Yêu Người Ở Bên Ta

Chương 4

Tôi rời khỏi quán ăn trong thảng thốt, cảm thấy tâm trạng hỗn độn giữa sầu muộn, oán giận và thổn thức. Đó là một sự trộn lẫn lạ lùng, chao đảo của rất nhiều cảm xúc cứ thao thiết mãi lên trong cơn mưa, giờ tan ra thành muôn mảnh ngổn ngang buốt giá. Tôi thoáng định đi bộ về nhà, hầu mong được chìm trong ướt lạnh và buồn khổ, nhưng rồi tôi nghĩ lại. Chẳng việc gì phải đắm mình vào chuyện ấy, chẳng có lý do nào để phiền muộn hay thậm chí là bận tâm đến.

Vậy nên, thay vào đó, tôi đi về phía ga tàu điện ngầm, sải những bước dài quả quyết trên con đường trơn trượt. Đẹp đẽ, tồi tệ, và cả những kỷ niệm bình thường nhất về Leo vẫn cuộn xoáy trong đầu tôi nhưng tôi nhất định không chịu dừng lại ở bất kỳ kỷ niệm nào trong số đó. Chuyện quá xưa rồi, tôi lầm bầm thành tiếng khi bước trên cầu thang xuống ga tàu điện ngầm ở Union Square. Trên đường vào sân ga, tôi sải chân qua những vũng nước nhỏ và cố gắng tìm cách xua đuổi mọi ý nghĩ. Tôi mua một gói kẹo Butterscotch Life Savers trong quầy tạp phẩm, lướt qua những tít báo, hóng nghe một cuộc đàm thoại sôi nổi về chính trị, và quan sát dòng người hối hả chạy tới chạy lui trên các đường sân ga phía dưới. Bất cứ thứ gì để tránh được việc gợi nhắc hay diễn lại cuộc nói chuyện của tôi với Leo. Nếu cánh cửa được mở bung ra, tôi sẽ không ngừng phân tích tất cả những gì chúng tôi vừa nói, cũng như lối nói bóng gió ương ngạnh vốn xuất hiện quá thường xuyên như một phần của quãng thời gian chúng tôi bên nhau. Anh ấy bảo vậy là ý gì? Tại sao anh ấy lại nói như thế? Anh ấy vẫn còn cảm xúc với tôi sao? Giờ anh ấy cũng đã kết hôn rồi chứ? Nếu vậy, tại sao anh ấy không kể cho tôi?

Tôi tự nhủ rằng giờ đây tất cả điều đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Nó đã chẳng có nghĩa lý gì từ lâu rồi.

Chuyến tàu của tôi cuối cùng cũng vào ga. Giờ cao điểm nên mọi toa tàu đều đã kín, chỉ còn chỗ để đứng. Tôi chen vào một chỗ đứng bên cạnh một người mẹ và đứa con tầm tuổi tiểu học của cô. Ít nhất thì tôi cũng cho rằng đó là con gái cô - họ có kiểu mũi và cằm thon nhọn giống nhau. Cô bé mặc chiếc áo khoác thủy thủ với hai hàng khuy hình mỏ neo vàng. Họ đang bàn xem nên ăn gì vào buổi tối.

"Mì ống pho mát và bánh mì bơ tỏi được không ạ?" cô con gái đề nghị với vẻ rất hy vọng.

Tôi chờ đợi một câu phản đối quen thuộc của các bậc phụ huynh kiểu như "Chúng ta đã ăn món đó tối qua rồi mà", nhưng người mẹ chỉ mỉm cười và nói, "Được thôi, nghe có vẻ rất thích hợp với một ngày mưa đấy." Giọng nói của cô cũng ấm và mềm như loại ngũ cốc mà họ sẽ cùng ăn với nhau vào bữa tối vậy.

Tôi nghĩ về mẹ mình, như vẫn làm thế rất nhiều lần mỗi ngày, rõ ràng bà ít khích lệ hơn nhiều so với hai mẹ con đang đứng cạnh tôi lúc này. Ý nghĩ của tôi lại trôi tới một câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong đầu - mối quan hệ người lớn với nhau của mẹ con tôi thế nào? Tôi có nghi ngờ những điều bà khuyên nhủ khi tôi gặp khó khăn trong tình cảm, hay cố ý chống lại những gì bà muốn tôi làm không? Hay chúng tôi sẽ gần gũi như Margot và mẹ cô, ngày nào cũng nói với nhau bao nhiêu là chuyện. Tôi muốn nghĩ rằng chúng tôi có thể trở thành những người bạn tâm tình. Có thể không tới mức dùng chung quần áo, dày dép hay ôm nhau cười khúc khích (mẹ tôi quá nghiêm túc để làm như vậy), nhưng cũng có đủ cảm giác gần gũi để tôi nói với bà về Leo và về quán ăn. Bàn tay của anh ấy chạm vào tay tôi. Cảm xúc của tôi lúc này.

Tôi nghĩ tới mọi điều bà có thể nói với tôi, những lời an ủi kiểu như: Mẹ thật vui biết bao khi con có được Andy. Cậu ấy là người con trai mà mẹ không thể có được. Mẹ chẳng bao giờ quan tâm đến cái cậu kia cả.

Tất cả lời ấy thật dễ dàng đoán được, tôi nghĩ, rồi tiếp tục đào sâu hơn những suy tưởng đó. Tôi nhắm mắt nhớ lại hình ảnh của bà trước khi bà lâm bệnh, điều mà gần đây tôi không nghĩ tới. Tôi có thể thấy đôi mắt màu nâu lục nhạt hình quả hạnh của bà, giống mắt tôi, nhưng ở khóe mắt ngả sang màu sáng hơn - đôi mắt phòng ngủ, bố tôi lúc nào cũng gọi thế. Tôi hình dung ra vần trán rộng mịn màng của bà. Mái tóc dày bóng luôn được cắt tới vai cùng một kiểu đơn giản, không theo xu hướng hay thời trang nào, chỉ đủ dài để buộc túm ra sau khi bà làm việc nhà cửa vườn tược. Khe hở nhỏ giữa mấy cái răng cửa của bà và kiểu bà che tay một cách vô thức mỗi khi cười lớn.

