Vụ Án Mạng Ở Vùng Mesopotamie

CHƯƠNG 9

Docsach24.com

ôm sau, ngay sau bữa trưa, bà Leidner về phòng mình để nghỉ như thường lệ. Tôi đỡ bà lên giường, lót mấy chiếc gối dưới đầu và đưa bà một cuốn sách. Tôi sắp đi ra, thì bà gọi lại:

- Cô y tá đừng đi. Tôi muốn nói chuyện.

Tôi quay trở lại.

- Cô đóng hộ cái cửa.

Tôi làm theo.

Bà đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng. Rõ ràng, bà đang suy nghĩ trước khi quyết định, và tôi cứ để yên.

Cuối cùng, sau khi thu hết sức lực, bà quay lại tôi nói:

- Mời cô ngồi.

Tôi ngồi xuống cạnh bàn. Bà run run mở đầu:

- Những chuyện vừa xảy ra, chắc cô lấy làm lạ phải không?

Tôi khẽ gật đầu.

- Vì vậy tôi quyết định nói cho cô rõ... nói hết! Phải có người để thổ lộ, nếu không tôi phát điên mất!

- Thưa bà, được như thế thì rất tốt. Rất khó cho tôi làm nhiệm vụ, nếu tôi không biết sự thật.

Bà dừng bước, nhìn thẳng vào mặt tôi:

- Cô có biết tôi sợ cái gì?

- Một người!

- Phải... Nhưng tôi không nói sợ ai, mà là cái gì.

Tôi yên lặng, chờ. Bà tiếp:

- Tôi sợ bị ám sát.

- Thật vậy ư? - tôi ngạc nhiên.

Bà phá lên cười... cười... cười đến mức nước mắt ứa ra trên gò má.

- Nào, nào! Xin bà hãy nói nghiêm chỉnh - tôi kiên quyết.

Tôi đẩy bà ngồi xuống ghế, lấy khăn thấm mặt bà.

- Bà hãy bình tĩnh, nói cho tôi biết có chuyện gì.

Những lời ấy có tác dụng làm bà hồi tâm hẳn, nói giọng bình thường:

- Cô đúng là một bà tiên. Ở với cô, tôi lại thấy mình như con trẻ. Tôi sẽ nói hết...

- Thế thì hay quá! Bà cứ thư thả, không đi đâu mà vội.

Bà thong thả kể:

- Năm hai mươi tuổi, tôi lấy chồng là công chức ở một Bộ. Đó là năm 1918.

- Tôi biết. Bà Mercado có nói với tôi. Và ông đã hy sinh trong chiến tranh.

Nhưng bà Leidner lắc đầu:

- Đó là bà ấy tưởng thế... như tất cả mọi người khác. Sự thật lại khác. Hồi đó tôi là một thiếu nữ nhiệt thành, rất yêu nước, đầy lý tưởng. Lấy nhau được vài tháng, tình cờ tôi phát hiện chồng tôi là gián điệp cho nước Đức; tin tức do ông ta cung cấp đã giúp quân Đức đánh chìm một tầu biển Mỹ, chết hàng trăm người. Không biết người khác ở vào địa vị tôi sẽ hành động thế nào, còn tôi thì làm như sau. Tôi báo cáo tất cả sự thật với bố tôi, công chức ở Bộ chiến tranh. Và đúng là Frederick đã chết trong chiến tranh... nhưng là chết ở Mỹ... bị xử bắn vì tội gián điệp.

- Trời! - Tôi kêu lên - Thê thảm vậy sao!

- Phải, thê thảm! Chồng tôi là người rất hiền và yêu vợ. Vậy mà.. Song hồi đó tôi hành động không do dự. Có thể tôi đã sai.

- Thật khó phán xét. Ở những trường hợp như vậy, rất khó xử.

- Chuyện này được giữ kín, ngoài mấy người trên Bộ, không ai biết. Tin chính thức là ông ấy ra mặt trận và hy sinh. Bạn bè, thân quyến đều coi tôi là vợ liệt sĩ.

Giờ bà kể tiếp với giọng chua chát:

- Rất nhiều người muốn lấy tôi, nhưng tôi đều từ chối. Cú sốc quá mạnh, tôi thấy mình không thể tin ai nữa.

- Ở địa vị bà, tôi cũng nghĩ như thế.

- Vài năm sau, tôi gắn bó hơn với một người, còn đang do dự thì một việc lạ xẩy ra. Tôi nhận được một thư nặc danh... của Frederick, dọa sẽ giết nếu tôi đi bước nữa.

- Của Frederick? Người chồng đã chết?

- Phải. Mới đầu, tôi đến phát điên, tự hỏi mình có mê ngủ hay không. Tôi đến hỏi bố. Bố cho biết sự thật: chồng tôi chưa bị xử bắn. Ông ấy trốn khỏi nhà tù, nhưng không ích gì hơn. Vài tuần sau, trong một tai nạn xe lửa trật bánh, người ta thấy xác ông trong số các nạn nhân. Bố tôi giấu không nói tin ông trốn, nhưng nay ông ta đã chết, nên thấy không cần giữ bí mật.

