Văn Mẫu Lớp 7

Chứng minh rằng nhân dân Việt Nam từ xa xưa đến nay luôn luôn sống theo đaọ lí "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"

Từ lâu tôi vẫn hằng mơ đã là người dân đất Việt "máu đỏ da vàng", đều phải biết câu "Uống nước nhớ nguồn" hoặc "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" trong kho tàng Văn học dân gian Việt Nam có từ hàng ngàn đời nay. Và một khi đã thấu hiểu nội dung, ý nghĩa của hai câu tục ngữ này, ta mới thấm thía hơn công nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, mới nặng tình thêm với Tổ Quốc Việt Nam, với những người đã mang lại nền độc lập tự do, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho từng gia đình, cho mỗi con người.

Với suy tư trên, chợt nghĩ về mình, về bà con lao động đang làm ăn, buôn bán kinh doanh nơi đất khách quê người, tôi cảm nhận những gì có trong tầm tay của bản thân, của mọi người hôm nay, phần không nhỏ do sự chỉ đạo sát sao của Đại sứ quán, Hội người Việt Nam và đường đi lối bước ban đầu của các nhà doanh nghiệp tiền bối thành đạt.

Thật vậy, có nâng tư duy lên tầm cao ấy mới thấy hết giá trị về tinh thần lẫn vật chất của những buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov và kỷ niệm 15 năm thành lập Tập Đoàn Technocom được tổ chức vào đầu tháng 8–2008 vừa qua. Trong buổi lễ nghiêm trang, ngoài những bản báo cáo chính trị cần thiết, còn có hai bộ phim tư liệu sinh động của Hội và Tập Đoàn. Phim đã gây được sự chú ý, theo dõi của đông đảo khách quý, đặc biệt là những vị "chủ nhà". Bởi, ai nấy đều thấy mình có trong đó, từ những bước đi chập chững ban đầu, những khó khăn bươn trải, những sóng gió lẫn thành quả đạt được qua mười năm xây dựng và phát triển của Hội, 15 năm xây dựng và trưởng thành của Tập Đoàn Technocom. Bởi nữa, có lẽ điều chủ yếu là ai nấy đều nhận thức rõ vai trò, cũng như công lao của những người có ý tưởng, dám nghĩ dám làm và sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự lớn mạnh, phồn vinh của cộng đồng người Việt trên mảnh đất Kharkov như bây giờ. Để rồi, dù ở đâu, chốn nào ta cũng dám ngẩng cao đầu, tự hào "Ta là người Việt Nam".

"Uống nước nhớ nguồn" chính là ở chỗ đó. Ở quan điểm biết tiếp thu và sáng tạo, xây dựng cuộc sống mới sao cho phù hợp với thời đại không ngừng phát triển. Nhân chủ đề này, tôi nhớ ngày 7/8/2008, tại nhà hàng Thăng Long diễn ra cuộc gặp gỡ thân mật giữa cựu Chiến Binh thành phố Kharkov đã từng công tác tại Việt Nam vào thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước với đại diện lãnh đạo, doanh nghiệp, báo chí một số tỉnh, thành từ Việt Nam sang dự, do Tập Đoàn Technocom tổ chức. Liền mấy tiếng đồng hồ gặp gỡ, tận tình trao đổi không khí trong nhà hàng luôn ấm cúng, sôi động không chỉ bởi những kỉ vật lưu niệm trao tặng những người lính Xô-Viết đã một thời có mặt trong khói lửa chiến tranh chống Mỹ cứu nước anh hùng của nhân dân ta từ Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, Tập Đoàn Technocom, báo an ninh thủ đô… mà còn là những lời phát biểu chân tình, những cảm xúc mãnh liệt bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những vị cựu chiến binh làm nhiệm vụ quốc tế đó.

