Xóm Cầu Mới

Chương 11

Sáng ngày trước khi đi câu tôm, Tý bảo Bé:

"Từ rày có thiếu tôm thì chị phải đi mua lấy. Em không đi câu ở bến Trò nữa, em tìm được một chỗ nhiều tôm lắm cơ".

Ngừng một lát, Tý lại nói:

"Với lại bác Đỗi bây giờ bác ấy khó chịu làm sao ấy".

Nghe Tý nói vậy, Bé nhẹ hẳn người và cái ý nghĩ chiều nay lại có thể đến thăm Đỗi ở bến Trò làm tim nàng thổn thức. Mới cách mặt độ hai mươi hôm mà Bé tưởng đã lâu như một năm. Nàng tức Đỗi đã có lỗi làm cho Tý ngày nào cũng đến bến Trò lại còn làm cao không thèm tìm đến cửa hàng để gặp mặt nàng. Ngày nào Bé cũng đợi và ngày nào cũng thất vọng và càng lâu ngày cái tức càng tăng. Bé định bụng nếu Đỗi đến thì sẽ đứng ngay chạy vào trong bếp, không thèm tiếp để Đỗi tức và hả giận. Bé tưởng tượng lúc Đỗi đến cửa hàng, vào ngồi ở ghế; nàng để Đỗi ngồi vào ghế hẳn hoi, lật xong bát nước chè, lúc đó nàng mới đứng lên và đi vào trong bếp, nhất định không thèm nói nửa lời và nếu Đỗi cả gan dám gọi thì nàng nhất định không đáp, đợi cho vừa đúng lúc Đỗi đi ra đến đường cái nàng lại ra hàng và hắng giọng cho Đỗi nghe thấy để Đỗi phải tức uất lên. Bé thấy trước là sẽ thích lắm nếu làm được như thế và từ ngày nghĩ ra cách ấy, mỗi buổi chiều không thấy Đỗi đến nàng lại càng tức mình hơn và càng khổ hơn.

Suốt ngày hôm ấy Bé lưỡng lự không biết có nên đến tìm Đỗi không, hay là không đi, cương quyết đợi cho Đỗi đến. Theo lý ra thì Đỗi có lỗi phải đến trước, nàng sẽ không tiếp để cho Đỗi tức rồi sau đó nàng mới đến bến Trò gặp Đỗi và xí xoá hết cả những chuyện cũ đi. Nhưng Bé thấy mình khó lòng nén được cái ý muốn đến ngay chiều hôm nay, đến để mắng Đỗi một trận cho hả tức. Đợi Đỗi đến thì lâu quá và cái tức cứ kéo dài ra mãi không biết tới bao giờ. Đến chiều Bé quả quyết là sẽ đi đến bến Trò để cự Đỗi ngay.

Bé thấy cô Mùi đã mở hộp đếm số tiền thu được trong ngày. Cô Mùi sắp về nhưng vừa lúc đó thì ông giáo Đông lại vào hàng gọi một chai bia. Mùi đứng lên, ra tiếp - khách ngồi bên bàn khăn trắng thì bao giờ cũng do Mùi tiếp - Mùi đã cố tìm và đã tìm ra cái mở bia, vì thế không phải nhờ ông giáo Đông cắn nút chai.

Nàng nghiêng cái cốc rót rượu cho khỏi có bọt để tỏ cho ông khách biết rằng nàng đã học được cách rót rượu của ông và còn nhớ rõ là ông thích uống bia không có bọt. Đông nhìn cách Mùi rót bia, gật gật như tỏ ý bằng lòng. Được một cô hàng đẹp rót rượu cho uống, Đông khoan khoái uống một hơi cạn rồi lấy tay quệt miệng một cái và đưa cốc cầm nghiêng đợi Mùi rót rượu bia. Đông sang chỉ cốt ngồi uống bia và nhìn mặt Mùi một lát. Chàng không đem cặp đi vì không định tâm nói với Mùi về ích lợi của sự để dành tiền. Đông lim dim mắt nhìn Mùi trong khi đợi Mùi rót cạn chai. Vẫn biết cái cách tay cầm cốc mà bắt cô hàng rót rượu như thế hơi trịch thượng nhưng Đông thấy làm như thế thì có vẻ đầy thân ái và Đông có cái cảm tưởng được Mùi chuốc rượu mời như một cô ả đào nào đấy. Mùi cũng nhận thấy chỗ sỗ sàng của ông khách này, đã tức lắm nhưng cũng cố điềm tĩnh rót rượu vào cốc và cố cho rượu khỏi chẩy vào tay ông khách. Đông mỉm cười thấy Mùi vừa cẩn thận rót rượu vừa há đôi môi ra giống như điệu bộ một người vú em cho trẻ con ăn bột và chàng cũng bắt chước há miệng ra. Chàng nghĩ đến cái thú được hôn vào đôi môi của Mùi mà lúc đó chàng thấy nồng nàn ân ái. Chàng đưa cốc lên mồm và uống từng ngụm nhỏ, vừa uống vừa nhìn vào đôi môi của Mùi.

"Thế nào ông giáo, độ này ông có bán được nhiều phiếu để dành tiền không. Tôi muốn để dành ít tiền".

Đông đặt ngay cốc xuống và đưa mắt nhìn Bé. Giá không có Bé ngồi đó thì tiện hơn nhưng cũng không sao vì chính Mùi hỏi trước chắc Mùi không cần giấu Bé. Đông đặt tay lên cái khay cốc và tưởng tượng như là đặt tay trên cái cặp da rồi vừa xoay mấy cái cốc trên khay vừa nói về cách thức để dành tiền. Bỗng Đông lại đưa mắt nhìn Bé một cái và để ý đến cái khăn trắng che mắt của Bé. Chàng thấy mình nói không được gẫy gọn như mọi lần. Mùi bảo:

"Thưa ông giáo, công ty có nhà hàng nào bảo đảm không?"

Đông đưa mắt nhìn Mùi, ngạc nhiên về câu hỏi có vẻ chuyên môn của cô gái nhà quê. Mùi không cười, vẻ mặt vẫn cố làm ra ngây thơ như khi hỏi về cách thức làm cho rượu bia khỏi đắng. Nàng nhất quyết muốn báo thù Đông vì cái cử chỉ khinh thị nàng. Đông hỏi lại:

"Ư ử, cô hỏi gì cơ?"

"Thưa ông giáo, tôi muốn hỏi công ty Công Ích đứng riêng hay là một chi nhánh của một nhà băng nào bên Pháp hay của nhà Địa ốc ngân hàng".

Đông lại mở to mắt hơn. Chàng không trả lời vì đối với một người con gái nhà quê mà biết đến cả nhà băng, nhà địa ốc, chi nhánh, bảo đảm thì rất không nên nói chuyện lâu vì một là nguy hiểm hai là sẽ lộ cái dốt của một ông giáo như mình ra, nhất là Mùi lại có ý dằn vào hai tiếng ông giáo. Chàng định xoay câu chuyện và nói đùa:

"Cô thông thạo nhỉ. Trước kia cô có mở nhà băng?"

Mùi cười:

"Thưa ông giáo, ông nói đùa thế chứ nhà cháu làm gì có tiền mở nhà băng. Mở một cái nhà băng ít nhất cũng phải có mười vạn bạc vốn".

Nàng không nhớ rõ Siêu đã bảo nàng số tiền vốn của Địa ốc ngân hàng là bao nhiêu nhưng nàng cũng cứ nói bừa:

"Ông xem như Địa ốc ngân hàng cũng phải đến hai mươi nhăm vạn bạc vốn, còn hãng Hôm-Be..."