Rồi tôi nhớ lại ánh nhìn nghiêm nghị nhưng thẳng thắn, thích hợp với vai trò cô giáo dạy toán tại một trường công lập hà khắc - và nghe thấy những lời nói bằng ngữ âm Pittsburgh rất nặng của bà: Nghe này, Ellie. Đừng nhồi cho lần chạm mặt này bất kỳ ý nghĩa dở hơi nào như con từng làm với cậu ta vào cuộc gặp đầu tiên. Nó không có nghĩa gì cả. Chẳng mảy may. Đôi khi, trong đời, có những thứ hoàn toàn vô nghĩa đấy.

Lúc này tôi muốn nghe theo mẹ. Tôi muốn tin rằng mẹ đang chỉ dẫn cho tôi từ một nơi xa xôi nào đó, nhưng tôi vẫn cảm thấy bất lực, để mặc cho mình trở lại hồi ức về lần đầu tiên gặp gỡ tại Tòa án Tối cao bang New York ở Centre Street khi Leo và tôi bị triệu đến làm bồi thẩm viên vào cùng một ngày thứ Ba, tháng Mười. Những tù nhân bị tống chung vào một căn phòng ồn ào kinh khủng, không cửa sổ, có mấy cái ghế gập kim loại, và ít nhất còn có thêm một gã nông dân quên xài thuốc khử mùi. Tất cả hết sức ngẫu nhiên, và trong một thời gian dài tôi đã điên rồ tin rằng, điều đó thật lãng mạn bởi vì hoàn toàn ngẫu nhiên.

Tôi mói hai mươi ba tuổi nhưng cảm thấy mình già hơn thế nhiều bởi nỗi lo sợ mơ hồ và cảm giác vỡ mộng đi kèm với việc phải rời xa cuộc sống an toàn trong trường đại học và đột ngột rơi vào thực tế xã hội, nhất là khi không có mục tiêu hay kế hoạch, không tiền bạc hay một người mẹ. Margot và tôi chuyển đến New York vào mùa hè trước đó, ngay sau khi chúng tôi tốt nghiệp, và Margot đã tiếp nhận vị trí nhân viên marketing tuyệt vời tại văn phòng tập đoàn thời trang J. Crew. Tôi nhận được lời mời tập sự tại Mellon Bank ở Pittsburgh, nên tôi dự định sẽ trở về nhà sống cùng bố và người vợ mới của ông, Sharon, một phụ nữ tốt bụng nhưng hơi xập xệ với bộ ngực đồ sộ và mái tóc ngã màu. Thế nhưng Margot lại thuyết phục tôi đi New York với cô, cho tôi một bài diễn thuyết hùng hồn về Big Apple(1) và rằng một khi đã thành công được ở đó thì tôi sẽ thành công ở bất kỳ nơi nào khác. Tôi miễn cưỡng đồng ý vì không thể chịu được ý nghĩ phải rời xa Margot cũng như không thể chịu được ý nghĩ phải nhìn người phụ nữ khác chiếm mất nhà tôi - nhà mẹ tôi.

Vậy là bố Margot thuê người vận chuyển tới đóng gói đồ đạc trong phòng ký túc xá, mua cho chúng tôi vé một chiều đi New York, giúp chúng tôi ổn định cuộc sống trong một căn hộ hai phòng ngủ xinh xắn ở giữa đường Columbus và đường 79, Margot với tủ quần áo công sở mới tinh và chiếc va li da cá sấu; tôi với tấm bằng triết học vô giá trị và một hòm áo phông lẫn quần soóc jean. Tôi chỉ có 433 đô la trong tài khoản và đã hình thành thói quen chỉ rút mỗi lần 5 đô la từ ATM, một số tiền mà thật kinh ngạc là không đủ mua cho tôi một cái sandwich bò ướp ở thành phố này. Tuy nhiên tài khoản ủy thác ông bà ngoại lập cho Margot vừa mới được kích hoạt, và cô khẳng định với tôi rằng bất kể thứ gì thuộc về cô đều là của tôi bởi vì, rốt cuộc, chẳng phải chúng tôi giống nhau như chị em hơn là bạn bè sao?

"Đừng có bắt mình sống trong một cái ổ chuột chỉ để cậu có thể trả nửa tiền thuê đấy nhé," cô nói đùa nhưng cũng hết sức nghiêm túc. Tiền bạc là thứ mà Margot chẳng những không phải nghĩ tới mà còn không muốn nghĩ tới hay bàn đến. Thế nên tôi đã học được cách kiềm chế lòng kiêu hãnh và phớt lờ cảm giác nóng mặt mỗi lần phải vay mượn cô. Tôi tự nhủ rằng trong chuyện này cảm xúc tội lỗi là một thứ thừa thải, và rằng một ngày kia tôi có thể trả lại cho cô , nếu không phải là tiền bạc thì cũng sẽ bằng một cách nào đó khác.

Suốt gần một tháng trời trong mùa hè tất tả đầu tiên ở New York, tôi thêm mắm thêm muối làm đẹp bộ hồ sơ rồi đem nộp vào bất cứ vị trí công việc nào tìm được. Tôi nhận được vô khối cuộc gọi, nhưng tất cả hẳn nhiên đều là những cuộc phỏng vấn chẳng hứa hẹn gì, bởi lẽ tôi là một kẻ tay không. Vậy nên cuối cùng tôi nhận công việc phục vụ tại L’Express, một quán cà phê ở Nam đại lộ Park luôn tự ví mình như một bouchon Lyon. Những giờ làm việc dài dằng dặc - tôi thường làm ca khuya - và chân tôi luôn luôn đau đớn, nhưng không phải mọi thứ đều tệ cả. Tôi kiếm được số tiền đáng ngạc nhiên (khách boa nhiều hơn vào đêm muộn), được gặp gỡ nhiều người thú vị và học được tất cả mọi thứ mà tôi từng khao khát muốn biết về các món thịt heo ướp kèm pho mát, chân giò hầm vang đỏ.

