu như thế nghĩa là tuổi tác không do năm tháng chồng chất lên đầu mình, mà do sức khoẻ thật của các tế bào của ta.

Ông có thể mang những tế bào hai mươi, nhưng ông cảm nghĩ như người của thế hệ trước, làm sao có sự cảm thông giữa ông và tôi được.

Ông Hóa cười lớn mà rằng:

À, còn điều đó nữa. Nhưng Minh há lại không biết rằng có những người của thế hệ nầy mà cảm nghĩ như người của thời Minh Mạng, Tự Đức hay sao, và trái lại có những người luôn luôn theo sát và theo kịp trào lưu tư tưởng và cảm xúc.

Không, người ta có thể theo kịp những trào lưu tư tưởng, nhưng không thể nào cảm xúc y như lứa tuổi khác. Vả lại, nhìn mớ tóc đen một màu đen nhơn tạo mà có lẽ ông mới nhuộm hôm qua, không làm sao tôi khỏi nhớ mãi rằng ông nghĩ khác tôi.

Dầu sao, hôm nay, cả hai ta đều cởi mở hoàn toàn, trắng trợn nói ra những thắc mắc ẩn kín của Huyền Trân và những thú nhận không dám thú của tôi.

Ta khỏi bị ẩn ức nào đè nén lòng ta nữa, khỏi bị sự mắc cỡ vô lý dồn ép những gì mà ta tưởng là xấu xa, dồn ép xuống tận đáy tiềm thức ta để rồi biến thành khó chịu, bực bội ngầm và thù hận ngầm.

Giờ tôi chỉ biết xin Huyền Trân giữ lời hứa là làm bổn phận người vợ.

Tôi là con nhà có giáo dục, không thể sai lời hứa với ai hết.

Hoan hô lý trí của Huyền Trân.

°

°

Đêm nay kẻ thức sáng trắng là chàng thư ký riêng của ông Hóa. Trước buồng của hắn đặt trên lầu, và từ hơn một tuần lễ nay, chủ nhà đã cho thợ xén trong cái phòng khách rộng minh mông dưới nhà để xây cho hắn một buồng nhỏ, cạnh cái phần trong của buồng khách, cái phần dùng làm phòng ăn.

Sức tưởng tượng của tuổi hai mươi rất mãnh liệt, và sự khó chịu nơi hắn phát khởi từ lúc xe dâu vượt qua Cầu Bông, bắt sức tưởng tượng nầy làm việc thật nhiều khi hắn tắt đèn muốn ngủ.

Thật là vô lý hết sức, niềm đau của hắn, trong khi đương sự thì có vẻ tỉnh khô, hắn nghe cái đêm tân hôn của chủ hắn phũ phàng quá, và mặc dầu ông ấy là người có học, có giáo dục, biết lịch sự với đàn bà, biết thưởng thức vẻ đẹp của nghệ thuật, của tình yêu, hắn vẫn cứ thấy ông là một kẻ “Tuồng chi là giống hôi tanh”.

Hắn theo dõi trong trí tưởng những biến chuyển của cuộc giao tiếp giữa đôi tân lang và tân giai nhân, đến một giờ khuya khoắt kia, hắn đoán rằng “Đào tiên đã bén tay phàm”, hắn ôm mặt mà khóc mù.

Sáng ra, hắn càng tủi thân hơn, mặc dầu hắn biết trước nếp sống mới của hắn như thế nào rồi, và nhận là hợp lý.

Căn buồng của hắn không ăn thông với buồng khách, buồng ăn quanh đó, mà trổ cửa ra sân sau.

Ông Hóa đã sắp xếp hai buồng nhỏ của dãy nhà phụ thuộc dưới kia, một biến làm buồng tắm cho hắn, và một biến làm buồng ăn. Kể ra hắn được ăn ở đúng địa vị của hắn, nhưng làm sao mà hắn khỏi buồn khi rửa mặt xong bước vào buồng ăn riêng mà từ đây, hắn sẽ ngồi ăn một mình chớ không chung bàn với ông Hóa nữa.

Đêm rồi, hắn ghen tức với ông Hóa, còn giờ thì hắn lại ghen tức với bà chủ. Chính cái bà chủ ấy là kẻ lạ mặt xen vào giữa tình nhơn của chủ hắn và hắn, giành tất cả quyền hạn và ưu đãi mà hắn được hưởng từ thuở giờ.

