Xơ Carrie

Chương XV: Sự khó chịu của những ràng buộc

Càng ngày càng mê đắm Carrie, Hurstwood hoàn toàn bỏ mặc gia đình riêng. Mọi hành động của ông liên quan đến gia đình thuộc loại hình thức nhất hạng. Ông ăn sáng với vợ con, đắm mình trong những tưởng tượng, vượt xa tầm quan tâm của họ. Ông đọc báo, chú ý hơn đến những đề tài nông cạn mà con trai và con gái ông thảo luận. Giữa vợ chồng ông, một dòng chảy lãnh đạm lờ lững trôi.

Giờ đây Carrie đã tới, một lần nữa ông lại trên con đường hạnh phúc. Tối tối, ông thích thú đến khu thương mại. Trong những ngày ngắn ngủi, lúc ông đi bộ, đèn đường lấp lánh vui tươi. Ông bắt đầu trải nghiệm cảm giác hầu như lãng quên, bàn chân của người tình bước gấp. Khi ngắm quần áo sang trọng của mình, ông nhìn chúng theo cách đánh giá của cô, và cái nhìn của cô thật trẻ trung.

Đang trong những tình cảm dạt dào như thế, ông nghe thấy tiếng vợ, những đòi hỏi dai dẳng của cuộc sống vợ chồng rứt ông khỏi giấc mơ và trở về thói quen nhàm chán, làm ông tức điên. Lúc đó, ông hiểu rằng đây là xiềng xích trói chân ông.

- George, - bà Hurstwood nói, trong tâm trí ông, từ lâu trong âm sắc của giọng nói ấy luôn gắn với những đòi hỏi, - mẹ con em muốn mình mua cho một vé mùa[20] xem các cuộc đua ngựa.

- Mình muốn xem tất cả các cuộc đó sao? - Ông nói, cao giọng.

- Vâng, - bà trả lời.

Những cuộc đua nói trên sắp mở tại Công viên Washington ở South Side, được coi là hoạt động xã hội của những người không bị ảnh hưởng tính bảo thủ của tôn giáo. Trước kia bà Hurstwood chưa bao giờ đòi hỏi một tấm vé cả mùa, nhưng năm nay có những lý do nhất định khiến bà đòi hẳn một lô. Trước hết là, một trong những hàng xóm của bà, ông bà Ramsey, vốn sẵn tiền vì kinh doanh than đã làm việc đó. Sau nữa, ông Beale, vị bác sĩ được bà sủng ái, là một quý ông mê ngựa và cá cược, đã nói với bà ý định đăng ký một con ngựa hai tuổi vào The Derby[21]. Lý do thứ ba là, bà muốn trưng Jessica đã trưởng thành và xinh đẹp, đang mơ ước lấy một tấm chồng ra trò. Khao khát của bà loanh quanh những việc như thế và phô trương giữa những người quen biết hoặc đám đông, vốn được khích lệ nhiều như nhau.

Hurstwood ngẫm nghĩ lời gợi ý ấy vài khoảnh khắc và không trả lời. Họ đang ở trong phòng khách tầng hai, đợi bữa tối. Đó chính là tối ông hẹn Carrie và Drouet đi xem Hợp đồng giao kèo, nên ông về nhà để lựa chọn trang phục.

- Mình chắc là các vé tách riêng sẽ không hại gì chứ? - Ông hỏi, ngại nói ra những lời chói tai.

- Không, - bà đáp, nôn nóng.

- Kìa, - ông nói, mếch lòng vì thái độ của bà, - mình không cần phải nói điên lên vì việc đó. Tôi chỉ hỏi mình thôi.

- Em không điên, - bà cáu kỉnh. - Em chỉ xin mình một tấm vé mùa.

- Và tôi đang nói với mình, - ông trả miếng, xoáy cái nhìn rõ ràng và bình tĩnh vào bà, - rằng đấy là thứ không dễ kiếm. Tôi không dám chắc người quản lý sẽ đồng ý cho tôi.

Ông nghĩ lúc nào ông cũng phải “ghìm cương” với các yếu nhân trên đường đua.

- Lúc đó chúng ta có thể mua, - bà kêu the thé.

- Mình nói dễ thế, - ông nói. - Một vé mùa cho gia đình giá một trăm năm mươi đôla đấy.