Lá thư ấy đã khơi lại cả vấn đề. Chồng tôi hãy còn sống chăng?

Bố tôi điều tra việc này và tuyên bố cái xác chôn dưới tên Frederick đúng là của Frederick, ít nhất theo những gì xác định được, vì khuôn mặt đã bị biến dạng. Theo ông, Frederick đã chết thật, lá thư kia chỉ là trò đùa ma quái.

Việc đó còn tiếp diễn nữa: cứ mỗi lần định làm lại cuộc đời với ai, tôi lại nhận được thư đe dọa.

- Chính là chữ của chồng bà?

Bà Leidner thong thả đáp:

- Câu hỏi thật khó: tôi không giữ một thư nào của ông trước đây. Chỉ nhớ mang máng.

- Bà có nhận ra trong thư cách nói nào đặc trưng của ông nhà?

- Không. Trong lúc trò chuyện riêng tư, chúng tôi thường dùng những từ thân mật - chỉ hai chúng tôi biết - nếu có trong thư thì tôi đã không còn nghi ngờ.

- Thế đấy. Có vẻ như không phải thư của ông nhà. Nhưng thế thì của ai?

- Frederick có một cậu em trai mười hai tuổi lúc chúng tôi lấy nhau. Cậu rất yêu Frederick, hết lòng vì anh trai. Về sau cậu ta ra sao, tôi không biết. Cậu ta tên là William. Hay là cậu ta thù tôi, cho tôi là người gây ra cái chết của ông anh? Hồi trước, cậu ta đã hay tỏ ra ghen tị với tôi, nay giở trò này để trừng phạt tôi chăng.

- Có thể lắm - tôi nói - Trẻ con chúa hay thù dai.

- Chắc cậu ta quyết tâm trả thù cho anh.

- Xin bà kể tiếp.

- Ồ! không còn nhiều nữa. Ba năm trước đây, tôi quen anh Eric, không có ý định xây dựng gì. Nhưng rồi anh thuyết phục được tôi hết do dự. Cho đến ngày hôm cưới, tôi chờ có thư đe dọa mới, nhưng không có. Tôi cho là kẻ viết thư nặc danh đã chết, hoặc đã nản cái trò độc ác. Hai ngày sau hôm cưới, tôi nhận được cái này.

Bà lấy chiếc cặp da trên bàn, mở khóa, rút ra lá thư đưa tôi.

Mực viết đã hơi nhạt. Chữ viết rất ngả, nét như của phụ nữ.

Bà đã không tuân lời. Bây giờ không thể thoát khỏi số phận. Bà chỉ là của Frederick Bosner mà thôi. Hãy chuẩn bị để chết!

- Tôi rất sợ, nhưng có Eric ở bên, tôi yên tâm. Một tháng sau, lại lá thư thứ hai.

Tôi chưa quên đâu. Đang lập kế hoạch. Bà sẽ chết. Tại sao dám không tuân lời?

- Ông nhà có biết những lời đe dọa này không?

Bà Leidner từ tốn đáp:

- Ông ấy biết. Nhận được lá thư thứ hai, tôi đưa cả hai cho ông xem. Ông ngả về ý cho đây là trò đùa rẻ tiền. Hoặc là kẻ nào cố tung tin chồng trước của tôi còn sống để tống tiền.

Ngừng một lát, bà nói tiếp:

- Vài hôm sau khi nhận lá thư thứ hai, chúng tôi suýt bị chết ngạt. Có kẻ đã vào nhà trong khi chúng tôi ngủ và mở vòi hơi đốt. May mà tôi thức kịp, ngửi thấy mùi lạ. Không thể giấu mãi mọi chuyện, tôi liền kể anh Eric nghe tất cả những sự đe dọa từ nhiều năm trước. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy Frederick thực sự muốn giết tôi.

Eric thì không bi kịch hóa vấn đề như tôi. Anh muốn báo cảnh sát. Tôi kiên quyết không đồng ý. Cuối cùng, tôi quyết định theo anh đến đây, như thế tốt hơn là ở lại London hoặc Paris, hay đi nghỉ hè ở Hoa kỳ.

Đến đây, mọi việc đã khá hơn, tôi đã nguôi nỗi lo. Dù sao, thì khoảng cách giữa tôi và kẻ thù cũng là một nửa trái đất.

Thế rồi cách đây ba tuần, tôi nhận được một phong thư, dán tem Irắc gửi qua bưu điện...

Bà đưa tôi lá thư thứ ba:

Bà tưởng thoát rồi sao. Lầm to. Tôi không cho phép bà phản bội. Đã cảnh cáo nhiều lần rồi: cái chết đã đến gần.

- Còn đây là cái tôi thấy để trên bàn, cách đây một tuần. Thư đặt thẳng vào đây, không cần qua bưu điện.

Tôi cầm lấy mảnh giấy. Chỉ một câu nguệch ngoạc:

Tôi đã tới.

Bà nhìn thẳng vào tôi:

- Lần này, cô hiểu chưa? Hoặc là Frederick... hoặc là thằng em William... nó giết tôi đến nơi.