Tuy nhiên, hắn vẫn biết thân hắn, nên ăn sáng xong từ lâu mà hắn vẫn cứ ngồi lỳ nơi bàn ăn, vì hắn thoáng thấy ông Hóa, bà Hóa xuống dưới nhà để ăn lót dạ.

Bữa ăn nhà giàu kéo dài quá, khiến hắn rất sốt ruột, và tự nguyện từ đây, đi ăn sáng phải cầm theo một quyển truyện trinh thám để có thể giết thì giờ trong khi chờ đợi lúc thuận tiện để ra nhà trước.

Bà chủ ăn xong, còn được ông chủ trình diện gia nhơn gồm bà bếp, chị Sen, tức chị Lầu hai mươi tám tuổi, cái chị đã gọi Huyền Trân bằng bà và xưng “con” với nàng trong mảnh giấy đêm rồi. Anh làm vườn và chú tài xế cũng được trình diện luôn.

Huyền Trân xem lại thì chú tài xế nầy là người khác chớ không phải người lái xe đêm hôm qua.

Ông Hóa nói mà không giải thích:

Ấy họ toàn là người mới cả. Những người cũ đã được cho nghỉ việc ngày hôm qua.

Ông Hóa là người kinh nghiệm và thượng trí. Ông biết gia nhơn cũ rất quí mến ông, và họ sẽ ghen mà thấy tình trìu mến của họ bị cô gái lạ mặt nầy chia xẻ và sẽ hận cô ta.

Ông đưa người mới thì mọi việc sẽ êm ru và người ta sẽ vâng lời bà răm rắp, trừ anh thư ký, nhưng anh nầy lại không trực thuộc bà thì không đáng ngại. Bà Hóa cũng đoán biết được những lẽ ấy nên không hỏi ông lý do vì sao mà đổi người giúp việc.

Gia nhơn được giải tán cả sau buổi trình diện, chỉ có chị Lầu là được giữ lại thôi.

Bà Hóa ra khỏi bàn, đi lên lầu và gọi chị Sen theo. Đi trước, bà chủ hỏi mà không day lại:

Chị làm những công việc gì trong nhà nầy?

Thưa bà con giặt ủi, dọn quét và để bà sai vặt.

Chị đừng xưng con với tôi nữa, nghe chưa?

Dạ.

Chị vào buồng tôi, sang quần áo từ các rương và va li qua chiếc tủ trong buồng ấy, còn rương không thì cất đâu tùy chị. Nhà có kho chớ?

Dạ có.

Vậy cất trong kho.

Dạ.

Chị vào làm từ hồi nào?

Dạ, tôi được nhận vào đây từ hôm kia, lãnh lương kể từ ngày hôm qua, nhưng mới đến đây hồi năm giờ sáng. Mấy người khác cũng vậy.

Như thế, các người làm sao thạo được công việc?

Dạ, đã vậy mà tụi tôi lại không hề gặp mặt người cũ để họ giao việc và chỉ bảo nầy kia. Thưa bà, bà đi đâu xa mới về?

Ư… ừ… ừ…

Huyền Trân đáp một cách yếu ớt rồi đi thẳng qua buồng giữa, không ghé lại phòng nàng.

Trong bữa ăn, ông Hóa đã đưa cho vợ xem bản đồ nhà nầy mà ông Hóa phác họa sơ trên giấy.

Từng lầu chia ra làm ba buồng rất rộng, cả ba đều trông về hướng đông, tức là ra phố. Buồng hướng nam, vị trí tốt nhứt, ông nhường cho bà ngủ, còn ông thì ngủ ở buồng hướng bắc. Buồng giữa, ông gọi là phòng gặp mặt, tạm dịch ở tiếng Pháp “Salle de séjour” và ở tiếng Anh “living room” ra, trang trí thân mật và ấm cúng hơn phòng tiếp khách dưới nhà nhiều lắm.

Phòng tiếp khách chỉ có đẹp, có sang, mà lạnh lùng và hơi nặc danh chớ không mang được dấu hiệu của sự sống, không có bản ngã riêng như phòng nầy.

Một chiếc bàn con, một tủ rượu, còn bao nhiêu chỗ đều do ghế bành choán cả, ghế bành bọc nỉ màu cho mùa lạnh.

