Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương

Chương 9: Biết Làm Việc Nhỏ Mới Có Thể Làm Việc Lớn

Theo phụ huynh Israel, muốn bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn độc lập của con, trước hết phải bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhà. Như thế thì dẫu con có đi khắp năm châu bốn bể, phụ huynh cũng không cần lo lắng cho cuộc sống của chúng. Trong khi đó, rất nhiều phụ huynh Trung Quốc đào tạo ra “thế hệ ăn bám” đã thua ngay từ điểm này. Vì yêu con nên chúng ta không nỡ để bàn tay nhỏ xinh của chúng dính bẩn, không nỡ chiếm dụng thời gian học tập quý báu của chúng vì sợ làm ảnh hưởng tới thành tích thi cử. Thật tình chúng ta không biết rằng, dạy con làm việc nhà chính là bước đầu dạy kỹ năng sinh tồn cho con. Nhà giáo dục học Do Thái tổng kết: Đứa trẻ không được cha mẹ dạy làm việc nhà, lớn lên sẽ có một số biểu hiện không tốt như sau:

Năng lực làm việc kém, “nói như rồng leo, làm như mèo mửa’’.

Tính ỷ lại cao, thiếu tự chủ.

Không hiểu được thành quả lao động không dễ gì đạt được, không hiểu được sự vất vả của cha mẹ.

Không có lòng cảm thông.

Đến nay tôi vẫn nhớ, trên tạp chí Giáo dục gia đình của Israel mà tôi đặt mua từng đưa tin về một cuộc điều tra cho thấy: Tỷ lệ thất nghiệp giữa những đứa trẻ thích làm việc nhà và những đứa trẻ không thích làm việc nhà là 1:15, tương tự như vậy tỷ lệ phạm tội là 1:10, còn thu nhập bình quân của đứa trẻ thích làm việc nhà cao hơn những đứa trẻ không thích làm việc nhà là 20%.

Căn cứ vào thời gian biểu thông thường của các gia đình Do Thái, tôi làm một tờ lịch trực nhật, dán lên bức tường trong nhà. Trên đó quy định, ngày hôm nay ai giặt quần áo, nấu cơm, quét dọn nhà cửa. Sau cuộc “họp gia đình” các thành viên đều thống nhất ý kiến, ngoài ra chúng tôi còn bầu ra “trưởng ban trực nhật” phụ trách ba nhiệm vụ chính sau: Một là dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa như lau sàn nhà, rửa bát; hai là lên lịch xem ngày hôm nay ăn gì, việc nấu nướng do tôi đảm nhận; ba là bố trí hoạt động “đối ngoại” trong ngày của cả nhà, có thể là ra ngoài chơi hoặc là đi thăm hỏi người thân, bạn bè…

Con trai cả Dĩ Hoa làm “trưởng ban trực nhật” ngày đầu tiên, nó dậy sớm lau sàn nhà, mua bánh mì làm bữa sáng, còn hùng hồn tuyên bố bữa tối cả nhà ăn rau cải bắp xào và một món canh. Về hoạt động đối ngoại thì sau bữa tối cả nhà bốn người chúng tôi cùng đi dạo công viên ở gần nhà. Trước khi đi ngủ, “trưởng ban trực nhật” còn trịnh trọng viết nhật ký trực nhật, ghi lại những điều tâm đắc. Trông thấy mọi người đang đánh răng rửa mặt, “trưởng ban trực nhật” cố tình nhắc nhở: “Mọi người không được dùng quá nhiều nước, phải biết tiết kiệm nước.” Dĩ Hoa chọc cả nhà cười nghiêng ngả.

Sau khi thực hành chế độ “trưởng ban trực nhật”, tôi nhận thấy bọn trẻ đều rất giỏi, chúng không hề ngốc nghếch chút nào. Khi gặp vấn đề rắc rối, chúng không hề tỏ ra lúng túng, mà rất biết động não suy nghĩ, tìm cách giải quyết sự việc.