Giọng bà run lên. Tôi nắm cổ tay bà, nói để an ủi:

- Thôi nào, nào... hãy can đảm! Có chúng tôi canh chừng rồi. Bà có lọ dầu nào không nhỉ?

Bà chỉ lên bàn trang điểm, và tôi lấy dầu xoa cho bà. Đôi má bà hồng hào trở lại.

- Tốt, đỡ rồi - tôi nói.

- Phải, tôi thấy khá hơn. Nhưng, bây giờ cô đã hiểu tại sao tôi hay hốt hoảng? Lúc thấy người đó nhòm qua cửa sổ phòng tôi, tôi nghĩ: hắn đấy. Hôm cô đến, tôi còn ngờ cả cô nữa. Tôi cho cô là đàn ông đóng giả gái.

- Ồ, lại buồn cười thế!

- Đúng, buồn cười thật, nhưng nhỡ cô không phải y tá, mà là người thông đồng với hắn... nhiều khi trí óc tôi rối lên như thế.

Tôi bỗng nẩy ra một ý, hỏi:

- Bây giờ gặp người chồng trước, bà có nhận ra không?

- Không chắc. Bi kịch xảy ra đã hơn mười lăm năm. Mặt mũi ông có thể thay đổi.

Bà rùng mình:

- Một đêm tôi nhìn thấy mặt ông ấy, nhưng là mặt người chết. Tôi nghe có tiếng gõ ở cửa sổ, nhìn ra thấy thấp thoáng một cái đầu lâu nhăn nhó áp vào kính. Tôi hét lên... vậy mà mọi người bảo là không có gì!

Lúc đó tôi liên tưởng đến câu chuyện của bà Mercado.

- Hay là bà mơ ngủ?

- Ồ, không, tôi bảo đảm là thật!

Tôi thì chưa tin. Trong hoàn cảnh bà Leidner, rất dễ lẫn lộn mơ và thật. Nguyên tắc của tôi là không bao giờ nói trái ý người bệnh, vì vậy tôi chỉ cố an ủi, nói nếu có kẻ lạ nào quanh quẩn đâu đây tất sẽ bị mọi người phát hiện.

Bà đã hồi tâm, tôi để bà đó và đi tìm ông Leidner, nói lại những điều bà vợ đã kể. Ông đáp đơn giản:

- Nhà tôi đã tâm sự với cô, thế là tốt. Những trò dọa dẫm đó cũng làm tôi rất bận tâm. Tôi cho rằng cái mặt nhìn thấy ở cửa sổ và tiếng gõ kính đều chỉ là do bà ấy tưởng tượng. Tôi không biết làm thế nào cho bà yên tâm. Cô y tá nghĩ sao?

Tôi trả lời:

- Có thể những bức thư chỉ là một trò đùa ác.

- Đúng. Nhưng biết làm thế nào? Nhà tôi mất trí rồi, có nghe ai.

Tôi cũng cảm thấy như vậy. Tôi ngờ có bàn tay phụ nữ bên trong. Các bức thư là chữ viết phụ nữ. Tôi ngầm nghĩ đến bà Mercado. Giả thử tình cờ bà ta biết được sự thật về người chồng trước của bà Leidner, bà ta rất có thể khủng bố bà này cho bõ ghen tức.

Nghĩ vậy, song tôi không nói với ông Leidner, sợ biết đâu ông lại hiểu lầm.

- Ồ, không có gì đáng bi quan - tôi nói để an ủi - Sau khi nói hết nỗi lo của mình, tôi thấy bà có vẻ nhẹ nhõm.

- Tôi rất mừng là nhà tôi đã trao đổi với cô. Thế là dấu hiệu tốt. Như vậy là nhà tôi tin cậy cô lắm. Chứ còn tôi, tôi đã hết cách.

Hôm sau, ông Coleman phải đi Hassanich để lĩnh lương cho thợ. Đồng thời, ông cũng sẽ chuyển thư từ của chúng tôi cho bưu điện. Chúng tôi viết thư rồi bỏ tất cả vào một hộp gỗ đặt trên gờ cửa sổ phòng ăn. Tối đó, trước khi đi ngủ, Coleman lấy thư, bó lại thành nhiều bó bằng dây cao su.

Đột nhiên, ông ta cất tiếng kêu.

- Chuyện gì thế? - tôi hỏi.

Ông ta chìa cho tôi xem một phong bì, cười:

- Nàng Louise xinh đẹp tâm trí để đâu hết cả? Bà gửi thư này về địa chỉ: phố 42, Paris, Pháp. Paris làm gì có phố 42? Bà ấy lẫn rồi. Nhờ cô vui lòng mang về, bảo bà viết lại địa chỉ nhé? Bà ấy vừa về phòng xong.

Tôi cầm phong bì chạy về phòng bà Leidner. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy chữ viết của bà, vậy mà sao thấy nó quen quen.

Nửa đêm, một ý nghĩ vụt lóe trong đầu tôi: chữ viết ấy giống hệt nét chữ trong các thư nặc danh, có điều to hơn, không đều hơn. Biết bao câu hỏi ùa vào óc: có phải bà Leidner tự viết các thư nặc danh? Và ông chồng có tin vào những lời kể của vợ?