Trong thời gian rỗi, tôi thường đi chụp ảnh, việc đó ban đầu là sở thích, một cách tiêu khiển trong ngày và để tìm hiểu thêm về thành phố. Tôi lang thang quanh rất nhiều khu phố - Đông Village, Alphabet City, Soho, Chinatown, Tribeca - trong khi chụp ảnh với chiếc máy ảnh ống kính 35 milimet mà bố tôi và Sharon mua tặng nhân dịp tốt nghiệp. Nhưng chẳng bao lâu, chụp ảnh đã trở nên rất có ý nghĩa với tôi. Nó trở thành một thứ tôi không chỉ yêu thích mà còn thật sự cần phải làm, giống như cách các nhà văn nói về việc họ nhất thiết phải viết vai dòng văn lên trang giấy, hay những người mê môn chạy luôn phải chạy bộ vào buổi sáng. Chụp ảnh làm tôi vui sướng, khiến tôi ắp đầy mục đích ngay trong lúc tôi đang thực sự ở vào thời điểm thiếu định hướng và cô đơn nhất. Tôi bắt đầu thấy nhớ mẹ nhiều hơn hẳn hồi đại học, và lần đầu tiên trong đời, tôi thực sự thèm khát có được một tình yêu lãng mạn. Ngoại trừ chút phải lòng bất chợt và lén lút với Matt Iannotti năm học lớp 10, tôi chưa bao giờ đặc biệt quan tâm đến một người con trai nào. Thỉnh thoảng tôi có hò hẹn với một số chàng trai và từng quan hệ với hai cậu bạn cùng trường đại học, một nghiêm túc, một không nghiêm túc mấy, nhưng chưa khi nào tiến gần tới tình yêu. Mà tôi cũng chưa từng nói hoặc viết ra từ đó với bất kỳ ai khác ngoài gia đình tôi và Margot, vào những lúc cả hai chúng tôi đã uống đến say mèm. Tất cả mọi điều đều vẫn ổn với tôi cho tới năm đầu tiên chuyển đến New York. Tôi không chắc điều gì đã thay đổi trong trí não tôi, nhưng có lẽ đó là việc mình đã là một người trưởng thành thực sự, và như Margot vẫn nói, đang bị bủa vây bởi hàng triệu con người mà dường như ai cũng có những mơ ước rõ ràng và một người nào đó dể yêu.

Thế nên tôi dành toàn bộ tâm lực cho nhiếp ảnh. Tôi chi từng xu dành dụm được để mua phim và dùng mọi thời gian rãnh rỗi để đi chụp hình hoặc ngập chìm trong đống sách ở thư viện hay hiệu sách. Tôi ngấu nghiến cả loại sách tham khảo kỹ thuật chụp hình lẫn các bộ sưu tập của những nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Quyển sách yêu thích của tôi - Margot đã mua tặng tôi vào sinh nhật thứ hai mươi ba - là The Americans của Robert Frank, đăng tải hàng loạt bức ảnh ông chụp vào thập niên năm 1950 khi chu du vòng quanh đất nước. Tôi đã bị mê hoặc bởi những tấm hình đen trắng của ông, mỗi tấm chức đựng cả một câu chuyện trong đó. Tôi cảm thấy như thể mình có quen biết người đàn ông vạm vỡ cúi người bên chiếc máy hát, người phụ nữ thanh lịch ngoái nhìn qua vai trong chiếc thang máy, và cả bà nhũ mẫu da đen cưng nựng dỗ dành em bé da trắng đang gào khóc. Tôi nhận ra rằng vượt lên tất cả mọi điều, cảm giác hoàn toàn tin mình quen biết các nhân vật trong bức ảnh ở người xem chính là điểm mấu chốt của một tác phẩm vĩ đại. Nếu chụp được những bức hình như vậy, tôi nghĩ, mình vẫn có thể cảm giác đủ đầy, kể cả khi không có bạn trai.

Nghĩ lại thì lúc ấy tôi hoàn toàn chẳng biết phải làm gì tiếp theo, nhưng chính Margot đã chỉ ra những điều hiển nhiên - một trong những việc mà đúng thực là bạn bè sinh ra để giúp nhau như thế. Hôm đó cô vừa trở về nhà từ chuyến công tác tới Los Angeles, quẳng xoẹt chiếc va li xuống, dừng lại bên bàn bếp cầm một trong những tấm ảnh mới rửa của tôi lên. Đó là tấm ảnh màu chụp một cô bé mới lớn đang thẫn thờ ngồi trên vỉa hè của đại lộ Bedford ở Brooklyn, mọi thứ trong túi xách văng ra khắp đường xung quanh. Em có mái tóc màu đỏ xoăn dài và trông thật xinh tươi trong hương sắc tuổi dậy thì không son phấn, một vẻ đẹp mà tôi còn chưa cảm nhận được trọn vẹn, bởi cũng như em, lúc đó tôi còn quá trẻ. Một tay em chới với nhặt lại tấm gương đã vỡ, còn tay kia hờ hững đặt lên vầng trán.

"Ôi!" Margot thốt lên, nâng tấm ảnh tới sát mặt. "Bức hình tuyệt quá."

"Cảm ơn cậu," tôi nói, cố làm ra vẻ bình thường nhưng thực cảm thấy rất tự hào. Đó là một bức ảnh tuyệt vời.

"Sao cô bé trong ảnh buồn quá vậy?" Margot hỏi.

Tôi nhún vai bảo với cô rằng tôi hiếm khi trò chuyện với những người mà tôi chụp hình. Tôi chỉ làm vậy khi người ta trông thấy tôi chụp ảnh họ và tới bắt chuyện trước thôi.

"Có lẽ cô bé mất ví," Margot nói.

"Có thể em vừa chia tay bạn trai," tôi nói.

Mà cũng có thể mẹ em mới qua đời.

Margot tiếp tục nghiên cứu tấm ảnh , bình luận rằng đôi tất dài tới gối màu đỏ tươi của cô bé tạo cho bức hình một ấn tượng hết sức đặt biệt. "Dù sao thì," Margot nói tiếp, sử dụng cảm quan thời trang của mình như thường lệ, "mốt tất dài tới gối đang trở lại rồi. Mặc cho cậu có thích nó hay không."