Tranh tường qua hết các thời đại, các họa phái từ cổ điển đến lập thể, tuyển lựa trong những bức tranh màu nóng và tươi.

Và giữa phòng, một cây dương cầm có đuôi.

Tất cả ghế bành đều đặt sát tường trông ra phía phòng. Thành thử ngồi nghỉ nơi đâu cũng nhìn thấy ngươi chơi dương cầm cả, thấy được đủ cả mọi khía cạnh của người ấy, vì ở góc cạnh phòng nào cũng có ghế bành. Đây là một chiếc dương cầm cũ mới mua lại của một mệnh phụ phu nhơn người Đức. Ông Hóa nghe vợ biết chơi dương cầm nên vội mua nhạc khí nầy trong tuần lễ trước đám cưới, ông quyết sắm một cây đàn to nhứt, mắc tiền nhứt chớ không dè Huyền Trân chỉ là một nhạc công sơ đẳng, không cần đến loại đàn có đuôi.

Người vợ mới về nhà chồng một hôm nầy không biết làm gì, không biết đi đâu nên mới lên cái phòng hợp nhất với tình trạng bỡ ngỡ của cô, nhưng lên đây rồi, cô cũng chẳng biết làm gì. Trong phòng không có lấy một cuốn sách, một tờ báo nào, cho đến một máy thu thanh nhỏ cũng vắng bóng.

Đây là phòng mà gia đình gặp mặt nhau trong ngày để sống với nhau nên không thể cho phép tâm trí của mỗi cá nhơn bị kéo đi nơi khác, vào việc nào khác hơn là việc sống với nhau.

Ông Hóa mua đàn, nhận luôn cả thư viện về âm nhạc của bà mệnh phụ phu nhơn người Đức ấy và để các sách, các bản nhạc trong những ngăn kệ kê sát vách.

Huyền Trân bước lại đó lục lọi một hồi và lấy ra tập trường ca Tích-Tăng và Ỷ-Sơ, một nhạc phẩm dài hơi của thi sĩ trứ danh Đức quốc hồi thế kỷ mười chín, thi nhạc sĩ R. Wagner.

Đây là loại nhạc cổ điển khó quá đối với một cô gái chỉ học vừa xong vỡ lòng nhạc Pháp và chỉ đờn được các tiểu ca khúc tân thời thôi.

Nhưng Huyền Trân cứ chọn nhạc phẩm nầy vì trong đó có cái đoạn danh tiếng. “Cái chết của công chúa Ỷ Sơ” mà nàng đã thích và từ đây càng thích hơn bao giờ cả.

Ngồi lại trên chiếc ghế đẩu mặt tròn không lưng dựa đặt trước cây đàn, Huyền Trân giở nắp đàn lên, mở tập nhạc ra để trên kệ sau hàng phím rồi cho những ngón tay thon của nàng đi dạo trên những phím ngà huyền diệu ấy mà từ đó cả một thế giới âm thanh huyền hoặc vang lên.

Ông Hóa đã cắt đặt xong công việc dưới nhà, vừa lên tới nơi. Huyền Tràn ngồi day lưng ra cửa phòng không đóng, nên không hay chồng vào.

Tân lang đi giày hàm ếch đế kếp, rón lén bước nhẹ lại ngồi xuống một chiếc ghế bành đặt cạnh cửa, miệng ngậm xì gà, mắt nhìn cái lưng ong của vợ.

Nếu có một nhạc công giỏi nào hay một nhạc sĩ nào ở gần đây, nghe bà chủ mới của nhà nầy đàn nhạc khúc cái chết của công chúa Ỷ Sơ chắc họ sẽ phải trốn đi ngay vì không có gì khổ bằng nghe đàn nghe hát sai, nếu tai ta không bằng tai... trâu.

Nhưng tân lang lại cóc cần, không phải vì ông dốt nhạc lắm, mà vì ông không cần nghe nhạc. Ông chỉ thích nhìn một phụ nữ trẻ đẹp ngồi trước cây đàn, và có vài tiếng đàn vang lên là đủ rồi.

Cảnh một thiếu phụ xinh đẹp ngồi trước cây dương cầm gợi lên cái gì mỹ miều, cái gì sang trọng, cái gì dịu dàng an ủi lắm.