Mùi ngừng lại để nhận thấy cái ngạc nhiên gần như kinh hãi trên nét mặt Đông, nhưng nàng vẫn cố nhịn không cười và tiếp theo thản nhiên như nói đến chuyện làm nhân bánh cuốn:

"Thưa ông giáo, còn hãng Hôm-Be ở Ba-Lê có nuôi mấy cái nhà băng, nhà máy đồn điền cao su thì vốn không biết bao nhiêu mà kể".

Đông không biết là có hãng Hôm-Be nhưng chàng cũng làm như có biết hãng đó. Chàng cố gượng cười:

"Cô lại biết được có cả hãng Hôm-Be".

Mùi bắt chước bà chủ Nhật Trình, đáp vắn tắt:

"Ấy thế".

Rồi nàng trở lại câu chuyện để dành tiền:

"Thưa ông giáo, số tiền vốn mà công ty Công Ích thu được của mọi người, công ty chắc phải đem khai mỏ hay buôn bán để lấy lãi, nhưng ngộ nhỡ buôn bán thua lỗ, phá sản thì bao nhiêu có ít tiền người ở vùng này đều mất hết gia tài và chết đói. Ông chắc còn nhớ vụ phá sản của hãng Pa-na-mơ".

Nghe nói đến mấy chữ phá sản Panama, chàng sợ hãi như là chính chàng cũng sắp bị phá sản. Nếu Mùi cũng đi kể với mọi người những điều nàng kể với mình thì chàng phải bỏ phủ này đi nơi khác kiếm ăn. Ngoài mặt, Đông vẫn cố làm bộ cứng và nói:

"Mấy khi đã xẩy ra. Vả lại công ty Công Ích có cụ Sứ Ê-đà đỡ đầu..."

Thấy vẻ luống cuống của Đông, Mùi biết thế đã đủ thích của nàng rồi và không muốn làm mích lòng người khách hàng của mình thái quá. Thấy Đông có vẻ tự cao thạo đời và cái gì cũng biết, nàng đã cố để cả một buổi tối hỏi Siêu về các hãng buôn, nhà băng một cách rõ ràng hơn là hôm dọn đồ đạc. Mùi lại thấy ông giáo Đông sỗ sàng cầm cốc ở tay bắt mình rót nên nàng muốn báo thù. Báo thù thế đã đủ thích, Mùi nói:

"Với lại tôi chắc công ty Công Ích lấy vốn của những người ít tiền thì chắc có nhà nước đảm bảo và bắt buộc công ty chỉ được đặt tiền vào những việc kinh doanh chắc chắn, có phải không ông giáo".

Đông tươi hẳn nét mặt; câu nói của Mùi đã làm chàng nghĩ đến sự đảm bảo của nhà nước chắc hơn là cụ sứ Edouard. Chàng nói luôn:

"Ý tôi cũng muốn nói thế khi tôi bảo là có cụ Sứ Ê-đà đảm bảo".

Nhưng chàng vẫn khó chịu tự hỏi tại sao một cô gái bán bánh cuốn lại thông thạo về những cái bí hiểm của các hội buôn lớn mà chính chàng không biết.

Bé thì không hiểu hai người nói chuyện gì. Nàng khó chịu thấy Mùi mải nói chuyện chưa về để nàng có thể sang bến Trò; ông giáo Đông cũng còn một ít rượu trong cốc cũng mải nói chuyện quên không uống cạn. Bé đâm ra tức ông giáo Đông, vì ông giáo Đông còn ngồi đấy thì cố nhiên Mùi không bỏ về được. Nàng rứt cái khăn che mắt, vứt xuống ghế để tỏ sự tức của mình và đưa mắt nhìn ông giáo Đông tưởng như làm thế thì ông giáo Đông phải bỏ đi ngay. Đông thì chú ý nhìn cái khăn trắng nằm trên ghế cũng giống như cái khăn trắng chàng tưởng là khăn của Mùi và nhặt bỏ túi hôm nọ để đem về làm kỷ niệm. Chàng sực nhận ra mùi thuốc ở khăn tay mà hôm nọ chàng cho là hơi hướng của da thịt Mùi, con gái một ông Lang, chỉ là mùi thuốc đau mắt và chiếc khăn tay chàng tưởng của Mùi chỉ là một chiếc khăn bẩn Bé dùng để che mắt đau. Chàng thấy một sự ngượng làm cả người chàng rờn rợn như bị nổi gai ốc. Đã không biết bao nhiêu lần trước khi đi ngủ, chàng đã hôn hít một chiếc khăn che mắt bẩn. Chàng đứng lên nói với Mùi:

"Thôi cô ngồi hàng, tôi phải về, có ít việc".

Đông trả tiền rồi đi thẳng về nhà, đóng cửa lại chắc chắn. Chàng lấy bao diêm rồi đến đầu giường lật cái gối lên và rón rén đưa hai ngón tay cầm nhẹ lấy góc khăn đem xuống bếp đốt. Đông thấy gai gai ở mắt như là đã bị lây đau mắt của Bé rồi. Chàng sợ cả cái mùi khét của vải đốt và thấy hơi lợm giọng. Đốt xong, Đông nhẹ hẳn người tháo cái áo gối đem giặt ngay và giặt đến ba bốn nước xà phòng. Chàng nghĩ lại giá lúc lấy trộm khăn giấu vào túi mà Bé trông thấy thì thật là suốt đời không bao giờ chàng quên được cái xấu hổ đó: nghĩ đến chỗ ấy, Đông thấy lạnh ran cả sống lưng.

Bé lấy làm ngạc nhiên rằng cái lối vứt khăn và nhìn ông giáo Đông lại có hiệu nghiệm làm ông vội vã đi ngay. Bé nghĩ thầm chắc ông ấy sợ nhìn vào mắt đau thì sẽ bị lây. Cô Mùi về rồi, nàng lấy cái khăn lụa hoa trắng mới khâu xong che lên mắt, rồi móc túi lấy cái gương con lật khăn lên soi và ngắm nghía một hồi lâu. Cái khăn lụa hoa trắng đắt tiền thật, nhưng đeo lên mắt thật là xinh và nhẹ quá. Bé lại mong cho cái khăn vải thường cũng mất để nàng có cớ mua cái khăn lụa hoa nữa thay đổi và lúc nào cũng được đeo khăn đẹp.

Tuy nhà có tôm, Bé cũng xách cái rổ đi qua phố cho khỏi ngượng. Bé thấy ai cũng nhìn mình và cho là họ nhìn cái khăn lụa mới. Ông giáo Đông đương đứng ở bực cửa, thấy Bé đi qua vội vàng quay vào nhà khép cửa lại.

Đi khỏi nhà bà Ký Ân, Bé bỗng nhiên đứng dừng lại một lúc. Quả tim nàng lại đập mạnh lên, hai tai nóng bừng và tuy không có ai, Bé cũng thấy xấu hổ như có người đương nhìn mình và biết rõ là mình có tính đĩ thoã.

Đỗi thấy Bé ở đằng xa đi lại, vội ngồi xoay lưng về phía Bé. Đỗi cũng đã từ lâu tức Bé không đến và Đỗi không hiểu vì cớ gì. Tuy ngày nào cũng có Tý đến câu tôm nhưng Đỗi không dám hỏi thăm về Bé và cứ chiều đến Tý về là Đỗi bắt đầu ngồi đợi và tức Bé. Đỗi chắc không phải Bé giận mình giẵm lên chân hôm ăn bánh, vì sau hôm đó Bé còn đến nhiều lần và hôm cuối cùng gặp đây còn cho mình xem mắt và mỉm cười với mình. Nghe Tý nói, chàng biết là Bé không ốm đau gì thế mà mua tôm cũng nhờ Tý mua hộ. Thấy tự nhiên vô cớ Bé không đến nữa, Đỗi cho là Bé đã quên mình và lại càng tức hơn. Hôm nay Bé đến giữa vào ngày Tý đi nơi khác câu tôm, Đỗi mới hiểu là Bé không đến chỉ vì Tý, và Đỗi mừng rỡ quả tim đập một cách sung sướng.