"Không thích đâu," tôi đáp. "Nhưng cũng có để ý."

Thế rồi ngay lúc ấy cô nói với tôi, "Hình cậu chụp thực sự kỳ tài đấy, Ellen ạ." Margot khẽ gật đầu với vẻ nghiêm túc trong lúc quấn mái tóc mềm mại màu mật ong thành búi rồi cài vào đó một chiếc bút bi bấm để giữ cho chặt. Đó là thứ kỹ nghệ độc đáo tuyệt vời mà tôi cố bắt chước hàng trăm lần, thế nhưng chưa một lần nào làm được trông đúng như vậy cả. Trong những chuyện liên quan đến đầu tóc, quần áo hay trang điểm, không hiểu sao tất cả mọi thứ tôi học lõm từ Margot đều chẳng giống là bao. Cô gật đầu lần nữa rồi nói, "Cậu nên theo đuổi con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp đi."

"Cậu nghĩ vậy ư?" tôi hỏi một cách chân tình.

Thật kỳ lạ là chẳng hiểu tại sao, tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều đó. Có lẽ tôi đã quá lo lắng rằng nhiệt tâm của mình lớn hơn so với khả năng. Tôi không thể chịu được ý nghĩ sẽ thất bại trong một lĩnh vực mà mình hết sức đam mê. Nhưng ý kiến của Margot đã có tác động vô cùng to lớn với tôi. Và mặc dù đôi khi Margot chẳng mấy thật thà trong những lời ngợi khen hay ca tụng kiểu miền Nam của mình, cô không bao giờ đối xử như vậy với tôi. Cô luôn luôn dành cho tôi những lời nhận xét thẳng thắn - dấu hiệu của một tình bạn đích thực.

"Mình biết rõ như thế," cô nói. "Cậu nên tấn công vào lĩnh vực ấy. Làm công việc đó một cách thật sự."

Thế là theo lời khuyên của Margot, tôi bắt đầu tìm kiếm một công việc mới liên quan đến nhiếp ảnh. Tôi nộp hồ sơ vào mọi vị trí trợ lý mà tôi tìm thấy, kể cả vài ba chỗ phụ tá cho mấy tay thợ ảnh kém cỏi chụp hình đám cưới ở Long Island. Nhưng vì chẳng được đào tạo chính quy nên một lần nữa tôi bị tất cả các nhà tuyển dụng từ chối, cuối cùng đành phải vào làm công việc tráng phim với đồng lương chết đói trong một hiệu ảnh nhỏ bé, tồi tàn, trang thiết bị cổ lỗ. Mình cần một nơi để bắt đầu, tôi tự nhủ như thế khi bắt xe buýt xuống một khu nhếch nhác ở Đại lộ Hai trong ngày đầu tiên đi làm, cũng như khi giở chiếc sandwich nhân lạc- bơ- mứt ra ăn trong tầng hầm chỉ có mỗi một cái quạt thông gió, nồng nặc mùi thuốc lá và chất tẩy.

Nhưng rồi hóa ra đó là một công việc khởi đầu lý tưởng, tất cả nhờ có Quỳnh, cô gái người Việt Nam kết hôn với con trai ông chủ hiệu ảnh. Quỳnh nói tiếng Anh còn bập bõm nhưng lại cực kỳ giỏi về màu sắc, cô dạy cho tôi thủ thuật in tùy chỉnh còn nhiều hơn tôi có thể học từ bất kỳ lớp học nào (mà rốt cuộc là còn nhiều hơn những gì tôi học được thật, khi cuối cùng tôi cũng đã vào trường nhiếp ảnh). Hằng ngày trong khi quan sát các ngón tay mảnh dẻ thoăn thoắt đặt phim lên rồi vặn những chiếc nút trên mấy cái máy, tăng thêm một chút màu vàng, giảm bớt đôi phần sắc xanh để có được bức hình ưng ý nhất, tôi cảm thấy yêu hơn biết bao công việc mình vừa lựa chọn.

Cuộc đời của tôi đang diễn ra như thế vào cái ngày tôi nhận được tờ giấy triệu tập làm bồi thẩm viên quái quỷ đó. Mặc dù vẫn còn rất nghèo, tôi luôn cảm thấy đầy đủ, hạnh phúc, ngập tràn hy vọng, thế nên tôi không quá lo lắng khi phải trì hoãn công việc (và thu nhập) để thực hiện trách nhiệm trong một bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên Margot gợi ý tôi xin lời khuyên của Andy xem làm sao để được miễn trừ trách nhiệm, lúc này anh mới vào năm thứ ba trường luật thuộc đại học Columbia. Thế là tôi gọi cho anh, và anh cả quyết với tôi rằng đó là việc dễ như bỡn.

"Em không thể nói dối trong lúc sát hạch để tuyển lựa bồi thẩm đoàn," Andy nói trong khi tôi lắng nghe và ấn tượng với thuật ngữ Latin mà anh sử dụng. "Nhưng em có thể thổi phồng những thành kiến của mình lên. Chỉ cần làm sao ẩn ý được rằng em chẳng ưa gì giới luật sư, không tin nổi cớm, và ghét cay ghét đắng bọn nhà giàu. Bất cứ thứ gì mà dường như mấy gã trong tòa án đang muốn nghe."

"Được thôi," tôi nói. "Em thực sự ghét bọn nhà giàu mà."

Andy bật cười. Có thể anh cho rằng tôi đang đùa, nhưng chắc hẳn từ Margot, anh cũng biết rõ tình trạng túng thiếu triền miên của tôi. Anh hắng giọng rồi nói tiếp với vẻ nghiêm túc, "Khai thác triệt để ngôn ngữ cơ thể cũng là một thủ thuật hay. Làm ra vẻ miễn cưỡng và phiền toái khi phải ở đó. Cứ như thể em đang có việc quan trọng hơn nhiều. Giữ tay luôn khoanh trước ngực. Không ai muốn có một bồi thẩm viên thiếu kiên nhẫn cả."