Ông Hóa lại vui dạ hết sức vì ý nghĩ thứ nhì nầy là một người đàn bà đẹp và một cây dương cầm, dùng làm cảnh rất đắc lực trong những buổi tiếp khách sang của ông.

Ông sẽ mời danh sư về nhạc đến đây dạy thêm cho bà có thể tấu nhạc trước tân khách một cách đàng hoàng như một nữ chủ trong giới phú hào Tây phương.

Ông Hóa đổi vị trí ngồi, bước sang qua phía bên hông của nữ nhạc công để ngắm hai bàn tay, ngắm những ngón tay của nàng hoạt động.

Huyền Trân vẫn không hay biết gì hết, cứ tiếp tục đàn. Khi đàn xong khúc nhạc nầy rồi, cô gái vừa biến thành đàn bà ấy ngồi nhìn sững hàng phím, lắng nghe dư âm của tiếng nhạc cuối cùng, dư âm của tiếng kêu than của người đàn bà qua muôn ngàn thế hệ, kêu than số kiếp của họ.

Dưới nhà, người thư ký riêng của ông Hóa, không sành nhạc lắm, cũng ngồi thẫn thờ cảm thông với tâm sự nhạc công mà hắn đoán qua điệu nhạc buồn đó.

Bức trần xi măng của nhà dưới, tức nền của từng lầu, như là làm bằng pha lê trong suốt đối với người con trai mà tấm lòng nguyên trinh đã bầm dập trong vòng hăm bốn giờ qua.

Hắn hình dung được đúng y cái dáng ngồi, nét mặt và đôi mắt mơ buồn của bà chủ mới mà hắn và những con số nhảy múa trước mặt hắn bỗng rã rời ra rồi tan biến đi, hắn chỉ còn thấy tờ giấy trắng của quyển sổ kế toán.

Ông Hóa thò tay vào túi quần lấy ra một tập ngân phiếu không thiếu một tờ, nhưng không dám nói gì, sợ Huyền Trân đánh mất giấc mơ kỳ thú lắm của nàng.

Giấc mơ con gái huyền ảo không biết bao nhiêu, của một bà Hóa của tuần lễ trước, hôm nay không còn nữa và thay thế bằng giấc mơ của một thiếu phụ trẻ đẹp mà thường thường cũng không kém phần thần tiên... đối với người khác. Ông Hóa dư biết điều đó. Và ông cũng dư biết rằng đối với Huyền Trân thì không phải thế.

Có lẽ nàng thất vọng chăng? Không, thật ra nàng đã thất vọng ngay từ lúc thân phụ nàng cố thuyết phục nàng vì nàng thấy rằng không thể từ chối được.

Giờ tâm trạng nàng đã khác rồi. Giờ nàng đang đau niềm đau số kiếp, và ông sẽ tìm đủ cách để giúp nàng tìm thấy ý nghĩa của sự sống, tìm thấy lý do vui sống, tìm thấy hạnh phúc.

Ông Hóa cầm lo le tập ngân phiếu rồi đứng lên đi bách bộ sau lưng Huyền Trân.

Ông đi hơi nhiều vòng rồi mới nghe nắp đàn dậy lại kêu đánh phập một cái.

Huyền Trân xô ghế đứng lên, xây gót có lẽ để đi ra ngoài và bốn mắt gặp nhau.

Ông Hóa vẫn dùng tiếng Pháp để nói chuyện với vợ, nhưng không còn gọi nàng bằng bà nữa, mà dùng đại danh từ “toa” mà theo ta là “em”.

Anh đã mở chương mục vãng lai tại Tổng ngân khố. Đây là tập séc tên em. Hai trăm ngàn anh bỏ trong đó là tiền túi cho em, chương mục ấy thỉnh thoảng sẽ được bồi bổ thêm. Còn tiền túi tiêu vặt năm ba hôm đầu, anh đã bỏ trong túi áo của em. Em có muốn mua sắm gì nhiều tiền, cứ nói anh sẽ ký ngân phiếu riêng của anh cho em thanh toán, vì nên nhớ rằng tiền của em là chỉ để tiêu vặt thôi như là may sắm chút ít chẳng hạn.

Huyền Trân không hoan nghinh tiền bạc mà cũng không chê. Nàng đã lập sẵn thái độ rồi nên hành động không do dự, không bỡ ngỡ vì sự hỗn độn tình cảm có thể có của nàng.