Nghĩ lại, hồi ở Thượng Hải, tôi vẫn là bà mẹ bảo mẫu, chăm lo mọi việc cho con. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, tôi thường hò các con: “Mau lên giường đi ngủ, mẹ sẽ thu dọn sách vở cho.” “Con trai, bít tất con cởi ra để đâu rồi, mang ra đây mẹ giặt cho nào.” Đến khi tiếp nhận quan niệm giáo dục gia đình của Israel, tôi đã thuận theo thời thế và thay đổi phương pháp giáo dục của mình.

Để giúp tôi giảm bớt gánh nặng việc nhà, Dĩ Hoa và Huy Huy đều tự giặt quần áo của mình, ngay cả khi bài vở chồng chất, thật sự không lấy đâu ra thời gian giặt quần áo, chúng cũng biết ngâm quần áo vào nước, chà xà phòng vào cổ áo, vò gần sạch rồi để đấy. Đến lúc giặt lại, tôi thấy quần áo của các con đều rất sạch, về sau mới hay chúng đã vò qua những chỗ bẩn nhất, khó vò nhất trên quần áo của mình. Chúng ngâm quần áo cũng rất có mẹo, chúng nghĩ đủ mọi cách giúp mẹ giảm bớt cường độ lao động, sau khi đổ xà phòng chúng ngâm vạt áo trước xuống dưới cho ngấm nhiều xà phòng hơn.

Tất nhiên, lúc đầu lịch trực nhật do tôi đặt ra được thực hiện không mấy suôn sẻ, vì bọn trẻ thường hay ganh tỵ nhau. Ví như một lần Huy Huy trở về nhà sau tiết học thể dục, thằng bé bị ngã xước bàn tay trong lúc đá bóng nên không thể rửa bát được, nó nài nỉ Dĩ Hoa:

“Anh ơi, hôm nay anh rửa bát thay em nhé.” Dĩ Hoa nhanh ý đáp: “Ừ, không vấn đề gì, hôm nay anh tạm thời rửa thay em, nhưng ngày mai em phải rửa hai ngày liền.”

“Không được,’’ Huy Huy lanh chanh: “Thời gian là vàng bạc. Hôm nay anh rửa thay em rồi tức là chuyện này đã qua rồi.” Dĩ Hoa hậm hực: “Thế không phải là em quá vô lý sao?”

Lúc này, tôi làm mẹ, phải đứng ra dàn xếp, tôi nói: “Thế này được không, Huy Huy? Tay của con bị xước, hôm nay không thể rửa bát. Nhưng anh rửa bát xong rồi con giúp anh lau khô bát, không sao chứ, lau bát không làm ảnh hưởng gì tới tay con mà.”

Sau đó, tôi lại quay sang vỗ về Dĩ Hoa: “Nếu hôm nào con không khỏe, mẹ và em con sẽ giúp con hoàn thành công việc.”

Tôi không ngạc nhiên với những lời đấu khẩu ranh mãnh của hai đứa nó, vì trẻ con vốn vậy mà.

Từ khi Dĩ Hoa, Huy Huy và Muội Muôi luân phiên trực nhật, giữa mẹ con tôi ngầm hình thành nên một giao ước nho nhỏ.

Đó là sáng chủ nhật hàng tuần, tôi sẽ ngủ nướng một chút. Vì thế, bọn trẻ dậy sớm, tự giải quyết bữa sáng. “Trưởng ban trực nhật” ngày hôm đó sẽ tự lấy sữa chua và bánh mì trong tủ lạnh ra, rán thêm trứng gà, làm một bữa sáng hoàn chỉnh. Sau đó bọn trẻ ăn trước, còn phần lại một suất cho tôi.

Có hôm vào sinh nhật của tôi, tôi vốn lên kế hoạch đưa cả nhà ra ngoài ăn, không ngờ bọn trẻ lại nói với tôi bằng điệu bộ thần bí, chúng muốn làm tiệc sinh nhật cho tôi ở nhà, hơn nữa còn làm món thịt bò bít tết.