Tôi nói tôi chắc chắn sẽ làm theo lời khuyên của anh. Làm bất cứ điều gì để quay trở lại với cuộc sống được lập trình đều đặn - và đống hóa đơn lúc nào cũng đòi thanh toán khẩn cấp của tôi.

Nhưng mọi ý nghĩ ấy tan biến trong thoáng chốc ngay khi tôi nhìn thấy Leo lần đầu tiên, một khoảnh khắc hằn sâu trong tâm trí tôi mãi mãi.

Lúc đó trời vẫn còn tinh mơ nhưng tôi đã đọc hết nhẵn đống tạp chí trong chiếc túi xách mang theo, đã xem đồng hồ hàng trăm lần, và cũng đã gọi cho Quỳnh từ một bốt điện thoại để trình bày sự việc với cô, thế là tôi lại ngồi vào ghế của mình, lướt mắt khắp một lượt phòng bồi thẩm, và trông thấy anh đang ngồi chéo góc phía trước tôi, cách chừng vài ba hàng ghế. Anh vừa đọc trang cuối của tờ tạp chí New York Post vừa gật gật đầu theo nhịp điệu của bài hát phát ra từ chiếc Discman của mình, và đột nhiên trong tôi trào lên một sự thôi thúc điên rồ muốn biết xem anh đang nghe gì. Chẳng hiểu tại sao, tôi tưởng tượng rằng đó hẳn phải là ban nhạc Steve Miller Band hoặc bộ ba Crosby, Stills và Nash. Những dòng nhạc rất phong lưu và nam tính thật phù hợp với chiếc quần bò mài Levi’s, cái áo nỉ chui đầu và đôi giày Adidas buộc hờ. Lúc anh ngẩng lên liếc nhìn chiếc đồng hồ treo tường, tôi ngắm nhìn nét mặt nghiêng nghiêng của anh. Cái mũi đặc biệt (về sau Margot đặt cho nó cái tên mũi cua bò), đôi gò má cao, và mái tóc sẫm màu, gợn sóng quặp vào cái cổ có làn da mịn màng màu ô liu. Leo không quá cao lớn , nhưng anh có bờ vai và khuôn lưng rộng trông hết sức vững chãi. Tôi hình dung cảnh anh nhảy dây trong một phòng tập thể hình trống trơn, đơn giản, hoặc lúc anh chạy lên bậc tam cấp vào tòa án, phong cách cực kỳ thể thao, và quyết định rằng anh quyến rũ thì đúng hơn là đẹp trai. Trong đó bao hàm cả phần "Chắc chắn anh ta rất tuyệt khi ở trên giường" của định nghĩa về quyến rũ. Ý nghĩ đó khiến tôi kinh ngạc bởi vì tôi không có thói quen đánh giá các chàng trai xa lạ theo cái cách đậm màu thể xác đó. Giống như hầu hết phụ nữ, tôi luôn hướng tới việc tìm hiểu con người trước tiên - sự lôi cuốn dựa vào tính cách. Hơn thế nữa, tôi thậm chí còn không mang theo ý nghĩ ấy vào những lần ái ân. Vẫn chưa.

Như thể đọc được ý nghĩ của tôi, Leo xoay người trên ghế, ném cho tôi một ánh nhìn hài hước, ranh mãnh như muốn nói, "Tôi tóm được cô rồi," mà cũng có thể chỉ là, "Cái trò bồi thẩm viên này vớ vẩn quá, phải vậy không?" Anh có đôi mắt sâu thăm thẳm (thăm thẳm đến nỗi tôi chẳng làm sao nói cho chính xác màu của chúng), bằng cách nào đó chúng tạo nên vẻ bí ẩn dưới ánh đèn huỳnh quang vàng vọt. Tôi lưu giữ ánh nhìn đó trong khoảnh khắc tựa hồ một nhịp nguy hiểm, trước khi làm bộ chú ý vào tay nhân viên đang giải thích ít nhất là đến lần thứ năm về những trường hợp được miễn thực hiện nhiệm vụ vì lý do sức khỏe.

Về sau, Leo cứ nói rằng trông tôi lúc đó hết sức bối rối, trong khi tôi kịch liệt phản đối, khăng khăng rằng tôi chẳng tôi chẳng để ý tới anh tẹo nào. Tuy nhiên, chúng tôi đồng thuận rằng đó là khoảnh khắc mà trách nhiệm bồi thẩm viên không còn hoàn toàn vớ vẩn nữa.

Suốt một giờ sau đó, tôi chú ý tỉ mỉ từng cử động nhỏ nhất của Leo. Tôi quan sát anh vươn vai ngáp ngắn ngáp dài. Tôi quan sát anh gập tờ báo lại rồi xếp gọn xuống dưới ghế. Tôi quan sát anh thong dong ra khỏi phòng rồi quay lại với một gói bánh quy đậu phộng bơ giòn tan và cứ thế ăn tự nhiên, mặc kệ những tấm bảng Không Ăn Uống dán khắp xung quanh phòng. Anh không nhìn lại tôi lấy một lần, nhưng tôi có cảm giác anh biết rõ tôi đang quan sát anh, và điều đó khiến tôi run rẩy lạ thường. Tôi không định gọi nó bằng những điều dớ dẩn như yêu từ cái nhìn đầu tiên - tôi không tin vào những thứ như thế - nhưng tôi biết mình đã bị mê hoặc theo một cách vô tiền khoáng hậu, không tài nào cắt nghĩa nổi.

Và rồi nàng thánh nữ bảo hộ bồi thẩm viên đã ban phước cho lời cầu nguyện của tôi. Tên chúng tôi được gọi, cùng với một loạt cái tên khác, và rốt cuộc chúng tôi được xếp ngồi sát cạnh nhau chỉ cách vài phân trong cùng một bồi thẩm đoàn. Chẳng có gì vĩ đại hay hào nhoáng hay lãng mạn kiểu phim ảnh nơi căn phòng xử án nhỏ bé ấy, tuy nhiên vẫn có cảm giác như thể một điều gì đó nghiêm trang và trịnh trọng sắp sửa xảy ra, một cảm giác khiến cho việc ngồi sát bên Leo trở nên hết sức thân tình. Từ khóe mắt, tôi có thể thấy cánh tay anh chằng chịt những đường gân xanh, và tôi ngạc nhiên với nỗi khát khao rung động khiến tôi nhớ lại khi phải lòng Matt thời trung học, nhớ lại tâm trạng phởn phơ một sáng nọ khi ngồi cạnh Matt trong hội trường ẩm mốc suốt giờ giảng chán ngắt về tất cả những con đường mà ma túy có thể phá hủy cuộc sống của chúng ta. Tôi nhớ mình đã chìm đắm trong hương nước hoa Aramis sực nức của Matt (thứ mùi mà đến giờ tôi vẫn còn có thể nhận ra giữa đám đông) và cười phá lên với những câu đùa lém lỉnh của chàng về tất cả các cách mà thật ra cần sa có thể nâng đỡ cuộc đời ta. Nghĩ kỹ thì, Leo gần như một bản sao lớn tuổi hơn của Matt, điều đó khiến tôi băn khoăn tự hỏi phải chăng tôi thực sự có một hình mẫu chàng trai trong lòng, mặc dù tôi luôn khăng khăng cả quyết với Margot điều ngược lại. Nếu đúng vậy thì anh đích thị là hình mẫu ấy. Thế rồi khi tôi đang miên man nghĩ đến điều đó, tay ủy viên công tố hướng sự chú ý tới Leo và nói với một điệu bộ tươi vui thái quá. "Bồi thẩm viên số Chín. Xin chào."

Leo gật đầu đáp lại với vẻ xa cách nhưng kính trọng.

"Ngài sống ở đâu?" tay công tố viên hỏi.

Tôi ngồi thẳng dậy trên ghế, mong rằng giọng nói của anh sẽ tương hợp với vẻ bên ngoài. Sẽ chẳng có gì tệ hơn giọng nói lóe chóe, đi kèm với hai cổ tay lẻo khẻo, đôi bờ vai xuôi xị và cái bắt tay yếu xèo ở một gã đàn ông.

Tất nhiên, Leo không làm tôi thất vọng. Anh đằng hắng rồi cất tiếng với giọng nói trầm ấm, tự tin mang ngữ âm New York chuẩn. "Morningside Heights."

"Ngài sinh trưởng ở đó à ?"

"Không, tôi đến từ Astoria," Leo nói. "Sinh ra và lớn lên ở đấy."

Oa! Vùng Queens! Tôi thầm tán thưởng, bởi vì khi ấy tôi đã bắt đầu thực sự yêu những vùng ngoại ô. Có thể bởi Brooklyn, Bronx và Queens gợi cho tôi nghĩ tới quê nhà - mảnh đất của người dân lao động với sự gần gủi tin yêu. Cũng có thể bởi vì những bức ảnh tôi chụp ở xa vùng trung tâm giàu có của New York luôn luôn hấp dẫn hơn nhiều.

Công tố viên tiếp tục, hỏi Leo làm nghề gì, trong khi tôi thầm nghĩ cuộc sát hạch tuyển lựa bồi thẩm đoàn cò thú vị hơn cả buối hẹn hò đầu tiên. Một ai đó đặt câu hỏi trong khi ta được nghe lén. Và anh chàng của ta phải nói sự thật. Quá hoàn hảo.

"Tôi là một người viết… Một phóng viên," Leo nói. "Tôi quản lý vài chuyên mục cho một tờ báo nhỏ."

Hoàn hảo, tôi lại nghĩ. Tôi hình dung ra cảnh anh lang thang trên những con phố với cuốn sổ gáy xoắn trên tay và trò chuyện với những người trung niên trong mấy quán bar tối tăm vào giữa buổi chiều để viết một bài về việc New York đang đánh mất tất cả bản sắc và truyền thống như thế nào.

Và cuộc trao đổi tiếp tục như vậy một lúc, trong khi tôi rung động trước những câu trả lời của Leo bởi những điều anh nói cũng như bởi gương mặt lạnh lùng mà vô cùng biểu cảm của anh. Tôi nghe thấy rằng anh học đại học được ba năm thì phải nghỉ vì "không còn tiền". Anh chẳng biết một luật sư nào cả, ngọai trừ cậu bạn tên là Vern học cùng tiểu học, "người hiện đang làm luật sư chuyên về các vụ chủ động khuyến khích nạn nhân kiện tụng để kiếm tiền, nhưng cho dù công việc có thế nào thì anh ta vẫn là người rất tử tế. Không có gì đáng để chê trách." Bố và các anh trai anh là lính cứu hỏa, nhưng anh chẳng bao giờ cảm thấy công việc truyền thống của gia đình "thật sự hấp dẩn". Anh chưa từng lập gia đình và không có đứa con nào "mà anh được biết". Anh chưa từng là nạn nhân của vụ ẩu đả nào, "trừ khi ông tính đến những lần thua trong các vụ cãi vã với bồ."

Với câu nói hài hước sau cùng của Leo, mong mỏi được phóng thích của tôi hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, tôi đón nhận trách nhiệm công dân của mình với một cảm giác yêu thích mới mẻ. Khi đến lượt mình trả lời câu hỏi, tôi đã làm tất cả những điều Andy khuyên tôi không nên làm. Tôi tỏ ra vô cùng thân thiện và háo hức được làm vui lòng mọi người. Tôi trao cho luật sư cả hai bên nụ cười nhiệt tình nhất của mình, cho họ thấy tôi là một bồi thẩm viên lý tưởng, khoáng đạt tới chừng nào. Tôi nói qua về công việc của mình, về việc Quỳnh cần tôi cho hiệu ảnh thế nào, nhưng rồi lại tỏ ra cao thượng mà kết luận rằng hệ thống thực thi luật pháp và Hiến pháp làm nền tảng cho hệ thống đó là đáng để cho tôi hy sinh.

Và rồi trong những vòng thẩm vấn tiếp theo, khi Leo và tôi vẫn được chọn là bồi thẩm viên số Chín và số Mười, tôi đã rất vui sướng, một cảm giác cứ trở đi trở lại trong suốt sáu ngày lấy lời khai sau đó, bất chấp những chi tiết vô cùng sinh động của vụ đâm người tàn bạo bằng dao xén giấy ở Spanish Harlem. Một gã trai hai mươi tuổi đã chết, còn một đứa khác bị đi tù vì tội giết người, và tôi đã hy vọng rằng việc tìm chứng cớ sẽ kéo dài trước khi ngã ngũ. Tôi không sao cưỡng lại mong mỏi đó. Tôi khao khát có thêm thời gian ở cạnh Leo, thêm cơ hội để trò chuyện với anh. Để hiểu con người anh cho tường tận. Tôi cần biết rằng phải chăng sự phải lòng của tôi - mặc dù từ này có vẻ tầm thường hóa cảm gíac trong tôi lúc đó - đã bắt đầu. Suốt thời gian ấy, Leo tỏ ra thân thiện, nhưng vẫn thật khó tiếp cận. Anh đeo tai nghe bất cứ khi nào có thể, tránh xa các cuộc xì xào trên hành lang bên ngoài phòng xử án, nơi những bồi thẩm viên còn lại sẳn sàng tào lao bất cứ chuyện gì ngoài lề vụ án, anh luôn ăn trưa một mình thay vì ăn cùng bọn tôi ở hàng cơm sát cạnh tòa. Sự đề phòng của anh chỉ càng khiến tôi thích anh hơn.

Rồi một buổi sáng nọ, ngay trước lúc kết thúc phần tranh luận, khi chúng tôi đang ngồi trên ghế bồi thẩm, Leo quay sang nói với tôi, "Thế đấy." Rồi anh nở nụ cười chậm rãi, chân thành cứ như thể chúng tôi đang có chung một bí mật. Tim tôi xao xuyến lạ. Và rồi, như thể định mệnh, chúng tôi thực sự có chung một bí mật.

Bí mật đó bắt đầu từ suốt các cuộc tranh luận quanh vụ án khi mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng Leo và tôi có chung quan điểm về lời khai. Nói tóm lại, cả hai chúng tôi đều thiên về khả năng tuyên bố trắng án hoàn toàn. Hành vi sát nhân không còn là vấn đề cần phải tranh luận - bị cáo đã thú nhận và lời khai không bị bác bỏ - vậy nên vấn đề tranh cãi duy nhất là có phải anh ta hành động để tự vệ hay không. Leo và tôi đều cho là như vậy. Hay, nói chính xác hơn, chúng tôi nghĩ có hàng đống nghi ngờ đối với những chứng cứ của công tố viên cho rằng anh ta không hành động để tự vệ - một sự khác biệt tinh vi mà thật đáng quan ngại là ít nhất nửa tá bồi thẩm viên đã không cảm nhận được. Chúng tôi cứ hết lần này đến lần khác cứ xoáy vào chi tiết bị cáo không hề có tiền án tiền sự (một điều gần như kỳ diệu trong môi trường sống khắc nghiệt của cậu ta), và cậu ta sợ chết khiếp tên nạn nhân (kẻ vốn là tay trùm anh chị khét tiếng ở Harlem và đã đe dọa bị cáo suốt nhiều tháng liền - tới mức cậu ta đã phải nhờ đến sự bảo vệ của cảnh sát). Và cuối cùng, bị cáo mang theo dao xén giấy là hành động bình thường đối với công việc của bị cáo tại một công ty vận chuyển. Tất cả những điều này đã gia cố cho niềm tin của chúng tôi rằng bị cáo đã quá khiếp đảm khi bị nạn nhân và ba gã tay chân trong băng đảng của hắn dồn vào chân tường, và đã ra tay trong tình trạng tự vệ một cách hoảng loạn. Đó dường như là một kịch bản đáng tin cậy - và hoàn toàn đáng tin cậy tới mức đủ để nghi ngờ chứng cứ của công tố viên.

Sau ba ngày dài loay hoay giữa những vòng luẩn quẩn ngày càng phức tạp thêm, chúng tôi vẫn còn vướng mắc với những thành viên còn lại của đoàn bồi thẩm, tất cả chúng tôi cùng bị giam lỏng khốn khổ trong nhà nghỉ Ramada tồi tàn ở gần sân bay JFK. Chúng tôi được phép xem ti vi - hẳn là vụ án không đáng để đưa tin trên truyền hình - nhưng chúng tôi không được phép gọi ra ngoài , cũng không được thảo luận với nhau về vụ án ngoại trừ trong các cuộc tranh luận chính thức tại phòng bồi thẩm.

Thế nên một đêm, khi điện thoại phòng khách sạn của tôi đổ chuông, tôi đã rất ngạc nhiên tự hỏi đó có thể là ai, và âm thầm mong rằng đó là Leo. Có thể anh ấy đã ghi nhớ số phòng của tôi trên đường chúng tôi trở lại khách sạn sau bữa tối chung có sự giám sát của chấp hành viên tòa án hôm đó. Tôi với tay mò chiếc điện thoại và khẽ a lô vào ống nói.

Leo đáp lại bằng tiếng chào thì thầm. Rồi anh nói như thể đang có chút bối rối, "Bồi thẩm viên số Chín. Leo đây."

"Tôi biết," tôi nói, cảm thấy máu dồn từ não xuống khắp tứ chi.

"Nghe này," anh nói (sau ba ngày tranh luận, tôi đã biết anh thường bắt đầu câu nói với từ "nghe này", một thói quen mà tôi rất thích). "Tôi biết là tôi không được phép gọi cho cô… nhưng mà tôi sắp phát rồ rồi đây…"

Tôi không chắc anh có ý gì khi nói vậy - phát rồ vì bị giam lỏng hay phát rồ vì si mê tôi. Tôi nghĩ hẳn phải là vế trước . Vế sau thì quá tuyệt vời để có thể trở thành sự thật.

"Vâng. Tôi hiểu ý anh," tôi nói, cố gắng giữ giọng bình tĩnh. "Tôi vẫn cứ không thể ngừng nghĩ đến lời khai. Thật là phát điên lên được."

Leo thở ra trong điện thoại và nói sau một khoảng im lặng kéo dài, "Ý tôi là chẳng phải quá tệ hay sao khi để một tá những kẻ ngốc nghếch quyết định số phận của ta?"