Nhận lấy tập séc, nàng nói cũng bằng tiếng Pháp:

Cám ơn anh!

Chợt thấy tên mình ghi ngoài bìa cuốn ngân phiếu nàng ngạc nhiên hỏi:

Nguyễn Thị Minh thì đúng là tên em, nhưng sao lại CÔ Nguyễn Thị Minh.

Ấy kho bạc họ muốn làm dễ dàng khách hàng đàn bà, nên có những bà năm mươi, con đàn cháu đống vẫn được ghi là Cô. Nếu không dùng tên con gái của khách hàng như thế thì các bà sẽ khổ lắm mà phải nhờ chồng cho phép mới viết séc được, rắc rối lắm.

Tiện thì có tiện, nhưng, nếu rủi ro em vắn số thì tiền tồn khoản của em trong ngân khố sẽ mất vì Nguyễn Thị Minh là con gái, anh không có quyền thừa hưởng gia tài của một người con gái.

Ông Hóa trố mắt nhìn vợ, Huyền Trân nghiêm trang mà nói điều nầy chớ không có vẻ gì cà rỡn hết.

Sao em lại nói chuyện gở như vậy?

Phải tiên liệu mọi trường hợp chớ.

Đành là thế nhưng nên trừ trường hợp ấy ra. Không ai lại nghĩ đến chuyện xui xẻo.

Rồi ông Hóa vụt cười lớn mà rằng:

Nhưng em chớ lo trời sập. Ba có quyền thừa hưởng tiền của em.

Như thế lại bất công, vì chính tiền nầy là tiền của anh.

Thôi cho qua vấn đề đó. Em đi chiếc xe đó nghe thế nào? Có thích hiệu xe nào khác hay không?

Chiếc xe nào?

Chiếc xe nhà, xe mà em dùng để đi từ trên ấy về đây. Anh sợ màu đen buồn mắt em.

Em không lưu tâm đến điều đó.

Kể từ giờ phút nầy, em cắt đặt công việc cho người nhà, muốn sửa đổi gì tùy ý em, họ là người mới cả và chỉ làm theo chỉ dẫn sơ của anh thôi, rất dễ bắt họ theo thói quen của em.

Tài sản của anh - à của ta - đã được kể ra đầy đủ trong tập mục lục tài sản, kể cả nợ họ thiếu ta nữa. Tập mục lục ấy anh để cạnh số tiền túi cấp bách hai mươi ngàn đồng, trong tủ của em. Em cần biết rõ của cải của em.

Huyền Trân chỉ làm thinh. Ông Hóa muốn cho vợ biết rằng số nợ bốn triệu đồng mà ông bố vợ thiếu, không còn ghi trong đó nữa.

Ông Hóa chỉ chiếc một ghế bành cho vợ rồi nói:

Tuần lễ nầy anh không làm việc nên ngày dài quá, anh bối rối không biết làm gì cho hết thì giờ, nếu em không bận gì thì ngồi lại đây với anh.

Huyền Trân lặng lẽ làm theo lời chồng.

Khi nãy xuống dưới nhà ăn sáng, nàng đã cẩn thận mặc bên ngoài bộ bi da ma một chiếc áo ki mô nô trong bộ mười hai chiếc mà ông Hóa đã đặt mua từ bên Nhựt, gởi qua bằng phi cơ.

Khi vào phòng nầy, vì ham đánh đàn, nàng quên cởi áo choàng ấy ra và mãi đến bây giờ nàng mới thoát xiêm.

Ông Hóa vội bước lại gần vợ đỡ lấy chiếc áo ki mô nô, gác lên đầu một chiếc ghế bành, đoạn lại ngồi gần vợ.

Cả hai đều làm thinh vì Huyền Trân không có gì để nói cả, còn ông Hóa thì thấy rằng nói là bổn phận của vợ ông chớ không phải là của ông.

Có phải chăng là “lẽ có” của một người vợ, trong các gia đình giàu sang mà ông chồng không cần sự phụ lực của người bạn đời, có phải chăng cái “lẽ có” của nàng là an ủi ông, làm đẹp hơn lên cuộc đời của ông?

Ông Hóa cũng biết rằng đành là thế, nhưng người chồng cũng phải nịnh đầm, săn sóc đến vợ cái đã. Cả hai lẽ đó ông đều biết nhưng ông hơi hờn vợ ông. Nàng như là cố ý ngậm câm, chớ không phải thiếu đề tài câu chuyện, không phải đợi ông săn sóc.