- Em không cãi vã với mình, - bà đáp lại, quả quyết. - Em muốn có vé và tất cả chỉ có thế.

Bà đứng dậy, và giận dữ bước ra khỏi phòng.

- Được, rồi mình sẽ có, - ông nói dứt khoát, tuy giọng đã dịu hẳn.

Như thường lệ, tối hôm đó thiếu hẳn những người ngồi quanh bàn.

Sáng hôm sau ông đã nguôi đi nhiều, và sau đó tấm vé đã đến đúng lúc, tuy nó không hòa dịu được tình hình. Ông không phản đối cho gia đình một phần công bằng trong mọi thứ ông kiếm được, nhưng ông không thích bị ép buộc, chống lại ý muốn của ông.

- Mẹ có biết là, - hôm sau nữa, Jessica nói, - nhà Spencer sắp đi xa không?

- Không. Mà đi đâu vậy?

- Châu Âu, - Jessica nói. - Hôm qua con mới gặp Georgine và nó kể với con. Nó càng ra vẻ ta đây hơn vì việc đó.

- Nó nói là bao giờ?

- Con nghĩ là thứ Hai. Họ sẽ đăng tin trên báo lần nữa, họ hay làm thế mà.

- Chẳng sao đâu, - bà Hurstwood nói, an ủi, - rồi có ngày chúng ta sẽ đi.

Hurstwood từ từ ngước mắt lên trên tờ báo, nhưng không nói gì.

- “Chúng tôi sẽ đi tàu thủy từ New York đến Liverpool”, - Jessica kêu lên, nhại giọng người cô quen. - “Mong rằng sẽ trải qua phần lớn mùa hè ở Pháp”, rõ thật kiêu ngạo. Cứ làm như đi châu Âu là nhất ấy.

- Chắc hẳn con phải tỵ nạnh với nó rất nhiều, - Hurstwood xen vào.

- Anh George đi rồi hở mẹ? - Hôm sau, Jessica hỏi mẹ, theo kiểu cho thấy Hurstwood chẳng biết tin gì hết.

- Nó đi đâu? - Ông hỏi và ngước nhìn. Trước kia ông chưa bao giờ mù tịt về các chuyến đi.

- Anh ấy đến Wheaton[22] - Jessica nói, không để ý đến vẻ coi nhẹ của bố.

- Ở đấy có gì vậy? - Ông hỏi, thầm cáu và bẽ mặt vì phải dò hỏi tin tức theo kiểu này.

- Một cuộc thi tennis, - Jessica nói.

- Nó không nói gì với bố, - Hurstwood kết luận, thấy khó mà giấu được sắc thái cay đắng.

- Em cho là nó quên, - vợ ông nói, ôn tồn.

Trước kia, ông luôn xứng đáng được kính trọng ở mức độ nhất định, một thứ phức hợp của tôn trọng và kính sợ. Sự thân mật suồng sã phần nào vẫn tồn tại giữa ông và con gái mà ông đã từng ve vãn. Thật ra, nó không đi quá những lời tán tỉnh. Sắc thái luôn vừa phải. Dù bất kể là gì đi nữa, thiếu sự thương yêu và hiện giờ ông thấy ông đang mất hút dấu vết hành vi của họ. Ông hiểu là sự thân mật không còn nữa. Có lúc ông nhìn thấy họ bên bàn ăn, có lúc không. Đôi khi ông nghe được việc họ đang làm, nhưng thường là không hay biết. Một số ngày, ông hoang mang vì những chuyện họ bàn tán, những việc họ đã thu xếp để làm hoặc đã làm trong lúc vắng mặt ông. Chạnh lòng hơn là cảm giác ông không được nghe nhiều việc vặt vãnh đang diễn ra. Jessica bắt đầu thấy những chuyện yêu đương là của riêng cô. Còn George Jr. hình như dương dương tự đắc đã là một người đàn ông hoàn toàn và cần phải có những chuyện riêng tư. Hurstwood nhìn thấy mọi việc này, nó để lại dấu vết trong tình cảm, vì ông đã quen cân nhắc kỹ càng - ít nhất là ở địa vị tại nơi làm việc, - vì cảm thấy tầm quan trọng của ông bắt đầu mất dần ở nhà. U ám hơn cả, ông thấy sự lãnh đạm và độc lập đang phát triển ở vợ ông, trong lúc ông chỉ đứng nhìn và thanh toán mọi hóa đơn.

Tuy vậy, ông tự an ủi rằng rốt cuộc, ông không thiếu tình yêu. Ở nhà, mọi việc có thể diễn ra như thế, nhưng ở bên ngoài, ông đã có Carrie. Với khả năng tưởng tượng, ông ngắm nghía căn phòng dễ chịu của Carrie ở Ogden Place, nơi ông đã trải qua vài tối thỏa mãn, và nghĩ sẽ đáng mê biết bao nếu Drouet bị tống khứ hoàn toàn và tối tối, cô đợi ông trong căn hộ xinh xắn, ấm cúng này. Drouet chưa cho Carrie biết gì về tình trạng hôn nhân của ông, và ông cảm thấy đầy hy vọng. Sự việc diễn ra êm ả đến mức ông tin rằng sẽ không thay đổi. Ông đã thuyết phục Carrie rằng mọi sự sẽ rất vừa ý.

Sau ngày họ đi xem hát, ông bắt đầu viết thư cho cô thường xuyên, mỗi sáng một thư, và nài nỉ cô cũng làm như thế với ông. Ông không giỏi văn chương, nhưng trải đời và tình yêu đang lớn mạnh tạo cho ông một phong cách riêng. Ông mua một cái hộp màu sắc tinh tế đựng giấy viết thơm có chữ lồng, khóa lại và cất trong ngăn kéo. Giờ đây, các bạn ông đều ngạc nhiên vì địa vị cũng như diện mạo như mục sư và rất trịnh trọng của ông. Năm bồi rượu trông nom các việc cụ thể để không phải gọi một người bận bịu công việc bàn giấy và mải viết lách như ông.

Hurstwood ngạc nhiên vì cách viết trôi chảy của mình. Nhờ quy luật tự nhiên ảnh hưởng đến mọi sự nỗ lực, những điều ông viết đã tác động trở lại con người ông. Ông bắt đầu cảm nhận được sự tinh tế mà chữ nghĩa thể hiện. Mỗi lần diễn đạt lại tăng thêm các ý niệm. Những xúc động trong thâm tâm lại tìm ra lời lẽ thể hiện. Ông nghĩ Carrie xứng đáng với mọi yêu thương mà ông có thể biểu lộ.

Carrie rất xứng được âu yếm đằm thắm, nếu như tuổi trẻ và sự duyên dáng là dấu hiệu được đời công nhận đang trong lúc bừng nở. Trải nghiệm không làm mất đi sự tươi trẻ của tinh thần vốn là sức quyến rũ của thân thể. Cặp mắt dịu dàng, trong trẻo của cô không vẩn chút chán ngán. Cô từng bận tâm vì nghi ngại và khao khát, nhưng những thứ đó không gây ấn tượng sâu sắc hơn thảy một cái liếc nhìn và lời nói bâng khuâng. Khuôn miệng cô biểu cảm trong mọi lúc, cả lúc nói chuyện lẫn lúc nghỉ ngơi, ngay cả trong lúc gần như phát khóc. Cách phát âm từng âm tiết khiến môi cô tạo hình rất đặc biệt, vừa khêu gợi vừa cảm động như một áng văn thống thiết.

Cung cách của cô không có chút nào liều lĩnh. Cuộc sống đã không dạy cô biết sức chi phối, sự kiêu kỳ của vẻ yêu kiều là sức mạnh đầy quyền uy của một số phụ nữ. Sự khát khao được đền bù của cô chưa đủ mạnh xúi cô đòi hỏi. Ngay cả bây giờ cô vẫn thiếu tự tin, dù những trải nghiệm khiến cô đỡ nhút nhát hơn. Cô thèm khoái lạc, thèm địa vị, song vẫn bối rối khi có thể có những thứ này. Mỗi giờ đầy sắc màu biến ảo của tình yêu phủ một vẻ rực rỡ huy hoàng càng khiến cô thêm khao khát mọi thứ. Thay lô xem hát và vài thứ khác trở thành một việc đẹp đẽ và hoàn hảo.