"Ngày ấy, biết rằng đất nước bạn đang chiến tranh ác liệt, nhưng bắt đầu từ năm 1976, chúng tôi vẫn lần lượt thay nhau đến công tác tại nhiều thành phố, làng mạc khác nhau, kể cả mặt trận bom đạn cho đến ngày tên lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam, chúng tôi mới trở về". Đại tá Petro Mikhailovich - Chủ tịch hội cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu ở Việt Nam tâm sự. Tôi hiểu, sự có mặt của họ vào những ngày tháng đấy, đã đóng góp vào phần thắng lợi cuối cùng để giang sơn, Tổ Quốc ta thống nhất một nhà, để suy cho cùng, có chúng ta hôm nay trên mảnh đất này.

Thực ra không phải bây giờ, mà những tháng năm trước đây, Hội đã thường xuyên tiếp cận, cử cán bộ đến thăm hỏi, tặng quà cho cựu chiến binh vào dịp lễ hội, lúc ốm đau, thậm trí cả những buổi tang lễ, tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.

Lúc tôi giải thích sự đền ơn trả nghĩa ấy là đạo lý mang tính truyền thống của dân tộc ta, vị chủ tịch Hội cựu chiến binh, đôi mắt nhăn nheo cười nói tiếp: "Và của cả chúng tôi nữa".

Ngẫm lời cụ, nghiệm thấy đúng khi tôi mục sở thị các vị lãnh đạo chính quyền thành phố bày tỏ lòng biết ơn và trao tặng bằng khen, bó hoa hồng tươi thắm cho những người lính, sỹ quan, trên ngực đầy tấm huân chương ghi lại chiến công của mỗi giai đoạn chiến tranh trước sự chứng kiến của hàng chục nghìn nam nữ thanh niên thế hệ trẻ với lời hô "URA… URA…" đồng thanh vang vọng cả một góc trời vào đêm lễ hội, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Kharkov khỏi ách phát xít Đức (23-08-2008), tại quảng trường Tự Do.

Nghe tiếng hò reo mừng ngày "sinh Kharkov" tại quảng trường nơi xứ người vào tháng 8 lịch sử này, trong tôi bừng thức dậy niềm tự hào vô hạn về ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên quê hương mình, sau có 13 ngày tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 thành công rực rỡ (19-08-1945) - Ngày có một không hai trong lich sử dân tộc sẽ giữ mãi trong con tim chúng ta, in đậm trong tâm khảm con cháu muôn đời sau:

" … Ngày 02-09-1945 gần 50 vạn người lòng tràn ngập niềm vui kéo về quảng trường Ba Đình dự ngày lễ lịch sử, tuyên bố nước nhà độc lập. Cả rừng cờ, rừng hoa, khẩu hiệu vang lên trong không khí tưng bừng náo nhiệt, bồng súng hướng vào quảng trường.

Đúng giờ khai mạc, đoàn đại biểu chính phủ lâm thời bước lên lễ đài. Lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên tung bay trước gió thu lồng lộng. Trên đài cao, Bác Hồ bước ra giữa tiếng hoan hô vang dậy, Bác giơ tay vẫy chào đồng bào, ra hiệu cho mọi người trật tự rồi bắt đầu đọc tuyên ngôn độc lập.

"Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… ".

Giọng Bác rất ấm, bất ngờ Bác hỏi: "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?". Cả biển người đồng thanh đáp lời: "Có".

Bác kết thúc bản tuyên ngôn độc lập bằng lời tuyên bố hùng hồn:

"Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và thực tế đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy."

Cả quảng trường vang lên tiếng hô đáp lại "Việt Nam độc lập muôn năm!. "Ủng hộ mặt trận Việt Minh!", "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!".

Đã bao năm xa nhà nhưng hỏi rằng có ai là người không nhớ về miền quê nơi ta sinh ra và lớn lên. Đã nhiều năm qua đi những kỷ niệm, nhưng quên sao được ngày tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8, quốc khánh 02-09, tiếp đến là 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó gần 25 năm tiếp tục chống Mỹ cứu nước dẫn đến thắng lợi hoàn toàn (30-04-1975), Nam Bắc thống nhất một nhà. Để rồi, mọi người đều nhận thức rõ hơn mình có được những gì và là ai trên thế gian này. Từ đâu, do ai? "Uống nước nhớ nguồn" hoặc " ăn quả nhớ kẻ trồng cây" chính là ở chỗ đó