Ngồi độ mười phút, ông phải đầu hàng và nói:

Em học nhạc thêm em nhé? Anh không biết em giỏi hay dở, nhưng cứ nghe họ bảo rằng phải tốn đến mười năm công khó mới đàn ra hồn, thì anh đoán rằng em cần học thêm.

Anh có quen với một bà người Pháp dạy nhạc có tiếng, anh có thể mời bà ấy đến đây, nhưng anh sẽ để em đến nhà bà ấy, đặng em có dịp đi tới đi lui cho vui.

Tùy anh.

Trước kia, hồi còn ở dưới nầy em giải trí làm sao?

Em bơi lội.

Ở dâu?

Trong hồ tắm trường Marie Curie, trên vườn Thảo Cầm.

Giờ em còn thích lội hay không?

Còn.

Tốt lắm. Anh sẽ ghi tên em vào số khách bơi lội của hồ tắm của câu lạc bộ thể thao của người Âu ở đây. Tối nay ta đi ăn cơn ở ngoài rồi đi xi nê em nhé.

Tùy anh.

Tại sao em cứ hay nói “tùy anh” hoài vậy?

Chớ anh thích thấy em chống lại anh sao?

Ông Hóa cười ha hả mà rằng:

Không. Nhưng anh thích thấy em phấn khởi hơn là chiều ý anh.

Ông Hóa không có lập chương trình đi hưởng tuần trăng mật ở xa vì ông sợ Huyền Trân không thích đi ra ngoài với ông. Phải ông dè nàng cứ “tùy anh” mãi như thế nầy, cuộc du lịch ấy đã có rồi. Bây giờ thì đã muộn, đi ngay ngày mốt nầy, sẽ không hơn gì ba tháng nữa sẽ đi.

Cái thú vị chuồn mất sau đêm tân hôn sẽ không được hưởng thì hai năm sau sẽ đi cũng thế thôi.

Ông Hóa tiếp:

Tối nay ta đi ăn ngoài và đi xi nê chỉ để trốn khách thôi. Họ sẽ lục tục đến thăm ta và phải đi trả lễ mệt lắm. Cho những phiền phức ấy lùi càng xa càng hay.

Ông Hóa đã ban cho vợ hai tự do lớn, đi học nhạc và đi bơi lội. Nhưng Huyền Trân lại thoáng thấy trước sự trơ trọi của nàng ở hai nơi đó, nên không hoan nghinh là phải. Người ta đi giải trí tay đôi mới vui, không đi tay đôi được vì lẽ gì đó thì nằm nhà là hơn.

Tuy nhiên, đi tay đôi vẫn không vui. Tối lại, ông Hóa đưa vợ đến một hiệu ăn chia làm nhiều buồng riêng cho gia đình, mỗi buồng đều có máy lạnh và bữa ăn tối nay lạnh vô cùng, bởi vì Huyền Trân không có gì để nói với chồng cả.

Nàng có rất nhiều tâm sư, nhưng chỉ có thể trao gởi cho một người bạn thôi mà ông Hóa không phải là bạn của nàng. Cho đến cả những ý nghĩ thông thường và thiển cận về vật chất, về một miếng bít tết mềm, về một miếng thỏ xi vê nấu khéo, người ta cũng không buồn nói với một người không phải là bạn.

Ông Hóa thì xem vợ là bạn được. Nhưng người bạn ông cứ ừ hữ mãi thành thử ông phải cụt hứng.

Sao em cứ làm thinh hoài vậy. Ông mỉm cười hỏi thế.

Em nghe nhiều người đàn ông bảo rằng họ thích lấy vợ Nhựt vì phụ nữ Nhựt chỉ thích phục dịch, không hề xen vào đời sống của chồng vợ. Anh không thích như vậy hay sao?

Không, anh không ích kỷ như vậy. Trái lại anh thích sự cởi mở theo lối Âu châu.

Rất tiếc, bản chất của em là bản chất của phụ nữ Nhựt.

Ông Hóa mỉm cười, biết vợ giả dối vì lẫy đời. Đó là một hình thức phản kháng, một hình thức chống đối tiêu cực của kẻ bất lực. Ông sẽ đập tan lối đề kháng thụ động đó hay nói cho dúng, ông sẽ giúp vợ ông yêu đời, ông tin chắc ở tài lực ông, nên không nổi giận cũng chẳng lo lắng.