Về mặt tinh thần, cô phong phú hơn trong cảm xúc cũng như sức sống dồi dào hơn. Nỗi buồn trong cô bị khuấy động vì nhiều hình ảnh - một sự thôi thúc tự nhiên, tiếc thương cho cảnh yếu đuối và bơ vơ. Cô đau đớn khôn nguôi khi nhìn thấy những người mặt mũi xanh mét, ăn mặc tả tơi, thất thần vì khổ sở lội bì bõm gần cô. Cô thương xót tận đáy lòng những cô gái quần áo xoàng xĩnh, mệt đứt hơi chiều chiều từ phân xưởng nào đó ở West Side vội vã về nhà, đi qua cửa sổ của cô. Cô đứng và cắn môi lúc họ đi qua, lắc mái đầu nhỏ nhắn và băn khoăn. Họ tội nghiệp quá, cô nghĩ. Họ mới rách rưới và nghèo khổ làm sao. Những bộ quần áo bạc màu, lùng thùng khiến mắt cô nhức nhối.

“Họ làm việc mới vất vả làm sao!” là lời bình luận duy nhất của cô.

Thỉnh thoảng, cô nhìn thấy những người đàn ông Ailen làm việc trên đường phố bằng cuốc chim, những công nhân xúc than, những người Mỹ bận rộn làm những công việc cơ bắp thường khiến cô mủi lòng. Hiện giờ, cô đã thoát cảnh lao động nặng nhọc, hình như nó càng trở nên khổ sở hơn khi cô còn là một phần trong đó. Cô nhìn cảnh đó qua màn sương mờ tưởng tượng, tranh tối tranh sáng, nhợt nhạt, vốn là tinh chất cho cảm xúc đầy chất thơ. Đôi khi, một gương mặt trong cửa sổ nào đó gợi cho cô nhớ đến người cha già của cô, trong bộ quần áo thợ cối xay dính đầy bột mì. Một thợ giày gõ nhát búa cuối cùng, một thợ rèn nhìn thấy qua cửa sổ hẹp tầng hầm, nơi sắt đang nóng chảy, một thợ mộc trong một cửa sổ cao chót vót, không áo khoác, tay áo xắn cao, tất cả những hình ảnh ấy đưa trí tưởng tượng của cô trở về với những chi tiết của xưởng nghiền bột mì. Cô cảm thấy, tuy hiếm khi lộ ra, những ý nghĩ buồn bã bao phủ cảnh an nhàn hiện nay. Sự cảm thông của cô với những người làm việc cực nhọc xuất phát từ chỗ cô vừa thoát khỏi, và cô hiểu rất rõ.

Tuy Hurstwood không biết, song ông đang giao du với một trong những người có xúc cảm dịu dàng và tế nhị như Carrie. Ông không hiểu, nhưng những cảm xúc nội tâm của cô lôi cuốn ông. Chưa bao giờ ông thử phân tích bản chất sự yêu mến của ông. Sự dịu dàng trong mắt cô, sự yếu đuối trong thái độ của cô, sự đôn hậu và hy vọng trong suy nghĩ của cô là đủ rồi. Ông bị cuốn đến gần bông hoa sen này, thấm nhuần vẻ đẹp mềm mại và hương thơm từ sâu dưới nước mà ông chưa bao giờ biết đến từ bùn và đất mà ông không thể hiểu nổi. Ông bị thu hút vì vẻ mịn màng và tươi mát. Nó làm dịu đi những cảm nghĩ của ông về bản thân. Nó làm cho buổi sáng trở nên thú vị.

Về phương diện cơ thể, cô đã đẹp lên rất nhiều. Sự vụng về của cô hầu như đã tan biến, nếu còn lại chỉ là một chút hay hay, thú vị như một sự duyên dáng hoàn hảo. Đôi giày xinh xắn của cô giờ gót cao, rất hợp với sự khéo léo của cô. Cô đã hiểu biết nhiều về ren và những thứ khăn quàng, cổ áo tao nhã, bổ sung cho diện mạo của người phụ nữ. Thân hình cô nở nang đến mức đầy đặn đáng ngưỡng mộ.

Một sáng, Hurstwood viết thư, hẹn gặp cô ở Công viên Jefferson, phố Monroe. Ông không ghé thăm nữa, ngay cả khi Drouet có nhà.

Một giờ trưa hôm sau, ông đã ở trong công viên nhỏ xinh đẹp, và thấy một chiếc ghế dài bằng gỗ thô sơ dưới tán lá xanh tươi của bụi tử đinh hương viền lối đi. Đây là mùa trong năm đầy khí xuân, không còn gì tàn tạ. Bọn trẻ con ăn mặc sạch sẽ đi những con thuyền buồm trắng muốt. Trong bóng cái quán xanh tươi, một sĩ quan cảnh sát đang nghỉ ngơi, cánh tay khoanh lại, cái dùi cui đeo thư thái ở thắt lưng. Người làm vườn già đang trên bãi cỏ, dùng cặp kéo lớn xén tỉa mấy bụi cây. Tít trên cao là bầu trời xanh trong trẻo của đầu hè, trong tán lá cây xanh mướt, sáng bóng dày đặc, những con chim sẻ ríu rít nhảy nhót và hót líu lo.

Sáng hôm ấy lúc ra khỏi nhà, Hurstwood cảm thấy nỗi phiền muộn cũ đeo đẳng. Ở nhà hàng, ông rất nhàn rỗi, không cần viết lách gì. Ông bỏ đi, đến nơi này với trái tim nhẹ nhõm, đặc điểm của những người gạt sự buồn chán lại đằng sau. Giờ đây, trong bóng cây mát mẻ, xanh tươi, ông nhìn quanh với trí tưởng tượng của một người đang yêu. Ông nghe thấy tiếng những chiếc xe ngựa ì ạch lết đi trên các đường phố, nhưng chúng ở xa, và tai ông chỉ nghe thấy tiếng rì rầm. Tiếng rền của thành phố bao quanh nghe văng vẳng, tiếng một quả chuông thỉnh thoảng kêu lanh lảnh như tiếng nhạc. Ông ngắm nhìn và mơ một giấc mơ thú vị, không gắn gì đến hiện tại. Trong mơ, ông trở lại là Hurstwood trước đây, chưa lấy vợ và cũng không có địa vị vững vàng trong đời. Ông nhớ lại tâm trạng nông nổi trong cái thời theo đuổi các cô gái, ông đã khiêu vũ ra sao, tháp tùng họ về nhà rồi trèo qua cổng nhà họ như thế nào. Gần như ông mơ ước trở lại thời đó lần nữa, và ở nơi đây, trong mùi thơm dễ chịu này, ông cảm thấy dường như ông hoàn toàn tự do.

Đến hai giờ, Carrie hồng hào và xinh tươi tản bộ theo con đường đến thẳng chỗ ông. Cô mới may chiếc mũ thủy thủ cho mùa, buộc dải ruy băng màu xanh lơ đốm trắng đẹp mắt. Váy cô màu xanh lơ lộng lẫy, sơ-mi rất hợp màu, kẻ sọc xanh lơ trên nền trắng như tuyết, những đường kẻ sọc mảnh như sợi tóc. Đôi giày nâu của cô thỉnh thoảng lộ ra dưới tà váy. Bàn tay cô đi găng.

Hurstwood mãn nguyện ngước nhìn cô.

- Em yêu quý nhất, em đã tới, - ông hân hoan nói, đứng dậy và cầm lấy tay cô.

- Tất nhiên rồi, - cô mỉm cười nói. - anh tưởng em không đến ư?

- Anh không biết, - ông đáp.

Ông nhìn trán cô ẩm ướt vì đi bộ nhanh. Rồi ông rút chiếc khăn mùi soa bằng lụa mềm mại, thơm phức, chấm chấm trên mặt cô.

- Giờ thì ổn rồi, - ông nói trìu mến.

Được ở bên nhau gần gũi, nhìn vào mắt nhau, họ rất hạnh phúc. Cuối cùng, khi cơn thỏa nguyện dài đã dịu, ông nói:

- Bao giờ Charlie lại đi vắng?

- Em không biễt, - cô trả lời. - Anh ấy bảo hiện giờ có một số việc phải làm cho ngôi nhà.

Hurstwood nghiêm trang hơn và rơi vào trầm ngâm. Lát sau, ông ngước nhìn và nói:

- Em hãy ra đi và bỏ anh ta.

Ông quay nhìn những cậu trai trên thuyền, như thể lời yêu cầu ít ý nghĩa.

- Chúng ta sẽ đi đâu? - Cô hỏi cũng với cung cách ấy, vừa cuộn tròn đôi găng vừa nhìn vào cái cây gần đó.

- Vậy em muốn đi đâu? - Ông hỏi.

Trong giọng ông có một cái gì đó khiến cô cảm thấy dường như phải nhớ lại cảm nghĩ chống lại các ngôi nhà ở địa phương.

- Chúng ta không thể ở lại Chicago, - cô đáp.

Ông không ngờ cô nghĩ thế, khi gợi ý chuyển nhà.

- Sao lại không? - Ông hỏi mềm mòng.

- Ồ, vì, - cô nói, - em không muốn thế.

Ông lắng nghe và lờ mờ cảm nhận được ý nghĩa của câu đó. Nghe như có vẻ không nghiêm túc. Câu hỏi cũng không đòi trả lời ngay lập tức.

- Anh sẽ phải từ bỏ cương vị của minh, - ông nói.

Ông dùng giọng khiến cho vấn đề trở nên nhẹ nhõm hơn nhiều. Carrie suy nghĩ một chút, trong lúc khoan khoái hít thở hương thơm.

- Em không thích sống ở Chicago và anh ấy ở đây, - cô nói và nghĩ đến Drouet.

- Đây là một thành phố lớn mà, em yêu, - Hurstwood đáp. - Có thể chuyển đến phần khác trong thành phố cũng tốt, như đến South Side chẳng hạn.

Ông chọn khu này như một mục tiêu.

- Hơn nữa, - Carrie nói, - em sẽ không thể lấy chồng trong chừng mực anh ta còn ở đây. Em không muốn chạy trốn.

Lời gợi ý đến hôn nhân đập mạnh vào tâm trí Hurstwood. Ông thấy rõ đây là ý tưởng của cô, và cảm thấy không dễ dàng bác bỏ được. Trong chốc lát, ý nghĩ vi phạm luật một vợ một chồng lóe sáng những ý nghĩ mờ ảo của ông. Ông tự hỏi sao ông không tìm cách thoát khỏi mọi thứ. Có lẽ ông không thấy là ông đang làm mọi thứ để giữ được sự quý trọng của cô. Giờ đây nhìn cô, ông nghĩ cô thật xinh đẹp. Thật bõ công làm cô phải yêu ông, dẫu nó đang rối bời! Trong mắt ông, cô tăng thêm giá trị vì sự phản đối của cô. Cô là thứ phải đấu tranh để giành lấy, và là tất cả. Khác xa với những người đàn bà sẵn sàng chịu thua! Ông đã quét sạch họ khỏi tâm trí ông.

- Em không biết khi nào anh ta đi ư? - Hurstwood hỏi khẽ.

Cô lắc đầu.

Ông thở dài:

- Em là một tiểu thư bé bỏng kiên quyết, em biết không? - Lát sau, ông nói và ngước nhìn vào mắt cô.

Cô cảm thấy một làn sóng tình cảm quét qua cô. Thật hãnh diện được ông ngưỡng mộ và cảm mến người đàn ông cảm nhận được việc này liên quan đến cô.

- Không ạ, - cô bẽn lẽn nói, - nhưng em thì có thể làm được gì?

Ông lại chắp tay và quay nhìn qua bãi cỏ vào phố.

- Anh ước gì, - ông nói, thống thiết, - em sẽ ra đi với anh. Anh không thích ở xa em như thế này. Đợi chờ thì có gì hay đâu? Em không hạnh phúc hơn, phải không em?

- Hạnh phúc hơn ư! - Cô kêu khẽ, - anh thừa biết rồi còn gì.

- Chúng ta đang ở đây, - ông nói tiếp cũng với giọng đó, - phí phạm những ngày tháng của chúng ta. Nếu em không hạnh phúc, em tưởng là anh có ư? Phần lớn thời gian, anh ngồi và viết thư cho em. Anh phải nói với em rằng, Carrie, - ông kêu lên, bất ngờ biểu lộ sức mạnh trong âm sắc và nhìn xoáy vào mắt cô, - anh không thể sống thiếu em, và tất cả là thế. Bây giờ, anh sẽ làm gì đây? - Ông kết luận, xòe lòng một bàn tay trắng trẻo ra để chấm dứt, vẻ bơ vơ.

Với Carrie, sự thay đổi chủ đề này thật hấp dẫn. Vẻ ngoài buồn phiền mà không nặng nề làm xúc động trái tim người phụ nữ.