Bé thấy Đỗi ngồi quay mặt đi vội hắng giọng nhưng vẫn không thấy Đỗi nhúc nhích. Nàng bước mạnh xuống thuyền để như tỏ cho Đỗi biết là mình bực tức lắm. Đỗi quay lại cười, Bé quăng cái rổ trúng chân Đỗi:

"Cười gì, bán cho một ít tôm, mau lên người ta phải về ngay, bận lắm".

Đỗi nói:

"Tôm với tép gì. Ngồi xuống đây người ta xem mắt cho".

Bé vẫn đứng yên, quay mặt nhìn ra chỗ khác. Đỗi nhìn thấy mặt Bé giận mình, phụng phịu trông vừa đáng ghét vừa đáng yêu, chàng mỉm cười rồi giơ tay kéo mạnh tay Bé:

"Ngồi xuống đây".

Bé ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh Đỗi và lật khăn che mắt lên. Nàng định mắng Đỗi nhưng không tìm ra được câu mắng nào đích đáng; chính nàng lúc đó lại thấy rõ ràng là Đỗi không có lỗi gì để mắng cả. Nhưng mặt Bé vẫn hầm hầm đầy tức giận. Đỗi nhìn lâu vào hai con mắt Bé, chớp nhanh mấy cái, mỉm cười nói:

"Ừ, mắt độ này đã khá".

Chàng lại để ý đến cái khăn lụa hoa mới và nói tiếp:

"Đẹp nhỉ. Sao lâu lắm, đằng ấy không đến?"

Bé vẫn lầm lì nét mặt, không trả lời và ngón chân nàng đặt lên một ngón chân Đỗi. Đỗi định rụt chân mình lại vì tưởng chính chàng đã vô ý chạm vào chân Bé, nhưng chàng ngạc nhiên thấy ngón chân Bé ấn mạnh vào chân mình rồi lại nhấc lên ấn xuống. Đỗi sung sướng không nói được nữa; chàng ngồi đờ ra một lúc rồi khẽ kéo ngón chân mình ra đặt lên ngón chân Bé và bạo dạn đặt hẳn cả bàn chân lên, nhè nhẹ thoa chân mình vào chân Bé. Cả hai người đều thở mạnh. Bỗng có tiếng nói ở gần. Đỗi vội đứng dậy, cúi người cầm lấy cái rổ, tay run run vừa đi ra cửa khoang thuyền vừa nói cao giọng:

"Nào, mua bao nhiêu nào?"

Bé hất cái khăn che mắt xuống và nói:

"Bán cho như mọi lần".

Đỗi định kéo cái giỏ tôm ở dưới nước lên, vội ngừng lại vì thấy người đi đường rẽ xuống bến. Đỗi nhổ sào nói:

"Bác Phát đi đâu về đấy?"

Có người khác cùng đứng ở thuyền lúc đó, cả Đỗi cả Bé đều thấy dễ chịu và đỡ ngượng. Bác Phát đi rồi, Đỗi đẩy thuyền trở lại chỗ đậu cũ; chàng đưa rổ tôm cho Bé nói:

"Hôm nay tôi bán rẻ đấy".

Nói vậy nhưng Đỗi không nghĩ gì đến việc đòi tiền Bé và Bé vội vã đi ngay. Đỗi chống cây sào, nhìn theo Bé đi. Chàng có cái cảm tưởng như Bé là vợ mình rồi.

Đỗi đặt chân lên mũi thuyền và thẫn thờ đưa chân xoa đi xoa lại trên tấm ván, mỉm cười chớp mắt một lúc.