Bọn trẻ thắt tạp dề của tôi, chúng bắt chước từng động tác hằng ngày của tôi y như thật. Chúng “lệnh’’ cho tôi không được phép mó tay vào việc gì, chỉ cần ở bên cạnh quan sát là được rồi. Thế là tôi vui vẻ đứng xem bọn trẻ làm thế nào. Các bạn biết không, khi con cái tự làm mọi việc, có lẽ chúng ta cần có sự chuẩn bị tâm lý trước, thậm chí là uống thuốc trợ tim nếu cần! Ví dụ, hồi đầu các con tôi tự ăn cơm, chúng vung vãi cơm khắp nơi, tôi thường xuyên phải giặt lại quần áo, lau bàn, lau sàn nhà cho chúng; còn khi các con tự đi tắm chắc chắn sẽ làm “nước ngập Kim Sơn”, còn tôi phải làm “vua Vũ trị thủy”…

Lần đầu tiên nấu bữa tiệc sinh nhật phức tạp này, các con tôi không khỏi lúng túng, vụng về. Khi nướng thịt bò, do chưa tự điều chỉnh được độ nóng của ngọn lửa nên dầu chưa sôi, bọn trẻ đã vội bỏ thịt bò vào. Rút kinh nghiệm từ miếng thịt bò đầu tiên, đến miếng thịt bò thứ hai chúng đã làm suôn sẻ hơn nhiều, thịt chín rất đều. Tôi lặng nhìn bốn miếng thịt bò bít tết được sắp ngay ngắn trong đĩa, tỏa mùi thơm phức, trong lòng ấm áp khó tả.

“Mẹ, mau nếm thử đi, mùi vị thế nào ạ?” Chưa kịp nói gì, bọn trẻ đã gắp một miếng thịt bò bỏ vào miệng tôi, nhanh như cắt, chúng mỉm cười tự hào nhìn tôi ăn. Tôi giơ ngón tay cái lên nói: “Mùi vị rất tuyệt!”

Thực hiện chế độ “trưởng ban trực nhật”, hoặc thỉnh thoảng cố tình làm người cha người mẹ lười nhác đều là cách yêu thương con sáng suốt.

Trong quá khứ, tôi là một vị phụ huynh hoàn hảo, sau khi nâng cấp phương pháp yêu con, điểm số của tôi từ 100 điểm tụt xuống 80 điểm. Hai mươi điểm còn thiếu chạy đi đâu mất rồi? Không phải là nó bị người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ, mà nó được người mẹ thông minh giấu nhẹm đi. Đôi khi, bạn càng trở thành một vị phụ huynh “lười biếng”, con cái bạn càng trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

Các con tôi lớn lên trong điều kiện kinh tế gia đình bình thường Nếu như nói sự chăm chỉ, chịu khó của chúng được tạo ra từ thực tế cuộc sống, thì đến cô cháu gái Bối Bối, tôi phải chủ động tạo ra việc làm cho nó.

“Bối Bối, thấy bà làm gì thì Bối Bối làm theo thế ấy nhé?”

“Vâng ạ!” Bối Bối nhanh nhảu đáp.

Khi cô cháu gái còn nhỏ, tôi giảng đạo lý yêu lao động, nó không hiểu được. Tôi thấy dạy nó bằng những hành động làm gương của người lớn mang lại hiệu quả hơn.

Khi tôi rửa bát, tôi cho Bối Bối cầm một bát nhựa nhỏ, bảo con bé nhìn xem tôi rửa như thế nào, rồi rửa cùng tôi.

Dần dần, Bối Bối hình thành cho mình thói quen yêu lao động. Hễ thấy tôi vào bếp, nó lại líu lô chạy vào giúp bà.

Đôi khi tôi cho con bé bê xoong nồi, ghế đẩu, tất nhiên nồi con bé bê là nồi không, nếu không thức ăn trong nồi sẽ trào ra ngoài mất.

