Việt Sử Tiêu Án ( 1775 )

Duệ Tôn Hoàng Đế

Tên là Kính, con thứ 11 vua Minh Tôn, em vua Nghệ Tôn, khi vua Nghệ Tôn chạy loạn, thì quân lính và binh khí đều do tay vua thu nhặt, cho nên mới được truyền ngôi.

Niên niệu Long Khánh thứ nhất, Vua bổ sung quân ngũ, sửa sang chiến thuyền để phòng có việc đánh Chiêm Thành.

Thi Tiến sĩ, lấy đỗ: Trạng nguyên: Đào Sư Tích, Bảng nhãn: Lê Hiếu Phủ, Thám hoa: Trần Đình Thâm. Và có các hạng xuất thân. Lệ cũ: 7 năm một lần thi, còn thi Đình không có lệ nhất định. (Học sinh Tam quân thuộc quan, học sinh thị thần, học sinh tướng phủ, đã có phẩm tước rồi, đều được dự thi).

Tuyển dân đinh xung vào quân ngũ, xưa kia quân túc vệ chỉ có đạo quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần, sau đặt thêm đạo Oai Tiệp, Bảo Tiệp, Tả Ban, Hữu Ban đều có đặt ra quân hiệu, có chức Đại Đội trưởng và phó.

Vua định ngạch quan hầu, đặt ra 6 cục Cận thị Chi hậu, lấy các vị vương hầu, tôn thất làm chức Chánh chưởng.

Vua cấm quân nhân không được mặc lối áo quần người Tàu và bắt chước tiếng nói nước Chiêm và Lào.

Vua đại duyệt cả quân thủy và quân bộ ở sông Bạch Hạc, xuống chiếu cho Thanh Hoá, Nghệ An vận lương đến Hoá Châu, đợi Vua sẽ thân đi đánh Chiêm Thành, quan Trung tán là Lê Tích nói: "Việc đem quân đi đánh là việc lớn nguy hiểm, về phần tướng súy thí không nên muốn được công trạng mà muốn đánh lúc nào cũng được; huống chi mới bình xong nội nạn, vết thương đau của dân, của nước chưa lành, thần trộm nghĩ không nên hưng sử". Vua không nghe, khi kéo quân đi đến sông Bát Tràng, có người dân quê đương cử hành đám tang, vua xuống chiếu bắt phạt 30 quan tiền.

Trước kia chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga quấy nhiễu biên giới, Vua sai Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ ở Hoá Châu, người nước Chiêm đem vàng dâng Vua, Tử Bình lấy vàng ấy làm của riêng mình, mà nói rằng người Chiêm vô lễ, nên đánh, Vua mới quyết ý thân đi đánh Chiêm, quan quân đi đường biển đến Nhật Lệ, thì đóng quân ở đó thao luyện, rồi lại tiến đóng ở động _ Mang; người Chiêm lập đồn lũy ở ngoài thành Đồ Bàn, nơi ấy đường núi thì hẹp, tứ vi đều là rừng rậm; quân giặc phục trong rừng Tượng Lâm, quan quân ta không biết, giặc sai dâng thư trá hàng, nói rằng Chúa nó đã trốn đi rồi, chỉ còn thành trống không, nên tiến mau vào, không nên để lỡ cơ hội; Vua tin lời, lập tức cưỡi ngựa vẫy quân tiến lên. Đỗ Lê can rằng: "Chúng đã xin đầu hàng, thì ta hãy sai một người biện sĩ đưa thư vấn tội, để dò xét tình hình hư hay thực của chúng, như kế của Hàn Tín phá quân nước Yên khi xưa, mới được". Vua nói: "Quân ta đã đi vào sâu rồi, không một người nào dám xung phong; việc binh cần phải thần tốc, chần chờ thế nào được; người thật gan dạ đàn bà", bèn cho mặc áo đàn bà, rồi quan quân như đàn cá nối nhau kéo đi, đội trước đội sau xa cách nhau, bị phục binh giặc xông ra chặt đứt làm đôi, quân ta vỡ, Vua mất ở trong đám loạn quân, Đỗ Tử Bình thống lĩnh toán hậu quân không ứng cứu, chạy thoát lấy thân; Lê Quý Ly đốc vận lương, được tin trốn về trước. ngày hôm ấy ở kinh đô ban ngày mà mờ tối, chợ và phố xá phải đốt đuốc để buôn bán. Khi kéo quân về, Đỗ Tử Bình bị bắt xuống làm lính.

Việc hành binh này, họ Lê và Đỗ 3 lần dâng sớ can ngăn, mà Vua không nghe, liền treo trả mũ bỏ đi. (Đỗ là người Phù Đới, tính thích thảng, có chí khí lớn; khi nhỏ tuổi sang học ở Tây Hồ, xem các tướng tập bắn, nói rằng: "Nghề này làm không khó gì". Các tướng nói: "Mày có bắn trúng được không?", trả lời: "Xin bắn thử"; bắn ba phát trúng cả ba. Một tướng muốn đem về nuôi, nhưng ông không chịu theo, cứ du học, sau đỗ Tiến sĩ, làm quan thanh liêm và nghèo, không tậu nhà, ruộng; con cháu nối đời làm quan, vẫn giữ được nề nếp nhà, có tiếng ở đời bấy giờ).

Lời bàn: Vua Duệ Tôn mật mưu việc nghĩa cử, quét sạch nội nạn, không phải tài anh hùng không làm được thế; đến việc này thì nhận lời đầu hàng của giặc mà không xét là thật hay giả, vào nơi hiểm trở mà không dò xét cẩn thận, cứ kéo quân lũ lượt đến, đến nỗi mắc nưu trá hàng, ba quân tan hết, làm trò cười cho quân Mán, thật là lỗi khinh địch, cự gián, rước lấy tai vạ vào mình.

Thượng hoàng lấy cớ Vua bị chết vì quốc nạn, mới lập con Vua là Nghiễn nối ngôi vua, cải niên hiệu là Xương Phù. Nước Chiêm Thành lại vào cướp, do cửa biển Thiên Phù kéo vào, thẳng đến kinh đô.

Sử thần bàn: Lúc nhà Trần đương thịnh, mỗi lần quân Nguyên sang là bị thua kéo về; đến lúc nhà Trần suy, mỗi lần quân Chiêm đến, cướp bóc no chán rồi về; quân Nguyên là giặc mạnh, quân Chiêm là mán rợ nhỏ, sao nhà Trần đối với quân Nguyên thì mạnh thế, đối với quân Chiêm thì yếu thế, chả qua là tại người cả; Vua Nghệ Tôn, rút rát, không được bằng vua Nhân Tôn có hùng tài; mà bầy tôi càng kém nữa, không bàn mưu kế với ai được, không giao phó biên giới cho ai được, cửa biển không có quân phòng, trên sông không có đồn canh giữ, quân giặc đến thì mê man, quân giặc đi thì lại cô tức; thậm chí đem cả thần tượng chạy đến An Sinh, đem hết của báu giấu ở Thiên Kiện, không kế gì để tự thủ, thấy giặc đi làm mừng; nếu mà Bồng Nga chưa chết, không biết nhà trần lúc ấy chống đỡ bằng cách gì. Tử Bình giỏi về nghề ăn cắp vàng, không biết trù liệu việc binh, Quý Ly giỏi về ăn cướp nước, không biết cách làm tướng , đáng than phiền cho thời vận và nhân tài khi bấy giờ nhiều lắm.

Vua sai Trần Đình Tham sanh nhà Minh báo tang, nói rằng vua Duệ Tôn đi tuần về biên giới bị chết đuối. Nhà Minh từ chối rằng: "Theo lễ có 3 điều không nên viếng là: Bị khiếp sợ mà chết, bị áp bức mà chết và bị chết đuối". Đình Tham tranh biện mãi, nói rằng: "Vì Chiêm Thành bạn nghịch, vua Duệ Tôn vị việc nước mà bị nạn, thế là có công với dân, sao lại không viếng?". Nhà minh lại phải sai sứ sanh viếng thăm.

Thời bấy giờ nhà Minh đương nhòm ngó nước ta, chỉ muốn tìm cớ, Lý Thiện Trường nói: "Nước người ta em chết vì quốc nạn, mà anh lập ngay con người em làm Vua, nhân sự như thế, thì có thể biết thiên mệnh thế nào"; việc ấy mới bỏ đi.