- Anh không thể đợi một thời gian sao? - Cô dịu dàng hỏi. - Em sẽ cố tìm hiểu khi nào anh ấy đi vắng.

- Việc ấy thì có gì hay ho nào? - Ông hỏi, giữ vẻ căng thẳng.

- Vậy chúng ta có thể thu xếp đi đâu đó.

Thực ra, cô chẳng thấy gì sáng sủa hơn trước, nhưng cô sắp rơi vào tâm trạng cảm thông của một người phụ nữ cam chịu.

Hurstwood không hiểu. Ông đang tự hỏi làm thế nào để thuyết phục được cô, khẩn khoản ra sao để cô mủi lòng và bỏ rơi Drouet. Ông băn khoăn không biết cô còn vương vấn tơ lòng với cậu ta đến chừng nào. Ông nghĩ đến một số câu hỏi buộc cô phải tiết lộ.

Cuối cùng, ông nắm được một trong những lời xác nhận mơ hồ thường che đậy những thèm muốn, trong khi ta hiểu những khó khăn mà người khác gây ra cho mình, và thế là tìm ra một cách. Nó không phải là liên hệ mong manh nhất với mọi dự định của ông, và chỉ ngẫu nhiên buột miệng trước khi ông có thời gian suy nghĩ chín chắn.

- Carrie, - ông nói, nhìn vào mặt cô và lấy lại vẻ nghiêm túc mà ông không cảm thấy, - già sử tuần sau hoặc tuần này anh đến với em, như tối nay chẳng hạn, bảo em phải ra đi vì anh không thể ở lại thêm phút nào nữa và sẽ không quay lại, em có đi cùng anh không?

Người tình của ông liếc nhìn ông với vẻ trìu mến nhất, câu trả lời của cô đã sẵn sàng trước khi lời lẽ thốt khỏi miệng cô.

- Có, - cô nói.

- Em sẽ không ở lại để tranh cãi hoặc dàn xếp chứ?

- Không, nếu anh không thể đợi.

Ông mỉm cười khi thấy cô hiểu ý ông một cách nghiêm túc và ông nghĩ đây là cơ hội cho một cuộc vui chơi độ một hoặc hai tuần lễ. Ông định bảo cô rằng ông đùa và cô hãy bỏ ngay vẻ nghiêm túc kia đi, nhưng hiệu quả của nó quá thú vị. Ông cứ để nguyên.

- Giả sử chúng ta không có thời gian để cưới ở đây? - Ông nói thêm, một ý nghĩ nảy ra quá muộn khiến ông giật mình.

- Nếu chúng ta cưới ngay khi kết thúc chuyến đi thì hay quá.

- Anh cũng định thế, - ông nói.

- Vâng.

Lúc này, buổi sáng với ông dường như đặc biệt rạng rỡ. Ông không biết cái gì đã đưa ý nghĩ ấy vào đầu ông. Không hiểu nổi, song ông không khỏi mỉm cười vì sự thân tình của nó. Nó chứng tỏ cô yêu ông. Lúc này ông không còn ngờ vực gì nữa, và ông sẽ tìm ra cách giành được cô.

- Vậy thì, - ông nói, trêu đùa, - một tối nào đấy, anh sẽ tới và cuỗm em đi, - rồi ông cười vang.

- Tuy vậy, em sẽ không ở với anh nếu anh không cưới em, - Carrie nói thêm, nghĩ ngợi.

- Anh không muốn em nghĩ thế đâu, - ông âu yếm nói và cầm tay cô.

Lúc này cô quá vui vì đã hiểu. Cô càng yêu ông hơn khi nghĩ ông sẽ giải thoát cho cô. Về phần ông, từ “kết hôn” không ở lâu trong đầu ông. Ông cho rằng với tình yêu như thế, sẽ không có một trở ngại nào cho hạnh phúc cuối cùng của ông.

- Chúng mình đi nào, - ông nói hớn hở, rồi đứng dậy và ngắm nghía khắp công viên đẹp đẽ.

- Vâng ạ, - Carrie nói.

Họ đi qua cậu thanh niên Ailen, cậu ta nhìn theo họ với ánh mắt thèm muốn.

“Cặp này sung sướng quá, - cậu ta tự nhủ. - Chắc họ giàu lắm”.