“Bà ơi, bà nhìn cháu bưng nồi này!” Bối Bối rối rít khoe tư thế bê nồi.

Bối Bối mặc chiếc tạp dề nhỏ mà tôi may đang bê nồi từ trong nhà bếp ra ngoài phòng khách do cha cháu chụp lại, trông rất đáng yêu. Bối Bối thích lao động, nó rất thích hát bài Lao động là vinh quang:

Mặt trời vừa hé sáng,

Gà trống gáy ò ó o;

Nhành hoa đã tỉnh giấc,

Chim nhỏ bận chải chuốt.

Chim khách nhỏ xây nhà mới,

Con ong nhỏ chọn mật ngọt,

Hạnh phúc từ đâu đến?

Phải dựa vào lao động.

Bông hoa đỏ, cành lá xanh,

Con bướm nhỏ ham chơi đùa,

Không thích lao động, không lao động,

Mọi người chúng ta không bắt chước nó.

Phải học con ong đi tìm mật ngọt

Phải học chim khách xây nhà mới

Không sao nói hết niềm vui lao động

Lao động sáng tạo là vinh quang…

Hiểu được nỗi vất vả của lao động, nên Bối Bối rất biết thông cảm cho người khác. Hễ thấy tôi làm việc trong phòng khách hay trong phòng bếp, con bé sẽ ríu rít chạy đi lấy khăn giấy đưa cho tôi: “Bà ơi, bà lau mồ hôi đi!”

Trong mắt nhiều bậc phụ huynh, nhà bếp là “khu vực cấm” đối với trẻ em. “Đừng vào đây, nguy hiểm lắm.” “Trong này chỉ toàn mùi dầu mỡ, con mau ra ngoài đi.” Khi trẻ tò mò muốn vào bếp xem xét, thường bị cha mẹ ngăn ở ngoài. Có người mẹ trẻ nói với tôi rằng: “Đừng nói là trẻ con, ngay đến em cũng chẳng vào bếp nữa là. Từ nhỏ tới lớn đều là mẹ em nấu cơm, sau này em lấy chồng rồi sinh cháu, bọn em chuyển về sống với cha mẹ hoặc thỉnh thoảng đi ăn hàng, em thấy làm vậy cũng chẳng sao cả. Sau này cháu lớn, có lẽ nó cũng ăn thức ăn nhanh, ai còn có thời gian rảnh rỗi mà chui vào bếp nữa. Hiện tại sự phân chia lao động trong xã hội ngày càng cụ thể, mọi người không nhất thiết phải biết nấu nướng đâu chị.”

So sánh các bà mẹ Trung Quốc kéo con ra khỏi bếp với các bà mẹ Do Thái khuyến khích con vào bếp, chúng tôi nhận thấy: Con người muốn sinh tồn, bắt buộc phải có cơ sở vật chất, mà ăn uống chính là nền tảng của cơ sở đó.

Trong trường hợp đảm bảo an toàn, chúng ta có thể bảo con nhặt rau, rửa rau, như thế cũng sẽ khiến chúng cảm thấy mình được người lớn tin tưởng hơn. Điều đó giúp con trẻ vun đắp cảm giác an toàn, lòng tự tin và tính độc lập. Không riêng gì các bà mẹ Do Thái, tôi nghe nói tại Nhật Bản, người ta còn mở nhiều lớp “cha mẹ dạy dỗ con trẻ.” Mỗi lớp học có khoảng sáu gia đình tham gia. Lũ trẻ sẽ học cách nấu nướng dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của phụ huynh. Ví dụ, cha mẹ dạy con đập trứng gà như thế nào thì vỏ trứng sẽ không rơi vào bát, hay không được dùng xà phòng rửa vỏ sò... Đối với việc vo gạo, rửa rau, thái rau… con sẽ mặc tạp dề, đeo găng tay, phụ huynh cầm tay hướng dẫn con thái cà rốt thành từng sợi nhỏ.