Ông hóm hỉnh nói:

Bản chất của phụ nữ Nhựt là thế, đúng như vậy. Nhưng sau mấy năm bị ngoại bang chiếm đóng, phụ nữ Nhựt vẫn thay đổi được và một số lớn đã quan niệm theo Âu Mỹ, hay nói cho đúng theo mọi dân tộc khác, kể cả dân tộc ta. Như vậy, cái bản chất đó không phải là cái gì bất dịch đâu.

Có lẽ anh nói đúng. Nhưng bảy năm chiếm đóng sau một trận chiến tranh khốc liệt, dễ lung lay con người hơn là hai ba mươi năm thái bình. Có lẽ đến năm bốn mươi tuổi, em sẽ quan niệm như người đàn bà Việt Nam.

Huyền Trân nói được cái câu dí dỏm đó (mà lại là một câu tiêu cực đề kháng nữa) thì đắc ý lắm và mỉm cười.

Ông Hóa mừng rỡ như U Vương nhà Châu đã mừng khi nhìn thấy nàng Bao Tự cười trước cảnh tiu nghỉu của các chư hầu bị khói Cam Toàn báo động láo, vội vàng cất binh chạy tới rồi ra về không.

Rồi ông van nài giọng cầu khẩn:

Em chống đối lại anh cũng được, miễn là em nói cái gì như nãy giờ. Bị chống đối anh sẽ thích chí hơn là thấy sự lạt lẽo của em.

Nếp nhà của em đã luyện em ra người lương thiện, mà trong trường hợp của em, chống đối hay lộn nài tháo ống là bất lương.

Nhưng em tẩy chay anh như vậy còn ác hơn là chống đối nữa.

Em không có tẩy chay anh. Tại bản chất của em như vậy thôi.

Khó tin lắm. Nhưng cũng khó bẻ em lắm! Em nên thành thật với em mà suy luận rằng tiêu cực đề kháng là một lối chống đối ác hiểm. Anh không có tội lớn lắm đến phải bị như vậy à, xin lỗi anh đã làm buồn em.

Tới bây giờ anh chỉ hỏi em các lối giải trí của em bên ngoài. Trong nhà em giải trí như thế nào?

Em đọc sách, em chơi cờ tướng và em...

Chơi cờ tướng?

Ông Hóa há miệng trố mắt nhìn vợ mà hỏi gằn như vậy. Suốt đời ông ông chưa hề thấy phụ nữ Việt Nam chơi cờ tướng.

Vâng, chơi cờ tướng.

Hay lắm, nhưng lạ lắm.

Lạ lắm nhưng có bậy hay không?

Ông Hóa không đáp lời vợ, đứng dậy đi qua đi lại, có vẻ bị kích thích dữ lắm.

Chơi cờ tướng. Chơi cờ tướng! Ông lẩm bẩm một mình và mỉm cười vì ông thoáng thấy đó là một cái cớ giúp ông trở lên bạn của Huyền Trân được.

Không, không bậy, trái lại nữa, rất tốt. Cờ tướng cao hơn tứ sắc nhiều, nhưng không hiểu sao phụ nữ ta lại giải trí bằng tứ sắc mà không hề chơi cờ tướng. Có lẽ họ không thành thật với họ và đánh tứ sắc vì lẽ khác, vì… tiền chăng?

Quí hóa lắm, anh cũng mê cờ tướng, nhưng thiếu tay. Anh sẽ sắm một bàn cờ thật quí để...

Nhưng em lại thích làm vườn hơn và em cần làm lụng lắm để giết thì giờ.

Ông Hóa cụt hứng. Có lẽ Huyền Trân đã trót lỡ lời nói thật những sở thích của nàng, nhưng khi thấy ông quyết tham gia vào một trong mấy trò chơi ấy, nàng vội rút lui. Như thế thì sự tẩy chay đã rõ rệt quá rồi.

Ông đã tiên liệu đủ mọi khó khăn mà Huyền Trân đã gây ra khi về nhà chồng, và đã nghĩ cách đối phó, nhưng thật ông chưa hề nghĩ đến hình thức thụ động rất khó chịu nầy nó là khí giới tự nhiên của kẻ yếu mà... khôn.