"Một tá kẻ khờ dại ?" tôi nói, cố gắng tỏ ra vui vẻ, dễ thương. "Nói về mình thế đấy à, anh bạn."

Leo phá lên cười, trong khi đó tôi nằm trên giường, lòng dạt dào cảm xúc.

Rồi anh nói, "Okay. Mười kẻ ngốc nghếch. Hay chắc chắn chí ít cũng là tám."

"Phải," tôi nói. "Tôi cũng nghĩ thế."

"Tôi nói nghiêm túc đấy," anh tiếp tục. "Cô có thể tin tưởng mấy người đó không chứ? Phân nửa trong số họ chẳng có tí đầu óc thông thoáng nào - nửa còn lại thì là những kẻ khờ không có tí chính kiến chỉ biết ba phải theo mấy tay bạn cùng ăn trưa."

"Tôi cũng nghĩ thế," tôi lặp lại, tự thấy câu đó thật ngớ ngẩn. Tôi không tin nổi cuối cùng chúng tôi cũng có một cuộc trò chuyện thật sự. Và khi ấy, nằm trong bóng tối, trùm chăn kín mít, tôi cảm thấy hết sức ngạc nhiên. Tôi nhắm mắt, tưởng tượng ra hình ảnh Leo trên giường. Tôi không thể tưởng tượng được mình lại ham muốn một người hoàn toàn xa lạ đến thế.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này," Leo nói, "nhưng nếu bị xét xử tại tòa thì tôi thà phải đối mặt với quan tòa còn hơn là với một bồi thẩm đoàn."

Tôi đáp rằng tôi hẳn phải đồng ý với điều đó thôi.

"Quỷ thật. Tôi thà có một tay quan tòa chuyên ăn của đút nhận hối lộ từ bọn đối thủ của tôi còn hơn phải chịu đựng một hội dở hơi thế này."

Tôi bật cười khi anh bắt đầu pha hài về những giai thoại ngoài lề còn thái quá hơn mấy gã trong ban bồi thẩm đã kể cho nhau nghe. Anh nói đúng. Đây lại là một sự ngoại lề tiếp nối các sự ngoài lề trong căn phòng khép kín với thế giới bên ngoài đó - một cuộc tranh luận về chuyện đời sống chẳng có chút liên quan nào tới phiên tòa.

"Một số người chỉ thích nghe bản thân nói thôi," tôi nói. Và rồi bồi thêm: "Anh dường như chẳng thuộc số họ, Ngài Tách Biệt ạ."

"Tôi không tách biệt," Leo đáp trả một cách yếu ới.

"Có đấy," tôi nói. "Ngài- Đeo- Tai- Nghe để không phải trò chuyện cùng ai cả ạ."

"Tôi đang nói đấy thôi," Leo nói.

"Cũng đến lúc rồi đấy," tôi nói, thầm nghĩ thật dễ dàng biết bao để có thể dũng cảm trong bóng tối, bên ống nghe điện thoại.

Một khoảng im lặng kéo dài trong cảm giác ấm áp lẫn ngại ngùng. Rồi tôi chợt nhận ra chúng tôi sẽ gặp rắc rối lớn nếu Chester, tay chấp hành viên tòa án lúc nào cũng kè kè như bảo mẫu, phát hiện ra chúng tôi đang nói chuyện điện thoại. Mà lại còn về phiên tòa nữa chứ, thật đáng ngạc nhiên.

"Phải, chúng ta nên thế," Leo nói. Rồi anh chầm chạp nói thêm đầy thận trọng, "Và tôi cá rằng chúng ta còn có nhiều chuyện hay hơn nữa nếu tôi đến chỗ cô ngay bây giờ, nhỉ?"

"Gì cơ?" tôi hỏi, mặc dù tôi đã nghe thấy điều anh nói, rất to và rõ ràng.

"Tôi đến chỗ cô nhé?" anh hỏi lại, giọng nói có chút khêu gợi.

Tôi ngồi bật dậy, vuốt ve tấm chăn quấn quanh mình. "Chester thì sao?" tôi hỏi, cảm thấy giọng nói của mình thật yếu ớt.

"Ông ta đi ngủ rồi. Các phòng đều yên ắng. Tôi kiểm tra rồi."

"Thật sao?" tôi hỏi. Tôi chẳng nghĩ ra cái gì khác để nói.

"Thật. Đúng thế… Vậy?"

"Vậy?" tôi lặp lại.

"Vậy tôi có thể đến chỗ cô được chứ? Tôi chỉ… muốn nói chuyện. Trực diện. Một mình."

Tôi không thật sự tin đó là tất cả những gì Leo muốn - phần lớn trong tôi mong rằng đó là sự thật. Tôi nghĩ bề muôn vàn rắc rối mà chúng tôi sẽ mắc phải nếu cả hai bị phát hiện đang ỡm ờ nhau trong khi giữ vai trò bồi thẩm viên, và nghĩ đến chuyện vì trách nhiệm với bị can chúng tôi phải tôn trọng các quy định - hành động khinh suất của chúng tôi có thể dẫn đến một vụ xét xử sai thủ tục. Tôi nghĩ đến chiếc áo phông hiệu Steelers và cái quần cotton thiếu hấp dẫn đến chừng nào và tôi cũng không có bộ nào khá hơn trong chiếc va li nhét vội nhét vàng của mình. Tôi suy nghĩ theo lối tư duy truyền thống của phụ nự rằng nếu tôi đồng ý - và rồi điều gì quả thực xảy ra - vậy thì Leo có thể sẽ đánh mất lòng tôn trọng đối với tôi, và chúng tôi sẽ kết thúc trước khi kịp bắt đầu.

Thế nên tôi mở miệng, sẵn sàng nói câu phản đối, hoặc chí ít ra cũng là một lời chối quanh. Nhưng thay vì thế, tôi thì thào một từ vâng khôn cưỡng vào điện thoại. Đó sẽ lần đầu tiên trong muôn vàn lần tôi không thể nói không với Leo.

(1) Big Apple: Quả táo lớn - Cách gọi thành phố New York, ám chỉ đây là miền đất hứa.