Người Trung Quốc có một câu chuyện cổ nói về đạo lý này: Có một bà mẹ vô cùng yêu con, hằng ngày bà đều bưng cơm lên tận miệng con. Một hôm, bà mẹ phải đi xa, làm thế nào với đứa con không biết nấu cơm đây? Bà mẹ thông minh và chịu khó ấy thức cả đêm làm một cái bánh thật to, khoét lỗ ở giữa để xỏ dây đeo vào cổ đứa con.

“Con à, khi mẹ đi vắng, lúc nào đói con cứ ăn bánh là được nhé.” Chiếc bánh khá to, ăn đến khi bà mẹ quay về cũng chưa hết, vì thế bà mẹ yên tâm ra ngoài.

Nhưng khi trở về, bà mới phát hiện ra cậu con trai cưng đã chết đói trong nhà!

“Bánh không đủ ăn sao?” Bà mẹ nuốt nước mắt vào trong, truy tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết của con. Thằng bé ăn hết sạch nửa cái bánh treo ở trước mặt, còn nửa cái bánh phía sau cổ vẫn còn nguyên. Thì ra, nó không biết quay cái bánh lại mà ăn.

Làm việc nhà là rèn luyện kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất. Phụ huynh Do Thái khuyến khích con em mình tích cực tham gia làm việc nhà như: thu dọn giường, đổ rác trong thùng, quét dọn vệ sinh trong phòng giặt quần áo, nhổ cỏ ngoài sân. Họ cho rằng, đứa trẻ có kỹ năng làm những việc này thì cũng có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh nhà cửa. Đồng thời họ cũng cho rằng, để trẻ gánh vác một phần việc nhà là giúp bồi dưỡng quan niệm gia đình và tinh thần trách nhiệm của chúng đối với gia đình, tăng khả năng gắn kết giữa các thành viên.

Phương pháp bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhà cho trẻ

Phụ huynh có thể liệt kê danh sách công việc theo cấp độ tăng dần tương ứng với từng độ tuổi của trẻ, qua đó dạy trẻ chịu trách nhiệm với hành động của bản thân. Dưới đây là những công việc trẻ có thể làm được.

Trẻ từ ba đến bốn tuổi:

• Đánh răng

• Giúp cha mẹ cất quần áo và đồ dùng gọn gàng

• Dọn dẹp phòng ở và thu xếp đồ chơi

• Bỏ quần áo bẩn vào máy giặt

Trẻ từ bốn đến năm tuổi:

• Tưới nước cho cây trong nhà

• Giúp cha mẹ lau bàn

• Giúp người lớn lấy một vài tờ báo

Trẻ từ sáu đến tám tuổi:

• Biết làm hầu hết các công việc vệ sinh cá nhân

Quét dọn, lau sàn nhà trong phòng của mình

• Mang rác xuống thùng rác dưới nhà

• Biết dọn bàn ăn

• Bỏ đồ linh tinh vào nơi thích hợp

• Sắp xếp giường chiếu của mình

Trẻ từ chín đến mười hai tuổi:

• Tự làm tất cả các công việc vệ sinh cá nhân

• Lau chùi đồ dùng trong nhà

• Giặt một số quần áo

• Lau sàn nhà phòng khách

• Giúp mẹ nhặt rau, rửa rau trong phòng bếp

Trẻ từ mười ba đến mười lăm tuổi:

• Chuẩn bị bữa cơm cho các thành viên trong gia đình

• Giặt giũ toàn bộ quần áo của mình

• Giúp cha mẹ hoàn thành một vài việc khá rắc rối

• Dự toán tiền cho mình

• Lựa chọn mua sắm quần áo

• Làm một số công việc ở khu vực lân cận

• Là quần áo

Trẻ từ mười sáu tuổi trở lên:

• Làm thuê kiếm tiền ở bên ngoài

• Đi du lịch dưới sự quản giáo của người lớn

• Lập kế hoạch đạt trình độ học vấn cao

• Tự lo liệu chuyện ăn mặc của cá nhân

• Lên kế hoạch và chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà