Xách ba lô lên và đi - Tập 1: Châu Á là nhà, đừng khóc

14. Quê hương là chùm khế ngọt

Sau Kota Kinabalu, tôi về lại Tây Malaysia, Singapore rồi về lại Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam, tôi cũng có ghé thăm bạn bè ở Campuchia, Lào nhưng những chuyến đi đó với tôi là “i du lịch” chứ không phải là “Đi ba lô” nên cũng không có nhiều chuyện để kể. Tôi cũng hay phải đi về giữa Hà Nội và Hải Hậu để làm một số giấy tờ: làm hộ chiếu mới, xin visa. Khi ở Hà Nội, tôi năn nỉ ông anh cho tôi host CouchSurfer. Ông anh tôi đồng ý. Làm chủ nhà cũng không khó như tôi tưởng. Host một vài CouchSurfer giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về CouchSurfing.

Tạm dừng chuyện ba lô qua một bên. Phần này cho tôi lan man về quê tôi một chút.
Chẳng hiểu sao mọi người thường đoán tôi ở Hà Nội. Dạ, tôi là gái quê chính hiệu đấy ạ. Quê tôi ở Hải Hậu, Nam Định. Nhà cách biển chừng mười cây số. Tôi học ở quê hết cấp hai. Lên cấp ba, tôi thi đỗ vào chuyên Toán Khoa học tự nhiên nên lên Hà Nội học. Ở quê tôi, mọi người hay nói ngọng chữ “L” thành chữ“N”. Hồi mới vào lớp mười, có lần thầy giáo lịch sử gọi tên tôi lên bảng trả bài. Tôi nói “Lễ hội” thành“Nễ hội”. Thầy bắt tôi lặp lại cho đến khi nói được thành “Lễ hội” thì thôi. Cả lớp cười nghiêng ngả. Tôi ngượng lắm, từ đấy mới quyết tâm sửa tật nói ngọng. Nhờ vậy mà bây giờ tôi không còn nói ngọng nữa
Hồi học cấp ba, tôi hay thấy tủi thân vì tụi bạn dân thành phố, mình… nhà quê. Bọn nó có laptop, điện thoại xịn, tôi hồi đấy chẳng biết máy tính, Internet là gì. Ốm đau bọn nó có bố mẹ chăm sóc đến tận răng, tôi ốm đau toàn lủi thủi ở nhà một mình. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi thấy mình là đứa may mắn nhất. Nhà ở thành phố to đẹp hiện đại, nhưng có nhà nào vườn rộng mênh mông như nhà tôi ở quê.

Mà tuổi thơ không có vườn quả thật là một thiệt thòi lớn.
Vườn nhà tôi rộng lắm, có đủ các loại cây ăn trái, mùa nào quả nấy: nào xoài, nào nhãn, nào bưởi, nào na, nào mít, nào chuối, nào đu đủ, nào hồng xiêm… Cây hồng xiêm nhà tôi rất to. Cành lá mọc thành từng tán. Tôi rất thích ăn hồng xiêm. Hồi nhỏ, hay trốn ngủ trưa, leo lên hái quả chín, rồi tìm một chỗ êm êm ngay trên cây nằm vắt vẻo. Thỉnh thoảng cũng ngủ quên mất. Khi tỉnh dậy, thấy có cái gì đó nhột nhột ở cổ. Đưa tay lên sợ chợt chạm vào cái gì đó mềm mềm, lành lạnh. Biết là sâu, tôi hoảng hồn leo xuống, bụng bảo dạ không bao giờ trèo cây nữa. Nhưng rồi ngày mai thèm ăn, lại chứng nào tật nấy. Ông nội có khoảng năm mươi gốc na. Mùa đông, sáng sáng, tôi dậy sớm ra vườn giúp ông tìm quả chín, quả nứt, quả bị chim khoét. Ngày nào cũng phải được một rổ đầy. Tôi thích ăn quả bị chim khoét. Ông nội bảo giống chim rất khôn, nó biết quả nào ngon ngọt nhất. Ha, chim khôn chim chọn quả ngon, mình khôn mình giành quả chim chọn.
Lần ấy về chụp ảnh vườn nhà, gặp ai tôi cũng khoe. Khoe rồi mới thấy tội tụi trẻ con Tây thế. Những loại hoa quả mà mình có ở Việt Nam tụi Châu Âu, tụi Mỹ hầu hết đều chưa từng nhìn thấy. Tôi nhớ có lần một đứa Na Uy khi nhìn thấy ảnh cây chuối còn hỏi đây là cây gì. Sau này tôi gặp và chơi thân với Asher, một anh chàng Do Thái người Mỹ. Asher mới gân cổ lên bảo tụi trẻ con châu Á tội nghiệp thì có. Khi tôi đến thăm gia đình Asher ở Israel, Asher dẫn tôi ra vườn nhà dì của anh ta. Anh chàng vênh váo hỏi tôi biết đây là cây gì không, tôi ấm ức lắc đầu. Vườn nhà dì Asher có dây tây, có ô–liu, có vả (quả vả ở Israel rất to và ngọt), có chà là, rồi có cả quả gọi là “Loquat” (tôi tra từ điển họ dịch ra tiếng Việt là quả Sơn trà Nhật Bản, nhưng tôi cũng chưa từng nghe cái tên này bao giờ). Quả “Loquat” nhỏ như quả vải, cả da và thịt đều màu vàng tươi như quả trứng gà. Khi ăn thì bóc vỏ, nhả hạt. Mỗi quả có vài hạt to và đen. Thế giới thật là kỳ diệu. Đi rồi mới thấy có nhiều thứ mình chưa biết thế. Cách các loại cây quả phân bố cũng thật kỳ diệu. Thiên nhiên phân chia là một chuyện, có những loại hoa quả theo những đoàn người di cư vượt hàng ngàn hải lý để trở thành đặc sản của một châu lục hoàn toàn xa lạ. Tôi đi thế này thèm mít tưởng chết. Ở Trung Đông, Bắc Phi không ai biết quả mít là gì, sang đến Tanzania tự nhiên ở đường nào cũng có người chất đống mít rao bán. Ở Israel, dừa là một cây bị cấm, cả đất nước không bao giờ tìm được nước dừa tươi. Ở Nairobi, thủ đô Kenya, dừa là thứ vô cùng hiếm hoi, nhưng ở vùng ven biển, dừa lại là một đặc sản địa phương.
Tôi quyết định rồi, sau này lấy chồng không ở nhà chung cư đâu. Kiểu gì cũng phải kiếm được cái nhà có vườn, không thì tội cho con mình lắm.